Quyết định 399/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
Số hiệu: 399/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang Người ký: Nguyễn Đình Quang
Ngày ban hành: 16/11/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Chính sách xã hội, Dân tộc, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 399/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 16 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI, GIAI ĐOẠN 2017-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017-2020;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22/5/2017 của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017-2020;

Căn cứ Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-UBDT-BTC ngày 27/12/2013 của liên Bộ: Ủy ban Dân tộc và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 04/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015;

Căn cứ Văn bản số 1061/UBDT-CSDT ngày 05/10/2017 của Ủy ban Dân tộc về việc góp ý dự thảo Đề án theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg tỉnh Tuyên Quang;

Căn cứ Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 13/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành quy định hạn mức giao đất ở và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở; hạn mức giao đất trống đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;

Căn cứ Quyết định số 166/QĐ-UBND ngày 05/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất để làm cơ sở xác định hộ thiếu đất sản xuất thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 1266/SKH-KGVX ngày 27/10/2017 về việc thẩm định Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (có Đề án chi tiết kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng ban Dân tộc tỉnh; Giám đốc Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Tuyên Quang, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Dân tộc; (Báo cáo)
- Các Bộ: TC; KH&ĐT; (Báo cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy; (Báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; (Báo cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh; (Báo cáo)
- Các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 2; (thực hiện)
- Các Phó CVP UBND tỉnh;
- Trưởng phòng khối NCTH;
- Lưu VT, KGVX (Tùng).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Quang

 

ĐỀ ÁN

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI, GIAI ĐOẠN 2017-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Kèm theo Quyết định số 399/QĐ-UBND ngày 16/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)

Phần thứ nhất

KHÁI QUÁT VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH TUYÊN QUANG

1. Điều kiện tự nhiên, xã hội

Tuyên Quang là tỉnh miền núi, phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang, tỉnh Cao Bằng; phía Đông giáp tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn; phía Tây giáp tỉnh Yên Bái; phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc.

Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 586.790 ha, trong đó 70% là đồi núi. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp 85.097 ha; đất lâm nghiệp 441.758 ha (bao gồm cả diện tích đất rừng sản xuất, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ).

Tỉnh có 6 huyện và 1 thành phố; 141 xã, phường, thị trấn; 2.096 thôn, bản, tổ nhân dân, được phân loại theo các tiêu chí 3 khu vực cụ thể như sau:

- Xã Khu vực I: 26.

- Xã khu vực II: 54.

- Xã khu vực III: 61.

Toàn tỉnh có 699 thôn đặc biệt khó khăn, trong đó: Xã khu vực II là 127 thôn và xã khu vực III là 572 thôn.

Dân số tỉnh Tuyên Quang có 766.872 người, 22 dân tộc, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm ≈54% tổng dân số toàn tỉnh.

2. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm gần đây

2.1. Về kết cấu hạ tầng

- Lĩnh vực giao thông - vận tải, từ năm 2011 đến 2015 trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới trên 250 km đường giao thông. Hoàn thành xây dựng 3/3 cầu lớn (cầu Kim Xuyên, huyện Sơn Dương; cầu Tứ Quận, huyện Yên Sơn; cầu Ba Đạo, huyện Na Hang). Cải tạo, nâng cấp 222 km đường tỉnh; 76 km đường đô thị, đầu tư xây dựng 227 km đường huyện.

Đầu tư nhựa hóa đường từ trung tâm cấp huyện đến trung tâm cấp xã và đầu tư mở mới đường đến trung tâm các thôn bản trên 877 km.

Triển khai thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án (Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Di dân tái định cư Thủy điện Tuyên Quang, Dự án TNSP,...) để đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn đảm bảo hiệu quả, khai thác sử dụng lâu dài. Kết quả thực hiện chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn đến cuối năm 2015, toàn tỉnh đã xây dựng trên 2.700km đường giao thông nông thôn. Từ những kết quả đạt được, đến nay 100% xã, phường, thị trấn và 99,8% thôn, bản (2.092/2.096 thôn, bản) có đường ô tô đến trung tâm.

Kết cấu hạ tầng điện nông thôn đã được tích cực triển khai thực hiện; các công trình xây dựng đường điện và trạm biến áp cung cấp điện cho các xã miền núi, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Đến nay 100% số xã, với 2.044/2096 thôn, bản, trên 97,83% hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia. (giai đoạn 2005-2010 có 100% số xã, thị trấn, trên 83 % hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia).

- Về phát triển kinh tế: Trong giai đoạn 2011-2015, kinh tế của tỉnh có tốc độ tăng trưởng bình quân là 14,08 %/năm (tính theo giá so sánh năm 1994). Năm 2016, tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh năm 2010) tăng 8,0% so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch dần theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản (giai đoạn 2005-2010, tốc độ tăng trưởng đạt 11,04%).

- Về công tác giáo dục đào tạo: Triển khai việc đổi mới công tác dạy và học ở các cấp học, bậc học, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Huy động các nguồn lực và sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013.

Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được quan tâm và tạo điều kiện phát triển; đến nay toàn tỉnh có 07 trường phổ thông dân tộc nội trú, 08 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở; việc thực hiện chính sách cử tuyển đối với học sinh dân tộc thiểu số đã được thực hiện đúng quy định.

Cơ sở vật chất trường lớp học được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng. Giai đoạn 2011-2015 đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 351 phòng, lớp học mầm non đạt tiêu chuẩn, đầu tư xây dựng 359 công trình vệ sinh, nước sạch cho các trường học. Trong đó, năm 2012 bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo, tỉnh đã đầu tư xây dựng 96 phòng học cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đến nay, 100% các xã đã có trường mầm non, tất cả các thôn, bản, liên thôn bản có lớp học mầm non. 100% số xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; các cụm xã có trường trung học phổ thông.

- Về công tác Y tế: Huy động, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước, tập trung đầu tư xây dựng trạm y tế tại các xã, phường, thị trấn; bệnh viện Đa khoa khu vực để thực hiện khám chữa bệnh cho nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Kết quả đến hết năm 2016, 141 xã, phường, thị trấn đã có trạm y tế với 705 giường bệnh, 06 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 03 bệnh viện đa khoa khu vực và 05 bệnh viện tuyến tỉnh với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế của tỉnh. Mạng lưới y tế được củng cố, các bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, triển khai một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị. Đội ngũ cán bộ y tế tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn; đến cuối năm 2016 có 89/141 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã (chiếm tỷ lệ 63,1%). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế từ 87% năm 2011 lên 93,3% vào năm 2015 và 95,2% vào năm 2016. Trên 98% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm phòng các loại Vắcxin phòng bệnh.

Tăng cường đội ngũ bác sĩ về các trạm y tế xã, hiện có 100/141 trạm y tế có bác sĩ, đạt 71%; bình quân có 7,7 bác sĩ/10.000 dân. Hệ thống y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến cơ sở được quan tâm củng cố, hoạt động có hiệu quả. Công tác quản lý thị trường thuốc tân dược trên địa bàn được chú trọng, đảm bảo cung cấp đủ thuốc thiết yếu cho nhân dân.

