Quyết định 2537/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020
Số hiệu: | 2537/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bình Phước | Người ký: | Trần Ngọc Trai |
Ngày ban hành: | 12/11/2015 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2537/QĐ-UBND |
Bình Phước, ngày 12 tháng 11 năm 2015 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định số 1384/QĐ-BNN ngày 18/6/2013 của Bộ NN&PTNT ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Chỉ thị số 2039/CT-BNN-KH ngày 20/6/2013 của Bộ NN&PTNT về triển khai Đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Xét đề nghị của: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 86/TTr-SNN ngày 29/6/2015, Công văn số 1463/SNV-VP ngày 7/9/2015 của Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020.
Điều 2. Các ông (bà): Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở: NN&PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Phước; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 2537/QĐ-UBND ngày 12/11/2015 của UBND tỉnh)
- Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
- Quyết định số 1384/QĐ-BNN ngày 18/6/2013 của Bộ NN&PTNT về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
- Chỉ thị số 2039/CT-BNN-KH ngày 20/6/2013 của Bộ NN&PTNT về triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
- Quyết định số 2313/QĐ-UBND ngày 28/10/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh giai đoạn 2013 - 2020;
Chương trình hành động số 33/CTr-UBND ngày 12/02/2015 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/1/2015 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.
- Thực hiện Tái cơ cấu ngành NN&PTNT gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chú trọng phát triển các thế mạnh nông nghiệp mũi nhọn của tỉnh (cây công nghiệp xuất khẩu, chăn nuôi gia súc, đại gia súc, gia cầm) theo đúng định hướng, chỉ đạo tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1384/QĐ-BNN ngày 18/6/2013 của Bộ NN&PTNT và Quyết định 2313/QĐ-UBND ngày 28/10/2014 của UBND tỉnh.
- Định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh; Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi tạo thế cân bằng về tỷ trọng giữa trồng trọt và chăn nuôi.
- Nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân nông thôn góp phần bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường.
1. Định hướng chung
a. Phát triển kinh tế: Phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, bền vững trên mọi phương diện; Tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp vừa đảm bảo sự hài hòa với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gồm:
- Nâng cao giá trị cạnh tranh của mặt hàng nông sản, trên cơ sở nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và an toàn vệ sinh thực phẩm bằng phương pháp điều chỉnh cơ cấu, tổ chức cũng như nâng cao trình độ, công nghệ sản xuất tiến bộ.
- Tận dụng tiềm năng và cơ hội để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng hàng nông sản, đồng thời giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
- Thay đổi tích cực góp phần xây dựng nông nghiệp tiên tiến, tạo nền tảng xây dựng một nền công nghiệp hiện đại trong tương lai.
- Phát huy tiềm năng và lợi thế của ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Phước, thực hiện Tái cơ cấu toàn ngành theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 25/01/2014 của UBND tỉnh về việc xây dựng Chương trình hành động Tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh giai đoạn 2013 - 2020 và Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 06/12/2013 của Tỉnh ủy về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013 - 2020.
b. Phát triển xã hội
- Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vừa đảm bảo theo cơ chế thị trường vừa đảm bảo các mục tiêu về phúc lợi xã hội cho người dân.
- Thực hiện có hiệu quả, kịp thời chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh và đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn giúp người dân có điều kiện tổ chức sản xuất và ổn định việc làm nhằm cải thiện, tăng nhanh thu nhập cho người dân, đặc biệt là nhóm người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn.
c. Bảo vệ môi trường
- Tăng cường các hoạt động quản lý, tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên (đất, nước, rừng...); giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường do việc khai thác thường xuyên các nguồn lực cho sản xuất nông lâm thủy sản. Quản lý và sử dụng hiệu quả, an toàn các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, chất thải chăn nuôi, trồng trọt, công nghiệp chế biến, làng nghề; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học.
- Khuyến khích mở rộng diện tích áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp như: VietGap, HACCP, ISO...
d. Thu hút đầu tư
- Cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các chính sách thu hút, huy động vốn đầu tư từ tổ chức, cá nhân, trong và ngoài nước, chung tay xây dựng phát triển nông nghiệp, Tái cơ cấu kết hợp xây dựng nông thôn mới.
- Chú trọng thu hút các dự án phát triển vùng nguyên liệu cây công nghiệp bền vững cho phát triển xuất khẩu; các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng nông thôn mới vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; các dự án hỗ trợ về chăn nuôi, phát huy lợi thế của vùng để xây dựng ngành chăn nuôi phát triển tương xứng so với tiềm năng của tỉnh.
2. Định hướng cụ thể: Tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ. Các địa phương, huyện, thị, xã, phường chủ động rà soát, xác định lợi thế, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của từng địa phương để có định hướng chỉ đạo phát triển phù hợp, phát huy hiệu quả của chính sách phát triển nông nghiệp tại địa phương; xây dựng các chương trình, đề án, dự án cụ thể về phát triển sản xuất để chỉ đạo triển khai thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, cụ thể:
- Gắn phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường để bảo đảm phát triển bền vững.
- Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; nâng cao vai trò, năng lực của các tổ hợp tác kinh tế, hiệp hội, câu lạc bộ về nông nghiệp... để giải quyết lao động địa phương, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội.
- Nâng cao hiệu quả sử dụng đất và đảm bảo tính hợp lý về bảo vệ môi trường, phát triển hình thức canh tác đa canh, nhằm xây dựng phương pháp kết hợp canh tác nông nghiệp một cách phù hợp giảm thiểu rủi ro trong các khâu sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản.
- Nâng cao chất lượng rừng bảo đảm chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học. Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất rừng sản xuất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
- Củng cố các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi, thủy điện và cấp nước sinh hoạt cho nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đổi mới cơ chế vận hành, nâng cao chất lượng dịch vụ hệ thống công trình; chống xuống cấp, bền vững về kỹ thuật và tài chính trong vận hành công trình.
- Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng, gắn liền quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ, xác định đúng khâu trọng yếu, đề ra các giải pháp đột phá nhằm phát triển nhanh và bền vững.
- Phát triển nông nghiệp trên cơ sở thâm canh, tăng sản lượng và chất lượng, giảm chi phí, đạt hiệu quả cao và sử dụng tài nguyên hợp lý. Phát triển toàn diện, đa canh cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tập trung khai thác các lợi thế, hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng - vật nuôi chiến lược, trong đó: Mũi nhọn là cây công nghiệp dài ngày, trái cây; chăn nuôi gia súc, gia cầm, đại gia súc;
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng của toàn ngành nông lâm nghiệp trong giai đoạn từ nay đến 2020 đạt bình quân trên 6% năm. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 6,0%, giai đoạn 2020 - 2025 khoảng 4 - 4,5%; GDP ngành nông lâm ngư nghiệp năm 2020 chiếm 29,0 - 30,0% và năm 2025 chiếm 25,0% trong cơ cấu GDP của tỉnh; phấn đấu đưa tỷ lệ ngành chăn nuôi trong cơ cấu nội bộ ngành lên 15% vào năm 2020 và 27% vào năm 2025; tỷ lệ che phủ rừng tự nhiên đến năm 2020 là 23% (kể cả cây đa mục đích là 65%).
- Đến năm 2020 đưa tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt hơn 50%. Lao động nông nghiệp còn khoảng dưới 50% lao động xã hội.
- Số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới: Năm 2015 đạt 03 số xã (xã Tân Lập - huyện Đồng Phú, xã Tiến Hưng - TX Đồng Xoài, xã Minh Thành - huyện Chơn Thành), năm 2020 đạt 50 % số xã, trên 80% số xã vào năm 2025.
- Năm 2020 có 95% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Phấn đấu đến 2025 có 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và đảm bảo 100% các trường học, bệnh viện, trạm xá và các công trình công cộng khác đều được sử dụng nước sinh hoạt đạt QC02 của Bộ Y tế.
- Ngăn chặn, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước nâng cao chất lượng môi trường nông thôn.
1. Tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt gắn với xây dựng Nông thôn mới
1.1. Cây lâu năm
a. Cây cao su
* Diện tích, năng suất
Đến 2020: Tổng diện tích khoảng 250.000 ha, trong đó: đất trong lâm phần 63.000 ha, năng suất 2.2 tấn/ha và ngoài lâm phần 187.000 ha, năng suất 2,5 tấn/ha.
* Cơ cấu giống, các biện pháp khoa học kỹ thuật
- Về giống: Sử dụng các giống có năng suất mủ cao, đa mục đích, phát triển theo hướng mủ-gỗ theo khuyến cáo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Sử dụng các giống như PB260, PB235, PB255, RRIV1, RRIV5, RRVI124, các giống LH... LH 90/952 ...
- Về khoa học kỹ thuật:
+ Đối với diện tích trồng cao su hiện có của các Công ty Cao su do Nhà nước quản lý, các Công ty Cổ phần đóng trên địa bàn
▪ Ổn định phát triển trên diện tích hiện có, áp dụng triệt để quy trình sản xuất và sơ chế biến sản phẩm do Tập đoàn Công nghiệp Cao su ban hành để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tăng giá trị hàng hóa.
▪ Đầu tư phát triển mở rộng các cơ sở, nâng cấp, hoàn chỉnh thiết bị, đồng bộ hóa dây chuyền. Tuân thủ quy trình kỹ thuật và quản lý, thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm cao su xuất khẩu.
+ Đối với cao su tiểu điền
▪ Trên diện tích không thích nghi cao su từng bước chuyển đổi trên cơ sở quy hoạch cụ thể từng vùng trồng cao su, định hướng phát triển về sản xuất, sơ chế biến đối với từng khu vực cho phù hợp;
▪ Từng bước đưa các hộ dân trồng cao su nhỏ lẻ vào Hợp tác xã, Hội cao su tiểu điền để quản lý chặt chẽ;
▪ Tổ chức tập huấn hướng dẫn sản xuất, khai thác và chế biến sản phẩm theo quy trình do Tập đoàn Công nghiệp Cao su ban hành; hướng đến năm 2020 đưa toàn bộ các hộ sản xuất cao su tiểu điền vào hệ thống quản lý chung của Ngành cao su.
b. Cây điều
* Diện tích, năng suất
Đến năm 2020: diện tích 181.000 ha (ngoài lâm phần 137.700 ha, trong lâm phần 43.800 ha), năng suất 2,2 tấn/ha.
* Cơ cấu giống, các biện pháp khoa học kỹ thuật
- Về giống: Tập trung chọn tạo các giống địa phương, phát triển các giống điều đã được Bộ NN&PTNT công nhận cho kết quả tốt tại địa phương như PN1, LG1, CH1, MH4/5 và MH5/4 và các giống chọn lọc của địa phương thích hợp với biến đổi khí hậu.
