Chỉ thị 09/CT-TTg năm 2017 về tổng kết thực hiện Luật dân quân tự vệ năm 2009
Số hiệu: | 09/CT-TTg | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 24/03/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Quốc phòng, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔNG KẾT THỰC HIỆN LUẬT DÂN QUÂN TỰ VỆ NĂM 2009
Luật dân quân tự vệ số 43/2009/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 12, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2010. Sau gần 8 năm thực hiện, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật dân quân tự vệ đi vào cuộc sống, đạt kết quả thiết thực; chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của dân quân tự vệ đi vào cuộc sống từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tăng cường và củng cố tiềm lực quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, cơ sở.
Tuy nhiên, một số chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, ban hành từ năm 2009 đến nay, nhất là Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Hiến pháp năm 2013 chưa được cập nhật, bổ sung trong luật. Hiện nay, Luật dân quân tự vệ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về tổ chức xây dựng, huấn luyện, đào tạo, hoạt động và bảo đảm chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ; một số quy định của Luật dân quân tự vệ không còn phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của nước ta trong tình hình hiện nay.
Để đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện Luật dân quân tự vệ và hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật dân quân tự vệ, báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội khóa XIV (kỳ họp thứ 5 vào năm 2018) xem xét, quyết định và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Tổ chức tổng kết thực hiện Luật dân quân tự vệ giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2017 trên phạm vi toàn quốc. Nội dung tổng kết cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau đây:
- Đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về dân quân tự vệ:
+ Những hạn chế, vướng mắc, bất cập về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân quân tự vệ nói riêng và trong tổng thể công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương nói chung.
+ Làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Luật dân quân tự vệ.
- Đánh giá sự phù hợp, thống nhất, đồng bộ giữa Luật dân quân tự vệ với Hiến pháp năm 2013, các văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế có liên quan và những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật dân quân tự vệ và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
- Phương hướng, nhiệm vụ và đề xuất chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng tổng hợp, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về dân quân tự vệ trong tình hình mới.
- Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân quân tự vệ.
2. Phương pháp, thời gian tổng kết
a) Bộ, ngành trung ương; Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; cơ quan, tổ chức có Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở hoặc có đơn vị tự vệ; doanh nghiệp quân đội có tổ chức tự vệ: Báo cáo tổng kết bằng văn bản (không tổ chức hội nghị tổng kết), hoàn thành trước ngày 31 tháng 8 năm 2017.
b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ Quốc phòng: Tổ chức hội nghị tổng kết; thời gian hoàn thành trước ngày 30 tháng 9 năm 2017.
c) Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ tổ chức hội nghị tổng kết trực tuyến toàn quốc; thời gian hoàn thành trước ngày 30 tháng 11 năm 2017.
3. Kinh phí bảo đảm tổng kết, khen thưởng
Kinh phí tổng kết, khen thưởng được bảo đảm từ kinh phí của các bộ, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật. Bộ Quốc phòng bảo đảm kinh phí tổng kết, khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, hội nghị tổng kết toàn quốc và công tác nghiên cứu, soạn thảo các văn bản trong hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật dân quân tự vệ theo quy định.
4. Tổ chức thực hiện
a) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch tổng kết và tổ chức thực hiện; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả tổng kết trước ngày 15 tháng 12 năm 2017.
b) Ban Thi đua khen thưởng Trung ương phối hợp với Bộ Quốc phòng và cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân quân tự vệ.
5. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
|
THỦ TƯỚNG |