Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2020 về tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn điện; an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong mùa mưa lũ
Số hiệu: | 05/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hòa Bình | Người ký: | Bùi Văn Khánh |
Ngày ban hành: | 20/03/2020 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài nguyên, Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5/CT-UBND |
Hòa Bình, ngày 20 tháng 3 năm 2020 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, ĐẢM BẢO AN TOÀN ĐIỆN; AN TOÀN ĐẬP, HỒ CHỨA THỦY ĐIỆN TRONG MÙA MƯA LŨ
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường không chỉ gây gián đoạn cung cấp điện mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động và có biện pháp đồng bộ, hiệu quả trong công tác đảm bảo an toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện và phía hạ du đập thủy điện trong mùa mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất sự cố có thể gây mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện, Giám đốc các Đơn vị quản lý vận hành lưới điện trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh
- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ và việc vận hành của các công trình thủy điện để chỉ đạo phòng, chống lũ lụt và xử lý các tình huống bất thường có ảnh hưởng đến an toàn hạ du công trình thủy điện;
- Căn cứ vào điều kiện thực tế công trình, hạ du, dự báo thời tiết, dòng chảy về hồ, Quyết định ban hành lệnh vận hành xả lũ hồ chứa thủy điện trong trường hợp có khả năng xảy ra hiện tượng thời tiết bất thường, dự báo dòng chảy lũ về sẽ tăng đột biến;
- Thực hiện theo Quy chế phối hợp đã được ký kết với Công ty thủy điện Hòa Bình để theo dõi, chỉ đạo vận hành, điều tiết theo Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.
- Phối hợp với Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện, UBND và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện quyết định vị trí lắp đặt cột thủy chí hoặc trang thiết bị có tính năng tương tự cột thủy chí.
2. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn chủ đầu tư, các đơn vị quản lý vận hành lưới điện; Chủ đầu tư xây dựng đập, hồ chứa thủy điện và Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng xây dựng công trình, an toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện trước mùa mưa lũ; xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm;
- Theo dõi, chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành lưới điện thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về an toàn điện; Chủ đầu tư xây dựng đập, hồ chứa thủy điện và Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về an toàn đập, hồ chứa thủy điện;
- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện các phương án khi xảy ra tình huống mất an toàn đập theo phương châm 4 tại chỗ.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra, đôn đốc Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện thực hiện theo dõi tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, mưa lũ để kịp thời thông báo, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý các tình huống bất thường có ảnh hưởng đến an toàn công trình và vùng hạ du;
- Phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra trước mùa mưa lũ về tình hình an toàn các công trình thủy điện đã đưa vào vận hành khai thác và các dự án thủy điện đang thi công.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Tăng cường kiểm tra Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện trong việc thực hiện các quy định tại Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trong trường hợp không thực hiện đúng nội dung giấy phép;
- Chủ trì tham mưu thực hiện quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước;
- Phối hợp với Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện, UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi xây dựng đập để xây dựng phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công An tỉnh
Chuẩn bị phương án, lực lượng, phương tiện, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn; bố trí lực lượng ứng cứu, chi viện kịp thời cho các ngành, địa phương thực hiện việc cứu người và tài sản khi có mưa lũ, khắc phục kịp thời hậu quả mưa lũ đồng thời đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
6. UBND các huyện, thành phố
- Phê duyệt hoặc chỉ đạo UBND cấp xã nơi xây dựng đập phê duyệt Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP .
- Chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương, UBND xã nơi xây dựng công trình thủy điện thực hiện nghiêm túc nội dung phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước, phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp được duyệt;
- Tổ chức, thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”, bố trí lực lượng ứng cứu, phương tiện thiết bị, dự trữ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, thuốc y tế... ở những khu vực dễ bị cô lập, chia cắt dài ngày khi xảy ra thiên tai;
- Chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp trên địa bàn kiểm tra, rà soát lại các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp còn tồn tại trên địa bàn từ đó phân loại theo tính chất, mức độ vi phạm để xây dựng kế hoạch giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm theo quy định; tuyên truyền, vận động các hộ dân trên địa bàn trồng cây trong, ngoài hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp có nguy cơ gây sự cố lưới điện cho các đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp thực hiện việc chặt, tỉa cây để đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện;
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra công tác an toàn điện, an toàn đập của công trình thủy điện trước, trong và sau các đợt mưa lũ trên địa bàn;
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn điện, an toàn đập các công trình thủy điện và kiến thức cơ bản về phòng chống lũ, lụt tới người dân trên địa bàn.