Tập trung sử dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, trong đó: tăng cường cải tạo vườn điều; sử dụng phân bón, thuốc BVTV đủ và đúng; tăng cường sử dụng giống mới, giống địa phương được chọn lọc. Đưa các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào trồng xen dưới tán điều để nâng cao hiệu quả kinh tế (trong đó tập trung là cây ca cao, gừng, sắn dây...), phát triển chăn nuôi dưới tán ở những diện tích thích hợp.
- Về khoa học kỹ thuật: Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cần đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật hướng dẫn người trồng điều áp dụng theo quy trình kỹ thuật. Tùy theo từng giai đoạn, từng thời kỳ để có hướng dẫn cụ thể theo quy trình đã ban hành. (Quy trình kỹ thuật thời kỳ kiến thiết cơ bản, quy trình kỹ thuật chăm sóc vườn Điều thời kỳ kinh doanh).
* Công tác khuyến nông: Xây dựng mô hình thâm canh và cải tạo vườn Điều; tổ chức tham quan học tập; tổ chức hội thảo đầu bờ.
* Tổ chức sản xuất: Duy trì 03 hình thức phát triển sản xuất cây điều hiện nay gồm: Kinh tế nông hộ, kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại.
- Xây dựng mô hình sản xuất điều theo quy trình VietGAP: triển khai từ khi bắt đầu trồng mới và sẽ có sự kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thu mua chế biến tạo mô hình khép kín.
- Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, từng bước nâng cao giá trị của chuỗi xây dựng và phát triển việc liên kết, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, gắn vùng nguyên liệu với chế biến tiêu thụ, đảm bảo an toàn thực phẩm.
c. Cây hồ tiêu
* Diện tích, năng suất
Sản phẩm hồ tiêu hiện đang nằm trong những sản phẩm cho giá trị cao, mang tính chiến lược. Đến năm 2020 phát triển diện tích 14.500 ha, năng suất 3,2 tấn/ha, bố trí hợp lý ở những vùng có điều kiện thuận lợi, áp dụng biện pháp canh tác theo hướng VietGAP, tập trung phòng trừ sâu bệnh.
* Cơ cấu giống, các biện pháp khoa học kỹ thuật
- Về giống: Sử dụng giống có chất lượng cao, ít sâu bệnh, có khả năng chống chịu với sâu bệnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu.
- Về khoa học kỹ thuật: Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch hồ tiêu (10 TCN 915:2006), áp dụng theo nguyên tắc phòng bệnh là chính, trị bệnh kịp thời, trên cơ sở quản lý dịch hại tổng hợp lấy biện pháp canh tác làm trung tâm.
Nâng cao chất lượng hạt tiêu đa dạng hóa sản phẩm và phát triển sản xuất hồ tiêu theo VietGAP. Tiếp tục mở rộng chuỗi giá trị trong sản xuất tiêu bền vững trong phạm vi toàn tỉnh.
d. Cây Cà phê
* Diện tích, năng suất
Đến năm 2020, giữ ổn định diện tích khoảng 16.500 ha, năng suất 4,1 tấn/ha, trồng ở những vùng có điều kiện thuận lợi, áp dụng các biện pháp thâm canh, tái canh. Bố trí một phần diện tích để trồng xen dưới tán cây điều.
* Cơ cấu giống, các biện pháp khoa học kỹ thuật
- Về giống: Sử dụng giống Cà phê ghép cho năng suất, chất lượng cao hơn so với hiện tại. Tập trung sử dụng các giống cà phê vối phù hợp với vùng Đông Nam Bộ như TR4- TR9, TR11, TR12, TR13, ngoài ra có thể sử dụng các giống hạt lai có năng suất, chất lượng tốt khác.
- Về khoa học kỹ thuật: Thực hiện tốt quy trình kỹ thuật tác canh cà phê tại Quyết định số 273/QĐ-TT-CCN ngày 03/7/2013 của Cục Trồng trọt. Đối với Cà phê đang kinh doanh, tập trung đầu tư phát triển thâm canh bền vững.
e. Cây Ca cao
* Diện tích, năng suất:
Đến năm 2020, diện tích Ca cao khoảng 20.000 ha, năng suất 1,5 tấn/ha.
* Cơ cấu giống, các biện pháp khoa học kỹ thuật
- Về giống: Sử dụng các giống được đánh giá thích hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, hạn chế sâu bệnh, năng suất và hiệu quả cao như: TĐ1, TĐ3, TĐ5, TĐ7, TĐ8 ...
- Về khoa học kỹ thuật: Áp dụng tốt quy trình thâm canh, quy trình sơ chế hạt và tiêu chuẩn hạt Ca cao thương phẩm, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
f. Cây ăn quả:
* Diện tích, năng suất:
Đến năm 2020, đưa diện tích lên khoảng 13.300 ha. Tập trung vào thâm canh diện tích các cây ăn quả có triển vọng của tỉnh như: Nhãn, Xoài, Sầu riêng, cây có múi.
* Cơ cấu giống, các biện pháp khoa học kỹ thuật:
- Về giống: Sử dụng các giống cây ăn trái có chất lượng cao, như: Sầu riêng RI6, Sầu riêng thái Xoài: Xoài cát, Xoài tứ quý, Xoài xanh....; Nhãn: Nhãn xuồng cơm vàng. Các giống cây có múi ưu tiên phát triển: Quýt đường, Cam sành.
- Về khoa học kỹ thuật: Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường công tác khuyến nông cho cây ăn trái, xây dựng mô hình thâm canh, tập huấn về giống, kỹ thuật trồng mới, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và bảo quản, tổ chức thăm quan mô hình, hội thảo đầu bờ.
* Tổ chức sản xuất: Thành lập các Câu lạc bộ, Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh Nhãn, cây có múi.
1.2. Cây hàng năm
* Diện tích, năng suất
a. Cây Lúa: Lúa là cây trồng không phải là thế mạnh, tuy nhiên để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực (ANLT), đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ, nhất là vùng đồng bào dân tộc, do đó duy trì diện tích lúa đang có và nghiên cứu tăng năng suất: Đến năm 2020 diện tích lúa là 9.400 ha, năng suất 3,65 tấn/ha.
b. Cây Khoai mỳ: Là loại cây được trồng xen dưới tán các cây trồng khác nên xu hướng giảm diện tích là tất yếu. Đến năm 2020, diện tích Khoai mỳ giữ mức 10.000 ha, chủ yếu trồng xen.
c. Cây rau, thực phẩm khác: Tập trung phát triển quy hoạch sản xuất các vùng rau tập trung, đảm bảo cơ bản nhu cầu rau của tỉnh, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến năm 2020 diện tích đạt 4.934 ha, năng suất 10 tấn/ha.
* Cơ cấu giống, các biện pháp khoa học kỹ thuật
- Về giống: Lựa chọn bộ giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, những giống có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu cao.
- Về khoa học kỹ thuật:
+ Từng bước áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt vào trong sản xuất (VietGAP) trên một số cây trồng chủ lực để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng giá trị gia tăng.
+ Mở rộng liên kết với các cơ quan khoa học, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
+ Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất: Hỗ trợ đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao trên một số lĩnh vực, mô hình sản xuất rau an toàn
+ Cơ giới hóa: Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất trồng trọt nhằm giảm giá thành, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa tăng hiệu quả sản xuất và đặc biệt giảm nhẹ sức lao động và thay thế lao động trong bối cảnh lao động nông nghiệp đang có xu thế chuyển sang công nghiệp và dịch vụ.
2. Tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi gắn với xây dựng Nông thôn mới
2.1. Phương thức sản xuất chăn nuôi
a. Chăn nuôi tập trung
- Tăng tỷ trọng sản xuất chăn nuôi Heo, Gà theo hướng tập trung, trang trại, gia trại theo quy hoạch chăn nuôi tập trung đã được UBND tỉnh phê duyệt:
+ Tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, tăng giá trị gia tăng.
+ Tăng tỷ trọng giá trị sản xuất (GTSX) chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp,
- Đến năm 2020: đối với gia cầm chiếm trên 88% tổng đàn, đối với đàn gia súc chiếm trên 70% tổng đàn.
b. Chăn nuôi nông hộ
- Từng bước tổ chức lại theo hướng chuyên nghiệp có kiểm soát, bảo đảm an toàn sinh học và bền vững, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp thực phẩm cho tiêu dùng tại chỗ và nội địa, tạo cơ hội sinh kế cho hộ nông dân, tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi.
- Chuyển dịch tỷ trọng về đầu con và sản lượng Heo, Gà từ hình thức chăn nuôi nông hộ sang hình thức chăn nuôi trang trại, đưa tỷ trọng chăn nuôi chiếm khoảng 15% vào năm 2020 trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
- Đến năm 2020, số lượng đàn Heo đạt 725.000 con, sản lượng thịt đạt 115.000 tấn; gia cầm đạt 9.000, nghìn con, sản lượng thịt đạt 61.000 tấn, sản lượng trứng đạt 3,8 triệu quả.
- Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với phát triển nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ chăn nuôi chuyển nhanh từ chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, quy mô nhỏ thành các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô vừa và lớn theo hướng bán công nghiệp, công nghiệp và gắn kết chặt chẽ, đồng bộ từ khâu sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ, đồng thời phải chú trọng về giống, thức ăn, thú y, quy trình nuôi dưỡng, để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
2.2. Vùng chăn nuôi
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chăn nuôi theo Quyết định số 01/2008/QĐ-UBND ngày 21/01/2008; Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND ngày 15/02/2008 của UBND tỉnh phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng phát triển tập trung bền vững.
- Đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Từng bước hình thành vùng chăn nuôi xa khu dân cư, kết hợp chăn nuôi với trồng cây đa mục đích.
2.3. Vật nuôi
- Chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng phát triển mạnh đàn heo và gà; duy trì ổn định đàn trâu bò.
- Áp dụng công nghệ tiên tiến, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành chăn nuôi heo, gà theo hướng gắn sản xuất với thị trường, nâng cao hiệu quả, khả năng kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty chăn nuôi trong, ngoài nước đầu tư xây dựng, phát triển các trang trại chăn nuôi heo, gà giống, thịt để cung cấp nguồn giống chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, sạch bệnh cho địa phương và hướng đến chăn nuôi theo VietGAP.
2.4. Đổi mới hệ thống chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm
- Phát triển các hệ thống chăn nuôi thích hợp cho gia súc gia cầm trong các điều kiện chăn nuôi: hệ thống chuồng lạnh, chuồng hở, chăn nuôi trên đệm sinh học.
