Nghị quyết 38/2016/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017
Số hiệu: | 38/2016/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh An Giang | Người ký: | Võ Anh Kiệt |
Ngày ban hành: | 09/12/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Văn hóa , thể thao, du lịch, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/2016/NQ-HĐND |
An Giang, ngày 09 tháng 12 năm 2016 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2017
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và nhất trí thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016:
Năm 2016, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn: thời tiết diễn biến phức tạp, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân; về giá cả và thị trường hai mặt hàng chủ lực của tỉnh là lúa, gạo và thủy sản tiếp tục không ổn định; hoạt động sản xuất kinh doanh của đa số doanh nghiệp có dấu hiệu hồi phục nhưng còn chậm, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp vẫn còn bấp bênh, tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm.
Nhưng với sự nỗ lực vượt khó của các tầng lớp nhân dân, chính quyền các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016 đã đạt và vượt 19/22 chỉ tiêu so Nghị quyết đã đề ra (chiếm 86,36% tổng chỉ tiêu), đặc biệt là mục tiêu về tăng trưởng kinh tế đã đạt được kế hoạch với phương án phấn đấu. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhìn chung vẫn ổn định, không để xảy ra điểm nóng trong dịp tết, lễ hội; cải cách hành chính được các ngành, các cấp tham gia tích cực và thường xuyên; triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững hơn trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập:
- Tăng trưởng kinh tế tuy đạt kế hoạch đề ra, nhưng nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với các địa phương khác trong vùng;
- Thu ngân sách những năm gần đây có chiều hướng chậm lại, kim ngạch xuất khẩu nhiều năm liền không đạt kế hoạch đề ra, nhất là hai mặt hàng chủ lực của tỉnh đều giảm về lượng và giá trị...;
- Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27 tháng 6 năm 2012 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đến nay vẫn còn chậm so mục tiêu Nghị quyết đề ra; xử lý nợ xấu trong lĩnh vực chế biến nông - thủy sản còn chậm; một số công trình đầu tư xây dựng trọng điểm của tỉnh thực hiện còn chậm so tiến độ;
- Sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các ngành và địa phương triển khai các cơ chế, chính sách mới; đời sống của người dân vẫn còn khó khăn, nhất là ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc, tỷ lệ số hộ cận nghèo giảm thấp, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao.
2. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017:
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới đang phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu nhiều hơn, những sản phẩm có lợi thế so sánh sẽ có cơ hội để phát triển. Trong nước, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được Chính phủ quan tâm đầu tư, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp diễn ra nhanh, các cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện, chính sách về cánh đồng lớn, về ứng dụng công nghệ cao đã và đang triển khai vào thực tiễn; Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu và chính sách phát triển các ngành hàng để tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ những rào cản giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, mạnh dạn mở rộng đầu tư và xuất khẩu. Tỉnh An Giang có một số chính sách đặc thù thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn đã được xây dựng và bắt đầu áp dụng, các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất sẽ tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp phát triển mạnh trong năm 2017 và giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên vẫn còn một số khó khăn như: hai mặt hàng chủ lực của tỉnh là lúa và cá vẫn chưa thể sớm phục hồi trong thời gian trước mắt, giá gạo xuất khẩu trên thế giới tiếp tục giảm, cá tra vẫn gặp bất lợi về giá và rào cản kỹ thuật; tình hình thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường,... tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và thủy sản, đến nguồn nguyên liệu cho công nghiệp và đời sống người dân; chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh; hạ tầng giao thông tuy được quan tâm đầu tư nhưng nhìn chung còn thiếu đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư của tỉnh; chính sách khuyến khích đầu tư của Nhà nước còn rời rạc, bị cắt khúc và thiếu đồng bộ.
Từ những dự báo thuận lợi và khó khăn nêu trên, Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, như sau:
a) Mục tiêu.
- Khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng; phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế ổn định, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh.
- Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến.
- Tập trung đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
- Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông.
b) Các chỉ tiêu chủ yếu.
