Quyết định 01/2008/QĐ-UBND quy định về khoán bảo trì các công trình cầu, đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
Số hiệu: 01/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng Người ký: Trần Văn Minh
Ngày ban hành: 02/01/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 01/2008/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 02 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KHOÁN BẢO TRÌ CÁC CÔNG TRÌNH CẦU, ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 168/2003/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ Quy định về nguồn tài chính và quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 08/2006/TT-BXD ngày 24 tháng 11 năm 2006 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn công tác bảo trì công trình xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 1527/2003/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Tiêu chuẩn ngành - Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ;
Căn cứ Quyết định số 3479/2001/QĐ-BGTVT ngày 19 tháng 10 năm 2001 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông - Công chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về khoán bảo trì các công trình cầu, đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Giao thông - Công chính chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố và Chủ tịch UBND các quận, huyện tổ chức hướng dẫn cụ thể các nội dung, khối lượng công việc cần thực hiện trong công tác khoán bảo trì các công trình cầu, đường thuộc các tuyến đường bộ trên địa bàn thành phố, đồng thời theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Giao thông - Công chính, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- TV-TU, TT-HĐND thành phố;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;   
- Đoàn ĐBQH thành phố;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN thành phố;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND thành phố;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể;
- Sở Tư pháp;
- UBND các quận, huyện;
- Trung tâm THVN tại Đà Nẵng;
- Đài PTTHĐN, Báo Đà Nẵng;
- Trung tâm Công báo thành phố;
- Lưu: VT, NCPC, TH, QLĐTh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

QUY ĐỊNH

VỀ KHOÁN BẢO TRÌ CÁC CÔNG TRÌNH CẦU, ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01 /2008/QĐ-UBND ngày 02 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về công tác khoán bảo trì các công trình cầu, đường bộ do Ủy ban nhân dân thành phố phân cấp cho Sở Giao thông - Công chính và Ủy ban nhân dân các quận, huyện quản lý và khai thác;

2. Các tuyến đường chuyên dùng, các tuyến đường thuộc các khu công nghiệp do các cơ quan đơn vị liên quan đang quản lý không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến công tác khoán bảo trì các công trình cầu, đường bộ trên địa bàn thành phố.

Điều 3. Nguyên tắc khoán

1. Công tác khoán bao gồm những công việc sau:

a) Khoán quản lý: tuần tra, kiểm tra thường xuyên; đếm xe; kiểm tra hàng tháng; kiểm tra định kỳ năm; kiểm tra khẩn cấp; trực bảo lũ; cập nhật số liệu cầu đường và thu thập tình hình bão lũ; đo cường độ mặt đường; đo độ trơn trượt (độ nhám); đo độ xóc bằng phẳng (xóc, gồ ghề); phát cây, cắt cỏ; vét rãnh, sửa mái taluy; khơi rãnh khi trời mưa; nắn sửa cọc tiêu, biển báo, dải phân làn; vệ sinh mặt đường.

b) Khoán bảo dưỡng thường xuyên: đắp phụ nền, lề đường; hót sụt nhỏ; đào rãnh dọc, rãnh ngang; sơn biển báo + cột các loại; sơn cột tiêu, mốc, H, km, lan can, tường hộ lan; bổ sung biển báo; bổ sung cọc tiêu, cột km, cọc H, lộ giới, tường hộ lan; quét vôi cọc tiêu, cột km, đầu cống, lan can; dán lại lớp phản quang biển báo; sửa hư hỏng nhỏ (ổ gà, bong bật, lún cục bộ…); sửa chữa khe co giãn mặt đường BTXM; láng nhựa rạn chân chim; xử lý cao su, sình lún; chống chảy mặt đường; sơn kẻ đường; bổ sung đinh phản quang.

