Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành
Số hiệu: 30/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang Người ký: Bùi Ngọc Sương
Ngày ban hành: 16/09/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 30/2008/QĐ-UBND

Rạch Giá, ngày 16 tháng 9 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 123/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của các tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;
Căn cứ Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ số 59/2005/NÐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 81/TTr-SNN ngày 14 tháng 5 năm 2008 về việc ban hành Quy định về quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”.

Điều 2. Giao nhiệm vụ cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tổ chức triển khai, thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh có phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này bãi bỏ các Quyết định:

- Quyết định số 1371/QĐ-UB ngày 26 tháng 11 năm 1996 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc ban hành Bảng quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;

- Quyết định số 1236/QĐ-UB ngày 29 tháng 6 năm 1999 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc cấm khai thác thủy sản bằng nghề xiệp, te, bóng mực và cào ven bờ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;

- Quyết định số 47/2003/QĐ-UB ngày 24 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc sửa đổi Điều 1 của Quyết định số 1236/QĐ-UB ngày 29 tháng 6 năm 1999 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc cấm khai thác thủy sản bằng nghề xiệp, te, bóng mực và cào ven bờ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;

- Quyết định số 394/QĐ-UB ngày 12 tháng 5 năm 1990 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc phân cấp quản lý và đăng ký tàu cá trong tỉnh Kiên Giang.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH




Bùi Ngọc Sương

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

(Ban hành kèm theo Quyết định số 30/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy định này quy định về quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với tổ chức, cá nhân người Việt Nam khi tiến hành các hoạt động khai thác thủy sản trên biển, sông, hồ, đầm, kênh rạch và các vùng nước tự nhiên khác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; phân vùng, tuyến khai thác thủy sản trên biển; các hoạt động khai thác thủy sản bị cấm và hạn chế phát triển; khu vực cấm khai thác và cấm khai thác có thời hạn; chủng loại kích cỡ tối thiểu các loài thủy sản được phép khai thác; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Quy định này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải tuân theo những Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Hoạt động thủy sản là việc tiến hành khai thác, nuôi trồng, vận chuyển thủy sản khai thác; bảo quản, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản; dịch vụ trong hoạt động thủy sản; điều tra, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

2. Nguồn lợi thủy sản là tài nguyên sinh vật trong vùng nước tự nhiên, có giá trị kinh tế, khoa học để phát triển nghề khai thác thủy sản, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.

3. Khai thác thủy sản là việc khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển, sông, hồ, đầm, kênh rạch và các vùng nước tự nhiên khác.

4. Tàu cá là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác chuyên dùng cho khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trong vùng biển Kiên Giang và các vùng nước tự nhiên khác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

2. Việc phát triển các hoạt động khai thác thủy sản phải theo quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành thủy sản trong phạm vi cả nước và của tỉnh; đảm bảo hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên.

3. Hoạt động khai thác thủy sản phải kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên vùng biển và các vùng nước tự nhiên khác; tuân theo Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ tác hại của thiên tai; bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản trên biển, sông, hồ, đầm, kênh rạch và các vùng nước tự nhiên khác.

Chương II

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN TRONG VÙNG BIỂN VÀ VÙNG NƯỚC TỰ NHIÊN KHÁC

Điều 4. Phân vùng biển, tuyến khai thác thủy sản

1. Biển Kiên Giang được phân thành 2 vùng:

a. Vùng biển ven bờ được tính từ bờ biển (ngấn nước khi thủy triều thấp nhất) đến đường nối liền các điểm cách bờ 24 hải lý; đối với ven biển tỉnh Kiên Giang tiếp giáp với ven biển tỉnh Cà Mau, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ căn cứ vào đặc điểm cụ thể về địa lý của vùng biển để xác định và công bố ranh giới vùng biển ven bờ trên cơ sở bàn bạc thống nhất giữa 2 tỉnh bằng văn bản;

b. Vùng biển xa bờ được tính từ đường cách bờ biển 24 hải lý đến giới hạn ngoài của vùng biển Việt Nam.