- Về lĩnh vực văn hóa: Tổ chức thực hiện tốt các chính sách về văn hóa. Tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của 16/26 dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng số di sản phi vật thể được kiểm kê là 425 di sản. Hoàn thành 08 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đến nay có 07 di sản được công nhận, trong đó có 06 di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Cuối năm 2016 có 96/129 xã đạt tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

- Công tác giảm nghèo: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016-2020. Triển khai vận động, huy động nguồn lực hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, triển khai hỗ trợ nâng cao kiến thức tổ chức sản xuất, làm ăn, vay vốn sản xuất, chăn nuôi, thực hiện và nhân rộng các mô hình giảm nghèo; rà soát nắm chắc thực trạng đời sống nhân dân, trợ giúp kịp thời các đối tượng khó khăn, gặp rủi ro.

Trong giai đoạn 2011-2015 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 34,83% năm 2011 xuống còn 9,31% vào năm 2015, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân đạt 5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đầu kỳ năm 2016 (theo tiêu chí nghèo đa chiều) là 27,81%, đến cuối năm 2016 giảm còn 23,33%, tỷ lệ giảm nghèo đạt 4,48%.

Phần thứ hai

CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết phải xây dựng đề án

Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách của Trung ương đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt; hạn chế tình trạng di cư tự do. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn và miền núi giai đoạn 2011-2015: Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 04/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015; Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015... Thông qua các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn. Các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ để tạo quỹ đất, vay vốn để phát triển sản xuất; hỗ trợ nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Một bộ phận người dân được hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư có nơi ở ổn định, có đủ điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện các chính sách nêu trên còn gặp một số khó khăn như sau:

- Đối với việc thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện một số chỉ tiêu về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vay vốn để tạo quỹ đất đạt thấp, cụ thể:

+ Về đất sản xuất: Từ năm 2013 đến 2016 đã thực hiện hỗ trợ cho 366 hộ với tổng diện tích trên 13 ha, kinh phí thực hiện hỗ trợ 1.607 triệu đồng, đạt 8,5% kế hoạch (nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất được phê duyệt theo Quyết định số 184/QĐ-UBND ngày 24/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh là 4.261 hộ; diện tích đất sản xuất đề nghị hỗ trợ 718,45 ha; kinh phí đề nghị hỗ trợ: 63.915 triệu đồng).

Nguyên nhân: Do mức hỗ trợ thấp so với thực tế giá trị khai hoang hoặc chuyển nhượng đất trên địa bàn. Các địa phương không còn quỹ đất để thực hiện hỗ trợ cho người dân.

+ Về nước sinh hoạt phân tán: Có 3.365 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đạt 29,94% đề án đã duyệt (nhu cầu theo Đề án được duyệt là 11.236 hộ; kinh phí đề nghị hỗ trợ là 14.606,8 triệu đồng).

Nguyên nhân: Do kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương cấp chưa đủ để triển khai thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng chính sách.

+ Về nội dung chính sách hỗ trợ đất ở, hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ xuất khẩu lao động: Thực tế nhu cầu hỗ trợ tại các địa phương trong tỉnh rất lớn (trong đó nhu cầu hỗ trợ đất ở là 831 hộ, diện tích 16,6 ha; kinh phí 18.222 triệu đồng). Tuy nhiên, trong giai đoạn 2013-2015 các nội dung trên chưa được tổ chức thực hiện; nguyên nhân: Do không có kinh phí để bố trí thực hiện.

+ Việc thực hiện cho vay vốn đối với hộ gia đình để tạo quỹ đất sản xuất chưa đạt được yêu cầu đề ra. Đến nay, có 166 hộ được vay vốn với tổng nguồn vốn đã thực hiện cho vay là 2.460/5.000 triệu đồng; phải điều chỉnh giảm kế hoạch dư nợ của năm 2016 là 2.540 triệu đồng.

Nguyên nhân: Do định mức cho vay thấp, các hộ không có đủ kinh phí để thực hiện việc chuyển nhượng đất sản xuất; một số hộ gia đình có nhu cầu vay vốn nhưng đã được vay ở một số chương trình tín dụng khác vì vậy không thuộc đối tượng được vay vốn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nhìn chung, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt rất cần thiết đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở các thôn bản đặc biệt khó khăn; giúp các hộ nghèo có điều kiện để ổn định đời sống, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững; giúp cho nhiều địa phương tháo gỡ những khó khăn, bức bách về nước sinh hoạt cho người dân.

- Đối với chính sách di dân thực hiện định canh định cư: Đã thực hiện di chuyển 202 hộ với 1.067 khẩu thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ; Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg và các quyết định khác của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong dự án này chủ yếu là thực hiện di dân xen ghép do vậy việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các điểm dân cư có từ 10-30 hộ còn rất hạn chế; hiện nay ở một số huyện còn đối tượng cần di dân thực hiện định canh định cư, nhưng chưa thực hiện được do chưa được bố trí kinh phí.

Đến hết năm 2016, trên địa bàn tỉnh còn 47.377 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 23,33% số hộ toàn tỉnh; trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo còn 37.502 hộ, chiếm tỷ lệ 79,15% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Nhiều hộ thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh đối với người dân tộc thiểu số, ở các hộ nghèo trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Nhu cầu đầu tư các công trình hạ tầng cho các điểm định canh định cư được thực hiện trong những năm trước đây tiếp tục được đề nghị thực hiện.

Để góp phần thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 29/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình giảm nghèo tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020 và tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt của một bộ phận nhân dân. Do đó, việc xây dựng Đề án để thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 là cần thiết.

2. Căn cứ pháp lý để xây dựng đề án

- Luật Đất đai năm 2013;

- Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;

- Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017-2020;

- Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020;

- Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22/5/2017 của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017-2020;

- Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-UBDT-BTC ngày 27/12/2013 của Ủy ban Dân tộc và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 04/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015;

- Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 13/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành quy định hạn mức giao đất ở và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở; hạn mức giao đất trống đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;

- Quyết định số 166/QĐ-UBND ngày 05/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất để làm cơ sở xác định hộ thiếu đất sản xuất thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Phần thứ ba

MỤC TIÊU, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ NỘI DUNG ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Nhằm tạo điều kiện cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo có đủ các điều kiện cơ bản về đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt để ổn định sản xuất và đời sống. Hạn chế tình trạng di cư tự do, tạo sinh kế để các hộ thoát nghèo nhanh, bền vững.

1.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từ 4%/năm trở lên. Phấn đấu thực hiện việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho trên 38% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; có trên 11% hộ nghèo được vay vốn để tạo quỹ đất sản xuất và thực hiện chuyển đổi nghề; phấn đấu trên 12% hộ nghèo được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi nghề (số liệu hộ nghèo tính từ đầu năm 2017). Tiếp tục bổ sung nguồn vốn để hoàn thiện các điểm di dân thực hiện định canh định cư đã được hỗ trợ từ năm 2008-2016.

Một số chỉ tiêu cụ thể như sau:

1.2.1. Hỗ trợ đất sản xuất cho 7.644 hộ; trong đó:

- Hỗ trợ tạo quỹ đất sản xuất: 1.938 hộ; diện tích 355,2 ha.

- Hỗ trợ chuyển đổi nghề: 5.706 hộ.