Tùy từng tuyến đường, đoạn đường cụ thể, có thể lựa chọn một số công việc trên để giao khoán và yêu cầu phải được làm thường xuyên nhằm sửa chữa kịp thời những hư hỏng của cầu, đường do tác động từ bên ngoài (hoạt động của con người, tác động của thiên nhiên và chuyển biến của bản thân cầu, đường theo thời gian...) để công trình được khai thác bình thường, hạn chế hư hỏng thêm;

2. Công tác khoán được thực hiện thông qua việc ký kết hợp đồng giữa đơn vị giao khoán và các đơn vị nhận khoán theo hình thức chỉ định thầu; Hợp đồng giao nhận khoán được ký kết ổn định trong ba năm trên cơ sở dự toán được duyệt từ năm đầu tiên;

3. Những sự cố về chất lượng thực hiện công tác khoán làm giảm tuổi thọ của công trình, ảnh hưởng đến quá trình sử dụng và an toàn giao thông đều phải được đánh giá, quy trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân, đơn vị thực hiện theo đúng quy định hiện hành;

4. Khoán thực hiện theo nội dung, công việc được giao và nghiệm thu, thanh toán theo đơn giá đã được xác định trong dự toán được duyệt. Trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu có biến động về giá cả vật liệu, nhân công thì được điều chỉnh theo quy định chung của Nhà nước.

Điều 4. Nội dung và phương pháp khoán

1. Khoán bảo trì các công trình cầu đường bộ;

2. Khoán bảo trì công trình đường bộ;

3. Phương pháp khoán là áp dụng theo các khoản mục chi phí trong kết cấu giá thành dự toán (chi phí nhân công, xe máy, vật tư, chi phí quản lý và các chi phí khác).

Điều 5. Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về cầu, đường bộ trên địa bàn thành phố

1. Giao Sở Giao thông - Công chính chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cầu, đường bộ trên địa bàn thành phố, chỉ đạo các đơn vị địa phương về chuyên môn nghiệp vụ quản lý, bảo trì và khai thác cầu, đường bộ; trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác các công trình về cầu, đường bộ bao gồm:

a) Đường Quốc lộ được Cục Đường bộ Việt Nam ủy thác quản lý;

b) Hệ thống đường tỉnh;

c) Hệ thống đường đô thị có bề rộng mặt đường lớn hơn 7,5m.

2. Ủy ban nhân dân các quận, huyện trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác các công trình về cầu, đường bộ trên các tuyến đường:

a) Hệ thống đường huyện;

b) Hệ thống đường đô thị có bề rộng mặt đường bằng và nhỏ hơn 7,5m;

c) Các đường đô thị lớn hơn 7,5m trong khu dân cư và các đường tỉnh do Sở Giao thông - Công chính ủy thác quản lý.

3. Ủy ban nhân dân các phường, xã trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác các công trình về cầu, đường bộ trên các tuyến đường:

a) Hệ thống đường xã, đường thôn;

b) Hệ thống đường kiệt, hẻm.

Chương 2:

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Kế hoạch và dự toán khoán

1. Công ty Quản lý sửa chữa công trình Giao thông và Thoát nước Đà Nẵng tổ chức kiểm tra tình hình, đánh giá chất lượng và dự trù khối lượng hư hỏng của hệ thống cầu, đường bộ cần được đưa vào sửa chữa trong năm sau. Trên sơ sở đó lập kế hoạch và dự toán kinh phí cho công tác khoán, thông qua Sở Giao thông - Công chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt trước ngày 30 tháng 11 hàng năm;

2. Căn cứ để lập dự toán công tác khoán hàng năm:

a) Các văn bản trung ương quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình, về định mức dự toán xây dựng, định mức dự toán công tác sửa chữa trong xây dựng cơ bản, định mức quản lý và bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường bộ;

b) Các văn bản của thành phố về quản lý đầu tư xây dựng công trình, đơn giá xây dựng công trình;

