Quyết định 889/QĐ-UBND năm 2016 về Kế hoạch Phòng, chống thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020
Số hiệu: 889/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum Người ký: Nguyễn Hữu Hải
Ngày ban hành: 15/08/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 889/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 15 tháng 08 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2016-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai số 33/QH/2013;

Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 18/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh Kon Tum: số 315/QĐ-UBND ngày 08/6/2015 và số 337/QĐ-UBND ngày 18/6/2015 về việc thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum; Quyết định số 422/QĐ-UBND ngày 06/8/2015 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Kon Tum;

Xét đề nghị của Cơ quan Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Tờ trình số 174/TTr-SNN-QLXDCT ngày 01/8/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Phòng, chống thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Cơ quan Thường trực, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các thành viên Ban chỉ huy và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- UBQG Tìm kiếm cứu nạn (b/c);
- Ban chỉ đạo TW về PCTT (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Chi cục PCTT-MTTN;
- Văn phòng TT BCH PCTT và TKCN tỉnh;
- Lưu: VT, TH, NNNN4.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hải

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Quyết định số 889/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Phần mở đầu

CÁC CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I. Cơ sở pháp lý xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai

Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 ngày 19/6/2013.

Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/ 7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai.

Quyết định số 1061/QĐ-TTg ngày 01/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống thiên tai.

Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 18/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai.

Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

Quyết định số 1182/QĐ-TTs ngày 17/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San.

Quyết định số 8931/QĐ-BCT ngày 03/10/2014 của Bộ Công thương về việc bổ sung quy định vận hành đón lũ của hồ chứa thủy điện trong các quy trình vận hành hồ chứa đã được Bộ Công thương ban hành.

Quyết định số 47/TWPCTT ngày 19/5/2015 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc định hướng xây dựng phương án ứng; phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai.

Văn bản số 3468/BNN-TCTL ngày 06/5/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp ở địa phương.

Chương trình Kế hoạch hành động số 2002/KH-UBND, ngày 02/10/2008 của UBND tỉnh Kon Tum thực hiện Chiến lược phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2008-2020.

Quyết định số 1083/QĐ-UBND ngày 16/9/2009 của UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Quyết định số 81/QĐ-UBND ngày 09/02/2015 của UBND tỉnh Kon Tum về việc ban hành Phương án phòng chống lụt bão, ứng phó với bão mạnh, siêu bão và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Quyết định số 314/QĐ-UBND, ngày 09/4/2012 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Kon Tum.

Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 01/7/2013 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2025.

Quyết định số 819/QĐ-UBND , ngày 20/8/2014 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Kế hoạch hành động về quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kon Tum đến năm 2020.

Quyết định số 1351/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Quy trình ban hành lệnh vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Sê San.

Quy chế phối hợp ngày 24/10/2014 giữa Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Kon Tum và các công ty thủy điện, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum, các sở, ban ngành và địa phương có liên quan trong công tác tham mưu ban hành lệnh vận hành hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Sê San.

Các phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập, phương án đảm bảo an toàn đập các công trình thủy lợi, thủy điện do các đơn vị quản lý lập đã được Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương thẩm định trình UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt.

Các dự án Lập bản đồ nguy cơ lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn các huyện (Kon Plong; Đăk Glei; Đăk Tô; Tu Mơ Rông); Lập bản đồ phân vùng ngập lụt huyện Kon Plong; Lập bản đồ phân vùng hạn hán, đánh giá rủi ro do hạn hán trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Dự án Xây dựng tháp cảnh báo lũ trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh Kon Tum (thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà, Đăk Tô).

Kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2015-2020 của các huyện, thành phố xây dựng và phê duyệt gửi về Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Kon Tum tổng hợp.

II. Nguyên tắc cơ bản trong việc lập Kế hoạch

Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả khẩn trương và hiệu quả.

Phòng chống thiên tai là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức, cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau.

Phòng; chống thiên tai được thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

Phòng chống thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học; kết hợp sử dụng kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ khoa học và công nghệ; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phòng chống thiên tai được thực hiện theo sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai.

Phần I

TÌNH HÌNH TỰ NHIÊN, KINH TẾ -XÃ HỘI VÀ CÁC LOẠI HÌNH THIÊN TAI

I. Khái quát về điều kiện tự nhiên

1. Vị trí địa lý

Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới nằm ở cực bắc Tây Nguyên, trong vùng tọa độ từ 13°55’ đến 15°27’ vĩ độ Bắc và từ 107°20’ đến 108°32’ kinh độ Đông, diện tích tự nhiên 9.676,5 km2, chiếm 3,1% diện tích toàn quốc, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam (chiều dài ranh giới 142 km); phía Nam giáp tỉnh Gia Lai (203 km), phía Đông giáp Quảng Ngãi (74 km), phía Tây giáp hai nước Lào và Campuchia (có chung đường biên giới dài 280,7 km).

Nằm ở ngã ba Đông Dương, tỉnh Kon Tum có đường biên giới với hai nước Lào và Camphuchia, đầu mối của các Quốc lộ 14, 14C, 24, 40 và 40B, có vị trí quan trọng và thuận lợi trong giao lưu và giao thương kinh tế với các nơi khác ở trong nước và quốc tế. Vị trí này tạo điều kiện thuận lợi, để tỉnh Kon Tum trở thành khu vực khởi đầu hội nhập, một địa điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế và thương mại quốc tế nối từ Mianma - Đông bắc Thái Lan - Nam Lào với khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. Đây là một trong các tuyến hành lang kinh tế và thương mại Đông - Tây ngắn nhất qua cửa khẩu Bờ Y.

2. Đặc điểm địa hình

Phần lớn diện tích tỉnh Kon Tum nằm ở sườn phía Tây dãy Trường Sơn, địa hình có hướng dốc thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây; rất dốc ở phía Bắc, Đông Bắc và độ dốc thấp ở phía Nam. Địa hình của tỉnh Kon Tum khá đa dạng: đồi núi, cao nguyên và vùng trũng xen kẽ nhau. Trong đó:

- Địa hình đồi, núi: Chiếm khoảng 2/5 diện tích toàn Tỉnh, bao gồm những đồi núi liền dải có độ dốc 15° trở lên. Các núi ở Kon Tum do cấu tạo bởi đá biến chất cổ nên có dạng khối, như khối Ngọc Linh (có đỉnh Ngọc Linh cao 2.598 m), nơi bắt nguồn của một số con sông chảy về Quảng Nam, Đà Nẵng như sông Thu Bồn và sông Vu Gia; chảy về Quảng Ngãi như sông Trà Khúc. Địa hình núi cao liền dải phân bố chủ yếu ở phía Bắc - Tây Bắc chạy sang phía Đông tỉnh Kon Tum. Ngoài ra, Kon Tum còn có một số ngọn núi như: Ngọn Bon San (1.939 m); ngọn Ngọc Kring (2.066 m). Mặt địa hình bị phân cắt hiểm trở, tạo thành các thung lũng hẹp, khe, suối. Địa hình đồi tập trung chủ yếu ở huyện Sa Thầy có dạng nghiêng về phía Tây và thấp dần về phía Tây Nam, xen giữa vùng đồi là dãy núi Chưmomray.

- Địa hình thung lũng: Nằm dọc theo sông Pô Kô đi về phía nam của Tỉnh, có dạng lòng máng thấp dần về phía nam, theo thung lũng có những đồi lượn sóng như Đăk Uy, Đăk Hà và có nhiều chỗ bề mặt bằng phẳng như vùng thành phố Kon Tum. Thung lũng Sa Thầy được hình thành giữa các dãy núi kéo dài về phía Đông chạy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia.

- Địa hình cao nguyên: Tỉnh Kon Tum có cao nguyên KonPlong nằm giữa dãy An Khê và dãy Ngọc Linh có độ cao 1.100 - 1.300m, đây là cao nguyên nhỏ, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.

3. Khí hậu, Thủy văn

a. Khí hậu

Khí hậu tỉnh Kon Tum mang đặc thù của khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên với hai mùa đặc trưng: Mùa mưa chủ yếu bắt đầu từ tháng 5, kéo dài đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau; riêng các vùng phía Bắc, Đông Bắc Tỉnh, mùa mưa thường bắt đầu và kết thúc muộn hơn, từ tháng 6 đến hết tháng 11; thời gian còn lại là mùa khô. Tổng lượng mưa năm trung bình toàn tỉnh đạt khoảng 1.800 mm, năm cao nhất 2.300 mm, năm thấp nhất 1.300 mm, tháng có lượng mưa cao nhất và phân bố đều nhất là tháng 8. Lượng mưa năm có xu hướng giảm dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây.

Nhiệt độ trung bình trong năm của tỉnh Kon Tum dao động trong khoảng 22 - 23°C, biên độ nhiệt độ dao động trong ngày từ 8 - 9°C. Nhiệt cao nhất không vượt quá 37°C; thấp nhất không xuống dưới 7°C (trừ một số ít vùng núi cao ở phía Bắc - Đông Bắc, thuộc hai huyện Tu Mơ Rông và Kon Plong). Độ ẩm trung hình hàng năm dao động trong khoảng 78 - 87%. Độ ẩm không khí tháng cao nhất là tháng 8-9 (khoảng 90%), tháng thấp nhất là tháng 3 (khoảng 66%).

b. Thủy văn

Các sông, suối của Kon Tum bắt nguồn từ vùng núi cao phía Bắc và Đông Bắc của Tỉnh; lòng sông hẹp, có độ dốc lớn, nước chảy xiết. Mạng lưới sông suối ở Kon Tum bao gồm:

- Sông Sê San: Do 2 nhánh chính là Đăk Pô Kô và Đăk Bla hợp thành.

+ Nhánh Đắk Pô Kô dài 121 km, bắt nguồn từ phía nam của khối núi Ngọc Linh, chảy theo hướng Bắc - Nam. Nhánh này có thêm các phụ lưu chính là suối ĐăkPsi dài 73 km, diện tích lưu vực 620 km2 và suối Đăk Tơ Kan diện tích lưu vực 300 km2, cả hai suối này đều bắt nguồn phía nam núi Ngọc Linh.

+ Nhánh Đăk Bla bắt nguồn từ vùng Đông Bắc Tỉnh, có diện tích lưu vực tính đến vị trí nhập lưu với sông Đăk Pô Kô là 3.075 km2, chiều dài sông là 144 km. Sông Đắk Bla nhận thêm nước từ các phụ lưu ĐắkPôNe, ĐắkTKen, IaKren từ tỉnh Gia Lai đổ vào.

+ Sông Sê San còn có một phụ lưu là sông Sa Thầy bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Rinh Rua, diện tích lưu vực 1.471 km2 với chiều dài 115 km, chảy theo hướng Bắc - Nam, gần như song song với biên giới Campuchia, đổ vào dòng Sê San ở khu vực sát biên giới Việt Nam - Camphuchia.

- Ngoài ra, ở phía Đông Bắc và phía Đông Tỉnh còn có các suối đầu nguồn của sông Trà Khúc đổ về Quảng Ngãi; các suối nhỏ thượng nguồn sông Ba chảy về Gia Lai và phía Bắc của Tỉnh là đầu nguồn của 2 con sông Thu Bồn và Vu Gia chảy về Quảng Nam, Đà Nẵng.

Chế độ thủy văn ở tỉnh Kon Tum cũng chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa lũ thường bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc trong tháng 11 hàng năm. Mùa cạn kéo dài từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau (riêng một số suối đầu nguồn của các sông chảy về Quảng Nam, Quảng Ngãi sự phân mùa thủy văn không giống như đa phần các sông suối khác ở Kon Tum). Mặc dù thời gian mùa lũ thường ngắn hơn mùa cạn nhưng lượng dòng chảy lại chiếm đa số; khoảng 70 - 75% trong hơn 10 tỷ m3 nước mà các sông chuyên chở hàng năm. Trung bình mỗi năm trên các sông suối ở tỉnh Kon Tum có khoảng từ 4-6 trận lũ; một phần ba trong đó là lũ trung bình đến lũ lớn (có mực nước đỉnh lũ đạt từ mức báo động cấp 2 trở lên). Mùa cạn, lượng dòng chảy trong 3 tháng kiệt nhất chỉ chiếm từ 3 - 5% lượng dòng chảy năm gây ra tình trạng thiếu nước trong mùa khô, cạn hàng năm.

II. Tình hình dân sinh, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng

1. Tình hình dân số

Theo số liệu niên giám thống kê tỉnh Kon Tum năm 2015, toàn tỉnh có 495.876 người. Cộng đồng dân cư có gần 30 dân tộc cùng sinh sống (cơ cấu chủ yếu gồm dân tộc Kinh, Xê Đăng, Ba Na, Dẻ Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Mâm...), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50%. Dân số thưa, phân bố không đều; phần lớn dân cư phân bố ở khu vực thành phố Kon Tum (chiếm khoảng 33%), còn lại ở các huyện có số dân dao động từ khoảng 25.000 đến 67.000 người. Mật độ dân số bình quân trên toàn tỉnh là 51 người/km2, nơi mật độ dân số đông nhất là 364 người/km2 (thành phố Kon Tum), nơi mật độ dân số thấp nhất là 17 người/km2 (huyện Kon Plông). về hành chính, tỉnh có 10 đơn vị hành chính (09 huyện và 01 thành phố, với 102 xã, phường, thị trấn)

2. Đặc điểm văn hóa xã hội

Do đặc điểm về lãnh thổ cũng như về kinh tế, xã hội...văn hóa Kon Tum mang tính đa dạng, có nhiều nét đặc thù có thể coi tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây nguyên nói chung là một vùng văn hóa mang những sắc thái rõ rệt, phân biệt với các vùng văn hóa khác trên cả nước. Đặc điểm của văn hóa truyền thống tỉnh Kon Tum là văn hóa mang tính cộng đồng, văn hóa mang tính bản địa, văn hóa mang tính chất sinh hoạt lễ thức, văn hóa mang tính truyền miệng và sử dụng vật liệu không bền.

Văn hóa, đặc biệt là văn hóa cổ truyền của các dân tộc bản địa tỉnh Kon Tum rất phong phú đa dạng (trên 30 dân tộc) nhiều nét văn hóa khá nguyên thủy và thô sơ chưa chịu ảnh hưởng của các nền văn minh khác, cần phải bảo tồn và phát huy vốn văn hóa đặc sắc này trong sự nghiệp chung của vùng, cũng như sự phát triển của mỗi dân tộc.

Do quá trình di dân, phân bố lại dân cư và lao động diễn ra với quy mô lớn và tốc độ nhanh ở Kon Tum, nên càng ngày tỷ lệ người dân tộc bản địa càng thấp so với người Kinh, phạm vi cư trú cũng bị thu hẹp dần, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt cùng với sự giao lưu mạnh mẽ giữa các dân tộc, văn hóa người Kinh đang ảnh hưởng sâu rộng tới vùng dân tộc. Cần phải có các biện pháp bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa, khắc phục mặt trái của quá trình đồng hóa tự nhiên này.

3. Phát triển kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2014 là 13,53%/ năm, trong đó: nhóm ngành Nông - lâm - thủy sản tăng 7,49%, nhóm ngành Công nghiệp - xây dựng tăng 17,66%, nhóm ngành Dịch vụ tăng 17,41%;

Tuy tốc độ tăng trưởng những năm gần đây tỏ ra khá khả quan, song có thể nói nền kinh tế của tỉnh đang đứng trước nhiều vấn đề cần giải quyết, đó là chất lượng tăng trưởng chưa cao, hiệu quả đầu tư của tỉnh Kon Tum còn thấp so với các tỉnh Tây Nguyên.

- Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành phân theo khu vực kinh tế của thời kỳ năm 2010 - 2014 chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng cụ thể như sau:

+ Năm 2010 tỷ trọng ngành Nông - Lâm - Thủy sản là 41,24%, Công nghiệp - Xây dựng là 24,32% và Dịch vụ là 34,44%.

+ Năm 2014 tỷ trọng ngành Nông - Lâm - Thủy sản là 36,46%, Công nghiệp - Xây dựng là 26,23% và Dịch vụ là 37,31 %.

- Trong nội bộ từng ngành cũng có sự chuyển dịch tích cực:

+ Trong nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở khai thác lợi thế của từng vùng sinh thái trong tỉnh.

+ Trong công nghiệp, tăng tỷ lệ công nghiệp chế biến so với công nghiệp khai thác, ngày càng thể hiện rõ sự đóng góp đáng kể của ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản và công nghiệp điện.

+ Trong nhóm ngành dịch vụ: Thị trường hàng hóa ngày càng đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Thương nghiệp quốc doanh được sắp xếp lại và hoạt động tương đối phù hợp với kinh tế thị trường và đảm bảo vai trò tạo nguồn hàng bán buôn, tham gia kinh doanh bán lẻ một số mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, xi măng, sắt thép, hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu... đảm bảo cân đối lớn đối với các loại vật tư, hàng hóa quan trọng trên thị trường toàn tỉnh, đảm bảo các mặt hàng thiết yếu cho đồng bào các dân tộc, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, gồm cả các mặt hàng theo cơ chế hỗ trợ, cấp không. Các thành phần kinh tế khác trong thương mại cũng phát triển khá mạnh, tăng nhanh về số lượng, quy mô hoạt động, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế thị trường ở cả thành thị, vùng nông thôn miền núi.

- Vị trí các thành phần kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực kinh tế ngoài Nhà nước và giảm dần khu vực kinh tế Nhà nước. Cơ cấu kinh tế Nhà nước giai đoạn 2000 - 2010 tương đối ổn định, giai đoạn 2011 - 2015 cơ cấu kinh tế Nhà nước có xu hướng giảm, điều này chứng tỏ ngày càng huy động được nhiều nguồn lực từ các thành phần ngoài quốc doanh vào phát triển kinh tế; hiệu quả của cổ phân hóa các doanh nghiệp nhà nước ngày càng rõ và được khẳng định.

- Trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức nền kinh tế giai đoạn của thời kỳ 2010 - 2014 của tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá so sánh năm 2010 phân theo khu vực kinh tế, năm 2010 đạt 6.028,35 tỷ đồng đến năm 2014 đã đạt 9.907,46 tỷ đồng.

3.1. Phát triển nông nghiệp

Trong những năm gần đây sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực về cơ cấu cây trồng. Diện tích các loại cây công nghiệp và các loại cây ăn quả tăng nhanh. Nhiều nơi đã hình thành các vùng cây công nghiệp trên quy mô lớn. Các sản phẩm đã trở thành hàng hóa không những cung cấp trong tỉnh mà còn được xuất khẩu. Tính đến năm 2014, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp đang sử dụng là 163.297 ha trong đó:

- Đất trồng cây hàng năm là: 71.244 ha

+ Đất trồng lúa: 23.569 ha

+ Đất trồng cây hàng năm khác: 47.675 ha

- Đất trồng cây lâu năm: 91.484 ha

- Đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản: 569 ha

a) Trồng trọt

Giá trị sản xuất ngành trồng trọt (theo giá hiện hành phân theo ngành kinh tế) đạt 6.797.507 triệu đồng năm 2014 chiếm 84,22%. Sản xuất trồng trọt tập trung vào 3 loại cây chính: cây lương thực (lúa, ngô, sắn), cây công nghiệp (sắn, mía, cao su, cà phê) và các loại cây khác (cây thực phẩm, cây dược liệu, đặc sản rừng) với quy mô, diện tích, năng suất sản lượng các cây trồng chủ yếu như sau:

v Cây lương thực

Đến năm 2014, diện tích cây lương thực có hạt đạt 30.229 ha, sản lượng đạt 110.610 tấn. Trong sản xuất lương thực, sản xuất lúa tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. Trong đó diện tích lúa đạt 23.569 ha với năng suất 36,34tạ/ha, diện tích ngô 6.660 ha với năng suất 37,48tạ/ha.

Cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, kết hợp khai hoang xây dựng đồng ruộng và tăng cường công tác giống, khuyến nông, khuyến lâm, cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống cây lương thực đã có sự chuyến biến mạnh mẽ. Diện tích lúa nước Đông xuân tăng từ 6.516 ha (năm 2010) lên 7.189 ha (năm 2014), diện tích sản xuất ngô tập trung ở các huyện Sa Thầy, Đắk Tô và Thành phố Kon Tum nhờ tận dụng tốt diện tích vùng bán ngập của các Công trình thủy điện YaLy và PleiKrong đã góp phần tăng diện tích và tạo thu nhập đáng kể cho người dân.

v Cây công nghiệp hàng năm

- Cây sắn: Sắn là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít hơn so với các cây trồng khác, phù hợp với trình độ, điều kiện sản xuất của đa số hộ gia đình nghèo, giá sắn tiêu thụ cao nên diện tích sắn toàn tỉnh tăng mạnh, đến nay có 38.044 ha, Năng suất sắn tươi tăng từ 149.5 tạ/ha năm 2010 lên 150.69 tạ/ha năm 2014. Tổng sản lượng sắn tươi đến năm 2014 là 573.288 tấn tăng 1,1 lần so với năm 2010.

- Cây mía: Phát triển mạnh từ những năm 1997, 1998 cùng với sự hình thành và đi vào hoạt động của Nhà máy đường Kon Tum. Nhiều vùng chuyên canh mía đã hình thành như Thành phố Kon Tum, huyện Sa Thầy, Đăk Hà... Trong những năm gần đây do giá cả không ổn định làm người dân chưa an tâm sản xuất, diện tích mía không tăng. Diện tích mía cao nhất năm 1999 là 3.903 ha, đến năm 2014 diện tích mía giảm còn 1.855 ha (giảm 2.048 ha). Tuy diện tích giảm song nhiều giống mía mới có năng suất, chữ đường cao, có khả năng rãi vụ thu hoạch, phù hợp với các chân bãi, ô nà đã được đưa vào sản xuất đã góp phần tăng sản lượng mía.

v Cây công nghiệp lâu năm

Chủ yếu là cây cao su, cà phê đang được phát triển với nhiều loại hình kinh tế: kinh tế nông lâm trường, kinh tế hộ gia đình, kinh tế vườn đồi, kinh tế trang trại hình thành nên các vùng chuyên canh cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như vùng chuyên canh sản xuất cà phê thuộc huyện Đăk Hà, vùng chuyên canh cao su tập trung ở Thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi, Đăk Tô.

- Cây cà phê: Diện tích đến năm 2014 đạt 14.107 ha, so với năm 2010 tăng 2.605 ha, sản lượng cà phê đạt 32.603 tấn. Năng suất cà phê có sự biến động theo chu kỳ qua các năm, nhưng nhìn chung vẫn duy trì ổn định ở mức 20-25 tạ/ha.

