Quyết định 01/2008/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành
Số hiệu: 01/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình Người ký: Nguyễn Hữu Hoài
Ngày ban hành: 08/01/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 01/2008/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 08 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ P
háp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25/5/2002;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 158/2001/QĐ-TTg ngày 18/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển Bưu chính, Viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Q
uyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ
Quyết định số 32/2006/QĐ-TTg ngày 07/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển Viễn thông và Internet Việt Nam đến năm 2010;
Căn cứ Q
uyết định số 3236/QĐ-UBND ngày 23/11/2006 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc “Phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán chi phí Quy hoạch phát triển ngành Bưu chính, Viễn thông tỉnh Quảng Bình đến năm 2020”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông tại Tờ trình số: 268/TTr-BCVT ngày 10/12/2007 về việc xin phê duyệt Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Quảng Bình đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số: 1321/KHĐT-TH ngày 21/12/2007 về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Quảng Bình đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 với những nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN:

1. Mục tiêu tổng quát:

- Củng cố, hoàn thiện các dịch vụ truyền thống. Phát triển các dịch vụ tài chính mới như: dịch vụ trả lương hưu, dịch vụ nhờ thu, phát cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ; các dịch vụ đại lý cho viễn thông. Xây dựng các điểm phục vụ tại các khu kinh tế, khu công nghiệp.

- Phát triển các chỉ tiêu viễn thông đạt mức khá của cả nước. Phổ cập dịch vụ điện thoại cố định và Internet đến tất cả các xã, thôn trong tỉnh. Đảm bảo hạ tầng viễn thông, Internet và các dịch vụ viễn thông cho ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử, các dịch vụ ngân hàng, tài chính, hải quan.

2. Mục tiêu cụ thể:

*/ Về bưu chính, chuyển phát:

- Giảm chỉ tiêu số dân phục vụ bình quân xuống mức <2.300 người/điểm phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiếp cận tới gần người dân hơn.

- Duy trì tốc độ tăng doanh thu hàng năm từ 15% - 22%.

*/ Về viễn thông, Internet:

- Đến năm 2010, mật độ điện thoại toàn tỉnh phấn đấu ở mức 47%, mật độ thuê bao Internet đạt trên 3%, số dân sử dụng Internet đạt 30%; 100% số xã có điểm truy cập dịch vụ điện thoại công cộng, 70% số xã có điểm truy cập Internet công cộng, 100% số huyện, thành phố được cung cấp dịch vụ Internet băng rộng; được truy cập miễn phí các dịch vụ bắt buộc; bảo đảm thông tin tìm kiếm, cứu nạn và phòng chống thiên tai.

Các trường học, bệnh viện, các Sở, ban ngành, chính quyền cấp tỉnh, huyện và xã được kết nối Internet và kết nối với mạng diện rộng của tỉnh. Đảm bảo hạ tầng viễn thông, Internet cho ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử, các dịch vụ ngân hàng, tài chính, hải quan…

- Đến năm 2020, mật độ thuê bao điện thoại toàn tỉnh đạt 90%, tốc độ truy nhập Internet băng rộng qua mạng nội hạt không dưới 4Mb/s, truy nhập Internet qua mạng truyền hình cáp không dưới 8Mb/s; tốc độ truy nhập Internet qua điện thoại di động đạt tối thiểu 32Kb/s đối với công nghệ GSM/GPRS, công nghệ CDMA 192Kb/s, CDMA băng rộng trên 1Mb/s; tốc độ truy nhập mạng qua các thiết bị cá nhân di động Wifi, Wimax không dưới 1Mb/s, tốc độ truy nhập theo Wimax không dưới 10Mb/s.

II. QUY HOẠCH BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG ĐẾN NĂM 2020

1. Quy hoạch phát triển bưu chính:

1.1. Mạng bưu cục, điểm phục vụ:

Giai đoạn 2007-2010: Phát triển mới 10 điểm BĐVHX, 45 điểm đại lý và kiốt. Ưu tiên phát triển các điểm phục vụ cho các xã vùng sâu, vùng xa.

