Quyết định 25/2016/QĐ-UBND Quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Số hiệu: 25/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương Người ký: Trần Thanh Liêm
Ngày ban hành: 19/08/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Thuế, phí, lệ phí, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2016/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 19 tháng 8 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17/11/2010;

Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 20/11/2012 và Luật Quản lý thuế ngày 29/11/2006;

Căn cứ Nghị định số 12/2016/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản;

Căn cứ Thông tư số 66/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 12/2016/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản;

Căn cứ Nghị quyết số 33/2016/NQ-HĐND9 ngày 12 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 604/TTr-STNMT ngày 18/8/2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2016 và thay thế Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2012 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Thanh Liêm

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2016/QĐ-UBND ngày 19 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

2. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản; các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý, thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

3. Quy định này không áp dụng đối với trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó; trường hợp khai thác đất, đá để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự; phòng chống thiên tai, khắc phục, giảm nhẹ thiên tai.

Điều 2. Phương pháp tính phí; khai và nộp phí; và các trường hợp áp dụng mức thu phí đối với khoáng sản tận thu

1. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức

F = [(Q1 x f1) + (Q2 x f2)] x K

Trong đó:

- F là số phí bảo vệ môi trường phải nộp trong kỳ;

- Q1 là số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong kỳ nộp phí (m3) được xác định căn cứ vào tài liệu dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác hoặc căn cứ vào báo cáo đánh giá tác động môi trường và các tài liệu liên quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Q2 là số lượng quặng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ được xác định bằng số lượng sản phẩm chia cho hệ số quy đổi (tấn hoặc m3);

Hệ số quy đổi là tỷ lệ quy đổi từ khối lượng khoáng sản nguyên khai ra khối lượng khoáng sản thành phẩm được xác định căn cứ theo Phụ lục C của TCVN 4447:2012 (Hệ số chuyển thể tích từ đất tự nhiên sang đất tơi) và điều kiện thực tế của địa phương. Hệ số quy đổi tại địa phương được quy định tại Phụ lục.

- f1 là mức phí đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra: 200 đồng/m3;

- f2 là mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản khai thác (đồng/tấn hoặc đồng/m3) được quy định tại Phụ lục;

- K là hệ số tính phí theo phương pháp khai thác (Khai thác lộ thiên bao gồm cả khai thác bằng sức nước như khai thác cát, sỏi lòng sông): K = 1,05.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện việc kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản như quy định tại Điều 3 Thông tư số 66/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 12/2016/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (sau đây gọi tắt là Thông tư số 66/2016/TT-BTC).

3. Các trường hợp áp dụng mức thu phí đối với khai thác khoáng sản tận thu được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 66/2016/TT-BTC .

Điều 3. Quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

1. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là nguồn thu ngân sách được thụ hưởng; cấp nào thu thì ngân sách cấp đó được hưởng 100% số phí thu được.

2. 100% phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản được sử dụng để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường cho địa phương nơi thực tế diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản theo địa bàn quản lý của cấp xã và cấp huyện, theo các nội dung cụ thể như sau:

a) Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản bao gồm các hoạt động chính sau: duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp cầu đường các tuyến đường liên xã, liên huyện, đường tỉnh là các tuyến đường bị ảnh hưởng bởi hoạt động khoáng sản; nạo vét, duy tu, bảo dưỡng, chống sạt lở hệ thống sông, kênh, rạch, suối, mương… nơi có hoạt động khoáng sản;

b) Khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra, bao gồm các hoạt động chính sau: đầu tư các hệ thống cấp nước nhằm cung cấp nước cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi hoạt động khoáng sản; Hoạt động tưới nước rửa đường trên các tuyến đường trong xã, liên xã, liên huyện, và đường tỉnh bị ảnh hưởng bởi hoạt động khoáng sản;

c) Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản, bao gồm các hoạt động chính sau: trồng cây xanh dọc các tuyến đường trong xã, liên xã, liên huyện, và đường tỉnh nơi có hoạt động khoáng sản; đầu tư các công trình an sinh xã hội phục vụ cộng đồng dân cư (tái tạo cảnh quan các hồ, xây dựng bờ kè, hành lang tường rào bảo vệ an toàn, công viên, khu vui chơi giải trí,…) tại các khu vực khai thác khoáng sản đã đóng cửa mỏ.