- Cây cao su: Từ năm 2002 đến nay do giá thị trường thuận lợi, cây cao su phát triển nhanh, với diện tích 43.847 ha năm 2010 tăng lên 74.917 ha năm 2014, sản lượng mủ đến năm 2014 đạt 37.099 tấn, tăng 13.369 tấn so với năm 2010.

v Các loại cây khác:

- Cây thực phẩm: Mặc dù trong thời gian qua, tuy tốc độ tăng chậm về quy mô với việc duy trì diện tích ở mức khoảng 3.500 ha nhưng bước đầu đã hình thành vùng chuyên canh rau, quả thực phẩm cung cấp cho các thị trường ở các thị trấn và thành phố Kon Tum.

b) Chăn nuôi

Là tỉnh có tiềm năng đất đai rộng lớn thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi nhưng chăn nuôi chiếm tỷ trọng không lớn trong ngành nông nghiệp. Chăn nuôi chưa phát triển ở quy mô tập trung. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng dần qua các năm. Theo số liệu thống kê từ năm 2010 đến năm 2014 giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đã tăng từ 661.330 triệu đồng lên 1.166.377 triệu đồng, trong đó nhóm tăng nhiều nhất là gia cầm từ 27.725 triệu đồng năm 2010 lên đến 153.835 triệu đồng năm 2014.

Đến nay đã hình thành các trang trại chăn nuôi lợn, bò, gia cầm tập trung như: huyện Đăk Hà, Kon Rẫy, Đăk Tô, Sa Thầy, Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum, một số tổ chức, cá nhân đưa vào thử nghiệm nuôi dưỡng động vật hoang dã bước đầu đạt kết quả.

c) Thủy sản

Diện tích nuôi trông thủy sản năm 2014 đạt 569 ha, Trong đó chủ yếu là diện tích nuôi cá nước ngọt chiếm 566 ha. Sản lượng thủy sản đạt 2.840 tấn, trong đó nuôi trồng thủy sản là 1.800 tấn, khai thác thủy sản tự nhiên là 1.040 tấn (trong đó sản lượng thủy sản tăng chính do tăng về diện tích nuôi, năng suất nuôi và một phần từ khai thác thủy sản tự nhiên từ hồ chứa Yaly và Plei Krông). So với các ngành kinh tế khác, cơ cấu của ngành thủy sản chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ. Hình thức nuôi thủy sản chủ yếu được thực hiện trên diện tích ao hồ nhỏ tập trung ở các huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum. Trong những năm gần đây đang nghiên cứu, phát triển nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản trên lòng hồ thủy điện Yaly và Plei Krông. Nguồn giống thủy sản trong tỉnh được nhập từ các địa phương khác, đến nay đã xây dựng Trung tâm giống thủy sản nước ngọt của tỉnh tại xã Đăkla - Huyện Đăk Hà nhằm nghiên cứu, ứng dụng và cung cấp một lượng lớn giống thủy sản có chất lượng cho người nuôi trên địa bàn.

3.2. Phát triển lâm nghiệp

Công tác giao đất, giao rừng, cho thuê đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình quản lý sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp được chú trọng đạt tỷ lệ cao. Đã tiến hành rà soát, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, thu hồi đất từ các Công ty lâm nghiệp, BQL rừng phòng hộ giao về địa phương quản lý để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân.

Kết quả đạt được của công tác lâm sinh đã góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, thu hút đồng bào sống gần rừng vào sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm thu nhập, góp phần ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý bảo vệ rừng, củng cố an ninh chính trị, trật tự xã hội và quốc phòng - an ninh. Độ che phủ của rừng trên 65% góp phần tăng cường khả năng phòng hộ đầu nguồn cho các thủy điện như Ia ly, Plei Krông, Sê san 3, 3A, Sê san 4, 4A và một số thủy điện, thủy lợi khác.

Là tỉnh có trên 90% diện tích là rừng. Theo số liệu thống kê từ năm 2006 - 2014 diện tích rừng toàn tỉnh biến đổi không đồng đều, tổng diện tích năm tăng, năm giảm, diện tích rừng tự nhiên trong toàn tỉnh vẫn còn khá lớn chiếm 89% tổng diện tích rừng toàn tỉnh. Rừng là nguồn tài nguyên rất quý giá vì vậy việc bảo vệ rừng và trồng rừng là rất quan trọng, tuy nhiên tiến độ trồng rừng gần đây phát triển chậm. Trồng rừng và khoanh nuôi phục hồi rừng là những giải pháp lâm sinh chủ yếu được áp dụng trên địa bàn vùng trong thời gian qua để nâng cao diện tích rừng đáp ứng nhu cầu phòng hộ môi trường, cung cấp gỗ và lâm sản.

Diện tích rừng trên toàn tỉnh đến năm 2014 là 604.258 ha trong đó rừng tự nhiên là 539.326 ha, rừng trồng là 54.332 ha

Khai thác rừng bao gồm khai thác rừng tự nhiên, rừng trồng và chế biến gỗ, lâm sản.

- Khai thác rừng tự nhiên: nguồn thu từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đã góp phần đáng kể cho ngân sách tỉnh để tái đầu tư vào việc bảo vệ và phát triển rừng và góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Khai thác rừng trồng: sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng không nhiều, chủ yếu là gỗ rừng trồng nguyên liệu giấy, gỗ khai thác tận dụng trong quá trình tỉa thưa nuôi dưỡng rừng trồng. Sản phẩm gỗ rừng trồng chủ yếu là giấy, gỗ nhỏ.

Rừng là nguồn tài nguyên mang lại nguồn giá trị kinh tế rất lớn đối với nền kinh tế toàn tỉnh Kon Tum, năm 2014 giá trị kinh tế do rừng mang lại là 268.548 triệu đồng trong đó khai thác lâm sản chiếm 139.906 triệu đồng.

3.3. Phát triển công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 (giá so sánh 2010) đạt 2.790.870 triệu đồng. Trong cơ cấu ngành, công nghiệp chế biến vẫn đóng vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 68%. Đã quy hoạch và đang đầu tư xây dựng 03 Khu công nghiệp với tổng diện tích là 360ha; 03 cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích khoảng 136 ha; 03 điểm sản xuất tập trung với 140 ha; các làng nghề đang được quy hoạch và đầu tư. Công nghiệp khai thác và chế biến vật liệu xây dựng phát triển tương đối nhanh, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đã có sự khôi phục và phát triển. Một số sản phẩm chủ yếu có mức tăng trưởng cao so với năm trước như: đường kết tinh, bột sắn, mủ cao su...

Hiện nay các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch chi tiết và đang tiến hành các bước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm thu hút, kêu gọi đầu tư. Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp được xây mới, mở rộng về quy mô, có một số doanh nghiệp nước ngoài liên doanh đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn, góp phần tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết được một phần lao động chưa có công ăn việc làm. Bên cạnh những kết quả đạt được còn bộc lộ một số hạn chế: Việc phát triển và xây dựng vùng nguyên liệu chưa đi kèm (và nên đi trước) với việc đầu tư xây dựng nhà máy, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lành nghề còn thiếu... Sản phẩm công nghiệp chủ yếu còn ở dạng thô, chất lượng chưa cao, chưa có sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh, tiềm năng về khoáng sản, nông sản chưa được đầu tư chế biến nâng cao giá trị, chưa khơi dậy được các làng nghề truyền thống, không ít cơ sở sản xuất và chế biến gỗ, các sản phẩm từ gỗ thuộc mọi thành phần kinh tế sẽ gặp khó khăn về mặt nguyên liệu.

3.4. Thương mại và dịch vụ

Thương mại - dịch vụ phát triển khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao. Chất lượng hàng hóa, dịch vụ được nâng lên, phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã với nhiều loại hình và kênh phân phối, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn, tích cực thúc đẩy việc trao đổi, mua bán vật tư, hàng hóa và thu hẹp dần chênh lệch giá ở nông thôn với thành thị.

Mạng lưới các ngân hàng, các cơ sở tài chính, tín dụng ngày càng mở rộng và phát triển, nhất là chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và cơ sở tài chính tín dụng, hầu hết các phường, thị trấn đều có chi nhánh ngân hàng nông nghiệp. Nhìn chung hệ thống các ngân hàng, các cơ sở tài chính tín dụng bước đầu đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhân dân và của các doanh nghiệp; triển khai giải ngân tới vùng sâu, vùng xa, góp phần tạo được việc làm, nâng cao và cải thiện đời sống nhân dân, góp phần tích cực tăng trưởng kinh tế, giữ vững an ninh chính trị và làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi.

Kon Tum hiện có 3 cửa khẩu, gồm 1 cửa khẩu quốc tế và 2 cửa khẩu phụ. Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, hình thành năm 1999, hiện đang hoạt động theo Quyết định 157/QĐ-TTg, ngày 01/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ và được áp dụng cơ chế, chính sách theo Quyết định 217/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các hạng mục đã được đầu tư trong cửa khẩu bao gồm: Trụ sở Ban quản lý, trạm kiểm soát liên hợp, một số tuyến đường nội bộ. Đối với Riêng 02 cặp cửa khẩu phụ: Đăk Long - Văn Tách (Lào), Đăk Blô - Đăk Ba (Lào) mới làm lễ khai thông, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng. Kinh tế cửa khẩu đã từng bước phát triển.

Hoạt động du lịch phát triển khá, lượng khách du lịch hằng năm tăng; đã từng bước quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng và khai thác một số khu, tuyến, điểm du lịch, nhất là khu du lịch sinh thái Măng Đen. Hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ... nên đã tác động tích cực đến công tác thu hút đầu tư, trong 2 năm 2006, 2007 số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư tăng đột biến.

4. Phát triển cơ sở hạ tầng

4.1. Hạ tầng giao thông

Mạng lưới gia thông của tỉnh Kon Tum chủ yếu là đường bộ. Có 05 tuyến Quốc lộ nối với các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Atôpư (Lào) như đường Hồ Chí Minh (QL 14); 14C, 24, 40, 40B với tổng chiều dài khoảng 444 km và 11 tuyến tỉnh lộ với chiều dài khoảng 404 km. Các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã với chiều dài khoảng 2.100 km và đường giao thông nông thôn cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Ngoài ra còn có tuyến đường Đông Trường Sơn, Đường tuần tra Biên giới hiện đang thi công với chiều dài khoảng 700 km.

4.2. Ha tầng điện lực

Tỉnh Kon Tum có đường dây siêu cao áp 500KV đi qua với chiều dài khoảng 240 Km. Trong đó đường dây 500KV mạch 1 Thạnh Mỹ - Plei Ku dài 143,336 Km và 01 đường dây 500KV mạch 2 Dốc Soi - Plei Ku chiều dài 103,036 Km.

Tiềm năng thủy điện trên các sông suối trên địa bàn tỉnh rất lớn. Trên dòng Sê San hùng vĩ có diện tích lưu vực trên 10.000km2 và các phụ lưu hiện có các công trình thủy điện lớn đã vận hành và hòa vào lưới điện quốc gia như: Plei Krông (100 MW); Ya Ly (720 MW); Sê San 3 (260 MW); Sê San 3A (108 MW); Sê San 4 (360 MW); Sê San 4A (63 MW) và 15 công trình thủy điện vừa và nhỏ đã đưa vào vận hành với tổng công suất 133,7 MW. Công trình thủy điện đang thi công xây dựng Thượng Kon Tum (220 MW).

Hệ thống cấp điện trên địa bàn hiện có các cấp điện chính: 500KV, 220KV, 110KV và 22KV. Lưới điện tỉnh Kon Tum được đấu nối với hệ thống điện quốc gia qua đường dây 220KV mạch kép trạm 220KV Kon Tum - Plei Ku chiều dài 19,824 Km (thuộc địa phận tỉnh Kon Tum) và tuyến đường dây 110KV mạch đơn Plei Ku - Kon Tum chiều dài khoảng 20 Km (thuộc địa phận tỉnh Kon Tum), khoảng hơn 2.000 km đường dây trung thế và hạ thế. Điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 125 triệu KWh. Điện thương phẩm bình quân đầu người khoảng 309 kwh/người/năm. Đến nay, đã có 100% xã, phường, thị trấn được sử dụng điện lưới; gần 100% số thôn, làng được đầu tư lưới điện và trên 98% số hộ được sử dụng điện.

4.3. Hạ tầng thủy lợi và nước sinh hoạt nông thôn

- Công trình thủy lợi: Trên địa bàn tỉnh có 524 công trình thủy lợi. Trong đó gồm: 70 hồ chứa, 445 đập dâng, 8 trạm bơm, ngoài ra còn có nhiều đập bồi, đập tạm do nhân dân tự xây dựng để tưới các diện tích nhỏ ở các khe suối. Diện tích tưới theo thiết kế 16.743,3 ha, trong đó lúa 11.153,5 ha, cây công nghiệp 5.589,8 ha, thực tế khai thác khoảng 6.694ha lúa vụ mùa đạt 60 % công suất thiết kế, 5.737 ha vụ Đông - Xuân đạt 51,44 % công suất thiết kế và 3.565ha CCN và rau màu đạt 63,78% công suất thiết kế.

Trong những năm qua bằng nhiều nguồn vốn đã được đầu tư và nâng cấp đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Thực tế đã chứng minh các hiệu quả mang lại của công trình thủy lợi không những trong sản xuất nông nghiệp mà còn các ngành khác và cải tạo cho môi trường sinh thái. Qua rà soát hiện trạng có 223 công trình thủy lợi bị hư hỏng cần định hướng đầu tư nâng cấp, sửa chữa trong giai đoạn từ năm 2015-2020 để phát huy hiệu quả công trình, phấn đấu đến năm 2020 đạt 85% công suất thiết kế và đảm bảo an toàn trong mọi tình huống.

- Công trình cấp nước sinh hoạt: Trên địa bàn Thành phố Kon Tum có nhà máy cấp nước Kon Tum, nguồn cấp nước từ sông Đăk Bla 12.000 m3/ngày-đêm, ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 389 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn (gồm 05 công trình giếng khoan, 01 công trình hệ thống đài nước, 04 công trình hệ thống bơm dẫn và 379 công trình nước tự chảy). Tổng công suất thiết kế 20.989m3/ngày-đêm, tổng số hộ sử dụng 25.534 hộ, số người dùng nước 102.135 người. Trong đó 107 công trình hoạt động bền vững, 126 công trình hoạt động trung bình, 50 công trình hoạt động kém hiệu quả, 106 công trình không hoạt động. Qua rà soát hiện trạng có 174 công trình bị hư hỏng cần đầu nâng cấp, sửa chữa trong giai đoạn 2015-2020 để phát huy hiệu quả công trình. Hiện nay tỷ lệ hộ dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 85%.

4.4. Hạ tầng thông tin và truyền thông

- Về bưu chính: Toàn tỉnh Kon Tum có 91 điểm phục vụ, trong đó: 18 bưu cục, 68 có điểm Bưu điện - Văn hóa xã (BĐ-VHX), 05 đại lý chuyển phát và 71,13 % xã, phường, thị trấn có báo đến trong ngày. Bán kính phục vụ bình quân 5,56 km/điểm phục vụ. Tất cả các bưu cục và BĐ-VHX đều có điện thoại liên lạc nội tỉnh và liên tỉnh, về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu về dịch vụ Bưu chính của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân và công tác quốc phòng, an ninh.

- Về viễn thông: Mạng chuyển mạch gồm 02 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định trên địa bàn tỉnh là Viễn thông Kon Tum, Chi nhánh Viettel Kon Tum. Cùng với sự hiện đại hóa mạng chuyển mạch, các doanh nghiệp đã tập trung nâng cao chất lượng mạng truyền dẫn bằng việc đầu tư phát triển mạng cáp quang chất lượng cao, từng bước nâng cao chất lượng đường truyền, tăng tốc độ truy nhập và lưu lượng thuê bao. Đến nay, mạng truyền dẫn cáp quang đã vươn tới 93% các xã, phường, thị trấn. Mạng di động có các nhà cung cấp điện thoại di động Vinaphone, Mobifone, Viettel, S-fone, HT-Mobile, VietnamMobile, với 642 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS). Có 99% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều được phủ sóng điện thoại di động. 73% xã trên địa bàn tỉnh đã được cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng. Bên cạnh đó Viễn thông tỉnh có 08 thiết bị vô tuyến CODAN hiện đang sử dụng tại các Đài viễn thông huyện (trừ huyện Đắk Hà), 03 bộ thiết bị vệ tinh Inmassat và xe lưu động ứng cứu thông tin phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.

4.5. Cơ sở giáo dục, đào tạo

Tính đến năm 2014, toàn tỉnh có 123 trường học Mầm non và 272 trường học phổ thông (trong đó có 144 trường tiểu học, 101 trường Trung học cơ sở và 16 trường Trung học phổ thông, 01 trường Phổ thông cơ sở, 10 trường Trung học).

Ngoài ra, còn có trường Đại học Phân hiệu Đà Nẵng, Cao đẳng Sư Phạm, Cao đẳng Kinh tế, Cao đẳng Y tế, Trung cấp Nghề và một số Trung tâm đào tạo nghề phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh và khu vực.

Với 9.353 cán bộ giáo viên (1.871 giáo viên Mầm non, 7.482 giáo viên phổ thông), 34.961 học sinh mầm non, 57.244 học sinh tiểu học, 37.993 học sinh Trung học cơ sở, 12.506 Trung học phổ thông là đối tượng dễ bị tổn thương bởi thiên tai mưa, bão.

4.6. Hệ thống mạng lưới các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế

Hiện nay có 128 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KB, CB) với 1.885 giường bệnh kế hoạch (bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện: 1.275 phòng khám đa khoa khu vực: 170, trạm y tế: 440), trong đó tuyến tỉnh có 05 cơ sở KB, CB (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh xá Khu điều trị phòng Đăk Kia thuộc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội); tuyến huyện có 07 bệnh viện thuộc Trung tâm Y tế các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Rẫy, Kon Plong và 14 phòng khám đa khoa khu vực; tuyến xã có 102 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Tính đến 30/6/2016, tổng số nhân lực trong toàn ngành Y tế là 2.704 người, trong đó nhân lực chuyên ngành Y có 341 bác sỹ, 201 y sỹ, 575 điều dưỡng viên, 176 hộ sinh viên, 88 kỹ thuật viên.

Nhờ được đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn ngân sách khác nhau, đến nay các cơ sở KB, CB đã được kiên cố hóa, chống chịu với thiên tai, là nơi cung cấp dịch vụ KB, CB kết hợp tránh trú mưa bão cho nhân dân.

III. Đặc điểm các loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh

Trước các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thiên tai trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng ngày càng phức tạp. Ảnh hưởng của thiên tai đang có chiều hướng tăng lên cả về cường độ, số lượng và mức độ nguy hiểm. Thiên tai diễn biến bất thường và có xu hướng cực đoan hơn. Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại thiên tai như: hạn hán, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, lốc xoáy, dông sét, rét hại...gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và nguy cơ mất an toàn cho các công trình cơ sở hạ tầng.

1. Hạn hán (cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 1)

Ở tỉnh Kon Tum mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 10% lượng mưa năm cộng với lượng bốc hơi lớn trên 1.000 mm/năm đã gây nên tình trạng khô hạn gay gắt làm cho phần lớn diện tích canh tác vụ Đông Xuân bị thiếu nước. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hạn hán thường xảy ra trên diện rộng, lượng mưa đo được thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30-50%, mùa mưa lại kết thúc sớm. Thêm vào đó hầu hết các sông suối trên địa bàn có lòng sông hẹp, độ dốc lớn, lớp thảm phủ bị suy giảm nên lượng nước trong các sông suối cạn kiệt rất nhanh.

Tính chất bất thường của thời tiết cũng thể hiện khá rõ ở tình hình nắng nóng, hạn hán và cháy rừng trong những năm gần đây. Thời gian khô hạn và mức độ khô hạn, thiếu nước đang có sự gia tăng rõ rệt, kéo theo những hệ lụy đối với đời sống sinh hoạt, sản xuất và môi trường của tỉnh. Theo số liệu thống kê từ năm 2010-2015 số diện tích cây trồng (lúa, cà phê, hồ tiêu, sắn, rau màu...) trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do hạn hán khoảng 7.700 ha, xảy ra ở hầu hết các huyện, thành phố, đặc biệt là thành phố Kon Tum, Đăk Hà, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Kon Rẫy.

Mặt khác hầu hết các hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có dung tích nhỏ và được xây dựng khá lâu đã hư hỏng, xuống cấp, tình trạng bồi lắng xảy ra nghiêm trọng làm cho dung tích giảm đáng kể, ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất.

2. Gió lốc, dông sét, mưa đá (cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 1)

Do hoàn lưu các đới gió trong thời gian chuyển mùa (tháng 3,4,5) kết hợp với địa hình đồi, núi xen kẽ thung lũng và lượng ẩm trong đất, không khí thay đổi đột ngột, hình thành những luồng gió lốc, dông sét kèm theo mưa, thậm chí là mưa đá. Đây là hiện tượng thiên nhiên cực đoan xảy ra không theo chu kỳ mà xuất hiện bất chợt theo từng cơn do đó rất bị động. Mức độ ảnh hưởng trung bình và phạm vi ảnh hưởng nhỏ, hơn nữa do đặc điểm thiên tai của tỉnh ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới nên kết cấu nhà thường rất hạn chế trong nhiệm vụ chống chọi với thiên tai. Hàng năm, trên địa bàn thành phố Kon Tum, huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Kon Plong... đều xảy ra hiện tượng thiên tai trên gây thiệt hại đáng kể về người, nhà cửa và tài sản của nhân dân.

3. Mua lớn (cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 1-2)

Mùa mưa trên địa bàn tỉnh Kon Tum bắt đầu từ tháng 5 cho đến hết tháng 10 riêng vùng Đông Bắc tỉnh kéo đến tháng 11. Hiện tượng mưa lớn chủ yếu xảy ra ở các tháng 8-10 do chịu ảnh hưởng thời tiết của Bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, nhiễu động trong đới gió đông trên cao. Hàng năm thường xảy ra một vài trận mưa lớn kéo dài từ 1 đến 2 ngày với lượng mưa đo được trên 200mm, đã gây ngập lụt ở các khu vực thấp trũng, lũ, lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực xung yếu...

4. Bão, áp thấp nhiệt đới (cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 3)

Kon Tum là một tỉnh miền núi, phần lớn diện tích tự nhiên của Tỉnh được che chở bởi dãy núi Trường Sơn nên ít khi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Tuy nhiên, bão và áp thấp nhiệt đới là nhiễu động khí quyển mạnh, thường kèm theo mưa lớn nên khi có bão và áp thấp nhiệt đới ở các tỉnh Duyên hải Trung bộ, tỉnh Kon Tum cũng chịu tác động một phần, chủ yếu là ảnh hưởng gây mưa lớn kéo dài; lượng mưa ngày lớn nhất ở Kon Tum khi có ảnh hưởng của bão có thể lên trên 200mm đến gần 300mm. Đặc biệt cơn bão số 9 năm 2009 tỉnh Kon Tum có tới 51 người chết, 38 người bị thương, hơn 2.400 ngôi nhà bị sập, hư hỏng và tốc mái; hàng ngàn ha lúa và hoa màu bị ngập úng, bồi lấp và hư hại. Các tuyến đường giao thông bị hư hỏng nặng, gây ách tắc giao thông, chia cắt hầu hết các huyện, rất nhiều tuyến đường huyện lộ, liên xã hầu như không đi lại được; hệ thống công trình cơ sở hạ tầng (thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm Y tế, công cộng...) bị thiệt hại rất nghiêm trọng, ước thiệt hại khoảng 3.400 tỷ đồng.

