Quyết định 271/QĐ-UBND Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của tỉnh An Giang
Số hiệu: 271/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Vương Bình Thạnh
Ngày ban hành: 19/01/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 271/QĐ-UBND

An Giang, ngày 19 tháng 01 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2017 CỦA TỈNH AN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 38/2016/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017,

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 07/TTr-SKHĐT, ngày 17/01/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của tỉnh An Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của tỉnh An Giang.

Điều 2. Căn cứ vào mục tiêu, chỉ tiêu và các giải pháp của Kế hoạch, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành tỉnh và doanh nghiệp có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm xây dựng các đề án, dự án cụ thể để thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch đã đề ra.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm phối hợp Cục Thống kê theo dõi, đôn đốc và định kỳ hàng quý báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Kế hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành tỉnh và doanh nghiệp có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thị xã và thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- Văn phòng Chính phủ (1 + 2);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Văn phòng Quân khu 9;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Sở, Ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, TP;
- Lãnh đạo VP, Các phòng thuộc VP;
- Báo AG, Phân xã AG, Đài PTTH AG, Webstie tỉnh;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2017
(Ban hành kèm theo Quyết định số 271/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Phần thứ nhất

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2016

Trong năm qua tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, chưa bền vững, diễn biến phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro. Trong nước, các đợt rét đậm, rét hại xảy ra đầu năm tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp ở đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh sớm triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2016 theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng thời, bám sát và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành theo Nghị quyết của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Với tinh thần chủ động và sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2016 đạt được như sau: thực hiện đạt và vượt 19/22 chỉ tiêu của Nghị quyết số 09/2015/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh (chiếm 86,36% tổng chỉ tiêu), còn lại 03 chỉ tiêu không đạt Nghị quyết (gồm 01 chỉ tiêu kinh tế, 02 chỉ tiêu xã hội), cụ thể:

STT

Chỉ tiêu

ĐVT

NQHĐND 2016

Ước thực hiện

So sánh

1

Tốc độ tăng trưởng GRDP (Giá SS 2010)

%

6,5

6,5

Đạt

 

- Khu vực Nông, lâm, thủy sản

%

2,01

2,00

 

 

- Khu vực Công nghiệp và Xây dựng

%

8,6

8,72

 

 

- Khu vực Dịch vụ

%

9,5

9,17

 

 

- Thuế sản phẩm trừ trợ giá chính sách

%

8,87

9,7

 

2

GDP bình quân đầu người

Triệu đồng

33,985

33,986

Vượt

3

Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân

Triệu đồng/ha

160

160

Đạt

4

Kim ngạch xuất khẩu

Triệu USD

1.050

750,13

Không đạt

5

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội

Tỷ đồng

23.878

23.883

Vượt

6

Thu ngân sách từ kinh tế địa bàn (tỷ đồng)

Tỷ đồng

4.475

4.905

Vượt

7

Quy mô dân số

Nghìn người

2.161

2.161

Đạt

8

Tạo việc làm khoảng

Người

30.000

30.000

Đạt

9

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

%

52

52

Đạt

10

Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề

%

38

38,8

Vượt

11

Giảm tỷ lệ hộ nghèo

%

1,5

1,5

Đạt

12

Tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế

%

70

70,5

Đạt

13

Số giường bệnh trên 10.000 dân

Giường

20,04

18,6

Không đạt

14

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể cân nặng

%

11,6

12,2

Không đạt

15

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi tuổi trên 1/1.000 trẻ sống

%o

6

6

Đạt

16

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi tuổi trên 1/1.000 trẻ sống

%o

11,6

11,6

Đạt

17

Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học

%

99

99,58

Vượt

18

Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi bậc THCS

%

76,67

88,98

Vượt

19

Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi bậc THPT

%

42,68

52,93

Vượt

20

Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sạch, hợp vệ sinh

%

78

80

Vượt

21

Tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán

%

22,4

22,4

Đạt

22

Phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới

19

21

Vượt

I. Về kinh tế

1. Nông - Lâm - Thủy sản

1.1. Trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt 727,7 nghìn ha, tăng 2,89% so cùng kỳ (tăng gần 20,5 ngàn ha), trong đó diện tích lúa gần 669.022 ha (+24.764 ha), và diện tích màu các loại khoảng 60,4 ngàn ha, bằng 95,83% (-2.626 ha); trong đó tổng diện tích rau, dưa các loại là 34,5 nghìn ha, bằng 93,61% so năm 2015. Năng suất lúa bình quân cả năm ước đạt 61,58 tạ/ha, bằng 97,38% so cùng kỳ (chủ yếu vụ Đông Xuân giảm 3,74 tạ/ha; vụ Hè Thu ước giảm 0,67 tạ/ha; vụ Thu Đông ước năng suất tăng 0,37 tạ/ha; riêng vụ Mùa năng suất tăng 3,98 tạ/ha nhưng có diện tích gieo trồng không đáng kể); rau dưa các loại 220,81 tạ/ha, bằng 97,73% so cùng kỳ. Năm qua, sản xuất nông nghiệp tiếp tục đạt kết quả khả quan, mặc dù năng suất sản xuất lúa giảm một ít nhưng do diện tích tăng cao nên sản lượng thu hoạch cả năm ước đạt 4,095 triệu tấn (tăng 22 nghìn tấn so cùng kỳ năm trước). Cơ cấu cây trồng đã được chuyển đổi mạnh theo hướng nâng cao chất lượng; các loại giống lúa năng suất chất lượng cao được sử dụng ngày càng nhiều, tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng ngày càng sâu rộng, khống chế được sâu bệnh, giá bán các mặt hàng nông sản tương đối ổn định, giá vật tư nông nghiệp có giảm đôi chút giúp người nông dân tăng thêm thu nhập.

Cây lâu năm: Tổng diện tích là 11,8 nghìn ha, tăng 1,23 nghìn ha (tương đương 11,6%), chủ yếu tăng ở huyện Chợ Mới; trong đó, cây ăn quả 9.500 ha chiếm 80,5% tổng diện tích. Một số loại cây ăn quả có năng suất, sản lượng cao so cùng kỳ như xoài (đạt 62,7 nghìn tấn, tăng 15,5 nghìn tấn), dừa (18 nghìn tấn, tăng 4,2 nghìn tấn), đu đủ (1.120 tấn, tăng gần 200 tấn)...

1.2. Chăn nuôi: Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt, nhưng do giá cả thiếu ổn định nên tổng đàn giảm so cùng kỳ. Hiện đàn trâu có 3.646 con (bằng 89,96%); đàn bò hiện có 89.503 con (bằng 90,69%); đàn heo khoảng 120.188 con (bằng 99,4%). Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm ước đạt 35.226 tấn, bằng 95,62% (giảm 733 tấn) so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng thịt trâu bò hơi 10.812 tấn, bằng 99,62% (giảm 41 tấn); sản lượng thịt lợn hơi đạt 17.800 tấn, bằng 100,49% (tăng 86 tấn); sản lượng thịt gia cầm đạt 6.604 tấn, bằng 89,33% (giảm 789 tấn).

Công ty TNHH Giống – Chăn nuôi Việt Thắng An Giang đã xây dựng hoàn chỉnh chuồng trại thả nuôi 6.000 con heo giống chất lượng cao với mô hình khép kín theo công nghệ Đan Mạch, mở ra hướng mới cho ngành chăn nuôi heo của tỉnh trong thời gian tới.

1.3. Lâm nghiệp: Diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 80,6 ha, đạt 100% kế hoạch. Thực hiện trồng 74,7 ha rừng phòng hộ tại 02 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn; trồng mới 4,9 triệu cây phân tán. Công tác phòng chống cháy rừng và bảo vệ luôn được tập trung thực hiện. Trong năm, đã phát hiện 30 vụ vi phạm lâm luật (giảm 29 vụ so cùng kỳ); xảy ra 14 vụ cháy với diện tích 10,8 ha (tăng 01 vụ và 7,5 ha so cùng kỳ). Sản lượng gỗ khai thác ước cả năm 2016 đạt khoảng 75.260 m3, tăng 1,7% so cùng kỳ và 418 nghìn ster củi, tăng 4,5% so cùng kỳ.

1.4. Thuỷ sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản được thu hoạch đạt 2.341 ha (kể cả diện tích sản xuất giống), bằng 95,55% so cùng kỳ (trong đó diện tích nuôi cá tra là 1.200, bằng 97,41%); tuy nhiên, số lồng bè thả nuôi được thu hoạch cả năm ước đạt 3.389 cái, tăng 18,50%. Sản lượng thủy sản thu hoạch cả năm là 351 nghìn tấn, tăng 0,82% so cùng kỳ, tuy nhiên cơ cấu về loài thủy sản thả nuôi có sự thay đổi, số lượng cá rô phi và cá lóc tăng nhiều nên góp phần tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản.

1.5. Xây dựng nông thôn mới: có thêm 08 xã đạt chuẩn, gồm: xã Kiến Thành – huyện Chợ Mới, xã Phú Bình – huyện Phú Tân, xã Khánh An - huyện An Phú, xã Vĩnh Nhuận – huyện Châu Thành, xã Thoại Giang – huyện Thoại Sơn, xã Vĩnh Gia – huyện Tri Tôn, xã Mỹ Khánh – thành phố Long Xuyên và xã Bình Chánh – huyện Châu Phú. Nâng tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 21/119 xã.

2. Công nghiệp - Xây dựng

2.1. Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp

Giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) ước đạt trên 36.261 tỷ đồng, tăng 7,2% so cùng kỳ (tương đương 2.446 tỷ đồng), trong đó ngành khai khoáng tăng 26,1%; ngành sản xuất phân phối điện tăng 20,1%; cung cấp nước, xử lý rác, nước thải tăng 18,98%; riêng công nghiệp chế biến chế tạo là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhưng chỉ tăng 6,65%. Một số sản phẩm đạt mức tăng khá so cùng kỳ năm trước là: đá phiến tăng 32,4%; gạo lứt tăng 10,9%; gạo đã xát toàn bộ tăng 19,4%; xi măng Portland đen tăng 25,6%; máy thu hoạch tăng 22,9%; gạch xây dựng bằng đất sét nung tăng 5,76%; điện thương phẩm tăng 11,56%; thức ăn thuỷ sản tăng 6,49%...

2.2. Đầu tư xây dựng

Ước giải ngân vốn đầu tư xây dựng cả năm trên 3.196 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch, trong đó: (1) Nguồn vốn đầu tư tập trung trên 1.023 tỷ đồng, đạt 91,04% kế hoạch; (2) Nguồn thu sử dụng đất 326 tỷ đồng, đạt 90,79% kế hoạch; (3) Vốn xổ số kiến thiết trên 1.015 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch; (4) Vốn ngân sách Trung ương trên 431 tỷ đồng, đạt 98,77% kế hoạch; (5) Vốn nước ngoài trên 148 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; (6) Vốn trái phiếu Chính phủ trên 250 tỷ đồng, đạt 85,40% kế hoạch.