- Hoạt động giết mổ thực hiện theo đúng quy trình, 100% thịt gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường có kiểm soát của ngành thú y. Từng bước hoàn thiện hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm theo đúng quy hoạch, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Thực hiện di dời các cơ sở giết mổ nằm ngoài quy hoạch, gần khu dân cư, ô nhiễm môi trường không đạt điều kiện vệ sinh thú y, ô nhiễm môi trường về vùng quy hoạch.
2.5. Đổi mới hệ thống kinh doanh động vật, sản phẩm động vật
Quy hoạch lại khu vực kinh doanh tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là buôn bán gia cầm sống. Đảm bảo nơi kinh doanh động vật, sản phẩm động vật đạt điều kiện vệ sinh thú y, môi trường và quản lý được các dịch bệnh nguy hiểm như dịch tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm...
2.6. Nâng cao năng lực thú y
- Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thú y giám sát dịch bệnh từ tỉnh, huyện, xã, thôn ấp: Bảo đảm về điều kiện về nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh trong thú y, trang bị dụng cụ, thiết bị thú y cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các nhiệm vụ thực tiễn đặt ra.
- Tăng cường công tác Kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật. Bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng từ khâu đầu vào sản xuất tới sản phẩm từ chăn nuôi ra thị trường được kiểm soát về thú y. Kiểm soát việc quản lý, sử dụng thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật và hóa chất dùng trong chăn nuôi - thú y nhằm kiểm soát từ đầu về mầm mống dịch bệnh, dư lượng thuốc, hóa chất đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quy định.
3. Tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới
3.1. Loại hình, đối tượng nuôi trồng
- Loại hình nuôi ao: Phân bố ở các vùng hạ lưu hồ chứa nơi có hệ thống thủy lợi nội đồng, vùng bán ngập của khu vực giáp lòng hồ chứa và các vùng ruộng trũng.
- Loại hình nuôi mặt nước lớn: Phát triển trên các hồ chứa và đập dâng thủy lợi vừa và nhỏ nơi có điều kiện quản lý bảo vệ tốt, đặc biệt là các xã An Khương, Thanh Bình - huyện Hớn Quản; xã Lộc Hưng - huyện Lộc Ninh.
- Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên các hồ chứa thủy điện, thủy lợi và trên dòng Sông Bé ở hai bên cầu Nha Bích.
- Ứng dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo hướng VietGAP và thúc đẩy hình thành liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Ứng dụng các biện pháp phòng trị bệnh thủy sản để phòng trừ dịch bệnh.
- Duy trì nuôi các loài phổ biến trên địa bàn tỉnh như: Rô phi, Trắm cỏ, Chép, Mè vinh, Mè trắng, Mè hoa... theo hướng nuôi an toàn và nâng cao năng suất sản lượng.
3.2. Khai thác thủy sản
a. Phân vùng thủy vực khai thác
Ngoài những hồ chứa quy hoạch nuôi mặt nước lớn thì những hồ chứa còn lại sẽ được quy hoạch khai thác thủy sản. Các thủy vực khai thác thủy sản (ngư trường khai thác) được phân chia thành 3 vùng: (1) Vùng sông suối; (2) Vùng bàu trũng tự nhiên; (3) Vùng hồ chứa nước.
Những hồ chứa có khả năng quản lý, bảo vệ tốt sẽ quy hoạch nuôi thủy sản, những hồ đập thủy lợi còn lại và công trình có mục đích cung cấp nước sinh hoạt sẽ quy hoạch khai thác thủy sản.
b. Hình thức khai thác thủy sản
- Khuyến khích việc sử dụng tàu thuyền nhỏ dưới 10 CV trong khai thác để nâng cao khả năng an toàn và hạn chế tác động đến môi trường thủy vực.
- Chuyển đổi các hình thức khai thác trực tiếp sang sử dụng các phương tiện tàu thuyền cơ giới, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, từng bước chuyển nghề khai thác từ tự cấp tự túc sang khai thác chuyên nghiệp có thu nhập cao.
c. Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định điều kiện khai thác thủy sản theo Quyết định số 64/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh trong việc tuân thủ quy định về kích thước mắt lưới, kích thước tối thiểu của các loài thủy sản được phép khai thác, các đối tượng thủy sản được khai thác có thời hạn trong năm và các quy định khác tại Quyết định 30/2008/QĐ-UBND ngày 8/7/2008 của UBND tỉnh.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 02/2014/CT-UBND ngày 16/01/2014 của UBND tỉnh về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất độc để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh.
- Phát triển nguồn lợi thủy sản: xây dựng khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Mơ và các bãi đẻ trên hồ chứa để hình thành các khu vực cấm khai thác.
- Duy trì và phát huy hiệu quả của các mô hình đồng quản lý.
3.3. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ thủy sản
a. Cơ sở hạ tầng
- Xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá làm công cụ hỗ trợ cho các hoạt động nghề, chuyển dần nghề cá từ tự cấp tự túc sang ngành sản xuất hàng hóa. Đầu tư ứng dụng các công nghệ bảo quản tiên tiến, phù hợp với tình hình của địa phương. Đầu tư trang bị bảo quản sản phẩm: Máy sục khí để bảo quản sống ....
- Tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông và cảng cá nhỏ cho các lòng hồ lớn như Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng và Phước Hòa.
- Xây dựng hệ thống thương mại nghề cá: Chợ đầu mối, các chợ vệ tinh đến đơn vị xã tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm thủy sản.
b. Dịch vụ thủy sản
* Về giống:
- Cung cấp con giống thủy sản đạt chất lượng và chuyển giao công nghệ kỹ thuật cho các trại giống nhỏ khác trên địa bàn tỉnh.
- Sản xuất giống nuôi chủ lực, các loài cá bản địa có giá trị kinh tế trên địa bàn tỉnh để cung cấp nguồn giống có chất lượng cho nhu cầu trong tỉnh và các địa phương lân cận.
- Xây dựng các vùng ươm giống vệ tinh, hỗ trợ các cơ sở ươm nuôi giống hiện tại thành trại sản xuất giống đạt chất lượng, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các địa phương lân cận.
* Về thức ăn, thuốc hóa chất
- Thức ăn xanh: Ngoài rau cỏ tự nhiên, tận dụng bờ ao để trồng cỏ.
- Kêu gọi đầu tư và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà máy sản xuất thức ăn công nghiệp trên địa bàn theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trước mắt, tổ chức tốt các cơ sở cung ứng thức ăn công nghiệp (thức ăn viên) thủy sản nhập từ các nhà máy ở các tỉnh khác.
* Về công tác thú y trong thủy sản
Tăng cường công tác tập huấn nuôi thủy sản theo hướng an toàn, sử dụng bộ máy các câu lạc bộ khuyến ngư, thủy sản; các tổ khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các hồ chứa thường xuyên cập nhật, theo dõi và phát hiện kịp thời các dịch bệnh trong lĩnh vực thủy sản.
4. Tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới
4.1. Cơ cấu loại rừng
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2020 là 173.094 ha, trong đó: 31.282 ha rừng đặc dụng; 44.257ha rừng phòng hộ (rừng phòng hộ đầu nguồn 36.279ha; rừng phòng hộ biên giới 7.978 ha) và 97.556 ha rừng sản xuất.
4.2. Phát triển, nâng cao chất lượng rừng
a. Rừng tự nhiên:
Bảo vệ nghiêm ngặt để nâng cao trữ lượng rừng tự nhiên lên 25% so với hiện nay, đạt tăng trưởng bình quân từ 4-5m3/ha. Mỗi năm giao khoán bảo vệ rừng khoảng trên 43.000 ha rừng đặc dụng và phòng hộ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
b. Rừng trồng:
- Trồng mới, trồng lại rừng bằng cây nguyên liệu gỗ: 6.004ha. Trồng cây đa mục đích (Cao su) 14.486ha và trồng cây phân tán 100.000cây/năm.
- Nâng cao chất lượng rừng để đạt sản lượng gỗ thương phẩm bằng 80% trữ lượng. Nâng cao năng suất rừng đạt bình quân 20 m3/ha/năm. Đến năm 2020 diện tích rừng trồng sản xuất đạt 4.373 ha. Mỗi năm khai thác và trồng lại 673 ha với trữ lượng bình quân khoảng 140 m3; diện tích rừng trồng phòng hộ đầu nguồn đạt 1.248 ha, rừng trồng đặc dụng đạt 383 ha bảo đảm chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái.
- Tăng diện tích rừng trồng cây đa mục đích (Cao su) trên đất rừng sản xuất lên 13.199ha. Cải thiện sinh kế của người làm nghề rừng thông qua xã hội hóa và đa dạng hóa các hoạt động lâm nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 30.000 - 35.000 lao động trong lâm nghiệp.
- Hoàn thành giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
c. Đất không có rừng
Sử dụng đất không có rừng để trồng cây dài ngày, đất bị lấn chiếm thực hiện cho thuê đất theo chu kỳ cây nhằm quản lý được diện tích bị lấn chiếm, đối tượng lấn chiếm, có hồ sơ pháp lý để thực hiện thu hồi đất sau này, tăng ngân sách từ nguồn thu cho thuê đất, mặt khác người dân lấn chiếm an tâm, tập trung vào sản xuất, năng cao hiệu quả, năng suất vườn cây góp phần ổn định đời sống và an ninh trật tự.
4.3. Phát triển công nghiệp chế biến gỗ
- Tập trung nguồn lực, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản; gắn việc phát triển vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến lâm sản; thực hiện tốt sự liên kết giữa người dân tham gia phát triển vùng nguyên liệu với các nhà máy chế biến.
- Sản lượng gỗ khai thác phục vụ nguồn nguyên liệu chế biến 50.000 m3/năm, ngoài ra, khai thác một lượng đáng kể gỗ cây Cao su. Đến năm 2020, đáp ứng về cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến lâm sản, bột giấy, xuất khẩu, xuất ngoài tỉnh và tiêu dùng nội tỉnh.
- Nâng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu chế biến gỗ khai thác trên đất lâm nghiệp đạt 80% để sản xuất ra hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu, còn lại từ 20% - 30% nguyên liệu được sử dụng tại chỗ đáp ứng nhu cầu của nhân dân vùng nông thôn.
4.4. Các tổ chức quản lý rừng
- Điều chỉnh cơ cấu các loại hình tổ chức quản lý rừng theo hướng: các tổ chức của nhà nước trực tiếp quản lý khoảng 60% tổng diện tích đất lâm nghiệp, bao gồm toàn bộ diện tích đất rừng phòng hộ và đặc dụng, 20% diện tích đất rừng sản xuất.
