Quyết định 47/QĐ-UBND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh An Giang
Số hiệu: 47/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Vương Bình Thạnh
Ngày ban hành: 09/01/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/QĐ-UBND

An Giang, ngày 09 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2018 CỦA TỈNH AN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018,

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 01/TTr-SKHĐT, ngày 02/01/2018 về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh An Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh An Giang.

Điều 2. Căn cứ vào mục tiêu, chỉ tiêu và các giải pháp của Kế hoạch, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành tỉnh và doanh nghiệp có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm xây dựng các đề án, dự án cụ thể để thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch đã đề ra.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm phối hợp Cục Thống kê theo dõi, đôn đốc và định kỳ hàng quý báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Kế hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành tỉnh và doanh nghiệp có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thị xã và thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- Văn phòng Chính phủ (1 + 2);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Văn phòng Quân khu 9;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Sở, Ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, TP;
- Lãnh đạo VP, Các phòng thuộc VP;
- Báo AG, Phân xã AG, Đài PTTH AG, Webstie tỉnh;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2018
(Ban hành kèm theo Quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 09 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Phần thứ nhất

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2017

Năm 2017 là năm thứ 2 triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Bước vào triển khai thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: thời tiết diễn biến bất thường, mưa trái mùa kéo dài, sạt lở bờ sông ở một số địa phương, nguồn cát xây dựng khan hiếm, dịch bệnh gia tăng..., đã tác động đến hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân. Nhưng với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội năm 2017 của tỉnh chuyển biến tích cực, đạt mức tăng trưởng khá và cao hơn so cùng kỳ 2016. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng an ninh tiếp tục được đảm bảo.

Trong 21 chỉ tiêu Nghị quyết số 38/2016/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh, đã thực hiện đạt và vượt 17 chỉ tiêu (chiếm 80,95% tổng chỉ tiêu), còn lại 04 chỉ tiêu không đạt (gồm 02 chỉ tiêu kinh tế, 02 chỉ tiêu xã hội), cụ thể:

STT

Chỉ tiêu

ĐVT

NQHĐND 2017

Ước 2017

So sánh

1

Tốc độ tăng trưởng GRDP (Giá SS 2010)

%

6,7

5,11

Không đạt

 

- Khu vực Nông, lâm, thủy sản

%

2,17

1,02

 

 

- Khu vực Công nghiệp và Xây dựng

%

9

7,02

 

 

- Khu vực Dịch vụ

%

9,41

7,22

 

 

- Thuế sản phẩm trừ trợ giá chính sách

%

1,51

5,84

 

2

GRDP bình quân đầu người

Triệu đồng

36,939

34,333

Không đạt

3

Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân

Triệu đồng/ha

166

173

Vượt

4

Kim ngạch xuất khẩu

Triệu USD

820

820

Đạt

5

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội

Tỷ đồng

26.189

26.192

Vượt

6

Thu ngân sách từ kinh tế địa bàn (tỷ đồng)

Tỷ đồng

5.405

5.930

Vượt

7

Quy mô dân số

Nghìn người

2.163

2.163

Đạt

8

Tạo việc làm

Người

30.000

30.000

Đạt

9

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

%

54

56,6

Vượt

10

Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo

%

1,5

1,5

Đạt

11

Tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế

%

76

76

Đạt

12

Số giường bệnh trên 10.000 dân

Giường

20,44

19,7

Không đạt

13

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể cân nặng

%

11,7

12,3

Không đạt

14

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi

%o

6

6

Đạt

15

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi

%o

11,2

11,2

Đạt

16

Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc tiu học

%

99,6

100

Vượt

17

Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc THCS

%

89

92,57

Vượt

18

Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc THPT

%

53

55

Vượt

19

Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh

%

83

83

Đạt

20

Tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán

%

22,4

22,4

Đạt

21

Phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới

32

33

Vượt

I. LĨNH VỰC KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) tăng 5,11%, cao hơn mức tăng của năm 2015 (là 5,04%) và 2016 (là 4,47%); trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,02% (đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung), cao hơn mức tăng 0,40% của năm 2016; khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng 7,02% (đóng góp 1,00 điểm phần trăm), cao hơn mức tăng 6,96% của năm 2016; khu vực dịch vụ tăng 7,22% (đóng góp 3,68 điểm phần trăm), cao hơn mức tăng 6,67% của năm 2016; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,84% (đóng góp 0,09 điểm phần trăm), cao hơn mức tăng 2,17% của năm 2016.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực và dần ổn định (khu vực I ngày càng giảm và khu vực II, khu vực III tăng dần qua các năm), trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 30,90%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 14,21%; khu vực dịch vụ chiếm 53,30%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 1,60% (cơ cấu kinh tế năm 2016 lần lượt là 32,96%; 13,73%; 51,70% và 1,61%).

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) của khu vực I đạt 40.025 tỷ đồng, tăng 1,82% (tăng 714 tỷ đồng) so với năm 2016, trong đó nông nghiệp đạt gần 31.623 tỷ đồng, tăng 0,14% (tương đương 43 tỷ đồng); lâm nghiệp đạt gần 300,6 tỷ đồng, tăng 3,59% (tương đương 10,4 tỷ đồng); thủy sản đạt 8.101 tỷ đồng, tăng 8,88% (tương đương 661 tỷ đồng). Như vậy tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực này dự kiến chỉ tăng 1,02%, chưa đạt mục tiêu kế hoạch năm 2017 đã đề ra là 2,17%.

2.1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

- Cây hàng năm: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2017 đạt gần 699,7 ngàn ha, giảm 28,843 ngàn ha so năm 2016 (cùng kỳ 728,460 ngàn ha). Trong đó: (+) Diện tích lúa 641,1 ngàn ha (giảm 27,908 ngàn ha), gồm: Vụ Mùa 4,964 ngàn ha (giảm 56 ha); vụ Đông Xuân 236,231 ngàn ha (giảm 3,031 ngàn ha); vụ Hè Thu 232,596 ngàn ha (giảm 7,022 ngàn ha) và vụ Thu Đông 167,313 ngàn ha (giảm 17,798 ngàn ha); (+) Hoa màu gieo trồng được hơn 58,5 ngàn ha, đạt 93,62% so kế hoạch và bằng 98,43% so cùng kỳ.

Năng suất lúa bình quân cả năm đạt 60,69 tạ/ha, tăng 2,15% (tăng 1,28 tạ/ha so cùng kỳ), trong đó: Vụ Đông Xuân 70,29 tạ/ha, giảm 1,59 tạ/ha; vụ Hè Thu 54,06 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha và Thu Đông 57,24 tạ/ha, tăng 7,52 tạ/ha (theo báo cáo tháng 10 ước năng suất cả vụ đạt 57,1 tạ/ha). Tổng sản lượng lúa cả năm đạt gần 3,89 triệu tấn (giảm gần 84 ngàn tấn), gồm: Vụ Đông Xuân 1,66 triệu tấn (giảm gần 59,5 ngàn tấn); vụ Hè Thu đạt gần 1,26 triệu tấn (giảm gần 57 ngàn tấn) và vụ Thu Đông đạt 956 ngàn tấn (tăng 35,5 ngàn tấn); trong đó, riêng sản lượng nếp đạt khoảng 1,05 triệu tấn, tăng 225,1 ngàn tấn (Đông Xuân tăng 208 ngàn tấn; Hè Thu tăng 27,3 ngàn tấn và Thu Đông giảm 10,1 ngàn tấn).

- Cây lâu năm: Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, diện tích cây lâu năm của tỉnh, đặc biệt là diện tích cho sản phẩm tăng qua từng năm. Nhờ vậy, tổng sản lượng các loại cây lâu năm tiếp tục tăng, ước cả năm đạt 196 ngàn tấn, tăng 17,35% (tăng 29 ngàn tấn) so với năm 2016. Cụ thể:

+ Về diện tích: Tổng diện tích trồng mới cả năm khoảng 2,5 ngàn ha, chủ yếu là các loại cây ăn quả như: Xoài, chuối, bưởi, cam, quýt,… Qua đó, nâng diện tích cây lâu năm hiện có hơn 15,8 ngàn ha (tăng 19,21% so cùng kỳ), trong đó loại cây ăn quả gần 13,6 ha, chiếm khoảng 86% diện tích cây lâu năm toàn tỉnh.

+ Về năng suất, sản lượng: Mặc dù, bị ảnh hưởng của tình hình thời tiết, sâu bệnh song nhờ tích cực chăm sóc, chuyển đổi giống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất của hầu hết các loại cây ăn quả đều tăng so với cùng kỳ, như: xoài 178,82 tạ/ha (tăng 0,83 tạ/ha), sản lượng đạt gần 125,5 ngàn tấn, tăng 30,3 ngàn tấn; chuối 190,5 tạ/ha (tăng 3,76 tạ/ha), sản lượng 33,7 ngàn tấn (tăng 10,3 ngàn tấn); cam năng suất đạt 105,34 tạ/ha (tăng 2,5 tạ/ha), sản lượng 445 tấn, tăng 138 tấn; quýt đạt 82,53 tạ/ha (tăng 2,46 tạ/ha), sản lượng 877 tấn, tăng 199 tấn.

b) Chăn nuôi

Tình hình giá bán các sản phẩm chăn nuôi chưa có nhiều khởi sắc nên quy mô đàn chăn nuôi thời điểm cuối năm cũng chưa có nhiều chuyển biến. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm khoảng 30,3 ngàn tấn, bằng 86,46% so cùng kỳ; trong đó: Sản lượng thịt trâu bò xuất hơi chuồng khoảng 8 ngàn tấn, bằng 95,46% so cùng kỳ; trong đó sản lượng thịt bò 7,7 ngàn tấn (chiếm 96,01%), bằng 95,43% so cùng kỳ; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng được 15,7 ngàn tấn, bằng 83,09% so cùng kỳ; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng khoảng 6,3 ngàn tấn, bằng 84,51% so cùng kỳ. Trứng gia cầm có khoảng 361,6 triệu quả, bằng 108,13% so cùng kỳ; trong đó, trứng vịt 360 triệu quả (chiếm 99,39%), bằng 108,23% so cùng kỳ.

2.2. Lâm nghiệp: Diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 156,20 ha, tăng 93,60% (tăng 72,52 ha) so cùng kỳ; số cây lâm nghiệp trồng phân tán khoảng 4,9 triệu cây, bằng 98,39% so cùng kỳ; Rừng phòng hộ, đặc dụng, thực hiện trồng mới 89,77 ha rừng, bằng 75,19% so năm 2016 (năm 2016 là 119,39 ha).

2.3. Thủy sản: Năm nay, ngành thủy sản gặp nhiều điều kiện thuận lợi như nước lũ lớn, tình hình giá cả tiêu thụ khá thuận lợi, kết hợp với việc thay đổi cơ cấu loại thủy sản nuôi đã mang lại kết quả khả quan, sản lượng thủy sản khai thác, nuôi trồng đều tăng. Tổng sản lượng thủy sản cả năm đạt 401,7 ngàn tấn, tăng 8,62% so cùng kỳ, trong đó:

Nuôi trồng: tổng diện tích thu hoạch là 2.742 ha (bao gồm diện tích sản xuất giống), tăng 5,98% so cùng kỳ với tổng sản lượng đạt 379,3 ngàn tấn (tăng 8,78%); riêng diện tích cá tra là 1.734 ha (tăng 2,63%, tương đương 44 ha) với sản lượng đạt 287,4 ngàn tấn (tăng 10,8%).

