Quyết định 18/2018/QĐ-UBND quy định quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Số hiệu: 18/2018/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Lê Trí Thanh
Ngày ban hành: 06/12/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2018/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 06 tháng 12 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Khí tượng thủy văn ngày 23/11/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn;

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 935/TTr- STNMT ngày 06/11/2018.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày20tháng 12 năm 2018.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (B/c);
- TTTU, TT HĐND tỉnh (B/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Tổng cục KTTV - Bộ TN và MT;
- Cục Kiểm tra văn bản- Bộ Tư pháp;
- UBND các xã, phường, thị trấn
(do UBND cấp huyện sao gửi);
- Báo Quảng Nam, Đài PTTH tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, KSTTHC, KTN(Th).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Trí Thanh

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18 /2018/QĐ-UBND ngày 06 /12/2018 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

a) Quy định này quy định quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức cá nhân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ các công trình khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

b) Các hoạt động khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý và các công trình khí tượng thủy văn phục vụ quốc phòng, an ninh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.

2. Đối tượng áp dụng

Các Sở, Ban, ngành (sau đây gọi chung là cơ quan nhà nước); UBND huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện); UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã) và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khí tượng thủy văn là cụm từ chỉ chung khí tượng, thủy văn và hải văn;

2. Khí tượng là trạng thái của khí quyển, quá trình diễn biến của các hiện tượng tự nhiên trong khí quyển;

3. Thủy văn là trạng thái, quá trình diễn biến và sự vận động của nước sông, suối, kênh, rạch, hồ;

4. Hải văn là trạng thái, quá trình diễn biến và sự vận động của nước biển;

5. Quan trắc khí tượng thủy văn là việc quan sát, đo đạc trực tiếp hoặc gián tiếp một cách có hệ thống các thông số biểu hiện trạng thái, hiện tượng, quá trình diễn biến của khí quyển, nước sông, suối, kênh, rạch, hồ và nước biển;

6. Thời tiết là trạng thái của khí quyển tại một thời điểm và khu vực cụ thể được xác định bằng các yếu tố và hiện tượng khí tượng;

7. Dự báo khí tượng thủy văn là đưa ra thông tin, dữ liệu về trạng thái, quá trình diễn biến và hiện tượng khí tượng thủy văn trong tương lai ở một khu vực, vị trí với khoảng thời gian xác định;

8. Cảnh báo khí tượng thủy văn là đưa ra thông tin, dữ liệu về nguy cơ xảy ra các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, bất thường có thể ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại về người, tài sản và môi trường;

9. Bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn là sản phẩm của tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo, thể hiện thông tin, dữ liệu dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn dưới dạng văn bản, bảng số liệu, bản đồ, biểu đồ, biểu tượng, hình ảnh, âm thanh;

10. Khí hậu là tổng hợp các điều kiện thời tiết ở một khu vực nhất định, đặc trưng bởi các đại lượng thống kê dài hạn của các yếu tố khí tượng tại khu vực đó;

11. Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người, biểu hiện bởi sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan;

12. Công trình khí tượng thủy văn là cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành để lắp đặt phương tiện đo, thiết bị thông tin khí tượng thủy văn;

13. Công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng là công trình khí tượng thủy văn do các tổ chức, cá nhân hoặc UBND tỉnh đầu tư xây dựng (bao gồm công trình khí tượng thủy văn của các đơn vị sự nghiệp công lập), khai thác phục vụ các mục đích, nhu cầu chuyên ngành hoặc địa phương không thuộc công trình khí tượng thủy văn quốc gia;

14. Trạm khí tượng thủy văn là nơi được lựa chọn theo các yêu cầu kỹ thuật chuyên môn để đặt một hoặc nhiều công trình khí tượng thủy văn, gồm các loại: Trạm khí tượng bề mặt, trạm khí tượng trên cao, trạm ra đa thời tiết, trạm khí tượng nông nghiệp, trạm thủy văn, trạm hải văn, trạm đo mưa, trạm định vị sét và các loại trạm chuyên đề khác;

15. Hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn là khoảng không, diện tích mặt đất, dưới đất, mặt nước, dưới nước cần thiết để bảo đảm công trình khí tượng thủy văn hoạt động đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, dữ liệu khí tượng thủy văn thu được phản ánh khách quan tính tự nhiên của khu vực, bảo đảm độ chính xác theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Điều 3. Phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoạt động khí tượng thủy văn

1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam, các tổ chức chính trị xã hội khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia bảo vệ công trình khí tượng thủy văn, tiếp nhận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn và chấp hành các quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.

2. Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các cơ quan báo chí xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền sâu rộng pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh tổ chức truyền, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn do hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia ban hành và thông tin về biến đổi khí hậu phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

4. Báo Quảng Nam, Cổng Thông tin điện tửtỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hìnhcấp huyện, Bản tin chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị, địa phương giới thiệu, tuyên truyền văn bản pháp luật về khí tượng thủy văn.

Chương II

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN CHUYÊN DÙNG

Điều 4. Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng

1. Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo mục đích riêng do Sở, Ban, ngành, tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý và khai thác theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm lập và phê duyệt kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùngquy định tại Khoản 6, Điều 12 Luật Khí tượng thủy văn.

Điều 5. Quan trắc khí tượng thủy văn

1. Yêu cầu đối với quan trắc khí tượng thủy văn thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 13 Luật Khí tượng thủy văn.

2. Công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP của Chính phủ, gồm:

a) Sân bay;

b) Hồ chứa thủy lợi có cửa van điều tiết, lũ và hồ chứa thủy điện có dung tích toàn bộ từ 3.000.000 m3(ba triệu mét khối) trở lên; hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông;

c) Cảng biển loại I và loại II;

d) Cầu qua vùng cửa sông ven biển, eo biển, vịnh hoặc các đảo vùng nội thủy có khẩu độ thông thuyền từ 500 mét trở lên;

đ) Tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình có kết hợp khai thác tham quan, kinh doanh phục vụ khách trên tháp;

e) Cáp treo phục vụ hoạt động tham quan, du lịch;

g) Vườn quốc gia.

3. Danh mục công trình và chủ công trình phải tổ chức, quan trắc khí tượng thủy văn được rà soát, cập nhật bổ sung hằng năm theo quy định.

Điều 6. Thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng

1. Thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng quy định tại Khoản 2, Điều 14 Luật Khí tượng thủy văn.

2. Việc di chuyển trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng quy định tại Khoản 4, Điều 14 Luật Khí tượng thủy văn.

3. Giải thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng được quy định tại Khoản 5, Điều 14 Luật Khí tượng thủy văn, như sau:

a) Giải thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trong trường hợp: Trạm không còn trong kế hoạch phát triển của tỉnh và không đủ điều kiện để chuyển sang mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; không bảo đảm điều kiện kỹ thuật để quan trắc mà không thể di chuyển được; mục đích hoạt động của trạm đã hoàn thành;

b) Người có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng quyết định giải thể trạm khí tượng thủy văn thuộc quyền quản lý; sau khi giải thể phải thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường.

Điều 7. Hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng

Căn cứ các quy định về hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia quy định tại Khoản 1, 2, 3 và 4, Điều 7 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng thuộc quyền quản lý.

Điều 8. Bảo vệ hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 8 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ và quy định của pháp luật có liên quan xác định ranh giới và bảo vệ hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn thuộc quyền quản lý.

Điều 9. Nội dung và vị trí quan trắc khí tượng thủy văn

Nội dung và vị trí quan trắc khí tượng thủy văn của các công trình quy định tại Khoản 2, Điều 5 Quy định này thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.

Điều 10. Cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn

Chủ công trình quy định tại Khoản 2, Điều 5 và chủ công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng không thuộc quy định tại Khoản 2, Điều 5 của Quy định này tổ chức thực hiện việc cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy theo quy định tại Khoản 2, 3, 4 và 5, Điều 5 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.