d) Ngoài các hoạt động được quy định tại điểm a, b,c của Khoản này, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có hoạt động khai thác khoáng sản, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương đề xuất các hoạt động chi khác trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 4. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm

a) Hàng năm thống kê tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh và cung cấp thông tin, tài liệu về các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản cho Cục thuế tỉnh;

b) Phối hợp với Cục thuế tỉnh trong quản lý các hoạt động khai thác khoáng sản và nộp phí bảo vệ môi trường;

c) Phối hợp với Cục thuế tỉnh cung cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông các thông tin về số lượng khoáng sản khai thác, số lượng đất đá bốc xúc thải ra, số phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp đã nộp của năm trước để Sở Thông tin và Truyền thông thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định;

d) Hàng năm trên cơ sở nhu cầu kinh phí thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường; khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường nơi có hoạt động khai thác khoáng sản của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (chi tiết đến cấp xã), Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp cùng với Dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường gửi Sở Tài chính thẩm định, cân đối ngân sách trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2. Cục thuế tỉnh có trách nhiệm

a) Hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện đăng ký, kê khai, nộp phí theo quy định;

b) Kiểm tra, thanh tra việc kê khai, nộp phí, quyết toán tin phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Ấn định số phí bảo vệ môi trường phải nộp theo quy định trong trường hợp đối tượng nộp phí chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ chế độ chứng từ, hóa đơn, sổ kế toán;

c) Xử lý vi phạm hành chính về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật;

d) Lưu giữ và sử dụng số liệu, tài liệu mà cơ sở khai thác khoáng sản và đối tượng khác cung cấp theo quy định;

đ) Phối hợp với cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường tổ chức quản lý thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định tại Quy định này;

e) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông các thông tin về số lượng khoáng sản khai thác, số lượng đất đá bốc xúc thải ra, số phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp đã nộp của năm trước để Sở Thông tin và Truyền thông thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

 3. Sở Tài chính trên cơ sở nhu cầu kinh phí thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường; khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường nơi có hoạt động khai thác khoáng sản do Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tổ chức thẩm định, cân đối ngân sách tỉnh, ngân sách huyện trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

4. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục thuế tỉnh công khai tình hình thu, nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn quản lý;

b) Hàng năm cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách, lập dự toán nhu cầu kinh phí (chi tiết cho đến cấp xã) cho các nhiệm vụ phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan; khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định này nếu gặp khó khăn, vướng mắc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan có văn bản phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

PHỤ LỤC

MỨC PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2016/QĐ-UBND ngày 19 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

Stt

Loại khoáng sản

Đơn vị tính

Mức thu (đồng)

Hệ số quy đổi

I

Khoáng sản không kim loại

 

 

 

1

Đá ốp lát, làm mỹ nghệ (granit, gabro, đá hoa)

m3

60.000

1

2

Gờ - ra - nít (granit) (trường hợp không làm đá ốp lát, mỹ nghệ)

tấn

25.000

1,5

3

Đá làm vật liệu xây dựng thông thường

m3

3.000

Khu vực Dĩ An: 1,5

Bắc Tân Uyên: 1,45

Phú Giáo, Dầu Tiếng: 1,48

4

Các loại đá khác (đá vôi, đá sét làm xi măng và các loại đá làm phụ gia xi măng, khoáng chất công nghiệp)

tấn

2.500

1,45

5

Sỏi, cuội, sạn

m3

5.000

1,29

6

Cát vàng

m3

4.000

1,13

7

Các loại cát khác (trừ cát làm thủy tinh)

m3

3.000

1,13

8

Sét làm gạch, ngói

m3

2.000

1,3

9

Sét chịu lửa

tấn

25.000

1,3

10

Cao lanh, phen-sờ-pát (fenspat)

m3

6.000

1,3

11

Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình

m3

1.500

1,2

12

Than các loại (than bùn)

tấn

6.000

1,24

13

Khoáng sản không kim loại khác

tấn

25.000

1,3

II

Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu

Mức thu bằng 60% mức phí của các loại khoáng sản tương ứng quy định tại mục I Phụ lục này.

III

Đối với những loại khoáng sản khác ngoài các loại khoáng sản được quy định trên (nếu có)

Áp dụng mức thu tối đa theo quy định tại Nghị định 12/2016/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ

 

- Nội dung này được sửa đổi bởi Điều 1 Quyết định 03/2017/QĐ-UBND (VB hết hiệu lực: 01/09/2017)

Điều 1. Điều chỉnh Phụ lục mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương được ban hành kèm theo Quyết định số: 25/2016/QĐ-UBND ngày 19/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể như sau:

(Bảng biểu xem tại văn bản)

Xem nội dung VB
- Nội dung này được sửa đổi bởi Điều 1 Quyết định 03/2017/QĐ-UBND (VB hết hiệu lực: 01/09/2017)

Điều 1. Điều chỉnh Phụ lục mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương được ban hành kèm theo Quyết định số: 25/2016/QĐ-UBND ngày 19/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể như sau:

(Bảng biểu xem tại văn bản)

Xem nội dung VB
- Nội dung này được sửa đổi bởi Điều 1 Quyết định 03/2017/QĐ-UBND (VB hết hiệu lực: 01/09/2017)

Điều 1. Điều chỉnh Phụ lục mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương được ban hành kèm theo Quyết định số: 25/2016/QĐ-UBND ngày 19/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể như sau:

(Bảng biểu xem tại văn bản)

Xem nội dung VB