Đánh bắt: tổng sản lượng khai thác tự nhiên ước đạt 22,478 ngàn tấn (tăng 5,97%) bao gồm: cá 11.258 tấn (tăng 2,08%), thủy sản khác 11,218 ngàn tấn (tăng 10,17%).

2.4. Nông thôn mới

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Ban chỉ đạo thường xuyên tổ chức kiểm tra thực tế các xã, tháo gỡ kịp thời những khó khăn để thực hiện các tiêu chí. Trong năm, An Giang có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là 33/119 xã.

3. Công nghiệp - Xây dựng

3.1. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm tăng 6,75% so cùng kỳ; trong đó, tăng cao hơn mức tăng chung và cao nhất là ngành khai khoáng tăng 9,16%; kế đến là ngành chế biến, chế tạo tăng 7,03%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 4,52%; ngành sản xuất, phân phối điện và nước đá tăng 3,86%. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 36.609,5 tỷ đồng, tăng 7,43% so cùng kỳ, trong đó: khai khoáng đạt 734,8 tỷ đồng, tăng 9,65%; chế biến chế tạo đạt 35.057,1 tỷ đồng, tăng 7,38%; sản xuất, phân phối điện và nước đá đạt 462 tỷ đồng, tăng 7,66% và cung cấp nước và xử lý rác thải đạt 355,6 tỷ đồng, tăng 7,56%.

3.2. Xây dựng

Giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá so sánh 2010) đạt 7.207 tỷ đồng, so cùng kỳ năm trước tăng 6,77%; trong đó: giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà ở đạt 4.177 tỷ đồng (tăng 6,91%); công trình nhà không để ở đạt 1.695 tỷ đồng (tăng 6,61%); công trình kỹ thuật dân dụng đạt 931 tỷ đồng (tăng 6,56%) và công trình xây dựng chuyên dụng đạt 404 tỷ đồng (tăng 6,38%).

3.3. Đầu tư xây dựng

Giải ngân vốn đầu tư xây dựng đạt trên 3.390,68 tỷ đồng, so kế hoạch đạt 96,30%, cao hơn cùng kỳ năm 5,98%, trong đó: (1) Nguồn vốn đầu tư tập trung trên 1.189,15 tỷ đồng, đạt 97,79% kế hoạch, (2) Nguồn thu sử dụng đất 300 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; (3) Vốn XSKT trên 1.153,46 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch; (4) Vốn NSTW trên 432,12 tỷ đồng, đạt 97,64% kế hoạch; (5) Vốn nước ngoài trên 315,9 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch.

4. Hoạt động dịch vụ

4.1. Buôn bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 94.967 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2016 và tăng 3% so với kế hoạch, bao gồm: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 70.466 tỷ đồng, tăng 9,5%; Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 16.904 tỷ đồng, tăng 26,45%; Doanh thu dịch vụ khác đạt 7.597 tỷ đồng (tăng 7,47%).

4.2. Vận tải, viễn thông

- Giao thông vận tải: Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 4.310 tỷ đồng (tăng 7,87% so cùng kỳ); trong đó, đường bộ đạt 2.528 tỷ đồng (tăng 7,8%), đường sông đạt 1.580,7 tỷ đồng (tăng 8,22%), dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 202 tỷ đồng (tăng 6,31%).

- Bưu chính - Viễn thông: Tổng số thuê bao có trên mạng đến cuối tháng 12/2017 là 54.389 thuê bao, bằng 84% so với cùng kỳ (tương đương giảm 10.574 thuê bao). Tổng số thuê bao có trên mạng đến cuối tháng 12/2017 là 42.099 thuê bao, bằng 102% so với cùng (tăng 716 thuê bao). Tổng số thuê bao có trên mạng đến cuối tháng 12/2017 là 645.918 thuê bao, bằng 107% so với cùng kỳ (tăng 42.705 thuê bao). Doanh thu từ dịch vụ viễn thông và bưu chính năm 2017 đạt khoảng 3.500 tỷ đồng.

4.3. Du lịch:

Trong năm, ngành du lịch An Giang đón 7,3 triệu lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ và đạt 107% so với kế hoạch. Trong đó, số lượng khách thống kê tại các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 600 ngàn lượt, đạt 100% kế hoạch, khách quốc tế đạt 75 ngàn lượt; Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 3.700 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

Ngành du lịch tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của ngành, góp phần đưa hoạt động tại các khu - điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, lữ hành đi vào nề nếp, tương đối ổn định. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư phát triển; các khu du lịch trọng điểm như Núi Sam, Núi Cấm, Trà Sư, Cù Lao Giêng tiếp tục được quan tâm đầu tư, quy hoạch phát triển; Đội ngũ lao động dần dần được chuẩn hóa chuyên môn từ các đơn vị quản lý nhà nước đến doanh nghiệp du lịch, đặc biệt quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về hoạt động du lịch.

Hoạt động xúc tiến, quảng bá được tổ chức với nhiều hình thức phong phú đẩy mạnh công tác truyền thông, phát triển du lịch An Giang: phối hợp với Đài truyền hình, các cơ quan báo chí địa phương tăng số lượng tin, bài, chuyên đề, phóng sự đa dạng thông tin tuyên truyền, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của du lịch với sự phát triển kinh tế - xã hội; Xuất bản ấn phẩm quảng bá, xây dựng phim quảng bá du lịch phát trên các kênh truyền hình; tham dự các sự kiện hội chợ du lịch, hội chợ thương mại, liên hoan ẩm thực do các địa phương trong nước tổ chức. Đặc biệt trong tháng 5/2017, An Giang đã tổ chức Tháng Du lịch chủ đề "An Giang - Non nước hữu tình" với một chuỗi những sự kiện lớn như Lễ Khai mạc Tháng Du lịch An Giang, Tuần Văn hóa Ẩm thực và Du lịch, Chương trình khảo sát và Tọa đàm liên kết phát triển du lịch An Giang, Hội thảo "Phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch An Giang" cùng một số hoạt động hưởng ứng của thành phố Châu Đốc và các huyện, thị khác.

5. Đăng ký kinh doanh và thu hút đầu tư

- Tình hình đăng ký doanh nghiệp: toàn tỉnh có 799 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 30,13%, tương đương 185 doanh nghiệp), với tổng số vốn đăng ký là 3.805 tỷ đồng (tăng 33,84%, tương đương 959 tỷ đồng). Tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2017 là 8.568 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 49.297 tỷ đồng. Trong đó, số doanh nghiệp còn hoạt động là 5.689 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 48.456 tỷ đồng.

- Tình hình thu hút đầu tư: đã thu hút 86 dự án (tăng 30,30%, tương đương tăng 20 dự án), gồm: 03 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 83 dự án đầu tư trong nước; tổng vốn đăng ký là 15.168 tỷ đồng (tăng 53,49%, tương tương tăng 5.286 tỷ đồng), cụ thể như sau:

+ Đầu tư nước ngoài: Cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 03 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 7.353.752 USD. Cấp điều chỉnh: 06 dự án, trong đó có 01 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm 40 triệu USD. So cùng kỳ năm 2016, số dự án được cấp mới tăng 02 dự án, số vốn tăng 7.331.280 USD.

+ Đầu tư trong nước: Đã thu hút đầu tư được 83 dự án (tăng 27,69%, tương đương tăng 18 dự án), với tổng vốn đăng ký là 15.001 tỷ đồng (tăng 62,28%, tương đương 5.757 tỷ đồng).

6. Phát triển kinh tế tập thể:

Tính lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 162 Hợp tác xã (HTX), (trong đó có 02 Liên hiệp HTX, tăng 12,01% so với thời điểm năm 2013 và tăng 4,51% so thời điểm cuối năm 2016), bao gồm: lĩnh vực Nông nghiệp, thủy sản 115 HTX, 01 Liên hiệp HTX, chiếm tỷ lệ 70,98%; Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) 24 HTX, chiếm tỷ lệ 14,81%; lĩnh vực Giao thông vận tải 17 HTX, chiếm tỷ lệ 10,49%; lĩnh vực Tiểu thủ công nghiệp 03 HTX, chiếm tỷ lệ 1,85%; lĩnh vực Du lịch 01 HTX, chiếm tỷ lệ 0,61%; lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường 01 HTX, chiếm tỷ lệ 0,61%; lĩnh vực Tài chính 01 HTX, chiếm tỷ lệ 0,61%.

Phần lớn các HTX tiếp tục hoạt động ổn định, phục vụ tốt cho thành viên và cộng đồng. Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, một số HTX đã hình thành, thu hút thêm thành viên, vốn góp, người lao động; bảo đảm ổn định đầu vào, đầu ra cho thành viên; góp phần gầy dựng vị trí, vai trò của HTX trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đa số HTX hoạt động dịch vụ có lãi, chia lợi nhuận cho thành viên, có tích lũy để mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết lao động địa phương; và đóng góp tích cực vào các chính sách an sinh xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới.

7. Xuất - nhập khẩu

7.1. Xuất khẩu: Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 820 triệu USD, so kế hoạch đạt 100% và so cùng kỳ tăng khoảng 17%. Một số mặt hàng xuất chủ yếu:

- Gạo: Xuất đạt 430 ngàn tấn, tương đương 209,2 triệu USD, so cùng kỳ tăng 8,96% về lượng và tăng 19,15% về kim ngạch; so kế hoạch đạt 79,65% về lượng và 87,16% về kim ngạch. Về trị trường, xuất trực tiếp qua 56 nước (15 nước Châu Á, 10 nước Châu Âu, 15 nước Châu Phi, 04 nước Châu Mỹ, 12 nước Châu Đại Dương) tăng 09 nước so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu trầm lắng trong những tháng đầu năm, vào những tháng cuối năm hoạt động xuất khẩu gạo sôi động trở lại nhờ nhu cầu gia tăng tại các thị trường Trung Quốc, Philippin,…

- Thủy sản: Xuất đạt 130,5 ngàn tấn, tương đương 255,7 triệu USD, so cùng kỳ đạt 97,28% về lượng và tăng 6,76%% về kim ngạch; so kế hoạch đạt 96,67% về lượng và đạt 94,7% về kim ngạch. Về thị trường, xuất khẩu trực tiếp qua 76 nước (31 nước Châu Á, 21 nước Châu Âu, 17 nước Châu Mỹ, 03 nước Châu Đại Dương và 04 nước Châu Phi). Do giá cá nguyên liệu liên tục biến động và đứng ở mức cao những tháng cuối năm nên doanh nghiệp gặp khó khăn để thực hiện các hợp đồng đã ký; đồng thời do rào cản kỹ thuật ở một số nước nên lượng xuất khẩu trong năm qua đạt thấp so cùng kỳ.

- Rau quả: Xuất đạt 8.581 ngàn tấn, tương đương 13,71 triệu USD, so cùng kỳ đạt 97,4% về lượng và 99,8% về kim ngạch; so kế hoạch đạt 66% về lượng và 80,65% về kim ngạch. Về thị trường, xuất qua 23 nước (06 nước Châu Á, 11 nước Châu Âu, 04 nước Châu Mỹ và 02 nước Châu Đại Dương) tăng 03 nước so cùng kỳ. Do nhu cầu nhập khẩu một số thị trường truyền thống giảm, đồng thời do sự cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước nên sản lượng và kim ngạch xuất khẩu không đạt kế hoạch đề ra.

- Hàng may mặc: Xuất khẩu đạt 81,68 triệu USD, so cùng kỳ tăng 15,9%, so kế hoạch đạt 85,98%.