Triển khai kịp thời và thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016. Nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các dự án, chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Một số công trình trọng điểm được khởi công: hệ thống xử lý nước thải thành phố Long Xuyên, khu đô thị Tây sông Hậu, khu đô thị thương mại Golden City, đường tỉnh 943, 944...

3. Dịch vụ

3.1. Thương mại nội địa

Giá cả thị trường trong năm không biến động lớn, hàng hóa lưu thông thông suốt, thị trường sôi động trong các dịp lễ, tết do nhiều chương trình khuyến mại được tổ chức, góp phần khuyến khích nhu cầu mua sắm của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 84.613 tỷ đồng, tăng 11,76% so cùng kỳ (trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 58.694 tỷ đồng, tăng 11,93%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt gần 15.892 tỷ đồng, tăng 11,73%; du lịch lữ hành đạt 46,9 tỷ đồng, tăng 9,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 9.979,9 tỷ đồng, tăng 10,78%).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát, 11 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn tỉnh tăng 2,77%, chủ yếu do tác động của đợt điều chỉnh giá xăng, dầu tăng, giá cả nhóm hàng dịch vụ tăng nhẹ, riêng mặt hàng nông sản tiếp tục đứng mức thấp.

3.2. Ngoại thương

a) Xuất khẩu: Mặt hàng gạo tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nguồn cung dồi dào từ các nước xuất khẩu gạo (Thái Lan, Pakistan,…), nhu cầu thị trường chưa cao. Hiện các giao dịch chủ yếu tập trung vào loại gạo chất lượng thấp ở một số nước khu vực Châu Phi; cá tra tiếp tục sụt giảm mạnh về giá trị tuy sản lượng xuất khẩu tăng nhẹ so cùng kỳ do nhu cầu thị trường không lớn, rào cản của nước nhập khẩu ngày càng nhiều.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 750,13 triệu USD, giảm 7,42% (tương đương 60 triệu USD) so cùng kỳ và đạt 71% kế hoạch. Trong đó, khu kinh tế nhà nước chiếm 4,4%, kinh tế tư nhân chiếm 93,3%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 2,3%. Một số mặt hàng chủ yếu: Gạo đạt 450 nghìn tấn, tương đương 200 triệu USD (giảm 18,48% về lượng, giảm 15,28% về kim ngạch); thuỷ sản đông lạnh đạt 140 nghìn tấn, tương đương 253 triệu USD (tăng 10,88% về lượng, giảm 8,76% về kim ngạch); rau quả đông lạnh xuất 9,4 nghìn tấn đạt 14,8 triệu USD (tăng 14,72% về lượng, tăng 23,73% về kim ngạch); hàng may mặc đạt 86 triệu USD (giảm 1,81%).

b) Nhập khẩu: Kim ngạch năm 2016 ước khoảng 130 triệu USD, tương đương với năm 2015 và đạt 93% so kế hoạch năm.

c) Giá trị xuất - nhập qua các cửa khẩu biên giới: Ước đạt 1.132 triệu USD (tương đương cùng kỳ), trong đó xuất khẩu trực tiếp đạt 315 triệu USD (tăng 48% so cùng kỳ; các mặt hàng chủ yếu là: phân bón, sắt thép, vật liệu xây dựng, bách hoá tổng hợp…); Nhập khẩu trực tiếp đạt 25 triệu USD (bằng 71% so cùng kỳ; các mặt hàng chủ yếu là: trái cây, gỗ các loại, phế liệu các loại,…).

3.3. Giao thông - Vận tải: Vận tải hành khách ước đạt 119,95 triệu lượt khách, tăng 7,22% và 1.960,84 triệu lượt khách.km, tăng 7,4% so cùng kỳ 2015. Vận tải hàng hoá đạt 30,9 triệu tấn, tăng 7,68% và 2.463,75 triệu tấn.km, tăng 7,59% so cùng kỳ năm trước. Tính chung tổng doanh thu vận tải đường bộ và đường sông đạt 3.968 tỷ đồng, tăng 6,35% so cùng kỳ, trong đó, doanh thu vận tải đường bộ đạt 2.323,5 tỷ đồng, tăng 5,14%; doanh thu vận tải đường sông đạt 1.147,5 tỷ đồng, tăng 8,08%.

3.4. Bưu chính - Viễn thông: Số máy điện thoại cố định ước có trên mạng đến cuối tháng 81.579 thuê bao (tăng 0,19% so với cùng kỳ). Số máy điện thoại di động trả sau ước có trên mạng là 44.550 thuê bao (tăng 29% so với cùng kỳ). Số thuê bao Internet ước có trên mạng 464.278 thuê bao (tăng 26% so với cùng kỳ). Doanh thu từ dịch vụ viễn thông năm 2016 ước trên 2.000 tỷ đồng.

3.5. Du lịch: Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch thông qua các hội chợ, hội nghị liên kết vùng trong và ngoài nước (như Liên hoan Ẩm thực đồng bào dân tộc Chăm, Hội chợ du lịch quốc tế Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...). Tiếp tục hoàn chỉnh các quy hoạch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm (như: Núi Sam, Cù Lao Giêng, cồn Phó Ba...). Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở kinh doanh du lịch, kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy, hoạt động lữ hành... Dự ước trong năm 2016 An Giang đón khoảng 6,4 triệu lượt khách, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, tổng số lượng khách lưu trú và lữ hành ước đạt trên 540 nghìn lượt, tương đương cùng kỳ năm 2015; khách quốc tế ước đạt 70 nghìn lượt, tương đương cùng kỳ năm 2015. Doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2015 (tăng 10% so với kế hoạch).

4. Phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư

4.1. Thành lập doanh nghiệp

Trong năm 2016, có 614 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 2.846 tỷ đồng, tăng 2,33% (tăng 14 doanh nghiệp) về số lượng và tăng 1,21% (tăng 34 tỷ đồng) về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số Đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động 436 Đơn vị trực thuộc, tăng 24,93% (tăng 87 Đơn vị trực thuộc). Tuy nhiên, nếu tính chung số lượng đăng ký doanh nghiệp và Đơn vị trực thuộc năm 2016 thì tổng số đăng ký là 1.050 doanh nghiệp/Đơn vị trực thuộc, tăng 10,64% so với cùng kỳ. Cấp thay đổi bổ sung 714 doanh nghiệp và 306 Đơn vị trực thuộc.

Đã có 130 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 17,20% (giảm 27 doanh nghiệp) và 125 đơn vị trực thuộc đăng ký chấm dứt hoạt động 125 Đơn vị trực thuộc, giảm 0,81% (giảm 01 Đơn vị trực thuộc) so với cùng kỳ. Đã có 143 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 24 Đơn vị trực thuộc, tăng 56,07% (tăng 50 doanh nghiệp và 10 Đơn vị trực thuộc) so với cùng kỳ.

Lũy kế đến hết năm 2016, tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn An Giang là 7.800 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 45.639 tỷ đồng và 3.289 Đơn vị trực thuộc. Trong đó, số doanh nghiệp/Đơn vị trực thuộc đăng ký còn hoạt động là 5.177 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 44.178 tỷ đồng và 2.464 Đơn vị trực thuộc.

4.2. Tình hình thu hút đầu tư

a) Đầu tư trong nước: Đã quyết định chủ trương đầu tư cho 71 dự án (tăng 2,22 lần, tương đương 39 dự án) với tổng vốn đăng ký là 16.045 tỷ đồng (tăng 3,31 lần, tương đương 11.201 tỷ đồng), bao gồm: 12 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 12 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, 23 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, 18 dự án thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ và 06 dự án thuộc lĩnh vực thể dục thể thao, y tế, du lịch. Trong đó: 24 dự án chưa triển khai thực hiện với tổng vốn đăng ký là 12.745 tỷ đồng; 33 dự án đang triển khai thực hiện vốn tổng vốn đăng ký là 2.725 tỷ đồng (trong đó: vốn triển khai thực hiện dự án là 875 tỷ đồng); 14 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký là 575 tỷ đồng, (trong đó: vốn thực hiện dự án là 739 tỷ đồng), tăng 164 tỷ đồng.

b) Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 01 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và có 02 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm là 16.000.000 USD; Thu hồi 02 dự án. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực (trong đó có 07 dự án thuộc Ban quản lý Khu Kinh tế quản lý), với tổng vốn đăng ký là 214.749.980 USD, tổng vốn đầu tư thực hiện là 81.711.251 USD (chiếm 38,04% tổng vốn đăng ký).

5. Tài chính - Ngân hàng

5.1. Tài chính, ngân sách: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.905,5 tỷ đồng, đạt 109,62% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, bằng 102,63% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách nhà nước đạt 9.905 tỷ đồng, bằng 101,59 % so dự toán giao và bằng 110,59% so cùng kỳ.

5.2. Tín dụng - ngân hàng: Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thực hiện kiểm soát hoạt động tín dụng, lãi suất ngân hàng giảm theo quy định; thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng miếng được quản lý tốt, tỷ giá ngoại hối tiếp tục giữ ổn định, bảo đảm đúng quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương đầu tư phục vụ cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều kênh chuyển vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Tổng số dư vốn huy động ước thực hiện đến cuối năm 2016 là 36.283 tỷ đồng, so với 31/12/2015 tăng 20,89%, trong đó huy động trên 12 tháng 14.059 tỷ đồng, chiếm 38,75%/tổng số dư vốn huy động; Tổng dư nợ tín dụng đạt 55.039 tỷ đồng, tăng 6,69% so ngày 31/12/2015; nợ xấu là 1.359 tỷ đồng, chiếm 2,47% tổng dư nợ, giảm 552 tỷ đồng so ngày 31/12/2015.

6. Khoa học và công nghệ

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 2163/QĐ-UBND ngày 29/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định 2532/QĐ-UBND ngày 05/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 28/03/2013 của Tỉnh ủy về phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đã triển khai 174 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó 82 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh; 92 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở. Qua đó, đã có nhiều mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ hiệu quả, tạo được mối liên kết giữa các nhà khoa học với nông dân cũng như với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp kinh phí đăng ký 62 nhãn hiệu cá thể, 02 nhãn hiệu tập thể, thanh lý hỗ trợ 01 nhãn hiệu tập thể, 01 kiểu dáng và 01 giải pháp hữu ích, tiếp tục góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về công nghệ và an toàn bức xạ được triển khai chặt chẽ, nâng cao an toàn trong sử dụng thiết bị X-quang trong chuẩn đoán bệnh; phê duyệt 23 kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở.