5. Lũ quét, sạt lở đất (cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 1-2)

Kon Tum là một trong những địa phương đang chịu ảnh hưởng tác động của sự biến đổi khí hậu. Trong đó, yếu tố mưa (lượng mưa, phân bố mưa và cường độ mưa) có những thay đổi khá rõ nét, mà đây lại là tác nhân chính sinh lũ quét và sạt lở đất. hiện tượng mưa tập trung với cường độ mạnh và lượng lớn đã có tần suất xuất hiện nhiều hơn, là nguyên nhân chủ yếu làm cho loại hình thiên tai lũ quét, sạt lở đất xuất hiện ngày càng nhiều, càng nguy hiểm hơn.

Các hoạt động thái quá của con người đã góp phần đáng kể vào nguyên nhân hình thành và gia tăng mức độ nguy hiểm của lũ quét và sạt lở đất. Cùng với việc chặt phá rừng là việc đào bới, san ủi để xây dựng công trình, làm đường giao thông; khai thác khoáng sản; các hoạt động đắp đập tạm, ngăn sông suối để lấy nước trong mùa khô nhưng lại không trả lại trạng thái tự nhiên trong mùa mưa,...làm thay đổi diện mạo lưu vực, làm đất xung yếu dễ bị sạt lở; làm hình thành các túi nước bất đắc dĩ khi có mưa đến khi quá tải sẽ tự vỡ liên hoàn sinh lũ quét cho hạ lưu. Sự có mặt của con người và các hoạt động thái quá nói trên đang làm cho bề mặt lưu vực mất đi sự cân bằng tự nhiên, làm gia tăng mức độ tập trung nước, làm giảm khả năng giữ đất,… biến những vùng đất chắc chắn, trở nên xung yếu; biến những con suối hiền hòa trở nên hung dữ.

5.1. Lũ quét (cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 1-2)

Tỉnh Kon Tum với địa hình chủ yếu là đồi núi và cao nguyên, trong đó riêng địa hình có độ dốc từ 15° trở lên chiếm gần 2/5 diện tích toàn tỉnh. Mặc dù là nơi có độ dốc lớn, nhiều khe suối hẹp; kết cấu đất có độ bền vững không cao nhưng với sự che chở của cây rừng, cũng như cường độ mưa thường không lớn nên trước đây hiện tượng lũ quét ít xảy ra. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự thay đổi mạnh mẽ của bề mặt lưu vực, nhất là sự thu hẹp nhanh chóng diện tích và mật độ cây rừng, kết hợp với các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, lại chịu sự tác động của biến đổi khí hậu với cường độ mưa tăng mạnh nên hiện tượng này đã xuất hiện nhiều lên một cách đột biến. Ở những nơi đất dốc làm cho dòng nước mưa tập trung vào sông suối nên lũ quét xảy ra khi có mưa lớn là khó tránh khỏi.

Lũ quét là một trong những thiên tai thường xảy ra ở vùng đồi núi, nơi có độ dốc lòng suối lớn, khi có cường độ mưa lớn tập trung mà đường thoát nước không kịp sinh ra lũ quét; lũ quét cũng có thể xảy ra do nguyên nhân như: địa chất yếu, vỡ các hồ chứa nước các công trình thủy lợi, thủy điện và sạt lở đất, đá lấp các dòng chảy khi vỡ tạo nên...lũ quét thường phát sinh bất ngờ, xảy ra trong phạm vi hẹp nhưng rất khốc liệt và thường gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người, cơ sở hạ tầng, hủy hoại môi trường sinh thái trên địa bàn các huyện (Kon Plong, Đăk Glei, Tu Mơ Rông...). Lũ quét đã và đang là hiểm họa thực sự đối với nhân dân tỉnh Kon Tum, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số các xã vùng sâu, vùng xa.

5.2. Sạt lở đất (cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 1-2)

Nguyên nhân chính gây ra sạt lở đất là: Sau nhiều ngày mưa, đất sườn đồi vốn rất dốc bị bão hòa nước, mất thế cân bằng, đất đá dễ bị trượt lở. Mặt khác ở những khu vực rừng bị tàn phá, lớp thổ nhưỡng bị phong hóa khi gặp mưa lớn kéo dài thường gây ra sạt trượt các bờ taluy ở những nơi có độ dốc lớn. Khi mưa xuống, dòng nước tập trung nhanh, chảy mạnh sẽ dễ dàng làm xói lở từng mảng dẫn đến sụt lở cả một vùng rộng lớn, làm bào mòn, rửa trôi hàng triệu mét khối đất đai mầu mỡ, nhiều đoạn đường thuộc các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh thường xuyên bị sạt lở với mức độ nghiêm trọng, gây đứt đường, chia cắt giao thông.

Ngoài ra do ảnh hưởng của mưa lũ trong những năm gần đây đã làm nhiều đoạn sông suối trên địa bàn tỉnh Kon Tum bị sạt lở nghiêm trọng gây mất đất sản xuất, đất thổ cư và nhà cửa, đe dọa đến tính mạng của người dân, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của nhân dân trong khu vực.

6. Lũ và ngập lụt (cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 1-2)

Loại hình thiên tai này thường xuyên xảy ra nhất ở tỉnh Kon Tum; hầu như năm nào cũng xảy ra, kể từ năm 1990 trở lại đây. Lũ, ngập lụt tập trung chủ yếu ở các khu vực như thành phố Kon Tum, huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Kon Plong, Kon Rẫy và Sa Thầy thuộc các vùng bãi bồi ven hai bờ sông, suối như: Đăk Bla, Pô Kô...thời gian ngập lụt tương đối ngắn. Những năm có lũ đặc biệt lớn như 1996, 2006, 2009 thời gian ngập kéo dài từ 2-3 ngày, gây ảnh hưởng lớn sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hiện tượng sạt lở bờ sông, suối xảy ra cũng tương đối nghiêm trọng, hằng năm các bờ sông bị sạt lở ăn sâu vào đất liền gây mất đất sản xuất, đe dọa đến các công trình cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đất ở và nhà cửa của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt sau khi các công trình thủy điện được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động đã làm cho tình trạng bồi lắng lòng sông, sạt lở bờ sông xảy ra nhanh hơn và mạnh hơn (ngập lụt cục bộ thường xuyên xảy ra tại khu vực Ngục Kon Tum, thành phố Kon Tum và xã Diên Bình, huyện Đắk Tô).

7. Rét hại (cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 1)

Loại hình thiên tai này chỉ xảy ra ở các xã Măng Cành, Đăk Long, Hiếu, Măng Bút thuộc huyện Kon Plong (thời gian xảy ra cuối tháng 12 hàng năm) gây ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, chăn nuôi và sức khỏe của người dân trên địa bàn.

8. Bão mạnh, siêu bão (cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 4-5)

Tác động của Biến đổi khí hậu khả năng xuất hiện bão mạnh, siêu bão cấp gió, cấp 14 - 15 đổ bộ vào các tỉnh ven biển Miền Trung đi sâu vào đất liền ảnh hưởng đến tỉnh Kon Tum (Đặc biệt cơn bão Ketsana năm 2009, tỉnh Kon Tum có mưa rất to lượng mưa đo được từ 200-400mm, trên các sông suối đã xuất hiện lũ lịch sử). Với cường độ mưa rất lớn, gió giật mạnh cấp 12, cấp 13, lũ trên các sông suối vượt trên báo động cấp 3, bão mạnh, siêu bão sẽ gây thiệt hại nặng về người, nhà cửa sập đổ, phá hủy công trình cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng sản xuất, đời sống của nhân dân.

IV. Những khu vực xung yếu, trọng điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum thường xảy ra thiên tai

Qua kiểm tra hiện trạng các khu dân cư, hệ thống công trình giao thông, thủy lợi, các khu vực xung yếu, trọng điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum thường xảy ra thiên tai được xác định cụ thể (có phụ lục 1 chi tiết kèm theo).

Phần II

KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh Kon Tum xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai giai đoạn 2016 2020.

I. Mục đích yêu cầu

1. Mục đích

Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Đảm bảo, kịp thời sơ tán dân, di dời tài sản ở các khu vực xung yếu (vùng có nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất) đến nơi kiên cố, an toàn và ổn định đời sống sản xuất, sinh hoạt.

2. Yêu cầu

Quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và "ba sẵn sàng" (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai có hiệu quả của các cấp, các ngành.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống ứng phó với thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.

Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng chống thiên tai của toàn dân trên địa bàn.

Bảo vệ an toàn tài sản của nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đảm bảo thông tin liên lạc, giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, thủy điện, kè chống sạt lở, đường giao thông, điện, nước, nhà cửa, kho tàng bến bãi...nhằm phục vụ tốt sản xuất, lưu thông hàng hóa và đời sống của nhân dân.

Các địa phương, đơn vị trong tỉnh phải xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thật cụ thể, chi tiết và sát tình hình thực tế để kịp thời ứng phó với mọi tình huống.

Vận hành hợp lý các hồ chứa để đảm bảo vừa phòng lũ và có đủ nước để phục vụ sản xuất, phối hợp tốt trong công tác vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Sê San để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Người dân nghiêm chỉnh chấp hành các mệnh lệnh, hướng dẫn, cảnh báo của chính quyền, cơ quan chức năng trong suốt thời gian từ trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra; đồng thời tự giác tham gia cùng chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của pháp luật.

II. Nội dung kế hoạch

1. Xử lý thông tin về thiên tai

Khi nhận được các thông tin thời tiết nguy hiểm (hạn hán, bão, bão mạnh, siêu bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn kéo dài, ngập lụt, lũ quét, sạt lở,...) qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum, các Công điện, Chỉ thị chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai...các cấp, các ngành kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh triển khai thực hiện các phương án về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung chỉ đạo một cách quyết liệt, đồng bộ để đạt hiệu quả cao nhất.

UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổ chức cuộc họp khẩn cấp khi có bão, bão mạnh, siêu bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết tỉnh Kon Tum gây mưa to kéo dài, gió lốc, nguy cơ gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nguy cơ gây mất an toàn cho các công trình cơ sở hạ tầng...bàn triển khai các biện pháp phòng, ứng phó với các tình huống thiên tai (thời gian thực hiện trước 24 giờ trước khi bão ảnh hưởng đến đất liền).

- Phân công các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phụ trách từng địa bàn, chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố để kịp thời chỉ đạo ứng phó với các tình huống thiên tai bão, lũ xảy ra.

- Tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến thời tiết. Tiếp nhận các Công điện, Chỉ thị, mệnh lệnh, thông báo...của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, UBND tỉnh truyền đạt và thông tin kịp thời những diễn biến về tình hình thiên tai và các văn bản chỉ đạo điều hành về công tác phòng, ứng phó thiên tai đến các địa phương, cơ quan, đơn vị và nhân dân biết để chủ động phòng tránh.

- UBND các huyện, thành phố và các sở, ban ngành liên quan thường xuyên cập nhật vào trang điện tử www.kontum.gov.vn để kịp thời nắm bắt tình hình và thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, đồng thời gửi báo cáo nhanh về diễn biến tình hình thiên tai của các địa phương, đơn vị qua địa chỉ email của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh: pcttkontum@email.com; và chicucthuyloikontum@yahoo.com.vn; số fax 0603.864585.

- Chỉ đạo các cấp, các ngành bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ, đồng thời cắm các biển báo tại các khu vực nguy hiểm như: các ngầm qua sông suối, tuyến đường thường bị ngập sâu, nguy cơ sạt lở..., phân luồng, hướng dẫn giao thông, quản lý chặt chẽ phương tiện qua lại các điểm nêu trên; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và các phương tiện giao thông qua lại khi có thiên tai xảy ra.

- Đảm bảo giữ vững thông tin liên lạc giữa UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh với các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan đặc biệt là các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai để phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống và ứng phó thiên tai.

- Thực hiện cơ chế chỉ huy tập trung, trong đó Trưởng ban là Chủ tịch UBND các cấp, Giám đốc các sở, ban, ngành và lãnh đạo cao nhất của các đơn vị; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy phụ trách từng công việc và địa bàn trọng điểm thường bị ảnh hưởng do thiên tai nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ huy trong công tác PCTT và TKCN.

- Rà soát, thống kê số lượng các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm (vùng thấp trũng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất) cần phải sơ tán di dời, bố trí địa điểm di dời đến nơi an toàn (các trường học, trụ sở làm việc, nhà văn hóa kiên cố...). Kiên quyết di dời các hộ dân nằm trong các khu vực trên cố tình không chịu di dời, áp dụng biện pháp cưỡng chế khi thiên tai nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người dân.

- Chỉ đạo vận chuyển vật tư (rọ thép, đá hộc, nhà bạt, phao cứu sinh...), phương tiện, máy móc, thiết bị ứng trực tại các điểm thường xuyên xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất...để triển khai ngay công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

- Chuẩn bị các lực lượng (Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ, Thanh niên...) khẩn cấp sơ tán người, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, sự cố công trình không để xảy ra thương vong trong thiên tai; hướng dẫn, hỗ trợ người dân chằng, chống nhà cửa, dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức bảo vệ tốt an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn các huyện, thành phố, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. (đặc biệt đối với các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất, chia cắt khi có mưa bão).

- Tăng thời lượng phát sóng, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình diễn biến của thiên tai và công tác chỉ đạo, ứng phó của Trung ương và tỉnh để các địa phương, nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.

- Toàn bộ lực lượng vũ trang, xung kích, dân sự trên địa bàn tỉnh có phương án đảm bảo an toàn cho bản thân lực lượng và sẵn sàng nhận lệnh huy động ứng cứu khi có yêu cầu.

- Các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai ngay phương án phòng chống, ứng phó với thiên tai đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nghiêm túc thực hiện nội dung Phương án phòng chống lụt bão, ứng phó với bão mạnh, siêu bão và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 81/QĐ-UBND ngày 09/02/2015.

2. Đánh giá nguồn lực ứng phó với thiên tai

2.1. Về nhân lực

Tỉnh Kon Tum ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên khi bão đổ bộ vào các tỉnh Duyên hải Trung Bộ sẽ gây mưa to đến rất to trên diện rộng kèm theo gió lốc đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây lũ quét, sạt lở đất, gãy đổ cây cối, tốc mái, sập nhà cửa và tài sản tính mạng của nhân dân. Lĩnh vực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở một số địa phương và phần lớn bộ phận dân cư vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn nhân lực cho công tác ứng phó thiên tai của cấp xã, phường đặc biệt là cấp thôn còn nhiều hạn chế, bị động và trông chờ cấp trên.

Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp tỉnh, huyện hằng năm đều được kiện toàn, định kỳ họp tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm tình hình thực hiện nhiệm vụ của năm cũ và triển khai phương hướng nhiệm vụ công tác năm tiếp theo. Các thành viên Ban chỉ huy chủ yếu là cán bộ chủ chốt của các cấp, các ngành với chức năng kiêm nhiệm và được Trưởng ban phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên phù hợp với lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Tuy nhiên qua triển khai thực tiễn vẫn còn một số đồng chí trong Ban chỉ huy chưa thật sự chú trọng, quan tâm đến công tác PCTT và TKCN, thiếu chủ động trong phối hợp và chỉ đạo điều hành.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn ở các cấp nòng cốt là lực lượng của Quân đội, Công an nhưng hằng năm cũng chưa được đào tạo, hướng dẫn, diễn tập, tập luyện một cách bài bản về lĩnh vực này; chưa thành lập những bộ phận chuyên nghiệp về PCTT và TKCN, do nguồn kinh phí hạn chế nên công tác diễn tập tình huống cho các lực lượng nòng cốt vẫn chưa được thực hiện (cụ thể tại Phụ lục 2 kèm theo).

2.2. Về kinh phí và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phòng và khắc phục hậu quả thiên tai chủ yếu từ nguồn ngân sách do Trung ương hỗ trợ cấp phát, đối với kinh phí của tỉnh phục vụ cho nhiệm vụ này còn rất hạn hẹp, chỉ sử dụng một phần nhỏ ngân sách dự phòng của địa phương để xử lý cấp bách một số sự cố do thiên tai gây ra, do đó chưa đáp ứng đòi hỏi thực tế nhiệm vụ PCTT và TKCN đặt ra là “khẩn trương, kịp thời, hiệu quả"

Ngân sách chi cho các hoạt động thường xuyên hằng năm của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ dao động khoảng 300 triệu đồng. Ở cấp huyện, xã, phường kinh phí dành cho hoạt động này hầu như là không có. Riêng nguồn thu từ quỹ phòng chống thiên tai theo quy định hướng dẫn của Nghị định 94/2014/NĐ-CP , ngày 17/10/2014 của Chính phủ, UBND tỉnh đã có Quyết định số 387/QĐ-UBND ngày 14/4/2016 về việc thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Kon Tum và đang xem xét ban hành "Quy chế về tổ chức và hoạt động của Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh Kon Tum” để triển khai thực hiện trong thời gian đến.

Chi cho nhiệm vụ tuyên truyền, tập huấn và diễn tập và mua sắm trang thiết bị, vật tư, dụng cụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp của tỉnh hầu như là không được bố trí trong kế hoạch hàng năm hoặc chỉ có với chi phí rất thấp. Vì vậy khi có thiên tai xảy ra trên diện rộng và phức tạp sẽ không đáp ứng được nhu cầu.

Số vật tư, trang thiết bị phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn hiện có trên địa bàn tỉnh chủ yếu được Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cấp và được UBND tỉnh phân bố cho các huyện, thành phố và đơn vị liên quan quản lý, sử dụng trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương. Về số lượng, chủng loại còn rất hạn chế và chưa phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương do đó rất khó khăn trong sử dụng và phát huy hiệu quả như: canô, xuồng máy...(Cụ thể tại Phụ lục 3 kèm theo).

Đánh giá chung: với nguồn lực và trang thiết bị như trên có thể thấy công tác PCTT & TKCN của tỉnh Kon Tum chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế nhiệm vụ trong tình hình diễn biến thiên tai ngày càng khốc liệt. Nếu như trên địa bàn tỉnh xảy ra các trận lũ lịch sử như năm 1996, 2009; những đợt hạn hán gay gắt như năm 2004-2005, 2010-2011, 2015-2016; những trận lũ quét, sạt lở đất năm 2009; thường xuyên xảy ra lốc xoáy, dông sét, mưa lớn vào thời điểm đầu mùa mưa hằng năm, thì nguồn lực như hiện tại sẽ khó có thể triển khai thực hiện tốt, hiệu quả nhiệm vụ ứng phó với thiên tai.

Đặc biệt khi các công trình thủy điện vận hành xả lũ, sự cố bồi lấp, sạt lở bờ sông, sự cố mất an toàn hồ đập nếu xảy ra thì công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

2.3. Nhận thức của cộng đồng về thiên tai

Với đặc điểm dân cư đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, phân bố rải rác, chủ yếu là dân nhập cư từ nhiều vùng miền khác nhau với ngôn ngữ, tập quán, tập tục canh tác cũng khác biệt nhau, mặt bằng dân trí khác biệt nhau rất lớn giữa các trung tâm thành thị với các vùng nông thôn. Thêm vào đó, đặc điểm khí tượng, thủy văn theo các vùng, các khu vực trong tỉnh phân bố cũng rất khác nhau. Do vậy, nhận thức của cộng đồng về thiên tai trên địa bàn tỉnh cũng rất khác nhau.

Hầu hết người dân địa phương đều chưa được tiếp cận một cách có hệ thống về thiên tai và các biện pháp phòng chống thiên tai thông qua các buổi tập huấn, hướng dẫn do các cấp, các ngành tổ chức. Chỉ mới triển khai đến đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách được giao nhiệm vụ PCTT và TKCN của cấp tỉnh, huyện. Đối với cấp xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư chưa được triển khai.

Có thể nhận định rằng hầu hết nhận thức cộng đồng về thiên tai đều có đặc điểm chung là mang tính phán đoán, cảm nhận, hiểu biết một cách chung chung thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và chủ yếu là nhận biết để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Phòng chống thiên tai chủ yếu mang tính bộc phát, tức thời. Hoàn toàn chưa thể hiểu biết sâu sắc về bản chất hiện tượng, chưa thể nhận biết được những thiên tai đang tiềm ẩn tại nơi, khu vực mà mình sinh sống cũng như mức độ nguy hiểm của mỗi loại hình thiên tai, các phương thức phòng chống có khoa học, tiết kiệm, dễ làm và hiệu quả. Đồng thời, họ cũng chưa nhận thức được vị trí, vai trò, sự đóng góp của mỗi cá nhân, cả cộng đồng trong nhiệm vụ PCTT và TKCN nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

2.4. Hệ thống thông tin cảnh báo

Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quá mỏng, trên diện tích rộng 9.676,5 km2 chỉ có 02 trạm khí tượng (thành phố Kon Tum 01 trạm và huyện Đăk Tô 01 trạm) và 04 điểm đo mưa. Trên khoảng 100 con sông suối lớn, nhỏ chỉ có 05 trạm Thủy văn tập trung trên hai sông chính là Pô Kô (02 trạm), Đắk Bla (02 trạm) và Đăk Tờ Kan (01 trạm).

Hiện có 13 trạm đo mưa tự động trên địa bàn tỉnh đã được lắp đặt nhưng chưa hoạt động nên không cung cấp được nguồn dữ liệu phục vụ cho công tác dự báo. Tình trạng vi phạm hành lang an toàn kỹ thuật các trạm Khí tượng Thủy văn đang diễn ra gây ảnh hưởng đến chất lượng số liệu quan trắc, đo đạc, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng dự báo phục vụ phòng chống thiên tai. Điển hình là việc khai thác cát, sỏi trên sông Đắk Bla ảnh hưởng đến tài liệu đo thủy văn của trạm Thủy văn Kon Tum.

Ngoài ra, còn có các tháp cảnh báo lũ đã và đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn các huyện, thành phố để cảnh báo nhân dân khi qua lại các khu vực thấp trũng thường xảy ra ngập lụt khi có mưa lũ.

3. Các biện pháp cơ bản ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai và loại hình thiên tai cụ thể

3.1. Biện pháp phòng chống ứng phó hạn hán

Để chủ động đối phó tình hình hạn hán có thể xảy ra, đảm bảo đủ nước phục vụ nhu cầu dùng nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của nhân dân cân đề phòng; và thực hiện các giải pháp chống hạn như sau:

3.1.1. Đối với sản xuất nông nghiệp

a. Công tác chỉ đạo tổ chức sản xuất

Vận động nhân dân tập trung thu hoạch lúa vụ mùa chậm nhất đến giữa tháng 11 phải hoàn thành dứt điểm và đồng thời khẩn trương làm đất xuống giống đồng bộ, đúng thời vụ, vụ Đông xuân chậm nhất đến khoảng giữa tháng 12 phải hoàn thành, để hạn chế những khó khăn do khô hạn thiếu nước gây ra ở cuối vụ.