- Hàng hóa khác: Xuất khẩu đạt 212,5 triệu USD; trong đó một số mặt hàng chủ yếu: phân bón đạt 13,29 triệu USD, thuốc lá gói 7 triệu USD, thuốc trừ sâu đạt 7,74 triệu USD; bách hóa tổng hợp 192,98 triệu USD...

7.2. Nhập khẩu: Đạt 145 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ và đạt 100% so kế hoạch.

8. Tài chính - Ngân hàng

- Tài chính: Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn đạt 5.930 tỷ đồng, đạt 109,71% so dự toán, bằng 115,53% so với cùng kỳ. Trong đó, thu thuế xuất nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu 166,4 tỷ đồng, đạt 158,47% so dự toán, bằng 127,4% so cùng kỳ; thu nội địa 5.763,4 tỷ đồng, đạt 108,75% so dự toán, bằng 115,22% so cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương là 11.715 tỷ đồng, đạt 99,81% so dự toán, bằng 106,73% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 3.391 tỷ đồng, đạt 96,3% so dự toán năm, bằng 109,19% so cùng kỳ; chi thường xuyên 8.323 tỷ đồng, đạt 104,07% so dự toán, bằng 105,75% so cùng kỳ.

- Ngân hàng: Tổng dư vốn huy động đến cuối tháng 12/2017 là 41.382 tỷ đồng, so cuối năm 2016 tăng 13,09%; trong đó huy động trên 12 tháng 16.597 tỷ đồng, chiếm 40,1%/tổng số dư vốn huy động. Tổng dư nợ đến cuối tháng 12/2017 là 60.972 tỷ đồng, so với cuối năm 2016 tăng 8,34%. Trong đó: Dư nợ ngắn hạn là 41.349 tỷ đồng, chiếm 67,82%. Dư nợ trung, dài hạn là 19.624 tỷ đồng, chiếm 32,18%. Nợ xấu 824 tỷ đồng, chiếm 1,35%/tổng dư nợ.

Kết quả thực hiện một số chủ trương chính sách:

+ Cho vay phục vụ sản xuất, thu mua lúa gạo xuất khẩu và tiêu dùng trong nước: Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã triển khai, thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư đối với các doanh nghiệp thu mua lương thực. Dư nợ đạt 5.830 tỷ đồng, tăng 9,6% so cuối năm 2016.

+ Cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu: (i) Hộ nuôi trồng thủy sản: Dư nợ đến cuối tháng 11/2017 là 2.054 tỷ đồng, so với 31/12/2016 giảm (giảm 2,14%, tương đương giảm 45 tỷ đồng), (trong đó cá tra 858 tỷ đồng, chiếm 41,77%/tổng dư nợ cho vay nuôi trồng thủy sản) tương đương với 4.019 hộ (trong đó cá tra là 770 hộ); (ii) Doanh nghiệp thu mua chế biến thủy sản: Dư nợ đạt 2.187 tỷ đồng, giảm 37,62% (tương đương giảm 1.319 tỷ đồng) so cuối năm 2016.

+ Cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp: tổng doanh số cho vay là 158 tỷ đồng; dư nợ đạt 603 tỷ đồng (tăng 0,5%), số khách hàng còn dư nợ là 1.569 khách hàng. Trong đó, tập trung một số máy móc cơ giới hóa chủ yếu như: Máy kéo, máy làm đất, san phẳng đồng ruộng, máy thu hoạch lúa...

+ Cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh An Giang dư nợ cho vay 291 tỷ đồng cho mặt hàng cá tra và rau quả xuất khẩu.

+ Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ: các TCTD trên địa bàn đã giải ngân đầu tư với tổng dư nợ là 399 tỷ đồng, tổng số hộ vay là 697 khách hàng.

+ Cho vay xây dựng nông thôn mới theo Công văn 771/ANG-THKS ngày 09/9/2016 của NHNN Chi nhánh tỉnh An Giang: dư nợ đạt 13.535 tỷ đồng, tăng 6,05% so cuối năm 2016.

+ Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Công văn 62/NHNN-TD ngày 04/01/2017 của NHNN Việt Nam: dư nợ đạt 11.308 tỷ đồng, tăng 5,59% so cuối năm 2016.

II. Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

1. Giáo dục Đào tạo

Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ".

Kỳ thi THPT quốc gia 2017, toàn tỉnh có 13.254 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 98,67%. Kết quả học sinh trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2017 (đợt 1) 7.110/12.620 dự thi, tỷ lệ 56,34% (năm 2016: là 5.334/10.919, tỷ lệ 48,85%). Công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2017-2018, tổng số trúng tuyển: 16.465 (chuyên 512, đại trà 15.953), tỷ lệ 89,02% so chỉ tiêu. Trường Đại học An Giang đã tổ chức lễ tốt nghiệp năm học 2017 cho 2.233 sinh viên hệ đào tạo chính quy của Trường; trong đó, có 173 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc ở các khoa; đồng thời, Trường cũng đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2018-2019 với 2.560 sinh viên ở các ngành học.

Niên học 2017-2018, toàn tỉnh huy động được 440.340 em học sinh cả ba cấp. Hầu hết các trường đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị; quan tâm đầu tư cải tạo cảnh quan trường học; trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa, sách giáo viên đã được chuẩn bị đầy đủ đáp ứng yêu cầu của việc dạy và học trong năm học.

2. Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được tăng cường; thường xuyên giám sát dịch tễ, phát hiện sớm những ca bệnh và ngăn chặn kịp thời không cho dịch lớn xảy ra. Trong năm, toàn tỉnh có 4.769 ca mắc sốt xuất huyết (trong đó 03 ca tử vong) tăng 55,3% so cùng kỳ; 3.274 ca mắc tay chân miệng, tăng 46,16% so với cùng kỳ (không có tử vong); 206 ca thương hàn, phó thương hàn (không có tử vong). Đối với trường hợp mắc HIV/AIDS, phát hiện HIV mới là 255 ca, giảm 69 ca (giảm 21,3%), số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 124 ca, giảm 89 ca (giảm 41,78%), số tử vong là 67 ca, giảm 13 ca (giảm 16,25%) so với cùng kỳ năm 2016.

Tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan chấn chỉnh công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất hàng hóa bị thông tin báo chí phản ánh trong thời gian qua như nước đá nhiễm khuẩn, khô, mắm bị nhiễm chất cấm... Tiếp tục triển khai Kế hoạch xây dựng hệ thống cửa hàng nông sản an toàn, chợ nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016- 2020; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng cửa hàng bán nông sản an toàn tại các huyện Phú Tân, Thoại Sơn và thị xã Tân Châu.

3. Lao động, thương binh - xã hội

Trong năm, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp 25.150 người, đạt tỷ lệ 101% kế hoạch (trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 12.190 học viên, đạt tỷ lệ 101,58% kế hoạch; ký hợp đồng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng với 06 công ty, tổ chức 36 lớp, 1.260 học viên). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp được nâng lên, từ 38,8% năm 2016 lên 42,5% năm 2017.

Đã giải quyết việc làm cho trên 31.039 lao động, đạt 103% với kế hoạch, trong đó: lao động trong tỉnh 22.745 người, ngoài tỉnh 7.201 người; xuất khẩu lao động 176 người (Nhật Bản 68 lao động, Đài Loan 79 lao động, Hàn Quốc 26 lao động, Á Rập 02 lao động, Malyasia 01 lao động) đã góp phần kiềm chế, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 4%.

Các ngành, các cấp đã tổ chức và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các dự án, chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; các chính sách hỗ trợ về tín dụng, giáo dục, y tế... với tổng vốn đầu tư từ ngân sách khoảng 2.032 tỷ đồng (tăng 300 tỷ đồng so năm 2016). Đã giải ngân cho trên 25.280 hộ vay để phát triển kinh tế, với số tiền trên 589 tỷ đồng. Khám chữa bệnh cho người nghèo 14.747 lượt người, kinh phí trên 9,15 tỷ đông; khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi 10.131 lượt trẻ, kinh phí trên 4,81 tỷ đồng.

4. Văn hóa - Thể thao

Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao chào mừng các ngày kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của nhân dân; công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị về tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Tổ chức tốt các lễ hội: Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam năm 2017, Lễ hội đua bò Bảy Núi lần 24 năm 2017.

Thể thao phong trào được tổ chức rộng khắp, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong nhân dân. Thể thao đạt thành tích cao tham dự các giải thể thao vô địch quốc gia, vô địch trẻ quốc gia, giải khu vực, giải cúp trong hệ thống thi đấu quốc gia và các giải quốc tế khác. Tham dự SEA Games 29 năm 2017 tại Malaysia các môn Xe đạp, Bơi lội, Điền kinh, Pencak Silat, Taekwondo: Kết quả đoạt 03 HCV - 05 HCĐ, riêng môn bơi lội phá kỷ lục SeaGame.

5. Khoa học - Công nghệ

Tập trung thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch xây dựng nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho các sản phẩm nông nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020.

Ngành khoa học và công nghệ đã tổ chức triển khai thực hiện 199 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (gồm: 07 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của tỉnh, 94 đề tài, dự án cấp tỉnh và 98 đề tài cấp cơ sở) nhằm tăng cường ứng dụng các mô hình dịch vụ và công nghệ sản xuất liên quan đến cơ giới hóa, tự động hóa, trong sản xuất nông nghiệp giúp giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng đầu vào, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh hóa học, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và tạo sản phẩm an toàn, chất lượng, sản xuất hiệu quả hơn và tăng thu nhập cho nông dân.

6. Tài nguyên - Môi trường

Trên địa bàn tỉnh có 07 bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý triệt để, trong đó: đang triển khai đóng lấp 04 bãi rác, dự kiến hoàn thành trong năm 2018; các bãi rác còn lại (ở thị xã Tân Châu, huyện Chợ Mới và huyện Thoại Sơn) đang xin hỗ trợ vốn từ Trung ương sẽ triển khai tiếp. Hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho 06 bệnh viện trên địa bàn tỉnh; đưa vào sử dụng 53 lò hỏa táng cải tiến tại các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 62-KH/TU ngày 26/8/2013 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường; Kế hoạch số 567/KH-UBND ngày 09/10/2017 về khung mục tiêu, nhiệm vụ và danh mục dự án ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2020; kịp thời quan trắc cảnh báo, phòng chống sạt lở hiệu quả, không thiệt hại về người. Trong năm, toàn tỉnh đã xảy ra 35 điểm sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch (trong đó An Phú: 12 điểm, Chợ Mới: 07 điểm, Tân Châu: 09 điểm, Phú Tân: 06 điểm, Châu Phú 01 điểm) với chiều dài sạt lở 3.220 m, làm mất 22.432 m2 đất và ảnh hưởng đến 235 căn nhà (trong đó có 20 căn nhà đã sụp hoàn toàn xuống sông, 10 căn bị sụp một phần) cùng với nhiều tài sản và các công trình hạ tầng khác bị ảnh hưởng (trong đó có nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở, ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển của người dân), ước tổng thiệt hại khoảng 94 tỷ đồng. Các địa phương đã di dời khẩn cấp 155 căn nhà, phải vận động di dời thêm 60 căn của các hộ vùng lân cận có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở.

Tiếp tục sắp xếp bộ máy Văn phòng đăng ký đất một cấp; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục trong lĩnh vực quản lý đất đai; công tác phối hợp với các cơ quan liên quan đạt nhiều tiến bộ, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc liên quan cấp quyền sử dụng đất, cho thuê đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính... của các tổ chức, cá nhân. Xây dựng và triển khai Đề án tạo quỹ đất để mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư trong một số lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh.