7. Tài nguyên và môi trường

Tiến hành đo đạc, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp ở Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn và huyện Phú Tân (hoàn tất đo đạc lập bản đồ địa chính 24/24 xã, đã kiểm tra cấp chủ đầu tư 23/24 xã; cho triển khai đăng ký cấp đổi 17/23 xã; hoàn thành công tác đo đạc biên tập bản đồ, kiểm tra cấp đơn vị thi công 04 xã). Lập dự án điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh; tiến hành điều chỉnh bảng giá đất (2015-2019). Tổ chức thẩm định mới 70 phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và 54 phương án bổ sung, điều chỉnh phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên kiểm tra thực tế kết quả đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư mới, các dự án, nhà máy đang hoạt động tại các khu công nghiệp; đẩy nhanh các dự án xử lý các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (đóng lấp 03 bãi rác TT. Cái Dầu, TT. An Phú và TT. Phú Mỹ với khối lượng đạt được 25.912 tấn; tiếp tục triển khai xây dựng lắp đặt hệ thống xử lý chất thải của bệnh viện các huyện An Phú, Phú Tân, Thoại Sơn). Đã xử lý 09/48 khu điểm ô nhiễm môi trường khu vực công ích, 54/216 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Đã tổ chức 478 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 3.307 tổ chức, cá nhân; đã phát hiện 422 trường hợp vi phạm, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 125 trường hợp (gồm: 75 trường hợp vi phạm lĩnh vực khoáng sản, 33 trường hợp vi phạm lĩnh vực môi trường, 13 trường hợp vi phạm lĩnh vực đất đai và 04 trường hợp vi phạm lĩnh vực tài nguyên nước) với số tiền thu phạt trên 01 tỷ đồng, tịch thu 09 tang vật, phương tiện vi phạm.

8. Về hội nhập quốc tế

Trong năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 403/KH-UBND ngày 27/7/2016 về ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 07/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tổng thể Hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Kế hoạch tập trung vào một số nội dung công việc như: (1) Khai thác hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế góp phần đẩy nhanh việc tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khai thác hiệu quả các cam kết đã ký kết. Huy động nguồn lực trong và ngoài nước phát đầu tư, khai thác các lĩnh vực thế mạnh và tiềm năng của tỉnh góp phần phát tăng trưởng kinh tế; (2) Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh: (3) Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, dân tộc, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác.

II. Văn hóa - Xã hội

1. Giáo dục và Đào tạo

Kết quả tốt nghiệp năm học 2015 - 2016: Bậc tiểu học xét công nhận tốt nghiệp 36.530 em/36.603 em, đạt 99,8%; trung học cơ sở xét công nhận tốt nghiệp 23.382 em/23.472 em, đạt 99,62; trung học phổ thông có 11.030 học sinh thi đậu/11.601 học sinh dự thi, đạt 95,08%; bổ túc trung học phổ thông có 258 học sinh thi đậu/573 học sinh dự thi, đạt 45,03%.

Tại thời điểm đầu năm học 2016 - 2017 (có đến ngày 30/9/2016), toàn tỉnh có 542 trường học bậc phổ thông, giảm 5 trường so cùng kỳ năm trước (gồm: Tiểu học 334 trường, giảm 5 trường; THCS có 156 trường, tương đương cùng kỳ và THPT có 52 trường, tương đương cùng kỳ). Số giáo viên đạt 18.601 người, giảm 274 người so cùng kỳ năm trước (gồm: Tiểu học 8.856 người, giảm 76 người; THCS có 6.868 người, giảm 83 người và THPT có 2.877 người, giảm 115 người). Số học sinh đạt 356.255 người, giảm 777 người so cùng kỳ năm trước (gồm: Tiểu học 192.524 người, giảm 6.533 người; THCS có 118.338 người, tăng 3.403 người và THPT có 45.393 người, tăng 2.353 người).

Năm học 2016 - 2017, trường Đại học An Giang có 1.916 sinh viên nhập học đại học và cao đẳng, đạt 69,3% chỉ tiêu, gồm: Hệ đại học có 1.296 sinh viên nhập học, đạt 62,5% và hệ cao đẳng có 619 sinh viên, đạt 89,71%. Trường cao đẳng nghề có 886 học viên, đạt 73,22% so chỉ tiêu (trong đó: cao đẳng nghề có 460 học viên, đạt 77,31%; Trung cấp nghề có 426 học viên nhập học, đạt 106,5%; riêng hệ Trung cấp chuyên nghiệp không tuyển được, trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh là 215 chỉ tiêu). Trường trung học y tế, hệ trung cấp chuyên nghiệp có 531 học viên nhập học, đạt 78,66%. Trường trung cấp kỹ thuật An Giang có 345 học viên, đạt 35,93% chỉ tiêu.

2. Chăm sóc sức khỏe nhân dân

Lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường, các dịch bệnh nguy hiểm được kiềm chế, không phát sinh thành dịch. Tính đến thời điểm báo cáo, toàn tỉnh xảy ra 3.068 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 15,39% so cùng kỳ (có 03 trường hợp tử vong); 2.240 ca tay chân miệng, tăng 28,74% (không có tử vong). Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, hạn chế tốc độ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, đến ngày báo cáo đã phát hiện 245 ca nhiễm HIV (giảm 28,57%), số bệnh nhân chuyển sang AIDS 187 ca (giảm 36,18%) và 79 ca đã tử vong (giảm 5,95%).

3. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm; An sinh xã hội

Tiếp tục phát huy tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị trong công tác dạy nghề, chủ động phối hợp hoàn thành xong việc điều chuyển thiết bị dạy nghề theo Quyết định số 2061/QĐ-UBND ngày 01/10/2015 của UBND tỉnh cho một số trường trung cấp nghề; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Công tác kiểm định, đánh giá chất lượng được duy trì; công tác thanh tra, kiểm tra dạy nghề được tổ chức thường xuyên đã góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề. Mạng lưới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố và phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 34 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (01 trường cao đẳng nghề, 05 trường trung cấp nghề, 12 trung tâm đào tạo nghề nghiệp (trong đó có 08 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện), còn lại 16 cơ sở khác có tham gia giáo dục nghề nghiệp).

Chủ động tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 27/2016/NQ-HĐND về ban hành Đề án “Tăng cường đưa lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016 - 2020”; tích cực làm tốt việc điều tra thu thập thông tin biến động cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động; đồng thời nâng cao chức năng hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh; duy trì tốt hoạt động sàn giao dịch việc làm và đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Với các giải pháp triển khai thực hiện đồng bộ, năm 2016 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 30.667 lao động, đạt tỷ lệ 102,22% kế hoạch năm (trong đó lao động trong tỉnh 21.457 người, ngoài tỉnh 9.055 người, xuất khẩu lao động 155 lao động) đã góp phần kiềm chế, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 4% (đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đề ra).

Chủ động triển khai và hướng dẫn thực hiện một số quy định mới về chính sách ưu đãi Người có công cho các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị, thành. Phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh An Giang, đồng thời gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ có liên quan đề nghị thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho tỉnh An Giang điều chỉnh số hộ cần được hỗ trợ nhà ở năm 2015 - 2016 là 2.658 hộ (trong đó xây mới 1.228 hộ, sửa chữa 1.430 hộ); bổ sung thêm 1.104 hộ người có công cần tiếp tục hỗ trợ nhà ở năm 2017 - 2018 (trong đó xây mới 499 hộ, sửa chữa 605 hộ).

Năm 2016, Ngành đã thực hiện các chính sách hỗ trợ và trợ cấp cho 62.362 hộ nghèo, cận nghèo, 61.509 đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết Nguyên đán; theo dõi, tổ chức điều tra, cập nhật và thực hiện trợ cấp thường xuyên cho trên 60.000 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng; hỗ trợ 220 chiếc xe lăn, cho người khuyết tật; vận động hỗ trợ phẫu thuật lắp đặt thuỷ tinh thể cho 1.405 người mù nghèo. Cứu trợ kịp thời cho các hộ gia đình bị thiệt hại rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn, sạt lỡ bờ sông, lốc xoáy (05 người chết, 790 căn nhà bị sập, cháy, tốc mái xiêu vẹo). Làm tốt công tác thu gom các đối tượng lang thang, xin ăn vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, giải quyết có hiệu quả vấn đề người lang thang cơ nhỡ trên các địa bàn.

5. Văn hoá - Thể thao

Hoạt động văn hóa năm 2016 tập trung vào chào mừng các ngày Lễ lớn, kỷ niệm, các sự kiện trọng đại của tỉnh, của đất nước; chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021...Với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, nội dung phong phú thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của nhân dân; đặc biệt đã tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch dân tộc Chăm toàn quốc năm 2016 tại An Giang. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra đã tiến hành kiểm tra 671 cơ sở, phát hiện, lập biên bản và ra quyết định xử phạt 26 cơ sở vi phạm hành chính, với số tiền 117,5 triệu đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 504.968 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa (đạt 93,41% so tổng số hộ); 857 khóm/ấp văn hóa (đạt 96,5% so tổng số ấp); 42 xã đạt chuẩn văn hóa (đạt 35,29% so tổng số xã); 22 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (đạt 19,32% so tổng số xã); 09 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt 24,32% so tổng số phường, thị trấn); 48 khóm, ấp trở thành “Điểm sáng văn hóa biên giới”; 2.250 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012 - 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phong trào thể dục, thể thao quần chúng tỉnh An Giang tiếp tục phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia kể cả vùng nông thôn, đồng bào dân tộc, từ thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, Công nhân viêc chức – Lao động, lực lượng vũ trang và người cao tuổi. Qua đó, toàn tỉnh có 742.333 người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên (đạt tỷ lệ 34%, vượt 1,2% so với kế hoạch), 198.393 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao (đạt tỷ lệ 31,15%, vượt 0,35% so với kế hoạch), 100% số trường thực hiện giờ thể dục chính khóa, 77,9% số trường thực hiện giờ thể dục ngoại khóa, tỷ lệ chiến sĩ công an và chiến sĩ quân đội rèn luyện thân thể đạt lần lượt là 99,55% và 99,55% trong độ tuổi theo quy định, 78,75% số lượng Công nhân viêc chức – Lao động tham gia tập luyện thể dục, thể thao (vượt kế hoạch 1,75%).

Hoạt động thể thao thành tích cao, các đội thể thao đã thi đấu trên 73 giải thể thao khu vực, toàn quốc, quốc tế; với 434 lượt vận động viên tham dự và đoạt 446 huy chương các loại (142 HCV - 159 HCB - 145 HCĐ).

6. An toàn giao thông; trật tự an toàn xã hội

Trong năm 2016, công tác giữ gìn an toàn giao thông thực hiện tốt, giảm cả 03 tiêu chí: đã xảy ra 106/115 vụ tai nạn giao thông (giảm 7,8%, tương đương 09 vụ), làm chết 98/110 người (giảm 10,9%, tương đương 12 người) và bị thương 60/90 người (giảm 33,3%, tương đương 30 người). Đã xử phạt 73.211 vụ/ 94.219 vụ vi phạm, với số tiền thu phạt 69,517 tỷ đồng; so cùng kỳ, giảm 11.038 vụ vi phạm, giảm 10.498 vụ xử phạt và số tiền thu phạt giảm 22,849 tỷ đồng.