1.2.2. Hỗ trợ đất ở cho 758 hộ; diện tích 24,5 ha.

1.2.3. Hỗ trợ nước sinh hoạt cho 15.538 hộ.

1.2.4. Tiếp tục bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho 107 hộ.

2. Phạm vi thực hiện: Tại 118 xã, trong đó có 61 xã khu vực III; 47 xã khu vực II, 10 xã khu vực I.

3. Đối tượng thực hiện

3.1. Đối tượng áp dụng chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt: Là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo (kể cả vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) ở các thôn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo (gồm cả dân tộc Kinh) ở các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; có trong danh sách hộ nghèo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp; chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất theo hạn mức đất bình quân chung do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định; thiếu nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách của Nhà nước hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Riêng các hộ đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020, thì không được hưởng chính sách hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề.

3.2. Đối tượng áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi

- Hộ chưa có hoặc thiếu đất sản xuất theo mức bình quân chung do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định thuộc đối tượng được nêu tại Điểm a, Khoản 3, Điều 3 Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Điểm a, Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22/5/2017 của Ủy ban Dân tộc, được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội để tạo quỹ đất hoặc chuyển đổi nghề.

- Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn có phương án sử dụng vốn vay sản xuất kinh doanh được vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

3.3. Đối tượng áp dụng chính sách bố trí sắp xếp ổn định dân cư

Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-UBDT-BTC ngày 27/12/2013 của Ủy ban Dân tộc và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 04/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015.

3.4. Các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017-2020.

4. Nội dung, mức hỗ trợ

4.1. Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn bản đặc biệt khó khăn

4.1.1. Hỗ trợ đất sản xuất

Việc xác định hộ chưa có đất, thiếu đất sản xuất dựa trên mức bình quân diện tích đất sản xuất đang được quy định và áp dụng tại địa phương (theo Quyết định số 166/QĐ-UBND ngày 05/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

Tổng số hộ có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất: 7.644 hộ; trong đó:

- Hỗ trợ tạo quỹ đất sản xuất: 1.938 hộ; diện tích: 355,2 ha.

Định mức hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ và được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định tại Khoản 3, Điều 3 Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ để tạo quỹ đất sản xuất.

- Hỗ trợ chuyển đổi nghề: 5.706 hộ.

Định mức hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ và được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định tại Khoản 3, Điều 3 Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ để làm dịch vụ hoặc làm nghề khác tăng thu nhập.

4.1.2. Hỗ trợ đất ở

Tổng số hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở: 758 hộ; diện tích hỗ trợ: 24,5 ha.

Chính quyền cấp huyện tạo quỹ đất giao cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chưa có đất ở. Mức giao diện tích đất cho mỗi hộ gia đình tùy thuộc vào diện tích đất hiện có của địa phương nhưng đảm bảo định mức tối thiểu là 200m2/hộ (vận dụng Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ); tối đa là 400m2/hộ (vận dụng Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 13/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

Định mức kinh phí hỗ trợ: Căn cứ quy định tại Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND ngày 20/01/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Bảng giá đất 5 năm 2015-2019 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND ngày 20/01/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định phân khu vực, phân loại đường phố, phân vị trí đất trên địa bàn tỉnh để thực hiện việc xác định nhu cầu kinh phí, định mức phù hợp với khung giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh cho từng vị trí để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở.

4.1.3. Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán

- Tổng số hộ có nhu cầu hỗ trợ: 15.538 hộ.

- Định mức hỗ trợ: 1,5 triệu đồng/hộ.

4.2. Hỗ trợ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư

Triển khai thực hiện các nội dung bố trí, sắp xếp ổn định dân cư theo đúng hướng dẫn của các cơ quan Trung ương. Trên cơ sở kết quả rà soát và nhu cầu tiếp tục thực hiện chính sách di dân thực hiện định canh định cư tiếp tục đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương xem xét bố trí nguồn vốn để hoàn thiện các điểm di dân thực hiện định canh định cư xen ghép đã được thực hiện từ năm 2008-2016 nhằm đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu cho các điểm dân cư, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống cho nhân dân vùng dự án.

- Tổng số hộ dân tộc thiểu số cần hỗ trợ ổn định dân cư: 107 hộ.

- Số điểm định canh định cư cần tiếp tục thực hiện: 06 điểm dân cư.

4.3. Hỗ trợ tín dụng ưu đãi

- Tổng số hộ có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi: 4.968 hộ; trong đó:

+ Vay vốn tạo quỹ đất sản xuất: 1.905 hộ.

+ Vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh để chuyển đổi nghề: 3.063 hộ.

- Định mức cho vay tối đa đối với hộ chuyển đổi nghề là 50 triệu đồng/hộ (Áp dụng theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ; tại thời điểm hiện nay mức vay dựa trên quy định của Quyết định số 34/QĐ-HĐQT ngày 26/4/2014 của Hội đồng Quản trị Ngân hàng chính sách xã hội và Văn bản số 1129/NHCS-TDNN ngày 29/4/2014 của Ngân hàng Chính sách xã hội).

- Thời hạn cho vay tối đa là 10 năm; lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ.

- Việc xử lý nợ đến hạn, gia hạn nợ và xử lý rủi ro: Thực hiện theo Điểm c, Khoản 3, Điều 3 Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Về nguồn kinh phí cấp bù chênh lệch lãi suất và chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội do Trung ương đảm bảo.

5. Nhu cầu kinh phí và nguồn vốn thực hiện đề án

5.1. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đề án: 289.876 triệu đồng.

Cụ thể theo từng chính sách:

5.1.1. Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt: 98.200 triệu đồng

- Hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề: 57.600 triệu đồng.

- Hỗ trợ đất ở: 17.293 triệu đồng.

- Hỗ trợ nước sinh hoạt: 23.307 triệu đồng.

5.1.2. Hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư: 9.951 triệu đồng.

5.1.3. Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi: 181.725 triệu đồng (chưa bao gồm kinh phí cấp bù lãi suất và chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội).

5.2. Nguồn vốn thực hiện đề án: 289.876 triệu đồng

Chia theo nguồn vốn:

5.2.1. Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu: 90.858 triệu đồng.

Trong đó:

+ Hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề: 57.600 triệu đồng.

+ Hỗ trợ nước sinh hoạt: 23.307 triệu đồng.

+ Hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư: 9.951 triệu đồng.

5.2.2. Vốn vay tín dụng ưu đãi (Trung ương cấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội): 181.725 triệu đồng (chưa bao gồm kinh phí cấp bù lãi suất và chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội)

5.2.3. Ngân sách địa phương: 17.293 triệu đồng, trong đó: Hỗ trợ đất ở: 17.293 triệu đồng.

5.3. Phân kỳ thực hiện đề án

5.3.1. Năm 2018

a) Tổng số lượt hộ được hỗ trợ các chính sách: 12.006 hộ

Trong đó:

- Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt:

+ Hỗ trợ đất sản xuất: 2.088 hộ (hỗ trợ tạo quỹ đất sản xuất 968 hộ, diện tích hỗ trợ 241 ha; hỗ trợ chuyển đổi nghề 1.120 hộ).

+ Hỗ trợ đất ở: 463 hộ, diện tích hỗ trợ 16,1 ha.