- Đối với cây lúa nước nên sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, có năng suất cao, ổn định như: VND 95-20, IR 56279, IR 64, HT1, Khang dân 18, Khang dân đột biến và các giống lúa lai như nhị ưu 838...

- Cây ngô sử dụng các giống ngô lai có năng suất cao, chất lượng tốt có thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày như: LVN10, CP888, CP989, CP999, DK171, V98-2, C919, BioseedB21,...và một số giống ngô nếp sử dụng ăn tươi như VN2, VN6, MX4, Nếp nù,.... Nên bố trí trồng ngô trên diện tích đất ô nà, bãi bồi ven sông suối hoặc đất không cấy được lúa do thường xuyên thiếu nước.

- Cây cà phê: Sau khi thu hoạch xong khẩn trương tiến hành bấm tỉa cành, tủ gốc và tưới nước bón phân lần 1 trong thời gian cuối tháng 12 và đầu tháng 01.

- Cây cao su, bời lời, mắc ca,...và một số cây lâm nghiệp khác. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như: làm cỏ, tủ gốc và phát đường băng cản lửa để đảm bảo tỉ lệ sống cao và phòng chống cháy trong mùa khô.

b. Các giải pháp phòng chống hạn

- Giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Qua tổng hợp diễn biến tình hình hạn ở các địa phương, một số diện tích thường bị thiếu nước vào thời gian cuối mùa khô như: Khu tưới Đoàn Kết, Đăk Rơ Wa, Chư Hreng, Ia Chim, Đăk Năng (Thành Phố Kon Tum); Khu tưới Thị trấn, xã Sa Sơn, Sa Bình (Sa Thầy); Khu tưới Thị Trấn, xã Diên Bình (Đăk Tô), xã Đăk La, Đăk Hring (Đăk Hà)...Với diện tích của các khu này chính quyền địa phương cần vận động và hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ lúa sang trồng hoa màu hoặc cây lương thực ngắn ngày thích hợp khi cần thiết để giảm nhu cầu dùng nước, đồng thời chủ động điều chỉnh lịch thời vụ sớm hơn từ 10 - 15 ngày, chỉ đạo quyết liệt gieo sạ tập trung tránh rải vụ, nhằm tranh thủ sử dụng nguồn nước dự trữ các hồ, đập ngay từ đầu vụ nhằm đảm bảo đủ nước tưới cho diện tích được gieo trồng.

- Giải pháp quản lý vận hành công trình

+ Thực hiện tưới luân phiên, đặc biệt là các công trình có đầu mối là hồ chứa để tiết kiệm nước ngay trước khi hạn xảy ra như hồ Cà Tiên, Tân Điền...(Thành Phố Kon Tum); hồ Cà Sâm (Đăk Hà); hồ Đăk Prông, Đăk Sia 1 (Sa Thầy); hồ C19, Hồ Chè (Đăk Tô); Đăk Hơ Niêng (Ngọc Hồi)...Thường xuyên theo dõi mực nước các hồ để chủ động điều tiết nước hợp lý.

+ Quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, đặc biệt là các cống tưới gần đầu mối, không để rò rỉ lãng phí nước, đảm bảo đủ nước tới cuối khu tưới. Thực hiện tưới khoa học, tưới từ khu xa đầu mối trước xong mới tưới khu gần đầu mối sau; khu cao tưới trước khu trũng tưới sau.

+ Tổ chức nạo vét phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khắc phục ngay những chỗ hư hỏng, rò rỉ để chống thất thoát nước; dùng các biện pháp giữ nước, tích nước như: dùng bao tải đất, phai gỗ nâng cao ngưỡng tràn xả lũ để sử dụng dung tích phòng lũ các hồ chứa...nâng cao năng lực tích nước của đầu mối.

+ Tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời theo kế hoạch. Việc phân phối nước phải có sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị quản lý cấp nước (các trạm quản lý thủy nông, hợp tác xã...) với các hộ dùng nước (tổ chức, hộ gia đình...) và bám sát lịch thời vụ gieo trồng, nhu cầu dùng nước của cây trồng.

+ Các đơn vị quản lý cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến mực nước của các công trình, báo cáo kịp thời về các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý khắc phục.

- Giải pháp công trình

+ Kiểm tra cụm đầu mối, tuyến kênh mương của các công trình đang hoạt động, nhất là các công trình đã xuống cấp để đảm bảo tải nước không bị thất thoát phục vụ tưới và chống hạn.

+ Các chủ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình sửa chữa, nâng cấp để hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng phục vụ chống hạn; Triển khai mới kiên cố hóa kênh mương để đưa vào phục vụ sản xuất, nâng cao hệ số tưới, tiết kiệm nước.

+ Có kế hoạch xây dựng những công trình thủy lợi lớn, đặc biệt là các hồ chứa nhằm đảm bảo phục vụ tưới ổn định và có nguồn nước để phục vụ công tác chống hạn.

- Giải pháp tưới động lực

Khi hạn xảy ra, các Huyện, Thành Phố, Ban quản lý - Khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum huy động kịp thời nhân lực, phương tiện, máy móc, vật tư (như máy bơm nước, đường ống, xăng, dầu...) tổ chức bơm tưới bổ sung ngay các vị trí bị hạn như:

- Thành phố Kon Tum: bơm nước từ sông Đăk Bla bằng máy bơm điện của trạm bơm Vinh Quang, Măng La, Tà Rộp... để tưới và tạo nguồn, dùng máy bơm bơm chuyển tiếp tưới cho khu tưới Tân Điền, Cà Tiên. Dùng biện pháp đắp đập tạm ngăn và dẫn nước vào bể hút để bơm nước tưới cho khu vực xã Kroong.

- Huyện Đăk Hà: bơm nước từ suối hoặc kênh của hồ Đăk Uy để bổ sung cho khu tưới Cà Sâm; Đăk Căm, Ông Phiêu; khu tưới xã Ngọc Réo; Đăk Hring; Đăk Psi.

- Các Huyện Sa Thầy; Đăk Tô; Kon Rẫy; Ngọc Hồi...tổ chức bơm nước từ sông, suối, hồ, đập để tưới bổ sung cho khu vực bị hạn.

Ngoài ra tùy từng địa phương và nguồn nước tại thời điểm hiện tại, tận dụng tối đa nguồn nước của các khe suối, ao, hồ, để chọn nơi đặt máy bơm để tưới bổ sung cho những khu vực có thể chống hạn. Hoặc dùng các biện pháp đắp đập tạm ngăn suối, dùng máy bơm bơm nước để tưới.

- Giải pháp thông tin tuyên truyền

+ Các địa phương, đơn vị, tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nước tiết kiệm; phổ biến các phương pháp tưới tiết kiệm, khoa học nhằm tiết kiệm nước.

+ Tuyên truyền để nhân dân hiểu việc biến đổi khí hậu như hiện nay hạn hán có thể xảy ra, trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, để giảm thiệt hại về vật chất cho nhân dân khi hạn xảy ra.

+ Vận động nhân dân tích cực tham gia làm thủy lợi, nạo vét phát dọn kênh mương, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, tận dụng tối đa nguồn nước hiện có. Thực hiện tưới tiết kiệm, tưới vừa đủ cho nhu cầu cây trồng, giữ bờ bao, bờ thửa để lợi dụng khả năng trữ nước ở mặt ruộng từ 3-5 ngày, tránh tưới liên tục, tràn lan từ thửa này sang thửa khác.

+ Nghiêm cấm người dân không tự ý làm bờ cản trên kênh, tháo nước tràn lan gây thất thoát, thiếu nước khu vực cuối kênh.

+ Dùng biện pháp tủ gốc cây trồng cạn bằng bao ni lông, cây xanh; trông hàng băng chắn gió và che nắng cho cây trồng (hoa màu, cà phê, tiêu...).

+ Tuyên truyền vận động nhân dân hiểu tác hại của việc phá rừng đầu nguồn, từ đó có ý thức bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt.

3.1.2. Đối với công trình nước sinh hoạt

- UBND các huyện, thành phố và các đơn vị quản lý công trình chỉ đạo các xã, phường, phòng ban chức năng thường xuyên kiểm tra các công trình nước tự chảy, giếng nước sinh hoạt để có giải pháp chống hạn riêng cho từng khu vực công trình.

- Vận động nhân dân trong vùng hưởng lợi từ các công trình nước tự chay thường xuyên nạo vét đầu mối, súc rửa bể lắng lọc, sửa chữa tuyến đường ống và các bể chứa để chống rò rỉ gây thất thoát nước.

- Tuyên truyền vận động nhân dân dùng nước tiết kiệm, chuẩn bị các vật dụng như: Bồn chứa, thùng nhựa, can đựng nước... để dự trữ nước sinh hoạt.

- Trong trường hợp thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở một số khu vực, chính quyền địa phương cần có giải pháp cấp nước sinh hoạt hỗ trợ cho nhân dân bằng biện pháp chở nước sinh hoạt từ các nơi khác đến.

- Tăng cường biện pháp quản lý điều tiết các công trình nước sinh hoạt tập trung, thường xuyên chỉ đạo các đơn vị quản lý kiểm tra hệ thống đầu mối, bể lắng lọc, đường ống. Đóng khóa van, với tại các vị trí không cần thiết để điều tiết nước đến các vị trí bất lợi nhất.

- Đối với giếng đào: Khuyến cáo nhân dân thường xuyên kiểm tra và chủ động tổ chức nạo vét đáy giếng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt.

3.2. Biện pháp phòng chống ứng phó gió lốc, dông sét, mưa đá

Để hạn chế các thiệt hại do gió lốc, dông sét, mưa đá gây ra và xử lý các tình huống này đề nghị UBND, Ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường và các cơ quan đơn vị trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân một số biện pháp phòng tránh như sau:

- Hướng dẫn nhân dân thường xuyên chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng lốc xoáy, ở những khu vực trống trải, nếu nhà lợp bằng tôn tráng kẽm, fibro xi măng, ngói có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao tải chứa cát để hạn chế tốc mái khi có lốc xoáy. Khi có hiện tượng dông sét phải nhanh chóng đóng và nẹp các loại cửa sổ, nhất là cửa mở về hướng gió. Chặt tỉa cành, nhánh các cây cao, dễ gãy đổ, mục rỗng, nằm gần nhà ở, lưới điện...

- Khi trời mưa lớn kèm theo dông, cần sơ tán người già và trẻ em ra khỏi những căn nhà tạm bợ, đến những nơi trú ẩn an toàn như nhà kiên cố, tránh núp dưới bóng cây. Tuyên truyền vận động các hộ dân có nhà kiên cố tiếp nhận những người dân trú ẩn khi xảy ra lốc xoáy với tinh thần tương thân, tương trợ lẫn nhau.

- Khi có thiệt hại do lốc xoáy UBND các xã, phường huy động lực lượng dân quân, xung kích, đoàn thanh niên và các tổ chức khẩn trương giúp đỡ nhân dân dựng lại nhà cửa, lợp mái, động viên người dân sớm ổn định tinh thần, phát huy phương châm "bốn tại chỗ", lập biên bản xác minh đánh giá thiệt hại báo cáo Ban chỉ huy cấp trên, trường hợp vượt quá khả năng của chính quyền địa phương đề nghị cấp trên xem xét hỗ trợ.

- Để hạn chế các thiệt hại do sét, mưa đá gây ra cần hướng dẫn, khuyến cáo nhân dân thực hiện các biện pháp sau:

- Khi có tin dự báo thời tiết, khi có kế hoạch di chuyển đến nơi nào đó cần phải để ý các nơi có thể trú mưa và tránh sét an toàn, tránh đi ra đường khi không cần thiết.

- Khi ở trong nhà nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp cần thiết. Nên rút phích cắm các thiết bị điện khi có dông tố bắt đầu.

- Khi ở ngoài trời, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại. Nên tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp.

3.3. Biện pháp phòng chống ứng phó với bão, bão mạnh, siêu bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt

Khi có thiên tai xảy ra ở địa phương nào, yêu cầu địa phương, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện theo Phương án đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt; sử dụng các loại vật tư, phương tiện, lực lượng tại chỗ của địa phương, đơn vị mình để triển khai ứng cứu, cứu hộ, tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực trọng điểm xung yếu, đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân.

3.3.1. Các tuyến đường giao thông

a. Tình huống

Mưa to cho đến rất to kéo dài, mực nước các sông suối trên mức báo động cấp 3, nước lũ về nhanh cuốn theo cây cối, bùn đất gây ngập lụt, tắc nghẽn làm giảm khả năng thoát lũ của các cầu, cống; làm sạt lở taluy âm, dương tại các điểm xung yếu. Các công trình như đèo Lò Xo - huyện Đăk Glei, ViHôlăk - huyện Kon Plông, Văn Loan - huyện Tu Mơ Rông; cầu Kon Braih - huyện Kon Rẫy, Đăk Bla - thành phố Kon Tum, Diên Bình và cầu 42 - huyện Đăk Tô...; các cống, ngầm, tràn bị sạt lở, cuốn trôi, làm mất đường gây chia cắt giao thông.

b. Biện pháp xử lý

Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Cục Quản lý đường bộ III chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh Kon Tum:

- Bố trí cán bộ quản lý và lực lượng tuần đường ứng trực 24/24h tại công trình, thường xuyên liên lạc báo cáo sự cố xảy ra với cán bộ lãnh đạo trực tiếp xử lý thông tin, báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về diễn biến tình hình do thiên tai gây ra để chỉ đạo ứng phó.

- Để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện giao thông trong khu vực xảy ra thiên tai, các cơ quan chức năng địa phương tổ chức cán bộ, công nhân túc trực thường xuyên tại các điểm xảy ra sự cố, lắp đặt các biển cảnh báo; phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Công an thành lập các tổ, đội (1 tổ, đội khoảng 15-20 người) túc trực phân luồng, hướng dẫn xe lưu thông để tránh xảy ra tai nạn tại các điểm trên; nghiêm cấm không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn.

- Huy động vật tư, nhân lực tại chỗ (các Hạt quản lý đường bộ), xe vận chuyển, máy đào, máy ủi và các thiết bị phòng hộ, nhà bạt, phao cứu sinh các loại, cùng với vật tư hiện có như dầm cầu thép dự phòng, rọ thép, đá hộc, cây, cọc, bao đất, vải bạt... để xử lý gia cố các điểm bị xói lở, hốt dọn đất, đá giải phóng lòng đường; làm đường tránh mới, lắp dựng cầu tạm (nếu cần thiết)...để đảm bảo cho người và các phương tiện lưu thông trong thời gian sớm nhất.

- Trường hợp sự cố vượt quá khả năng xử lý của đơn vị, có văn bản trình, đồng thời điện thoại trực tiếp Lãnh đạo UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để huy động cán bộ, chiến sỹ từ các đơn vị đến ứng cứu tại các vị trí xảy ra sự cố như:

+ Khu vực đèo lò xo, đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận huyện Đăk Glei, do mưa to kéo dài gây sạt lở mất đường;

Điều động 30 cán bộ, chiến sỹ của Công an tỉnh cùng với lực lượng địa phương túc trực phân luồng, hướng dẫn xe lưu thông, giữ vững an ninh trật tự nơi xảy ra sự cố.

Điều động 50 cán bộ, chiến sỹ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; 20 cán bộ, chiến sỹ của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (số lượng cán bộ, chiến sỹ thuộc các đồn biên phòng) và phối hợp cùng với Cục Quản lý đường bộ III và đơn vị thực hiện quản lý, bảo trì trên đường Hồ Chí Minh tổ chức khắc phục các điểm sạt lở, làm đường tránh mới, lắp đặt cầu tạm (nếu có)...

Vật tư, phương tiện huy động để khắc phục sự cố bao gồm: Dàn cầu dầm thép địa phương L = 15m; Dàn cầu Pen Rô L = 33m; Dàn cầu Bailey kép L = 18m (vật tư dự phòng hiện Sở Giao thông Vận tải đang quản lý); rọ thép 500 rọ; đá hộc 600m3; xe tải các loại chở nguyên vật liệu 05 chiếc; máy ủi, máy xúc 5 chiếc (huy động từ các đơn vị, doanh nghiệp tại huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi);

+ Cầu Đăk Ruồng - huyện Kon Rẫy bị nước lũ về cuốn theo cây cối làm gãy cầu gây chia cắt giao thông:

* Điều động 30 cán bộ, chiến sỹ của công an tỉnh phối hợp cùng với lực lượng địa phương túc trực phân luồng, hướng dẫn xe lưu thông, giữ vững an ninh trật tự nơi xảy ra sự cố.

* Huy động 30 cán bộ, chiến sỹ thuộc Sư đoàn 10, đồng thời báo cáo Bộ Quốc phòng điều chuyển dàn cầu phao của Quân đoàn 3 bắc qua sông để đảm bảo giao thông. Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo đơn vị quản lý công trình triển khai lắp đặt cầu tạm sớm đưa vào phục vụ nhu cầu giao thông cho nhân dân.

* Vật tư, phương tiện huy động để khắc phục sự cố bao gồm: Báo cáo Bộ Giao thông Vận tải điều động dàn cầu Bailei kép L = 108m của Tổng Cục Đường bộ Việt Nam tại Khu quản lý đường bộ V; rọ thép 200 rọ; đá hộc 200m3; xe tải các loại chở nguyên vật liệu 5 chiếc; máy ủi, máy xúc 4 chiếc (huy động từ các đơn vị, doanh nghiệp tại huyện Kon Rẫy, thành phố Kon Tum).

- Trường hợp các vị trí xung yếu trên các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn tỉnh bị bão mạnh, siêu bão phá hủy đồng loạt, gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông. Sở Giao thông Vận tải, các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh Kon Tum huy động toàn bộ lực lượng tại Hạt quản lý đường bộ, vật tư, phương tiện, máy móc...phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai khắc phục thiệt hại do bão mạnh, siêu bão gây ra. Đồng thời báo cáo trực tiếp Lãnh đạo UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để huy động cán bộ, chiến sỹ đóng trên địa bàn tỉnh tham gia phân luồng, hướng dẫn xe lưu thông, giữ vững an ninh trật tự nơi xảy ra sự cố. Khẩn trương khắc phục tạm các tuyến đường (làm cầu tạm, đường tránh, hốt dọn đất sụt...) để đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian sớm nhất.

3.3.2. Các công trình thủy lợi

a. Tình huống

Khi lượng nước lũ về hồ ứng với mực nước qua tràn lớn hơn mực nước siêu cao và gần bằng cao trình đỉnh đập: MNSC < hhồ < sđ.đập, ngập vùng thượng lưu nhiều, tốc độ dòng chảy rất xiết, mức độ ảnh hưởng trầm trọng đến an toàn cho công trình, có khả năng thiệt hại về người và tài sản ở hạ lưu công trình; ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh, kinh tế và cơ sở hạ tầng vùng hạ lưu của các hồ chứa nước: Hồ Đăk Uy - huyện Đăk Hà; Đăk Yên, Đăk Chà Mòn - thành phố Kon Tum, Đăk Hnia - huyện Tu Mơ Rông.

b. Biện pháp xử lý

- Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum (đơn vị quản lý công trình) bố trí cán bộ quản lý vận hành ứng trực 24/24h tại các công trình, thường xuyên liên lạc báo cáo sự cố xảy ra với cán bộ lãnh đạo trực tiếp xử lý thông tin, báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về diễn biến tình hình do thiên tai gây ra để chỉ đạo ứng phó.

- Đơn vị quản lý công trình báo cáo lãnh đạo trực tiếp xin xuất vật tư dự phòng PCTT và điều động: nhân lực tại chỗ (hiện có tại các Trạm quản lý thủy nông và nhân lực địa phương nơi có công trình) để xử lý ứng phó: về nhân lực, phương tiện vận chuyển, máy đào, máy ủi, máy kéo, các thiết bị phòng hộ, nhà bạt, phao cứu sinh các loại và vật liệu có sẵn tại chỗ như rọ thép, đá hộc, cây, cọc, bao đất, vải bạt... nếu thấy cần thiết, đề nghị cần bao nhiêu số lượng để xử lý kịp thời cột nước tràn qua đập đất, vai tràn xả lũ và gia cố các chỗ bị xói lở. Báo cáo cụ thể UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

- Trường hợp vượt quá thẩm quyền xử lý trong các tình huống bất thường; ví dụ như tình huống nguy cơ vỡ đập hồ chứa nước Đăk Uy, huyện Đăk Hà. Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum phải có văn bản trình, đồng thời điện thoại trực tiếp UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo các tình huống khẩn cấp, điều động cán bộ, chiến sỹ của các đơn vị đóng trên địa bàn tham gia ứng cứu như:

* Điều động 200 cán bộ, chiến sỹ (bao gồm: 100 cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; 100 cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 10) cùng với lực lượng địa phương tổ chức di dời dân cư sinh sống dọc theo suối Đăk Uy, vùng ảnh hưởng do sự cố vỡ hồ chứa Đăk Uy gây ra đến nơi an toàn (trường học, nhà văn hóa, trụ sở UBND xã Hà Mòn, xã Đăk Mar). Tổ chức tham gia chống lũ, cứu hộ tại chỗ, bảo vệ công trình hạ tầng cơ sở, công trình phúc lợi, đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại vùng bị thiên tai và các khu vực bố trí tạm cho dân, khắc phục các sự cố do bão, lũ gây ra.

* Vật tư, phương tiện huy động để khắc phục sự cố bao gồm: nhà bạt, áo phao (hiện có tại UBND huyện Đăk Hà ); rọ thép 1.000 rọ; đá hộc 1.500m3; bao tải 20.000 cái; ôtô vận chuyển người 20 chiếc; xe tải các loại chở nguyên vật liệu 30 chiếc; máy ủi, máy xúc 10 chiếc (huy động từ các đơn vị, doanh nghiệp tại huyện Đăk Hà và thành phố Kon Tum); 10.000 lít xăng dầu (Chi nhánh xăng dầu Kon Tum cung cấp) được tập kết tại thị trấn Đăk Hà.

Nhu yếu phẩm thiết yếu: Gạo, mỳ tôm, nước uống...Sở Công thương và UBND huyện Đăk Hà chỉ đạo dự trữ tại các cửa hàng, kho lương thực đảm bảo cho nhân dân dùng trong 10 ngày.

Các đơn vị quản lý công trình có phương án tràn sự cố tại một số hồ chứa lớn, dung tích trên 3 triệu m3 nhất là các công trình có khu dân cư, công trình cơ sở hạ tầng ở hạ du đập.