Công tác chống buôn lậu: kiểm tra, phát hiện vi phạm 2.636 vụ (giảm 20% so cùng kỳ) mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu. Tổng trị giá hàng hoá bắt giữ trên 54,8 tỷ đồng (tăng 58% so cùng kỳ). Tổng số tiền thu trên 25,9 tỷ đồng (tăng 42% so cung kỳ). Đã khởi tố 18 vụ với 28 bị can, trị giá tang vật trên 20,6 tỷ đồng. Trong công tác chống hàng giả và gian lận thương mại: kiểm tra, bắt giữ 82 trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng giả và 81 trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đạt chất lượng, đo lường, gian lận, trốn thuế, trị giá hàng hóa vi phạm 728 triệu đồng. Xử phạt vi phạm hành chính với số tiền thu phạt trên 4,78 tỷ đồng.

Công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội: xảy ra 237 vụ trộm tài sản, bắt 187 đối tượng có liên quan; so cùng kỳ giảm 83 vụ và giảm 84 đối tượng có liên quan. Cướp tài sản, xảy ra 14 vụ, bắt 18 đối tượng có liên quan; so cùng kỳ giảm 2 vụ và giảm 19 đối tượng có liên quan. Khám phá 89 vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý, bắt 197 đối tượng có liên quan; so cùng kỳ tăng 16 vụ và tăng 26 đối tượng. Số người nghiện ma tuý trên toàn tỉnh là 3.336 người.

7. Thiệt hại do thiên tai

Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ sạt lở đất bờ sông, chiều dài sạt lở 1.452 m, với diện tích 4.964 m2, ảnh hưởng đến 37 hộ cần phải di dời, ước thiệt hại khoảng 3,6 tỷ đồng và 56 vụ mưa giông, lốc; gây thiệt hại: 01 người chết do sét đánh (xã Phú Vĩnh – thị xã Tân Châu); nhà sập hoàn toàn 93 căn; nhà tốc mái, xiêu vẹo là 874 căn; ngoài ra mưa, giông còn làm thiệt hại nhiều trụ sở cơ quan, cây công trình và nhiều tài sản khác của người dân, ước thiệt hại khoảng 13,1 tỷ đồng. Thiệt hại về nông nghiệp, do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài gây ra tình trạng ngập úng, đổ ngã làm thiệt hại 44.162,21 ha lúa; 792,13 ha hoa màu; 31,21 ha cây ăn trái, ước tổng thiệt hại khoảng 80,6 tỷ đồng.

8. Bảo vệ môi trường và phòng, chống cháy, nổ

Cơ quan chức năng đã tổ chức 18 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát: Về lĩnh vực đất đai được 4 cuộc đối với 19 tổ chức; 7 cuộc về lĩnh vực khoáng sản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 trường hợp (với số tiền 274 triệu đồng), xử phạt 1 trường hợp khai thác cát sông không phép (với số tiền 16 triệu đồng) và tịch thu phương tiện vi phạm hành chính trị giá 34 triệu đồng; 7 cuộc về lĩnh vực môi trường và 1 cuộc về tài nguyên nước.

Tính chung cả năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra tất cả 15 vụ cháy (tại thành phố Long Xuyên, Châu Đốc, huyện Tịnh Biên, huyện Phú Tân, Châu Thành và Châu Phú), làm chết 01 người, cháy toàn bộ một kho chứa vật liệu cao su, một kho chứa vật liệu làm nhang, 26 căn nhà, 22 kios bán hàng và 4,5 ha rừng cây; ước tính toàn bộ giá trị thiệt hại trên 8,2 tỷ đồng.

III. Nhận xét, đánh giá

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã bám sát và triển khai kịp thời các chỉ đạo, văn bản hướng dẫn của Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương, chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tập trung các khâu đột phá, tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực của địa phương, thực hiện tốt cơ chế phối hợp với các tổ chức đoàn thể và Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và hỗ trợ triển khai các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tuy có chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Nhưng nhìn chung, vẫn còn khó khăn, tình hình thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng sản xuất ngành nông nghiệp; Công tác xúc tiến mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Triển khai các gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm. Một số công trình trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ, giải ngân vốn đầu tư xây dựng đạt thấp đã ảnh hưởng hiệu quả đầu tư. Đời sống của người dân nhất là ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc tiếp tục khó khăn, tỷ lệ số hộ cận nghèo giảm thấp, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao. Những mặt tồn tại do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

a) Về khách quan: Năm 2016, kinh tế thế giới vẫn khó khăn với diễn biến phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro; nhu cầu nhập khẩu một số thị trường trọng yếu giảm. Thời tiết diễn biến bất thường, mùa mưa đến muộn và kéo dài; tình trạng khô hạn kéo dài, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

b) Về chủ quan: Công tác chỉ đạo, điều hành đôi lúc chưa kịp thời do công tác dự báo còn yếu, việc nhận diện những khó khăn, thách thức chưa đầy đủ. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp còn chậm do những vướng mắc về chính sách phát triển và thu hút đầu tư trong nông nghiệp chậm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Công tác truyền thông y tế chưa triển khai kịp thời; công tác kiểm tra và xử lý trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường còn nhiều bất cập, kinh phí xử lý ô nhiễm môi trường chưa đảm bảo. Chưa chấn chỉnh kịp thời trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, những chủ đầu tư năng lực kém. Công tác kiểm tra công vụ chưa thực hiện thường xuyên; việc giám sát triển khai công tác chỉ đạo, điều hành chưa chặt chẽ.

Phần thứ hai

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2017

Năm 2017 là năm thứ hai của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2016-2020, là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo đà tăng trưởng cao và bền vững cho cả giai đoạn 2016-2020. Trên tinh thần đó, các ngành, các cấp cần xác định rõ nhiệm vụ, yêu cầu để từ đó xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 theo hướng tích cực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và điều kiện để duy trì mức tăng trưởng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

I. Một số dự báo tình hình

1. Tình hình thế giới

Kinh tế thế giới năm 2017 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng cao hơn năm 2016; kinh tế của một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam, (như Hoa Kỳ, các nước khu vực Châu Âu...) có dấu hiệu tăng trưởng tích cực và tăng cao hơn so với năm 2016; riêng Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 6,2 – 6,5%, Nhật Bản tăng trưởng âm 0,1 - 0,9%. Tổ chức Thương mại Thế giới dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2017 sẽ phục hồi và đạt 3,6%, lần đầu tiên trong 6 năm tăng trưởng vượt mốc 3%. Những dự báo này còn phụ thuộc vào sự thay đổi chính sách của chính quyền Hoa Kỳ nhiệm kỳ mới và những chính sách đối ứng mới của các nước khu vực Eurozone và khu vực Đông Á.

2. Tình hình trong nước

Ở trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các chính sách phát triển kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện; tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam sẽ được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng và toàn diện. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, cơ sở hạ tầng còn hạn chế so với yêu cầu phát triển. Thiên tai, dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, khó lường. Nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn rất nặng nề.

Bối cảnh quốc tế và trong nước cho thấy, trong năm 2017, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội phát triển, nền kinh tế nước ta tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế sẽ là yếu tố quan trọng nhất, quyết định tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, năng động sáng tạo, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách thức, huy động và sử dụng tốt nhất mọi nguồn lực, phấn đấu đạt được những bước tiến mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước.

II. Đánh giá những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện kế hoạch năm 2017

1. Thuận lợi

Chính phủ quan tâm đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đầu tư; chính sách về cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao tiếp tục bổ sung để thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp tạo điều kiện huy động nguồn lực xã hội. An Giang triển khai một số chính sách đặc thù thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn và du lịch, tạo sự lan tỏa đến khu vực công nghiệp và dịch vụ của tỉnh. Những dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại được triển khai trong năm qua được đưa vào vận hành tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong năm tới.

2. Khó khăn

Những cam kết tự do thương mại làm gia tăng sức ép thị trường trong nước; rào cản thương mại ở một số thị trường lớn ngày càng cao. Hai mặt hàng chủ lực của tỉnh là lúa và cá vẫn chưa thể sớm phục hồi; dự báo sản lượng gạo tăng nhưng giao dịch thương mại giảm đồng thời việc xả hàng tồn kho của Thái Lan càng tăng sức ép cho mặt hàng gạo; thị trường nhập khẩu cá tra tăng trưởng chậm, rào cản kỹ thuật tiếp tục gia tăng. Những điều chỉnh chính sách mới về thương mại của Hoa Kỳ sẽ tác động đến thương mại toàn cầu.

Chưa đa dạng hoá các mặt hàng nông sản, chậm xây dựng thương hiệu; thiếu doanh nghiệp lớn, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp; hạ tầng và sản phẩm du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành; công tác tạo quỹ đất để mời gọi đầu tư vẫn còn vướng mắc. Tình hình thiên tai, dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

III. Mục tiêu, chỉ tiêu

1. Mục tiêu: Khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng; Phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế ổn định, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến. Tập trung đầu tư, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, quan tâm đầu tư phát triển toàn diện trẻ em. Đẩy mạnh cải cách hành chính; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

2.1. Các chỉ tiêu kinh tế

Tốc độ tăng tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) theo giá so sánh 2010 tăng 6,7% so với năm 2016 (trong đó: Khu vực Nông, Lâm, Thủy sản: 2,17%; Khu vực Công nghiệp-Xây dựng: 9%; Khu vực dịch vụ: 9,41%).

GRDP bình quân đầu người đạt 36,939 triệu đồng, tương đương 1.642 USD[1].

Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông nghiệp chiếm 33%; Khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 13,96%; Khu vực dịch vụ chiếm 51,50%; Thuế sản phẩm trừ trợ giá chính sách chiếm 1,54%.

Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 166 triệu đồng/ha (tăng khoảng 6 triệu đồng/ha so với 2016).

Kim ngạch xuất khẩu đạt 820 triệu USD.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 26.189 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn khoảng 5.405 tỷ đồng.

2.2. Các chỉ tiêu xã hội

Quy mô dân số đạt 2.163 nghìn người.

Tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động.

Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đạt 54%.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5% so năm 2016.

Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 76%.

Số giường bệnh trên 10.000 dân khoảng 20,44 giường.

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân khoảng 11,7%.

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi trên 1/1.000 trẻ sống khoảng 6‰.

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên 1/1.000 trẻ sống khoảng 11,2‰.

Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt khoảng 99,6%.

Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi bậc trung học cơ sở đạt khoảng 89%.

Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi bậc THPT đạt khoảng 53%.