2. Tuyến khai thác thủy sản được phân thành 3 tuyến:

a. Tuyến bờ là vùng biển được tính từ bờ biển (ngấn nước khi thủy triều thấp nhất) đến đường nối liền các điểm A1, B1, C1, D1, E1, F1, G1, H1 trên hải đồ cách bờ 6 hải lý có các tọa độ như sau:

A1: 100 21’ 09’’ N; 1040 21’ 48’’ E

B1: 100 05’ 47’’ N; 1040 30’ 38’’ E

C1: 100 02’ 36’’ N; 1040 36’ 26’’ E

D1: 100 06’ 18’’ N; 1040 43’ 56’’ E

E1: 100 00’ 03’’ N; 1040 50’ 06’’ E

F1: 100 00’ 02’’ N; 1040 56’ 01’’ E

G1: 090 53’ 53’’ N; 1040 47’ 15’’ E

H1: 090 30’ 52’’ N; 1040 43’ 60’’ E

Đối với các đảo, quần đảo tuyến bờ được tính từ bờ đảo, quần đảo (ngấn nước khi thủy triều thấp nhất) đến đường nối liền các điểm trên hải đồ cách bờ 3 hải lý. Riêng đối với các đảo, quần đảo trên vùng biển Kiên Giang giáp với ranh giới trên biển của nước Campuchia, nếu tuyến bờ của các đảo, quần đảo có khoảng cách dưới 3 hải lý thì tuyến bờ của đảo, quần đảo được tính từ bờ đảo, quần đảo ra đến giới hạn ngoài của vùng biển Việt Nam.

b. Tuyến lộng là vùng biển được tính từ đường cách bờ biển 6 hải lý đến đường nối liền các điểm A2, B2 trên hải đồ cách bờ 24 hải lý có tọa độ như sau:

A2: 090 27’ 24’’ N; 1040 24’ 38’’ E

B2: 090 59’ 00’’ N; 1030 39’ 60’’ E

c. Tuyến khơi (hay còn gọi là vùng biển xa bờ) là vùng biển được tính từ đường cách bờ biển 24 hải lý đến giới hạn ngoài của vùng biển Việt Nam.

Điều 5. Quản lý hoạt động khai thác thủy sản trong vùng nước tự nhiên nội địa

1. Tổ chức, cá nhân chỉ được phép khai thác các loài thủy sản trong vùng nước tự nhiên nội địa có kích thước tối thiểu theo quy định tại Phụ lục số 07 kèm theo Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Trong trường hợp khai thác các loài thủy sản trong vùng nước tự nhiên nội địa có kích thước tối thiểu nhỏ hơn quy định để sử dụng vào mục đích nghiên cứu khoa học, để làm giống hoặc cứu nạn các loài thủy sản sống trong vùng nước bị ô nhiễm có nguy cơ bị chết thì phải được cơ quan quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh cấp phép.

2. Cấm tất cả các loại nghề sử dụng phương tiện có gắn động cơ để khai thác thủy sản tại vùng đầm Đông Hồ (Hà Tiên); trong các sông, kênh rạch, đồng ruộng trên địa bàn tỉnh.

3. Cấm sử dụng chất nổ, điện, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện, hóa chất hoặc chất độc để khai thác thủy sản trong sông, kênh rạch, đầm, ao, hồ, đồng ruộng trên địa bàn tỉnh.

4. Cấm các hoạt động đánh bắt cá bố mẹ trong thời kỳ sinh sản, nuôi con trong các vùng nước tự nhiên nội địa.

5. Cấm nghề đăng (dớn) hoạt động khai thác thủy sản; cấm phát triển nghề đáy trong sông và vùng đầm Đông Hồ (Hà Tiên); các nghề cào tôm, cá, đáy, nò, chà hoạt động từ ngày 01 tháng 01 đến hết tháng 03 hàng năm khai thác thủy sản ở các cửa sông.