+ Hỗ trợ nước sinh hoạt: 7.260 hộ.

- Bố trí sắp xếp ổn định dân cư: 107 hộ.

- Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi: 2.088 hộ.

b) Kinh phí và nguồn vốn thực hiện

- Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện: 102.893 triệu đồng.

Trong đó:

+ Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt: 42.122 triệu đồng.

+ Hỗ trợ bố trí sắp xếp ổn định dân cư: 9.951 triệu đồng.

+ Hỗ trợ vay vốn ưu đãi: 50.820 triệu đồng.

- Nguồn vốn: 102.893 triệu đồng.

Trong đó:

+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu: 40.961 triệu đồng.

+ Vốn vay tín dụng ưu đãi (Trung ương cấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội): 50.820 triệu đồng.

+ Ngân sách địa phương: 11.112 triệu đồng.

5.3.2. Năm 2019

a) Tổng số lượt hộ được hỗ trợ các chính sách: 14.433 hộ

Trong đó:

- Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt:

+ Hỗ trợ đất sản xuất: 4.661 hộ (hỗ trợ tạo quỹ đất sản xuất 379 hộ, diện tích hỗ trợ 47,6 ha; hỗ trợ chuyển đổi nghề 4.282 hộ).

+ Hỗ trợ đất ở: 165 hộ, diện tích hỗ trợ 3,85 ha.

+ Hỗ trợ nước sinh hoạt: 7.228 hộ.

- Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi: 2.379 hộ.

b) Kinh phí và nguồn vốn thực hiện

- Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện: 148.358 triệu đồng.

Trong đó:

+ Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt: 41.518 triệu đồng.

+ Hỗ trợ vay vốn ưu đãi: 106.840 triệu đồng.

- Nguồn vốn: 148.358 triệu đồng.

Trong đó:

+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu: 37.937 triệu đồng.

+ Vốn vay tín dụng ưu đãi (Trung ương cấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội): 106.840 triệu đồng.

+ Ngân sách địa phương: 3.581 triệu đồng

5.3.3. Năm 2020

a) Tổng số hộ hỗ trợ các chính sách: 2.970 hộ

Trong đó:

- Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt:

+ Hỗ trợ đất sản xuất: 895 hộ (hỗ trợ tạo quỹ đất sản xuất 591 hộ, diện tích hỗ trợ 66,9 ha; hỗ trợ chuyển đổi nghề 304 hộ).

+ Hỗ trợ đất ở: 130 hộ, diện tích hỗ trợ 4,6 ha.

+ Hỗ trợ nước sinh hoạt: 1.050 hộ.

- Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi: 895 hộ.

b) Kinh phí và nguồn vốn thực hiện

- Tổng kinh phí thực hiện: 38.625 triệu đồng.

Trong đó:

+ Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt: 14.560 triệu đồng.

+ Hỗ trợ vay vốn ưu đãi: 24.065 triệu đồng.

- Nguồn vốn: 38.625 triệu đồng.

Trong đó:

+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu: 11.960 triệu đồng

+ Vốn vay tín dụng ưu đãi (Trung ương cấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội): 24.065 triệu đồng

+ Ngân sách địa phương: 2.600 triệu đồng

(Chi tiết có biểu kèm theo)

Phần thứ tư

NGUYÊN TẮC, PHƯƠNG THỨC, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Nguyên tắc thực hiện

Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở các xã khu vực III, thôn bản đặc biệt khó khăn được thực hiện trên nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình. Các hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt phải cùng thực hiện các nội dung được hỗ trợ theo đề án nhằm tạo việc làm, cải thiện đời sống nâng cao thu nhập cho các hộ.

Việc triển khai thực hiện chính sách phải đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng nguồn vốn nhà nước cấp đúng đối tượng, mục tiêu, định mức quy định theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Các hộ gia đình đã được hỗ trợ để thực hiện chính sách theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 thì không được hưởng chính sách hỗ trợ đất sản xuất và vay vốn ưu đãi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Phương thức thực hiện

Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tập trung rà soát lại quỹ đất hiện có để thực hiện giao đất cho hộ; khuyến khích các hộ khai hoang diện tích đất trống, đất chưa sử dụng để tạo quỹ đất sản xuất. Đối với các hộ không được hỗ trợ thông qua việc tạo quỹ đất sản xuất thì thực hiện hỗ trợ bằng các hình thức khác như: Hỗ trợ chuyển đổi nghề và cho vay ưu đãi (để sản xuất, kinh doanh, mua sắm máy móc, nông cụ...).

Căn cứ hồ sơ cấp đất sản xuất, tiến độ khai hoang, tiến độ thực hiện các nội dung khác để cấp kinh phí. Căn cứ nhu cầu hỗ trợ đất ở, nước sinh hoạt phân tán, Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát lại quỹ đất để cân đối, lập danh sách và thực hiện hỗ trợ cho các hộ theo định mức quy định.

Hằng năm căn cứ nhu cầu thực tế của người dân, trên cơ sở nguồn vốn Trung ương cấp; Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách đối tượng được thụ hưởng chính sách, nhu cầu vốn theo từng nội dung chính sách gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Ban Dân tộc tỉnh) xem xét phân bổ nguồn vốn thực hiện. Trong đó, ưu tiên những hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách được hỗ trợ trước.

3. Các giải pháp chủ yếu

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung các chính sách, tiêu chuẩn, đối tượng được thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tích cực huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân; huy động nguồn lực cộng đồng, dòng tộc để triển khai thực hiện chính sách đạt hiệu quả, đặc biệt đối với nội dung chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất.

Phát huy vai trò của cơ quan thường trực trong việc kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ, sâu sát và hiệu quả; kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở; định kỳ tổ chức đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án.

Đối với chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất: Hằng năm triển khai rà soát xác định rõ nhu cầu hỗ trợ và quỹ đất hiện có để thực hiện chính sách; chủ động phối hợp trong công tác xác định nhu cầu kinh phí hỗ trợ hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện chính sách đảm bảo sát thực tế, hiệu quả. Tiếp tục giao các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện rà soát lại những phần diện tích đang giao các Công ty lâm nghiệp, lâm trường quản lý có khả năng sản xuất nông nghiệp nhưng sử dụng không hiệu quả, không đưa vào quy hoạch sử dụng đất chi tiết của đơn vị để tiếp tục thu hồi và giao đất cho các hộ nhằm đảm bảo đủ đất sản xuất cho các đối tượng được thụ hưởng theo Đề án.

Đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng và phát triển rừng cho các hộ dân, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ xuất khẩu lao động cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và người nghèo tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.

Thực hiện hỗ trợ đất sản xuất gắn với công tác quy hoạch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân để sản xuất ổn định lâu dài. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách.

Lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ tạo quỹ đất để phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho các đối tượng được thụ hưởng vươn lên thoát nghèo bền vững. Hằng năm cân đối nguồn ngân sách địa phương đảm bảo đủ để thực hiện chính sách đất ở theo Đề án được phê duyệt.