- Rà soát sắp xếp các ban quản lý rừng trên cơ sở rà soát quy hoạch rừng theo hướng giữ nguyên các ban quản lý rừng đặc dụng; sắp xếp chỉ còn 01 ban quản lý đối với rừng phòng hộ ở huyện Bù Đăng.
4.5. Huy động và sử dụng nguồn vốn
Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Thu hút các tổ chức khác đầu tư lĩnh vực lâm nghiệp. Ngân sách đầu tư cho việc bảo vệ và trồng rừng phòng hộ, đặc dụng. Tăng cường phát triển nguồn thu từ phí chi trả dịch vụ môi trường rừng.
4.6. Phát triển kinh tế tư nhân
Phát huy vai trò của trang trại, gia trại lâm nghiệp; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại và gia trại;
5. Tái cơ cấu lĩnh vực thủy lợi gắn với xây dựng nông thôn mới
5.1. Phát triển thủy lợi nước sinh hoạt nông thôn
- Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 06/12/2013 của Tỉnh ủy về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013 - 2020; thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 02/8/2011 về Chương trình đột phá đầu tư kết cấu hạ tầng; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, đẩy mạnh tái cơ cấu phát triển thủy lợi nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, sinh hoạt và công nghiệp; đồng thời, tập trung ưu tiên cho những xã nông thôn mới để hoàn thành kế hoạch đề ra.
- Đầu tư xây dựng các công trình ở những khu vực có điều kiện làm công trình và nhu cầu về nước nhất là vào mùa khô hạn; ưu tiên cho những xã Nông thôn mới nhằm đáp ứng yêu cầu nước phục vụ dân sinh. Đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả công trình; nâng cấp và kiên cố hóa kênh mương nhất là những khu vực có nhiều kênh mương nội đồng để nâng cao hiệu quả phục vụ công trình và gắn với xây dựng Nông thôn mới.
- Đến năm 2020 đảm bảo tưới cho 74.468,68 ha; tiêu nước cho 8.299,33 ha; tạo nguồn cấp nước: 83.635 m3/ng.đ; tạo mặt thoáng nuôi trồng thủy sản khoảng 2.550 ha. Đầu tư phát triển thủy lợi phù hợp với điều kiện và khả năng nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu dùng nước của các ngành và góp phần hoàn thành số xã đạt tiêu chí về Nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.
- Đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung cho các xã có dân cư sống tập trung, những nơi có nguồn nước ngầm tầng nông bị ô nhiễm do mật độ dân cư đông đúc, các khu vực khó khăn về nước sinh hoạt; đầu tư nâng cấp, mở rộng, nối mạng và sửa chữa một số công trình cấp nước tập trung để bảo đảm chất lượng nước sạch cho người dân. Hỗ trợ kinh phí để cải tạo, nâng cấp giếng đào và hỗ trợ các thiết bị lọc nước hộ gia đình, nhóm hộ để nâng cao chất lượng nước đạt quy chuẩn 02 của Bộ Y tế nhằm đảm bảo tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và tỷ lệ hộ dân sử dụng nước đạt quy chuẩn theo tiêu chí xã nông thôn mới.
5.2. Nâng cao hiệu quả hệ thống thủy lợi nội đồng:
- Phát triển đồng bộ hệ thống kênh mương sau công trình đầu mối và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nội đồng để nâng cao năng suất, hiệu quả công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới.
- Đối với khu vực trồng lúa: nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng thủy lợi, gắn với xây dựng đường giao thông nội đồng để nâng cao hiệu quả sản xuất, canh tác. Khu vực đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc canh tác kết hợp, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng, để có thể áp dụng các phương thức canh tác tiên tiến phù hợp. Áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nhằm nâng cao hiệu quả tưới.
- Đối với các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, ca cao, cây ăn quả... áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro thiên tai.
- Áp dụng các phương thức canh tác tiên tiến; thúc đẩy cơ giới hóa, góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước và nâng cao thu nhập của người dân.
5.3. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi và nước sinh hoạt
a. Đối với Công ty TNHH MTV nhà nước quản lý, khai thác công trình thủy lợi:
- Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Từng bước chuyển đổi cơ chế hoạt động của công tác quản lý khai thác từ cơ chế giao kế hoạch sang cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu quản lý khai thác; khuyến khích mở rộng các hoạt động cung cấp các dịch vụ có thu, ưu tiên cung cấp nước sạch cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp; áp dụng quy trình quản lý tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh.
- Đầu tư các hạng mục công trình để nâng cao năng lực cung cấp các dịch vụ có thu như: cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các loại hình sản xuất nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; tăng nguồn thu, giảm bớt bao cấp từ ngân sách nhà nước, tạo động lực nâng cao hiệu quả quản lý khai thác tổng hợp công trình thủy lợi.
- Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi; nhất là nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý thủy nông ở các trạm, công trình ở các địa phương vùng sâu.
b. Đối với doanh nghiệp không chuyên quản lý công trình thủy lợi và Ủy ban xã quản lý: Tổ chức quản lý hiệu quả công trình để phục vụ nhu cầu dùng nước trong phạm vi công trình và đảm bảo an toàn công trình, nhất trong mùa mưa lũ.
c. Củng cố Tổ chức quản lý thủy nông cơ sở:
- Rà soát, củng cố tổ chức hợp tác xã quản lý thủy nông; đồng thời, tổ chức quản lý thủy nông cơ sở gắn với xây dựng Nông thôn mới.
- Căn cứ vào đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng xã và quy mô hệ thống công trình thủy lợi để đề xuất các mô hình tổ chức khác nhau như: Hợp tác xã làm dịch vụ nước, tổ hợp tác dùng nước,... Củng cố tổ chức, năng lực quản lý, khả năng tham gia cung cấp các dịch vụ khác nhau nhằm phát triển bền vững thủy nông cơ sở.
- Các tổ chức quản lý thủy nông cơ sở có mối liên hệ mật thiết với cán bộ vận hành công trình và trạm thủy nông các huyện, thị để nâng cao chất lượng phục vụ tưới cho người dân.
6. Nâng cao giá trị hàng hóa nông lâm thủy sản
6.1. Giảm giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng nguyên liệu
- Rà soát, xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến và thị trường.
- Thực hành sản xuất nông nghiệp có chứng chỉ, đưa tỷ lệ diện tích các vùng sản xuất nông sản hàng hóa được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và các chứng chỉ khác (4C, RainForest..) đạt tối thiểu 20% vào năm 2020.
- Tổ chức các hình thức kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, nhất là hình thành liên kết dọc giữa doanh nghiệp với nông dân. Triển khai Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, đầu tư xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu tập trung với các biện pháp đồng bộ về giống, kỹ thuật thâm canh, cơ sở hạ tầng, áp dụng cơ giới hóa, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt... để tăng năng suất, chất lượng và đảm bảo ATTP.
6.2. Giảm tổn thất sau thu hoạch
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ và Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp để đến 2020 giảm 50% lượng tổn thất sau thu hoạch so với năm 2010.
6.3. Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến, giảm dần các sản phẩm chế biến thô, tăng tỷ trọng các sản phẩm có GTGT cao
- Thay đổi hợp lý cơ cấu sản phẩm theo hướng ưu tiên phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hạn chế đến mức thấp nhất việc sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thô, cụ thể:
+ Thay đổi cơ cấu giống Điều, Hồ tiêu, Cà phê nhằm tăng năng suất và tỷ lệ chất lượng cao;
+ Nâng tỷ lệ cà phê được chế biến tinh (hòa tan, 3 trong 1, rang xay) phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.
+ Cơ cấu lại sản phẩm chế biến gỗ, hạn chế đến mức thấp nhất việc xuất khẩu dăm mảnh, tập trung đầu tư chế biến ván sợi ép MDF từ gỗ rừng trồng, gỗ vườn với quy mô phù hợp; cải thiện mẫu mã đồ gỗ xuất khẩu, hướng đến các đồ dùng nội thất.
- Cải tiến bao bì, mẫu mã, tăng giá trị thương phẩm của sản phẩm.
6.4. Tận dụng có hiệu quả các phế phụ phẩm
Áp dụng khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật tận dụng triệt để các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như: vỏ hạt điều, trái điều, vỏ cà phê, gỗ phế phẩm sau chế biến... để tạo ra các sản phẩm có giá trị và góp phần bảo vệ môi trường. Cùng với việc giảm tổn thất, việc tận dụng hiệu quả phế phụ phẩm sẽ góp phần đáng kể vào việc hạ giá thành sản phẩm chế biến, nâng cao giá trị gia tăng nông sản.
6.5. Tổ chức hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm.
- Xây dựng quy trình sản xuất chuẩn đối với từng loại sản phẩm, tổ chức thực hiện tốt quy trình để đảm bảo chất lượng, giảm tỷ lệ tiêu hao vật tư, nguyên liệu và quản lý tốt an toàn thực phẩm đối với sản phẩm.
- Trên cơ sở liên kết sản xuất, giảm thiểu đầu mối trung gian, tổ chức tốt việc kiểm tra, giám sát chuỗi sản xuất sản phẩm theo từng khâu.
- Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, SSOP, ISO... trong chế biến, nhằm kiểm soát tốt chất lượng và an toàn thực phẩm.
6.6. Phát triển thị trường tiêu thụ bền vững
- Nghiên cứu, phân tích nhu cầu của các thị trường truyền thống cũng như các thị trường khó tính, yêu cầu chất lượng cao như Nhật, Mỹ, EU để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị xuất khẩu hàng nông, lâm, sản.
- Phát triển thị trường tiềm năng, thị trường nhỏ nhằm tạo điều kiện tiêu thụ các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, trong đó đặc biệt lưu ý thị trường Trung Quốc vốn có sức thu hút lớn.
- Xây dựng và phát triển thương hiệu, kênh phân phối các sản phẩm nông lâm sản Bình Phước như: thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh, thương hiệu Điều Bình Phước...
7. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo nghề.
- Nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
- Tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao và phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất giống.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đổi mới chương trình, phương pháp dạy học đẩy mạnh hình thức đào tạo thực hành, thực tế, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất. Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề; chú trọng, ưu tiên đào tạo các nghề phục vụ trực tiếp các chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, các làng nghề, làng có nghề; các ngành, nghề chính, thiết thực theo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cơ sở (cấp xã). Lựa chọn đúng đối tượng học nghề, đủ điều kiện áp dụng kiến thức nghề sau khi học, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
- Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu các thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm hàng hóa cụ thể như: Sản phẩm cây công nghiệp chủ lực, hoa quả, hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ; tăng cường phối hợp, liên kết phát triển thị trường tiêu dùng nội địa, tập trung xâm nhập sâu vào thị trường lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận đối với các sản phẩm: Thịt gia súc, gia cầm, cây ăn quả đặc sản, cây công nghiệp...