Ban Quản lý - Khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum chủ động sử dụng toàn bộ lực lượng Ban quản lý, các trạm thủy nông, vật tư, trang thiết bị dự phòng để triển khai khắc phục các sự cố do mưa lũ vượt tần suất kiểm tra đối với công trình hồ đập. Phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai khắc phục sự cố do bão mạnh, siêu bão gây ra. Đồng thời báo cáo trực tiếp Lãnh đạo UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để huy động cán bộ, chiến sỹ đóng trên địa bàn tỉnh tham gia chống lũ, cứu hộ tại chỗ, bảo vệ công trình hạ tầng cơ sở, tổ chức sơ tán dân khu vực bị ảnh hưởng do vỡ hồ, đập gây ra, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại vùng bị thiên tai và các khu vực bố trí tạm cho dân.

3.3.3. Các khu vực dân cư bị lũ quét, sạt lở

a. Tình huống

Mưa to cho đến rất to kéo dài, mực nước các sông suối trên mức báo động cấp 3, nước lũ về nhanh cuốn theo cây cối, bùn đất làm vùi lấp, gây sạt lở đất tại các khu vực xung yếu hiện có dân cư sinh sống như xã Tu Mơ Rông, Đăk Sao, Đăk Na, Ngọc Yêu, Ngọc Lây - huyện Tu Mơ Rông; xã Đăk Choong, xã Xốp, Đăk Pét, Đăk Kroong - huyện Đăk Glei...

b. Biện pháp xử lý

- UBND các huyện, thành phố:

+ Tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến thời tiết và kịp thời thông tin chỉ đạo bà con nhân dân chủ động ứng phó.

+ Chỉ đạo các ban, ngành chức năng tại địa phương bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ, đồng thời cắm các biển báo tại các khu vực nguy hiểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để nhân dân biết phòng tránh.

+ Tổ chức sơ tán các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm (vùng thấp trũng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất) và di dời đến nơi an toàn (trường học, trụ sở làm việc, nhà văn hóa kiên cố...). Kiên quyết di dời các hộ dân nằm trong các khu vực nguy hiểm cố tình không chịu di dời, áp dụng biện pháp cưỡng chế khi có thiên tai nguy hiểm đang đe dọa đến tính mạng người dân.

+ Tập kết vật tư dự phòng (rọ thép, đá hộc, nhà bạt, phao cứu sinh các loại...) tại các địa bàn trọng điểm, khu vực xung yếu, huy động lực lượng thanh niên xung kích, dân quân địa phương..., cùng với phương tiện máy móc túc trực tại các điểm thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất để triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Tập trung cho công tác cứu người trong các nhà bị sập, đất đá sạt lở.

- Khi mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra vượt quá khả năng của địa phương, UBND các huyện, thành phố báo cáo nhanh về UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để điều động cán bộ, chiến sỹ ở các đơn vị như:

+ Khu vực xảy ra sạt lở, lũ quét tại các xã Đăk Sao, Đăk Na, Văn Xuôi, Ngọc Yêu, Ngọc Lây - huyện Tu Mơ Rông:

Điều động 100 cán bộ, chiến sỹ của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; 50 cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh; 100 cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 10 cùng với lực lượng địa phương tổ chức sơ tán dân đến các khu vực kiên cố, an toàn như: trường học, nhà văn hóa, trụ sở UBND của các xã: Đăk Sao, Đăk Na, Văn Xuôi, Ngọc Yêu, Ngọc Lây, tổ chức cứu hộ người, tài sản, công trình, đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên địa bàn huyện, khắc phục các sự cố do bão, lũ gây ra, viện trợ lương thực, thực phẩm, hàng cứu trợ cho các xã bị cô lập, chia cắt...

Vật tư, phương tiện huy động để khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm: nhà bạt 10 cái (số nhà bạt UBND huyện Đăk Glei hiện đang tạm giữ); ôtô vận chuyển người 10 chiếc; máy ủi, máy xúc 10 chiếc (huy động từ các đơn vị, doanh nghiệp tại huyện Tu Mơ Rông); 10.000 lít xăng dầu (Chi nhánh xăng dầu Kon Tum cung cấp) được tập kết tại xã Đăk Trăm.

+ Đối với các xã Đăk Choong, xã Xốp, Đăk Pét, Đăk Kroong - huyện Đăk Glei bị sạt lở, lũ quét:

Điều động 20 chiến sỹ thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; 100 cán bộ, chiến sỹ của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; 100 cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 10 cùng với lực lượng địa phương tổ chức sơ tán dân đến các khu vực kiên cố, an toàn trường học, nhà văn hóa, trụ sở UBND của các xã Đăk Choong, Xốp, Đăk Pét, Đăk Kroong, bảo vệ tài sản nhân dân, công trình, đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, khắc phục hậu quả thiên tai tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.

Vật tư, phương tiện huy động để khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm: nhà bạt 10 cái (số nhà bạt UBND huyện Đăk Glei hiện đang tạm giữ); ôtô vận chuyển người 10 chiếc; máy ủi, máy xúc 5 chiếc (huy động từ các đơn vị, doanh nghiệp tại huyện Đăk Glei); 10.000 lít xăng dầu (Chi nhánh xăng dầu Kon Tum cung cấp) được tập kết tại thị trấn Đăk Pét.

- Nhu yếu phẩm thiết yếu: gạo, mỳ tôm, nước uống...Sở Công thương và UBND huyện Đăk Glei dự trữ tại các gia đình, cửa hàng thương mại đảm bảo cho nhân dân dùng trong 10 ngày.

- Trường hợp bão mạnh, siêu bão gây lũ quét, sạt lở đất nhiều khu vực trọng điểm, các khu dân cư sinh sống trên địa bàn các xã vùng sâu của các huyện, thành phố. UBND các huyện, thành phố chủ động sơ tán dân cư các khu vực không đảm bảo an toàn trước khi có bão mạnh, siêu bão xảy ra. Đồng thời báo cáo trực tiếp Lãnh đạo UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để huy động cán bộ, chiến sỹ đóng trên địa bàn tỉnh tham gia cứu hộ người, tài sản, công trình, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, khắc phục các sự cố do bão mạnh, siêu bão gây ra, viện trợ lương thực, thực phẩm, hàng cứu trợ cho các xã bị cô lập, chia cắt...đảm bảo không để người dân bị đói, rét.

3.3.4. Các khu vực bị ngập lụt

a. Tình huống

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum trong vòng 24-48 giờ do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn kéo dài (trên cả 02 lưu vực sông Đăk Bla và Đăk Pô Kô), lũ trên các sông, suối về nhanh gây ngập lụt ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh như: Khu vực cầu Diên Bình nước lũ gây ngập Quốc Lộ 14 thuộc huyện Đăk Tô từ 05-1m, ứng với cao trình khoảng 572,5m làm ách tắc giao thông và ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông, mất an toàn cho công trình và người dân trong khu vực; Khu vực ngục Kon Tum thuộc Thành phố Kon Tum, nước lũ gây ngập từ 0.5-1m, ứng với cao trình khoảng 519 m (Mực nước tại trạm Thủy văn Kon Tum ứng với báo động cấp 3, cao trình 520,5m) gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân trong khu vực.

b. Biện pháp xử lý

- Đây là tình huống phải xả lũ bất thường qua đập tràn thủy điện PleiKrông và đập tràn thủy điện Ia Ly với lưu lượng xả lớn hơn lưu lượng về hồ (hạ mực nước các hồ), tạo điều kiện thoát lũ để hạ mực nước ngập tại cầu Diên Bình, Quốc Lộ 14, huyện Đăk Tô (thượng lưu đập thủy điện PleiKrông) và tại khu vực Ngục Kon Tum, thành phố Kon Tum (thượng lưu đập thủy điện Ia Ly).

- Các Công ty thủy điện; các sở: Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum, UBND huyện Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Hà và Thành phố Kon Tum phân công cán bộ trực 24/24h trong thời gian mưa lũ, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh ban hành các lệnh vận hành các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Sê san theo đúng quy định của Chính phủ.

- UBND các huyện, thành phố Thông báo lệnh vận hành hồ chứa thủy điện Plei Krông, Ialy trên Đài Phát thanh-Truyền hình huyện và hệ thống loa, phát thanh của xã, phường, thị trấn để nhân dân biết chủ động phòng chống, ứng phó; đặc biệt là rà soát, thông báo đến các hộ dân đang đánh bắt cá trên lòng các hồ thủy điện khẩn trương vào bờ để neo, đậu thuyền tại những vị trí an toàn và không đánh bắt cá trong những ngày mực nước dâng cao.

- Tổ chức kiểm tra và hướng dẫn nhân dân không được đến gần khu vực hai bên bờ sông phía hạ du công trình (thuộc huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum), khu vực ngập lụt cầu Diên Bình (thuộc huyện Đăk Tô) và các vị trí có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm.

- Huy động lực lượng (quân đội, công an, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích) phương tiện tại chỗ khẩn trương sơ tán người, tài sản của 139 hộ dân nằm trong khu vực ngập lụt đến nơi an toàn (trong đó: 71 hộ dân tại thôn 1, thôn 2, thôn xã Diên Bình, huyện Đăk Tô và 10 hộ phường Quyết Thắng, 58 hộ phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum). Địa điểm được xác định di dời dân đến là trường học, trụ sở UBND xã, phường, nhà văn hóa. Bố trí lực lượng giữ gìn, đảm bảo an ninh, trật tự tại nơi ở cũ và nơi sơ tán nhân dân.

- Bố trí các lực lượng chức năng chốt chặn tại 2 đầu cầu Diên Bình, huyện Đăk Tô; cầu Đăk Bla, thành phố Kon Tum; cầu Kroong, huyện Sa Thầy-thành phố Kon Tum hướng dẫn phương tiện và người dân tham gia giao thông, nghiêm cấm các phương tiện và người dân qua lại khi mực nước sông dâng cao và vượt qua mặt đường.

3.3.5. Biện pháp ứng phó với bão mạnh, siêu bão

UBND các huyện, thành phố, các sở, ban ngành và đơn vị liên quan triển khai ngay Phương án phòng, chống lụt bão, ứng phó với bão mạnh, siêu bão và giảm nhẹ thiên tai để bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng, khu dân cư do địa phương đơn vị quản lý (được ban hành kèm theo Quyết định số 81/QĐ-UBND ngày 09/02/2015 của UBND tỉnh).

UBND các huyện, thành phố và cơ quan chức năng tổ chức di dời dân trong các nhà ở không kiên cố, có khả năng bị sập đổ và những khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng cho nhân dân.

- Công tác sơ tán dân phải được hoàn thành trước 12 giờ so với thời điểm dự báo bão mạnh, siêu bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Kon Tum.

- Huy động lực lượng gồm: Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng, Y tế, Dân quân tự vệ, Thanh niên xung kích, Đoàn Thanh niên… đề nghị sự viện trợ từ các lực lượng Quân đoàn 3, Sư đoàn 10, Biên phòng đóng ở địa bàn lân cận cùng các phương tiện tại chỗ xe ô tô vận tải, xe máy giúp dân di chuyển nhanh đến nơi an toàn.

- Phân công các thành viên Ban chỉ huy PCTT các cấp, các ngành trực tiếp xuống địa bàn phường, xã, thị trấn tại khu vực phải di dời dân và các điểm tạm cư để kiểm tra, tổ chức thực hiện kế hoạch chu đáo, an toàn.

- Bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hậu cần, chăm lo đời sống cho người dân... tại nơi tạm cư và bảo vệ công trình, tài sản, nhà ở của dân tại những nơi đã di dời.

Theo số liệu thống kê trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay có khoảng 4.156 hộ dân với 20.190 nhân khẩu nằm trong khu vực nguy hiểm cần phải sơ tán, di dời khi có bão mạnh, siêu bão xảy ra. Riêng huyện Kon Rẫy đã có dự án di dời, bố trí ổn định dân cư cho 180 hộ dân với 729 nhân khẩu thuộc thôn 1 xã Tân Lập và thôn 10 làng Kon Skôi xã Đăk Ruồng. Địa điểm dự kiến bố trí tạm cư cho người dân sơ tán khi có bão mạnh, siêu bão gồm trụ sở UBND các xã, phường, trường học, nhà văn hóa... được xây dựng kiên cố (Cụ thể tại Phụ lục 7 kèm theo).

3.4. Biện pháp phòng chống ứng phó rét hại

Để chủ động phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi và cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Cần triển khai thực hiện các biện pháp sau:

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật, kinh nghiệm trong phòng chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi và cây trồng đến tận người chăn nuôi; thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, đặc biệt là các đợt rét đậm rét hại để thông tin kịp thời cho người chăn nuôi biết, chủ động các biện pháp phòng, chống đói rét cho gia súc, gia cầm và cây trồng.

Hướng dẫn người chăn nuôi sửa sang, che chắn chuồng trại đảm bảo phòng, chống rét và điều kiện vệ sinh cho gia súc, gia cầm; có kế hoạch dự trữ, bảo quản chế biến nguồn thức ăn cho trâu bò; không chăn thả hoặc bắt trâu bò cày kéo vào những ngày nhiệt độ xuống dưới 12°C, bổ sung thức ăn tinh, khoáng, vitamin và cho uống nước ấm để tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi.

Tăng cường chỉ đạo các địa phương và nhân dân tập trung chống rét hại, sương muối, chủ động chuẩn bị nguồn giống ngắn ngầy để gieo lại, nếu có diện tích bị hư hỏng do rét; tập trung chống rét cho lúa mới gieo bằng nhiều biện pháp trong những ngày diễn ra rét đậm, rét hại. Sau đợt rét đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, đảm bảo thời gian và diện tích theo kế hoạch.

4. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai

- UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu (hoặc đề nghị) các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị lực lượng vũ trang và các đơn vị liên quan huy động về lực lượng, vật tư, phương tiện của địa phương và các đơn vị trên địa bàn để kịp thời phục vụ cho công tác cứu nạn, cứu hộ. Về vật tư, phương tiện ứng cứu ở tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh có thể huy động, điều động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị.

- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, mai táng người chết, bố trí nơi ở tạm cho người dân bị mất nhà cửa.

- Trợ giúp hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, nước uống, chăm sóc y tế... nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt, đời sống cho nhân dân.

- Trong thời gian ngắn nhất thu dọn cây xanh, cột điện, công trình, thiết bị ngã đổ; sửa chữa trường học, bệnh viện, các công trình bị hư hỏng; đảm bảo giao thông, điện sinh hoạt, viễn thông thông suốt; tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng dịch tại vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.

- Tổ chức lực lượng xung kích, tình nguyện giúp nhân dân khắc phục hậu quả, sửa chữa, xây dựng lại nhà ở trong vùng bị ảnh hưởng của lũ, bão.

- Tổ chức điều tra thống kê, đánh giá xác định thiệt hại theo quy định và báo cáo cho Ban chỉ đạo Trung ương; về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

- Kinh phí khắc phục thiệt hại cấp bách, UBND tỉnh xuất nguồn kinh phí dự phòng của tỉnh; đồng thời có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương hỗ trợ cho tỉnh để khắc phục hậu quả do thiên tai bão, lũ gây ra (nếu vượt quá khả năng).

Phần III

PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP TRÁCH NHIỆM ỨNG PHÓ VỚI THIÊN TAI

I. Phân công, phân cấp trách nhiệm ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai

1. Đối với rủi ro thiên tai theo cấp độ 1

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban - Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp xã có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy, huy động nguồn lực tại chỗ để ứng phó kịp thời ngay khi thiên tai xảy ra; báo cáo và chịu trách nhiệm thực hiện chỉ đạo, chỉ huy của các cơ quan phòng chống thiên tai cấp trên.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quyền huy động các nguồn lực sau để ứng phó thiên tai: Dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân tình nguyện; Vật tư dự trữ do nhân dân chuẩn bị, vật tư, trang thiết bị, phương tiện của cấp xã và tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

- Các lực lượng tham gia ứng phó thiên tai trên địa bàn cấp xã phải phối hợp chặt chẽ theo sự chỉ huy của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người được ủy quyền.

- Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện hỗ trợ.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy và huy động nguồn lực theo thẩm quyền để ứng phó thiên tai trong trường hợp thiên tai cấp độ 1 xảy ra trong phạm vi từ hai xã trở lên hoặc khi nhận được yêu cầu trợ giúp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; chịu trách nhiệm thực hiện chỉ huy, chỉ đạo của các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai cấp trên.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyền huy động các nguồn lực sau để ứng phó thiên tai: Dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân tình nguyện; Vật tư, trang thiết bị, phương tiện của cấp huyện và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

2. Đối với rủi ro thiên tai theo cấp độ 2

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ huy các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai ứng phó thiên tai; huy động nguồn lực theo thẩm quyền để ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến thiên tai tại địa phương; báo cáo và chịu trách nhiệm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền huy động các nguồn lực sau để ứng phó thiên tai: Dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức, cá nhân, lực lượng tìm kiếm cứu nạn, lực lượng vũ trang địa phương và các tổ chức, cá nhân tình nguyện; Vật tư, trang thiết bị, phương tiện của cấp tỉnh, vật tư dự trữ phòng, chống thiên tai và của tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ quy định nêu trên; tuân thủ sự chỉ huy của cơ quan cấp trên; hướng dẫn và tổ chức sơ tán người đến nơi an toàn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tổ chức cưỡng chế sơ tán trường hợp tổ chức, cá nhân không tự giác chấp hành chỉ đạo, chỉ huy, hướng dẫn sơ tán phòng, tránh thiên tai vì mục đích an toàn cho người.

- Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh báo cáo, đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ.

- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm huy động các nguồn lực hỗ trợ ứng phó thiên tai khi nhận được yêu cầu hỗ trợ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Các lực lượng tham gia hỗ trợ phòng, chống thiên tai tại địa phương phải tuân thủ theo sự chỉ huy của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc người được ủy quyền.

3. Đối với rủi ro thiên tai theo cấp độ 3

- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chỉ đạo các địa phương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai; quyết định các biện pháp cấp bách và huy động nguồn lực theo thẩm quyền để hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai khi có yêu cầu.

- Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn căn cứ vào tình huống cụ thể, bố trí sẵn sàng các lực lượng, phương tiện và điều phối các hoạt động ứng phó thiên tai.

- Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai trong phạm vi quản lý, đồng thời tham gia ứng phó thiên tai theo sự chỉ đạo và huy động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chịu trách nhiệm chỉ huy, huy động nguồn lực theo thẩm quyền, triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai trên địa bàn.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện, cấp xã thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 1 như trên với tình huống cụ thể tại địa phương; tuân thủ sự chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan cấp trên.

- Trường hợp thiên tai xảy ra ở mức độ vượt quá cấp độ 3 hoặc có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

II. Phân công nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan, đơn vị liên quan

Công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách vì có tác động trực tiếp đến đời sống người dân và việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do đó đòi hỏi các cấp, các ngành và chính quyền địa phương phải vào cuộc một cách quyết liệt. Nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải được gắn với trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, từng ngành và từng địa phương.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum thường chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai như: hạn hán, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, sạt lở đất...Tuy nhiên, các loại thiên tai như mưa đá, lốc xoáy, dông sét, rét hại không xảy ra thường xuyên, chỉ xảy ra ở trong phạm vi nhỏ và mức độ thiệt hại không lớn do đó hàng năm theo dõi diễn biến tình hình của thời tiết để chủ động phòng chống là có thể hạn chế thiệt hại để đảm bảo ổn định cuộc sống và sinh hoạt cho người dân. Ngoài các loại hình thiên tai trên, cần đặc biệt quan tâm và tập trung mọi nguồn lực để chỉ đạo phòng chống và khắc phục thiệt hại do mưa lớn kéo dài gây ra lũ quét, sạt lở đất.

Để làm tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị như sau:

1. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh

- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh giúp UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, gồm:

- Chỉ đạo thực hiện phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn toàn tỉnh.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành và nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; chỉ huy đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình phòng chống lụt, bão.

- Huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tổ chức sơ tán, di dời dân ở khu vực xung yếu, vùng ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở...đến nơi an toàn.

- Chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai theo phương án, kế hoạch đã được phê duyệt và khẩn trương tổ chức ứng phó, xử lý kịp thời với các diễn biến thiên tai (bão, lũ, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất...) bảo vệ sản xuất, các cơ sở kinh tế - xã hội, các khu dân cư; tổ chức cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh.

- Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình, báo cáo, liên lạc trực tiếp UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh xin ý kiến chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa bàn đã được phân công phụ trách.

- Tham mưu UBND tỉnh chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng để xử lý ngay những tình huống cấp bách, trường hợp vượt quá khả năng xử lý cần báo cáo kịp thời lên Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn xem xét quyết định.

- Chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình thủy điện trong việc thực hiện đúng Phương án phòng chống lụt, bão và quy trình vận hành công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh ban hành lệnh vận hành hồ chứa (lệnh vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ; lệnh vận hành giảm lũ cho hạ du; lệnh vận hành đưa mực nước hồ về mức cao nhất trước lũ, kể cả trường hợp bất thường được UBND tỉnh thống nhất tại văn bản số 2530/UBND-KTN, ngày 06/10/2014) thủy điện trên lưu vực sông Sê San theo Quyết định số 1182/QĐ-TTg ngày 17/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 8931/QĐ-BCT ngày 03/10/2014 của Bộ Công thương.

- Tổ chức tham mưu thực hiện Quy trình ban hành lệnh vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Sê San đã được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt tại Quyết định số 1351/QĐ-UBND ngày 25/12/2014. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND , Quyết định số 628/QĐ-UBND ngày 19/11/2015 của UBND tỉnh và chuẩn bị tốt các nội dung trong Kế hoạch số 142/KH-PCTT, Phương án 143/PADT ngày 19/11/2015 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về việc diễn tập ban hành lệnh và tổ chức triển khai thực hiện lệnh vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Sê San.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Sẵn sàng lực lượng huy động khoảng cán bộ, chiến sỹ, cùng với một số phương tiện, trang thiết bị của đơn vị sẵn sàng tham gia sơ tán, di dời dân, tìm kiếm cứu nạn khi có đề nghị của UBND tỉnh, Trưởng ban hoặc Phó ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (phụ trách công tác cứu hộ, cứu nạn thiên tai): xây dựng kế hoạch phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với các loại hình thiên tai như: về nguồn lực ứng phó thiên tai, phương tiện, vật tư, trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn của ngành; đề xuất nhu cầu trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai; phương án hiệp đồng các lực lượng vũ trang trong công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; phương án bố trí lực lượng, phương tiện ứng phó, xử lý tình huống khẩn cấp và tìm kiếm cứu nạn do thiên tai bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, vỡ hồ chứa.

Hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong công tác tập huấn, huấn luyện, diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt xây dựng lực lượng tại chỗ, xây dựng kỹ năng để ứng phó cứu nạn, cứu hộ kịp thời, hiệu quả các tình huống sự cố thiên tai.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc tổ chức nắm thông tin thiên tai, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, chủ động tham gia ứng phó với các tình hình huống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các khu vực biên giới.