3. Căn cứ thực tế hư hỏng của từng km đường, từng mét cầu và các định mức hiện hành, các bên có liên quan cùng nhau xem xét những công việc cần đưa vào kế hoạch và dự toán khoán, có tính toán tăng, giảm khối lượng đối với từng loại công tác cụ thể. Nếu hạng mục nào không cần thiết hoặc không phù hợp với thực tiễn cầu, đường đang quản lý thì loại bỏ; nếu có hạng mục nào mà thực tế yêu cầu nhưng không có trong đơn giá định mức thì cho phép xây dựng đơn giá định mức bổ sung gửi Sở Xây dựng thẩm định trình UBND thành phê duyệt trước khi áp dụng;

4. Khi phát sinh công trình mới được tiếp nhận quản lý, khai thác thì các bên phải lập bổ sung dự toán và thực hiện công tác khoán quản lý (không có vật tư) ngay sau khi công trình đó đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Việc lập dự toán bổ sung và thực hiện khoán sửa chữa thường xuyên đối với công trình này chỉ được tiến hành sau khi hết thời gian bảo hành công trình.

Điều 7. Công tác nghiệm thu

1. Đơn vị nhận khoán báo cáo kết quả tình hình thực hiện công tác khoán hàng quý làm cơ sở cho việc nghiệm thu;

2. Thành phần nghiệm thu bao gồm:

a) Đại diện đơn vị giao khoán: Thủ trưởng đơn vị giao khoán hoặc người đại diện có thẩm quyền;

b) Đại diện đơn vị nhận khoán: Giám đốc đơn vị nhận khoán hoặc người đại diện có thẩm quyền;

c) Đại diện đơn vị cơ sở trực tiếp nhận khoán đối với khối lượng khoán được kiểm tra, nghiệm thu;

d) Tuỳ tình hình thực tế của mỗi địa phương, đơn vị thuê tư vấn lập hồ sơ, tư vấn giám sát thì có thể mời tham gia thành phần nghiệm thu.

3. Cơ sở để nghiệm thu:

a) Biên bản nghiệm thu, đánh giá chất lượng kỹ thuật;

b) Dự toán khoán đã được duyệt của từng đoạn đường, từng cầu;

c) Hợp đồng giao nhận khoán;

d) Quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Điều 8. Phương thức tạm ứng và thanh toán

1. Tạm ứng vốn và thanh toán khối lượng hoàn thành:

a) Tạm ứng vốn: Đầu quý, căn cứ vào dự toán được duyệt và khối lượng công việc dự kiến thực hiện trong quý, bên giao khoán lập thủ tục tạm ứng kinh phí tối đa 30% giá trị dự kiến thực hiện gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện cấp phát tạm ứng;

b) Thanh toán khối lượng hoàn thành: Cuối mỗi quý, căn cứ khối lượng công việc khoán đã được nghiệm thu trong quý, bên giao khoán và bên nhận khoán lập hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện cấp phát thanh toán và thu hồi số vốn đã tạm ứng.

2. Hồ sơ gửi Kho bạc Nhà nước để tạm ứng và thanh toán gồm:

a) Hồ sơ gửi một lần (đầu năm):

- Kế hoạch vốn năm và danh mục dự án được UBND thành phố thông báo;

- Dự toán giao khoán hàng năm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Hợp đồng ký kết giữa đơn vị giao khoán và đơn vị nhận khoán kèm theo văn bản lựa chọn nhà thầu.

b) Hồ sơ đề nghị tạm ứng:

- Giấy đề nghị tạm ứng vốn đầu tư;

- Giấy rút vốn đầu tư.

c) Hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành:

- Biên bản nghiệm thu hoàn thành bộ phận công trình xây dựng giai đoạn thi công xây dựng hoặc biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình hoặc công trình để đưa vào sử dụng kèm theo bảng tính giá trị khối lượng được nghiệm thu;

- Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư;

- Giấy đề nghị thanh toán ứng vốn đầu tư (nếu có thanh toán tạm ứng);

- Giấy rút vốn đầu tư.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của đơn vị giao khoán