Đối với những hộ không bố trí hỗ trợ được đất sản xuất, thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề: Lồng ghép các nguồn vốn trong thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề; Nâng cao chất lượng, hiệu quả, đổi mới hoạt động tại các trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh để tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh thực hiện việc xuất khẩu lao động; các cấp chính quyền địa phương chủ động phối hợp với các công ty, nhà máy, xí nghiệp tuyển dụng, thu hút lao động ở nông thôn đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. Đầu tư hỗ trợ các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, các loại máy nông nghiệp cho các hộ gia đình thiếu đất sản xuất; khuyến khích, tạo điều các hộ gia đình tham gia các chuỗi dịch vụ sản xuất, kinh doanh nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đối với chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: Chính quyền cấp cơ sở cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với các thôn bản trong việc xác định những nội dung hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của từng hộ dân và điều kiện thực tế của địa phương như (bồn chứa, bể chứa, giếng nước, dây dẫn nước) hỗ trợ nhân dân mua vật dụng đựng nước, ngoài ra huy động sự đóng góp thêm của chủ hộ nhằm tạo sự đồng thuận và trách nhiệm cao trong nhân dân. Ở những nơi xa nguồn nước, dân cư tập trung, khuyến khích các hộ gia đình (bao gồm cả các hộ không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách) cùng phối hợp làm đường dây dẫn nước hoặc bể chứa nước chung để tạo nguồn nước sinh hoạt ổn định, lâu dài.

Đối với chính sách tín dụng ưu đãi: Củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội các cấp; các Tổ tiết kiệm và vay vốn, các điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn; thường xuyên rà soát các thủ tục, cơ chế cho vay; công khai nội dung chính sách tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách trong quá trình tìm hiểu thông tin, lập các thủ tục vay vốn, trả lãi tiền vay theo đúng trình tự quy định của pháp luật.

Phát huy vai trò của các đoàn thể, cán bộ khuyến nông, khuyến công hướng dẫn các hộ nghèo lập phương án và tổ chức thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đảm bảo hiệu quả, an toàn.

Về bố trí sắp xếp ổn định dân cư: Ủy ban nhân dân cấp xã chủ động rà soát xác định các đầu điểm công trình, nội dung hỗ trợ đề xuất dự kiến kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tiếp tục vận động người dân chấp hành nghiêm chính sách, tự nguyện chấp thuận di chuyển về nơi ở mới theo đúng kế hoạch. Tiếp tục tạo điều kiện về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và thực hiện hỗ trợ khác để các hộ về nơi ở mới yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần làm ổn định tình hình tại địa phương.

Phần thứ năm

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc tỉnh

Là cơ quan thường trực để tham mưu tổ chức thực hiện chính sách; có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quy trình rà soát đối tượng thụ hưởng, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, hằng năm tổng hợp kế hoạch thực hiện Chính sách theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc quá trình tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn huyện, thành phố đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng và có hiệu quả; định kỳ hằng tháng, quý, năm, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chính sách theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ban Dân tộc tỉnh và cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định kế hoạch phân bổ nguồn vốn Trung ương, vốn địa phương và lồng ghép các nguồn vốn khác để thực hiện Đề án, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch, phương án hỗ trợ đối với từng nội dung chính sách. Hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tài chính, công tác cấp phát, thanh quyết toán nguồn vốn thực hiện chính sách theo đúng quy định. Tham mưu, đề xuất bố trí ngân sách phục vụ công tác hướng dẫn, kiểm tra, tổng kết việc thực hiện Đề án.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo nội dung Đề án. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đảm bảo hiệu quả để người dân được sử dụng nguồn nước an toàn, hợp vệ sinh.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xác định quỹ đất thực hiện chính sách, nhất là diện tích đất của các công ty lâm nghiệp và các đơn vị khác đang quản lý nhưng không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả, đề xuất thu hồi giao cho các đối tượng thụ hưởng chính sách.

6. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

Căn cứ nguồn vốn của Trung ương phân bổ hàng năm để thực hiện chính sách tín dụng theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức thực hiện việc giải ngân cho các hộ gia đình thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách có nhu cầu vay vốn để tạo quỹ đất sản xuất, chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

7. Các sở, ban, ngành liên quan

Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung của Đề án này.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức Chính trị - Xã hội

Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức Chính trị - Xã hội trong việc phối hợp với chính quyền các cấp giám sát việc thực hiện Đề án. Tham gia huy động nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức, cá nhân để thực hiện chính sách của Đề án trên địa bàn tỉnh.

9. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

Chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn quản lý.

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, thị trấn phổ biến Đề án, chính sách đến cho người dân trên địa bàn; rà soát, lập danh sách đối tượng được thụ hưởng và tổ chức thực hiện các nội dung của chính sách theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định.

Công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng thụ hưởng chính sách. Thực hiện việc phê duyệt danh sách chi tiết hộ gia đình được thụ hưởng theo từng nội dung của chính sách. Bố trí ngân sách địa phương và thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất theo đúng quy định.

Có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức chỉ đạo và tích cực tuyên truyền vận động, phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của chính sách.

Định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện; nhu cầu vốn hằng năm gửi Ban Dân tộc tỉnh tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.

 

TỔNG HỢP NHU CẦU THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT, NƯỚC SINH HOẠT, BỐ TRÍ SẮP XẾP ỔN ĐỊNH DÂN CƯ

(Kèm theo Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang)

Số TT

Tên huyện, xã

Tổng số hộ hưởng các chính sách
(hộ)

Tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án

Hỗ trợ đất ở

Hỗ trợ đất sản xuất

Nước sinh hoạt

Bố trí sắp xếp ổn định dân cư

Vốn ngân sách địa phương tự đảm bảo

Tổng số

Trong đó

Số hộ

Diện tích (ha)

Vốn hỗ trợ từ NSĐP

Tổng số hộ có nhu cầu hỗ trợ (hộ)

Trong đó

Số hộ

Vốn NSTW hỗ trợ

Số hộ (hộ)

Số điểm định canh định cư

Vốn NSTW hỗ trợ

Ngân sách Trung ương

Ngân sách địa phương

Vốn vay tín dụng ưu đãi

Hỗ trợ tạo quỹ đất sản xuất

Hỗ trợ chuyển
đổi nghề

Số hộ (hộ)

Diện tích (ha)

Vốn NSTW hỗ trợ

Vốn vay tín dụng ưu đãi

Số hộ

Vốn NSTW hỗ trợ

Vốn vay tín dụng ưu đãi

Tập trung

Xen ghép

1

2

3=8+11+ 19+21

4=5+6+7

5=14+17 +20+24

6

7=15+18

8

9

10

11= 12+16

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

 

Tổng toàn tỉnh

24.047

289.876

90.858

17.293

181.725

758

24,5

17.293

7.644

1.938

355,2

29.070

28.575

5.706

28.530

153.150

15.538

23.307

107

 

6

9.951

 

I

Huyện Lâm Bình

2.156

47.614

20.949

2.600

24.065

130,0

4,6

2.600

895

591

66,9

8.865

8.865

304

1.520

15.200

1.050

1.575

81

 

3

8.989

 

1

Xã Khuôn Hà

60

1.511,5

741,5

 

770,0

 

 

 

49

48

5,4

720

720

1

5

50

11

16,5

 

 

 

 

 

2

Xã Bình An

254

2.851,0

931,0

740,0

1.180,0

37,0

0,8

740

53

42

4,8

630

630

11

55

550

164

246,0

 

