Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2020 về tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Số hiệu: 05/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Người ký: Trần Văn Tuấn
Ngày ban hành: 19/05/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 19 tháng 5 năm 2020

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA, DANH LAM THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU

Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến, nhiều di tích đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo phục hồi, nhiều di tích đã được khai thác, phát huy gắn với hoạt động du lịch, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thu hút đông đảo du khách tham quan, nghiên cứu, qua đó tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân nơi có di tích.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động trong việc quản lý di tích, tình trạng một số di tích đang bị xuống cấp chưa được đầu tư tu bổ, tôn tạo, tình trạng quy hoạch, xây dựng các công trình có ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích vẫn còn tồn tại, tình trạng mất cắp hiện vật, đưa các hiện vật, đồ thờ không phù hợp vào di tích...; hiện tượng tùy tiện tu bổ di tích vẫn còn xảy ra; tình trạng mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong di tích chưa được khắc phục; lắp đặt mới các biển hiệu giới thiệu di tích, quảng bá du lịch chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, làm ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị di tích.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Di sản văn hóa, các văn bản pháp luật có liên quan, Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND tỉnh ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về phân cấp quản lý di tích, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

I. Tuyên truyền nâng cao nhận thức để thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW 09 ngày 6 năm 2014 của Ban chấp hành Trung ương (khoá XI), Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật liên quan:

1. Các cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở và chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết số 33-NQ/TW 09 ngày 6 năm 2014 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong đó có nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch.

2. Tăng cường tuyên truyền Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Di sản văn hóa, các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các quy định của pháp luật có liên quan về công tác quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Tích cực vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích; kịp thời chấn chỉnh các hoạt động tuỳ tiện trong tu bổ, tôn tạo di tích, không đưa các hiện vật, đồ thờ không phù hợp vào di tích; xử lý nghiêm minh các hành vi lấn chiếm đất đai, xâm phạm di tích…

II. Tăng cường quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích:

1. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là di tích; bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm di tích, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật về các hành vi vi phạm, đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích vào kỷ cương nề nếp.

2. Xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa đối với 49 di tích đã được xếp hạng phải trở thành 49 điểm du lịch, điểm không gian văn hóa, công viên xanh văn minh, lịch sự để phục vụ người dân và du khách; cần xác định rõ mục tiêu bảo quản, tu bổ và tôn tạo cụ thể đối với từng di tích, trong đó cần kêu gọi các nhà đầu tư tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di tích, cho phép vận dụng các loại hình thương mại, dịch vụ phù hợp với đặc điểm văn hóa lịch sử của từng di tích.

3. Phân cấp trách nhiệm quản lý của từng cấp chính quyền đối với từng di tích; để có cơ sở quản lý, khai thác có hiệu quả, gắn các di tích vào các tour tuyến du lịch để quảng bá và thu hút khách tham quan.

4. Sớm hoàn thành việc cắm mốc để xác định ranh giới các di tích; kiên quyết di dời các hộ dân đang sinh sống trong các di tích; tuyệt đối không để tình trạng nhếch nhác và lấn chiếm di tích xảy ra.

5. Tổ chức tập huấn, hội thảo cho những người được giao trách nhiệm quản lý các di tích nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm quản lý di tích được giao.

6. Kịp thời biểu dương khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt công tác quản lý di tích. Đồng thời, xem xét và xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm trong quản lý các di tích, bảo đảm công tác quản lý di tích ngày càng tốt hơn.

7. Tăng cường công tác quản lý đất đai của các di tích bị lấn chiếm, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố cần có giải pháp, kiên quyết trong việc thu hồi đất của di tích bị lấn chiếm; thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả đất đai của di tích.

8. Tổ chức hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội gắn với di tích, các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; Phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời những hành vi làm ảnh hưởng tới di tích và cảnh quan môi trường của di tích; Ngăn chặn và xử lý các hoạt động mê tín dị đoan,… tại di tích theo thẩm quyền.

III. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ:

1. Sở Văn hóa và Thể thao

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa và các quy định khác của pháp luật hiện hành có liên quan.

b) Hướng dẫn thực hiện việc lập quy hoạch, dự án tu bổ di tích theo Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2019 và Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31 ngày 12 năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

c) Đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

d) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích; về xây dựng các công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích nhưng có ảnh hưởng đối với di tích; về sử dụng đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; về hoạt động lễ hội truyền thống gắn với di tích…theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

e) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ đo đạc, cắm mốc khoanh vùng bảo vệ các khu vực di tích trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

f) Xây dựng Kế hoạch đầu tư bảo tồn tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo, di tích lịch sử -văn hóa Bạch Dinh, di tích lịch sử Trận địa pháo cổ Núi Lớn và Hầm Thủy Lôi (theo quy định về phân cấp quản lý di tích tại Quyết định 18/2018/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

g) Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý di tích, quản lý các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích cho cán bộ cấp huyện, xã có liên quan và người trực tiếp trông coi di tích.

h) Nghiên cứu, xây dựng biên soạn nội dung sổ tay, cẩm nang hướng dẫn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; giới thiệu, quảng bá hình ảnh, giá trị về mặt lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của các di tích trên địa bàn tỉnh có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch.

i) Tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ về nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung tư liệu, cứ liệu lịch sử - văn hóa vào hồ sơ di tích; thực hiện số hóa trong quản lý hồ sơ di tích theo quy định.