1. Căn cứ dự toán hàng năm được cấp thẩm quyền phê duyệt, đơn vị giao khoán triển khai phân bổ nội dung, khối lượng công việc cần thực hiện và chỉ đạo đơn vị nhận khoán lập hồ sơ tạm ứng theo từng quý gửi Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch;

2. Bố trí nhân sự theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện của bên nhận khoán theo bảng báo cáo tiến độ thực hiện do bên giao khoán cung cấp;

3. Kiểm tra, xác nhận nội dung và khối lượng công việc theo từng quý do bên nhận khoán lập gửi Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch theo từng quý để làm cơ sở cấp tạm ứng cho bên nhận khoán, chậm nhất là ngày 15 tháng cuối của mỗi quý;

4. Thành lập Ban quản lý dự án kiêm nhiệm và được hưởng phần trích để lại theo tỷ lệ quy định hiện hành để phục vụ cho công tác giao khoán.

Điều 10. Trách nhiệm của đơn vị nhận khoán

1. Căn cứ nội dung, khối lượng công việc do đơn vị giao khoán cung cấp trong năm để tiến hành lập dự toán chi tiết trình đơn vị giao khoán kiểm tra, thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện;

2. Nội dung, khối lượng công việc phát sinh trong năm (có xác nhận của đơn vị giao khoán), đơn vị nhận khoán triển khai thực hiện và bổ sung vào dự toán của năm tiếp theo;

3. Bố trí nhân sự tuần tra, kiểm tra, giám sát kỹ thuật thi công; theo dõi hiện trạng và cập nhật mọi diễn biến cụ thể của từng công trình (đoạn đường hay cầu); báo cáo cụ thể tiến độ thực hiện nội dung, khối lượng công việc được giao cho đơn vị giao khoán;

4. Lập hồ sơ tạm ứng và hồ sơ thanh toán gửi đơn vị giao khoán kiểm tra, xác nhận và trình Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch, Sở Tài chính cấp kinh phí.

Điều 11. Sở Giao thông - Công chính chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Quy định này.

Điều 12.

1. Sở tài chính phối hợp với Sở Giao thông - Công chính kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình được giao khoán để làm cơ sở thanh, quyết toán công trình hàng năm và thực hiện phân bổ dự toán theo quy định;

2. Sở tài chính hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng kinh phí trích để lại cho Ban quản lý dự án kiêm nhiệm.

Điều 13. Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch căn cứ nội dung Điều 8 của Quy định này và thực hiện chức năng kiểm soát chi để thanh toán cho đơn vị nhận khoán.

Điều 14. Sở Xây dựng thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt bổ sung các đơn giá không có trong bộ đơn giá ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2006 của UBND thành phố Đà Nẵng và Đơn giá chuyên ngành.

Điều 15. Giao Giám đốc Sở Giao thông - Công chính có trách nhiệm phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính và Chủ tịch UBND các quận, huyện kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình quản lý, sử dụng và thanh toán đối với công tác khoán theo nội dung của Quy định này.

Điều 16.

1. Giao Giám đốc Sở Giao thông - Công chính xây dựng Phương án khoán, đơn giá chuyên ngành, quy trình nghiệm thu trình UBND thành phố ban hành trong quý I năm 2008;

2. Giao Sở Giao thông - Công chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND các quận, huyện đề xuất tổ chức công tác khoán tại một số tuyến đường trên địa bàn thành phố trong năm 2008;

3. Tổ chức triển khai thực hiện toàn diện từ năm 2009.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy định này thì được khen thưởng theo quy định pháp luật về thi đua khen thưởng.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.

Điều 18. Giám đốc Sở Giao thông - Công chính chủ trì phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này; định kỳ hàng quý báo cáo UBND thành phố.

Điều 19. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh, các tổ chức, đơn vị và cá nhân phản ảnh về Sở Giao thông - Công chính để nghiên cứu, tổng hợp, trình UBND thành phố xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.