Chỉ thị 09/CT-UBND về công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013
Số hiệu: 09/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Nguyễn Đức Quyền
Ngày ban hành: 04/05/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 09/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 04 tháng 05 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2013

Năm 2012, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt và sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, cùng với những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các đơn vị liên quan và nhân dân trong tỉnh, công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; ý thức chủ động phòng tránh và đối phó với thiên tai của các cấp, các ngành, của cán bộ và nhân dân được nâng lên; công tác kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại cơ sở được tăng cường; công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các phương án đối phó, khắc phục hậu quả thiên tai được tiến hành khẩn trương, kịp thời, quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra, sớm ổn định đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để khắc phục đó là: Phương án phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn đã được xây dựng, nhưng việc tổ chức triển khai ứng phó của các địa phương còn lúng túng; công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, kiến thức cho nhân dân trong việc phòng, chống thiên tai còn hạn chế, vẫn còn có biểu hiện chủ quan trong một bộ phận nhân dân trước những diễn biến bất thường của thời tiết; việc tổ chức, quản lý các phương tiện tàu thuyền trên biển và kêu gọi tàu thuyền khi có thiên tai xảy ra còn khó khăn; việc kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định của Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng chống lụt bão chưa nghiêm, chưa dứt điểm; việc dự báo thời tiết mức độ chính xác chưa cao như dự báo về đường đi của bão, về cường độ và thời gian mưa; việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo của một số đơn vị, địa phương chưa nghiêm túc, chưa kịp thời...

Năm 2013, dự báo thời tiết diễn biến phức tạp, mùa mưa bão đến sớm hơn bình thường; trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa đá, lốc xoáy tại các huyện miền núi: Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh. Để chủ động phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2013; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện tốt một số công việc trọng tâm, cấp bách sau đây:

1. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1263/TC-BNN-TCTL ngày 16/4/2013 về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và sẵn sàng hộ đê, chống lụt năm 2013 và Chỉ thị số 1057/TC-BNN-TCTL ngày 29/3/2013 về việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các văn bản chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh về công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn. Phải xác định công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, nhất là trong mùa mưa bão; phải huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và cả hệ thống chính trị trong việc chủ động ứng phó với thiên tai trong năm 2013 theo phương châm: “chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó, chủ động phòng tránh là chính”.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2012, trên cơ sở đó xây dựng phương án, nhiệm vụ năm 2013 sát với tình hình thực tế và đặc điểm của địa phương, có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu.

- Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của địa phương.

- Rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, lũ, bão trên địa bàn (kể cả khu vực thoát lũ ở hạ lưu hồ chứa), chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; trường hợp chưa tổ chức tái định cư lâu dài, phải có phương án sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết.

- Đẩy mạnh công tác tu bổ đê, kè, cống, hồ đập và các công trình phòng, chống lụt, bão, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; đối với các công trình phục vụ phòng, chống lụt, bão năm 2013 đang thi công, phải chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành xong trước mùa lũ; đối với các công trình đê điều, thủy lợi đang thi công, không thể hoàn thành trước mùa mưa, bão năm 2013, phải có phương án vừa đảm bảo thi công vừa đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão và phương án đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa, bão.

- Tổ chức huy động lực lượng ra quân nạo vét kênh tiêu, khơi thông dòng chảy, phá bỏ mọi ách tắc làm cản trở việc tiêu thoát lũ trên các hệ thống kênh tiêu trước mùa mưa, bão. Ra quân đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 20/5/2013 đến ngày 10/6/2013.

- Kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống, hồ, đập và các công trình thủy lợi khác, phát hiện kịp thời các hư hỏng và theo phân cấp chủ động sửa chữa, khắc phục trước mùa mưa bão, xây dựng phương án bảo vệ an toàn các khu vực trọng điểm, xung yếu khi bão, lũ xảy ra; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng cứu hộ khi xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ. Tổ chức diễn tập ứng phó với các tình huống thiên tai.

- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các xã, phường, thị trấn xây dựng Phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013, yêu cầu Phương án phải cụ thể, chi tiết đến từng thôn, xóm, khu phố, từng hộ gia đình; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư và phương tiện phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo số lượng, chất lượng, kịp thời huy động khi có sự cố xảy ra; dự trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm tại vùng thường xuyên bị chia cắt khi có mưa lũ (yêu cầu cấp huyện phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo đủ cứu trợ trong thời gian 10 ngày; cấp xã đảm bảo đủ trong thời gian 3 ngày); tổ chức tập luyện một số tình huống có khả năng xảy ra như: cứu hộ đê, sơ tán dân, cứu nạn...

- Chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác theo quy định để phòng, chống và khắc phục hậu quả bão, lũ, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.

- Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh phòng chống lụt, bão, giải tỏa các bãi tập kết cát trong hành lang thoát lũ. Có biện pháp kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm, ngăn chặn việc tái vi phạm và vi phạm mới. Các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh theo qui định của pháp luật. Chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành quyết định cho phép của chủ đầu tư các công trình được cấp phép theo quy định của Luật Đê điều. Mọi hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ phải giải toả xong trước ngày 15/5/2013.

- Các huyện, thị xã ven biển kiểm tra, rà soát công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá, tàu thuyền vận tải, du lịch theo phân cấp; phối hợp với lực lượng biên phòng tuyến biển kiểm tra điều kiện kỹ thuật, trang thiết bị đảm bảo an toàn trên các tàu thuyền trước khi ra biển (nhất là thiết bị thông tin liên lạc, phương tiện cứu sinh), không để tàu thuyền không đảm bảo an toàn ra khơi; chủ động nắm chắc số lượng tàu thuyền và ngư dân của địa phương đang hoạt động trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới, để hướng dẫn di chuyển tránh, trú bão an toàn; lập phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia đánh bắt hải sản; đặc biệt là phương án thông tin liên lạc.