 

 

 

 

3

Xã Hồng Quang

285

1.571,5

491,5

80,0

1.000,0

4,0

0,1

80

20

 

 

 

 

20

100

1.000

261

391,5

 

 

 

 

 

4

Xã Xuân Lập

241

11.215,5

8.995,5

660,0

1.560,0

33,0

0,8

660

97

94

14,0

1.410

1.410

3

15

150

47

70,5

64

 

2

7.500

 

5

Xã Lăng Can

388

8.556,5

4.361,5

220,0

3.975,0

11,0

0,4

220

195

165

16,8

2.475

2.475

30

150

1.500

165

247,5

17

 

1

1.489

 

6

Xã Thổ Bình

574

15.257,5

3.602,5

200,0

11.455,0

10,0

1,1

200

339

157

17,4

2.355

2.355

182

910

9.100

225

337,5

 

 

 

 

 

7

Xã Phúc Yên

297

3.515,5

1.540,5

700,0

1.275,0

35,0

1,4

700

85

85

8,6

1.275

1.275

 

 

 

177

265,5

 

 

 

 

 

8

Xã Thượng Lâm

57

3.135,0

285,0

 

2.850,0

 

 

 

57

 

 

 

 

57

285

2.850

 

 

 

 

 

 

 

II

Huyện Na Hang

1.444

20.049,5

5.299,5

1.400,0

13.350,0

28,0

0,8

1.400

393

180

30,6

2.700

2.700

213

1.065

10.650

1.023

1.534,5

 

 

 

 

 

1

Thị trấn Na Hang

5

7,5

7,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

7,5

 

 

 

 

 

2

Xã Năng Khả

84

2.224,5

549,5

50,0

1.625,0

1,0

0,0

50

50

25

4,3

375

375

25

125

1.250

33

49,5

 

 

 

 

 

3

Xã Thanh Tương

73

1.575,0

345,0

 

1.230,0

 

 

 

33

12

2,0

180

180

21

105

1.050

40

60,0

 

 

 

 

 

4

Xã Sơn Phú

107

1.554,5

449,5

 

1.105,0

 

 

 

34

17

2,9

255

255

17

85

850

73

109,5

 

 

 

 

 

5

Xã Đà Vị

283

4.899,0

1.299,0

 

3.600,0

 

 

 

107

50

8,5

750

750

57

285

2.850

176

264,0

 

 

 

 

 

6

Xã Hồng Thái

42

391,0

131,0

 

260,0

 

 

 

8

4

0,7

60

60

4

20

200

34

51,0

 

 

 

 

 

7

Xã Yên Hoa

259

3.256,5

871,5

450,0

1.935,0

9,0

0,3

450

59

29

4,9

435

435

30

150

1.500

191

286,5

 

 

 

 

 

8

Xã Thượng Nông

248

3.253,5

888,5

350,0

2.015,0

7,0

0,2

350

62

31

5,3

465

465

31

155

1.550

179

268,5

 

 

 

 

 

9

Xã Thượng Giáp

45

445,5

115,5

 

330,0

 

 

 

8

2

0,3

30

30

6

30

300

37

55,5

 

 

 

 

 

10

Xã Khâu Tinh

37

323,0

73,0

 

250,0

 

 

 

5

 

 

 

 

5

25

250

32

48,0

 

 

 

 

 

11

Xã Côn Lôn

64

987,5

177,5

250,0

560,0

5,0

0,2

250

14

4

0,7

60

60

10

50

500

45

67,5

 

 

 

 

 

12

Xã Sinh Long

197

1.132,0

392,0

300,0

440,0

6,0

0,2

300

13

6

1,0

90

90

7

35

350

178

267,0

 

 

 

 

 

III

Huyện Chiêm Hóa

5.012

16.052,5

15.785,5

222,0

45,0

6,0

0,1

222

2.279

30

1,5

450

45

2.249

11.245

 

2.727

4.090,5

 

 

 

 

 

1

Xã Minh Quang

397

1.309,5

1.309,5

 

 

 

 

 

204

 

 

 

 

204

1.020

 

193

289,5

 

 

 

 

 

2

Xã Phúc Sơn

431

951,0

951,0

 

 

 

 

 

87

 

 

 

 

87

435

 

344

516,0

 

 

 

 

 

3

Xã Trung Hà

223

828,0

828,0

 

 

 

 

 

141

 

 

 

 

141

705

 

82

123,0

 

 

 

 

 

4

Xã Hà Lang

45

155,0

155,0

 

 

 

 

 

25

 

 

 

 

25

125

 

20

30,0

 

 

 

 

 

5

Xã Tân Mỹ

180

287,5

287,5

 

 

 

 

 

5

 

 

 

 

5

25

 

175

262,5

 

 

 

 

 

6

Xã Hùng Mỹ

522

2.053,5

2.053,5

 

 

 

 

 

363

 

 

 

 

363

1.815

 

159

238,5

 

 

 

 

 

7

Xã Tân An

45

120,0

120,0

 

 

 

 

 

15

 

 

 

 

15

75

 

30

45,0

 

 

 

 

 

8

Xã Xuân Quang

278

756,5

756,5

 

 

 

 

 

97

 

 

 

 

97

485

 

181

271,5

 

 

 

 

 

9

Xã Phúc Thịnh

10

50,0

50,0

 

 

 

 

 

10

 

 

 

 

10

50

 

 

 

 

 

 

 

 

10

Xã Tân Thịnh

191

850,0

850,0

 

 

 

 

 

161

 

 

 

 

161

805

 

30

45,0

 

 

 

 

 

11

Xã Trung Hòa

231

357,0

357,0

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

3

15

 

228

342,0

 

 

 

 

 

12

Xã Hòa An

371

1.270,5

1.270,5

 

 

 

 

 

204

 

 

 

 

204

1.020

 

167

250,5

 

 

 

 

 

13

Xã Nhân Lý

146

462,0

417,0

 

45,0

 

 

 

48

3

0,1

45

45

45

225

 

98

147,0

 

 

 

 

 

14

Xã Hòa Phú

48

89,5

89,5

 

 

 

 

 

5

 

 

 

 

5

25

 

43

64,5

 

 

 

 

 

15

Xã Yên Nguyên

7

35,0

35,0

 

 

 

 

 

7

 

 

 

 

7

35

 

 

 

 

 

 

 

 

16

Xã Yên Lập

569

2.225,5

2.225,5

 

 

 

 

 

392

 

 

 

 

392

1.960

 

177

265,5

 

 

 

 

 

17

Xã Bình Phú

119

553,5

553,5

 

 

 

 

 

30

27

1,4

405

 

3

15

 

89

133,5

 

 

 

 

 

18

Xã Kiên Đài

292

718,0

718,0

 

 

 

 

 

80

 

 

 

 

80

400

 

212

318,0

 

 

 

 

 

19

Xã Phú Bình

295

950,0

950,0

 

 

 

 

 

145

 

 

 

 

145

725

 

150

225,0

 

 

 

 

 

20

Xã Ngọc Hội

75

221,0

221,0

 

 

 

 

 

31

 

 

 

 

31

155

 

44

66,0

 

 

 

 

 