III. Lĩnh vực nội chính và quản lý nhà nước

1. Công tác tư pháp

Ngành tư pháp tập trung công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật năm 2017, triển khai các văn bản pháp luật, quy định mới của nhà nước. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ tư pháp và tư vấn pháp luật cho người dân và doanh nghiệp. Hoạt động công chứng, chứng thực ở các cấp được thực hiện tốt, giải quyết nhanh chóng các yêu cầu của tổ chức và công dân; công tác hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp được thực hiện đúng quy định.

Thực hiện Nghị định 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định chuyển nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Sở Tư pháp về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 97 văn bản quy phạm pháp luật (đạt 154% Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật) để cụ thể hóa các cơ chế chính sách của Trung ương và Hội đồng nhân dân tỉnh; điều chỉnh một số lĩnh vực quản lý nhà nước và ban hành một số chính sách quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

2. Công tác cải cách hành chính

Theo Kế hoạch cải cách hành chính năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra 58 đầu công việc trọng tâm trên 06 lĩnh vực; đã thực hiện hoàn thành 50/58 đầu công việc, đạt 86% kế hoạch. Hoạt động kiểm tra cải cách hành chính được thực hiện thường xuyên, qua đó đã kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động cải cách hành chính của đơn vị và nhất là việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức. Trong năm, Tổ kiểm tra công vụ đã tiếp nhận 23 thông tin phản ánh của báo chí và người dân; đã tiến hành kiểm tra và xử lý 23/23 vụ việc, trong đó 03 trường hợp sai phạm và xử lý 10 công chức, viên chức.

Công tác tổ chức bộ máy được thực hiện chặt chẽ; thẩm định, ban hành các quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các sở, ngành cấp tỉnh theo đúng quy định; sắp xếp, sáp nhập và kiện toàn một số đơn vị sự nghiệp trong một số lĩnh vực như: nông nghiệp, y tế... Đã ban hành Quyết định phân bổ tổng biên chế công chức tỉnh An Giang năm 2017, tổ chức thi tuyển công chức, thi nâng ngạch từ cán sự lên ngạch chuyên viên; phối hợp Bộ Nội vụ thi nâng ngạch từ chuyên viên lên ngạch chuyên viên chính...

Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2016 của tỉnh tăng 01 bậc so năm 2015, đạt 57,79 điểm (tăng 0,18 điểm), xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố và thuộc nhóm điều hành "khá"; đứng thứ 9/13 tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Riêng chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2016 của tỉnh giảm 04 bậc từ hạng 31/63 tỉnh, thành năm 2015 xuống 35/63 tỉnh, thành.

3. Công tác Thanh tra - phòng chống tham nhũng

Ngành Thanh tra tiến hành 136 cuộc thanh tra (trong đó 131 cuộc triển khai mới). Đã kết thúc 119 cuộc và ban hành 119 kết luận, qua đó phát hiện 86/202 đơn vị sai phạm với số tiền trên 10,6 tỷ đồng và 112.783 m2 đất, kiến nghị thu hồi 4,3 tỷ đồng và 248 m2 đất; Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 24 tổ chức và 112 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 07 vụ với 19 đối tượng có liên quan.

 Toàn tỉnh tổ chức tiếp 8.658 lượt người và 27 đoàn với 158 lượt người đến trình bày khiếu kiện, khiếu nại chủ yếu về tranh chấp đất đai, chế độ chính sách. Tiếp nhận 2.906 đơn khiếu nại, tố cáo; trong đó 2.442 đơn không thuộc thẩm quyền. Đối với 464 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (30 đơn tố cáo, 434 đơn khiếu nại); đã xử lý 381/434 đơn khiếu nại. Nhằm giải quyết các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài (42 vụ có kết luận của Trung ương), Ban Thường vụ Tỉnh Ủy ban hành Quyết định số 191-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp trên địa bàn tỉnh do Phó bí Thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Đến nay đã giải quyết dứt điểm 13 vụ việc, trong đó có 06 vụ theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức đối thoại 11 vụ, giao cho các cơ quan liên quan tham mưu để giải quyết dứt điểm.

4. An ninh, quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội

Các lực lượng làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ các địa bàn, mục tiêu trọng yếu được thực hiện nghiêm; tổ chức thực hiện tốt công tác nắm tình hình, quản lý chặt các đối tượng, đề xuất giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp, khiếu kiện đông người; triển khai đồng bộ các biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự nhất là tuyến biên giới. Tổ chức thành công diễn tập phòng thủ khu vực ở các huyện theo kế hoạch của năm 2017.

Phạm pháp hình sự được kiềm chế, kéo giảm 15,04% (339/399 vụ) so cùng kỳ 2016, trong đó án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng giảm 30% (42/60 vụ). Tuy nhiên, tội phạm trộm tài sản vẫn còn phổ biến trong tổng số các vụ phạm pháp hình sự, hoạt động của các băng nhóm có xu hướng manh nha trở lại (11 băng liên quan đến 133 đối tượng). Phát hiện, bắt giữ 1.257 vụ buôn lậu, giảm 27,8% so cùng kỳ, tổng trị giá hàng hóa thu giữ khoảng 25,4 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ. Toàn tỉnh đã xảy ra 97 vụ tai nạn giao thông (giảm 8,5% tương đương 9 vụ), làm 90 người chết (giảm 8,2% tương đương 8 người), số người bị thương là 58 người (giảm 1,7%, tương đương 01 người).

Hoạt động tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, số vụ bắt giữ tăng 24,14% (108/87 vụ) so cùng kỳ năm 2016, trong đó có vụ bắt 05 kg methamphetamine vận chuyển qua biên giới Việt nam - Campuchia; số người nghiện phát hiện tăng 926 người so với đầu năm 2017, hiện số người nghiện có hồ sơ trên địa bàn tỉnh là 4.262 người.

5. Công tác ngoại vụ

Tiếp tục duy trì và tăng cường mối quan hệ đối ngoại với các Tổng lãnh sự quán các nước tại TP. Hồ Chí Minh, các tổ chức quốc tế của các nước. Tổ chức xúc tiến thương mại tại Campuchia, Malaysia... Tham dự tọa đàm "gặp gỡ Hoa Kỳ" do Bộ Ngoại giao tổ chức, Hội nghị diễn đàn hợp tác các Châu Á - Thái Bình Dương tại Đà Nẵng; tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác với Isreal, Hàn Quốc, Tỉnh Nara Nhật Bản…

Tổ chức họp định kỳ với hai tỉnh giáp biên Kandal và Tàkeo - Vương quốc Campuchia, đánh giá kết quả hợp tác 6 tháng đầu và kế hoạch hợp tác 6 tháng cuối năm 2017, ký biên bản thỏa thuận với Tỉnh Takeo, Kandal - Campuchia hợp tác trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp, Y tế, kinh tế biên mậu,...; phối hợp tổ chức lễ khánh thành cầu Long Bình - Chrey Thom nối liền hai tỉnh An Giang và Kandal.

Trong năm, có 286 đoàn ra (579 người) xuất cảnh đến các nước Campuchia, Anh, Thái Lan, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản…với mục đích tập huấn, ký kết Bản ghi nhớ và thảo luận về kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực như nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu... Đồng thời, có 169 đoàn vào (290 người) đến từ các nước Đức, Nhật Bản, Úc, Thái Lan, Canada, Trung Quốc,…với mục đích chào xã giao lãnh đạo tỉnh; Làm việc với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện hoạt động trong khuôn khổ các dự án đã được phê duyệt.

6. Công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh

Năm 2017, xác định là năm then chốt của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, ngay từ đầu năm Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Chương trình công tác năm 2017 bám sát các nhiệm vụ, nhóm giải pháp theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức ngoài dự báo, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời điều chỉnh và bổ sung các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Một số nội dung cụ thể:

Tiếp và làm việc với đoàn công tác của các Bộ, ngành Trung ương: Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị về lúa gạo vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình về công tác phòng chống buôn lậu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo công tác phòng chống sạt lở...; tổ chức các đoàn công tác làm việc Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ... giải quyết những kiến nghị của địa phương.

Chuẩn bị đầy đủ, kịp thời và chất lượng những nội dung phục vụ chương trình làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; tham mưu Tỉnh Ủy ban hành kịp thời các kế hoạch thực hiện các chủ trương lớn, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Chính phủ; ban hành đầy đủ các văn bản, quyết định thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Tập trung triển khai các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Đinh Dậu 2017; đôn đốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau Tết Nguyên đán; tập trung chỉ đạo công tác sản xuất nông nghiệp theo mô hình ứng dụng công nghệ cao; chương trình xây dựng nông nôn mới; công tác phòng chống và khắc phục sạt lở; phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng trên người; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông. Tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, triển khai Đề án xuất khẩu lao động sang thị trường có thu nhập cao.

Trong năm, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức 554 cuộc họp, hội nghị và làm việc với các cơ quan, đơn vị để kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành và triển khai nhiệm vụ, chương trình công tác; tổ chức hơn 30 cuộc kiểm tra, khảo sát thực tế cơ sở và doanh nghiệp, 11 cuộc làm việc các huyện - thị về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 5.715 văn bản chỉ đạo, trong đó, 1.901 công văn, 3.814 quyết định. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 5.215 văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo trên các lĩnh vực.

Thực hiện chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Ủy ban nhân dân tỉnh chọn năm 2017 là "Năm doanh nghiệp"; tập trung thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, Chương trình hành động của UBND tỉnh về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Về kết quả thực hiện:

(i) Đã xử lý 779.249 hồ sơ của doanh nghiệp và người dân (trong đó chỉ có 91 hồ sơ trễ hạn chiếm 0,012%); Tổ chức 01 cuộc đối thoại cấp tỉnh với doanh nghiệp, nhà đầu tư, giải quyết kịp thời 100% kiến nghị của doanh nghiệp; Duy trì Chương trình hoạt động "Cà phê doanh nhân" nhằm tạo cơ hội tiếp xúc, không có khoảng cách giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương; Ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang; Tổ chức 03 buổi làm việc, báo cáo, cũng như trao đổi với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và chi nhánh Cần Thơ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; từ đó đề ra các nội dung trọng tâm phối hợp thực hiện trong thời gian tới.

(ii) Số lượng doanh nghiệp tăng 30,13% và về số vốn đăng ký tăng 33,84% so cùng kỳ; đã thu hút 86 dự án (tăng 30,30%) với tổng vốn đăng ký là 15.168 tỷ đồng (tăng 53,49%).

(iii) Ban hành Đề án số 338/ĐA-UBND ngày 07/6/2017 về tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang; sửa đổi, bổ sung quy định bảng giá đất áp dụng giai đoạn 2015-2019 theo hướng điều chỉnh giảm đất thương mại, dịch vụ tại đô thị và nông thôn; bổ sung 02 nhiệm vụ này cho Quỹ Bảo vệ môi trường và Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác... theo Quyết định số 98/2016/QĐ-UBND ngày 22/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

(iv) Tổ chức Hội nghị triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố (1.007 lượt đại biểu tham dự). Triển khai Quy chế liên kết đăng ký tài khoản cho doanh nghiệp cùng thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, để thực hiện kê khai thuế điện tử (200 doanh nghiệp thực hiện); thực hiện chương trình hỗ trợ "tặng phần mềm kế toán" cho 59 doanh nghiệp thành lập mới.

