Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2013 cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Nam Định (PCI)
Số hiệu: | 09/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Nam Định | Người ký: | Nguyễn Văn Tuấn |
Ngày ban hành: | 10/06/2013 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/CT-UBND |
Nam Định, ngày 10 tháng 6 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI)
Trong những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động; tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Kết quả đánh giá xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy Nam Định chưa phải là tỉnh có điểm số và thứ hạng cao.
Năm 2009 đạt 52,60 điểm, xếp thứ 55/63 các tỉnh thành trong cả nước, năm 2010 đạt 55,63 điểm đã vươn lên nhóm khá nhưng đứng ở vị trí 45, năm 2011 đạt 55,48 điểm thuộc nhóm khá nhưng ở vị trí 48/63. Năm 2012, đạt 52,23 điểm, xuống nhóm trung bình ở vị trí 56/63; trong đó, nhiều chỉ số thành phần còn thấp như: tính năng động xếp thứ 63/63; tính minh bạch trong tiếp cận thông tin xếp thứ 62; chi phí gia nhập thị trường xếp thứ 52,…(kèm theo báo cáo phân tích các chỉ số PCI của tỉnh Nam Định và nêu rõ trách nhiệm của các sở ngành liên quan).
Để khắc phục những yếu kém trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị: Các sở, ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp để nâng cao các chỉ số thành phần còn thấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch, thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, để nghiên cứu loại bỏ những thủ tục chồng chéo; chú trọng giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức về đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn nghiệp vụ. Trước hết, triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ sau :
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh định kỳ tổ chức các hoạt động gặp gỡ, đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư với các cơ quan quản lý nhà nước; triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đối thoại giữa Chính quyền tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp; giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp sau đối thoại.
- Chủ động phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh rà soát các dự án đầu tư chậm tiến độ, vi phạm các cam kết tại Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp để trình UBND tỉnh ra quyết định thu hồi, tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp khác có dự án mang tính khả thi, phù hợp.
- Tích cực tham mưu, đề xuất giải pháp vận động các nguồn vốn đầu tư Trung ương, vốn ODA, FDI, NGO để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
- Đánh giá việc thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh, rà soát xây dựng trình tự giải quyết từng thủ tục cụ thể để nâng cao chất lượng phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết kịp thời vướng mắc cho các doanh nghiệp, đồng thời quản lý tốt hơn doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh.
- Phối hợp với Sở Nội vụ, rà soát, giúp đỡ các đơn vị sự nghiệp công có chức năng hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường kết nối với doanh nghiệp và nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp triển khai thực hiện các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp, giúp đỡ, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các Hiệp Hội doanh nghiệp;
- Chủ trì theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ theo Chỉ thị này, định kỳ hàng quý báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng phối hợp với các huyện, thành phố: Thực hiện các biện pháp nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, hoàn thiện và công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy trình giải quyết thủ tục về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thực hiện tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác khảo sát địa điểm, cung cấp thông tin quy hoạch, giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng và các thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
3. Sở Nội vụ: Đôn đốc các ngành, các cấp đẩy mạnh thực hiện đề án tổng thể về cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch cải cách hành chính năm 2013, công khai dữ liệu thủ tục hành chính của từng ngành: phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông triển khai thực hiện mô hình “một cửa liên thông hiện đại” ở cấp huyện; theo dõi, đánh giá nâng cao chất lượng của cơ chế “một cửa”; chấn chỉnh lề lối làm việc; đánh giá công tác cải cách hành chính đối với các sở, ngành, UBND huyện, thành phố và thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và website của sở để các đơn vị liên tục cải tiến, đổi mới lề lối làm việc, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân và doanh nghiệp.
4. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các sở ngành, UBND các huyện, thành phố liên quan, rà soát và có các biện pháp nâng cao chất lượng của cổng thông tin điện tử tỉnh và các Website tại các sở, ban, ngành. Đẩy mạnh việc công khai, minh bạch hóa thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân; phổ biến, công khai các văn bản pháp quy do các cơ quan Trung ương ban hành; các quy hoạch, kế hoạch, thủ tục hành chính và các văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh trên cổng điện tử, trang web của các đơn vị và tại địa điểm làm thủ tục để nhà đầu tư, doanh nghiệp dễ tiếp cận, không mất thời gian tìm kiếm. Đặc biệt quan tâm cập nhật các quy định và hướng dẫn thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, các cơ chế chính sách, thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, các loại quy hoạch, kế hoạch của tỉnh.
5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Nam Định giai đoạn 2011- 2020, nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, trung tâm dạy nghề đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đào tạo và tuyển dụng, củng cố, nâng cao chỉ số đào tạo lao động.
6. Sở Tư pháp tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ củng cố vai trò của Đoàn Luật sư, các Phòng công chứng, các Công ty Luật, các tổ chức tư vấn pháp lý, trong việc hỗ trợ và tư vấn pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người dân.
Đẩy mạnh phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, chú trọng tuyên truyền hướng dẫn những quy định pháp luật có liên quan đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
7. Ban Quản lý các khu công nghiệp, Cục Thuế, Chi cục Hải quan và các đơn vị có liên quan hướng dẫn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính về thuế và thực hiện quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp. Thường xuyên tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp về chính sách thuế, các thủ tục thực hiện về thuế giúp doanh nghiệp chủ động thực hiện.
