Nghị quyết 14/NQ-HĐND năm 2019 về đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020
Số hiệu: 14/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn Người ký: Nguyễn Văn Du
Ngày ban hành: 17/07/2019 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/NQ-HĐND

Bắc Kạn, ngày 17 tháng 7 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 72/BC-ĐGS ngày 12 tháng 7 năm 2019 của Đoàn Giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành Báo cáo số 72/BC-ĐGS ngày 12 tháng 7 năm 2019 của Đoàn Giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về: “Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020”.

Trong những năm qua, với sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, các địa phương, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả nhất định; các mục tiêu, chỉ tiêu chính cơ bản đạt theo kế hoạch đã đề ra. Các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đã góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo sự chuyển biến về kết cấu hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế được đưa vào sản xuất, vấn đề giải quyết việc làm được quan tâm, qua đó góp phần tăng thu nhập từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm từng năm.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững vẫn còn một số hạn chế như: Cơ chế quản lý chương trình còn bất cập; sự phối hợp trong công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình chưa chặt chẽ, thường xuyên; công tác chỉ đạo của chính quyền, cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo giảm nghèo một số địa phương chưa quyết liệt; công tác xây dựng kế hoạch nguồn vốn sự nghiệp chưa đúng quy trình, thực hiện giải ngân chậm; việc sử dụng vốn đầu tư chưa tập trung; năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư còn hạn chế; công tác chỉ đạo nhân rộng mô hình giảm nghèo chưa được chú trọng; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình còn hạn chế và chưa kịp thời. Một số ít người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.

Điều 2. Để đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện và chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Về quản lý chương trình: Sớm đánh giá việc phân công nhiệm vụ của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo; phân công cơ quan giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, tham mưu về công tác giảm nghèo đảm bảo đúng quy định và phù hợp với thực tế địa phương. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo/Ban Quản lý các cấp; tăng cường sự phối hợp, theo dõi, hướng dẫn giữa các ngành chức năng và giữa ngành chức năng với cơ sở trong triển khai thực hiện chương trình.

2. Triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững hằng năm đúng quy định. Việc xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo phải đồng thời với thời gian xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với quy hoạch dân cư, quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lợi thế của địa phương, đảm bảo có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, người dân hưởng lợi và cộng đồng; các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo phải cụ thể, sát thực tế.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đến đông đảo cán bộ, người dân để nắm vững mục tiêu, ý nghĩa công tác giảm nghèo bền vững; nâng cao trách nhiệm thực hiện Chương trình của các ngành, cán bộ làm công tác giảm nghèo; ý thức vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo.

4. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung:

- Quản lý, sử dụng có hiệu quả và giải ngân đảm bảo tiến độ nguồn vốn được phân bổ; tập trung lồng ghép các nguồn vốn, thực hiện tốt nguyên tắc đầu tư luân phiên cho các xã, thôn khó khăn nhất; thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng cho hộ nghèo; quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ vì người nghèo; tạo việc làm công cho người dân thông qua việc tham gia xây dựng công trình trên địa bàn theo quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-UBDT ngày 10/5/2017 của Ủy ban Dân tộc quy định chi tiết thực hiện Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Tăng cường phân cấp cho cấp xã làm chủ đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (đối với các xã có đủ điều kiện).

- Chú trọng nhân rộng mô hình giảm nghèo; định hướng cho cơ sở xây dựng các dự án, mô hình phù hợp với điều kiện lợi thế, gắn sản xuất theo chuỗi giá trị với quy hoạch sản xuất vùng. Quan tâm hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp để đảm bảo giảm nghèo bền vững. Hằng năm tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các dự án, mô hình phát triển sản xuất, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai và nhân rộng các dự án, mô hình ở địa phương.

- Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, tạo việc làm cho lao động sau đào tạo nghề.

- Tiếp tục nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Thực hiện giải pháp tăng cường cán bộ cho huyện nghèo, xã nghèo theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chuyên môn, của Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Sớm khắc phục, xử lý dứt điểm các kết luận, kiến nghị của các cơ quan kiểm toán, thanh tra trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND các cấp tổ chức thực hiện Nghị quyết, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện tại các kỳ họp thường lệ cuối năm.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn khóa IX, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 17 tháng 7 năm 2019./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- VPQH, VPCP, VPCTN;
- Ban Công tác đại biểu (UBTVQH);
- TT. Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT. Huyện (Thành) ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN các huyện, thành phố;
- LĐVP;
- Phòng Công tác HĐND;
- Lưu: VT, HS.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Du