Đến năm 2020, nâng tổng số điểm phục vụ trên toàn tỉnh là 504 điểm, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,25km, số dân phục vụ bình quân đạt 1.930 người trên một điểm phục vụ.

1.2. Mạng vận chuyển:

- Nâng tần suất tuyến 4 tuyến đường thư cấp 2, tần suất 2 chuyến/ngày.

- Nâng tần suất 18 tuyến đường thư cấp 3 và các khu công nghiệp, du lịch lên 2 chuyến/ngày.

1.3. Dịch vụ:

Duy trì và nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính cơ bản, công ích, mở dịch vụ chuyển tiền, thanh toán, chuyển phát nhanh, bưu kiện toàn mạng bưu cục và cung cấp dịch vụ chuyển tiền, bưu kiện đến từng điểm BĐVHX.

Xây dựng hệ thống thư viện tài liệu sách báo kỹ thuật nông lâm ngư nghiệp cho 17 điểm BĐVHX có điều kiện đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Phát triển các dịch vụ tài chính mới: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trả lương hưu, thanh toán, nhờ thu phát cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trong tỉnh; các dịch vụ làm đại lý cho viễn thông như phát hóa đơn, thu cước, tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ ...

Phát triển mạng chuyển phát an toàn, tin cậy đồng bộ với các dịch vụ hoàn thiện hàng hoá (lựa chọn, đóng gói, sắp xếp), dịch vụ kho bãi, dịch vụ quản lý chu trình cung cấp hàng hoá, dịch vụ tài chính bưu chính tạo ra kênh phân phối và thanh toán hàng hoá phù hợp với nhu cầu phát triển thương mại của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trong tương lai.

Mức tăng trưởng dịch vụ ở Đồng Hới đạt từ 60% - 70% hàng năm, mức độ phát triển dịch vụ ở các huyện khác đạt từ 20% - 30% hàng năm.

1.4. Ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa mạng bưu chính:

Nâng cao các chỉ tiêu chất lượng dịch vụ bưu chính, tiến tới một nền bưu chính hiện đại, cung cấp các dịch vụ có lãi.

Năm 2010: 100% bưu cục là bưu cục đa dịch vụ về bưu chính, ứng dụng các phần mềm chuyên dụng và hạ tầng CNTT trong tất cả các dịch vụ tiết kiệm bưu điện, chuyển tiền, PHBC.

Năm 2012: Hoàn thành việc hiện đại hóa, tin học hóa trong các bưu cục trên toàn tỉnh. Hoàn thành trung tâm chia chọn cấp tỉnh.

Năm 2015-2020: Đầu tư và nâng cấp các thiết bị bưu chính và hệ thống thiết bị tin học phục vụ vận hành khai thác mạng lưới bưu chính trên toàn tỉnh.

* Đầu tư Dự án tự động hóa mạng 50% bưu cục: Là bưu cục tự động hoạt động 24/24, các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng hoặc tiền mặt, mục đích chính phục vụ cho du lịch. Giai đoạn đầu đặt thí điểm tại bưu cục trung tâm thành phố Đồng Hới, sau đó nhân rộng ra tại các bưu cục gần các khu du lịch và một số khách sạn lớn có thể đặt các máy bán hàng tự động. Đến năm 2020 chuyển đổi các điểm phục vụ thành các điểm postshop, kết hợp việc cung cấp dịch vụ bưu chính và các sản phẩm hàng hóa.

1.5. Thị trường bưu chính, chuyển phát:

Xã hội hoá lĩnh vực chuyển phát thư theo hướng cạnh tranh, khuyến khích đầu tư phát triển mạng lưới chuyển phát thư, trang thiết bị, công nghệ hiện đại và cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, chú trọng ứng dụng tin học và tự động hóa làm tăng thị phần khai thác các dịch vụ chuyển phát thư trong tương lai.