6. Cấm các loại nghề sử dụng lưới có kích thước mắt lưới tại bộ phận tập trung cá của ngư cụ khai thác nhỏ hơn quy định tại Phụ lục số 03 kèm theo Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); vị trí đặt các ngư cụ khai thác không được gây cản trở lưu thông dòng chảy và phải đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa trên các sông, kênh, rạch.

7. Cấm các hoạt động thủy sản lấn, chiếm, xâm hại các khu bảo tồn vùng nước tự nhiên nội địa đã được quy hoạch và công bố; vi phạm các quy định trong quy chế quản lý khu bảo tồn.

Điều 6. Quản lý hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển

1. Các hoạt động khai thác thủy sản bị cấm:

a. Sử dụng chất nổ, điện, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện, hóa chất hoặc chất độc để hoạt động khai thác thủy sản;

b. Sử dụng loại nghề hoặc công cụ chuyên khai thác cá nóc;

c. Các hoạt động khai thác thủy sản hủy hoại trái phép các rạn đá ngầm, rạn san hô, các bãi thực vật ngầm và hệ sinh cảnh khác; lấn, chiếm, xâm hại các khu bảo tồn biển đã được quy hoạch và công bố; vi phạm các quy định trong quy chế quản lý khu bảo tồn biển;

d. Các hoạt động khai thác thủy sản trên biển vi phạm các quy định về an toàn giao thông, an toàn của các công trình theo quy định của pháp luật về hàng hải, bưu chính viễn thông và các quy định pháp luật khác có liên quan;

e. Các phương tiện khai thác thủy sản bằng nghề te, xiệp trong các vùng biển; nghề lưới kéo (cào) khai thác thủy sản trong vùng biển có độ sâu nhỏ hơn 05m nước (năm mét nước); nghề bóng mực khai thác trong tháng 05 và tháng 06;

f. Các hoạt động khai thác thủy sản vi phạm các quy định về quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển, đảo và các khu vực mà tổ chức, cá nhân đã được cấp có thẩm quyền giao hoặc cho thuê mặt nước ven biển, đảo để nuôi trồng thủy sản;

g. Các nghề sử dụng ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

2. Phương tiện và loại nghề cấm phát triển:

a. Tàu gắn máy có công suất dưới 90 sức ngựa làm nghề lưới kéo (cào);

b. Tàu gắn máy có công suất dưới 30 sức ngựa làm các nghề khác;

c. Các nghề kết hợp ánh sáng hoạt động tại tuyến bờ và tuyến lộng;

d. Nghề đáy biển;

e. Tàu có gắn động cơ hoặc không gắn động cơ làm nghề lặn để khai thác thủy sản (trừ trường hợp thợ lặn được trang bị đầy đủ các dụng cụ, thiết bị lặn, đảm bảo an toàn kỹ thuật và điều kiện sức khoẻ; đã qua các lớp đào tạo và được cấp giấy chứng nhận hoặc có bằng cấp chuyên môn theo quy định; được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép mới được hoạt động).

3. Các loài thủy sản bị cấm khai thác:

Cấm khai thác các loài thủy sản theo quy định tại Phụ lục số 05 kèm theo Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

4. Các loài thủy sản bị cấm khai thác có thời hạn trong năm:

Cấm khai thác các loài thủy sản bị cấm khai thác có thời hạn trong năm theo quy định tại Phụ lục số 06 kèm theo Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

5. Các loài thủy sản được phép khai thác:

Được phép khai thác các loài thủy sản có kích thước tối thiểu theo quy định tại Phụ lục số 07 kèm theo Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tỷ lệ cho phép lẫn các đối tượng nhỏ hơn kích thước quy định không quá 15% sản lượng thủy sản khai thác được (lấy tối thiểu 3 mẫu ngẫu nhiên để tính tỷ lệ bình quân).