7. Công tác phối hợp Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên

Thực hiện Quy chế phối hợp, Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh tham dự đầy đủ các cuộc họp do Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức; chủ động phối hợp trong công tác chuẩn bị phục vụ các kỳ họp HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021; quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng nội dung các văn bản trình Hội đồng nhân dân tỉnh, các báo cáo chuyên đề phục vụ công tác giám sát của Thường trực và các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh.

Phối hợp trong việc lấy ý kiến nhân dân, tích cực tham gia công tác phản biện xã hội đối với những quyết định lớn của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của nhân dân, những kiến nghị chính đáng của cử tri trước và sau các kỳ họp của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu; chỉ đạo các ngành, các cấp khắc phục kịp thời những hạn chế, tồn tại qua kết quả giám sát của Thường trực và các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh.

Tăng cường phối hợp với Ủy ban MTTQ, các hội, đoàn thể các cấp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phòng chống sạt lở, khai thác cát, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo... Thực hiện tốt quy chế phối hợp thực hiện phản biện xã hội đối với lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết kịp thời những ý kiến phản ánh, dư luận của quần chúng nhân dân.

IV. Nhận xét, đánh giá

Mặc dù, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 5,11% không đạt so kế hoạch đề ra (6,7%), nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 cao hơn mức tăng của năm 2015 và 2016 (năm 2015 tăng 5,04%; năm 2016 tăng 4,47%). Một số kết quả có chuyển biến hơn so cùng kỳ:

(1) Thủy sản có dấu hiệu tốt: Giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng, nên lợi nhuận tăng, từ đó nhiều hộ đã thả nuôi lại, diện tích có phần tăng lên.

(2) Du lịch: đón 7,3 triệu lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 107% so với kế hoạch.

(3) Xuất khẩu: Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 820 triệu USD, so kế hoạch đạt 100% và so cùng kỳ tăng khoảng 17%.

(4) Tình hình đăng ký doanh nghiệp: có 799 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 3.805 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2016, số lượng doanh nghiệp tăng 30,13%.

(5) Tình hình thu hút đầu tư: thu hút 86 dự án (gồm: 03 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 83 dự án đầu tư trong nước) với tổng vốn đăng ký là 15.168 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2016 số dự án tăng 30,30% (tương đương tăng 20 dự án), tổng vốn đăng ký đầu tư tăng 53,49% (tương tương tăng 5.286 tỷ đồng).

Bên cạnh một số kết quả nêu trên, vẫn còn một số tồn tại hạn chế như:

(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 5,11%, không đạt được mức tăng trưởng kế hoạch đề ra là 6,7% và cả 03 khu vực đều tăng thấp hơn so với kế hoạch. Tuy cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của 02 năm trước nhưng mức tăng không đáng kể (tăng 0,07% so với năm 2015 và 0,64% so với năm 2016).

(2) Nhiều doanh nghiệp thủy sản bị thua lỗ, tạo áp lực nợ xấu tại các ngân hàng thương mại nên vốn tín dụng đầu tư ngành hàng thủy sản hạn chế, ảnh hưởng đến sự hấp thụ vốn tín dụng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

(3) Nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong cộng đồng có nâng lên nhưng còn chậm; công tác kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực quản lý tài nguyên - môi trường chưa thường xuyên và kịp thời. Tình hình khai thác khoáng sản trái phép, tình trạng ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất nhỏ xen kẽ trong khu dân cư cần tiếp tục quan tâm xử lý trong thời gian tới.

(4) Công tác xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

(5) Khâu tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát những chương trình, đề án, nhiệm vụ được giao của một số ngành, địa phương trong một số lĩnh vực chưa thật sự quyết liệt, đạt hiệu quả chưa cao.

Phần thứ hai

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2018

Năm 2018, là năm giữa nhiệm kỳ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Trên tinh thần đó, các ngành, các cấp cần xác định rõ nhiệm vụ, yêu cầu để từ đó xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 theo hướng tích cực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và điều kiện để duy trì mức tăng trưởng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

I. MỘT SỐ DỰ BÁO TÌNH HÌNH

Tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 tiếp tục xu hướng cải thiện tích cực nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế và thương mại của thế giới dự báo cao hơn năm 2017, tạo tiền đề thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế và xuất khẩu. Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân, giúp thúc đẩy sản xuất trong nước và thương mại.

Thực hiện vai trò kiến tạo, Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, nhiều chính sách hỗ trợ mới sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2018. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, nền kinh tế nước ta sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, chịu ảnh hưởng do diễn biến phức tạp của tình hình chính trị thế giới và khu vực; các cân đối vĩ mô duy trì ổn định nhưng chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng một số ngành thấp hơn kỳ vọng, đã và đang là những thách thức đối với nền kinh tế nước ta.

II. ĐÁNH GIÁ NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ THUẬN LỢI KHI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2018 CỦA TỈNH

1. Thuận lợi

Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng cải thiện tích cực của năm 2017, tăng trưởng kinh tế và thương mại của thế giới năm 2018 dự báo cao hơn năm 2017, tạo tiền đề thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế và xuất khẩu; Chính phủ quan tâm cải cách thể chế, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đầu tư, nhất là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực ngày 01/01/2018. Ngoài ra, khu vực nông lâm thủy sản cũng có nhiều triển vọng phát triển hơn khi giá lương thực toàn cầu tăng, những tác động tiêu cực của thời tiết giảm bớt và những hoạt động cải cách, tái cơ cấu nông nghiệp bắt đầu có chuyển biến tích cực. Đây là điều kiện để tỉnh An Giang huy động nguồn lực của các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển nhanh mô hình cánh đồng lớn; thúc đẩy các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Sau thời gian triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bước đầu mang những tín hiệu tích cực; một số sản phẩm nông nghiệp mới (chuối, xoài..) góp phần gia tăng giá trị sản xuất của ngành; các mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến cho sản phẩm tăng ổn định. Thị trường tiêu thụ các loại nông sản có tín hiệu khả quan, giá cả ổn định ở mức hợp lý, kích thích các nhà đầu đầu tư mở rộng sản xuất, nông dân sản xuất có hiệu quả hơn… góp phần rất lớn trong tăng trưởng khu vực nông nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói chung.

2. Khó khăn

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, nền kinh tế nước ta sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, chịu ảnh hưởng do diễn biến phức tạp của tình hình chính trị thế giới và khu vực. Theo dự báo tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông sản tiếp tục chịu sự chi phối của thị trường, chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ khi tham gia vào các cam kết tự do thương mại, gia tăng hàng rào kỹ thuật từ chính các nước nhập khẩu, chưa tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại đã ký.

Đối với tỉnh An Giang vẫn còn nhiều khó khăn, như: trình độ sản xuất còn hạn chế, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật chưa nhiều; đổi mới công nghệ; mô hình quản lý vẫn còn chậm; sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, chưa có doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ nông nghiệp và thủy sản; chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh về điểm và khu du lịch so với các địa phương trong vùng...

III. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu: Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế ổn định, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh; Khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng; Ứng phó và thích nghi hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến; Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; Tập trung đầu tư, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

STT

Chỉ tiêu

ĐVT

KH 2018

1

Tốc độ tăng trưởng GRDP (Giá SS 2010)

%

6 - 6,5

 

- Khu vực Nông, lâm, thủy sản

%

2 - 2,25

 

- Khu vực Công nghiệp và Xây dựng

%

7,69 - 8,20

 

- Khu vực Dịch vụ

%

8 - 8,66

 

- Thuế sản phẩm trừ trợ giá chính sách

%

5,6

2

Cơ cấu kinh tế

 

 

 

- Khu vực Nông, lâm, thủy sản

%

28,86 - 28,93

 

- Khu vực Công nghiệp và Xây dựng

%

14,65 - 14,66

 

- Khu vực Dịch vụ

%

54,85 - 54,92

 

- Thuế sản phẩm trừ trợ giá chính sách

%

1,56 - 1,57

3

Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân

Triệu đồng/ha

183

4

Kim ngạch xuất khẩu

Triệu USD

840

5

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội

Tỷ đồng

26.557

6

Thu ngân sách từ kinh tế địa bàn (tỷ đồng)

Tỷ đồng

5.700

7

Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân

%

60

8

Tlệ hộ nghèo

%

4,55

9

Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị

%

< 4

10

Tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế

%

81,5

11

Số giường bệnh trên 10.000 dân

Giường

20,25

12

Tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán

%

22,4

13

Phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới

43

IV. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN NGÀNH

1. Phát triển kinh tế

Triển khai thực hiện Kế hoạch 207/KH-UBND ngày 14/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày10/02/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh An Giang giai đoạn 2016- 2020, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 01/11/2016 tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII).

1.1. Nông nghiệp - lâm - thủy sản

* Mục tiêu: Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng hợp lý, sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp cùng với việc nâng cao giá trị canh tác trên diện tích sản xuất. Thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn, chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường.

* Giải pháp

Tiếp tục triển khai các quy hoạch sản phẩm, quy hoạch vùng sản xuất và các gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thị trường cho các sản phẩm (lúa, rau an toàn, bắp lai, nấm ăn, bò thịt, tôm càng xanh, hoa-cây kiểng) theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Trong đó tập trung triển khai thực hiện những quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng công nghệ cao đã được phê duyệt, lựa chọn sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao theo nhu cầu thị trường, hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người nông dân, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ cho xuất khẩu.

Tiếp tục áp dụng chương trình "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm", mở rộng áp dụng Global GAP, Viet GAP để giảm giá thành, nâng cao năng suất và lợi nhuận cho người dân. Tăng cường phổ biến các chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, người dân vào nông nghiệp, nông thôn như: Nghị định 210/2013/NĐ-CP , ngày19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Chính phủ về cánh đồng lớn, Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Chính phủ về hỗ trợ giảm thất thoát sau thu hoạch, Quyết định 915/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, Quyết định số 98/2016/QĐ-UBND ngày 22/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp.

Đẩy mạnh công tác mời gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển nông thôn; Triển khai các giải pháp phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản; tăng cường gắn kết 4 nhà, mô hình "Cánh đồng lớn", gắn với thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác của HTX kiểu mới tạo chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; tăng sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Tăng cường các giải pháp quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Xử lý việc sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản.

Ưu tiên đầu tư các vùng chuyển đổi từ lúa sang trồng màu và cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi vùng trồng hoa màu nhưng chưa ổn định hoặc trồng màu luân canh lúa chuyển sang chuyên trồng màu. Triển khai tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo 2016-2020, thay đổi cơ cấu giống lúa gieo trồng theo hướng tăng sản lượng nếp và giống lúa chất lượng cao; đồng thời gắn với thực hiện Đề án xây dựng thương hiệu gạo An Giang. Tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết của Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) cho sản phẩm đậu nành rau và bắp non; kêu gọi các doanh nghiệp khác tham gia đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu rau màu trên địa bàn tỉnh An Giang.

Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi vùng sản xuất lúa tôm hiện có và mở rộng diện tích toàn vùng theo quy hoạch của huyện Thoại Sơn và mở rộng nuôi sang một số huyện có điều kiện thuận lợi. Tập trung triển khai nhanh Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 03 cấp chất lượng cao. Đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống thủy sản chất lượng, sạch bệnh đặc biệt là giống cá tra, basa; kiểm soát diện tích nuôi trồng thủy sản theo cầu thị trường, đảm bảo các điều kiện nuôi và an toàn dịch bệnh.

Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, tổ chức triển khai tốt công tác bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đẩy mạnh phát triển rừng. Tiếp tục thực hiện công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn và thiên tai. Chương trình hành động chiến lược quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.

Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để đến cuối năm 2018 đảm bảo có tối thiểu 43 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Tăng cường hơn nữa công tác vận động tuyên truyền, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, làm rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới, quyền lợi và vai trò của người dân để tranh thủ sự đồng tình của toàn dân tham gia. Tăng cường công tác mời gọi đầu tư các doanh nghiệp về nông thôn; chủ động tranh thủ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các nhà mạnh thường quân và nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

1.2. Công nghiệp- xây dựng

a) Công nghiệp - TTCN

* Mục tiêu: Chú trọng nâng cao giá trị, đa dạng hóa các sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phù hợp điều kiện địa phương; khuyến khích doanh nghiệp thay đổi quy trình công nghệ, quy trình sản xuất. Phát triển ngành cơ khí, chế tạo sản xuất ra những sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp đạt chất lượng cao, có sức cạnh tranh.

* Giải pháp

Triển khai Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp của tỉnh, chú trọng nâng cao giá trị, đa dạng hóa các sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Phát triển ngành cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp đạt chất lượng cao, có sức cạnh tranh. Xây dựng Chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quy định về quản lý, đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quy chế phối hợp các Sở, ngành, UBND cấp huyện về quản lý cụm công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các công trình khu, cụm công nghiệp gắn với lợi thế vùng kinh tế trọng điểm.

Tăng cường mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp ưu tiên các ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động địa phương; Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, năng cao giá trị sản xuất, đổi mới mô hình quản lý để hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tạo điều kiện cho các dự án đầu tư, nhất là các dự án có quy mô lớn đi vào hoạt động để tăng nhanh sản lượng công nghiệp góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành công nghiệp và tạo đà tăng trưởng cho năm tiếp theo.

Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển theo chiều sâu dựa trên cơ giới hóa, điện khí hóa, ứng dụng thành tựu khoa học tiên tiến và đội ngũ lao động chất lượng để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao. Phát triển ngành công nghiệp chế biến tạo giá trị gia tăng các sản phẩm nông - thủy sản. Hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp mới, như: điện sinh khối, điện mặt trời, vật liệu mới...

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình khuyến công, hỗ trợ các cơ sở tiểu thủ công nghiệp đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ để tăng quy mô sản xuất từng bước phát triển lên doanh nghiệp. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mặt hàng truyền thống tại các hội chợ thương mại, chương trình kết nối vùng miền; liên kết với các khu, điểm du lịch để giới thiệu du khách.

Tiếp tục thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh An Giang, giai đoạn 2016-2020 nhằm đầu tư phát triển hệ thống lưới điện để đưa điện lưới quốc gia đến các vùng nông thôn sâu, vùng xa; Phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Điện lực miền Nam để đảm bảo sản lượng điện cung cấp cho tỉnh, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Thực hiện tốt việc điều tiết điện năng, đảm bảo hợp lý, ưu tiên cấp điện khi thiếu nguồn đối với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

b) Đầu tư xây dựng

* Mục tiêu: Chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư công theo Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18/6/2014, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2016 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; Đồng thời thực hiện tốt các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý đầu tư công.

* Giải pháp

Tập trung triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 theo quy định của pháp luật về đầu tư công, quy định của Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 1100/BKHĐT-TH ngày 27/02/2015. Thực hiện tốt công tác kế hoạch, bố trí vốn phù hợp với khả năng triển khai thực tế và khả năng cân đối vốn của cả Tỉnh, không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với các Nghị quyết của Tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó tạo đòn bẩy phát triển kinh tế của Tỉnh.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm của Tỉnh; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh; đảm bảo các dự án thực hiện đạt chất lượng, đúng tiến độ và đạt hiệu quả đầu tư đặt ra. Tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát các công trình xây dựng nhằm phát huy dân chủ và bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả trong đầu tư.

Đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần đầu tư công, tăng dần đầu tư của các thành phần kinh tế khác; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực có khả năng thu hồi vốn; đồng thời ưu tiên bố trí vốn Nhà nước thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Chủ động khai thác mọi nguồn lực xã hội để phục vụ cho đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông. Tiếp cận, tranh thủ tối đa các nguồn vốn nước ngoài (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài) để đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm của Tỉnh.

1.3. Dịch vụ

a) Thương mại

* Mục tiêu: Phát triển mạnh thị trường nội địa, chú trọng phát triển thị trường nông thôn đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh và ổn định; Tăng cường công tác thông tin đến các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, từng bước khai thác tối đa các thị trường tiềm năng và lợi thế đối với sản phẩm địa phương, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh và ổn định; Khai thác thế mạnh kinh tế biên giới, gia tăng lưu lượng hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu để phát triển các loại hình dịch vụ.

* Giải pháp

Tích cực thiết lập và củng cố các mối liên kết thương mại với các tỉnh, trong đó ưu tiên thị trường quy mô lớn; Đẩy mạnh tham gia các phiên chợ xanh, phiên chợ xanh - tử tế, Hội chợ nông sản sạch - an toàn,... nhằm đưa hàng hóa của An Giang tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng và xâm nhập vào các kênh phân phối. Nghiên cứu thực hiện phát triển hệ thống logistic để hỗ trợ phát triển kênh phân phối trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chương trình kích cầu mua sắm vào các thời điểm lễ hội, tuần lễ mua sắm,… thông qua hoạt động tập trung các sản phẩm, dịch vụ khuyến mãi của doanh nghiệp vào các thời điểm du lịch, sự kiện tiêu biểu trong năm, thực hiện tuyên truyền kích cầu du lịch và tiêu dùng. Hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng mô hình kinh doanh theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất - kinh doanh nông sản sạch, xây dựng mạng lưới phân phối từ thành thị đến nông thôn. Thực hiện kế hoạch xây dựng hệ thống cửa hàng nông sản an toàn, chợ nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020.

Tập trung nâng chất Chương trình bình ổn thị trường, Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa và Chương trình kết nối giao thương với các tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" đi vào chiều sâu đồng hành cùng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Tiếp tục đổi mới mô hình quản lý chợ, chuyển giao các thành phần kinh tế tham gia khai thác kinh doanh chợ; tích cực kêu gọi vốn xã hội đầu tư phát triển hệ thống chợ, các trung tâm mua sắm hiện đại; đặc biệt quan tâm đầu tư nâng cấp mạng lưới chợ nông thôn.

Nâng chất và duy trì thường xuyên các sự kiện xúc tiến thương mại biên giới, tổ chức giao thương doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Campuchia, xây dựng kênh đối thoại hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận và mở rộng thị trường Campuchia thông qua nội dung thỏa thuận hợp tác thương mại với hai tỉnh giáp biên.

b) Xuất, nhập khẩu

* Mục tiêu: Đẩy mạnh phát triển xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh theo hướng đa dạng hóa thị trường, chú trọng các mặt hàng chủ lực và tiềm năng, bên cạnh giữ vững thị trường truyền thống. Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ theo hướng chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh.

* Giải pháp

Phối hợp với các Tham tán Thương mại Việt Nam tại nước ngoài và các đại diện thương mại nước ngoài tại Việt Nam để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa, dịch vụ của An Giang. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ và hội thảo gắn kết giao thương.

Tăng cường công tác dự báo và thông tin thị trường, những chính sách thương mại mới các nước. Cung cấp bản tin định kỳ về dự báo giá cả, thông tin thị trường đến doanh nghiệp nhằm định hướng sản xuất cho các doanh nghiệp, nắm rõ các rào cản kỹ thuật và chủ động xây dựng các biện pháp khắc phục. Tổ chức định kỳ các hội nghị về hội nhập để phổ biến những kiến thức, quy định mới của Việt Nam liên quan đến vấn đề thương mại quốc tế; đồng thời thông tin những hiệp định thương mại mới hoặc đang đàm phán với các nước để doanh nghiệp nghiên cứu, tham gia góp ý.

Đẩy mạnh hoạt động liên kết thương mại với các tỉnh biên giới phía Bắc để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương sản phẩm... nằm trong khuôn khổ các chương trình hợp tác về phát triển thương mại biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc; tiếp tục khảo sát mô hình phát triển tầng thương mại biên giới tại các tỉnh phía bắc để hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh đẩy mạnh đưa hàng hóa vào các khu thương mại biên giới, khu kinh tế cửa khẩu để từng bước tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Phối hợp cơ quan thương mại của tỉnh Takeo, Kandal - Vương quốc Campuchia triển khai các hoạt động trong khuôn khổ bản ghi nhớ hợp tác phát triển thương mại biên giới; Tổ chức Hội nghị giao thương kết nối doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai xây dựng đại lý, hệ thống phân phối các mặt hàng như máy gặt, máy sấy, vật liệu xây dựng,...

c) Du lịch

* Mục tiêu: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch tại các điểm đến du lịch trọng điểm. Phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và phát triển các sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới, nhất là tại các vùng du lịch trọng điểm.

* Giải pháp

Triển khai hiệu quả Kế hoạch Xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch An Giang; Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá để tạo mối liên kết bền vững với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng…; Tổ chức các chuyến xúc tiến du lịch ngoài nước đến thị trường du lịch trọng điểm của An Giang để giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch An Giang.

Tập trung hoàn chỉnh các quy hoạch phát triển du lịch, ban hành chính sách hỗ trợ sau đầu tư trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kêu gọi đầu tư để xây dựng các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn, hiện đại, gắn với phát triển các dịch vụ ăn uống, mua bán sản phẩm du lịch, các sản phẩm tiêu dùng cần thiết. Tập trung nguồn lực đầu tư cho du lịch, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Phấn đấu đưa vào khai thác một số công trình trọng điểm phục vụ du khách ở Núi Sam - Châu Đốc, Thoại Sơn...

Nâng cao chất lượng dịch vụ điểm đến, đảm bảo an toàn an ninh cho du khách, môi trường du lịch an toàn, thân thiện với du khách, nghiêm túc chấn chỉnh và xử phạt những hành vi sai phạm, "chặt chém" du khách, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch An Giang. Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh khách sạn, lữ hành, các khu - điểm du lịch và kinh doanh tàu thủy đón khách du lịch.

Xây dựng các sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách đến tham quan và lưu trú lại An Giang nhiều hơn; Phát triển mạnh các ngành thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, như: các mặt hàng gốm mỹ nghệ, đá mỹ nghệ, hàng dệt thổ cẩm.... Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển chất lượng, dịch vụ du lịch, đặc biệt chú trọng vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cộng đồng địa phương tại các khu, điểm du lịch.

1.4. Phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư

* Mục tiêu: Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh; khuyến khích tinh thần khởi nghiệp; tiếp tục hỗ trợ phát triển số lượng doanh nghiệp thành lập mới.

* Giải pháp

Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 03/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 03/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

Tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018 gắn với kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2018). Tiến hành rà soát và xây dựng thông tin chi tiết về danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025 để giới thiệu doanh nghiệp, nhà đầu tư. Triển khai Đề án tạo quỹ đất để mời gọi doanh nghiệp đầu trong một số lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh.

Tập trung cải cách hành chính; thực hiện Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) gắn với thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 377/CTr-UBND ngày 14/7/ 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh, các ngành với doanh nghiệp, nhà đầu tư tối thiểu 02 lần/năm để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tổ chức mạng lưới tư vấn, hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử, đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp... Nghiên cứu thành lập bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp theo hình thức "trọn gói" trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, đăng ký và triển khai dự án đầu tư...