2. Quy hoạch phát triển viễn thông:

2.1. Mạng chuyển mạch:

Giai đoạn 2007 – 2010: Lắp đặt thêm 40 trạm chuyển mạch TDM truyền thống và NGN. Các điểm vùng sâu, vùng xa vẫn sử dụng truyền dẫn qua VSAT.

Giai đoạn 2011 – 2015: Tại Đồng Hới đặt 1 tổng đài chuyển mạch đa dịch vụ. Thay thế dần các thiết bị chuyển mạch TDM bằng các thiết bị chuyển mạch đa dịch vụ. Dung lượng các trạm chuyển mạch TDM và NGN phải đạt tối thiểu 260.000 lines, duy trì hiệu suất sử dụng 80%, đảm bảo dự phòng mạng.

Giai đoạn 2016 – 2020: Xây dựng mạng chuyển mạch đa dịch vụ tốc độ cao, với công nghệ chuyển mạch theo các giao thức IP; xây dựng trung tâm chuyển mạch NGN phù hợp với nhu cầu. Tổng số line của hệ thống NGN phải đạt tối thiểu 320.485 line đảm bảo hiệu suất sử dụng 80% cho hệ thống.

2.2. Mạng truyền dẫn: Đến năm 2010, hoàn thành tuyến cáp quang đường Hồ Chí Minh và cáp quang biển, truyền dẫn liên tỉnh trục Bắc - Nam. Đến năm 2015, nâng dung lượng tất cả các tuyến truyền dẫn liên tỉnh lên 20/40/80/Gbps, đảm bảo phục vụ các dịch vụ băng rộng. Đến năm 2020, thực hiện cáp quang hoá toàn tỉnh với dung lượng kết nối tối thiểu mỗi trạm là 622Mbps.

2.3. Mạng ngoại vi: Thực hiện ngầm hoá đến khu vực dân cư, cụm dân cư, khu công nghiệp. Phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiện đại hoá. Đến 2020 ngầm hoá toàn tỉnh, chiều dài cáp đồng không quá 500m.

2.4. Mạng thông tin di động và cố định vô tuyến: Xây dựng cột cao để sử dụng chung cùng một khu vực. Đối với thành phố Đồng Hới bán kính phủ sóng là 1km, các thị trấn, thị tứ là 3km.

Lộ trình và việc quy hoạch phát triển mạng mạng lưới BTS đến năm 2020 được chia theo các giai đoạn như sau:

Giai đoạn 2007 - 2010: Phát triển nhanh về trạm BTS, tăng vùng phủ sóng toàn tỉnh, đảm bảo chỉ tiêu tối thiểu 158/159 xã, phường, thị trấn được phủ sóng. Trong đó ưu tiên cho các phường, thị trấn, các vùng kinh tế - thương mại, khu công nghiệp, khu tập trung dân cư. Đến năm 2010, toàn tỉnh có tối thiểu 6 nhà cung cấp dịch vụ di động và truy nhập vô tuyến với 405 trạm BTS.

Giai đoạn 2011 - 2015: Phát triển dịch vụ truy nhập vô tuyến, tăng chất lượng các dịch vụ cũ, cung cấp các dịch vụ mới. Mở rộng diện tích phủ sóng ở vùng phía Tây của tỉnh, nâng cao chất lượng sóng và tăng dung lượng cho các khu vực kinh tế, khu công nghiệp,... Đảm bảo 100% các xã, phường, thị trấn được phủ sóng. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 550 trạm thu phát sóng BTS.

Giai đoạn 2016 - 2020: Thông tin di động ứng dụng công nghệ truy nhập vô tuyến băng rộng Wimax. Cấu trúc mạng di động với truy nhập vô tuyến WCDMA và Wimax, phần chuyển mạch và các ứng dụng của mạng di động với mạng lõi NGN. Tiến hành lắp đặt mạng Wifi trong các khu nhà cao tầng, khu chung cư và các cơ quan.