3. Công an tỉnh

Sẵn sàng lực lượng huy động cán bộ, chiến sỹ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị có liên quan tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông tại khu vực bị thiên tai, kiểm soát chặt chẽ phương tiện giao thông qua các đoạn đường ngập lụt, sạt lở; Phối hợp với lực lượng quân đội và chính quyền địa phương trong việc sơ tán dân, tham gia cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo trật tự, an ninh xã hội và giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh: Tổ chức trực ban 24/24h trực tiếp tiếp nhận và xử lý thông tin về diễn biến thiên tai; báo cáo và tham mưu xử lý các thông tin về công tác phòng chống thiên tai cho UBND tỉnh, Trưởng ban và Phó ban thường trực.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra các hồ thủy lợi, thủy điện trọng điểm xung yếu. Thực hiện phương án phòng chống lũ, bão và khắc phục hậu quả thiên tai khôi phục sản xuất.

- Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố bám sát phương án phòng chống thiên tai, quy chế phối hợp trong việc xử lý sự cố, khắc phục hậu quả đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Có kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi ở những vùng xảy ra thiên tai...

- Đôn đốc UBND các huyện, thành phố, Ban Quản lý - Khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm, vị trí xung yếu, phát hiện và xử lý, khắc phục kịp thời hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa lớn đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

- Hướng dẫn các địa phương, đơn vị tập trung rà soát, tổng hợp nguồn nước, xây dựng các kịch bản, kế hoạch và phương án điều tiết, sử dụng nước hợp lý để chủ động triển khai thực hiện trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước. Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan kiểm tra, đôn đốc địa phương, đơn vị triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước, chủ động thực hiện công tác phòng, chống hạn.

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tham mưu, tổng hợp và giúp cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổ chức thực hiện tốt Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo, họp ban chỉ đạo, triển khai ứng phó với bão, lũ theo đúng quy định tại Luật Phòng chống thiên tai số 33/2013/QH13 ngày 19/6/2013 và các Nghị định của Chính phủ.

- Cơ quan đầu mối tổng hợp tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh ban hành lệnh vận hành hồ chứa (lệnh vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ; lệnh vận hành giảm lũ cho hạ du; lệnh vận hành đưa mực nước hồ về mức cao nhất trước lũ, kể cả trường hợp bất thường được UBND tỉnh thống nhất tại văn bản số 2530/UBND-KTN, ngày 06/10/2014) thủy điện trên lưu vực sông Sê San theo Quyết định số 1182/QĐ-TTg ngày 17/7/2014 của Thủ tướng Chính và Quyết định số 8931/QĐ-BCT ngày 03/10/2014 của Bộ Công thương; Quy trình ban hành lệnh vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Sê San đã được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt tại Quyết định số 1351/QĐ-UBND ngày 25/12/2014. Chuẩn bị các nội dung liên quan tham mưu UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND , Quyết định số 628/QĐ-UBND ngày 19/11/2015 của UBND tỉnh và chuẩn bị tốt các nội dung trong Kế hoạch số 142/KH-PCTT, Phương án 143/PADT ngày 19/11/2015 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về việc diễn tập ban hành lệnh và tổ chức triển khai thực hiện lệnh vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Sê San.

- Cùng các sở, ngành liên quan tham mưu đề xuất UBND tỉnh phân bố vốn hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.

5. Sở Giao thông Vận tải

- Tổ chức thực hiện phương án đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ theo phương án đề phòng, xử lý các vị trí sạt lở gây ách tắc giao thông; tổ chức phân luồng xe đi các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai khi có sự cố về cầu, đường bị ngập lụt, ách tắc giao thông.

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý thực hiện công tác đảm bảo giao thông khi có tình huống bão, lũ; tổ chức huy động lực lượng cán bộ kỹ thuật, công nhân của các Công ty, Hạt quản lý đường bộ cùng với phương tiện máy xúc, xe tải, dầm cầu thép dự phòng hiện có để đáp ứng yêu cầu ứng phó thiên tai và sơ tán nhân dân khi có yêu cầu.

6. Sở Xây dựng

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát các chủ đầu tư xây dựng, tổ chức thực hiện tốt phương án đảm bảo an toàn cho các công trường xây dựng, các nhà xưởng, công trình xây dựng trọng điểm; tham mưu khắc phục, xử lý sự cố các công trình xây dựng do thiên tai gây ra.

- Triển khai rà soát, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế xây dựng cụm tuyến dân cư, khu đô thị ở những nơi có khả năng ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất...

7. Sở Y tế

- Chỉ đạo, tăng cường các y, bác sĩ của các Bệnh viện, Trung tâm Y tế để thực hiện cứu chữa người bị thương tại các khu xảy ra thiên tai.

- Tổ chức thực hiện phương án cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân, vệ sinh môi trường, nguồn nước sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Có kế hoạch phân bố cơ số thuốc phòng, chống bão, lũ; hóa chất phòng, chống dịch bệnh.

- Thực hiện phương án sơ tán, di dời cơ sở Y tế khi xảy ra sự cố, sập đổ để nhanh chóng cấp cứu, điều trị nạn nhân trong mọi tình huống khẩn cấp, đảm bảo điều kiện cho các cơ sở Y tế hoạt động, tuyệt đối không để người bệnh, nhân viên Y tế bị thiệt mạng do thiên tai.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý môi trường, nguồn nước và phòng chống các dịch bệnh phát sinh sau khi có thiên tai.

8. Sở Công thương

- Hằng năm Sở Công thương xây dựng kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu đảm bảo nguồn cung ứng cho nhân dân khi có thiên tai (bão, lũ) xảy ra.

- Đề nghị các phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, phòng Kinh tế thành phố hướng dẫn các xã, Ban quản lý chợ xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa nhu yếu phẩm cho nhân dân; tham mưu UBND các huyện, thành phố huy động các doanh nghiệp tại chỗ để cung ứng hàng hóa. Xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa của các huyện, thành phố gửi Sở Công thương tổng hợp báo cáo và xây dựng kế hoạch cho toàn tỉnh.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, quản lý giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trước trong và sau bão, tránh hiện tượng lợi dụng thiên tai để giam hàng, nâng giá làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân sau thiên tai. Xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng tình hình bão, lũ để đầu cơ ép giá, găm hàng, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

- Thông báo đến các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn, siêu thị, chợ, đại lý...kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, tổ chức dự trữ hàng với số lượng lớn. Vận động các doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn tỉnh, tạm trữ các mặt hàng thiết yếu trong mùa mưa lũ nhằm tiếp ứng nhanh nhất đến những nơi bão lũ xảy ra phục vụ nhân dân.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện trên địa bàn; đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa đã được phê duyệt.

- Tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị đang xây dựng các Nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, tổ chức xây dựng phương án phòng, chống lũ các hồ chứa thủy điện, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

- Chỉ đạo trữ nước các hồ chứa thủy điện hợp lý, bảo đảm trữ được lượng nước tối đa theo khả năng an toàn công trình; Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan chỉ đạo thực hiện kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa nước thủy điện để cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân vùng hạ du, bảo đảm việc cấp điện cho các trạm bơm tưới, đặc biệt trong các thời kỳ khô hạn cần tăng cường hoạt động cấp nước theo kế hoạch sản xuất của nhân dân.

- Phối hợp với các Sở, ban ngành và đơn vị liên quan triển khai thực hiện Quy trình ban hành lệnh vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Sê San đã được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt tại Quyết định số 1351/QĐ-UBND ngày 25/12/2014. Chỉ thị số 09/CT-UBND , Quyết định số 628/QĐ-UBND ngày 19/11/2015 của UBND tỉnh và chuẩn bị tốt các nội dung trong Kế hoạch số 142/KH-PCTT, Phương án 143/PADT ngày 19/11/2015 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về việc diễn tập ban hành lệnh và tổ chức triển khai thực hiện lệnh vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Sê San.

9. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chỉ đạo, đôn đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum thực hiện việc quan trắc, dự báo, cảnh báo về tình hình diễn biến thiên tai, cung cấp kịp thời các bản tin cho các cơ quan, đơn vị có liên quan phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai.

- Tham mưu UBND tỉnh Phương án điều tiết nước cho hạ du các hồ thủy điện trên lưu vực sông Sê San trong trường hợp xảy ra hạn hán thiếu nước mà các hồ không thể đảm bảo việc vận hành theo quy định của Qui trình vận hành liên hồ chứa tại Quyết định số 1182/QĐ-TTg ngày 17/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

- Phối hợp với các Sở, ban ngành và đơn vị liên quan triển khai thực hiện Quy trình ban hành lệnh vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Sê San đã được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt tại Quyết định số 1351/QĐ-UBND ngày 25/12/2014. Chỉ thị số 09/CT-UBND , Quyết định số 628/QĐ-UBND ngày 19/11/2015 của UBND tỉnh và chuẩn bị tốt các nội dung trong Kế hoạch số 142/KH-PCTT, Phương án 143/PADT ngày 19/11/2015 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về việc diễn tập ban hành lệnh và tổ chức triển khai thực hiện lệnh vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Sê San.

10. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp cùng UBND các huyện, thành phố kiểm tra các trường học, cơ sở dạy nghề có phương án ứng cứu kịp thời khi có các tình huống mưa bão phức tạp và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho giáo viên, học sinh.

- Chỉ đạo phòng Giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc chủ động cho học sinh nghỉ học khi xảy ra mưa bão nguy hiểm, đồng thời bố trí dạy bù vào thời gian thích hợp.

11. Sở Thông tin và Truyền thông

Tổ chức thực hiện phương án đảm bảo thông tin liên lạc 24/24h, kịp thời trong mọi tình huống từ tỉnh đến huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn và các vùng thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất, bị chia cắt, cô lập. Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị Viễn thông, Bưu chính trên địa bàn tỉnh đảm bảo liên lạc, kịp thời chuyển thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành việc phòng tránh, ứng phó với bão, lũ.

12. Sở Tài chính

Chủ động tham mưu UBND tỉnh về kinh phí để đáp ứng kịp thời công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai và trợ cấp khó khăn cho vùng bị ảnh hưởng; phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh kế hoạch tu sửa các công trình, cơ sở hạ tầng bị hư hại do thiên tai gây ra.

Xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý và sử dụng Quỹ phòng chống thiên tai đúng quy định và hiệu quả.

13. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Kon Tum

Phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum đăng tải, đưa tin kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai và các chủ trương, chỉ đạo, điều hành hoạt động trong công tác PCTT và TKCN của các cấp, các ngành, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về các loại hình thiên tai và biện pháp phòng chống ứng phó của các cấp chính quyền, người dân trong khu vực để chủ động triển khai thực hiện.

Xây dựng kế hoạch phối hợp với với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh thực hiện các chuyên đề về phòng chống thiên tai.

14. Công ty Điện lực Kon Tum

Tổ chức thực hiện phương án đảm bảo nguồn điện liên tục phục vụ cho các cơ quan, đơn vị chỉ đạo, cảnh báo, dự báo, thông tin liên lạc về phòng chống thiên tai từ cấp tỉnh, cho đến cấp huyện, xã phường. Bảo vệ hệ thống điện, thiết bị điện, trạm biến thế; đồng thời xử lý khắc phục nhanh chóng sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng, chuẩn bị máy phát điện dự phòng khi có sự cố thiên tai xảy ra.

15. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum

- Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về dự báo thời tiết; đặc biệt là dự báo sớm khả năng xuất hiện và diễn biến của các tình huống phức tạp, khẩn cấp về thiên tai, thông tin kịp thời đến các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan biết để có giải pháp chủ động phòng, chống có hiệu quả.

- Nâng cao chất lượng dự báo, đặc biệt là việc dự báo sớm các khả năng xuất hiện và diễn biến của các tình huống phức tạp về thời tiết, cung cấp kịp thời các bản tin cảnh báo mưa lũ, dự báo mực nước lũ, tin lũ, tin lũ khẩn cấp cho Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương, đơn vị có liên quan để kịp thời chỉ đạo đối phó với mọi diễn biến của thiên tai và phục vụ cho công tác vận hành liên hồ chứa thủy điện trên sông Sê San.

- Phối hợp chặt chẽ với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát các bản tin thông báo, dự báo, cảnh báo về diễn biến tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh theo quy định.

16. Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum

- Triển khai công tác kiểm tra các công trình thủy lợi trong phạm vi quản lý đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ (nhất là các hồ chứa nước, khu vực hạ du có khu dân cư sinh sống). Trước mùa mưa lũ tiến hành kiểm tra và có kế hoạch sửa chữa, khắc phục các hư hỏng xuống cấp.

- Lập quy trình quản lý vận hành hồ chứa theo quy định. Xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình khi có sự cố xảy ra và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Xây dựng phương án cấp nước phục vụ tốt sản xuất vụ Đông xuân cho các công trình đơn vị quản lý, hướng dẫn điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi và các giải pháp đồng bộ đảm bảo sản xuất nông nghiệp có hiệu quả.

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện việc điều tiết, vận hành các công trình thủy lợi theo đúng quy trình. Tổ chức huy động lực lượng cán bộ, công nhân của các trạm thủy nông cùng với phương tiện máy xúc, xe tải và các vật tư dự phòng hiện có để sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

17. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể

- Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan trong công tác cứu hộ, cứu nạn, không để dân bị đói, rét trong thời gian xảy ra thiên tai. Tổ chức kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để phục vụ công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

- Tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên tích cực chủ động tham gia công tác PCTT & TKCN; phát huy vai trò của đoàn thanh niên, thanh niên tình nguyện tham gia phòng chống thiên tai.

18. Đề nghị Sư Đoàn 10

Sẵn sàng lực lượng huy động lực lượng cán bộ, chiến sỹ cùng với một số phương tiện, trang thiết bị sẵn có của đơn vị để tham gia sơ tán, di dời dân, tìm kiếm cứu nạn khi có đề nghị của UBND tỉnh, Trưởng hoặc Phó ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

19. Đề nghị Công ty Thủy điện Ialy, Công ty Phát triển Thủy điện Sê San

- Triển khai vận hành các công trình thủy điện do đơn vị quản lý theo quy định tại Quyết định số 1182/QĐ-TTg ngày 17/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San; Quyết định số 8931/QĐ-BCT ngày 03/10/2014 của Bộ Công thương về việc bổ sung quy định vận hành đón lũ của hồ chứa thủy điện trong các quy trình vận hành hồ chứa đã được Bộ Công thương ban hành.

- Thực hiện các nội dung đã ký kết trong Qui chế phối hợp ngày 24/10/2014 giữa Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Kon Tum và các Công ty Thủy điện, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum, các sở, ngành và địa phương có liên quan trong công tác tham mưu ban hành lệnh vận hành các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Sê San và Quyết định số 1351/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 của UBND tỉnh Kon Tum về Quy trình ban hành lệnh vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực song Sê San.

- Chuẩn bị kỹ các nội dung triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND , Quyết định số 628/QĐ-UBND ngày 19/11/2015 của UBND tỉnh và chuẩn bị tốt các nội dung trong Kế hoạch số 142/KH-PCTT, Phương án 143/PADT ngày 19/11/2015 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về việc diễn tập ban hành lệnh và tổ chức triển khai thực hiện lệnh vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Sê San.

- Triển khai thực hiện các phương án bảo vệ đập, phương án đảm bảo an toàn đập và phương án phòng chống lụt, bão cho vùng hạ du đập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Chuẩn bị đầy đủ các vật tư, vật liệu, dụng cụ dự phòng, huy động cán bộ kỹ thuật, lực lượng, phương tiện ứng cứu sẵn sàng khi có sự cố công trình xảy ra.

- Thường xuyên duy trì chế độ thông tin liên lạc, chế độ báo cáo UBND tỉnh Kon Tum, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Kon Tum và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

20. Công ty TNHH MTV cấp nước Kon Tum, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn

Có kế hoạch đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn quản lý, đặc biệt khi hạn hán xảy ra ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Thường xuyên kiểm tra nâng cao chất lượng công trình cấp nước. Thực hiện phương án bảo vệ an toàn cho công trình cấp nước, các giếng khoan khai thác nước ngầm. Che chắn bảo vệ an toàn cho các máy móc, thiết bị. Kiểm tra, bảo vệ an toàn tuyến ống dẫn nước và thiết bị đến các khu dân cư và nhà dân.

21. UBND các huyện, thành phố

Khi có thiên tai xảy ra ở địa phương nào và tùy theo cấp độ rủi ro thiên tai, yêu cầu địa phương, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện theo Phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn, sử dụng các loại vật tư, phương tiện, lực lượng tại chỗ của địa phương, đơn vị mình để tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực trọng điểm xung yếu, đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân. Đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men, chăm sóc sức khỏe cho người dân, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm, tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố công trình và giúp đỡ các gia đình bị nạn...

Các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô và thành phố Kon Tum thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết thiên tai mưa bão, phối hợp với các Sở, ban ngành và các công ty thủy điện để kịp thời tham mưu triển khai thực hiện quy định tại Quyết định số 1182/QĐ-TTg ngày 17/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San; Quy trình ban hành lệnh vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Sê San đã được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt tại Quyết định số 1351/QĐ-UBND ngày 25/12/2014; Chỉ thị số 09/CT-UBND Quyết định số 628/QĐ-UBND ngày 19/11/2015 của UBND tỉnh và chuẩn bị tốt các nội dung trong Kế hoạch số 142/KH-PCTT, Phương án 143/PADT ngày 19/11/2015 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về việc diễn tập ban hành lệnh và tổ chức triển khai thực hiện lệnh vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Sê San.

III. Cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành và lực lượng chức năng

Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân do đó khi có thiên tai xảy ra cần phải có sự phối hợp một cách đồng bộ, nhịp nhàng và chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt:

- Chỉ đạo ứng phó các tình huống thiên tai phải đảm bảo nguyên tắc chỉ huy thống nhất, phân công cụ thể, chủ động, kịp thời và phù hợp với diễn biến thực tế tình huống thiên tai.

- Khi có nhiều lực lượng cùng tham gia ứng phó tình huống thiên tai trên một địa bàn, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp hoặc người được Trưởng ban ủy quyền là người chỉ huy ứng phó.

- UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo các biện pháp ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh căn cứ trên quyết định cảnh báo và chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và các dự báo, cảnh báo của các Cơ quan khí tượng thủy văn (gồm: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây nguyên, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum).

- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành thu thập thông tin về tình hình diễn biến thiên tai từ các bản tin cảnh báo, dự báo và văn bản chỉ đạo chính thống để tổ chức triển khai phòng, chống và ứng phó khi thiên tai xảy ra.

- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công của các cơ quan, đoàn thể UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện, các cơ quan, đơn vị, nghiêm túc thực hiện. Trước mỗi đợt thiên tai xảy ra tùy theo mức độ nguy hiểm và cấp độ rủi ro, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương, đơn vị, đồng thời huy động các tổ chức và cá nhân cùng tham gia thực hiện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Trường hợp vượt khả năng của địa phương, đơn vị thì UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh quyết định xử lý sự cố trong tình huống khẩn cấp (điều động các lực lượng: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các sở, ban, ngành, đề nghị điều động lực lượng từ Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3, các Bộ ngành Trung ương...) tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Phần IV

ĐỀ XUẤT NHU CẦU VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

Công tác phòng, chống thiên tai phải được thực hiện thường xuyên và liên tục trong mọi tình huống, trong mỗi đợt thiên tai và từng loại hình thiên tai. Hàng năm trên cơ sở Kế hoạch này, UBND các cấp chủ động xây dựng phương án chi tiết cho từng loại hình thiên tai để có biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục kịp thời, hiệu quả. Để công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục kịp thời hậu quả do thiên tai gây ra, cần tập trung triển khai thực hiện một số nội dung cụ thể sau đây:

1. Triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng" giai đoạn 2016-2020

Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Đưa những kiến thức cơ bản về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào chương trình giáo dục, hướng dẫn cho học sinh hiểu và biết cách đối phó với các tình huống thiên tai; đồng thời hỗ trợ cho gia đình và cộng đồng. Phát triển các chương trình tập huấn cho các đối tượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, chú trọng tới cán bộ quản lý, cán bộ lập kế hoạch, cán bộ chuyên trách, cán bộ cơ sở và nâng cao nhận thức phòng chống thiên tai cho tất cả cộng đồng.

Đến năm 2020, đảm bảo 100% cán bộ chính quyền địa phương các cấp trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai được tập huấn, nâng cao năng lực và trình độ về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; trên 70% số dân các xã thuộc vùng thường xuyên bị thiên tai được phổ biến kiến thức về phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai.

Đề án thực hiện với các hoạt động chính như: tổ chức đào tạo, tập huấn; công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; lập kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp; xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai; tổ chức diễn tập, tập huấn...(cụ thể có phụ lục 4 kèm theo)

2. Xây dựng các công trình phòng chống thiên tai theo phân cấp

Đây là nhiệm vụ cấp bách nhất và thiết thực nhất để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra do đó nhiệm vụ này phải được ưu tiên và chú trọng hàng đầu. Do nguồn kinh phí của tỉnh rất hạn hẹp mà nhu cầu đầu tư thì lớn nên không thể xây dựng tiến độ thực hiện cho từng năm vì còn phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước cấp. Trước mắt để xây dựng các công trình kiên cố đồng bộ và đồng loạt thì tiến hành kiểm tra, rà soát các công trình bị hư hỏng nặng, xuống cấp tùy theo mức độ khẩn cấp để ưu tiên thực hiện trước.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội lồng ghép kế hoạch phòng chống thiên tai, các sở ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố lập kế hoạch trung hạn khôi phục, nâng cấp công trình, cơ sở hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. Như kế hoạch nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước bị xuống cấp, đảm bảo an toàn hồ chứa và nguồn nước. Đầu tư xây dựng kè chống sạt lở các bờ sông, kiên cố hóa kênh mương; kế hoạch nâng cấp hệ thống Quốc lộ, Tỉnh lộ và giao thông nông thôn. Xây dựng hệ thống cầu, cống đảm bảo kết nối giao thông và tiêu thoát lũ; Nâng cấp, kiên cố hóa trường học; hệ thống điện, thiết bị và phương tiện bảo đảm cung cấp điện an toàn. Đối với công trình thủy điện, kế hoạch sửa chữa, nâng cấp hạng mục công trình đầu mối, các thiết bị hư hỏng bảo đảm vận hành an toàn; Sửa chữa, nâng cấp bệnh viện, trạm y tế bảo đảm công tác khám và điều trị bệnh; Có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp các trạm khí tượng thủy văn đảm bảo an toàn cho người và tài sản, thiết bị. Ưu tiên nâng cấp các trạm thủy văn đầu nguồn phục vụ công tác dự báo, cảnh báo mưa, lũ; Sửa chữa, nâng cấp trụ sở cơ quan, doanh trại, cơ sở huấn luyện, kho tàng phục vụ an ninh quốc phòng kết hợp cơ sở phòng chống thiên tai...

