Kế hoạch 95/KH-UBND về hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020
Số hiệu: 95/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn Người ký: Đỗ Thị Minh Hoa
Ngày ban hành: 24/02/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 95/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 24 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP NĂM 2020

Thực hiện Quyết định số 134/QĐ-BNN-QLCL ngày 08/01/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩn (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU

Tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư thuốc BVTV, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

II. KẾT QUẢ VÀ CHỈ SỐ CẦN ĐẠT

- 100% nhiệm vụ kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, quảng bá chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm được thực hiện.

- 100% cán bộ đầu mối quản lý công tác an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp cấp huyện, thành phố được hỗ trợ hướng dẫn việc thống kê, đánh giá phân loại và ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo quy định.

- Tăng cường nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng, đảm bảo 80% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; người tiêu dùng, người quản lý được cập nhật kiến thức về ATTP.

- Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh và nấm mốc trên tổng số mẫu giám sát giảm xuống còn 6% (năm 2019 là 7%).

- 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được đánh giá, xếp loại A, B.

- 100% các HTX, doanh nghiệp có sản phẩm tham gia OCOP được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm, thủy sản; được kiểm tra, giám sát và phát hiện xử lý vi phạm (nếu có) về an toàn thực phẩm trong nông lâm thủy sản của các tổ chức kinh tế sản xuất được chứng nhận sản phẩm OCOP.

- Tỷ lệ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tăng lên 82% (năm 2019 là >72%)

- 100% thông tin phản ánh về mất an toàn thực phẩm rõ địa chỉ trên địa bàn được kiểm tra đột xuất, xác minh, xử lý thông tin.

III. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM

1. Công tác chỉ đạo điều hành

- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng chính phủ về “Tăng cường quản lý nhà nước về ATTP”; Quyết định số 733/QĐ-UBND ngày 29/5/2017 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 11-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017 - 2020; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 28/6/2017 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017 - 2020.

- Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trong chỉ đạo triển khai các Chương trình phối hợp tuyên truyền, giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn; tiếp tục thực hiện Chương trình phối hợp số 526/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN ngày 03/11/2017 giữa Chính phủ với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về việc “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng”.

- Ngành Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương tăng cường hoạt động liên ngành trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

- Phát huy vai trò chỉ đạo, tăng cường trách nhiệm của UBND và Ban Chỉ đạo công tác ATTP các cấp đặc biệt là xã, phường, thị trấn.

2. Tuyên truyền các chính sách, pháp luật; thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm

a. Tuyên truyền các chính sách, pháp luật đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản và đội ngũ cán bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATTP, các hội viên thuộc Ủy ban mặt trận tổ quốc và khối đoàn thể tại cơ sở:

- Tùy vào đối tượng mà lựa chọn các nội dung phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATTP, như các khái niệm, hành vi bị cấm trong sản xuất kinh doanh nông sản; quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; phương thức quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT; quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Phổ biến chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

b. Thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm

- Hướng dẫn về tiêu chí đánh giá sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.

- Thông tin, quảng bá các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn; sản phẩm nông, lâm, thủy sản được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.

- Cập nhật công khai kết quả phân loại A, B, C các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh; thông tin đầy đủ, kịp thời về tình trạng mất ATTP và cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn thực phẩm.

3. Mở rộng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn

- Xây dựng tài liệu hướng dẫn tiêu chí đánh giá sản xuất, kinh doanh đảm bảo ATTP trong chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản.

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân quy mô nhỏ áp dụng sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm; sản xuất, kinh doanh nông sản theo chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc gắn với xúc tiến thương mại, phát triển thị trường.

- Phát triển các vùng trồng rau, chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm; xây dựng, duy trì và phát triển các mô hình chuỗi nông lâm thủy sản an toàn thực phẩm.

- Nhân rộng mô hình thực hiện chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn toàn tỉnh.

4. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng ATTP

- Thực hiện thanh, kiểm tra về quản lý chất lượng ATTP hoặc liên ngành về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; thanh tra đột xuất cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản, cơ sở giết mổ, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm nhỏ lẻ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm; truy xuất và xử lý triệt để các cơ sở sản xuất, nhập khẩu đưa sản phẩm vi phạm chất lượng ATTP ra lưu thông trên thị trường.

- Lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm các sản phẩm nông lâm, thủy sản rủi ro cao, tiêu thụ nhiều nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm.

5. Tổ chức lực lượng, nâng cao năng lực

- Cử cán bộ tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm do trung ương tổ chức.

- Các địa phương kiện toàn, bố trí cán bộ, công chức theo dõi thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

- Tiếp tục hỗ trợ cấp huyện, thành phố trong công tác thống kê, đánh giá phân loại, thẩm định các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.

IV. NGUỒN KINH PHÍ

Các đơn vị bố trí kinh phí đã được giao năm 2020 để triển khai các nội dung theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị trong Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Tham mưu, thực hiện công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp theo thẩm quyền được giao.

- Chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các đơn vị trực thuộc Sở và UBND các huyện, thành phố thực hiện triển khai Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020 có hiệu quả.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.

- Xây dựng tài liệu hướng dẫn tiêu chí đánh giá sản xuất, kinh doanh đảm bảo ATTP trong chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản.

- Xây dựng kế hoạch phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Sở Nông nghiệp và PTNT.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT định kỳ hàng tháng, quý, năm theo quy định.

2. Sở Công Thương

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thanh, kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP theo quy định của pháp luật.

3. Cục Quản lý thị trường tỉnh

Triển khai công tác phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; sản xuất, buôn bán thực phẩm giả trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

4. Sở Y tế

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết hợp tuyên truyền cho chủ các cơ sở, nhà hàng, bếp ăn tập thể lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn có xác nhận của cơ quan chuyên môn.

5. Công an tỉnh

Chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường, công an đơn vị, địa phương phát hiện đường dây nhập lậu; cơ sở tàng trữ mua bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Chủ trì hoạt động đấu tranh phòng, chống và xử lý tội phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác thanh, kiểm tra cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản nhằm kịp thời phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Quản lý thị trường tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, tác hại sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam và các nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông sản.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh.

Phối hợp với cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch và triển khai Chương trình phối hợp tuyên truyền, giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn nhằm tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, các tiêu chí để đánh giá sản xuất, kinh doanh nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm.

Vận động hội viên, đoàn viên chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, tích cực tham gia tham gia phát hiện, tố giác các trường hợp buôn bán, sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông sản không đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm.

8. UBND các huyện, thành phố

- Phối hợp với cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện nội dung, nhiệm vụ cụ thể của Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020.

- Tổ chức thực hiện các nội dung được phân công tại Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 08/10/2019 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phan cấp quản lý nhà nước về ATTP thuộc trách nhiệm của ngành Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

- Tổ chức thực hiện Kế hoạch 275/KH-UBND ngày 17/5/2019 của UBND tỉnh Bắc Kạn về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2019 - 2020” trên địa bàn tỉnh Bắc kạn

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm theo phân cấp. Tuyên truyền đến cán bộ công chức, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Kiện toàn, bố trí cán bộ, công chức theo dõi thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

9. Thời gian gửi báo cáo

Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả thực hiện định kỳ trước ngày 15 hàng tháng; báo cáo tổng kết năm trước ngày 15/12/2020 về Sở Nông nghiệp và PTNT. Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp kết quả thực hiện và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/12/2020.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020 đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chủ động báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
Gửi bản điện tử:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- Cục QLCL Nông lâm sản và Thủy sản (b/c);
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- HLHPN tỉnh, HND tỉnh (P/h);
- Các Sở: NN&PTNT, Y tế, TT&TT;
- Công an tỉnh;
- Cục Quản lý thị trường tỉnh;
- Báo Bắc Kạn, Đài PT&TH tỉnh (P/h);
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, Khởi, Cúc.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Thị Minh Hoa

 





Chỉ thị 13/CT-TTg năm 2019 về phát triển bền vững Ban hành: 20/05/2019 | Cập nhật: 21/05/2019