Nghị quyết 27/2016/NQ-HĐND về Chương trình Kiên cố hóa kênh mương tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025
Số hiệu: 27/2016/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị Người ký: Nguyễn Văn Hùng
Ngày ban hành: 14/12/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2016/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 14 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VII KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương;

Xét tờ trình số 4804/TTr-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành Chương trình Kiên cố hóa kênh mương tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025 với nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu và đối tượng của việc kiên cố hóa kênh mương:

a) Mục tiêu: Kiên cố hóa kênh mương nhằm đảm bảo cho các cấp kênh chuyển đủ lưu lượng thiết kế, thực hiện việc kiên cố đồng bộ, tiết kiệm đất xây dựng, giảm chi phí quản lý khai thác và kéo dài tuổi thọ công trình. Nâng cao năng lực và mở rộng diện tích tưới của các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, giảm nhẹ ảnh hưởng thiệt hại do thiên tai; cải thiện môi trường, đồng ruộng; giúp dân chuyển đổi mô hình sản xuất và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hạ tầng nông nghiệp nông thôn ngày càng được cải thiện.

b) Đối tượng thực hiện:

Toàn bộ hệ thống kênh mương chưa được kiên cố hóa trên địa bàn tỉnh (chưa tính đến việc đầu tư sửa chữa các kênh đã được kiên cố hóa các giai đoạn trước bị xuống cấp).

2. Tổng chiều dài của các loại kênh: 1.055,2 km (kênh loại I: 23,8 km, kênh loại II: 51,4 km, kênh loại III: 980 km):

Trong đó: Giai đoạn 2016 - 2020 là 627 km. Kênh loại I: 4 km, kênh loại II:20 km, kênh loại III: 603 km.

3. Tổng vốn đầu tư: 675.100 triệu đồng. (kênh loại I: 35.700 triệu đồng, kênh loại II: 51.400 triệu đồng, kênh loại III: 588.000 triệu đồng):

Trong đó: Nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 là 387.788 triệu đồng.

4. Nguồn vốn:

- Kênh loại I: Vốn ngân sách nhà nước và các dự án đầu tư;

- Kênh loại II: Vốn ngân sách tỉnh, vốn các chương trình, dự án và vốn vay ưu đãi;

- Kênh loại III: Ngân sách tỉnh, vốn các chương trình, dự án, vốn vay ưu đãi và đóng góp của nhân dân. Trong đó nhân dân đóng góp 214.888 triệu đồng.

5. Chính sách huy động vốn:

- Vốn vay ưu đãi để thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương chiếm 30% trong tổng vốn vay ưu đãi của tỉnh;

- Vốn theo Nghị quyết số 02/2014/NQ-HĐND ngày 25/4/2014 của HĐND tỉnh Quảng Trị về huy động các nguồn lực và quy định mức hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị đầu tư cho chương trình kiên cố hóa kênh mương chiếm 20%;

- Vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đầu tư cho Chương trình kiên cố hóa kênh mương chiếm 20%;

- Vốn ngân sách huyện, thành phố, thị xã (từ nguồn thu quỹ đất, vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung được Tỉnh giao và các nguồn vốn lồng ghép các chương trình đầu tư phát triển trên địa bàn, vốn 30a, 135…) đầu tư cho chương trình kiên cố hóa kênh mương từ 2% đến 3%;

- Chính sách huy động vốn đầu tư cho kênh loại III:

+ Đối với khu vực đồng bằng: Ngân sách tỉnh và vốn vay ưu đãi hỗ trợ 50%; nhân dân đóng góp 50%;

+ Đối với khu vực miền núi (huyện Hướng Hóa, huyện Đakrông): Ngân sách tỉnh và vốn vay ưu đãi đầu tư 80%; nhân dân đóng góp 20%;

+ Các xã đặc biệt khó khăn: Vốn ngân sách nhà nước và vốn vay ưu đãi đầu tư 95%; nhân dân đóng góp 5%.

6. Thời gian thực hiện: Thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020 định hướng đến năm 2025.

Điều 2. Giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên của mặt trận và các tổ chức xã hội khác giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khóa VII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 14/12/2016 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hùng

 

 





Nghị quyết 02/2014/NQ-HĐND về hỗ trợ đầu tư Ban hành: 11/07/2014 | Cập nhật: 05/08/2014