Trong thời gian tới UBND tỉnh đề xuất danh mục các dự án cần đầu tư, sửa chữa nâng cấp (các công trình đảm bảo an toàn hồ chứa, kè chống sạt lở bờ sông, xử lý các vị trí xung yếu trên các tuyến đường trọng điểm...) để chủ động phòng chống thiên tai giai đoạn 2016-2020 (cụ thể tại phụ lục 5 kèm theo).

3. Nhu cầu vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT và TKCN

Cần trang bị đầy đủ các vật tư, thiết bị dự phòng cần thiết để kịp thời ứng phó khi có thiên tai xảy ra, đồng thời phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn đảm bảo được an toàn (cụ thể tại phụ lục 6 kèm theo).

4. Nguồn lực thực hiện

- Kêu gọi sự hỗ trợ của Trung ương, các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và sử dụng nguồn sách tỉnh: đầu tư công trình phòng chống thiên tai, khắc phục công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, xuống cấp mất an toàn; thực hiện dự án di dời dân vùng thiên tai; triển khai thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

- Cân đối ngân sách được giao cho các sở, ban ngành, các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan: mua sắm phương tiện, trang bị các thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm "bốn tại chỗ", trang bị những điều kiện cần thiết để phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền và tập huấn, diễn tập về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

- Sử dụng hiệu quả Quỹ phòng chống thiên tai theo quy định của Chính phủ và của tỉnh vào mục đích phòng chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Các lĩnh vực, nội dung và nguồn vốn các địa phương, đơn vị cần lồng ghép vào các chương trình chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Xây dựng kế hoạch trung và dài hạn trong đó tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ưu tiên sử dụng nguồn vốn được phân cấp theo quy định để tập trung cho công tác PCTT&TKCN. Hàng năm, trên cơ sở nguồn vốn phân cấp được giao, UBND các cấp chỉ đạo phải có nội dung cụ thể trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội lồng ghép nội dung công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

- Công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được thực hiện theo phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm", sử dụng hiệu quả nguồn từ hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh và nguồn kinh phí tài trợ, hợp tác của các tổ chức phi Chính phủ.

Phần V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ phương án này xây dựng Kế hoạch Phòng, chống thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn cho sát với tình hình thực tế, phù hợp với đặc điểm của từng ngành, địa bàn quản lý. Đồng thời, định kỳ hằng năm phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, các loại hình thiên tai cụ thể, cấp độ rủi ro thiên tai thường xảy ra và đảm bảo tính khả thi.

2. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh: trong công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai cần phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung lực lượng, phương tiện ứng cứu tại khu vực xung yếu, công trình trọng điểm, di dời dân đến nơi an toàn để tránh xảy ra thiệt hại về người và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.

3. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành phải trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của địa phương, đơn vị mình nhằm thực hiện nhiệm vụ được phân công khi có thiên tai xảy ra.

4. Các tổ chức, lực lượng đóng trên địa bàn các huyện, thành phố tham gia đúng lúc sự điều động, chỉ đạo của Chủ tịch UBND và Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp; đảm bảo cơ chế chỉ huy tập trung, thống nhất trong công tác chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo quá trình xử lý các tình huống sự cố được kịp thời, nhanh chóng và an toàn cho nhân dân.

5. Hằng năm các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh được phân công phụ trách, theo dõi từng địa bàn cụ thể, phối hợp với chính quyền chỉ đạo việc thực hiện phương án phòng chống thiên tai tại các địa phương.

6. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc yêu cầu các địa phương, đơn vị báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh) xem xét, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp.

Trên đây là Kế hoạch Phòng, chống thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan, tập trung triển khai thực hiện đảm bảo ứng phó kịp thời, có hiệu quả, bảo vệ an toàn cho người, tài sản của Nhà nước, nhân dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra./.

 

PHỤ LỤC 1

CÁC KHU VỰC, CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM XUNG YẾU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM THƯỜNG XẢY RA THIÊN TAI

STT

Tên đơn vị

Các khu vực, công trình trọng điểm và loại hình thiên tai

Các điểm xung yếu

Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn

Ngập lụt

Lũ quét, sạt lở đất

Các tuyến đường giao thông, các đèo, cầu

Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện

Hạn hán

Lốc xoáy, dông sét, mưa đá

Rét hại

1

Thành phố Kon Tum

X

X

 

Các cầu bắt qua sông Đăk Bla

Hồ Đăk Yên, Đăk Chà Mòn. Plei Krông

X

X

 

- Khu vực ngập úng: khu vực Ngục Kon Tum, tổ 1 phường Quyết Thắng; Kon Sơ Lam 1, phường Trường Chinh; Kon Hra Chót, phường Thống Nhất; Kon Klor phường Thắng Lợi; tổ 1,2 phường Lê Lợi.

- Khu vực lũ quét, sạt lở đất: Dọc sông Đăk Bla (đoạn cầu Chà Môm, Kon Tu 1, xã Đăk Bla đến cầu bệnh viện 24, Kon Sơ Lam 1, phường Trường Chinh; Kon Rờ Bàng 1, KonNgo Kơtu, xã Vinh Quang; khu vực cầu Hnor phường Lê Lợi); Đoạn từ làng Yang Roong đến giáp sông Đăk Bla: các điểm như Plei Trum Đăk Choảh; Yang Roong; cầu Đăk Cấm.

- Khu vực hạn hán: xã Đoàn Kết, Ia Chim, Đăk Năng, Đăk Rơ Wa, Đăk Blà, Kroong...

2

Huyện Đăk Hà

X

X

X

Km04-Km10, Km15-Km20 TL671;

Hồ Đăk Uy

X

X

 

- Khu vực ngập lụt: Cầu Đăk Câu, thôn 4,7,9,10 xã Đăk Pxi; thôn 3 xã Đăk Hring.

- Khu vực lũ quét, sạt lở đất: thôn 3,4,7,9,10 xã Đăk Pxi, khu vực thị trấn dọc suối Đăk Ui, xã Đăk La từ Đập Kon Trang Kơ La đến Đập Kà Ha.

- Khu vực hạn hán: xã Đăk La, Hà Mòn, Đăk Hring, Đăk Pxi, Ngọc Réo...

3

Huyện Đăk Tô

X

X

X

Cầu Diên Bình, Cầu Tri Lễ, Cầu 42

 

X

X

 

- Khu vực ngập lụt: Cầu Ngọc Tụ xã Ngọc Tụ; Cầu Diên Bình xã Diên Bình; cầu Tri Lễ xã Tân Cảnh; Đăk Manh 1, xã Đăk Rơ Nga...

- Khu vực lũ quét, sạt lở đất: dọc tuyến sông Đăk Tờ Kan

- Khu vực hạn hán: xã Diên Bình, Ngọc Tu, Tân Cảnh, Kon Đào, Văn Lem...

4

Huyện Sa Thầy

X

 

X

Km20-Km26 QL14C; Km10-Km15, Km20-Km30 TL674; Km4- Km5 TL675

Hồ Đăk Sia 1, Đăk Prông, Ia Ly

X

 

 

- Khu vực ngập lụt: Cầu tràn làng Lung, đường vào thôn 1,2,3 xã Ya Xier; Cống qua đường thôn Khúc Na, Lung Leng xã Sa Bình; làng Chứ, làng Chờ xã Ya Ly, bến đò xã Hơ Moong; thôn 1 thị trấn; thôn Hòa Bình xã Sa Nghĩa.

- Khu vực lũ quét, sạt lở đất: Khu dân cư C2 dưới thượng lưu đập Đăk Sia 1 xã Rờ Kơi; Khu dân cư hạ lưu đập Đăk Prông xã Sa Bình; Khu dân cư hạ lưu đập Đăk Nui xã Hơ Moong; khu dân cư xã Sa Nhơn dọc suối Đăk Sia, các hộ dọc theo suối iarai thôn Tam An xã Sa Sơn.

- Khu vực hạn hán: Thị Trấn, xã Sa Sơn, Sa Bình, Rờ Kơi, Mô Rai, Hơ Moong...

5

Huyện Tu Mơ Rông

X

 

X

Km32-Km41 TL672; Km13-Km24 TL678; Đèo Văn Loan; Dốc Văn Rơi; Km159- Km174, Km 178- Km 181 QL40B;

Hồ Đăk Hnia

X

X

 

- Khu vực nguy cơ sạt lở: Khu dân cư thôn Tân Ba xã Tê Xăng, thôn Đăk Dơn, Long Lái xã Măng Ri; Đường liên thôn các xã Tu Mơ Rông, Đăk Sao, Đăk Na, Văn Xuôi; tuyến đường đi xã Ngọc Yêu; khu vực các ngầm Kon Hia 2 xã Đăk Rơ Ông, Đăk Trâm xã Đăk Tờ Kan, Năng Lớn 1, Kạch Lớn 1, Đăk Né 2 xã Đăk Sao...

- Khu vực hạn hán: Đăk Hà, Đăk Tơ Kan...

6

Huyện Ngọc Hồi

X

 

X

Quốc lộ 40, Đường Hồ Chí Minh

Hồ Đăk Hơ Niêng

X

X

 

- Khu vực lũ quét, sạt lở: Các xã Đăk Ang, Đăk Nông, Đăk Dục và Thị trấn Plei Kần dọc sông Pô Kô; tuyến đường giao thông liên thôn xã Đăk Ang.

- Khu vực hạn hán: xã Bờ Y, Đăk Dục, Đăk Nông, Đăk Kan, Sa Loong...

7

Huyện Đăk Glei

X

 

X

Km6+050, Km9-Km15, Km19-Km25, Km30-Km38 TL673; Đèo Lò Xo đường Hồ Chí Minh

 

X

X

 

- Khu vực ngập lụt: Các thôn Đăk Sút, Đăk Túc, Đăk Gô, Đăk Wấk thuộc xã Đăk Kroong; Thôn Đăk Dung, Đông Sông thuộc thị trấn Đăk Glei; thôn Đăk Ven, Đông Thượng, thôn Đăk Đoát thuộc xã Đăk Pét... dọc sông Pô Kô.

- Khu vực lũ quét, sạt lở đất: xã Đăk Choong; thôn Kon Liêm, Bông Bang xã Xốp; các tuyến đường liên thôn xã Đăk Long; Đăk Blô; Đăk Nhoong; Ngọc Linh.

- Khu vực hạn hán: Thị Trấn, xã Đăk Pét, Đăk Long, Đăk Môn, Đăk Choong...

8

Huyện Ia HD'rai

X

 

 

Quốc lộ 14C, đường Tuần tra Biên giới

Sê San 3A, Sê San 4, 4A

X

X

 

Các xã Ia Tơi, Ia Đal, Ia Dom

9

Huyện Kon Plong

X

 

X

QL24; Đèo Măng Đen; Vi Ô Lăk; Km20- Km5 7+300 TL 676; tuyến đường tránh ngập thủy điện Đăk Đrinh, đường Đông Trường Sơn

 

X

X

X

- Khu vực lũ quét, sạt lở đất: Thôn Đăk Pông, Đăk Lanh, xã Măng Bút, Thôn Đăk Xa, Vi Rô Ngheo, Đăk Prồ xã Đăk Tăng; Thôn Đăk Da, Đăk Lâng xã Đăk Ring; Thôn Tu Ngú, Tu Thôn xã Đăk Nên; Thôn Măng Krí, Măng Nách, Kíp Linh xã Ngọc Tem; Thôn Vi Ô Lắc xã Pờ Ê; Thôn KonPlinh, Kon Piêng xã Hiếu; thôn KonBrinh xã Đăk Long; thôn Kon Năng xã Măng Cành.

- Khu vực hạn hán: xã Đăk Long, Măng Bút

- Khu vực rét hại: xã Hiếu, Đăk Long, Măng Bút. Măng Cành

10

Huyện Kon Rẫy

X

 

X

QL24; Km8- Km23 TL677; Cầu Đăk Ruồng

 

X

X

 

- Khu vực ngập lụt: Làng Kon Lỗ xã Đăk Tơ Lung; thôn 1 xã Đăk Kôi.

- Khu vực lũ quét, sạt lở đất: Thôn 10, 13 xã Đăk Ruồng; thôn 2, thôn 9 xã Đăk Kôi; Thôn 1, 5 thị trấn Đăk Rve; thôn 5, 6 xã Tân Lập; Làng Kon Vi Vàng, Kon Lung xã Đăk Tơ Lung.

- Khu vực hạn hán: Thị Trấn, xã Đăk Ruồng, Tân Lập, Đăk A Kôi, Đăk Tơ Lung...

 

PHỤ LỤC 2

LỰC LƯỢNG DỰ KIẾN HUY ĐỘNG THAM GIA CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TỈNH KON TUM

STT

Tên đơn vị

Lực lượng tham gia công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bao gồm: Quân sự, công an, Biên phòng, thanh niên xung xích, dân quân tự vệ, y, bác sỹ....

1

Thành phố Kon Tum

2.596

2

Huyện Đăk Hà

430

3

Huyện Đăk Tô

1.050

4

Huyện Sa Thầy

590

5

Huyện Tu Mơ Rông

724

6

Huyện Ngọc Hồi

2.400

7

Huyện Đăk Glei

200

8

Huyện Ia HD'rai

350

9

Huyện Kon Plong

1.200

10

Huyện Kon Rẫy

410

11

Ban Quản lý - Khai thác CCTTL

77

12

Sở Giao thông Vận tải

118

13

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

25

14

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh

250

15

Sư đoàn 10

600

16

Công an tỉnh

100

Tổng cộng

11.120

 

PHỤ LỤC 3

VẬT TƯ TRANG THIẾT BỊ PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN

STT

Tên đơn vị

Tên vật tư trang thiết bị

Nhà bạt các loại (bộ)

Phao cứu sinh các loại (cái)

Bè phao cứu sinh loại 5 người (chiếc)

Xuồng ST 450 (chiếc)

Ca nô (chiếc)

Máy phát điện (cái)

Loa phóng thanh cầm tay (cái)

Bộ đàm (cái)

Rọ thép (rọ)

Đá hộc (m3)

Bao tải (cái)

Máy cưa lốc (cái)

Thiết bị chữa cháy (bộ)

1

Thành Phố Kon Tum

13

245

 

 

 

2

1

 

200

200

1.500

2

 

2

Huyện Đăk Hà

17

230

 

 

1

1

 

 

600

 

 

 

 

3

Huyện Đăk Tô

10

360

5

1

 

1

5

 

 

 

 

 

 

4

Huyện Sa Thầy

14

198

 

1

 

 

 

 

400

 

 

 

 

5

Huyện Ngọc Hồi

10

210

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

 

6

Huyện Đăk Glei

30

150

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7

Huyện Tu Mơ Rông

21

628

 

 

 

12

18

11

690

320

500

 

 

8

Huyện Kon Plong

24

420

 

 

1

 

 

 

180

 

 

 

 

9

Huyện Kon Rẫy

14

615

 

 

 

10

 

16

 

 

 

 

 

10

Huyện Ia HD'rai

 

116

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

11

Ban quản lý KT các CTTL

2

145

 

 

 

 

 

 

331

301

 

 

 

12

Sở Giao thông Vận tải

 

 

 

 

1

1

1

 

54

1.380

 

1

 

13

Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh

5

80

 

 

2

1

 

 

 

 

 

 

 

14

Sư Đoàn 10

 

400

 

 

 

 

 

 

 

 

1.000

 

 

15

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh

 

30

 

5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

16

Công an tỉnh

21

190

 

6

 

4

 

 

 

 

 

 

 

17

Đài Phát thanh và Truyền hình

 

10

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

18

Sở Công thương

 

10

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

19

Sở Tài nguyên và Môi trường

 

10

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

20

Chi cục Kiểm lâm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

21

VP TT BCH PCTT&TKCN tỉnh

3

161

 

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

184

4.208

5

14

5

32

25

27

2.455

2.201

3.000

4

 

Ghi chú: số vật tư trên bao gồm 19 bộ Nhà bạt UBND huyện Đăk Glei mượn; 01 chiếc xuồng ST450 Chi cục Kiểm lâm mượn; 10 bộ nhà bạt và 200 áo phao UBND huyện Kon Plong mượn. Sở Giao thông hiện có: Dầm thép H350 L = 12m: 03 dầm; Dàn cầu Ben Lây kép 3 L = 12m; Dàn cầu dầm thép địa phương L = 15m; Dàn cầu Pen Rô L = 33m: Để tại Thành phố Kon Tum giao cho Công ty cổ phần XD và QL CTGT Kon Tum quản lý; Dàn cầu Ben Lây kép L = 18m: Để tại Thị trấn Đắk Tô giao cho Công ty QLSC và XDGT Đăk Bình quản lý; huyện Đăk Hà hiện có: 06 Dầm cầu thép I500, L = 12m;

 

PHỤ LỤC 4

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH, KINH PHÍ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN "NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG VÀ QUẢN LÝ RỦI RO THIÊN TAI DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG, GIAI ĐOẠN 2016-2020
ĐỀ XUẤT HỖ TRỢ KINH PHÍ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TỪ NGUỒN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG

Hạng mục chính (Căn cứ QĐ số 1002/QĐ-TTg , ngày 13/7/2009)

Hoạt động

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Tổng (tr.đồng)

Kết quả dự kiến

Kinh phí (tr.đồng)

Kết quả dự kiến

Kinh phí (tr.đồng)

Kết quả dự kiến

Kinh phí (tr.đồng)

Kết quả dự kiến

Kinh phí (tr.đồng)

Kết quả dự kiến

Kinh phí (tr.đồng)

Hợp phần 1: Nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền địa phương ở các cấp về quản lý, triển khai thực hiện các hoạt động QLTTCĐ ở các tỉnh, thành phố

1. Tổ chức đào tạo về chính sách, cơ chế và hướng dẫn thực hiện QLTTCĐ cho đội ngũ giảng dạy, các cơ quan cán bộ địa phương và cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện QLTTCĐ ở các cấp (Hoạt động 1.6)

- Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho đội ngũ giảng viên và cán bộ cấp tỉnh, huyện

2 lớp; 120 người

160

2 lớp; 120 người

160

2 lớp; 120 người

160

 

 

 

 

480

2. Tổ chức đào tạo về các bước thực hiện QLTTCĐ cho các đội ngũ giảng dạy QLTTCĐ ở các cấp (Hoạt động 1.7)

- Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho đội ngũ giảng viên, tập huấn viên cấp tỉnh, huyện, xã (2 lớp cho cấp tỉnh, huyện và 10 lớp cấp xã)

12 lớp; 620 người

960

12 lớp; 620 người

960

12 lớp; 620 người

960

 

 

 

 

2.880

3. Trang bị công cụ hỗ trợ công tác Phòng, chống lụt bão cho các cơ quan, chính quyền các cấp và bộ dụng cụ giảng dạy về QLTTCĐ cho đội ngũ giảng dạy chuyên nghiệp (Hoạt động 1.9)

- Trang bị các dụng cụ cần thiết phục vụ cho công tác giảng dạy, tập huấn tại cộng đồng

- Trang bị các thiết bị, công cụ phục vụ công tác phòng chống thiên tai

Máy chiếu, máy vi tính... và thiết bị máy fax, in, photo...

300

 

 

 

 

 

 

 

 

300

4. Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới trụ sở cơ quan chuyên trách về phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai cấp tỉnh, thành phố (Hoạt động 1.10)

- Cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới trụ sở cơ quan chuyên trách về phòng chống thiên tai cấp tỉnh

Cải tạo, nâng cấp trụ sở phòng chống thiên tai cấp tỉnh

2000

 

 

 

 

 

 

 

 

2.000

Hợp phần 2: Tăng cường truyền thông, giáo dục và nâng cao năng lực cho cộng đồng về QLTTCĐ

5. Thành lập nhóm triển khai thực hiện các hoạt động QLTTCĐ tại cộng đồng (Hoạt động 2.1)

- Thành lập các nhóm hỗ trợ kỹ thuật cấp xã triển khai thực hiện đề án tại các xã ưu tiên thực hiện đề án (Tham khảo tài liệu quản lý RRTT-DVCĐ)

69 xã, mỗi xã thành lập 01 nhóm

3450

 

 

 

 

 

 

 

 

3450

6. Thiết lập bản đồ thiên tai và tình trạng dễ bị tổn thương ở từng cộng đồng (do cộng đồng tự xây dựng dựa trên hướng dẫn của nhóm thực hiện QLTTCĐ tại cộng đồng); xây dựng pano bản đồ và bảng hướng dẫn các bước cơ bản về chuẩn bị, ứng phó và phục hồi với từng giai đoạn: trước, trong và sau thiên tai phù hợp cho từng cộng đồng (Theo văn hóa và điều kiện kinh tế xã hội của từng cộng đồng/ nhóm cộng đồng (Hoạt động 2.2)

- Tổ chức hoạt động đánh giá RRTT-DVCĐ tại các xã ưu tiên thực hiện đề án từ đó xây dựng được bản đồ rủi ro thiên tai và cách xác định tình trạng dễ bị tổn thương (Tham khảo tài liệu đánh giá RRTT-DVCĐ) - Xây dựng pano, áp phích, bản đồ bảng hướng dẫn về khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, các biện pháp cộng đồng chủ động phòng, tránh thiên tai... treo tại trụ sở UBND, nhà văn hóa thôn, các điểm hợp dân cư, cộng đồng trên địa bàn xã.