2.5. Mạng truy nhập Internet: Thực hiện triển khai các thiết bị truy nhập mạng DSLAM/DSLAM-HUB đến tất cả các trung tâm huyện. Truy nhập Internet băng rộng theo 2 phương thức qua mạng cáp nội hạt và vô tuyến:

- Giai đoạn 2007 - 2015: Phát triển chủ yếu theo hướng truy nhập Internet qua mạng nội hạt, bước đầu xây dựng mạng NGN.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Phát triển chủ yếu theo công nghệ NGN và công nghệ kết nối vô tuyến băng thông rộng Wimax với tốc độ truyền dữ liệu cao, có thể lên tới 100 Mbps, khu vực phủ sóng rộng hơn 50 km, khả năng bảo mật cao.

2.6. Mạng viễn thông nông thôn: Thay thế mạng viễn thông nông thôn thành mạng viễn thông hiện đại. Lắp đặt và tổ chức lại các trạm thông tin vệ tinh VSAT-IP dùng cho những xã có nhu cầu sử dụng thấp và có địa hình đặc biệt khó khăn, cự ly xa, không thể sử dụng phương thức truyền dẫn viba và chưa đủ điều kiện để kéo cáp quang.

2.7. Mạng viễn thông công ích: Đến năm 2010, 46 xã, thị trấn được cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.

2.8. Thông tin phục vụ phòng chống lụt bão: Đa dạng hóa các mạng viễn thông với đa loại hình cung cấp dịch vụ, dự phòng sự cố mất liên lạc cục bộ trong nội mạng, chia sẻ tài nguyên truyền dẫn, hỗ trợ ứng cứu giữa các mạng. Gia cố toàn bộ hệ thống cột cao ven biển đảm bảo chịu được bão cấp 12.

Truyền dẫn cáp quang phải nối vòng toàn bộ các tổng đài vệ tinh, thực hiện truyền dẫn quang - viba dự phòng lẫn nhau tại một số tuyến quan trọng, đảm bảo các phương án ứng cứu trong và sau bão lụt. Sử dụng các xe lưu động của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động nhằm khắc phục tình trạng mất thông tin liên lạc sau bão.

2.9. Dịch vụ viễn thông: Chú trọng củng cố và nâng cao các dịch vụ viễn thông cố định truyền thống. Mở rộng các loại hình dịch vụ khác như: dịch vụ thông tin, giải trí, thương mại, các dịch vụ chuyển mạng giữ số và dịch vụ phân tách mạch vòng nội hạt. Phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động và truy nhập vô tuyến.

Nâng cao băng thông và cải thiện chất lượng các dịch vụ Internet. Phục vụ tốt cho các ứng dụng công nghệ thông tin về hành chính, thương mại điện tử, đào tạo từ xa, y tế từ xa… Đặc biệt quan tâm phát triển mạng Internet công cộng tại các xã thuộc dự án 135 của Chính phủ tại Quảng Bình.

Mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tại các điểm bưu điện văn hoá xã; thực hiện phổ cập dịch vụ Internet về cấp làng, thôn; xây dựng trung tâm thông tin cơ sở để cung cấp các thông tin hữu ích về kinh tế xã hội, khoa học giáo dục cho mọi tổ chức, cá nhân, tầng lớp nhân dân...

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực:

Thực hiện chiến lược tuyển dụng, đào tạo và trả lương cho người lao động sao cho họ có thể sáng tạo ra những chiến lược tương lai tốt nhất, bất kể các điều kiện tương lai như thế nào. Chiến lược này phải chú trọng tới đặc điểm chung của con người: sáng tạo, trí tuệ, mức độ tin cậy và tận tuỵ với công việc; tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực bưu chính, viễn thông với trình độ cao về công nghệ và quản lý.

2. Giải pháp về khoa học công nghệ:

2.1. Về lĩnh vực Bưu chính: Hiện đại hóa công nghệ bưu chính chủ yếu đi vào hiện đại hóa bưu cục, sử dụng các thiết bị bưu chính hiện đại, kết hợp với các trung tâm chia chọn tự động thực hiện tới cấp huyện.