- Tiếp tục hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản như: Hạt điều, Hạt tiêu, trái cây, thủy đặc sản (cá lăng, cá kèo...); hàng thủ công mỹ nghệ (đồ gỗ, mành, mây tre đan...)...
- Tăng cường công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản; khuyến khích nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, áp dụng triệt để các tiêu chuẩn VietGAP, ISO, HACCP...
- Rà soát, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành phần kinh tế, chú trọng phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại sản xuất hàng hóa theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp.
- Chú trọng phát triển các loại hình kinh tế hợp tác hoạt động sản xuất chuyên ngành gắn với cung ứng dịch vụ nông nghiệp tổng hợp theo chuỗi giá trị sản phẩm từ cung cấp dịch vụ đầu vào (làm đất, giống, vật tư nông nghiệp... đến chế biến và phát triển thị trường, hỗ trợ tín dụng nội bộ cho các thành viên). Tập trung hướng dẫn đổi mới các hình thức kinh tế hợp tác, đẩy mạnh hình thức liên kết tổ chức sản xuất theo vùng, ngành hàng giữa các hộ, nhóm hộ và doanh nghiệp; tăng cường sự liên kết, tham gia của các tổ chức (Hội Nông dân, Hiệp hội ngành hàng...).
- Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Hợp tác xã năm 2012. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền để giúp các hợp tác xã tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện để các hợp tác xã nông nghiệp tổ chức hoạt động có hiệu quả. Mỗi năm hướng dẫn thành lập mới, chuyển đổi hình thức hoạt động từ 6 - 10 hợp tác xã.
1. Tuyên truyền, phổ biến và quán triệt chủ trương, nội dung, yêu cầu của Kế hoạch hành động.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch hành động đến các cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở; thông qua các hình thức như: Tổ chức hội nghị; tuyên truyền, đưa tin trên các phương tiện thông tin, đại chúng ở các cấp: Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, huyện; Đài phát thanh xã phường, thị trấn nhằm thống nhất về quan điểm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch hành động từ tỉnh đến cơ sở.
2. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý nhà nước.
- Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo đủ năng lực quản lý ở các cấp, đặc biệt ở cấp xã; giải quyết nhanh, hiệu quả các thủ tục hành chính đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong các lĩnh vực; bố trí 01 biên chế công chức cấp xã quản lý về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý nhà nước ở các cấp. Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thú y, thú y thủy sản và bảo vệ thực vật đến cấp xã, thôn nhằm phục vụ tốt nhất về hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cho người nông dân trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
- Đổi mới, phát triển mạnh hệ thống dịch vụ công theo chuỗi giá trị sản phẩm (từ giống, thức ăn chăn nuôi, bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông, kiểm tra chất lượng nông sản, thị trường tiêu thụ..); chú trọng nâng cao năng lực hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập về giống vật nuôi, thủy sản.
- Tăng cường năng lực cho hệ thống kiểm tra, kiểm nghiệm, thanh tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (con người và trang thiết bị) đối với vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để kịp thời tổ chức phòng, chống, dập dịch, đảm bảo an toàn cho sản xuất.
- Tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; gắn với khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông sản chủ lực của tỉnh. Xây dựng thương hiệu nông sản, xuất xứ hàng hóa.
- Ban hành các chính sách đặc thù về nông nghiệp của tỉnh: Các chính sách về cây điều, cây tiêu, cây cacao, lĩnh vực chăn nuôi và lĩnh vực tiêu thụ chế biến.
- Nâng cao năng lực các cơ quan chuyên môn thuộc ngành: Rà soát và tăng cường nhân sự, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho các Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi Thú y, Chi cục Kiểm lâm, Lâm nghiệp, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản, Chi cục Thủy lợi & PCLB.
- Nâng cao năng lực cho các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở: Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực cho các Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Trung tâm Giống Nông lâm nghiệp, Trung tâm thủy sản, Trung tâm điều tra quy hoạch.
3. Về vốn
- Tăng cường hỗ trợ cho việc phát triển lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là các lĩnh vực mũi nhọn trong nông nghiệp và phát triển nông thôn từ ngân sách Trung ương và địa phương.
- Tận dụng mọi nguồn lực, thời cơ huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân (ngoài ngân sách nhà nước) trong và ngoài nước hỗ trợ, chung tay xây dựng Nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện và bền vững.
4. Giải pháp đầu ra cho các mặt hàng nông sản
- Xây dựng vùng nguyên liệu sạch cho các mặt hàng nông sản; bảo đảm đúng quy trình, tiêu chuẩn hợp quy hiện hành trong sản xuất từ đầu vào nguyên liệu đến thành phẩm, mặt hàng nông sản.
- Xây dựng thương hiệu cho mặt hàng nông sản, trước tiên xây dựng trên các mặt hàng nông sản chủ lực, từng bước hoàn thiện thương hiệu và xây dựng các mặt hàng nông sản khác.
- Xây dựng mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Đối tượng liên kết: Người dân sản xuất; Doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông sản, các mặt hàng từ nông sản; Nhà nước (Cấp Trung ương; cấp tỉnh; Cơ quan quản lý nhà nước về sản xuất nông nghiệp, về thương nghiệp trong nông nghiệp; Chính quyền địa phương).
- Khuyến cáo sản xuất nông sản theo quy luật cung - cầu, theo đơn hàng; sản xuất chọn lọc và tuân thủ quy trình kỹ thuật, chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu an toàn nông sản phẩm theo quy chuẩn quốc tế, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường.
- Đối với từng mặt hàng (ngành hàng nông sản, như: Ngành điều, Ngành Cao su, Ngành tiêu,...) tiến hành xây dựng và thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu chi tiết, trong đó chú trọng xây dựng giải pháp cụ thể cho đầu ra của sản phẩm ngành hàng nông sản của mình.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, đề án, dự án cụ thể theo kế hoạch hành động đã đề ra.
- Tuyên truyền, quán triệt, phổ biến chủ trương, nội dung Tái cơ cấu ngành đến các địa phương, đơn vị có liên quan và cán bộ, công chức, viên chức của toàn ngành.
- Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hàng năm, báo cáo UBND tỉnh và các bộ, ngành liên quan; đề xuất sửa đổi, bổ sung kế hoạch khi cần thiết.
- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện Kế hoạch này đảm bảo nội dung.
- Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện với UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Thu hút, bố trí các nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất, nhiệm vụ Tái cơ cấu.
- Chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT và các sở, ngành, huyện, thị nghiên cứu tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia của nhà nước và tư nhân theo hình thức đầu tư công tư (PPP).
3. Sở Tài chính
- Rà soát chính sách thuế, phí, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp, hỗ trợ thực hiện Kế hoạch này.
- Tham mưu, bố trí nguồn ngân sách triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ Tái cơ cấu theo Kế hoạch hành động; đặc biệt bố trí vốn kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ, vốn thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp mũi nhọn của tỉnh...
4. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, các sở, ngành liên quan đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện nhiệm vụ Tái cơ cấu.
- Hướng dẫn, hỗ trợ đẩy mạnh thực hiện việc xây dựng và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm hàng hóa nông sản thế mạnh trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
5. Sở Công Thương
- Phối hợp với Sở NN&PTNT nghiên cứu đề xuất các chính sách thương mại, phân tích tìm hiểu các thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu nông sản; hỗ trợ quảng bá sản phẩm hàng hóa thế mạnh của tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với sản xuất công nghiệp và thị trường tiêu thụ ổn định; đảm bảo an ninh lương thực.
- Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hoạt động buôn lậu và gian lận trong thương mại hàng hóa nông, lâm, thủy sản.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị rà soát, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp (đặc biệt là đất rừng phòng hộ, đặc dụng, đất trồng cây công nghiệp, đất trồng lúa...) và đề xuất các chính sách liên quan đến đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học theo hướng tạo thuận lợi cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
7. Sở Y tế
Chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT trong quá trình triển khai an toàn thực phẩm; chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện chiến lực an ninh dinh dưỡng và vệ sinh môi trường nông thôn.
8. Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Phước
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn đã ban hành; tạo cơ chế thông thoáng về hồ sơ, thủ tục vay vốn để người dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất.
9. Các sở, ngành trực thuộc UBND tỉnh
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị chỉ đạo hoặc phối hợp chỉ đạo thực hiện các nội dung của Kế hoạch hành động.
10. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh
Đề nghị phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Kế hoạch hành động; chỉ đạo các cấp hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên hưởng ứng và tích cực tham gia các nội dung của Kế hoạch hành động.
11. UBND các huyện, thị
- Triển khai xây dựng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi là lợi thế của địa phương, có khả năng cạnh tranh và phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành. Tăng cường phối kết hợp với Sở NN&PTNT trong công tác chỉ đạo, phát triển sản xuất; có cơ chế hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách địa phương gắn kết với các chương trình, chính sách của tỉnh nhằm khuyến khích phát triển sản xuất kịp thời và hiệu quả.
- Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của địa phương để thu hút vốn đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Trên đây là Kế hoạch hành động thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới" tỉnh Bình Phước đến năm 2020, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xác định nội dung Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị, tích cực chỉ đạo thực hiện để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch đề ra./.