 

 

 

 

Xây dựng bản đồ thiên tai và tình trạng dễ bị tổn thương tại cộng đồng 34 xã

1700

Xây dựng bản đồ thiên tai và tình trạng dễ bị tổn thương tại cộng đồng 34 xã

1700

Xây dựng bản đồ thiên tai và tình trạng dễ bị tổn thương tại cộng đồng 34 xã

1700

5.100

7. Xây dựng sổ tay hướng dẫn triển khai các hoạt động cơ bản của cộng đồng về chuẩn bị, ứng phó và phục hồi ứng với từng giai đoạn: trước, trong và sau thiên tai phù hợp cho từng cộng đồng (theo văn hóa, điều kiện kinh tế xã hội của từng cộng đồng/ nhóm cộng đồng (Hoạt động 2.3)

- Xây dựng các sổ tay hướng dẫn phù hợp với văn hóa và điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương

102 cuốn sổ tay

306

 

 

 

 

 

 

 

 

306

8. Thu thập, cập nhật thông tin cho bản đồ thiên tai và tình trạng dễ bị tổn thương và được duy trì thực hiện hàng năm (Thành viên cộng đồng thực hiện) (Hoạt động 2.4)

- Hoạt động này đã được thực hiện thông qua hoạt động đánh giá RRTT-DVCĐ hằng năm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9. Cộng đồng xây dựng kế hoạch hàng năm về phòng, chống và quản lý rủi ro thiên tai của cộng đồng (Hoạt động 2.5)

- Hàng năm, tổ chức lập phê duyệt kế hoạch phòng chống thiên tai có sự tham gia của cộng đồng tại các xã ưu tiên thực hiện đề án (Tham khảo tài liệu RRTT-DVCĐ)

 

 

 

 

69 xã

345

69 xã

345

69 xã

345

1.035

10. Các thành viên cộng đồng xây dựng kế hoạch phát triển của cộng đồng có lồng ghép kế hoạch về phòng, chống và quản lý rủi ro thiên tai (Hoạt động 2.6)

- Hàng năm, tổ chức lồng ghép kế hoạch phòng chống thiên tai có sự tham gia của cộng đồng vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại các xã ưu tiên thực hiện đề án (Tham khảo tài liệu RRTT-DVCĐ)

 

 

 

 

69 xã

 

69 xã

 

69 xã

 

 

11. Xây dựng kế hoạch diễn tập về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng hàng năm (bao gồm cả các trang thiết bị và dụng cụ hỗ trợ) (Hoạt động 2.7)

- Hàng năm căn cứ theo kế hoạch PCTT đã được phê duyệt, UBND các xã ưu tiên triển khai thực hiện đề án xây dựng kế hoạch tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai, tổ chức triển khai kế hoạch diễn tập PCTT và huy động sự tham gia của cộng đồng

02 huyện

2000

cấp tỉnh

2000

10 xã

1000

10 xã

1000

10 xã

1000

7.000

12. Thiết lập hệ thống về cảnh báo, truyền tin sớm về thiên tai trong cộng đồng (bao gồm các trang thiết bị và dụng cụ hỗ trợ) (Hoạt động 2.8)

- Nghiên cứu đề xuất hệ thống truyền tin cảnh báo sớm thiên tai phù hợp với loại hình thiên tai tại địa phương;

- Xây dựng hệ thống truyền tin, cảnh báo sớm tại cộng đồng. Tổ chức phổ biến hướng dẫn người dân tham gia thực hiện

20 xã

400

20 xã

400

21 xã

420

21 xã

420

21 xã

420

2.060

13. Thiết lập hệ thống đánh giá và giám sát các hoạt động về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong cộng đồng (Hoạt động 2.9)

- Thành lập hệ thống theo dõi, đánh giá việc thực hiện đề án tại các cấp

- Hàng năm lập báo cáo tổng hợp phân tích đánh giá đề xuất và kiến nghị các giải pháp để triển khai thực hiện đề án (Tham khảo tài liệu bộ chỉ số và tài liệu hướng dẫn theo dõi và đánh giá thực hiện đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và QLRRTTDVCĐ)

Thành lập 113 hệ thống theo dõi đánh giá thực hiện đề án của cấp tỉnh, huyện, xã

565

Thành lập 113 hệ thống theo dõi đánh giá thực hiện đề án của cấp tỉnh, huyện, xã

565

Thành lập 113 hệ thống theo dõi đánh giá thực hiện đề án của cấp tỉnh, huyện, xã

565

Thành lập 113 hệ thống theo dõi đánh giá thực hiện đề án của cấp tỉnh, huyện, xã

565

Thành lập 113 hệ thống theo dõi đánh giá thực hiện đề án của cấp tỉnh, huyện, xã

565

2.825

14. Các hoạt động về QLTTCĐ thường xuyên được truyền bá thông. qua trang web, TV, đài báo và các pano áp phích, tờ rơi...(Hoạt động 2.10)

- UBND các cấp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về thiên tai, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đảm bảo phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội, phong tục tập quán tại địa phương và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trên các phương tiện thông tin đại chúng

Tuyên truyền qua đài phát thanh, tờ rơi, phanô áp pích, họp thôn, làng cho 102 xã

1020

Tuyên truyền qua đài phát thanh, tờ rơi, phanô áp pích, họp thôn, làng cho 102 xã

1020

Tuyên truyền qua đài phát thanh, tờ rơi, phanô áp pích, họp thôn, làng cho 102 xã

1020

Tuyên truyền qua đài phát thanh, tờ rơi, phanô áp pích, họp thôn, làng cho 102 xã

1020

Tuyên truyền qua đài phát thanh, tờ rơi, phanô áp pích, họp thôn, làng cho 102 xã

1020

5.100

15. Tổ chức các lớp đào tạo hàng năm cho cộng đồng về từng hoạt động riêng biệt trong công tác quản lý rủi ro thiên tai cộng đồng (các hoạt động đào tạo, tập huấn này được tổ chức riêng biệt cho từng đối tượng cụ thể trong cộng đồng như giới tính, học sinh phổ thông, người lớn tuổi) (Hoạt động 2.12)

- Hàng năm các xã ưu tiên triển khai thực hiện đề án tổ chức các lớp khóa tập huấn, hướng dẫn cách thức phòng chống thiên tai phù hợp với các đối tượng dễ bị tổn thương trên địa bàn.

14 lớp; 560 người

200

14 lớp; 560 người

200

14 lớp; 560 người

200

14 lớp; 560 người

200

13 lớp; 520 người

200

1.000

16. Tổ chức các buổi biểu diễn, kịch về phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng nhân các ngày lễ của cộng đồng (Hoạt động 2.13)

- Kết hợp các ngày lễ, hội truyền thống tại địa phương để tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ có nội dung về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

10 xã

500

10 xã

500

10 xã

500

10 xã

500

10 xã

500

2.500

17. Xây dựng các công trình quy mô nhỏ phục vụ công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai cộng đồng (Hoạt động 2.14)

- Nội dung thực hiện bao gồm: Làm mới, sửa chữa và cải tạo nâng cấp đối với đường tránh lũ, nhà cộng đồng, trường học trạm y tế, công trình nước sạch và các công trình liên quan khác phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn xã. (Bình quân mức hỗ trợ xây dựng cho các hạng mục phục vụ công tác phòng chống lũ cho các xã, khoảng 2 tỷ đồng)

 

 

 

 

10 xã

20000

10 xã

20000

10 xã

20000

60.000

Tổng cộng (triệu đồng)

 

11.861

 

5.805

 

26.870

 

25.750

 

25.750

96.036

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 5

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN CẦN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, SỬA CHỮA NÂNG CẤP ĐỂ CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM (2016-2020)

STT

Danh mục công trình

Địa điểm

ĐVT

Số lượng

Kinh phí dự kiến (triệu đồng)

Năm thực hiện

I

Thành phố Kon Tum

 

 

 

928.000

 

1

Sửa chữa sạt lở đường và làm cầu qua suối Cầu Bảy

P. Nguyễn Trãi

CT

1

10.000

2016-2020

2

Kè chống sạt lở dọc suối Hnor

P. Lê Lợi

CT

1

15.000

3

Nâng cấp đầu mối đập Đăk Trum

Xã Ngok Bay

CT

1

1.500

4

Nâng cấp Thủy lợi KoriSut

xã Đăk Blà

CT

1

6.000

5

Kè chống lũ, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla (đoạn qua làng Plei Groi đến làng Kon Klor 2 và từ làng Kon Hra Chót đến làng Kon Tum KơPơng)

 

CT

1

895.000

6

Nhà kho bảo quản vật tư, trang thiết bị PCTT

 

CT

1

500

II

Huyện Đăk Hà

 

 

 

200.500

 

1

Kè chống sạt lở sông Đăk Pxi

Xã Đăk Pxi

CT

1

200.000

2016-2020

2

Nhà kho bảo quản vật tư, trang thiết bị PCTT

Thị trấn Đăk Hà

CT

1

500

III

Huyện Sa Thầy

 

 

 

222.453

 

1

Kè chống sạt lở thôn Tam An

xã Sa Sơn

CT

1

30.000

2016-2020

2

Kè chống sạt lở suối đăk sia đoạn qua xã Sa nhơn, xã Sa nghĩa và thị trấn Sa Thầy

xã Sa Nhơn, Sa Nghĩa, Thị trấn

CT

1

184.253

3

Nâng cấp cầu tràn làng Lung

xã Ya Xiêr

CT

1

3.000

4

Nâng cấp cống thoát nước ngang làng Kbầy

xã Hơ Moong

CT

1

1.200

5

Nâng cấp cống thoát nước ngang thôn Nhơn Lý

xã Sa Nhơn

CT

1

1.500

6

Gia cố taluy tràn hồ Đăk Sia 1

 

CT

1

2.000

7

Nhà kho bảo quản vật tư, trang thiết bị PCTT

 

CT

1

500

IV

Huyện Đăk Tô

 

 

 

140.404

 

1

Nâng cấp đường Đăk Tông - Đăk Tăng (ĐH52)

Tân Cảnh, Ngọc Tụ và Đăk Rơ Nga

CT

1

15.000

2016-2020

2

Đầu tư, nâng cấp 5 trạm y tế xã đảm bảo phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân tại chỗ khi có thiên tai

Ngọc Tụ, Văn Lem, Kon Đào, Đăk Rơ Nga và Pô Kô

CT

5

8.000

3

Kè chống sạt lở sông Đăk Tờ Kan - Đăk Tô (đoạn cầu 42) Đăk Tô

 

CT

1

116.904

4

Nhà kho bảo quản vật tư, trang thiết bị PCTT

 

CT

1

500

V

Huyện Ngọc Hồi

 

 

 

77.100

 

1

Nâng cấp sửa chữa các công trình thủy lợi

 

CT

13

23.100

2016-2020

2

Thủy lợi Ja Tun

xã Đăk Ang

CT

1

12.000

2016-2020

3

Thủy lợi Đăk Ling

xã Đăk Dục

CT

1

10.000

2016-2020

4

Kè chỉnh trị dòng chống sạt lở dọc sông Pô Kô

xã Đăk Ang, Đăk Dục, Đăk Nông

CT

1

32.000

2019-2020

VI

Huyện Đăk Glei

 

 

 

26.000

 

1

Sửa chữa nâng cấp công trình TL Đăk Hen

Xã Xốp

CT

1

1.500

2016-2020

2

Sửa chữa nâng cấp công trình TL Đăk BLơn

Xã Đăk Long

CT

1

2.500

3

Sửa chữa nâng cấp công trình TL Đăk Rỗi

Xã Đăk Blô

CT

1

2.500

4

Sửa chữa nâng cấp công trình TL Đăk Pang

Xã Đăk Pét

CT

1

1.500

5

Cầu treo thôn Kon Liêm

Xã Xốp

CT

1

2.000

6

Cầu treo thôn Kon Năng

Xã Đăk Choong

CT

1

3.000

7

Cầu treo thôn Đăk Tu

Xã Đăk Long

CT

1

2.500

8

Sửa chữa, nâng cấp cầu treo thôn Đông Sông

Thị trấn

CT

1

3.000

9

Đầu tư kiên cố phòng học các trường học tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện

 

phòng

42

7.000

10

Nhà kho bảo quản vật tư, trang thiết bị PCTT

 

CT

1

500

VII

Huyện Tu Mơ Rông

 

 

 

111.820

 

1

Sửa chữa nâng cấp các công trình giao thông

 

CT

47

49.390

2016-2020

2

Sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi

 

CT

38

39.730

3

Sửa chữa nâng cấp các công trình nước sinh hoạt

 

CT

37

22.200

4

Nhà kho bảo quản vật tư, trang thiết bị PCTT

 

CT

1

500

VIII

Huyện Kon Plong

 

 

 

63.350

 

1

Sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi

các xã trên địa bàn huyện

CT

 

52.400

2016-2020

2

Sửa chữa nâng cấp các nước sinh hoạt

các xã trên địa bàn huyện

CT

 

10.450

3

Nhà kho bảo quản vật tư, trang thiết bị PCLB

 

CT

1

500

IX

Huyện Kon Rẫy

 

 

 

134.958

 

1

Kè chống sạt lở bờ sông Đăk Pne

 

CT

1

134.458

2016-2020

2

Nhà kho bảo quản vật tư, trang thiết bị PCTT

 

CT

1

500

X

Ban quản lý - Khai thác CCTTL

 

 

 

204.000

 

1

Hô Đội 5

xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy

CT

1

15.000

2016

2

Hồ Cà Sâm

xã Đăk La, huyện Đăk Hà

CT

1

14.000

2016

3

Hồ Đăk Tin

xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei

CT

1

15.000

2016

4

Hồ C3 (704)

xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà

CT

1

10.000

2016

5

Hồ Đăk Ngót

xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy

CT

1

15.000

2017

6

Hồ Đăk Hơ Niêng

xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi

CT

1

20.000

2017

7

Hồ A1 Đội 4

xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà

CT

1

15.000

2017

8

Hồ C2

xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà

CT

1

15.000

2018

9

Hồ C3

xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà

CT

1

15.000

2018

10

Hồ Ya Xăng

xã Mo Rai, huyện Sa Thầy

CT

1

10.000

2018

11

Hồ Thôn 9

xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà

CT

1

10.000

2019

12

Hồ C4

xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà

CT

1

20.000

2019

13

Hồ Kon Tu Zốp

xã Pô Kô, huyện Đăk Tô

CT

1

15.000

2020

14

Hồ Ia Bang Thượng

xã Hòa Bình, TP Kon Tum

CT

1

15.000

2020

XI

Sở Giao thông Vận tái

 

 

 

50.000

 

1

Gia cố, sửa chữa các vị trí xung yếu thuộc các Tỉnh lộ 671, 672, 673, 674, 675, 676, 677, 678; Đường Tái định cư TĐ Plei Krông; Đường Đăk Kôi-Đăk Pxi

các huyện, thành phố

 

 

50.000

2016-2020

XII

Văn phòng TT Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh

 

 

 

4.000

 

1

Xây dựng bản đồ cấp độ rủi ro thiên tai ứng với các loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh

các huyện, thành phố

 

 

2.000

2016-2018

2

Xây dựng tháp cảnh báo lũ trên các sông suối trên địa bàn tỉnh

 

 

 

2.000

2016-2018

TỔNG CỘNG

 

 

 

2.162.585

 

 

PHỤ LỤC 6

NHU CẦU DANH MỤC CÁC VẬT TƯ, TRANG THIẾT BỊ ĐỂ CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM (2016-2020)

TT

Danh mục vật tư, trang thiết bị

ĐVT

Số lượng

Kinh phí dự kiến
(triệu đồng)

Ghi chú

I

Nhu cầu vật tư dự phòng tại các huyện, thành phố

 

 

 

 

1

Nhà bạt

bộ

100

500

 

2

Áo phao

cái

500

100

 

3

Phao tròn

cái

500

100

 

4

Rọ thép

rọ

10.000

1500

 

5

Đá hộc

m3

10.000

2.500

 

6

Máy phát điện

bộ

10

200

 

7

Bộ đàm

cái

100

500

 

8

Loa phóng thanh cầm tay

cái

100

500

 

II

Nhu cầu vật tư dự phòng ở tỉnh

 

 

 

 

1

Dầm cầu Ben Lay

m

250

 

 

2

Cầu phao

m

180

 

 

3

Xe chuyên dụng lội nước

chiếc

2

 

 

4

Máy phát điện dự phòng 250KVA

bộ

2

 

 

Tổng cộng

 

 

5.900

 

 

PHỤ LỤC 7

KẾ HOẠCH SƠ TÁN, DI DỜI DÂN ỨNG PHÓ VỚI BÃO MẠNH, SIÊU BÃO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

TT

Tên xã, phường, thị trấn

Khi có Bão mạnh, siêu bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Kon Tum

Ghi chú: Khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét và ngập lụt

Số dân cần di dời, sơ tán

Khu vực dự kiến sơ tán đến

Phương tiện di chuyển

Số hộ

Số người sơ tán

1

Thành phố Kon Tum

2960

14.800

 

 

 

 

Xã Đăk Rơ Wa

14

70

Điểm trường học, Nhà Rông văn hóa thôn kiên cố

Xe thô sơ, xe công nông

Thôn Kon Klor2

 

Xã Đoàn Kết

787

3.937

Các điểm trường học, nhà văn hóa kiên cố

Xe ô tô tải

Thôn Đăk Kia, thôn 5,6,7,8

 

Xã Đăk Năng

54

270

Nhà văn hóa kiên cố

Xe ô tô tải

Thôn Jơ Rộp, Gia Kim

 

Xã Đăk Blà

302

1.510

Thôn Kon Tu 2, Kon Jơ Dreh

Xe máy, ô tô

Thôn Kon Drei, Tập Đoàn 1, Kon Ktu 1

 

Xã Chư Hreng

22

109

Trụ sở UBND xã

Xe máy, ô tô

Thôn 4,5; KonHraKlah. Kon HraKtu

 

Phường Quang Trung

816

4.080

Các điểm trường học kiên cố

Xe ô tô tải

Tổ 7,15; thôn Plei Đôn; Plei Tơ Nghia

 

Phường Thắng Lợi

297

1.487

Trụ sở UBND phường

Xe máy, ô tô

Tổ 4; thôn Kon Klo, Kon Rơ Wang, Kon Tum Kơ Pơng

 

Phường Nguyễn Trãi

184

918

Khu Công nghiệp Hòa Bình

Xe máy, ô tô

Tổ 1,2,3,4,5

 

Phường Thống Nhất

387

1.934

Các điểm trường học kiên cố

Xe máy, ô tô

Tổ 2,3,6,7, thôn Kon Hra Chot, Kon Tum Kơ Nâm

 

Phường Trường Chinh

97

485

Thôn Kep Ram, Khu vực giáp ranh xã Ia Phi

Xe ô tô tải

Thôn 3,4

2

Huyện Đăk Hà

 

 

 

 

 

 

Không còn hộ dân nằm trong vùng sạt lở, ngập lụt cần phải di dời

3

Huyện Đăk Tô

214

854

 

 

 

 

Thị trấn Đăk Tô

83

350

Sơ tán dân đến các hội trường thôn, khối; các điểm trường học kiên cố...thuộc các xã, thị trấn

Huy động 24 xe tải trên địa bàn các xã, thị trấn phục vụ công tác sơ tán dân

Cầu 42, suối Hồ Sen, dọc sông Đăk Tờ Kan

 

Xã Đăk Rơ Nga

24

118

Thôn Đăk Manh, Đăk Kon

 

Xã Diên Bình

71

245

Thôn 1,2,3

 

Xã Tân Cảnh

36

141

Thôn 1,2,3,5

4

Huyện Sa Thầy

50

250

 

 

 

 

Xã Rờ Kơi

8

40

Nông trường cao su 732

 

Hạ lưu đập Đăk Sia 1

 

Xã Sa Bình

5

25

Trường THCS xã Sa Bình

 

Hạ lưu đập Đăk Prông

 

Xã Sa Nhơn

4

20

Trụ sở UBND xã Sa Nhơn

 

Dọc suối Đăk Sia

 

Xã Sa Sơn

6

30

Hội trường thôn Tam An

 

Dọc suối Ia Rai

 

Xã Sa Nghĩa

15

75

Trụ sở UBND xã Sa Nghĩa

 

Dọc suối Đăk Sia

 

Xã Ya Xiêr

8

40

Nhà rông thôn

 

Khu vực cầu tràn Làng Lung

 

Thị trấn

4

20

Trụ sở UBND thị trấn

 

Khu vực lò mổ tập trung

5

Huyện Ngọc Hồi

73

370

 

 

 

 

Xã Đăk Ang

62

321

Sơ tán dân đến các nơi an toàn trong khu vực các thôn thuộc các xã

Các hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét ở gần với nơi tạm trú nên người dân chủ động di dời.

 

 

Xã Đăk Dục

6

27

 

 

Xã Đak Nông

5

22

 

6

Huyện Đăk GIei

105

550

 

 

 

 

Xã Đăk Pék

40

212

Số hộ dân này dự kiến đến ở tạm các trường học, nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng của các thôn và nhà bà con họ hàng, người thân.

Huy động lực lượng bộ đội của huyện, CCVC của các ngành, dân quân tự vệ tại chỗ để thực hiện việc di dời. Huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để sơ tán người dân và tài sản

Thôn Đông thượng, Đăk Rú, Pen Sal Pen

 

Thị trấn Đăk Glei

17

90

Thôn 16/5, Đăk Dung

 

Xã Đăk Long

40

204

Thôn Đăk Ác, Vai Trang

 

Xã Đăk Môn

3

18

Thôn Đăk Nai

 

Xã Đăk Kroong

5

26

Thôn Đăk Wấk

7

Huyện Tu Mơ Rông

157

637

 

 

 

 

Xã Tê Xăng

30

151

Trụ sở UBND xã, Trường học kiên cố

Huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để sơ tán người dân và tài sản

Thôn Tân Ba

 

Xã Mang Ri

127

486

Thôn Đăk Dơn, Long Lái

8

Huyện Kon Plong

199

994

 

 

 

 

Xã Măng Bút

118

651

Sơ tán đến UBND xã, trường học kiên cố

Huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để sơ tán dân và tài sản

Thôn Đăk Pông, Đăk Lanh

 

Xã Ngọc Tem

45

187

Thôn Điek Kua, Đăk Nót

 

Xã Đăk Nên

36

156

Thôn Tu Ngú, Tu Thôn

9

Huyện Kon Rẫy

398

1.735

 

 

 

 

Xã Đăk Kôi

119

595

Sơ tán dân đến các nơi an toàn trong khu vực các thôn thuộc các xã, thị trấn như trường học, nhà văn hóa, nhà kiên cố của bà con, họ hàng.

Các hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét ở gần với nơi tạm trú nên người dân chủ động di dời. Dự kiến bố trí 01 điểm tái định cư cho 171 hộ dân thuộc xã Đăk Ruồng và 9 hộ thuộc

Thôn 1,2,3,4,5,6,7,8,9,10

 

Thị trấn Đăk Rve

82

328

Thôn 1,2,3,4,5,6,7,8

 

Xã Đăk Ruồng

174

696

Thôn 9

 

Xã Đăk Tờ Re

1

5

Thôn 12

 

Xã Đăk Tờ Lùng

2

11

Thôn 4,6

 

Xã Tân Lập

20

100

Thôn 2,3,6

Tổng cộng

4.156

20.190

 

 

 

 

 





Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2020 về tăng cường công tác pháp chế Ban hành: 21/09/2020 | Cập nhật: 29/12/2020

Chỉ thị 09/CT-UBND về điều hành đầu tư công năm 2017 Ban hành: 23/02/2017 | Cập nhật: 29/03/2017

Chỉ thị 09/CT-UBND về công tác tìm kiếm cứu nạn năm 2016 Ban hành: 25/04/2016 | Cập nhật: 27/05/2017

Chỉ thị 09/CT-UBND về đăng ký nghĩa vụ quân sự năm 2016 Ban hành: 22/03/2016 | Cập nhật: 01/04/2016

Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2014 trích nộp kinh phí công đoàn Ban hành: 26/05/2014 | Cập nhật: 20/06/2014

Chỉ thị 09/CT-UBND chủ động phòng, chống dịch sởi năm 2014 Ban hành: 17/04/2014 | Cập nhật: 03/06/2014