Chương III

HOẠT ĐỘNGDỰ BÁO, CẢNH BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Điều 11. Điều kiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân

Điều kiện hoạt động dự báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11Nghị định số 38/2016/NĐ- CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.

Điều 12. Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

1. Chủ tịch UBND tỉnh cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đối với tổ chức, cá nhân thực hiện dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong phạm vi tỉnh.

2. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có trách nhiệm tuân thủ các quy định về quản lý hoạt động dự báo, cảnh báo quy định tại Khoản 1, Điều 28 Luật Khí tượng thủy văn.

3. Thời hạn giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn:

a) Giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn được cấp có thời hạn tối đa là 05 năm;

b) Giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn được xem xét gia hạn khi tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện quy định tại Quy định này và trong thời gian hoạt động theo giấy phép đã được cấp không vi phạm pháp luật, mỗi lần gia hạn không quá 05 năm.

4. Hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia, nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy mà không công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc sử dụng trong hoạt động dịch vụ khí tượng thủy văn thì không phải xin cấp giấy phép.

Điều 13. Hồ sơ cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

Hồ sơ cấp giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đối với tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định tại Điều 15, Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.

Điều 14. Thủ tục, trình tự, thời gian cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

1. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh.

2.Thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thực hiện theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 38/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Trình tự, thời gian cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thực hiện theo quy định tại Điều 17, Nghị định số 38/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 15. Cấp lại, thu hồi và trả lại giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

1. Cấp lại giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thực hiện theo quy định tại Điều 18, Nghị định số 38/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Thu hồi và trả lại giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thực hiện theo quy định tại Điều 19, Nghị định số 38/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 16. Đình chỉ, chấm dứt hiệu lực giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

1. Đình chỉ hiệu lực của giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thực hiện theo quy định tại Điều 20, Nghị định số 38/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Chấm dứt hiệu lực của giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thực hiện theo quy định tại Điều 21, Nghị định số 38/2016/NĐ- CP của Chính phủ.

Chương IV

KHAI THÁC, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ THÔNG TIN, DỮ LIỆUKHÍ TƯỢNG THỦY VĂN

Điều 17. Khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn

1. Nguyên tắc khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn không phải trả phí thực hiện theo quy định tại Điều 22, Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.

2. Khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn không phải trả phí thực hiện theo quy định tại Điều 23 và Điều 25, Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.

3. Khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn phải trả phí thực hiện theo quy định tại Điều 26, Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.

4. Khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu từ cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia thực hiện theo quy định tại Điều 30, Nghị định số 38/2016/NĐ- CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.

Điều 18. Thẩm quyền cung cấp, xác nhận nguồn gốc của thông tin,dữ liệu khí tượng thủy văn

1. Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh và các tổ chức sự nghiệp công lập về khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ quản lý trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh có thẩm quyền cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn và xác nhận nguồn gốc của thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn do trạm của mình quan trắc.

Điều 19. Trách nhiệm thẩm định, thẩm tra, đánh giá nguồn gốc của thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân, chủ chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc của thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thẩm định, thẩm tra, đánh giá chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn có trách nhiệm thẩm định, thẩm tra nguồn gốc và việc sử dụng thông tin, dữ liệu theo nguyên tắc quy định tại Điều 22, Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.

Điều 20. Giao nộp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn

1. Cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để quan trắc, điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn và các hoạt động khí tượng thủy văn khác có trách nhiệm giao nộp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn cho cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia theo quy định của Luật Khí tượng thủy văn và các quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn.

2. Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn giao nộp phải có nguồn gốc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận tính hợp pháp và giá trị thông tin, dữ liệu.

3. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này theo quy định tại Khoản 3, Điều 6 Thông tư số 07/2016/TT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các bộ dữ liệu, chuẩn dữ liệu và xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia.

Điều 21. Cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn của tỉnh

Sở Tài nguyên và Môi trường giúp UBND tỉnh tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn thuộc phạm vi quản lý của tỉnh theo hướng dẫn tại Khoản 2, Điều 12 Thông tư số 07/2016/TT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bảo đảm tính thống nhất và trao đổi được với cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia.

