Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2016 về tăng cường thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Sơn La
Số hiệu: | 05/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Sơn La | Người ký: | Cầm Ngọc Minh |
Ngày ban hành: | 24/03/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/CT-UBND |
Sơn La, ngày 24 tháng 3 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUẢN LÝ CÔNG TÁC THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định thuộc các lĩnh vực cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các ngành, các cấp, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thực hiện tốt công tác xử lý vi phạm hành chính.
Qua hơn 02 năm triển khai thực hiện, công tác xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, giữ vững trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính trong thời gian qua còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Cơ chế phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác này chưa thường xuyên, liên tục, một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đúng các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về thủ tục xử phạt, mức tiền phạt, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cấp phó ký nhưng không có văn bản ủy quyền; chưa thông báo kết quả thi hành xong quyết định cho cơ quan Tư pháp địa phương; việc lưu trữ hồ sơ, thống kê, theo dõi, tổng hợp, báo cáo công tác quản lý nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính chưa đầy đủ, kịp thời.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Sơn La, Chủ tịch UBND tỉnh Chỉ thị:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm
a) Tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp để cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ của cơ quan, đơn vị; các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
b) Chỉ đạo các đơn vị, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thực hiện nghiêm túc và chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác xử lý vi phạm hành chính;
c) Phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành và lĩnh vực được phân công theo quy định tại Khoản 5, Điều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Chương II Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định tại Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
d) Đảm bảo các điều kiện cần thiết cho công tác xử lý vi phạm hành chính về kinh phí, cơ sở vật chất, phân công, bố trí cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm đầu mối thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao;
đ) Thực hiện lưu trữ và thống kê về xử lý vi phạm hành chính theo quy định; cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính gửi Sở Tư pháp để phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính của tỉnh;
e) Phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc, những quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính không khả thi, không phù hợp với thực tiễn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn thuộc phạm vi quản lý của ngành để báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp tổng hợp);
f) Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của cơ quan, đơn vị định kỳ 6 tháng và hàng năm theo các mẫu đề cương báo cáo và các biểu mẫu tổng hợp số liệu theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 10/2015/TT-BTP ngày 31/8/2015 của Bộ Tư pháp gửi về Sở Tư pháp trước ngày ngày 10/4 đối với báo cáo định kỳ 6 tháng; trước ngày 10/10 đối với báo cáo hàng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
2. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm
a) Tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính; bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền; chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương theo quy định;
b) Rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, những bất cập trong thực tiễn thi hành, những nội dung văn bản pháp luật quy định về xử lý vi phạm hành chính không khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn để báo cáo UBND tỉnh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý;
c) Định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp tình hình, kết quả thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Chỉ thị này;
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp UBND tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính và tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
3. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm
Phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện hướng dẫn kiện toàn cơ cấu, tổ chức, bộ máy, điều động, luân chuyển, bố trí đủ nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.
4. Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương lập dự toán ngân sách hàng năm, đảm bảo kinh phí phục vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
5. Giám đốc Công an tỉnh có trách nhiệm
Chỉ đạo các đơn vị thuộc Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc các quy định về xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền, phối hợp với Phòng Tư pháp, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân cấp huyện, UBND cấp xã và các cơ quan có liên quan trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
6. Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm
Hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ về điều trị cắt cơn nghiện ma túy theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho người có thẩm quyền là bác sĩ, y sĩ thuộc trạm Y tế cấp xã, bệnh xá Quân y, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện, phòng y tế của cơ sở cai nghiện bắt buộc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh…, trong việc xác định người nghiện ma túy theo đúng quy định của Thông tư số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 09/7/2015 của liên bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an.
7. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Sơn La, Đài Phát thanh và Truyền hình Sơn La có trách nhiệm
a) Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo việc đưa tin, tuyên truyền, phổ biến về Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh;
b) Báo Sơn La, Đài Phát thanh và Truyền hình Sơn La dành thời lượng thích hợp, kịp thời đưa tin, bài, tổ chức các chuyên mục giới thiệu, tuyên truyền các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nhằm giúp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, ý thức trong việc thực thi pháp luật và chấp hành pháp luật.
8. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm
a) Chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giúp UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của địa phương tại Khoản 5, Điều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Chương II Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan; chủ trì, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an các huyện, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan có liên quan triển khai việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn;
b) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là áp dụng biện pháp giáo dục tại các xã, phường, thị trấn; thực hiện lưu trữ và thống kê về xử lý vi phạm hành chính. Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn định kỳ 6 tháng và hàng năm gửi UBND cấp huyện theo quy định;
c) Theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
9. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh
Chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện triển khai việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng cùng cấp trong việc ban hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện
Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên trong phạm vi chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của mình phối hợp với UBND cấp xã trong công tác tư vấn quyết định áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Chỉ đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan bằng các hình thức và biện pháp thích hợp.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành ở tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị và định kỳ báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp đảm bảo thi hành nghiêm túc Luật Xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |
Thông tư 10/2015/TT-BTP quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật Ban hành: 31/08/2015 | Cập nhật: 24/09/2015
Nghị định 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính Ban hành: 19/07/2013 | Cập nhật: 25/07/2013