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 Ban hành: 01/01/2021 | Cập nhật: 04/01/2021
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 Ban hành: 01/01/2020 | Cập nhật: 02/01/2020
Quyết định 2313/QĐ-UBND năm 2019 công bố danh mục thủ tục hành chính của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh Ban hành: 23/10/2019 | Cập nhật: 11/04/2020
Quyết định 2313/QĐ-UBND năm 2019 quy định về đánh giá, xét công nhận “Thôn đạt chuẩn nông thôn mới” áp dụng trên địa bàn các xã thuộc các huyện miền núi cao, các xã bãi ngang ven biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020 Ban hành: 19/07/2019 | Cập nhật: 28/10/2019
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 Ban hành: 01/01/2019 | Cập nhật: 01/01/2019
Quyết định 2313/QĐ-UBND năm 2018 công bố danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực đo đạc và bản đồ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên Ban hành: 06/08/2018 | Cập nhật: 21/12/2018
Quyết định 2313/QĐ-UBND năm 2018 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Công Thương tỉnh Bình Định Ban hành: 09/07/2018 | Cập nhật: 17/08/2018
Nghị quyết 48/NQ-CP năm 2018 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Khánh Hòa Ban hành: 09/05/2018 | Cập nhật: 15/05/2018
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 Ban hành: 01/01/2018 | Cập nhật: 02/01/2018
Quyết định 2313/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Thái Bình Ban hành: 29/08/2017 | Cập nhật: 11/11/2017
Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 Ban hành: 20/06/2017 | Cập nhật: 21/06/2017
Nghị quyết 48/NQ-CP năm 2017 phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với chủ đề Đất đai và 35 đề mục Ban hành: 13/06/2017 | Cập nhật: 13/06/2017
Quyết định 2313/QĐ-UBND phê duyệt Phương án phòng, chống lụt, bão đảm bảo an toàn đập thủy điện An Điềm 2 năm 2017 Ban hành: 28/06/2017 | Cập nhật: 17/07/2017
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 Ban hành: 01/01/2017 | Cập nhật: 05/01/2017
Quyết định 2313/QĐ-UBND năm 2016 công bố thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc Ban hành: 18/07/2016 | Cập nhật: 25/08/2016
Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến 2030 Ban hành: 27/05/2016 | Cập nhật: 01/06/2016
Nghị quyết 48/NQ-CP năm 2016 phê duyệt Hiệp định Hàng hải giữa Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ Ban hành: 07/06/2016 | Cập nhật: 14/06/2016
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 Ban hành: 07/01/2016 | Cập nhật: 12/01/2016
Quyết định 2313/QĐ-UBND năm 2015 công bố thủ tục hành chính bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh Ban hành: 10/08/2015 | Cập nhật: 18/08/2015
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 Ban hành: 03/01/2015 | Cập nhật: 05/01/2015
Quyết định 2313/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ phát triển đất tỉnh Trà Vinh, Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Quỹ phát triển đất tỉnh Trà Vinh Ban hành: 31/12/2014 | Cập nhật: 12/01/2015
Chỉ thị 02/2014/CT-UBND tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Bình Định Ban hành: 17/12/2014 | Cập nhật: 29/12/2014
Quyết định 2313/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2020 Ban hành: 28/10/2014 | Cập nhật: 22/04/2016
Chỉ thị 02/2014/CT-UBND tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng Ban hành: 07/07/2014 | Cập nhật: 12/08/2014
Chỉ thị 02/2014/CT-UBND thực hiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai Ban hành: 17/04/2014 | Cập nhật: 24/04/2014
Chỉ thị 02/2014/CT-UBND chấn chỉnh công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Bến Tre Ban hành: 05/05/2014 | Cập nhật: 30/05/2014
Chỉ thị 02/2014/CT-UBND tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Kon Tum Ban hành: 26/04/2014 | Cập nhật: 27/09/2014
Chỉ thị 02/2014/CT-UBND nghiêm cấm hành vi hủy diệt trong khai thác thủy sản ở các vùng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk Ban hành: 01/04/2014 | Cập nhật: 19/05/2014
Chỉ thị 02/2014/CT-UBND tổ chức thực hiện công tác quốc phòng địa phương năm 2014 Ban hành: 07/03/2014 | Cập nhật: 02/04/2014
Chỉ thị 02/2014/CT-UBND tăng cường công tác hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang Ban hành: 06/03/2014 | Cập nhật: 17/04/2014
Chỉ thị 02/2014/CT-UBND triển khai thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng Ban hành: 28/02/2014 | Cập nhật: 08/03/2014
Chỉ thị 02/2014/CT-UBND tăng cường quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang Ban hành: 11/02/2014 | Cập nhật: 22/03/2014
Chỉ thị 02/2014/CT-UBND tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước năm 2014 trên địa bàn tỉnh Nghệ An Ban hành: 25/01/2014 | Cập nhật: 12/02/2014
Chỉ thị 02/2014/CT-UBND thực hiện công tác Quốc phòng địa phương năm 2014 do tỉnh Bình Dương ban hành Ban hành: 25/01/2014 | Cập nhật: 01/07/2014
Chỉ thị 02/2014/CT-UBND tổ chức thực hiện công tác quốc phòng địa phương năm 2014 Ban hành: 27/01/2014 | Cập nhật: 12/02/2014
Chỉ thị 02/2014/CT-UBND nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất độc để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước Ban hành: 16/01/2014 | Cập nhật: 27/02/2014
Chỉ thị 02/2014/CT-UBND thực hiện nhiệm vụ quốc phòng địa phương năm 2014 Ban hành: 24/01/2014 | Cập nhật: 27/06/2014
Chỉ thị 02/2014/CT-UBND tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Phú Yên Ban hành: 09/01/2014 | Cập nhật: 25/03/2014
Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 Ban hành: 02/01/2014 | Cập nhật: 03/01/2014
Quyết định 64/2013/QĐ-UBND về điều kiện nuôi trồng và khai thác thủy sản trong hồ chứa trên địa bàn tỉnh Bình Phước Ban hành: 31/12/2013 | Cập nhật: 05/03/2014
Quyết định 64/2013/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 43/2012/QĐ-UBND về mức thu phí, lệ phí và tỷ lệ trích để lại từ nguồn thu phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Long An Ban hành: 24/12/2013 | Cập nhật: 18/02/2014
Quyết định 64/2013/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 Ban hành: 23/12/2013 | Cập nhật: 16/01/2014
Quyết định 64/2013/QĐ-UBND Quy định mức chi hỗ trợ phát lại chương trình phát thanh, truyền hình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 - 2015 trên địa bàn tỉnh Lào Cai Ban hành: 23/12/2013 | Cập nhật: 21/03/2015
Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Ban hành: 19/12/2013 | Cập nhật: 20/12/2013
Quyết định 64/2013/QĐ-UBND cơ chế giao và điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An năm 2014 Ban hành: 16/12/2013 | Cập nhật: 28/02/2014
Quyết định 64/2013/QĐ-UBND quy định mức chi và quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận Ban hành: 20/12/2013 | Cập nhật: 16/01/2014
Quyết định 68/2013/QĐ-TTg chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp Ban hành: 14/11/2013 | Cập nhật: 18/11/2013
Quyết định 64/2013/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của xã Duy Hải, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam Ban hành: 11/11/2013 | Cập nhật: 14/11/2013
Quyết định 62/2013/QĐ-TTg chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn Ban hành: 25/10/2013 | Cập nhật: 30/10/2013
Quyết định 2313/QĐ-UBND năm 2013 về đơn giá sản phẩm đo đạc địa chính, đăng ký quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Ban hành: 20/09/2013 | Cập nhật: 14/04/2016
Quyết định 64/2013/QĐ-UBND Quy định quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận Ban hành: 25/09/2013 | Cập nhật: 26/10/2013
Quyết định 64/2013/QĐ-UBND Quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với rượu bưởi Tân Triều Ban hành: 15/10/2013 | Cập nhật: 23/10/2013
Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” Ban hành: 10/06/2013 | Cập nhật: 11/06/2013
Quyết định 273/QĐ-TT-CCN năm 2013 về Quy trình tái canh cà phê vối Ban hành: 03/07/2013 | Cập nhật: 30/11/2013
Chỉ thị 2039/CT-BNN-KH năm 2013 triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững Ban hành: 20/06/2013 | Cập nhật: 27/06/2013
Nghị quyết 48/NQ-CP năm 2013 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 Ban hành: 04/04/2013 | Cập nhật: 05/04/2013
Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2013 về giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 Ban hành: 07/01/2013 | Cập nhật: 11/01/2013
Nghị quyết 48/NQ-CP năm 2012 sửa đổi Hiệp định về Dự án Đối tác đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam - Phần Lan Ban hành: 31/08/2012 | Cập nhật: 05/09/2012
Nghị quyết 01/NQ-CP về giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 Ban hành: 03/01/2012 | Cập nhật: 05/01/2012
Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường đến năm 2020 Ban hành: 10/06/2011 | Cập nhật: 11/06/2011
Nghị quyết 48/NQ-CP năm 2011 phê chuẩn đơn vị bầu cử, danh sách đơn vị bầu cử và đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2011-2016 Ban hành: 28/03/2011 | Cập nhật: 30/03/2011
Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2011 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2010 Ban hành: 04/01/2011 | Cập nhật: 09/02/2011
Nghị quyết 48/NQ-CP năm 2010 đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Ban hành: 09/12/2010 | Cập nhật: 22/12/2010
Quyết định 2313/QĐ-UBND năm 2010 thành lập Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính trực thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành Ban hành: 06/10/2010 | Cập nhật: 30/03/2011
Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2010 thành lập phường Chiềng Cơi thuộc thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La Ban hành: 07/01/2010 | Cập nhật: 12/01/2010
Nghị định 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã Ban hành: 22/10/2009 | Cập nhật: 24/10/2009
Nghị quyết 48/NQ-CP về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản Ban hành: 23/09/2009 | Cập nhật: 25/09/2009
Quyết địnhố 899/QĐ-TTg năm 2009 bổ nhiệm và miễn nhiệm Ủy viên Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2009 – 2014 Ban hành: 24/06/2009 | Cập nhật: 29/06/2009
Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 Ban hành: 09/01/2009 | Cập nhật: 20/01/2009
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND quy định mức thu phí, lệ phí mới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành Ban hành: 24/12/2008 | Cập nhật: 02/10/2010
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về mức chi hỗ trợ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp Ban hành: 28/12/2008 | Cập nhật: 20/07/2013
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về Quy chế nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành Ban hành: 19/12/2008 | Cập nhật: 16/01/2009
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2009 Ban hành: 09/12/2008 | Cập nhật: 20/05/2017
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 36/2006/QĐ-UBND về việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách địa phương tỉnh Bạc Liêu năm 2007 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành Ban hành: 10/12/2008 | Cập nhật: 15/08/2009
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về Quy định khu vực khi lắp đặt trạm thu, phát sóng thông tin di động loại 2 phải xin giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành Ban hành: 03/12/2008 | Cập nhật: 27/01/2011
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 - 2010" do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Ban hành: 25/11/2008 | Cập nhật: 21/06/2010
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500 khu trung tâm giao dịch và triển lãm nông sản thành phố do Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi ban hành Ban hành: 01/12/2008 | Cập nhật: 19/12/2008
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Ban hành: 28/11/2008 | Cập nhật: 19/05/2017
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Ban hành: 10/10/2008 | Cập nhật: 27/10/2008
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về Đổi tên: Thôn Đơn Thạnh, xã Vĩnh Hòa thành tên: Thôn Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị Ban hành: 25/09/2008 | Cập nhật: 09/07/2015
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Ban hành: 16/09/2008 | Cập nhật: 02/12/2008
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của Phòng Quản lý Đô thị quận 9 do Ủy ban nhân dân quận 9 ban hành Ban hành: 16/09/2008 | Cập nhật: 28/10/2008
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh Ban hành: 09/09/2008 | Cập nhật: 23/10/2012
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND về trình tự và thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500 trên địa bàn quận 5 do Ủy ban nhân dân quận 5 ban hành Ban hành: 26/09/2008 | Cập nhật: 21/10/2008
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng Ban hành: 26/09/2008 | Cập nhật: 21/07/2014
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND phê duyệt chế độ đãi ngộ hàng tháng và trợ cấp đối với giám định viên thuộc Tổ chức giám định pháp y và Tổ chức giám định pháp y tâm thần tỉnh Bình Định Ban hành: 15/09/2008 | Cập nhật: 09/04/2013
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về không thu phí dự thi, dự tuyển trên địa bàn tỉnh Đắk Nông do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Ban hành: 19/09/2008 | Cập nhật: 28/07/2010
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam Ban hành: 29/08/2008 | Cập nhật: 26/07/2013