2.3. Các chỉ tiêu môi trường

Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh 83%.

Tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán đạt 22,4%.

2.4. Tiêu chí về xây dựng nông thôn mới

Đến cuối năm 2017 có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

IV. Thực hiện 3 đột phá phát triển kinh tế - xã hội

1. Về phát triển nông nghiệp

Triển khai Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Ban Chấp hành Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Thực hiện đồng bộ những chính sách phát triển và thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ sinh học trong việc lai tạo chọn giống tốt, kỹ thuật canh tác tiên tiến... để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đào tạo nâng cao trình độ phát triển đội ngũ khoa học và nông dân đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn. Chọn lọc và phát huy có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các chính sách về phát triển nông nghiệp đã ban hành.

Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, theo nhu cầu thị trường, trong đó lấy doanh nghiệp và nông dân làm trọng tâm. Tập trung mời gọi, thu hút đầu tư, lấy ứng dụng khoa học làm khâu đột phá; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án nông nghiệp; mở rộng mô hình liên kết vệ tinh để khuyến khích các hộ nông dân chuyển từ sản xuất kinh tế hộ, nhỏ lẻ sang sản xuất sang mô hình gia trại, quy mô trung bình. Chủ động nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách để phát huy nội lực của tỉnh và lợi thế liên kết vùng của tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra nhiều sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước đưa nền sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.

2. Về phát triển du lịch

Tập trung triển khai thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Triển khai định hướng phát triển ngành du lịch của tỉnh trên cơ sở kết quả tư vấn của tổ chức hỗ trợ quốc tế Hà Lan PUM hỗ trợ. Huy động nhiều nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, đi đôi với việc nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư ngành du lịch. Trong đó, tập trung đầu tư để kết nối bốn khu du lịch trọng điểm của tỉnh (Châu Đốc - Long Xuyên - Núi Cấm - Óc Eo). Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động du lịch, tăng cường các hoạt động khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển loại hình dịch vụ và sản phẩm du lịch; hình thành chuỗi liên kết thương mại - dịch vụ - du lịch để khai thác tốt nhu cầu khách du lịch.

Xử lý cơ bản những vướng mắc, tồn tại của Khu du lịch Núi Cấm để doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư, góp phần xây dựng hình ảnh về môi trường đầu tư tại đây, tạo điểm nhấn cho ngành du lịch của tỉnh. Triển khai nhanh các dự án hạ tầng giao thông quanh khu vực Khu du lịch Núi Sam để đồng bộ tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm phát triển du lịch của thành phố Châu Đốc. Tích cực tranh thủ triển khai dự án Thiền viện Trúc Lâm tại lòng hồ Khu du lịch Thoại Sơn; tiếp tục khai thác Khu di chỉ văn hóa Óc Eo tạo sản phẩm mới cho ngành du lịch.

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách; kiện toàn bộ máy quản lý ngành du lịch, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.

3. Về phát triển nguồn nhân lực

Triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-112013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển nông nghiệp, du lịch và lĩnh vực nghiên cứu khoa học – công nghệ; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức có trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập theo Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 05 tháng 12 năm 2016 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh về phát triển nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.

Phát triển nguồn nhân lực phải gắn với quá trình đổi mới về chất lượng đào tạo; nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Tập trung nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ và tin học cho học sinh phổ thông, đẩy mạnh tin học hóa trong giảng dạy và quản lý giáo dục. Tiếp tục khuyến khích xã hội hóa và huy động nhiều nguồn lực đầu tư lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực và dạy nghề đáp ứng yêu cầu của xã hội và phát triển kinh tế của tỉnh.

V. Phương hướng nhiệm vụ phát triển ngành năm 2017

1. Phát triển kinh tế

1.1. Lĩnh vực nông nghiệp – lâm – thủy sản

* Mục tiêu: Đẩy nhanh việc thực hiện tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển chiều sâu, gia tăng giá trị từng loại sản phẩm trên đơn vị sản xuất, phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực của ngành nông nghiệp theo từng chuỗi sản phẩm toàn diện dựa trên sản phẩm chủ lực của tỉnh cùng với việc nâng cao giá trị canh tác và thu nhập của nông dân. Thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn, chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường.

* Giải pháp:

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27 tháng 6 năm 2012 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mô hình chuỗi liên kết... từng bước tổ chức lại sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng liên kết Cánh đồng lớn gắn kết sản xuất với thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo giúp nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản xuất, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Thực hiện chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang những loại cây hoa màu có giá trị kinh tế cao hơn. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi từ lúa sang màu năm 2017. Triển khai áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, mở rộng áp dụng Global GAP, Viet GAP để giảm giá thành, nâng cao năng suất và lợi nhuận cho người dân. Triển khai tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo trong giai đoạn 2016-2020, thay đổi cơ cấu giống lúa gieo trồng theo hướng tăng sản lượng nếp và những giống lúa chất lượng cao có thương hiệu được doanh nghiệp bao tiêu với giá mua được đặt trước. Duy trì mạng lưới nhân giống lúa nhằm cung cấp giống lúa xác nhận có khả năng phục vụ được 90% diện tích sản xuất lúa hàng hóa của tỉnh; Nâng cấp hoạt động của mạng lưới nhân lúa giống xác nhận cộng đồng trong tỉnh theo hướng chứng nhận chất lượng lô giống lúa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật nhằm từng bước đáp ứng điều kiện thương mại hóa giống lúa.

Tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn”, gắn với thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác của Hợp tác xã kiểu mới, liên kết từ cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong sản xuất và cung cấp các dịch vụ khác. Đánh giá, tổng kết vai trò kinh tế hợp tác của các Hợp tác xã kiểu mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện các chính sách tín dụng hỗ trợ của tỉnh và trung ương đối với việc phát triển hợp tác xã, kinh tế hợp tác.

Tăng cường phổ biến các chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, người dân vào nông nghiệp, nông thôn như: Nghị định 210/2013/NĐ-CP , ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Chính phủ về cánh đồng lớn, Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Chính phủ về hỗ trợ giảm thất thoát sau thu hoạch, Quyết định 915/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, Quyết định số 37/2014/QĐ-UBND ngày 10/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về Về việc ban hành Quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang...vv.

Đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống thủy sản chất lượng, sạch bệnh đặc biệt là giống cá tra, basa; kiểm soát diện tích nuôi trồng thủy sản theo yêu cầu thị trường, đảm bảo các điều kiện nuôi và an toàn dịch bệnh.

Thực hiện tốt quy hoạch giết mổ, tổ chức lại hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gắn với chế biến và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Áp dụng công nghệ giết mổ treo, gieo tinh nhân tạo, trồng cỏ năng suất cao, ứng dụng công nghệ chế biến thức ăn từ phụ phế phẩm nông nghiệp, ứng dụng công nghệ xử lý và tận dụng chất thải tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm làm biogas tại các điểm chăn nuôi lớn, tập trung để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đẩy mạnh phát triển rừng. Tạo đủ giống cây trồng đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ trồng rừng và trồng cây lâm nghiệp phân tán trên toàn tỉnh trong năm 2017. Thực thi pháp luật lâm nghiệp, kiểm tra, ngăn chặn vi phạm lấn chiếm đất rừng làm nông nghiệp; xây dựng phương án chống chặt phá rừng và săn, bắt, mua bán động vật rừng.

Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, tổ chức triển khai tốt công tác bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn và thiên tai. Chương trình hành động chiến lược quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020. Chương trình hành động của ngành nông nghiệp về biến đối khí hậu và nước biển dâng.

Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để đến cuối năm 2017 có 32 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Tập trung chỉ đạo xã điểm và chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trên diện rộng. Tăng cường hơn nữa công tác vận động tuyên truyền, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, làm rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới, quyền lợi và vai trò của người dân để tranh thủ sự đồng tình của toàn dân tham gia. Tăng cường công tác mời gọi đầu tư các doanh nghiệp về nông thôn; chủ động tranh thủ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các nhà mạnh thường quân và nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

1.2. Lĩnh vực công nghiệp- xây dựng

a) Công nghiệp - TTCN

* Mục tiêu: Chú trọng nâng cao giá trị ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích doanh nghiệp thay đổi quy trình công nghệ, quy trình sản xuất. Phát triển ngành cơ khí, chế tạo sản xuất ra những sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp đạt chất lượng cao, có sức cạnh tranh. Thực hiện các chính sách thúc đẩy ngành cơ khí, chế tạo phát triển.

* Giải pháp:

Tăng cường mời gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp ưu tiên các ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động địa phương; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các công trình khu, cụm công nghiệp gắn với lợi thế vùng kinh tế trọng điểm.

Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; mở rộng Khu công nghiệp Bình Hòa, triển khai Kế hoạch tạo quỹ đất sạch để giao doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm... Nghiên cứu xây dựng đề án xây dựng nhà ở cho công nhân và hệ thống hạ tầng xã hội phục vụ người lao động ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh Chương trình khuyến công để tiếp tục hỗ trợ các ngành công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận chương trình hỗ trợ khuyến công quốc gia để nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp cơ khí, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện Chương trình “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020”; triển khai Quỹ phát triển khoa học công nghệ hỗ trợ để đổi mới công nghệ, ưu tiên ứng dụng, chuyển giao công nghệ sau thu hoạch, công nghệ sản xuất sạch; tập trung một số lĩnh vực định hướng ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư tại một số nước, vùng lãnh thổ có công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… tổ chức tiếp xúc với các tập đoàn kinh tế mạnh trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế để tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư, quan tâm thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng đất hiệu quả, ít gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng thu hút dự án sản xuất vật tư nguyên liệu, công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển ngành công nghiệp trọng điểm có lợi thế cạnh tranh.

Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, năng cao giá trị sản xuất, đổi mới mô hình quản lý để hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tạo điều kiện cho các dự án đầu tư, nhất là các dự án có quy mô lớn đi vào hoạt động để tăng nhanh sản lượng công nghiệp góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành công nghiệp và tạo đà tăng trưởng cho năm tiếp theo.

Phát triển ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông –thuỷ sản (lúa, rau màu và cá) và ngành cơ khí sản xuất nông cụ, máy nông nghiệp; Đẩy mạnh phát triển ngành cơ khí chế tạo sản xuất những sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp bao gồm các loại máy phục vụ cơ giới hoá khâu canh tác, chăm sóc, thu hoạch nông sản, các thiết bị chế biến nông, lâm, thuỷ sản đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tích cực nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản. Tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Kết nối doanh nghiệp lớn từ ngoài nước, tạo đà phát triển doanh nghiệp trong nước; Triển khai Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ cho đồng bào dân tộc Khmer, Chăm, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang giai đoạn 2016 – 2020”. Triển khai thực hiện tốt Chương trình khuyến công và chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020. Ban hành Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang; Triển khai thực hiện dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh An Giang, giai đoạn 2016 – 2020; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án năng lượng nông thôn, năng lương tái tạo, phấn đấu giảm tỷ lệ thất thoát điện đến mức thấp nhất.

b) Đầu tư xây dựng

* Mục tiêu: Chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư công theo Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18/6/2014, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2016 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; Đồng thời thực hiện tốt các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như: Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/8/2014 về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 02/6/2016 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Công văn số 4456/BKHĐT-TH ngày 09/6/2016 về lập kế hoạch đầu tư công năm 2017 và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công.