Cập nhật các cơ chế, chính sách và các điều kiện kinh doanh mới ban hành để kịp thời cung cấp, hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp triển khai các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời, rà soát thu hồi các dự án đầu tư đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư mà không triển khai thực hiện để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mới tiếp cận các dự án mời gọi đầu tư của tỉnh.

Thường xuyên rà soát, cập nhật các cam kết song phương, đa phương, các Hiệp định thương mại thế hệ mới, các cơ chế, chính sách, điều kiện đầu tư kinh doanh để kịp thời cung cấp, hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán; các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh.

Tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trong xã hội để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp; tổ chức cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang" thông qua kết nối các chương trình hỗ trợ, phát động khởi nghiệp - Startup Weel, Mekong Startup… Định kỳ tổ chức "Phiên chợ khởi nghiệp" nhằm quảng bá sản phẩm, ý tưởng khởi nghiệp, kết nối ý tưởng hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, kết nối tìm kiếm nhà đầu tư.

1.5. Phát triển kinh tế tập thể

* Mục tiêu

Phát triển kinh tế tập thể đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc cơ bản của Luật HTX năm 2012, góp phần xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, quản lý một cách dân chủ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn. Phấn đấu đến cuối năm 2018, đưa kinh tế tập thể thoát khỏi tình trạng yếu kém hiện nay; đủ năng lực nội tại để vừa phục vụ tốt cho thành viên vừa tham gia và đứng vững trên thị trường. Đổi mới toàn diện, phát triển đa dạng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới; liên kết sản xuất và tiêu thụ theo mô hình cánh đồng lớn.

* Giải pháp

Tiếp tục tuyên truyền, tập huấn Luật HTX năm 2012, Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX; nâng cao năng lực nguồn nhân lực HTX. Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX theo Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020; Tham mưu điều chỉnh, bổ sung cho 03 HTX mới tham gia Chương trình là HTXNN Vinacam, HTXNN Vĩnh Trạch, HTX trái cây GAP Chợ Mới.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, HTX: Cương quyết giải thể những HTX tồn tại hình thức, HTX yếu, kém không còn khả năng hồi phục; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các HTX yếu, diện tích nhỏ sáp nhập với các HTX trong vùng để tăng quy mô hoạt động. Tích cực thực hiện các biện pháp thông tin, truyền thông đến đối tượng HTX, Liên hiệp HTX để thay đổi mạnh mẽ hơn nữa về tư duy kinh doanh, có phương án sản xuất, kinh doanh đa dạng, tiếp cận với nhu cầu của khách hàng.

Chủ động nghiên cứu thị trường trong quá trình sản xuất, tập trung vào 08 nhóm sản phẩm nông nghiệp được quy hoạch sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao của tỉnh; Liên kết HTX với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn. Chú trọng nâng cao giá trị, chất lượng nông sản, hàng hóa đồng thời quan tâm xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm, ngành hàng chủ lực; khuyến khích sử dụng sản phẩm, dịch vụ nội bộ, để hỗ trợ cùng nhau phát triển.

Huy động các nguồn vốn phát triển HTX trên địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới để hoàn thành Tiêu chí số 13 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh An Giang. Huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX. Kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh lương thực tiếp tục tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ với các HTX, Liên hiệp HTX, nhằm góp phần tạo sự bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể địa phương.

1.6. Tài chính, ngân hàng

* Mục tiêu: Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả, công bằng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Trung ương về các giải pháp điều hành tiền tệ và tài khoá.

* Giải pháp

Triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính thuế, tập trung vào việc rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận "một cửa" giải quyết thủ tục hành chính thuế tại cơ quan Thuế các cấp. Tập trung khai thác các nguồn thu mới phát sinh trên địa bàn, tính đúng, tính đủ từng lĩnh vực thu, từng khoản thu theo chế độ.

Tổ chức, quản lý chặt chẽ nguồn thu và đối tượng nộp thuế thực tế phát sinh. Tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngăn chặn xử lý kịp thời các trường hợp trốn lậu thuế. Đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, thực hiện rà soát thu hồi nợ đọng thuế, các khoản thu được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán,…

Đẩy mạnh việc triển khai cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công theo lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2016 của Chính phủ.

Tiếp tục triển khai chương trình nối kết doanh nghiệp - ngân hàng thương mại để đẩy mạnh vốn tín dụng đầu tư một số lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang thiết lập đường dây nóng để xử lý kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp khi tiếp cận vốn tín dụng. Nâng hiệu quả hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ kịp thời nhu cầu đa dạng của khách hàng và doanh nghiệp.

1.7. Khoa học - công nghệ

* Mục tiêu: Phát huy vai trò của khoa học - công nghệ và xem khoa học - công nghệ là đòn bẩy của quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu từng bước nâng cao mức đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) của tỉnh. Đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Đẩy mạnh các nghiên cứu về mô hình chuyển dịch cơ cấu, tổ chức lại sản xuất; Sắp xếp, cơ cấu lại và phát triển nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

* Giải pháp

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 28/02/2013 của Tỉnh ủy về "Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Ưu tiên đầu tư các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm tăng cường hàm lượng khoa học và công nghệ trong các sản phẩm chủ lực của tỉnh, tạo nhiều sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị gia tăng cao (làm chủ được ít nhất 20 quy trình công nghệ trong sản xuất các sản phẩm chủ lực có giá trị cao). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao và ổn định; sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp; công nghệ sinh học trong chế biến, bảo quản các loại nông thủy sản, dược liệu...

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ; triển khai thực hiện các chính sách đặt hàng, đấu thầu, giao quyền sở hữu. Đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ quan nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong nền kinh tế thị trường. Thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ làm nhân tố cho sự phát triển khoa học và công nghệ.

Tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ ươm tạo, phát triển nhân lực khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Chương trình thúc đẩy năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Tăng cường các hoạt động khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển các liên kết, hợp tác công - tư trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các sản phẩm khoa học và công nghệ, hình thành và phát triển các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đổi mới và phát triển công nghệ theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thân thiện môi trường.

1.8. Tài nguyên và môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

* Mục tiêu: Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường gắn với việc thực hiện tăng trưởng xanh; Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và các vấn đề môi trường; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên theo hướng sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, ổn định và lâu dài theo đúng quy hoạch. Kiểm soát tốt môi trường và bảo vệ khu bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan du lịch; xử lý các khu điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

* Giải pháp

Tập trung triển khai thực hiện kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; thực hiện tốt các Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 04/02/2016 và số 09/CT-TTg ngày 12/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn; Kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 62-KH/TU ngày 26/08/2013 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Kế hoạch số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Kiểm soát khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường và phòng tránh sạt lở, sự cố môi trường; bảo vệ nguồn nước, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát tốt môi trường và bảo vệ khu bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan du lịch; xử lý các khu điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Duy trì và tiếp tục giám sát làm tốt việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, chú trọng tiếp, đối thoại với nhà đầu tư, doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tranh thủ các nguồn vốn thực hiện Dự án đầu tư hệ thống trạm quan trắc môi trường tỉnh An Giang để nâng chất lượng quan trắc, giám sát môi trường, đặc biệt là môi trường nước tại các nơi tiếp giáp với Campuchia và tại các nơi có khả năng xâm nhập mặn cao.

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tài nguyên và môi trường; tạo điều kiện để toàn xã hội giám sát, chia sẻ trách nhiệm trong bảo vệ môi trường. Kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tăng cường các biện pháp xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp, chất thải độc hại và chất thải y tế.

1.9. Hội nhập quốc tế

* Mục tiêu: Tiếp tục củng cố, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh; Thực hiện có hiệu quả công tác hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

* Giải pháp

Triển khai hiệu quả Kế hoạch số 317/KH-UBND tỉnh ngày 01/6/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 28/02/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội tỉnh An Giang trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Kế hoạch 241/KH-UBND ngày 14/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 12-CT-TW ngày 05/01/2017 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khai thác hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế góp phần đẩy nhanh việc tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tăng cường quảng bá hình ảnh và con người, những nét văn hóa đặc sắc của An Giang với bạn bè quốc tế.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp và nhân dân về hội nhập quốc tế: Tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng nội dung của Nghị quyết số 31/NQ-CP của Chính phủ; Tuyên truyền Chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại Tự do (FTA) đến năm 2020 của Việt Nam.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược thông tin đối ngoại giai đoạn 2016-2020. Xây dựng hệ thống thông tin về các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng của tỉnh An Giang để giới thiệu đến các Tham tán thương mại nước ngoài tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế khác. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại biên giới, củng cố mối quan hệ với các tỉnh giáp biên của Campuchia nhằm giữ vững đường biên giới hòa bình, ổn định.

Tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch hợp tác, kết nghĩa với các địa phương ở một số nước, tổ chức quốc tế có tầm quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của tỉnh. Lồng ghép việc thiết lập quan hệ hợp tác với địa phương nước ngoài với việc thiết lập quan hệ hữu nghị giữa các tổ chức nhân dân, tăng cường giao lưu trên nhiều lĩnh vực.

1.10. Thực hiện liên kết vùng

* Mục tiêu: Tăng cường liên kết với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm; tăng cường hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

* Giải pháp

Triển khai hiệu quả Quyết định số 2220/QĐ-TTg ngày 17/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 136/NQ-HĐV ngày 21/11/2016 của Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL giai đoạn 2015-2016 tại Hội nghị lần thứ nhất của hội đồng.

Tiếp tục tăng cường và chủ động hợp tác, liên doanh, liên kết và phối hợp phát triển với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh; triển khai Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của nhau để cùng phát triển và cùng có lợi.

Cùng với các tỉnh trong vùng, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Triển khai kế hoạch hợp tác với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm để kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án (có tính chất liên tỉnh, liên vùng).

2. Phát triển văn hóa - xã hội

2.1. Giáo dục và Đào tạo

* Mục tiêu: Xây dựng nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng với nhu cầu phát triển của xã hội.

* Giải pháp

Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 05 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Thực hiện việc đổi mới mô hình phát triển dựa vào chất lượng, chú trọng giáo dục đạo đức, đưa công tác tư vấn vào trường học nhằm giảm tình trạng bạo lực học đường. Tiếp tục ưu tiên đầu tư các điểm trường thuộc các xã trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, lộ trình chuẩn quốc gia.

Hoàn thành và tổ chức thực hiện Đề án chuyển giao Trường Đại học An Giang là thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhằm từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy; tiếp tục triển khai Đề án sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Phát triển mạng lưới trường lớp theo quy hoạch, chú trọng hạ tầng công nghệ thông tin; tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh đầu cấp; Tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục tại các cơ sở trường học.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi cử theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đổi mới chương trình giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường. Củng cố chất lượng giáo dục phổ thông, tiếp tục duy trì chất lượng trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu Đề án Xây dựng Xã hội học tập và Đề án Xóa mù chữ đến năm 2020, quyết tâm nâng mức độ đạt của công tác phổ cập giáo dục các cấp học, đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ học sinh đi học so dân số độ tuổi; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học.

Tiếp tục triển khai 4 nội dung: Nói không với tiêu cực trong thi cử; không xảy ra bệnh thành tích trong giáo dục; không vi phạm đạo đức nhà giáo và không để học sinh ngồi sai lớp; Nâng cao trách nhiệm điều hành, quản lý ngân sách của các đơn vị trường học, nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ kế toán. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cả về chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp. Triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách đối với nhà giáo.