- Các huyện miền núi triển khai các biện pháp cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất tới các thôn, bản; tổ chức sơ tán dân và triển khai tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra các tình huống khẩn cấp.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tập trung chỉ đạo công tác nạo vét khơi thông dòng chảy, phá bỏ ách tắc trên các hệ thống kênh tiêu. Giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể cho các địa phương và các Công ty khai thác công trình thủy lợi.

- Đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, các nhà thầu hoàn thành công tác tu bổ đê điều, hồ đập, kênh mương, các trạm bơm tiêu để đưa công trình vào chống lũ, tiêu úng; ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi.

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã ven biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý chặt chẽ người, phương tiện nghề cá hoạt động trên biển; phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống đê bao nuôi trồng thủy sản trước và trong mùa mưa bão; hướng dẫn nhân dân thu hoạch thủy sản để hạn chế thiệt hại khi có bão lũ xảy ra; phổ biến kỹ thuật neo đậu tàu thuyền trong các khu tránh trú bão.

- Chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá mức độ an toàn của từng hồ trước mùa mưa bão; chỉ đạo sửa chữa, xử lý sự cố để đảm bảo an toàn cho hồ chứa; xây dựng, phê duyệt phương án phòng, chống lụt, bão, đảm bảo an toàn hồ và hạ du; tổ chức diễn tập vận hành xả lũ (đối với những hồ có ảnh hưởng lớn đến dân cư khi xả lũ) để kiểm tra công tác phối hợp, thông báo, cảnh báo, sơ tán dân; thực hiện vận hành các hồ chứa theo quy trình đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin liên quan đến vận hành hồ chứa theo quy định.

4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh xây dựng Phương án tham gia phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn theo chức năng nhiệm vụ của ngành mình, trong đó có phương án huy động lực lượng, phương tiện cần thiết cho từng vùng, từng địa bàn để tham gia ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp. Tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu, thuyền vào nơi trú bão an toàn tại các vị trí theo quy định. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban 24/24 giờ khi có tin báo bão, lũ và dự báo thời tiết bất thường.

5. Sở Giao thông Vận tải chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng cần thiết để tham gia ứng cứu và kịp thời xử lý khi các công trình cầu, đường, công trình giao thông bị hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là các tuyến giao thông quan trọng; chuẩn bị phương tiện sẵn sàng phục vụ sơ tán dân, tham gia khắc phục các sự cố về đê điều, hồ đập khi có lệnh.

6. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Bưu điện tỉnh, Viễn thông Thanh Hóa, Viettel Thanh Hóa và các đơn vị có phương tiện thông tin đảm bảo thông tin liên lạc, phục vụ kịp thời cho chỉ huy và chỉ đạo công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn; chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan xây dựng phương án đảm bảo thông tin liên lạc trên biển và biển với đất liền, báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để triển khai thực hiện trước mùa mưa, bão.

7. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Thanh Hóa chịu trách nhiệm theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác, đầy đủ về tình hình mưa, bão, lũ cho Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh và các cơ quan thông tin, báo chí.

8. Điện lực Thanh Hóa có phương án đảm bảo ổn định tối đa về nguồn điện phục vụ công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão lụt, phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trong và sau bão, lụt.

9. Sở Công thương, có phương án đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân khi thiên tai, bão, lũ xảy ra. Chủ động dự trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm tại vùng thường xuyên bị chia cắt khi có mưa lũ xảy ra, đặc biệt là các huyện miền núi.

10. Công ty TNHH một thành viên quản lý và khai thác công trình thủy lợi Sông Chu xây dựng phương án phòng, chống lụt, bão cho công trình thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt và phương án phòng, chống lụt, bão, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

11. Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, thiết bị, phương tiện để kịp thời phòng, chống dịch bệnh cho người, vật nuôi và xử lý ô nhiễm môi trường.

12. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học xây dựng Phương án phòng tránh thiên tai, tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trong việc phòng tránh thiên tai cho giáo viên và học sinh các cấp, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, các thiết bị, vật tư, đồ dùng học tập và trường, lớp học trong mùa mưa, bão.

13. Công ty Xăng dầu Thanh Hóa, Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Miền núi, các doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống lụt, bão khi có lệnh điều động của UBND tỉnh và Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

14. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa - Thông tin, các cơ quan thông tin đại chúng, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh thực hiện đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình diễn biến của thiên tai, lụt, bão và chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh đến các ngành, địa phương; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về công tác phòng, chống thiên tai, nhằm đảm bảo an toàn, giảm nhẹ thiệt hại về người, tài sản cho nhân dân.

15. Đài thông tin duyên hải Thanh Hóa thông báo thông tin của các phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển, bảo đảm chính xác và báo cáo kịp thời, đầy đủ cho các cơ quan liên quan biết để chỉ đạo, xử lý.

16. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác của nhân dân với những diễn biến bất thường của thời tiết; vận động, kêu gọi quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ đồng bào gặp hoạn nạn do thiên tai gây ra để sớm khắc phục khó khăn, ổn định đời sống nhân dân sau bão, lũ.

17. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phân công các thành viên phụ trách lĩnh vực, địa phương; tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn ở các ngành và các địa phương, đặc biệt là phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, dân cư, vật tư phòng, chống lụt, bão, phương tiện, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ”. Theo dõi tình hình diễn biến thời tiết, mưa, bão, lũ, triển khai đối phó kịp thời, có hiệu quả khi có thiên tai, bão, lũ xảy ra.

18. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp và các ngành, địa phương, đơn vị liên quan, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn để có sự nắm bắt, chỉ đạo kịp thời.

Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị và định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.