Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2020 về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Số hiệu: 05/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau Người ký: Lâm Văn Bi
Ngày ban hành: 22/05/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Cà Mau, ngày 22 tháng 5 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Trong giai đoạn 2016 - 2019, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, kim ngạch xuất khẩu đạt 4.368 triệu USD, tăng trưởng bình quân 4,43%/năm; tổng sản lượng tôm chế biến, tiêu thụ khoảng 564.697 tấn, tăng trưởng bình quân 6,28%/năm. Hoạt động xuất khẩu trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu vẫn còn những hạn chế và khó khăn, thách thức như: phát triển chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; sức cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao; việc hội nhập, vận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chưa kịp thời; hoạt động quản lý xuất khẩu còn chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà; gặp các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa, nhất là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm.

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng nhanh và bền vững; thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 1,9 tỷ USD, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, đơn vị có liên quan:

- Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ xuất khẩu; phối hợp các cơ quan, đơn vị kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mc phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghip; cp nht kiến thức về Hội nhập quốc tế; lưu ý, phối hợp với các ngành có liên quan, tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA); đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực;

- Ưu tiên triển khai các đề án khuyến công quốc gia, đề án khuyến công địa phương được cấp thẩm quyền phê duyệt hàng năm để hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, xây dựng thương hiệu, đánh giá sản xuất sạch trong công nghiệp,… cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh;

- Thường xuyên phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương để nắm diễn biến, nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; rà soát nhu cầu nguyên liệu đầu vào, đề xuất các giải pháp bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu;

- Phối hợp với các ngành hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư sản xuất, phát triển thương hiệu, tham gia xuất khẩu các loại sản phẩm có lợi thế của tỉnh như: tôm, cua, gạo, sản phẩm từ gỗ, chuối,…

- Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động lưu thông hàng hóa trên thị trường, hoạt động thu mua, chế biến, gia công tôm nguyên liệu; tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu; gian lận thương mại, lưu thông hàng hóa trái phép và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật;

- Phối hợp với Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu hợp tác, hỗ trợ để tạo thế mạnh trong xuất khẩu; đẩy mạnh thông tin thị trường đến các hội viên để nâng cao tính chủ động, phòng ngừa rủi ro khi thị trường biến động; phát huy vai trò liên kết các đại diện hội viên để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội viên, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh thị trường. Đồng thời, kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo xu hướng chú trọng chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước, quốc tế; tham gia các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan:

- Rà soát, chỉ đạo hướng dẫn người dân phát triển nuôi trồng, khai thác thuỷ sản có hiệu quả, đảm bảo nguồn nguyên liệu dồi dào, ổn định, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu thuỷ sản trên địa bàn tỉnh;

- Đẩy mạnh việc triển khai sử dụng hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu;

- Triển khai các giải pháp hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp, đổi mới công nghệ trong khai thác, sơ chế, bảo quản, chế biến nhằm tăng giá trị sản phẩm.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan:

Mời gọi và đề xuất lựa chọn dự án đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và các ngành công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các dự án thân thiện với môi trường, có công nghệ tiên tiến, hiện đại mang lại giá trị gia tăng cao và có cam kết chuyển giao công nghệ trong quá trình thực hiện cho địa phương; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dịch vụ logistics.

4. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan:

- Rà soát, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc đề xuất cấp thẩm quyền ban hành chính sách khuyến khích áp dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào một số ngành ưu tiên: công nghiệp hỗ trợ, may mặc, chế biến nông sản...; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu xuất khẩu;

- Hướng dẫn, hỗ trợ (đối với các trường hợp được hỗ trợ theo quy định) các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu hàng hóa, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước; tham dự giải thưởng quốc gia; công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng; đăng ký mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Thực hiện cơ chế, chính sách việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từng bước tạo nguồn lao động có tay nghề cao gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động sàn giao dịch việc làm, phát triển thị trường lao động. Hướng dẫn các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu.

6. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông:

Chủ động tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách điều hành xuất nhập khẩu; các nội dung có liên quan đến Hiệp định thương mại tự do để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, tận dụng những ưu đãi về thuế quan, đặc biệt những vấn đề liên quan đến hoạt động xuất khẩu.

7. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh:

Thực hiện đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác xuất khẩu mới, mở rộng thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế; tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc, kết nối giao thương và tiếp cận nghiên cứu thị trường quốc tế, xuất khẩu hàng hóa.

8. Cục Hải quan đẩy mạnh việc thực hiện:

- Cải cách hành chính và đơn giản hoá thủ tục hành chính, hướng dẫn thủ tục, quy định của pháp luật trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức tham gia hoạt động xuất nhập khẩu;

- Rà soát, niêm yết công khai Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành theo giấy phép, theo điều kiện kèm theo mã số hàng hóa (mã HS) của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan tại các địa điểm làm thủ tục hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh;

- Cung cấp thông tin thống kê kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa để Sở Công Thương theo dõi, tổng hợp, đánh giá chung, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ.

9. Cục Thuế:

- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp nắm và thực hiện đúng các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế theo đúng quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp; hoàn thuế VAT đối với doanh nghiệp xuất khẩu theo quy định; đồng thời, nghiên cứu rút ngắn tối thiểu 15% thời gian đối với phương thức kiểm tra trước hoàn thuế sau, nhằm giảm bớt thời gian và chi phí cho doanh nghiệp;

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, nắm số liệu doanh nghiệp xuất khẩu qua kê khai thuế định kỳ hàng tháng gửi về Sở Công Thương tổng hợp, theo dõi.

10. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Cà Mau chỉ đạo các tổ chức tín dụng – chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh:

- Chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của khách hàng; rà soát các quy định cho vay, quy trình thẩm định, cải tiến quy định, quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhưng phải đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ổn định sản xuất kinh doanh xuất, nhập khẩu;

- Đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, áp dụng các biện pháp hỗ trợ đảm bảo đúng theo quy định; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng nhằm tiếp cận vốn vay nhanh, tiện lợi, kịp thời phục vụ sản xuất kinh doanh.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan:

- Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính; phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, phát triển thương hiệu, sản phẩm của địa phương; tăng cường quản lý, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu; nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất cấp thẩm quyền chỉ đạo, tháo gỡ;

- Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực và có kế hoạch khuyến khích đầu tư vào sản xuất, chế biến các mặt hàng hướng tới xuất khẩu.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau căn cứ nội dung Chỉ thị, xây dựng kế hoạch chi tiết của đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện; gửi về Sở Công Thương trước ngày 30/6/2020 để tổng hợp, theo dõi; báo cáo tình hình thực hiện, các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương) theo định kỳ ngày 15 hàng tháng và đột xuất để xem xét, chỉ đạo.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Văn Bi

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.