Chương V

TỔ CHỨCTHỰC HIỆN

Điều 22. Thanh tra chuyên ngành về khí tượng thủy văn

1. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về khí tượng thủy văn

2. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực khí tượng thủy văn thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 23. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực khí tượng thủy văn tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 84/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủsửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 173/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ và các quy định hiện hành, đồng thời thực hiện các giải pháp khắc phục trong thời hạn do cơ quan nhà nước yêu cầu; trường hợp tổ chức, cá nhân không khắc phục được thì bị đình chỉ hoạt độngtheo quy định của pháp luật.

2. Cán bộ, công chức nhà nước lợi dụng chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật và quy định của UBND tỉnh đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn.

Điều 24. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường

1. Tham mưu UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh.

2. Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

3. Quản lý các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo, thông tin, dữ liệu, cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn và truyền, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh.

4. Theo dõi, đánh giá việc khai thác, sử dụng tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

5. Tham gia thẩm định, thẩm tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

6. Phối hợp tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị đo của công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh.

7. Tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, khu vực thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh.

8. Quản lý, lưu trữ thông tin, dữ liệu; xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh theo quy định của pháp luật.

9. Phối hợp với các cơ quan có liên quan phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu; thực hiện các biện pháp phát triển hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh.

10. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc bảo vệ, giải quyết các vi phạm hành lang an toàn kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn của Trung ương trên địa bàn tỉnh

11. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn; giải quyết khiếu nại, tố cáo về khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

12. Thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục công trình và chủ công trình phải tổ chức quan trắc khí tượng thủy văn trình Chủ tịch UBND tỉnh để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

13. Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, báo cáo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh.

Điều 25. Trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành có liên quan

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn khai thác, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, kịch bản biến đổi khí hậu trong phòng, chống thiên tai, xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn.

2. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, kịch bản biến đổi khí hậu trong xây dựng, quản lý, khai thác đối với lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Giao thông vận tải

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải khai thác, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, kịch bản biến đổi khí hậu.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

Có nhiệm vụ quản lý nhà nước về thiết bị đo khí tượng thủy văn và hướng dẫn các tổ chức hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị theo quy định hiện hành của nhà nước.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh về thủ tục quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và nguồn vốn phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thi hành pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chiến lược phát triển đồng bộ hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và quy hoạch tài nguyên viễn thông trên địa bàn tỉnh phục vụ hoạt động khí tượng thủy văn theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;

c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền, đăng tải thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu, thông tin phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, an toàn cứu nạn, cứu hộ và các thông tin khẩn cấp khác trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

8. Các Sở, Ban, ngành và đơn vị có liên quan

Các Sở, Ban, ngành và đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý thực hiện theo đúng quy định pháp luật về khí tượng thủy văn.

Điều 26. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố

1. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh việc chấp hành pháp luật về khí tượng thủy văn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

2. Thực hiện việc đánh giá, khai thác, sử dụng tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

3. Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền về khí tượng thủy văn; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về khí tượng thủy văn trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền.

4. Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình hoạt động khí tượng thủy văn, thiệt hại do thiên tai khí tượng thủy văn gây ra trên địa bàn.

5. Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn theo phân cấp hoặc ủy quyền của UBND tỉnh.

Điều 27. Trách nhiệm của UBND các xã, phường, thị trấn

1. Tham gia bảo vệ công trình khí tượng thủy văn trên địa bàn.

2. Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền về khí tượng thủy văn; tham gia giải quyết, xử lý vi phạm về khí tượng thủy văn theo thẩm quyền.

3. Tổng hợp, báo cáo UBND cấp huyện tình hình hoạt động khí tượng thủy văn, thiệt hại do thiên tai khí tượng thủy văn gây ra trên địa bàn.

4. Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn theo phân cấp hoặc ủy quyền của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên.

Điều 28. Điều khoản thi hành

1. Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quantheo chức năng và nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung Quy định này cho phù hợp./.