2. Sở Xây dựng phối hợp các Sở, ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về hoạt động xây dựng, cải tạo, xây dựng mới đối với các dự án, các công trình xây dựng nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích nhưng có khả năng ảnh hưởng đến di tích phải thực hiện lấy ý kiến cơ quan chuyên ngành về văn hóa theo quy định tại Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; hoạt động cải tạo xây dựng đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là di tích theo thẩm quyền.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Phối hợp các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các di tích theo địa phương quản lý, bảo đảm yêu cầu về bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Trong trường hợp đặc biệt cần thiết phải sử dụng đất di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh vào mục đích khác thì việc chuyển mục đích phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định xếp hạng đối với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đó.

b) Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng đất di tích không đúng mục đích, sử dụng trái pháp luật theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Đất đai và các quy định pháp luật có liên quan; hướng dẫn lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của di tích; Hướng dẫn việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường tại các di tích.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm trình cấp thẩm quyền cân đối ngân sách hàng năm để đầu tư cho việc tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích đã được Nhà nước xếp hạng, ưu tiên cho các di tích có tiềm năng phát triển du lịch theo quy định của pháp luật về Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

5. Sở Tài chính có trách nhiệm trình cấp thẩm quyền cân đối nguồn vốn sự nghiệp thực hiện tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp di tích đã được nhà nước xếp hạng theo quy định của Luật Ngân sách và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

6. Sở Nội vụ

a) Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành có liên quan kiểm tra, giám sát về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo là di tích; hướng dẫn việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là di tích đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật về xây dựng.

b) Triển khai Quy chế phối hợp số 02/QCPH-BNV-BVHTTDL ngày 06/12/2019 giữa Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng.

7. Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch gắn với hoạt động giới thiệu, quảng bá hình ảnh về lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo, danh lam thắng cảnh…trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho du khách trong nước và quốc tế khi đến tham quan, học tập, nghiên cứu…, kết nối tour tuyến với các điểm tham quan di tích trên địa bàn tỉnh.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giáo dục cho học sinh, sinh viên các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học phổ thông, Trung học cơ sở trong bảo vệ và phát huy giá trị di tích; Tổ chức cho các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông về nguồn và chăm sóc vệ sinh môi trường tại các di tích lịch sử, cách mạng ở địa phương nhân dịp các ngày lễ lớn trong năm; Đưa việc học tập, tham quan, nghiên cứu di tích vào chương trình giáo dục ngoại khóa hàng năm phù hợp với chương trình của các cấp học, trường học.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức pháp luật về di sản văn hóa đến cấp ủy đảng cơ sở, tổ chức xã hội và toàn thể cộng đồng; Trong đó, cần tập trung tuyên truyền sâu rộng Quy định phân cấp và trách nhiệm quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình tín ngưỡng, tôn giáo là di tích trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố quản lý theo Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 15 ngày 6 tháng 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

b) Phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo thực hiện công tác đo đạc, cắm mốc khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo địa bàn quản lý.

c) Xây dựng Kế hoạch đầu tư bảo tồn tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích theo phân cấp quản lý tại khoản 2 Điều 18 Quyết định 18/2018/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh (trừ các di tích quy định tại điểm e khoản 1 mục III của Chị thị này); Phải trở thành điểm du lịch, điểm không gian văn hóa, công viên xanh văn minh, lịch sự để phục vụ người dân và du khách (theo phân cấp quản lý cho từng địa phương tại Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

d) Thường xuyên kiểm tra, giám sát về xây dựng đối với các công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích nhưng có ảnh hưởng đối với di tích do Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố quản lý và phải lấy ý kiến của cơ quan chuyên ngành về văn hóa theo quy định tại Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; hoạt động cải tạo xây dựng đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là di tích theo thẩm quyền.

e) Chỉ đạo rà soát và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; thực hiện tốt nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn và phòng, chống cháy nổ cho di tích. Đẩy mạnh công tác lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đã được phân cấp quản lý; hàng năm bố trí ngân sách để đầu tư cho công tác chống xuống cấp di tích tại địa phương.

f) Rà soát, sắp xếp lại hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; chấm dứt tình trạng dựng quán bán hàng trái phép, bán hàng rong…gây mất trật tự tại các điểm di tích.

g) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên; xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng đất di tích không đúng mục đích, sử dụng trái pháp luật; An ninh trật tự, vệ sinh môi trường, ....

h) Quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn trong việc bảo vệ di tích trên địa bàn và quy chế phối hợp quản lý giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với tổ chức quản lý di tích hoặc người được giao trông coi di tích.

i) Chỉ đạo chính quyền cấp xã phải có các biện pháp tích cực, hiệu quả trong việc bảo vệ di tích tại địa phương, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; Tổ chức hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội gắn với di tích, các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; Phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời những hành vi làm ảnh hưởng tới di tích và cảnh quan môi trường của di tích; Ngăn chặn và xử lý các hoạt động mê tín dị đoan,… tại di tích theo thẩm quyền.

10. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa – Vũng Tàu tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tích cực phối hợp với các cấp chính quyền vận động, tuyên truyền, phổ biến cho đoàn viên, hội viên và nhân dân quán triệt và thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Đề nghị các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung trên. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, các Sở, ngành và địa phương báo cáo về Sở Văn hóa và Thể thao tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Tuấn

 

 





Quyết định 18/2018/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 13/2009/QĐ-UBND Ban hành: 10/04/2018 | Cập nhật: 24/04/2018