Quyết định 37/2014/QĐ-UBND về Quy chế thu, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
Số hiệu: 37/2014/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp Người ký: Châu Hồng Phúc
Ngày ban hành: 27/12/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Quốc phòng, Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH Đ
NG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
------------------

Số: 37/2014/QĐ-UBND

Đồng Tháp, ngày 27 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;

Căn cứ Nghị quyết số 29/2014/NQ-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp quy định mức đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thu, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 41/2005/QĐ.UB ngày 28 tháng 3 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành quy định về vận động thu quỹ quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như điều 3;
- Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- TT/TU, TT/HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Đồng Tháp;
- CT, các PCT/UBND tỉnh;
- MTTQ và các Đoàn thể tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH-NSương.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Châu Hồng Phúc

 

QUY CHẾ

THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-UBND ngày 27/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định việc thu, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh ở các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

2. Quỹ quốc phòng - an ninh được lập ở cấp xã và dùng để hỗ trợ cho công tác xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng Dân quân tự vệ; các hoạt động gìn giữ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Công an cấp xã.

3. Việc đóng góp, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch và đúng pháp luật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đối tượng thuộc diện vận động đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh:

a) Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Các tổ chức kinh tế, bao gồm: hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã, công ty nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh.

c) Hộ gia đình cư trú tại địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

2. Đối tượng không thuộc diện vận động đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh:

a) Hộ gia đình có cha, mẹ, con, vợ hoặc chồng là liệt sĩ đang hưởng trợ cấp.

b) Hộ gia đình có người là thương binh, bệnh binh.

c) Hộ gia đình nghèo theo quy định.

d) Hộ gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam (dioxin) không còn khả năng lao động.

đ) Hộ gia đình có người già neo đơn, mất sức lao động thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.

e) Hộ gia đình thuộc diện chính sách theo quy định.

3. Đối tượng tạm dừng vận động đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh:

a) Hộ gia đình thuộc địa bàn xã, phường, thị trấn nơi bị thiên tai, dịch bệnh và thảm họa nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

b) Cơ quan, tổ chức bị thiên tai, hỏa hoạn và các thảm họa khác ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

4. Các đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, nếu có nguyện vọng đóng góp quỹ thì đều được khuyến khích và tiếp nhận.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tạm dừng vận động đóng góp quỹ cho các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 3. Các hành vi nghiêm cấm

1. Tuyên truyền xuyên tạc làm sai mục đích, ý nghĩa và bản chất của quỹ quốc phòng - an ninh.

2. Xúi giục công dân, cơ quan, tổ chức không tự nguyện đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh.

3. Cản trở, gây khó khăn cho công dân, cơ quan, tổ chức tự nguyện đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh.

4. Ép buộc công dân, cơ quan, tổ chức đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh dưới mọi hình thức.

5. Gian lận trong công tác vận động thu, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh.

Chương II

MỨC ĐÓNG GÓP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH

Điều 4. Mức đóng góp

1. Hộ gia đình:

a) Đối với hộ gia đình ở nông thôn: mức tối đa 20.000 đồng/hộ/năm.

b) Đối với hộ gia đình ở đô thị: mức tối đa 30.000đ/hộ/năm.

2. Hộ kinh doanh: mức tối đa 100.000 đồng/hộ/năm.

3. Hợp tác xã, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập: mức tối đa 200.000 đồng/đơn vị/năm.

4. Doanh nghiệp tư nhân: mức tối đa 400.000 đồng/doanh nghiệp/năm.

5. Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty nhà nước: mức tối đa 600.000 đồng/đơn vị/năm.

6. Khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp cao hơn mức vận động nêu trên.

7. Mức vận động nêu trên làm cơ sở cho chính quyền địa phương cấp xã tổ chức tuyên truyền vận động, không giao chỉ tiêu đóng góp hàng năm.

Điều 5. Quản lý quỹ quốc phòng - an ninh

1. Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã lập kế hoạch tổ chức vận động đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh, tạo sự đồng thuận và thực hiện quyền đóng góp quỹ đối với nhân dân và cơ quan, tổ chức, bảo đảm chặt chẽ, thiết thực và hiệu quả; đồng thời, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh.

Việc lập kế hoạch tổ chức vận động đóng góp quỹ phải căn cứ theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, Quy chế này và các văn bản chỉ đạo về lập quỹ quốc phòng - an ninh.

2. Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp giúp Ủy ban nhân dân cấp xã soạn thảo kế hoạch.

Kế hoạch này phải được thông qua Ủy ban nhân dân cấp xã, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phê duyệt và phải được thông báo rộng rãi tới các đối tượng thuộc diện vận động đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh.

3. Tùy tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định phương thức và thời gian vận động thu quỹ quốc phòng - an ninh cho phù hợp.

4. Việc thu tiền đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh phải có biên lai thu tiền theo mẫu thống nhất và phải giao biên lai thu tiền cho người nộp tiền theo quy định.

Điều 6. Sử dụng quỹ quốc phòng-an ninh

1. Trích 5% trên tổng số thu quỹ quốc phòng - an ninh để trả thù lao cho những người trực tiếp đi thu, chi hội nghị, tuyên truyền vận động, mua biên lai thu, văn phòng phẩm, sổ sách kế toán.

2. Phần 95% trên tổng số thu quỹ quốc phòng - an ninh còn lại dùng để chi các nội dung sau:

a) Chi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự:

- Mua sắm phương tiện, hỗ trợ cho dân quân trong hoạt động tuần tra, canh gác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn và các thảm họa khác.

- Hỗ trợ cho dân quân tham gia huấn luyện và diễn tập về phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn và các thảm họa khác.

- Hỗ trợ đơn vị dân quân thực hiện chế độ sinh hoạt theo quy định của pháp luật.

- Chi thăm hỏi dân quân tự vệ và gia đình dân quân tự vệ có hoàn cảnh khó khăn, bị ốm hoặc chết.

- Hỗ trợ cho các đối tượng không thuộc lực lượng vũ trang khi tham gia diễn tập quốc phòng ở cấp xã.

- Chi khác (căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định nội dung chi cho phù hợp).

b) Chi nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội:

- Hỗ trợ cho công an cấp xã trong hoạt động phối hợp với dân quân tuần tra, canh gác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn và các thảm họa khác.

- Hỗ trợ cho công an cấp xã khi tham gia diễn tập về quốc phòng, an ninh ở cấp xã.

- Chi hỗ trợ hoạt động của Hội đồng bảo vệ an ninh trật tự, Đội dân phòng, Tổ dân phòng và lực lượng Bảo vệ dân phố.

- Chi khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền vận động đóng góp, tự nguyện đóng góp quỹ; có thành tích xuất sắc khi tham gia hoạt động quốc phòng, quân sự, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cấp xã.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm thực hiện

1. Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc vận động thu, nộp, quản lý và sử dụng quỹ trên tổng số thu quỹ quốc phòng - an ninh theo đúng quy định.

2. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp hướng dẫn các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thu, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh theo đúng quy định; thường xuyên thanh, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những sai sót, vi phạm trong việc tổ chức thực hiện của các đơn vị thuộc phạm vi địa bàn quản lý.

3. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện công tác vận động, thu, quản lý, sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh ở địa phương theo đúng quy định; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm vững và nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quốc phòng, an ninh, tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ quốc phòng - an ninh.

Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh, vướng mắc, các đơn vị liên quan phản ánh về Sở Tài chính để được hướng dẫn, xử lý; trường hợp vượt thẩm quyền, Sở Tài chính sẽ tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.





Nghị định 58/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dân quân tự vệ Ban hành: 01/06/2010 | Cập nhật: 04/06/2010