7. Các đơn vị quản lý vận hành lưới điện
- Chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền an toàn điện trong nhân dân, phòng chống tai nạn điện trong mùa mưa lũ, thông báo rộng rãi số điện thoại, địa chỉ của bộ phận thường trực tiếp nhận thông tin của các tổ chức, nhân dân về sự cố hoặc hiện tượng bất thường của hệ thống lưới điện;
- Hoàn thành công tác thí nghiệm định kỳ các thiết bị đường dây và trạm biến áp theo tiêu chuẩn trước mùa mưa lũ;
- Tổ chức kiểm tra khắc phục kịp thời các khiếm khuyết tồn tại trên lưới điện, xử lý ngay đối với các vị trí có nguy cơ gây ra sự cố và tai nạn điện cho nhân dân trước mùa mưa lũ hàng năm;
- Tổ chức phát quang hành lang tuyến, chặt tỉa cây ngoài hành lang có nguy cơ đổ vào công trình điện theo quy định tại Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện. Phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân sinh sống dọc theo lưới điện chặt tỉa cây để đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện;
- Xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; tổ chức diễn tập cho tất cả các cán bộ, công nhân viên theo phương án đã phê duyệt;
- Tập trung mọi nguồn lực để khắc phục kịp thời sự cố lưới điện, không để mất điện kéo dài tại khu vực bị ảnh hưởng do thiên tai.
8. Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện
- Rà soát, triển khai thực hiện đúng, đầy đủ các quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 08/7/2019 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện;
- Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, công trình xả lũ, nhận nước, tình hình hoạt động của hệ thống giám sát vận hành, hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ để khắc phục kịp thời các khiếm khuyết; chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị phục vụ công tác phòng chống lụt bão. Riêng các công trình đang thi công phải đảm bảo tiến độ và cao trình chống lũ;
- Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương, các chủ đập, hồ chứa thủy điện có liên quan thực hiện vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du đặc biệt là vận hành xả lũ;
- Chủ động tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn phục vụ vận hành hồ chứa thủy điện an toàn, hiệu quả, hài hòa giữa bảo đảm an ninh năng lượng với việc cấp thoát nước cho các nhu cầu sử dụng của vùng hạ du;
- Xây dựng Quy chế phối hợp với chính quyền địa phương trong vận hành xả lũ và phòng chống thiên tai;
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi xây dựng đập để xây dựng phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập để tổ chức cắm mốc chỉ giới và quản lý mốc chỉ giới theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ;
- Thục hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin liên quan đến hồ chứa theo quy định tại Điều 35 Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.
9. Đài khí tượng Thủy văn Hòa Bình
Chủ động, thường xuyên theo dõi và thông báo kịp thời những thông tin dự báo về mưa, lũ, lưu lượng của từng lưu vực sông trong từng thời gian cụ thể; cung cấp kịp thời chính xác số liệu khí tượng thủy văn cho Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để chỉ đạo, điều hành theo quy định về phát hành bản tin và truyền tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
10. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hòa Bình
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các chủ trương, chỉ thị, công điện, mệnh lệnh về công tác phòng chống thiên tai; truyền phát tin thiên tai theo quy định về phát hành bản tin và truyền tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện, Giám đốc các Đơn vị quản lý vận hành lưới điện trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai, thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 27/6/2017 của UBND tỉnh Hòa Bình về tăng cường công tác quản lý an toàn điện, an toàn đập thủy điện trong mùa mưa lũ./.
|
CHỦ TỊCH |
Thông tư 09/2019/TT-BCT quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện Ban hành: 08/07/2019 | Cập nhật: 09/07/2019
Quyết định 740/QĐ-TTg năm 2019 về Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng Ban hành: 17/06/2019 | Cập nhật: 20/06/2019
Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước Ban hành: 04/09/2018 | Cập nhật: 06/09/2018
Nghị định 43/2015/NĐ-CP Quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước Ban hành: 06/05/2015 | Cập nhật: 07/05/2015
Quyết định 46/2014/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai Ban hành: 15/08/2014 | Cập nhật: 20/08/2014
Nghị định 14/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật điện lực về an toàn điện Ban hành: 26/02/2014 | Cập nhật: 28/02/2014