Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2010 về tăng cường công tác quản lý và bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành
Số hiệu: 05/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai Người ký: Hoàng Công Lự
Ngày ban hành: 14/04/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Pleiku, ngày 14 tháng 4 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG, GIÁ CẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1269/VPCP-KTTH ngày 27/02/2010 của Văn phòng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát trong năm 2010; đồng thời, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bình ổn giá cả, thị trường trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ, biện pháp sau đây:

1/ Sở Công thương:

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan tiến hành rà soát nhu cầu và khả năng cung ứng các loại mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh như: Xăng dầu, phân bón, xi măng, sắt thép xây dựng, khí hoá lỏng (gas), sữa, dầu ăn, thuốc phòng chữa bệnh cho người và gia súc, gia cầm, lương thực, thực phẩm, dịch vụ vận tải, ăn uống,…

- Theo dõi diễn biến thị trường, giá cả, khả năng cung - cầu hàng hoá. Yêu cầu các doanh nghiệp: đăng ký cam kết tham gia bình ổn thị trường, giá cả; thường xuyên đảm bảo nguồn hàng hoá tiêu dùng thiết yếu (theo danh mục hàng hoá quy định của Nhà nước) đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; đề xuất UBND tỉnh hoặc có các giải pháp ứng phó kịp thời theo thẩm quyền trong trường hợp cần thiết để đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá, gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, khuyến khích đẩy mạnh hoạt động sản xuất và tiêu dùng nội địa, tổ chức các hoạt động hướng ứng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như: Tổ chức các Hội chợ triển lãm, các phiên chợ hàng Việt Nam, các đợt bán hàng khuyến mại hàng Việt Nam, nâng cao tỷ trọng hàng Việt Nam trong các Siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ sau:

+ Tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong việc đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng theo giá niêm yết.

+ Thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về giá, các hành vi lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước đẩy giá hàng hoá, dịch vụ lên cao (nhất là các loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu), các hành vi đầu cơ găm hàng, thu lợi bất chính của các tổ chức, cá nhân, gây bất ổn thị trường.

+ Áp dụng các biện pháp quản lý giá hàng hoá, dịch vụ phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và đúng quy định của Nhà nước, không để xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý.

2/ Sở Tài chính:

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động và kịp thời kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thuộc thẩm quyền của tỉnh theo quy định của Pháp lệnh Giá, Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá; Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09/6/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 và Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP và Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09/6/2008 của Chính phủ.

- Hướng dẫn kê khai giá, đăng ký giá, niêm yết giá cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn tỉnh theo quy định của Nhà nước.

3/ Sở Thông tin Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền các quy định của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh về quản lý giá hàng hoá, dịch vụ để các tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn tỉnh biết, nghiêm túc thực hiện.

4/ Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp quản lý giá và bình ổn giá thị trường trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của Pháp luật trong việc quản lý giá cả hàng hoá, dịch vụ đến các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, cán bộ và nhân dân trên địa bàn.

- Phối hợp kiểm tra hoặc tổ chức kiểm tra, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về giá.

- Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thị trường, giá cả về Sở Công thương để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nghiêm túc tổ chức thực hiện./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Công Lự