* Giải pháp:

Tập trung xây dựng và ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 theo quy định của pháp luật và đầu tư công, quy định của Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 1100/BKHĐT-TH ngày 27/02/2015. Dựa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020, xây dựng kế hoạch đầu tư công hằng năm phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Ngoài nguồn vốn đầu tư công đã được xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 và năm 2017. Tỉnh xây dựng và vận dụng các cơ chế chính sách hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật để tập trung huy động các nguồn vốn ngoài xã hội (kể cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn ODA,…) để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, nhằm mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển kết cấu hạ tầng du lịch.

Thực hiện tốt công tác kế hoạch, bố trí vốn phù hợp với khả năng triển khai thực tế và khả năng cân đối vốn của cả Tỉnh, không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với các Nghị quyết của Tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó tạo đòn bẩy phát triển kinh tế của Tỉnh.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm của Tỉnh; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh; đảm bảo các dự án thực hiện đạt chất lượng, đúng tiến độ và đạt hiệu quả đầu tư đặt ra. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án theo các nội dung và giải pháp nêu tại Công văn số 1027/UBND-KTTH ngày 28/7/2016 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/7/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2016. Tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát các công trình xây dựng nhằm phát huy dân chủ và bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả trong đầu tư.

Đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần đầu tư công, tăng dần đầu tư của các thành phần kinh tế khác; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực có khả năng thu hồi vốn.Tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tham gia, đồng thời ưu tiên bố trí vốn Nhà nước thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

Chủ động khai thác mọi nguồn lực trong Tỉnh để phục vụ cho đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông. Tiếp cận, tranh thủ tối đa các nguồn vốn nước ngoài (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài) để đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm của Tỉnh.

1.3. Lĩnh vực dịch vụ

a) Thương mại

* Mục tiêu: Phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa mặt hàng, sản phẩm xuất khẩu, trong đó, chú trọng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Phát triển mạnh thương mại nội địa, chú trọng phát triển thị trường nông thôn đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, ổn định. Nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh, khai thác thị trường nội địa gắn kết với hệ thống phân phối; Khai thác thế mạnh kinh tế biên giới, gia tăng lưu lượng hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu để phát triển các loại hình dịch vụ.

* Giải pháp:

Tiếp tục triển khai đầu tư, nâng cấp mạng lưới chợ, hạ tầng thương mại theo quy hoạch đã phê duyệt, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng xa gắn phát triển thương mại của chương trình xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu chuyển đổi công năng một số khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu để mời gọi đầu hạ tầng thương mại biên giới, dịch vụ giao nhận hàng hóa và các chợ biên giới. Tích cực hỗ trợ triển khai nhanh các dự án đầu tư thương mại lớn (Lotte – Long Xuyên, siêu thị Big C, hệ thống Vincom...).

Tập trung nâng chất Chương trình bình ổn thị trường, Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa và Chương trình kết nối giao thương với các tỉnh. Ưu tiên thiết lập và củng cố các mối liên kết thương mại một số thị trường trọng điểm (như Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội). Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đi vào chiều sâu đồng hành cùng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng mô hình kinh doanh theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất – kinh doanh nông sản sạch, xây dựng mạng lưới phân phối từ thành thị đến nông thôn. Tiếp tục triển Đề án ”Xác lập khung chính sách tiếp cận, thiết lập và xâm nhập thị trường cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đa dạng có lợi thế của doanh nghiệp và người dân An Giang vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước đến năm 2020”.

Nâng chất và duy trì thường xuyên các sự kiện xúc tiến thương mại biên giới, tổ chức giao thương doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Campuchia, xây dựng kênh đối thoại hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận và mở rộng thị trường Campuchia thông qua nội dung thỏa thuận hợp tác thương mại với hai tỉnh giáp biên.

b) Xuất, nhập khẩu

* Mục tiêu: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, bên cạnh giữ vững thị trường truyền thống. Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ theo hướng chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh.

* Giải pháp:

Tăng cường công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường; nắm rõ các rào cản kỹ thuật và chủ động xây dựng các biện pháp để khắc phục. Thực hiện mạnh mẽ các giải pháp khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có khả năng cạnh tranh, thị trường ổn định. Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đa dạng hóa mặt hàng, sản phẩm nhằm đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định, trong đó, chú trọng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại theo hình thức xã hội hóa.

Tăng cường liên kết, phối hợp với các Tham tán Thương mại Việt Nam tại nước ngoài để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của An Giang. Thường xuyên tạo điều kiện để Doanh nghiệp tham gia hội chợ và hội thảo gắn kết giao thương; Tiếp tục mở rộng quy mô và phát triển các sản phẩm chủ lực vào những thị trường trong khối EU. Bên cạnh, việc giữ vững, khai thác các thị trường truyền thống như: Liên bang Nga, Trung Quốc, Campuchia…và đột phá những thị trường mới còn nhiều tiềm năng, như: Mexico, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran...

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng mục tiêu chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng sản phẩm chế biến, chế tạo sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Đề án Xác lập khung chính sách tiếp cận, thiết lập và xâm nhập thị trường cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước, và đề án Thương hiệu nếp Phú Tân.

Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa để nâng giá trị sản phẩm và hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); các nước Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và các hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với các nước.

c) Du lịch

* Mục tiêu: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch tại các điểm đến du lịch trọng điểm. Tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo theo hướng phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch của tỉnh để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, thu hút khách du lịch.

* Giải pháp:

Tăng cường kêu gọi đầu tư để xây dựng các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn, hiện đại, gắn với phát triển các dịch vụ ăn uống, mua bán sản phẩm du lịch, các sản phẩm tiêu dùng cần thiết,... có chính sách ưu đãi đầu tư và quỹ đất sạch để tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang dành cho các tập đoàn như: Vingroup, Sungroup, Mường Thanh, Saigontourist…

Tập trung nguồn lực đầu tư cho du lịch, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch, thu hút đầu tư từ nguồn xã hội hóa vào lĩnh vực xây dựng các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn, hiện đại, gắn phát triển các dịch vụ ăn uống, mua sắm sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch đặc trưng của An Giang để giữ chân du khách.

Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch An Giang trong và ngoài nước; Khai thác hợp lý các nguồn lực phát triển du lịch theo hướng bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững; Chủ động thực hiện liên kết vùng trong phát triển du lịch, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để tăng lượng khách du lịch đến An Giang. Đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực du lịch theo tiêu chuẩn chất lượng chung của cả nước và từng bước tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh khách sạn, lữ hành, các khu - điểm du lịch và kinh doanh tàu thủy đón khách du lịch; Xây dựng các sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách đến tham quan và lưu trú lại An Giang nhiều hơn; Phát triển mạnh các ngành thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, như: các mặt hàng gốm mỹ nghệ, đá mỹ nghệ, hàng dệt thổ cẩm.... Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển chất lượng, dịch vụ du lịch, đặc biệt chú trọng vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cộng đồng địa phương tại các khu, điểm du lịch.

1.4. Phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư

* Mục tiêu: Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia đăng ký thành lập và đầu tư trên địa bàn tỉnh; Cung cấp kịp thời và đầy đủ thông tin có liên quan về thủ tục đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư.

* Giải pháp:

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 377/CTr-UBND ngày 14/7/ 2016 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Thường xuyên rà soát, cập nhật các cơ chế, chính sách và các điều kiện kinh doanh mới ban hành để kịp thời cung cấp, hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ban Hỗ trợ Doanh nghiệp thường xuyên theo dõi và hỗ trợ việc triển khai của từng dự án cụ thể, dự án nào ách tắc khâu nào xử lý ngay thay vì chủ yếu xử lý ở khâu đầu giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tổ chức làm việc từng nhóm doanh nghiệp thuộc từng ngành hàng khác nhau để đi sâu tìm hiểu và nghiên cứu những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp. Định kỳ tham dự “Cà phê Doanh nhân” để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đối thoại và thảo luận những chính sách mới với doanh nghiệp phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh; kịp thời kiến nghị TW giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư bằng việc quảng bá kết quả kinh doanh hiệu quả của các doanh nghiệp đến đầu tư tại An Giang để xúc tiến đầu tư theo mô hình “Doanh nghiệp cũ rủ Doanh nghiệp mới”. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về nhiệm vụ phục vụ doanh nghiệp của cán bộ, công chức, đặc biệt trong một số nhạy cảm (Thuế, Hải quan, Quản lý thị trường...); mở rộng công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính liên quan doanh nghiệp ở tất cả các sở, ngành (trừ một số đơn vị: Công an, Thanh tra...) và các huyện trên các phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp giám sát. Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính để tập trung một đầu mối để giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và nhân dân góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh theo Kế hoạch đã được phê duyệt.

1.5.Tài chính, ngân hàng

* Mục tiêu: Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả, công bằng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Trung ương về các giải pháp điều hành tiền tệ và tài khoá.

* Giải pháp:

Thực hiện tốt các giải pháp của Chính phủ về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh, kêu gọi đầu tư, quan tâm phát triển các ngành nghề có khả năng đóng góp vào ngân sách lớn để mở rộng nguồn lực. Giảm mạnh nợ đọng đảm bảo tỷ lệ nợ đọng theo quy định. Khai thác, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu, gian lận thuế, tạo sự công bằng trong thi hành nghĩa vụ nộp ngân sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công; cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài từ ngân sách nhà nước. Cơ cấu lại chi ngân sách gắn với đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập và giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập từng bước chuyển sang tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động.

Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân duy trì, phát triển sản xuất – kinh doanh, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vốn vay, … trên cơ sở khả năng tài chính của tổ chức tín dụng,…

Triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Các tổ chức tín dụng bám sát chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao vai trò, vị trí chi phối, dẫn dắt thị trường; đảm bảo các ngân hàng thương mại Nhà nước và các Ngân hàng thương mại có cổ phần chi phối của Nhà nước thật sự là lực lượng chủ lực, chủ đạo trong việc đáp ứng các nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế của tỉnh.