- Tốc độ tăng tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) theo giá so sánh 2010 tăng 6,7% so với năm 2016.
- GRDP bình quân đầu người đạt 36,939 triệu đồng, tương đương 1.642 USD1.
- Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông nghiệp chiếm 33%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 13,96%; khu vực dịch vụ chiếm 51,50%; thuế sản phẩm trừ trợ giá chính sách chiếm 1,54%.
- Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 166 triệu đồng/ha (tăng khoảng 6 triệu đồng/ha so với 2016).
- Kim ngạch xuất khẩu đạt 820 triệu USD.
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 26.189 tỷ đồng.
- Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn khoảng 5.405 tỷ đồng.
- Quy mô dân số đạt 2.163 nghìn người.
- Tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động.
- Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đạt 54%.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5% so năm 2016.
- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 76%.
- Số giường bệnh trên 10.000 dân khoảng 20,44 giường.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân khoảng 11,7%.
- Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi/1000 trẻ đẻ sống khoảng 6‰.
- Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi/1000 trẻ đẻ sống khoảng 11,2‰.
- Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt khoảng 99,6%.
- Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi bậc trung học cơ sở đạt khoảng 89%.
- Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi bậc THPT đạt khoảng 53%.
- Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 83%.
- Tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán đạt 22,4%.
- Đến cuối năm 2017 có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
c) Thực hiện 3 đột phá phát triển kinh tế - xã hội.
- Về phát triển nông nghiệp.
Thực hiện đồng bộ những chính sách phát triển và thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ sinh học trong việc lai tạo chọn giống tốt, kỹ thuật canh tác tiên tiến... Đào tạo nâng cao trình độ phát triển đội ngũ khoa học và nông dân đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn.
Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, theo nhu cầu thị trường, trong đó lấy doanh nghiệp và nông dân làm trọng tâm. Tập trung mời gọi, thu hút đầu tư, lấy ứng dụng khoa học làm khâu đột phá; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án nông nghiệp; mở rộng mô hình liên kết vệ tinh để khuyến khích các hộ nông dân chuyển từ sản xuất kinh tế hộ, nhỏ lẻ sang sản xuất mô hình gia trại, quy mô trung bình. Chủ động nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách để phát huy nội lực của tỉnh và lợi thế liên kết vùng của tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Về phát triển du lịch.
Triển khai định hướng phát triển ngành du lịch của tỉnh trên cơ sở kết quả tư vấn của tổ chức Hỗ trợ quốc tế Hà Lan PUM hỗ trợ. Huy động nhiều nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch đi đôi với việc nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư ngành du lịch. Trong đó, tập trung đầu tư để kết nối bốn khu du lịch trọng điểm của tỉnh (Châu Đốc - Long Xuyên - Núi Cấm - Óc Eo). Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động du lịch, tăng cường các hoạt động khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển loại hình dịch vụ và sản phẩm du lịch; hình thành chuỗi liên kết thương mại - dịch vụ - du lịch để khai thác tốt nhu cầu khách du lịch.
Phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách; kiện toàn bộ máy quản lý ngành du lịch, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.
- Về phát triển nguồn nhân lực.
Triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển nông nghiệp, du lịch và lĩnh vực nghiên cứu khoa học - công nghệ; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức có trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập theo Chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020 của Tỉnh ủy.
Phát triển nguồn nhân lực phải gắn với quá trình đổi mới về chất lượng đào tạo; nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Tập trung nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ và tin học cho học sinh phổ thông, đẩy mạnh tin học hóa trong giảng dạy và quản lý giáo dục. Tiếp tục khuyến khích xã hội hóa và huy động nhiều nguồn lực đầu tư lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực và dạy nghề đáp ứng yêu cầu của xã hội và phát triển kinh tế của tỉnh.