21

Xã Vinh Quang

16

45,0

45,0

 

 

 

 

 

6

 

 

 

 

6

30

 

10

15,0

 

 

 

 

 

22

Xã Bình Nhân

259

742,0

742,0

 

 

 

 

 

101

 

 

 

 

101

505

 

158

237,0

 

 

 

 

 

23

Xã Kim Bình

13

65,0

65,0

 

 

 

 

 

13

 

 

 

 

13

65

 

 

 

 

 

 

 

 

24

Xã Tri Phú

113

463,0

241,0

222,0

 

6,0

0,1

222

23

 

 

 

 

23

115

 

84

126,0

 

 

 

 

 

25

Xã Linh Phú

117

466,0

466,0

 

 

 

 

 

83

 

 

 

 

83

415

 

34

51,0

 

 

 

 

 

26

TT Vĩnh Lộc

19

28,5

28,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

19

28,5

 

 

 

 

 

IV

Huyện Hàm Yên

6.489

68.764,5

17.704,5

8.160,0

42.900,0

340,0

13,6

8.160

1.166

440

145,7

6.600

6.600

726

3.630

36.300

4.983

7.474,5

 

 

 

 

 

1

Xã Yên Thuận

521

5.980,0

1.457,0

768,0

3.755,0

32,0

1,3

768

101

37

10,0

555

555

64

320

3.200

388

582,0

 

 

 

 

 

2

Xã Bạch Xa

404

5.096,5

1.305,5

576,0

3.215,0

24,0

1,0

576

93

41

13,1

615

615

52

260

2.600

287

430,5

 

 

 

 

 

3

Xã Minh Khương

312

3.296,5

756,5

480,0

2.060,0

20,0

0,8

480

51

14

4,2

210

210

37

185

1.850

241

361,5

 

 

 

 

 

4

Xã Minh Dân

241

4.491,5

1.055,5

336,0

3.100,0

14,0

0,6

336

90

40

24,6

600

600

50

250

2.500

137

205,5

 

 

 

 

 

5

Xã Phù Lưu

429

3.867,5

791,5

696,0

2.380,0

29,0

1,2

696

49

2

0,5

30

30

47

235

2.350

351

526,5

 

 

 

 

 

6

Xã Tân Thành

789

9.014,5

2.178,5

1.176,0

5.660,0

49,0

2,0

1.176

151

54

18,2

810

810

97

485

4.850

589

883,5

 

 

 

 

 

7

Xã Bình Xa

176

1.387,5

337,5

 

1.050,0

 

 

 

21

 

 

 

 

21

105

1.050

155

232,5

 

 

 

 

 

8

Xã Minh Hương

843

8.904,0

2.169,0

960,0

5.775,0

40,0

1,6

960

147

45

6,7

675

675

102

510

5.100

656

984,0

 

 

 

 

 

9

Xã Yên Lâm

401

5.633,0

1.351,0

552,0

3.730,0

23,0

0,9

552

104

42

20,3

630

630

62

310

3.100

274

411,0

 

 

 

 

 

10

Xã Yên Phú

337

5.497,5

1.243,5

624,0

3.630,0

26,0

1,0

624

102

42

22,5

630

630

60

300

3.000

209

313,5

 

 

 

 

 

11

TT Tân Yên

47

70,5

70,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

47

70,5

 

 

 

 

 

12

Xã Nhân Mục

136

1.412,0

361,0

216,0

835,0

9,0

0,4

216

23

9

1,2

135

135

14

70

700

104

156,0

 

 

 

 

 

13

Xã Bằng Cốc

285

2.893,5

721,5

432,0

1.740,0

18,0

0,7

432

46

16

4,1

240

240

30

150

1.500

221

331,5

 

 

 

 

 

14

Xã Thành Long

651

6.674,5

1.701,5

1.008,0

3.965,0

42,0

1,7

1.008

108

41

3,9

615

615

67

335

3.350

501

751,5

 

 

 

 

 

15

Xã Thái Sơn

253

3.150,5

1.019,5

336,0

1.795,0

14,0

0,6

336

66

43

15,9

645

645

23

115

1.150

173

259,5

 

 

 

 

 

16

Xã Thái Hòa

71

106,5

106,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

71

106,5

 

 

 

 

 

17

Xã Hùng Đức

533

1.198,5

988,5

 

210,0

 

 

 

14

14

0,8

210

210

 

 

 

519

778,5

 

 

 

 

 

18

Xã Đức Ninh

60

90,0

90,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

60

90,0

 

 

 

 

 

V

Huyện Yên Sơn

3.348

25.139,5

14.267,5

2.952,0

7.920,0

123,0

2,5

2.952

922

528

95,0

7.920

7.920

394

1.970

 

2.277

3.415,5

26

 

3

962

 

1

Xã Trung Minh

209

1.655,0

995,0

 

660,0

 

 

 

69

44

7,9

660

660

25

125

 

140

210,0

 

 

 

 

 

2

Xã Hùng Lợi

393

3.934,0

1.363,0

2.016,0

555,0

84,0

1,7

2.016

60

37

6,7

555

555

23

115

 

240

360,0

9

 

1

333

 

3

Xã Kim Quan

157

950,5

680,5

 

270,0

 

 

 

25

18

3,2

270

270

7

35

 

127

190,5

5

 

1

185

 

4

Xã Trung Sơn

206

1.273,5

604,5

384,0

285,0

16,0

0,3

384

37

19

3,4

285

285

18

90

 

153

229,5

 

 

 

 

 

5

Xã Đạo Viện

100

489,5

300,5

24,0

165,0

1,0

0,0

24

12

11

2,0

165

165

1

5

 

87

130,5

 

 

 

 

 

6

Xã Phú Thịnh

71

241,5

181,5

 

60,0

 

 

 

10

4

0,7

60

60

6

30

 

61

91,5

 

 

 

 

 

7

Xã Công Đa

266

1.377,0

912,0

 

465,0

 

 

 

58

31

5,6

465

465

27

135

 

208

312,0

 

 

 

 

 

8

Xã Tiến Bộ

43

64,5

64,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

43

64,5

 

 

 

 

 

9

Xã Tân Tiến

107

569,5

374,5

 

195,0

 

 

 

24

13

2,3

195

195

11

55

 

83

124,5

 

 

 

 

 

10

Xã Tân Long

122

851,5

536,5

 

315,0

 

 

 

41

21

3,8

315

315

20

100

 

81

121,5

 

 

 

 

 

11

Xã Xuân Vân

126

1.512,0

882,0

 

630,0

 

 

 

78

42

7,6

630

630

36

180

 

48

72,0

 

 

 

 

 

12

Xã Trung Trực

107

914,5

554,5

 

360,0

 

 

 

44

24

4,3

360

360

20

100

 

63

94,5

 

 

 

 

 

13

Xã Kiến Thiết

389

5.121,5

3.141,5

 

1.980,0

 

 

 

232

132

23,8

1.980

1.980

100

500

 

145

217,5

12

 

1

444

 

14

Xã Quý Quân

163

1.119,0

588,0

216,0

315,0

9,0

0,2

216

42

21

3,8

315

315

21

105

 

112

168,0

 

 

 

 

 

15

Xã Lực Hành

140

210,0

210,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

140

210,0

 