1.6. Khoa học – công nghệ

* Mục tiêu: Đẩy mạnh các nghiên cứu về mô hình chuyển dịch cơ cấu, tổ chức lại sản xuất; Phát huy vai trò của khoa học công nghệ và xem khoa học và công nghệ là đòn bẩy của quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Ưu tiên đầu tư các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm tăng cường hàm lượng khoa học và công nghệ trong các sản phẩm chủ lực của tỉnh, tạo nhiều sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

* Giải pháp:

Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/6/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 28/02/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Phát huy vai trò của khoa học - công nghệ và xem khoa học - công nghệ là đòn bẩy của quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu từng bước nâng cao mức đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) của tỉnh.

Khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng công nghệ tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với doanh nghiệp quy mô lớn, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ và bảo trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ. Tạo những điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thành lập quỹ về phát triển khoa học – công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp có vốn Nhà nước phải thực hiện đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và thành lập quỹ khoa học và công nghệ.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm cho khoa học - công nghệ thực sự là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại. Ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch. Chú trọng phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch với quy mô công nghiệp. Tăng hàm lượng khoa học - công nghệ trong các sản phẩm chủ lực của tỉnh, tạo nhiều sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Nâng cao năng lực khoa học công nghệ đi đôi với việc đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là những đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu vào thực tế sản xuất và đời sống để tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế. Thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống.

1.7. Về Tài nguyên và môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu

* Mục tiêu: Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường gắn với việc thực hiện tăng trưởng xanh; Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và các vấn đề môi trường; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên môi trường tài nguyên khoáng sản theo hướng sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, ổn định và lâu dài theo đúng quy hoạch.

* Giải pháp:

Tập trung xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 04/02/2016 và số 09/CT-TTg ngày 12/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn. Triển khai đồng bộ các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước.Tiếp tục rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các quy định của Trung ương tại địa phương về ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tài nguyên và môi trường; tạo điều kiện để toàn xã hội giám sát, chia sẽ trách nhiệm trong bảo vệ môi trường. Kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; làm tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên vùng trong khai thác, sử dụng nguồn nước; phối hợp trong khai thác và kiểm soát nguồn tài nguyên cát, chống sạt lỡ bờ sông, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của người dân sống và sản xuất ven sông. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Quản lý và sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, quản lý chặt chẽ việc khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản; thực hiện các biện pháp phòng ngừa và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; ngăn chặn sự xâm nhập của sinh vật ngoại lai, biến đổi gen gây nguy hại cho môi trường; bảo vệ đa dạng sinh học, tạo cân bằng hệ sinh thái.

Hoàn thành việc lập, công bố điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2016- 2020. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng nâng cao tính liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất nhằm đảm bảo tổng hợp, cân đối, phân bổ hợp lý và sử dụng hiệu quả đất đai.

Kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tăng cường các biện pháp xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp, chất thải độc hại và chất thải y tế. Đẩy mạnh các giải pháp hữu hiệu giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường, cảnh quan ở khu vực nông thôn, các khu đô thị.

Triển khai có hiệu quả Quyết định số 1685/QĐ-UBND ngày 21/6/2016 của UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 62-KH/TU ngày 26/8/2013 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2016 – 2020.

Tiếp tục rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều chỉnh các quy hoạch ngành gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Kiểm soát mức độ ô nhiễm môi trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tập trung xử lý các khu, điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và hạn chế vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngành. Nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo điều kiện để toàn xã hội giám sát và chia sẻ trách nhiệm trong bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tranh thủ các nguồn vốn thực hiện Dự án đầu tư hệ thống trạm quan trắc môi trường tỉnh An Giang để nâng chất lượng quan trắc, giám sát môi trường, đặc biệt là môi trường nước tại các nơi tiếp giáp với Campuchia và tại các nơi có khả năng xâm nhập mặn cao.

1.8. Về hội nhập quốc tế

* Mục tiêu: Tiếp tục củng cố, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội trong công tác hội nhập quốc tế về kinh tế; chính trị, quốc phòng, an ninh; văn hóa, lao động, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ. Xây dựng nhiệm vụ trọng tâm, huy động sức mạnh của toàn xã hội và nguồn lực từ bên ngoài tham gia và thực hiện có hiệu quả công tác hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

* Giải pháp:

Triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 403/KH-UBND ngày 27/7/2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 07/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tổng thể Hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Khai thác hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế góp phần đẩy nhanh việc tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khai thác hiệu quả các cam kết đã ký kết. Huy động nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, khai thác các lĩnh vực thế mạnh và tiềm năng của tỉnh góp phần tăng trưởng kinh tế.

Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại biên giới, củng cố mối quan hệ với các tỉnh giáp biên của Campuchia nhằm giữ vững đường biên giới hòa bình, ổn định. Xây dựng kế hoạch hợp tác ngắn hạn, trung hạn, dài hạn với các địa phương ở một số nước, đối tác quốc tế có tầm quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của tỉnh. Lồng ghép việc thiết lập quan hệ hợp tác với địa phương nước ngoài với việc thiết lập quan hệ hữu nghị giữa các tổ chức nhân dân, tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân, các sự kiện lớn về đối ngoại nhà nước.

Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Thực hiện các biện pháp chính sách để phát huy, tận dụng các cơ hội phát triển và hạn chế tác động tiêu cực do mặt trái của hội nhập gây ra. Có giải pháp đột phá, quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp và nhân dân về hội nhập quốc tế: Tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng nội dung của Nghị quyết số 31/NQ-CP của Chính phủ; Tuyên truyền Chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại Tự do (FTA) đến năm 2020 của Việt Nam; Tuyên truyền về cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định TPP.

Xây dựng pháp lý và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế; Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp;

Tập trung phát triển các sản phẩm có hiệu quả kinh tế, có tính cạnh tranh cao trên thị trường nội địa và quốc tế; rà soát các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn quốc tế; Xây dựng kênh thông tin đối thoại giúp doanh nghiệp tham gia tìm hiểu và đóng góp các Hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đang đàm phán.

1.9. Thực hiện liên kết vùng

* Mục tiêu: Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa An Giang với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm; tăng cường hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

* Giải pháp:

Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2220/QĐ-TTg ngày 17/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 136/NQ-HĐV ngày 21/11/2016 của Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL giai đoạn 2015-2016 Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020.

Tiếp tục tăng cường và chủ động hợp tác, liên doanh, liên kết và phối hợp phát triển với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành khác trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của nhau để cùng phát triển, cùng có lợi.

Cùng với các tỉnh trong vùng, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể và xây dựng từng dự án, đề án cụ thể với mục tiêu, nội dung, các bước thực hiện rõ ràng, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm với nhau để kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án (có tính chất liên tỉnh, liên vùng).

2. Phát triển văn hóa - xã hội

2.1. Về Giáo dục và Đào tạo

* Mục tiêu: Xây dựng nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng với nhu cầu phát triển của xã hội.

* Giải pháp:

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Chú trọng đầu tư nâng chất lượng giảng dạy ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông theo Đề án của Thủ tướng tại Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng bỏ học. Củng cố, duy trì kết quả phổ cập bằng hình thức học tập chính quy. Tiếp tục triển khai 4 nội dung: Nói không với tiêu cực trong thi cử; không xảy ra bệnh thành tích trong giáo dục; không vi phạm đạo đức nhà giáo và không để học sinh ngồi sai lớp; Nâng cao trách nhiệm điều hành, quản lý ngân sách của các đơn vị trường học, nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ kế toán.

Từng bước phát triển giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Tiếp tục đổi mới giáo dục và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó cần quan tâm vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên. Chú trọng hơn nữa công tác giáo dục cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Tiếp tục xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong đó quan tâm giải quyết nhà công vụ cho giáo viên. Triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách đối với nhà giáo. Tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng công chức, viên chức nhằm chọn các giáo viên, nhân viên có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong tình hình mới. Khắc phục tình trạng mất đồng bộ giáo viên, bổ sung giáo viên mầm non, hạ thấp tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học. Giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tập trung thực hiện phổ cập giáo dục trung học và phổ cập giáo dục mầm non theo lộ trình.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu Đề án xây dựng Xã hội học tập và Đề án Xóa mù chữ đến năm 2020. Mở rộng quy mô một cách hợp lý, củng cố, nâng chất kết quả công tác phổ cập giáo dục, tăng tỷ lệ học sinh đi học so dân số độ tuổi; phát triển mạng lưới trường lớp theo quy hoạch; triển khai công tác xóa mù chữ theo kế hoạch.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG về xây dựng Nông thôn mới.Tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT.

2.2. Về Y tế

* Mục tiêu: Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; Tiếp tục xây dựng củng cố hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tật, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng dân số.

* Giải pháp:

Củng cố và hoàn thiện tổ chức mạng lưới ngành y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở. Đổi mới và hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế. Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức các đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh và các đơn vị y tế tuyến huyện theo Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của liên Bộ Y tế - Bộ Nội vụ và Quyết định số 25/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016 của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế tỉnh An Giang.

Hoàn thiện và nâng cao chất lượng mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh các tuyến; củng cố, nâng cao năng lực hoạt động các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phát triển một số chuyên ngành bệnh viện tuyến tỉnh thành vệ tinh cho các bệnh viện tuyến trung ương tại Tp HCM: tim mạch, mắt, sản nhi…; Nâng cao năng lực mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh các bệnh viện chuyên khoa. Xây dựng cơ sở y tế kết hợp quân - dân y, đặc biệt là ở các khu vực biên giới. Củng cố, phát triển và hiện đại hóa mạng lưới vận chuyển cấp cứu ngoại viện trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường các hoạt động giám sát và kiểm soát các chất thải gây ô nhiễm môi trường; xử lý các chất thải y tế và các chất thải độc hại. Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng và nhân sự cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế dự phòng. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đủ khả năng kiểm soát tốt hơn các bệnh truyền nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế lao động, vệ sinh môi trường. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trung tâm y tế huyện đảm bảo đạt tiêu chuẩn an toàn và bổ sung đầy đủ các trang thiết bị cần thiết cho công tác xét nghiệm, nâng cấp và chuẩn hóa các phòng xét nghiệm. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế - dân số.

Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; Triển khai đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải bệnh viện và tăng sự hài lòng của người bệnh; từng bước thiết lập lại hệ thống chuyển tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh; phát triển mạng lưới bệnh viện chuyên khoa và các khoa ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản nhi, phục hồi chức năng; chú trọng phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa theo lộ trình Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Y tế tỉnh An Giang từ năm 2015 đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Nâng cao công tác Dân số-KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Duy trì mức sinh thấp hợp lý, khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, mở rộng cung cấp các dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, giảm dị tật và bệnh bẩm sinh, đáp ứng nhu cầu dịch vụ KHHGĐ của người dân. Tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành y tế.

2.3. Về Lao động, việc làm

* Mục tiêu: Đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Đẩy mạnh các hoạt động bảo trợ, trợ giúp xã hội; quan tâm thực hiện tốt chính sách người có công cách mạng; thúc đẩy tạo chuyển biến tích cực về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và quyền trẻ em. Nâng chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội, gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm.