2.2. Về lĩnh vực Viễn thông: Tập trung nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, góp phần đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Định hướng tập trung nghiên cứu triển khai ứng dụng dịch vụ mới, dịch vụ giải trí và cung cấp nội dung. Công nghệ mới phải phù hợp với hiện trạng cơ sở hạ tầng, công nghệ hiện tại tại Việt Nam và thế giới, đảm bảo khả năng nâng cấp, phát triển và kết nối với các nước trên thế giới.

3. Giải pháp về cơ chế chính sách:

3.1. Về lĩnh vực Bưu chính: Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường bưu chính, chuyển phát, phát hành báo chí, chú trọng cộng tác với các tổ chức, đoàn thể, lao động tại các xã tham gia phổ cập dịch vụ bưu chính.

Xây dựng cơ chế ưu đãi cho đối tượng cung cấp dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi về cấp phép kinh doanh cho đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.

Công khai việc thực hiện các quy định về giá cước và chất lựơng dịch vụ trên địa bàn tỉnh cho người sử dụng dịch vụ bưu chính.

3.2. Về lĩnh vực Viễn thông: Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường hình thức bán lại dịch vụ viễn thông và Internet nhằm huy động mọi nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội để phát triển viễn thông.

Tận dụng cơ sở hạ tầng viễn thông sẵn có, tránh đầu tư chồng chéo, sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông và nguồn lực quốc gia.

Ban hành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng mạng, mở rộng vùng phủ sóng, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu tư vào những khu vực có số người sử dụng dịch vụ thấp.

Xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp các dịch vụ công: Phát triển mạng phục vụ thông tin liên lạc phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, phục vụ quốc phòng, an ninh, thông tin phòng chống thiên tai, hỏa hoạn và các thảm họa khác. Xây dựng các đề án cơ sở hạ tầng mạng Chính phủ điện tử, phục vụ cải cách hành chính Nhà nước.

Các hình thức sử dụng chung cơ sở hạ tầng được khuyến khích áp dụng bao gồm: cùng đầu tư xây dựng các hệ thống chuyển mạch, truyền dẫn và chia sẻ dung lượng theo tỷ lệ đầu tư, thuê cáp, sợi cáp, thuê cột an ten, nhượng quyền sử dụng các hệ thống viễn thông (cho thuê dài hạn)...

4. Giải pháp về huy động vốn đầu tư:

4.1. Vốn đầu tư từ ngân sách:

Chủ yếu cho đầu tư phát triển các dịch vụ công ích phục vụ sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, phổ cập các dịch vụ cơ bản cho các khu vực còn khó khăn về thông tin liên lạc.

Hỗ trợ kinh phí xây dựng thư viện kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp tại các điểm BĐVHX, ưu tiên cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Thực hiện đề án “Trung tâm thông tin cơ sở” gồm các thông tin kỹ thuật sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, giáo dục phổ thông, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và phòng chống thiên tai.

4.2. Vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và ngoài nước: Thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực, khuyến khích phát triển hạ tầng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, sau đó cho các doanh nghiệp thuê lại.

Khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông hoạt động tại địa phương cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Sở Bưu chính, Viễn thông tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn hình thức liên doanh, liên kết (hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC, liên doanh).

Điều 2. Quản lý và tổ chức thực hiện:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về quản lý, hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện quy hoạch Bưu chính, Viễn thông tỉnh; huy động và tìm kiếm nguồn vốn từ bên ngoài, từ các thành phần kinh tế để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành Bưu chính, Viễn thông tỉnh.

- Sở Bưu chính, Viễn thông căn cứ vào nội dung quy hoạch, phối hợp với các ngành, các huyện, thành phố tổ chức triển khai trên từng địa bàn, từng lĩnh vực, có biện pháp chỉ đạo thực hiện tốt quy hoạch nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra; theo dõi, báo cáo và đề xuất kịp thời để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển chung của tỉnh.

- Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm quản lý và phối hợp với các ngành trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động bưu chính, viễn thông trên địa bàn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bưu chính Viễn thông; Thủ trưởng các Sở, ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Báo Quảng Bình, Đài PT-TH tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT, KTTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hoài