d) Một số nhiệm vụ giải pháp cần tập trung.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp; từng bước tổ chức lại sản xuất, mở rộng mô hình chuỗi liên kết gắn với thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Triển khai chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thu hút vốn đầu tư, từng bước hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp, phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các công trình khu, cụm công nghiệp để mời gọi đầu tư, giải quyết lao động địa phương. Tiếp tục hỗ trợ các ngành công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề theo chương trình hỗ trợ khuyến công quốc gia để nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp cơ khí, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thực hiện Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020”; triển khai Quỹ phát triển khoa học công nghệ hỗ trợ đổi mới công nghệ, ưu tiên ứng dụng, chuyển giao công nghệ sau thu hoạch, công nghệ sản xuất sạch; tập trung một số lĩnh vực định hướng ưu tiên phát triển trong thời gian tới.
Thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách trong chi tiêu và đầu tư công; quản lý tốt nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công. Khai thác, quản lý chặt chẽ các nguồn thu đi đôi thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh xã hội hóa và giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đẩy mạnh xã hội hóa và mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại và dịch vụ du lịch. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, những hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các khu, điểm du lịch và các loại hình dịch vụ du lịch.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao công tác giáo dục, hạn chế tình trạng bỏ học, duy trì kết quả phổ cập bằng hình thức học tập chính quy. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng phục vụ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân; mở rộng các mô hình dịch vụ y tế. Thực hiện tốt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh trẻ em dưới 6 tuổi.
Tập trung thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án đã ban hành tạo nhiều việc làm mới và giải quyết việc làm cho người lao động. Phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp tổ chức tuyển chọn, giáo dục định hướng, dạy nghề tạo nguồn cho xuất khẩu lao động theo yêu cầu của thị trường.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội; tổ chức thực hiện tốt Đề án hỗ trợ người có công cách mạng về nhà ở; thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đối tượng người có công cách mạng.
Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục, thể thao, văn hóa; phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tiếp tục tăng cường và chủ động hợp tác, liên doanh, liên kết và phối hợp phát triển với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phố khác trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của từng địa phương; đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh và trở thành động lực phát triển của tỉnh.
Giải quyết nhanh kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân; tổ chức gặp gỡ công dân định kỳ để lắng nghe ý kiến và đối thoại với người dân từ đó hạn chế những vụ khiếu kiện đông người. Tăng cường công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng; thực hiện tốt quy chế phối hợp và quy chế dân chủ cơ sở với các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, nâng cao sức mạnh tổng hợp và trình độ sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường trấn áp các loại tội phạm, các tệ nạn xã hội, buôn lậu qua biên giới, đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, chỉ đạo, điều hành và kiểm tra việc thực hiện của các ngành, các cấp. Tăng cường trách nhiệm, phối hợp hành động giữa các ngành và địa phương để đảm bảo thực hiện thắng lợi nghị quyết.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, tăng cường tuyên truyền, giám sát, đôn đốc các ngành, các cấp và vận động nhân dân tích cực thực hiện nghị quyết.
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX, kỳ họp thứ 3 kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phát huy thành tích đạt được, triệt để tiết kiệm trong tiêu dùng, sản xuất, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, tận dụng thời cơ thuận lợi, khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh nhà, đoàn kết thống nhất, chung sức, chung lòng thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu năm 2017 theo Nghị quyết đã đề ra.
Điều 3. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang khóa IX, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 19 tháng 12 năm 2016./.
|
CHỦ TỊCH |
Quyết định 807-TTg năm 1996 bổ sung thành viên Ban chỉ đạo về phát triển thuỷ lợi và xây dựng nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long Ban hành: 31/10/1996 | Cập nhật: 16/12/2009
Quyết định 59-CT về việc thực hiện kế hoạch hợp tác lao động với các nước xã hội chủ nghĩa năm 1988 Ban hành: 07/03/1988 | Cập nhật: 15/12/2009
Thông tư 1 năm 1974 quy định phạm vi, giờ gửi, nhận và chuyển, phát bưu phẩm, khu vực phát bưu phẩm ở các cơ sở Bưu điện Ban hành: 02/01/1974 | Cập nhật: 04/07/2007