* Giải pháp:

Tiếp tục sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với Luật giáo dục nghề nghiệp; thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm; tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, triển khai có hiệu quả đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; Mở rộng hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế, nhất là hợp tác về dạy nghề, phát triển thị trường lao động, an sinh xã hội,... nhằm thu hút nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế cho phát triển các ngành, lĩnh vực tại địa phương.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt là các chương trình, dự án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Tập trung thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án đã ban hành tạo nhiều việc làm mới và giải quyết việc làm cho người lao động. Phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp tổ chức tuyển chọn, giáo dục định hướng, dạy nghề tạo nguồn cho xuất khẩu lao động theo yêu cầu của thị trường.

Nâng cao tỷ lệ lao động có đào tạo chuyên môn kỹ thuật; từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Thực hiện tốt Đề án “Tăng cường đưa lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016 - 2020”, các chính sách hỗ trợ học nghề nghiệp, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động.

Đẩy mạnh thực hiện các phong trào chăm sóc người có công, vận động các ngành, các cấp, các đoàn thể quan tâm, giúp đỡ bằng nhiều nguồn lực nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công.Tiếp tục vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016- 2020 ở An Giang. Phối hợp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (XI) “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020”.

Lồng ghép có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh với công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Xây dựng triển khai nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Đặc biệt là phối hợp nghiên cứu, xây dựng đưa nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào Kế hoạch Bình đẳng giới, nhằm nâng cao năng lực, tăng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu cho người dân, đặc biệt cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Tổ chức thực hiện tốt các chương trình, dự án, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em.Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020; từng bước bảo đảm bình đẳng giới trong mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; thu hẹp khoảng cách giới, xóa dần định kiến về giới trong đời sống xã hội. Thường xuyên củng cố, nâng cao vai trò hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp.

2.4. Văn hóa - Thể thao, Thông tin - Truyền thông

a) Văn hoá - Thể thao

* Mục tiêu: Nâng cao công tác quản lý nhà nước về văn hóa phù hợp với thực tiễn trong tình hình mới. Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh phát triển đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ nhân dân. Công tác bảo tồn và phát huy các loại hình Di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng. Một số loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống của các dân tộc được duy trì và phục hồi trong cộng đồng.

Xây dựng và phát triển nền thể dục thể thao tỉnh nhà để nâng cao thể lực, tầm vóc và sức khoẻ nhân dân, chất lượng nguồn lực và phát triển giống nòi. Giữ vững và nâng vị trí thể thao An Giang với khu vực và toàn quốc, đóng góp nhiều huấn luyện viên, vận động động viên cho quốc gia làm nhiệm vụ quốc tế.

* Giải pháp:

Triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, Quy hoạch, Kế hoạch, Đề án, Chương trình của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, của UBND tỉnh về phát triển văn hoá, gia đình, thể dục thể thao và du lịch của tỉnh.

Tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hoá, coi đầu tư cho văn hoá là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, làm cho văn hoá tham gia tích cực vào việc thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Các hoạt động văn hóa dành cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, chú trọng, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ của đồng bào các dân tộc, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, giữ vững an ninh biên giới, lãnh thổ.

Duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống, hội thi, hội diễn, liên hoan với hình thức và nội dung mới trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình tại các phường xã phát triển bền vững. Nâng cao chất lượng các danh hiệu gia đình văn hóa, khóm ấp văn hóa, xã đạt chuẩn nông thôn mới, phát triển ấp văn hóa biên giới thành "Điểm sáng văn hóa biên giới".

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức và hiểu biết về nội dung, phương pháp, lợi ích của thể dục thể thao đến các tầng lớp nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Gắn phát triển phong trào thể dục, thể thao với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu đô thị văn minh.

Đổi mới phương pháp giáo dục thể chất, gắn giáo dục thể chất với giáo dục quốc phòng, ý chí, đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Tập trung triển khai kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam vào trường học các cấp.

Tích cực công tác vận động tài trợ, huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội tham gia tổ chức các hoạt động thể dục thể thao. Tiếp tục chuyển giao công tác tổ chức các giải thể thao sang các liên đoàn, hội … mới được thành lập trong giai đoạn 2013 - 2018. Đồng thời nâng cao trình độ và quy mô tổ chức để thu hút các nhà tài trợ, nhất là các giải cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc và quốc tế.

b) Thông tin - truyền thông

* Mục tiêu: Tăng tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động thông tin, tuyên truyền, báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình phù hợp với xu thế phát triển, đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền, giáo dục, định hướng dư luận xã hội và nhu cầu thông tin của nhân dân. Từng bước phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông phủ khắp cả tỉnh đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin của toàn xã hội.

* Giải pháp:

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thông tin, đảm bảo công tác thông tin trung thực, chính thống, kịp thời, tránh đưa những thông tin bất lợi, tạo dư luận xấu, gây tâm lý bất an trong xã hội, kịp thời phản tuyên truyền những thông tin không đúng sự thật. Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống thông tin và truyền thông đến 2020, quy hoạch hạ tầng viễn thông để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai đầu tư phát triển hạ tầng, đồng thời đảm bảo đúng quy hoạch.

Triển khai thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước năm 2017 theo kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính, nhất là các ứng dụng nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước, các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhỡ các ngành, đơn vị triển khai cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 1 và 2 trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh và Cổng Thông tin thành phần của Sở, ban, ngành và huyện, thị, thành phố; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và tăng cường, mở rộng việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính bằng dịch vụ bưu chính (mức độ 4).

3. Quốc phòng - an ninh

* Mục tiêu: Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm, vùng biên giới và các khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài.

* Giải pháp:

Tiếp tục đẩy mạnh quán triệt Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Nghị định số 02/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về khu vực phòng thủ; Nghị định số 74/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về phòng không nhân dân; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 10/8/2016 của Tỉnh ủy về củng cố quốc phòng - an ninh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường kiểm tra công tác quân sự, quốc phòng địa phương, công tác tuyển quân theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, công tác tuyển sinh quân sự, xây dựng lực lượng, giáo dục quốc phòng và an ninh, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng theo phân cấp.

Tăng cường công tác nắm tình hình nhất là tình hình ngoại biên, chủ động phương án đối phó khi có tình huống xảy ra, thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh, chỉ thị sẵn sàng chiến đấu năm 2017 của Bộ Quốc phòng và của Quân khu; duy trì tốt quy chế phối hợp giữa Công an, Quân sự, Biên phòng bảo vệ an ninh quốc gia; sẵn sàng lực lượng và phương tiện tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn. Triển khai thực hiện Đề án bảo đảm quốc phòng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030, Đề án công tác phòng không nhân dân giai đoạn 2016 - 2020.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, kiềm chế tội phạm, giảm các loại trọng án, giảm tội phạm tại các địa bàn trọng điểm; xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh. Củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là các khu trọng điểm, vùng biên giới; tăng cường hợp tác đối ngoại, hợp tác với các tỉnh giáp biên giới, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác để duy trì ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là lực lượng chức năng hai tỉnh Kandal, TàKeo - Vương quốc Campuchia trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm khủng bố, tội phạm hình sự, ma túy, tội phạm mua bán người.

Tăng cường đào tạo và đẩy mạnh hoạt động các đội đặc nhiệm, để trấn áp tội phạm, đặc biệt tội phạm lứa tuổi thanh thiếu niên xu hướng gia tăng; chú trọng đến tình hình an ninh – trật tự xã hội vùng nông thôn; trọng tâm là tập trung vào các loại tội phạm về ma tuý, cướp giật, không để xảy ra vụ việc phức tạp về an ninh trật tự nhất là trong dịp tết, lễ hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và sự ổn định của xã hội.

Tăng cường công tác về đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy và buôn lậu qua biên giới, đặc biệt là phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy, HIV/AIDS, nhất là tại các địa bàn đô thị, các địa phương biên giới.

Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, nâng cao sức mạnh tổng hợp và trình độ sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống, không để xảy ra các vụ việc bất ngờ.

4. Điều hành và quản lý nhà nước

* Mục tiêu: Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Xây dựng nền hành chính công trong sạch, vững mạnh, minh bạch, thông suốt, chuyên nghiệp, tiến tới hiện đại.

* Giải pháp:

Triển khai và giám sát việc thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương; các chương trình, đề án, kế hoạch của UBND tỉnh, các ngành tỉnh trong năm 2017.

Triển khai thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh An Giang giai đoạn 2016 – 2020 và Kế hoạch năm 2017.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 377/CTr-UBND ngày 14/7/ 2016 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và trở thành động lực phát triển của tỉnh.

Tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động của tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế. Tiếp tục triển khai Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư công theo các quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/09/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ và các Nghị định khác hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/ 2015 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, mà trọng tâm là cải cách thủ tục và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là trong thực thi công vụ của cán bộ công chức nhằm tạo ra môi trường thông thoáng, thân thiện cho các nhà đầu tư và người dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước. Triển khai Đề án thành lập Trung tâm tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tỉnh An Giang trực thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

Triển khai Đề án xác định vị trí việc làm của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập làm cơ sở để triển khai Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế giai đoạn 2016 – 2021; Chương trình hành động của Tỉnh ủy về nguồn nhân lực giai đoạn 2015 - 2020.

Tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị và an ninh biên giới. Tập trung tấn công, trấn áp tội phạm đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nhất là trong các dịp lễ, hội. Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão.

Giải quyết nhanh kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân; tổ chức gặp gỡ công dân định kỳ để lắng nghe ý kiến và đối thoại với người dân từ đó hạn chế những vụ khiếu kiện đông người. Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí thông qua sự hỗ trợ, vai trò giám sát của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân, tạo nhiều kênh thông tin để báo chí, nhân dân tham gia giám sát, tố giác những tổ chức cá nhân vi phạm.

VI. Tổ chức thực hiện

Năm 2017 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của tỉnh. Vì vậy, nhiệm vụ của năm 2017 là hết sức nặng nề, đòi hỏi phải có sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân; từng ngành, từng cấp phải xây dựng kế hoạch chi tiết, chủ động đề ra các giải pháp tích cực, khả thi, hiệu quả; tận dụng tốt thời cơ, chủ động vượt qua mọi thách thức từ hội nhập để đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2017 của tỉnh./.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 



[1]Tỷ giá tạm tính 1 USD = 22.500 VNĐ





Nghị định 74/2015/NĐ-CP về phòng không nhân dân Ban hành: 09/09/2015 | Cập nhật: 14/09/2015

Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế Ban hành: 20/11/2014 | Cập nhật: 21/11/2014

Nghị quyết 44/NQ-CP năm 2010 về phiên họp thường kỳ tháng 10 Ban hành: 09/11/2010 | Cập nhật: 11/11/2010