2.2. Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân

* Mục tiêu: Tiếp tục xây dựng củng cố hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tật, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng dân số, góp phần vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

* Giải pháp:

Xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết: Nghị quyết 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới.

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập từ tự chủ một phần kinh phí hoạt động thường xuyên sang tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên (chuyển từ nhóm 3 sang nhóm 2 theo Nghị định 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập).

Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức các đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh và các đơn vị y tế tuyến huyện. Kiện toàn và ổn định mô hình tổ chức hệ thống y tế từ tỉnh đến xã; vừa củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, vừa phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu; tăng cường đầu tư phát triển y tế công lập đi đôi với việc khuyến khích và tạo điều kiện phát triển y tế ngoài công lập; phát triển y học hiện đại gắn với y học cổ truyền.

Triển khai đồng bộ giải pháp giảm tải bệnh viện, thực hiện tốt bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện và tăng sự hài lòng của người bệnh; nâng cao chất lượng mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh các tuyến; phát triển một số chuyên ngành bệnh viện tuyến tỉnh thành vệ tinh cho các bệnh viện tuyến trung ương tại Tp HCM: tim mạch, mắt, sản nhi, chấn thương chỉnh hình, ngoại khoa gan mật…; nâng cao năng lực mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh các bệnh viện chuyên khoa. Xây dựng cơ sở y tế kết hợp quân - dân y, đặc biệt là ở các khu vực biên giới. Củng cố, phát triển và hiện đại hóa mạng lưới vận chuyển cấp cứu ngoại viện trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền và kế hoạch hành động về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020; đẩy mạnh sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và dược liệu. Củng cố hệ thống tổ chức y dược cổ truyền từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, xúc tiến chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền với quy mô 100 giường; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các khoa, tổ y học cổ truyền tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện; tăng cường hoạt động y học cổ truyền tại các trạm y tế.

Tăng cường các hoạt động giám sát và kiểm soát các chất thải gây ô nhiễm môi trường; xử lý các chất thải y tế và các chất thải độc hại. Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng và nhân sự cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế dự phòng. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đủ khả năng kiểm soát tốt hơn các bệnh truyền nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế lao động, vệ sinh môi trường.

Nâng cao công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Duy trì mức sinh thấp hợp lý, khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, mở rộng cung cấp các dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, giảm dị tật và bệnh bẩm sinh, đáp ứng nhu cầu dịch vụ của người dân.

2.3. Lao động, việc làm

* Mục tiêu: Thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Đẩy mạnh các hoạt động bảo trợ, trợ giúp xã hội; quan tâm thực hiện tốt chính sách người có công cách mạng; Nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm, tạo chuyển biến tích cực về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và quyền trẻ em.

* Giải pháp

Tập trung đổi mới, nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm cho người lao động. Triển khai thực hiện tốt và kịp thời các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn"; quan tâm triển khai thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ dạy nghề theo đơn đặt hàng của người sử dụng lao động. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Ban Quan hệ lao động và phòng ngừa, giải quyết đình công, lãn công tỉnh; Ban Quản lý Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020.

Đổi mới hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án "Tăng cường đưa lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016 - 2020"; nghiên cứu điều chỉnh chính sách hỗ trợ tín dụng xuất khẩu lao động ở những thị trường thu nhập cao. Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp đào tạo xuất khẩu lao động để tăng số lượng lao động đi làm việc nước ngoài; khảo sát, đánh giá trình độ tay nghề để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Lồng ghép có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Xây dựng triển khai nhân rộng các mô hình giảm nghèo; Củng cố, mở rộng các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung các đối tượng yếu thế. Tiếp tục rà soát, tiếp nhận và giải quyết kịp thời hồ sơ và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho người có công. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào xã hội hóa trên lĩnh vực an sinh xã hội.

Triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2016-2020; triển khai kịp thời Nghị định số 56/2017/NĐ-CP , quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em năm 2016; tham mưu thành lập Hội bảo vệ quyền trẻ em tại An Giang. Tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở. Lồng ghép thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020; từng bước bảo đảm bình đẳng giới trong mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; thu hẹp khoảng cách giới, xóa dần định kiến về giới trong đời sống xã hội.

2.4. Văn hóa - Thể thao, Thông tin - Truyền thông

a) Văn hóa - Thể thao

* Mục tiêu: Phát triển văn hóa và con người Việt Nam theo hướng toàn diện; văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Xây dựng gia đình no ấm, văn hóa, tiến bộ, hạnh phúc. Phát triển sâu rộng thể dục thể thao quần chúng để nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tăng tuổi thọ của người Việt Nam, nâng cao vị thế thể thao trong nước và quốc tế.

* Giải pháp

Nâng cao công tác quản lý nhà nước trong các hoạt động văn hóa, gia đình, thể dục - thể thao. Tăng cường công tác đối ngoại, giao lưu về văn hóa, gia đình, thể dục thể thao. Sắp xếp, kiện toàn bộ máy của ngành văn hóa - thể thao theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để chấn chỉnh kịp thời những vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm văn hóa, hoạt động biểu diễn nghệ thuật…

Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Chính phủ. Xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế. Tăng mức hưởng thụ văn hóa và đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc ít người; tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng rộng khắp, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Chú trọng, nâng cao hơn nữa công tác đầu tư các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao. Bên cạnh đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa, coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, làm cho văn hóa tham gia tích cực vào việc thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

b) Thông tin - truyền thông

* Mục tiêu: Từng bước phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông phủ khắp cả tỉnh đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin của toàn xã hội; Tăng tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước gắn với cải cách hành chính. Từng bước phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông phủ khắp cả tỉnh đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin của toàn xã hội.

* Giải pháp

Tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với nhân dân trong tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thông tin, đảm bảo công tác thông tin trung thực, chính thống, kịp thời, tránh đưa những thông tin bất lợi, tạo dư luận xấu, gây tâm lý bất an trong xã hội, kịp thời phản tuyên truyền những thông tin không đúng sự thật. Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thông tin và truyền thông nông thôn giai đoạn 2016-2020.

Tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Phát động thi đua ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính, nhất là các ứng dụng nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước, các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Kiểm tra, đôn đốc các ngành, đơn vị triển khai cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 1 và 2 trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh và Cổng Thông tin thành phần của Sở, ban, ngành và huyện, thị, thành phố; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và tăng cường, mở rộng việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính bằng dịch vụ bưu chính công ích (mức độ 4).

3. Quốc phòng - an ninh

* Mục tiêu: Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm, vùng biên giới và các khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài.

* Giải pháp

Tiếp tục đẩy mạnh quán triệt Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới"; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Nghị định số 02/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về khu vực phòng thủ; Nghị định số 74/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về phòng không nhân dân; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 10/8/2016 của Tỉnh ủy về củng cố quốc phòng - an ninh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường kiểm tra công tác quân sự, quốc phòng địa phương, công tác tuyển quân theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, công tác tuyển sinh quân sự, xây dựng lực lượng, giáo dục quốc phòng và an ninh, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng theo phân cấp.

Tiếp tục củng cố lực lượng Công an tỉnh nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội. Ngân sách tiếp tục hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đưa đơn vị Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh và hệ thống cấp huyện vào hoạt động đảm bảo thực thi nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.

Tăng cường công tác nắm tình hình, nhất là tình hình ngoại biên, chủ động phương án đối phó khi có tình huống xảy ra, thực hiện nghiêm mệnh lệnh, chỉ thị sẵn sàng chiến đấu năm 2018 của Bộ Quốc phòng và của Quân khu; duy trì tốt quy chế phối hợp giữa Công an, Quân sự, Biên phòng bảo vệ an ninh quốc gia; sẵn sàng lực lượng và phương tiện tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn. Triển khai thực hiện Đề án bảo đảm quốc phòng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030, Đề án công tác phòng không nhân dân giai đoạn 2016 - 2020.

Tăng cường đào tạo và đẩy mạnh hoạt động các đội đặc nhiệm, để trấn áp tội phạm, đặc biệt tội phạm lứa tuổi thanh thiếu niên xu hướng gia tăng; chú trọng đến tình hình an ninh - trật tự xã hội vùng nông thôn; trọng tâm là tập trung vào các loại tội phạm về ma túy, cướp giật, không để xảy ra vụ việc phức tạp về an ninh trật tự nhất là trong dịp tết, lễ hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và sự ổn định của xã hội. Tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy và buôn lậu qua biên giới.

Tăng cường hợp tác đối ngoại, hợp tác với các tỉnh giáp biên giới, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác để duy trì ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là lực lượng chức năng hai tỉnh Kandal, TàKeo - Vương quốc Campuchia trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm khủng bố, tội phạm hình sự, ma túy, tội phạm mua bán người.

4. Điều hành và quản lý nhà nước

* Mục tiêu: Xây dựng nền hành chính công trong sạch, vững mạnh, minh bạch, thông suốt, chuyên nghiệp, tiến tới hiện đại; Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Đảm bảo hiệu lực quản lý, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

* Giải pháp

Triển khai và giám sát việc thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số quản trị hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2018 để thực hiện đạt hiệu quả. Tập trung xây dựng nền hành chính công trong sạch, vững mạnh, minh bạch, thông suốt, chuyên nghiệp, tiến tới hiện đại; Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đưa Trung tâm Hành chính công chính thức đi vào hoạt động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Đảm bảo hiệu lực quản lý, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, Tỉnh tiếp tục sắp xếp kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước trong một số lĩnh vực và thực hiện tinh giảm biên chế theo Nghị định 108/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ và Đề án vị trí việc làm theo Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/04/2013 của Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ việc tuyển dụng, xét tuyển công chức, viên chức ở các ngành, các cấp.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 377/CTr-UBND ngày 14/7/ 2016 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và trở thành động lực phát triển của tỉnh.

Thực hiện quản lý hiệu quả kế hoạch đầu tư công theo các quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/09/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ và các Nghị định khác hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/ 2015 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động của tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế. Tăng cường hoạt động đối ngoại để tranh thủ sự hỗ trợ các đối tác nước ngoài, tổ chức quốc tế trong một số lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh.

Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm, vùng biên giới và các khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài. Đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh chính trị, an ninh biên giới, phòng chống tội phạm và đảm bảo trật tự an toàn xã hội nhất là trong các dịp lễ, hội. Đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kéo giảm các tiêu chí an toàn giao thông.

Giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo còn tồn đọng; đẩy mạnh công tác tiếp và đối thoại với công dân..., không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người nhằm ổn định tình hình để tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí thông qua sự hỗ trợ, vai trò giám sát của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân, tạo nhiều kênh thông tin để báo chí, nhân dân tham gia giám sát, tố giác những tổ chức cá nhân vi phạm.

VI. Tổ chức thực hiện

Năm 2018, là năm giữa nhiệm kỳ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Trên tinh thần đó, các ngành, các cấp cần xác định rõ nhiệm vụ, yêu cầu để từ đó xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 theo hướng tích cực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và điều kiện để duy trì mức tăng trưởng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đã đề ra./.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

 

 





Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật trẻ em Ban hành: 09/05/2017 | Cập nhật: 09/05/2017

Nghị định 74/2015/NĐ-CP về phòng không nhân dân Ban hành: 09/09/2015 | Cập nhật: 14/09/2015

Nghị định 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật hợp tác xã Ban hành: 21/11/2013 | Cập nhật: 14/12/2013