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký cư trú, chứng minh nhân dân trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Ban hành: 28/08/2008 | Cập nhật: 29/08/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Công Thương Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Ban hành: 22/08/2008 | Cập nhật: 11/09/2008
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết đinh 13/2008/QĐ-UBND quy định mức thu, quản lý và sử dụng học phí ở trường trung học phổ thông bán công chuyển sang loại hình trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp Ban hành: 22/08/2008 | Cập nhật: 11/07/2013
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về Quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Long An do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành Ban hành: 15/08/2008 | Cập nhật: 15/09/2011
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND ban hành quy định điều kiện an toàn của phương tiện thủy thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 01 tấn hoặc có sức chở dưới 05 người hoạt động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Ban hành: 12/08/2008 | Cập nhật: 03/06/2010
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về Quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Ban hành: 05/08/2008 | Cập nhật: 26/01/2011
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND về tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất từ kết quả đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Ban hành: 01/08/2008 | Cập nhật: 13/08/2008
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Văn phòng Uỷ ban nhân dân do tỉnh Lào Cai ban hành Ban hành: 23/07/2008 | Cập nhật: 17/07/2013
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về Quy định trình tự, thủ tục giao, cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng rừng gắn với giao, cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum do Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Ban hành: 23/07/2008 | Cập nhật: 21/01/2011
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về phụ cấp trách nhiệm công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các cấp Ban hành: 31/07/2008 | Cập nhật: 26/07/2013
Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2008 về việc tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Ban hành: 14/07/2008 | Cập nhật: 23/07/2008
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND điều chỉnh giá đất tại khu vực xây dựng Chợ Buôn Ma Thuột và Cụm công nghiệp Ea Đa, huyện Ea Kar của tỉnh Đắk Lắk Ban hành: 22/07/2008 | Cập nhật: 26/12/2012
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành Ban hành: 08/07/2008 | Cập nhật: 24/07/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND thành lập Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh do Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh ban hành Ban hành: 24/06/2008 | Cập nhật: 22/07/2008
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND công nhận xã Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai là đô thị loại V Ban hành: 17/06/2008 | Cập nhật: 10/04/2013
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND điều chỉnh, bổ sung bảng giá tối thiểu dùng làm căn cứ tính lệ phí trước bạ và truy thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xe ô tô do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Ban hành: 12/06/2008 | Cập nhật: 02/10/2009
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND sửa đổi Bảng đơn giá nhà ở xây dựng mới theo Quyết định 15/2008/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Ban hành: 19/06/2008 | Cập nhật: 26/05/2015
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về quản lý thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Ủy ban nhân dân quận 8 do Ủy ban nhân dân quận 8 ban hành Ban hành: 12/06/2008 | Cập nhật: 10/07/2008
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang Ban hành: 04/06/2008 | Cập nhật: 15/07/2015
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số nội dung của đề án quy hoạch mạng lưới trường phổ thông giai đoạn 1998 – 2010 tại Quyết định 6805/1998/QĐ-UB Ban hành: 22/05/2008 | Cập nhật: 25/07/2013
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND sắp xếp lại tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp theo Quyết định 41/2008/QĐ-UBND do Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp ban hành Ban hành: 27/05/2008 | Cập nhật: 02/06/2008
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND quy định một số nội dung thực hiện Chính sách hỗ trợ di dân, thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tốc thiểu số theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2007 - 2010 Ban hành: 27/05/2008 | Cập nhật: 25/07/2013
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về Quy định điều kiện hoạt động phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 01 tấn hoặc có sức chở dưới 05 người hoặc bè, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Ban hành: 21/05/2008 | Cập nhật: 10/04/2013
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra Xây dựng quận 3 do Ủy ban nhân dân quận 3 ban hành Ban hành: 09/05/2008 | Cập nhật: 05/06/2008
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Ban hành: 09/05/2008 | Cập nhật: 25/06/2010
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chôn lấp rác thải đô thị; giá ca máy phục vụ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chôn lấp rác thải đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Ban hành: 30/05/2008 | Cập nhật: 27/06/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động điểm Bưu điện - Văn hoá xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang Ban hành: 22/04/2008 | Cập nhật: 20/07/2013
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Ban hành: 29/04/2008 | Cập nhật: 19/01/2013
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về Quy trình thực hiện đầu tư - xây dựng cơ bản đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ do Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ ban hành Ban hành: 08/04/2008 | Cập nhật: 10/05/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về Quy chế bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu do Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành Ban hành: 24/03/2008 | Cập nhật: 12/09/2009
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định về đơn giá bồi thường tài sản khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Ban hành: 14/04/2008 | Cập nhật: 06/05/2010
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về Quy định định mức, chế độ, tiêu chuẩn trong chi tiêu, quản lý và sử dụng tài sản đối với cơ quan Nhà nước, Đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương do Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành Ban hành: 14/04/2008 | Cập nhật: 30/03/2012
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND quy định chế độ đối với vận động, huấn luyện viên thể thao và chi tiêu tài chính cho giải thi đấu thể thao trên địa bàn tỉnh Yên Bái Ban hành: 27/03/2008 | Cập nhật: 15/11/2012
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung và công bố quy định hỗ trợ chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ công an nhân dân, cơ quan phòng chống tham nhũng trong đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm do UBND quận Gò Vấp ban hành Ban hành: 11/04/2008 | Cập nhật: 14/05/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND Quy định tiêu chí và quy trình xét, công nhận làng nghề Ban hành: 07/04/2008 | Cập nhật: 11/09/2017
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về việc chấm dứt thực hiện Đề án thí điểm thành lập Tổ nghiệp vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân quận 3 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Ban hành: 10/04/2008 | Cập nhật: 10/05/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND ban hành bảng giá điều chỉnh các loại nhà cửa, vật kiến trúc để bồi thường thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành Ban hành: 04/04/2008 | Cập nhật: 20/11/2009
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND quy định về quản lý và phân công thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn quận Tân Phú do Ủy ban nhân dân quận Tân Phú ban hành Ban hành: 26/03/2008 | Cập nhật: 21/04/2008
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND bãi miễn một số loại phí và lệ phí áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi Ban hành: 26/03/2008 | Cập nhật: 22/07/2013
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 27/2007/NQ-CP và Chương trình hành động 07-NQ/TU tỉnh Bình Thuận khóa XI về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 Ban hành: 26/03/2008 | Cập nhật: 18/02/2014
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND thành lập Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh Ban hành: 18/03/2008 | Cập nhật: 25/11/2014
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND Quy định tiếp công dân; xử lý đơn; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn quận Tân Phú do Ủy ban nhân dân quận Tân Phú ban hành Ban hành: 15/02/2008 | Cập nhật: 19/03/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND quy định về nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân quận 12 ban hành Ban hành: 07/03/2008 | Cập nhật: 07/04/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ trâu, bò và các loại gia súc trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành Ban hành: 15/02/2008 | Cập nhật: 17/03/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về giải thể Trạm thu gom và tiêu thụ sữa tươi Ban hành: 15/02/2008 | Cập nhật: 13/07/2015
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND quy định số lượng, chức năng nhiệm vụ và chính sách hỗ trợ đối với nhân viên khuyến nông cấp xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên Ban hành: 14/03/2008 | Cập nhật: 17/07/2013
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành Ban hành: 21/01/2008 | Cập nhật: 25/11/2009
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về phân cấp quản lý và phân bổ vốn đầu tư phát triển cho cấp huyện, giai đoạn 2008 - 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Ban hành: 21/01/2008 | Cập nhật: 06/07/2010
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về Định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí quản lý và thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng Ban hành: 01/02/2008 | Cập nhật: 12/08/2014
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Ban hành: 21/01/2008 | Cập nhật: 08/09/2010
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND về kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội quận 8 năm 2008 do Ủy ban nhân dân quận 8 ban hành Ban hành: 21/01/2008 | Cập nhật: 23/02/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND quy định về quản lý thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn quận 4 do Ủy ban nhân dân quận 4 ban hành Ban hành: 06/03/2008 | Cập nhật: 22/03/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND quy định về phân cấp thẩm quyền quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Ban hành: 31/01/2008 | Cập nhật: 22/02/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về quy chế quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành Ban hành: 25/01/2008 | Cập nhật: 26/03/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND quy định về quy trình thủ tục hành chính, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình Ban hành: 31/01/2008 | Cập nhật: 17/07/2013
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về quy chế tổ chức và hoạt động của thanh tra xây dựng quận Tân Bình do Ủy ban nhân dân quận Tân Bình ban hành Ban hành: 12/03/2008 | Cập nhật: 12/04/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về giá tiêu thụ nước sạch của Công ty TNHH một thành viên cấp thoát nước Bến Tre do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành Ban hành: 25/01/2008 | Cập nhật: 13/02/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 43/2006/QĐ-UBND quy định chế độ quản lý, sử dụng tiền thu từ chống buôn lậu, hàng giả trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Ban hành: 18/01/2008 | Cập nhật: 28/04/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về mức phụ cấp đối với cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Ban hành: 05/02/2008 | Cập nhật: 06/03/2008
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND bãi bỏ bản tự kê khai trong thủ tục thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại Sở Tài chính Ban hành: 24/01/2008 | Cập nhật: 16/07/2013
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND về quy chế tổ chức và hoạt động của bệnh viện quận 3 do Ủy ban nhân dân quận 3 ban hành Ban hành: 30/01/2008 | Cập nhật: 10/03/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành Ban hành: 23/01/2008 | Cập nhật: 22/02/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND quy định về phân cấp quản lý đối với tài sản nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang quản lý theo quy định pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Ban hành: 18/02/2008 | Cập nhật: 21/02/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND ban hành đề án “Quy định chế độ phụ cấp hàng tháng và trang bị phương tiện làm việc cho lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh” do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành Ban hành: 17/01/2008 | Cập nhật: 20/02/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND quy định diện tích tối thiểu các loại đất được phép tách thửa do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Ban hành: 22/01/2008 | Cập nhật: 08/04/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về Quy định dạy, học thêm do Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành Ban hành: 17/01/2008 | Cập nhật: 25/06/2012
