Chỉ thị 09/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2015
Số hiệu: 09/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: Lê Hùng Dũng
Ngày ban hành: 28/05/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 28 tháng 5 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2015

Để chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả, hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thanh phố chỉ thị Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện tốt các nội dung, công việc sau:

1. Giám đốc sở, Thủ trưởng các cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện:

a) Tổ chức tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2014, chỉ ra những mặt còn hạn chế và biện pháp khắc phục, triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2015; xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2015 cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương (đặc biệt cần tập trung xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó với bão mạnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai).

b) Tổ chức thành lập, kiện toàn bộ máy, tổ chức Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các ngành, các cấp theo đúng quy định của pháp luật; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Nâng cao trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy của Ban Chỉ huy, của từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất; phát huy sức mạnh tổng hợp để chủ động phòng, tránh, kịp thời đối phó, xử lý trong mọi tình huống.

c) Thực hiện tuyên truyền, diễn tập về công tác phòng chống thiên tai; phổ biến kinh nghiệm phòng tránh thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng đến người dân nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, ý thức phòng tránh và cùng cộng đồng có biện pháp chủ động phòng, tránh có hiệu quả. Củng cố mạng lưới thông tin liên lạc, mạng lưới cảnh báo, dự báo đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban trong mùa mưa lũ.

d) Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống người dân, đặc biệt là các vị trí xung yếu. Chỉ đạo, kiểm tra các phương án huy động, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện phục vụ công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các địa phương.

đ) Khi có thiên tai xảy ra phải chủ động ứng phó và nhanh chóng khắc phục hậu quả theo phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ - lực lượng tại chỗ - vật tư, phương tiện tại chỗ - hậu cần tại chỗ); chủ động dự trữ lương thực, thuốc men (bao gồm cả thuốc và hóa chất xử lý nguồn nước), nhu yếu phẩm đến từng khu vực, từng ấp; huy động các lực lượng sẵn sàng chi viện cho các địa phương để ứng phó với các tình huống khi bị thiên tai. Thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội, làm tốt công tác cứu trợ thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai.

2. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ, Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ, Đài Truyền thanh quận, huyện chỉ đạo các đơn vị bảo đảm duy trì mạng thông tin, phản ánh kịp thời về tình hình diễn biến thiên tai, sự chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố về các biện pháp phòng chống thiên tai tới các cấp, các ngành và nhân dân trong mọi tình huống để thực hiện; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với các loại thiên tai.

3. Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ: Chủ động, thường xuyên theo dõi và thông báo kịp thời diễn biến thời tiết, thủy văn; dự báo tình hình khí tượng, thủy văn đảm bảo chính xác, để chủ động ứng phó.

4. Bộ Chỉ huy quân sự thành phố chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu các tình huống khẩn cấp về thiên tai, cứu hộ khi có sự cố; tham gia tìm kiếm cứu nạn; giúp địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

5. Công an thành phố chỉ đạo xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phối hợp với lực lượng quân đội và chính quyền địa phương trong việc sơ tán nhân dân khi thiên tai xảy ra, tham gia cứu hộ, cứu nạn và giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; bố trí lực lượng, phối hợp với thanh tra giao thông tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông tại khu vực bị thiên tai, kiểm soát chặt chẽ phương tiện giao thông qua các đoạn đường ngập lụt.

6. Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố xây dựng kế hoạch, phương án, tổ chức thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy kịp thời khi có cháy xảy ra.

7. Sở Giao thông vận tải chuẩn bị phương tiện, lực lượng đảm bảo giao thông trong mọi tình huống khi xảy ra thiên tai; kịp thời ứng cứu và thay thế khi cầu, đường ... bị hỏng do thiên tai; chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở, các địa phương làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm, quản lý phương tiện vận tải thủy (bao gồm cả tàu du lịch và bến khách ngang sông); hướng dẫn kỹ thuật neo đậu tàu, thuyn khi có bão, lũ; chỉ đạo nắm chắc số lượng, hướng dẫn hoạt động của phương tiện vận tải thủy khi có bão, áp thấp nhiệt đới.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với chính quyền địa phương, Hội Cha mẹ học sinh các trường có kế hoạch, phương án trong việc bảo vệ học sinh và cơ sở vật chất của ngành khi có thiên tai xảy ra. Trường hợp đặc biệt khi có nguy cơ bão trực tiếp đổ bộ vào địa bàn thành phố, cần nghiên cứu và đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định cho các trường tạm nghỉ học vào thời điểm thích hợp để đảm bảo an toàn cho học sinh.

9. Thường trực và các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, các ngành, các cấp thường xuyên theo dõi, diễn biến tình hình lũ, bão, thiên tai để có các giải pháp; chủ động phòng, chống và chỉ đạo khắc phục hậu quả kịp thời.

Yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện ở các ngành, các địa phương, định kỳ báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời chỉ đạo./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Hùng Dũng

 

 

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.