 

 

 

 

16

Xã Chiêu Yên

116

1.052,5

632,5

 

420,0

 

 

 

51

28

5,0

420

420

23

115

 

65

97,5

 

 

 

 

 

17

Xã Phúc Ninh

65

261,0

186,0

 

75,0

 

 

 

11

5

0,9

75

75

6

30

 

54

81,0

 

 

 

 

 

18

Xã Tứ Quận

121

967,5

592,5

 

375,0

 

 

 

46

25

4,5

375

375

21

105

 

75

112,5

 

 

 

 

 

19

Xã Lang Quán

111

608,0

383,0

 

225,0

 

 

 

19

15

2,7

225

225

4

20

 

92

138,0

 

 

 

 

 

20

Xã Thắng Quân

87

593,0

368,0

 

225,0

 

 

 

25

15

2,7

225

225

10

50

 

62

93,0

 

 

 

 

 

21

Xã Chân Sơn

78

625,5

385,5

 

240,0

 

 

 

31

16

2,9

240

240

15

75

 

47

70,5

 

 

 

 

 

22

Xã Phú Lâm

42

397,5

148,5

144,0

105,0

6,0

0,1

144

7

7

1,3

105

105

 

 

 

29

43,5

 

 

 

 

 

23

Xã Nhữ Hán

37

55,5

55,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

37

55,5

 

 

 

 

 

24

Xã Nhữ Khê

92

295,5

127,5

168,0

 

7,0

0,1

168

 

 

 

 

 

 

 

 

85

127,5

 

 

 

 

 

VI

Huyện Sơn Dương

5.582

111.980,0

16.756,0

1.779,0

93.445,0

125,0

2,8

1.779

1.983

163

15,0

2.445

2.445

1.820

9.100

91.000

3.474

5.211,0

 

 

 

 

 

1

Xã Bình Yên

195

2.043,5

488,5

 

1.555,0

 

 

 

36

7

0,9

105

105

29

145

1.450

159

238,5

 

 

 

 

 

2

Xã Cấp Tiến

58

172,5

127,5

 

45,0

 

 

 

3

3

0,5

45

45

 

 

 

55

82,5

 

 

 

 

 

3

Xã Chi Thiết

166

462,0

342,0

15,0

105,0

1,0

0,0

15

7

7

0,8

105

105

 

 

 

158

237,0

 

 

 

 

 

4

Xã Đại Phú

482

13.883,5

1.758,5

 

12.125,0

 

 

 

253

15

2,0

225

225

238

1.190

11.900

229

343,5

 

 

 

 

 

5

Xã Đông Lợi

399

14.978,0

1.678,0

225,0

13.075,0

15,0

0,1

225

272

15

1,2

225

225

257

1.285

12.850

112

168,0

 

 

 

 

 

6

Xã Đồng Quý

313

9.439,0

1.289,0

 

8.150,0

 

 

 

177

20

2,2

300

300

157

785

7.850

136

204,0

 

 

 

 

 

7

Xã Đông Thọ

826

22.608,5

2.858,5

 

19.750,0

8,0

0,2

 

409

20

1,5

300

300

389

1.945

19.450

409

613,5

 

 

 

 

 

8

Xã Hào Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9

Xã Hồng Lạc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

10

Xã Hợp Hòa

419

13.654,0

1.460,0

144,0

12.050,0

8,0

0,2

144

241

 

 

 

 

241

1.205

12.050

170

255,0

 

 

 

 

 

11

Xã Hợp Thành

26

39,0

39,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

26

39,0

 

 

 

 

 

12

Xã Kháng Nhật

1

1,5

1,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

1,5

 

 

 

 

 

13

Xã Lâm Xuyên

1

30,0

15,0

 

15,0

 

 

 

1

1

0,0

15

15

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

14

Xã Lương Thiện

299

2.767,0

707,0

60,0

2.000,0

4,0

0,1

60

47

10

0,8

150

150

37

185

1.850

248

372,0

 

 

 

 

 

15

Xã Minh Thanh

199

2.572,5

457,5

375,0

1.740,0

25,0

1,0

375

39

6

0,5

90

90

33

165

1.650

135

202,5

 

 

 

 

 

16

Xã Ninh Lai

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

17

Xã Phú Lương

213

3.415,5

595,5

270,0

2.550,0

18,0

0,5

270

58

10

0,8

150

150

48

240

2.400

137

205,5

 

 

 

 

 

18

Xã Phúc Ứng

155

2.199,5

449,5

30,0

1.720,0

2,0

0,0

30

40

8

0,6

120

120

32

160

1.600

113

169,5

 

 

 

 

 

19

Xã Quyết Thắng

178

695,0

295,0

 

400,0

 

 

 

8

 

 

 

 

8

40

400

170

255,0

 

 

 

 

 

20

Xã Sầm Dương

5

7,5

7,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

7,5

 

 

 

 

 

21

Xã Sơn Nam

5

7,5

7,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

7,5

 

 

 

 

 

22

Xã Tam Đa

38

512,0

82,0

30,0

400,0

2,0

0,1

30

8

 

 

 

 

8

40

400

28

42,0

 

 

 

 

 

23

Xã Tân Trào

149

4.485,5

560,5

 

3.925,0

 

 

 

82

5

0,4

75

75

77

385

3.850

67

100,5

 

 

 

 

 

24

Xã Thanh Phát

110

165,0

165,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

110

165,0

 

 

 

 

 

25

Xã Thiện Kế

56

84,0

84,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

56

84,0

 

 

 

 

 

26

Xã Thượng Ấm

65

97,5

97,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

65

97,5

 

 

 

 

 

27

Xã Trung Yên

591

4.358,0

1.168,0

390,0

2.800,0

26,0

0,4

390

63

10

0,8

150

150

53

265

2.650

502

753,0

 

 

 

 

 

28

TT Sơn Dương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

29

Xã Tú Thịnh

98

160,5

145,5

15,0

 

1,0

0,0

15

 

 

 

 

 

 

 

 

97

145,5

 

 

 

 

 

30

Xã Tuân Lộ

253

7.322,0

982,0

165,0

6.175,0

11,0

0,2

165

134

15

1,2

225

225

119

595

5.950

108

162,0

 

 

 

 

 

31

Xã Văn Phú

144

1.322,0

337,0

60,0

925,0

4,0

0,1

60

22

5

0,5

75

75

17

85

850

118

177,0

 

 

 

 

 

32

Xã Vân Sơn

93

4.430,0

490,0

 

3.940,0

 

 

 

83

6

0,5

90

90

77

385

3.850

10

15,0

 

 

 

 

 

33

Xã Vĩnh Lợi

45

67,5

67,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

45

67,5

 

 

 

 

 

VII

TP.Tuyên Quang

16

276,0

96,0

180,0

 

6,0

0,1

180

6

6

0,5

90

 

 

 

 

4

6,0

 

 

 

 

 

1

Xã An Khang

16

276,0

96,0

180,0

 

6,0

0,1

180

6

6

0,5

90

 

 

 

 

4

6,0

 

 

 

 

 

 

 

 





Quyết định 02/2015/QĐ-UBND về Quy chế Thi đua, Khen thưởng Ban hành: 15/01/2015 | Cập nhật: 07/03/2015