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về đơn giá xây dựng mới biệt thự, nhà ở và đơn giá cấu kiện tổng hợp để xác định giá trị tài sản là công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng Ban hành: 22/01/2008 | Cập nhật: 14/08/2012
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách cấp huyện và ngân sách xã, thị trấn từ năm 2008 của huyện Cư Kuin do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Ban hành: 16/01/2008 | Cập nhật: 28/02/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành Ban hành: 16/01/2008 | Cập nhật: 08/11/2010
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND về Quy chế xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình do Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Ban hành: 16/01/2008 | Cập nhật: 09/05/2011
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND quy định phân cấp quản lý nhà nước, quản lý tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước trên địa bàn tỉnh Sơn La do Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Ban hành: 15/01/2008 | Cập nhật: 10/03/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về Quy định chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đề án, báo cáo thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất; khai thác, sử dụng nước mặt; xả nước thải vào nguồn nước, công trình thuỷ lợi; báo cáo đánh giá trữ lượng nước dưới đất và điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành Ban hành: 09/01/2008 | Cập nhật: 18/06/2011
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2010) do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Ban hành: 14/01/2008 | Cập nhật: 12/03/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh kết quả rà soát, quy hoạch 03 loại rừng và chi tiết địa danh, diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp theo chức năng 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum Ban hành: 09/01/2008 | Cập nhật: 11/01/2013
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND quy định chính sách hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận Ban hành: 02/01/2008 | Cập nhật: 19/03/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong việc cấp giấy phép khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và Đề án một cửa Liên thông trong việc gỉai quyết hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyền mục đích sử dụng đất đối với tổ chức trong nước và cá nhân nước ngoài trên địa bàn tỉnh Gia Lai Ban hành: 02/01/2008 | Cập nhật: 14/03/2015
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch đào tạo nghề dài hạn năm 2007 Ban hành: 02/01/2008 | Cập nhật: 20/06/2014
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Kon Tum do Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Ban hành: 14/01/2008 | Cập nhật: 18/10/2010
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về đơn giá xây dựng nhà và vật kiến trúc phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Nghệ An Ban hành: 08/01/2008 | Cập nhật: 19/07/2012
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND về Quy chế quản lý nhà nước về hoạt động sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái Ban hành: 14/01/2008 | Cập nhật: 15/12/2012
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành Ban hành: 08/01/2008 | Cập nhật: 06/03/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND về bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh Hải Dương ban hành Ban hành: 08/01/2008 | Cập nhật: 26/08/2014
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất cụm công nghiệp CN1 (phần sử dụng đất và giao thông) trong “quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 cụm công nghiệp tập trung tại huyện Sóc Sơn – Hà Nội” do UBND TP. Hà Nội ban hành Ban hành: 07/01/2008 | Cập nhật: 10/01/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND quy định giá tối thiểu tính thuế đơn vị tài nguyên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Ban hành: 11/01/2008 | Cập nhật: 10/05/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND quy định sửa đổi, bổ sung một số loại phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành Ban hành: 07/01/2008 | Cập nhật: 20/02/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND quy định thực hiện xử lý kỷ luật đối với công chức xã, phường, thị trấn do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Ban hành: 07/01/2008 | Cập nhật: 18/02/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND quy định đối tượng trợ cấp thường xuyên, đột xuất và mức trợ giúp thường xuyên cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành Ban hành: 11/01/2008 | Cập nhật: 18/03/2011
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định xử lý đối với trường hợp thu hồi đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành Ban hành: 11/01/2008 | Cập nhật: 09/02/2010
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý một số lĩnh vực trong hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh do Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Ban hành: 07/01/2008 | Cập nhật: 01/10/2010
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND về quy định xây dựng và tổ chức hoạt động trạm cân đối chứng tại các chợ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông Ban hành: 11/01/2008 | Cập nhật: 19/07/2013
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết hội nghị lần 5 BCH TW Đảng (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước do UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Ban hành: 07/01/2008 | Cập nhật: 20/02/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND về việc hoàn trả giá trị phần vắng đồng sở hữu nhà ở thuộc sở hữu tư nhân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Ban hành: 07/01/2008 | Cập nhật: 09/01/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND ban hành văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành Ban hành: 07/01/2008 | Cập nhật: 14/07/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND quy định về điều kiện giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Ban hành: 10/01/2008 | Cập nhật: 25/09/2009
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND về cấm phương tiện giao thông hoạt động trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Ban hành: 07/01/2008 | Cập nhật: 27/04/2010
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND hủy bỏ quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chế độ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh do UBND tỉnh Long An ban hành Ban hành: 10/01/2008 | Cập nhật: 05/03/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về ủy quyền giải quyết một số thủ tục thuộc chức năng quản lý hành chính nhà nước đối với lĩnh vực đầu tư trên địa bàn ngoài Khu công nghiệp tại thành phố Cần Thơ do Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Ban hành: 10/01/2008 | Cập nhật: 25/02/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về việc giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư xây dựng đợt 1 năm 2008 nguồn vốn ngân sách tập trung, vốn quảng cáo đài truyền hình và vốn viện trợ phát triển (ODA) do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Ban hành: 10/01/2008 | Cập nhật: 22/02/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND quy định giá các loại đất năm 2008 do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Ban hành: 04/01/2008 | Cập nhật: 02/02/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Ban hành: 04/01/2008 | Cập nhật: 11/01/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành không còn phù hợp để tổ chức thực hiện theo Nghị định số 99/2007/NĐ-CP của Chính phủ Ban hành: 10/01/2008 | Cập nhật: 26/08/2014
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND bãi bỏ quyết định 35/1999/QĐ-UB về quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng vốn phát triển giao thông nông thôn Ban hành: 10/01/2008 | Cập nhật: 19/07/2013
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND về danh mục số hiệu đường bộ thuộc cấp huyện quản lý trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Ban hành: 04/01/2008 | Cập nhật: 01/04/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND về việc trang bị và thanh toán khoán cước phí sử dụng điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành Ban hành: 04/01/2008 | Cập nhật: 14/01/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại và chế độ đi công tác tại nước ngoài Ban hành: 10/01/2008 | Cập nhật: 26/07/2013
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về hỗ trợ đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam Ban hành: 10/01/2008 | Cập nhật: 19/07/2013
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND quy định giá thóc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 2008 do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Ban hành: 04/01/2008 | Cập nhật: 25/03/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2008-2010 do tỉnh Vĩnh Long ban hành Ban hành: 04/01/2008 | Cập nhật: 17/07/2015
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định tạm thời chính sách hỗ trợ chuyển đổi, góp đất thực hiện chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu do Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành Ban hành: 04/01/2008 | Cập nhật: 04/10/2010
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng Ban hành: 04/01/2008 | Cập nhật: 16/06/2014
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND công khai số liệu dự toán Ngân sách tỉnh Bắc Ninh năm 2008 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành Ban hành: 09/01/2008 | Cập nhật: 03/03/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với một số loại đất; diện tích đất nông nghiệp, đất vườn, ao được tính để hỗ trợ bằng tiền đối với trường hợp quy định tại khoản 2 và 3 điều 43 Nghị định 84/2007/NĐ-CP do UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Ban hành: 03/01/2008 | Cập nhật: 28/02/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND quy định về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và công ty nhà nước đang sử dụng, thuộc thành phố quản lý trên địa bàn thành phố Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội ban hành Ban hành: 09/01/2008 | Cập nhật: 25/01/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND công bố điều chỉnh, bổ sung đơn giá xây dựng công trình tỉnh Đồng Tháp do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Ban hành: 03/01/2008 | Cập nhật: 20/02/2008
Quyết định 03/2008/QĐ-UBND phê duyệt đề án tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2008 - 2012 do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Ban hành: 09/01/2008 | Cập nhật: 27/02/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND quy định về quy hoạch, xây dựng vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Ban hành: 03/01/2008 | Cập nhật: 25/09/2009
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 71/2007/QĐ-UBND qui định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp, đô thị - dịch vụ và sân golf Vân Trung, tỉnh Bắc Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành Ban hành: 03/01/2008 | Cập nhật: 22/02/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND về chế độ chi tiêu tiếp khách nước ngoài đến làm việc, dự hội nghị, hội thảo trên địa bàn tỉnh Long An và chi tiêu tiếp khách trong nước do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành Ban hành: 03/01/2008 | Cập nhật: 04/03/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND điều chỉnh, bổ sung Bản Quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất để giải phóng mặt bằng thi công công trình Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương do UBND tỉnh Bình Dương ban hành Ban hành: 03/01/2008 | Cập nhật: 07/04/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND về quy chế mối quan hệ công tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh Ban hành: 03/01/2008 | Cập nhật: 20/07/2013
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND về việc giải thể Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện Ban hành: 03/01/2008 | Cập nhật: 19/07/2013
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 1466/2007/QĐ-UBND về ban hành quy định xét tuyển viên chức vào làm việc tại đơn vị sự nghiệp của tỉnh Thái Nguyên do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành Ban hành: 03/01/2008 | Cập nhật: 09/04/2011
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND quy định chế độ đối với học sinh nội trú dân nuôi, học sinh dân tộc nội trú; cấp dưỡng, giáo viên quản lý các lớp nội trú dân nuôi; giáo viên mầm non dân lập trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Ban hành: 02/01/2008 | Cập nhật: 09/01/2008
Quyết định 01/2008/QĐ-UBND quy định về khoán bảo trì các công trình cầu, đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Ban hành: 02/01/2008 | Cập nhật: 18/02/2008
Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2000 về việc thay đổi chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh Ban hành: 20/09/2000 | Cập nhật: 11/04/2007