8. Thanh tra tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp (Công an, Thuế, Quản lý thị trường...) có biện pháp tăng cường sự phối hợp của các ngành, các cấp trong việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra phải có kế hoạch cụ thể và thông báo trước cho doanh nghiệp theo quy định, tránh trùng lắp, phiền hà cho các doanh nghiệp, nhằm duy trì và nâng cao chỉ số chi phí thời gian.
9. UBND các huyện, thành phố, chủ động tranh thủ sự hướng dẫn của các sở ngành, tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo; tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ và hiệu quả.
10. Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp để cộng đồng doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, tạo môi trường ổn định, thuận lợi, đồng hành, thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng hình ảnh về môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, thể hiện tính năng động, nỗ lực đột phá của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, giai đoạn 2011- 2015 và những năm tiếp theo.
11. Văn phòng UBND tỉnh: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư định kỳ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng thực hiện các cuộc đối thoại chuyên đề giải quyết vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh có hiệu quả; tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ theo Chỉ thị này, hàng quý báo cáo UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.
12. Đề nghị Tòa án Nhân dân tỉnh, Cục thi hành án dân sự: Chủ trì xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đổi mới, nâng cao chất lượng trong hoạt động xét xử, thi hành án, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, hành chính, nhằm nâng cao mức độ tin tưởng, sự tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với hoạt động của các cấp tòa án, nhằm nâng cao chỉ số thiết chế pháp lý.
Các cấp, các ngành có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị thực hiện, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
BÁO CÁO
PHÂN TÍCH VỀ CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH TỈNH NAM ĐỊNH NĂM 2012
(Kèm theo Chỉ thị số: 09/CT-UBND ngày 10/6/2013)
I. Các chỉ số thành phần có điểm số thấp, xếp hạng thấp:
1. Tính minh bạch và tiếp cận thông tin (điểm số 4,49, xếp hạng 61/63)
Trách nhiệm chính liên quan đến Sở Thông tin truyền thông là chất lượng hoạt động của cổng thông tin điện tử và của các sở ngành liên quan chủ yếu:
- Sở KHĐT: Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội;
- Sở Tài nguyên Môi trường: Các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
- Sở Giao thông vận tải: Quy hoạch giao thông;
- Sở Xây dựng: Quy hoạch chung xây dựng, các quy hoạch chi tiết;
- Ban quản lý các khu công nghiệp: Quy hoạch chi tiết khu công nghiệp.
2. Chi phí không chính thức (điểm số: 6,23. xếp hạng 36/63)
Trách nhiệm chính là Sở Nội vụ và các sở ngành của tỉnh liên quan đến kế hoạch Cải cách hành chính của tỉnh chưa được thực hiện hiệu quả, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, thái độ làm việc... chưa đáp ứng yêu cầu.
3. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (điểm số: 3,95, xếp hạng 31/63):
Số lượng các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước và tư nhân còn ít, chất lượng chưa cao.
4. Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước (điểm số: 5,87, xếp hạng 29/63)
Trách nhiệm của các sở ngành của tỉnh: Liên quan đến thực hiện các quy định về thủ tục hành chính, các cuộc thanh tra, kiểm tra còn nhiều
5. Đào tạo lao động (điểm số 5,07, xếp hạng 28/63)
Trách nhiệm chính là Sở Lao động TBXH, liên quan đến chất lượng đào tạo lao động. Sở Giáo dục Đào tạo chưa làm tốt công tác hướng nghiệp.
6. Tính năng động (điểm số 1,39, xếp hạng 63/63)
Trách nhiệm chính là Sở KHĐT, Cục Thuế, Sở TNMT chưa tham mưu cho lãnh đạo tỉnh các cuộc đối thoại với các doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề bức xúc của doanh nghiệp, mới chỉ dừng lại các cuộc gặp mặt, giao lưu, chưa đi sâu vào bàn các tháo gỡ các nội dung công việc cụ thể. Lãnh đạo các ngành cũng chưa sáng tạo trong giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp.
II. Các chỉ số thành phần có điểm số cao nhưng xếp hạng thấp
1. Chi phí gia nhập thị trường (điểm số 8,4, xếp hạng 52/63)
Tỉnh ta đã làm tương đối tốt, nhưng các tỉnh khác còn làm quyết liệt hơn. Để cải thiện điểm số của chỉ số này cần làm tốt hơn nữa liên quan đến các ngành: KHĐT, Thuế, Công an tỉnh...
III. Chỉ số thành phần có điểm số cao, xếp hạng cao
1. Tiếp cận đất đai (điểm số 8,02, xếp hạng 4/63)
Điểm số của chỉ số này có cải thiện vượt bậc (tăng 1,99 điểm, tăng 42 bậc do trên 80% doanh nghiệp kinh doanh tại Nam Định đã có GCNQSDĐ), cần tiếp tục tích cực hơn nữa để duy trì chỉ số này.
IV. Chỉ số thành phần có điểm số thấp, xếp hạng cao
1. Thiết chế pháp lý điểm số 4,63, xếp hạng 3/63)
Năm 2012, chỉ số Thiết chế pháp lý của Nam Định xếp thứ 3, giảm 1,02 điểm và tăng 34 bậc so với năm 2011, như vậy, chỉ số này của các tỉnh thành đều giảm. Đây là trách nhiệm của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là Toà án và Cơ quan thi hành án dân sự./.