Điều 7. Vùng cấm khai thác và cấm khai thác có thời hạn

1. Vùng cấm khai thác:

a. Vùng biển ven bờ đất liền tính từ bờ biển (ngấn nước khi thủy triều thấp nhất) đến đường nối liền các điểm A, B, C, D, E, F, G, H, I trên hải đồ cách bờ biển ra 3 hải lý có các tọa độ như sau:

A: 100 23’ 30’’ N; 1040 23’ 54’’ E

B: 100 08’ 09’’ N; 1040 32’ 24’’ E

C: 100 06’ 00’’ N; 1040 36’ 30’’ E

D: 100 10’ 03’’ N; 1040 44’ 45’’ E

E: 100 03’ 40’’ N; 1040 50’ 06’’ E

F: 100 03’ 36’’ N; 1040 58’ 12’’ E

G: 100 00’ 02’’ N; 1050 01’ 16’’ E

H: 090 52’ 51’’ N; 1040 50’ 05’’ E

I : 090 31’ 26’’ N; 1040 44’ 04’’ E

b. Vùng biển quanh các đảo, quần đảo tính từ bờ các đảo, quần đảo (ngấn nước khi thủy triều thấp nhất) ra 1 hải lý;

c. Cấm tất cả tàu cá hoạt động khai thác thủy sản; trừ tàu cá không gắn máy hoặc có gắn máy mà tổng công suất dưới 20 sức ngựa làm nghề khai thác cá nổi, nghề lưới kéo moi/ruốc ở tầng nước mặt và nghề rớ thủ công.

2. Vùng cấm khai thác có thời hạn:

a. Vùng biển ven bờ tính từ đường cách bờ biển 3 hải lý (ngấn nước khi thủy triều thấp nhất) ra đến đường vạch nối liền các điểm A3, A, B1, D1, H1 trên hải đồ có tọa độ như sau:

A3: 100 00’ 10’’ N ; 1040 02’ 58’’ E

A: 100 23’ 30’’ N ; 1040 23’ 54’’ E

B1: 100 05’ 47’’ N ; 1040 30’ 38’’ E

D1: 100 06’ 18’’ N ; 1040 43’ 56’’ E

H1: 090 28’ 38’’ N ; 1040 43’ 60’’ E

b. Thời gian cấm: từ ngày 01 tháng 4 đến ngày 30 tháng 6 hàng năm cấm các hoạt động khai thác thủy sản;

c. Trường hợp các tổ chức, cá nhân được các cấp có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển ven bờ, quanh các đảo, quần đảo nằm trong vùng cấm khai thác và cấm khai thác có thời hạn để đầu tư vào nuôi trồng thủy sản thì được phép thu hoạch sản phẩm thủy sản nuôi trồng trong diện tích được giao quyền sử dụng; trước khi thu hoạch phải lập báo cáo gởi cho cơ quan quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp tỉnh hoặc huyện, thị, thành phố (theo thẩm quyền đã được phân cấp quản lý) biết để theo dõi, giám sát, kiểm tra. Tỷ lệ cho phép lẫn các đối tượng khác không quá 20% sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch (lấy tối thiểu 3 mẫu ngẫu nhiên để tính tỷ lệ bình quân). Trong trường hợp sản lượng thủy sản thu hoạch lẫn các đối tượng khác vượt quá tỷ lệ cho phép, thì sản lượng thu hoạch vượt đó phải được thả trở lại khu vực đang thu hoạch.

Điều 8. Tàu cá và các nghề hoạt động khai thác thủy sản tại các tuyến

1. Tàu cá và các nghề hoạt động tại tuyến bờ:

a. Tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15m không gắn máy hoặc có gắn máy mà tổng công suất dưới 20 sức ngựa được hoạt động tại tuyến bờ (trừ nghề lưới kéo hay còn gọi là nghề cào, các nghề kết hợp ánh sáng, các nghề hoạt động trong vùng cấm khai thác và cấm khai thác có thời hạn được quy định tại Điều 7 của Quy định này). Riêng nghề lưới kéo moi/ruốc ở tầng nước mặt, nghề rớ thủ công và nghề câu tay mực kết hợp ánh sáng được phép hoạt động; tổng công suất các cụm chiếu sáng của mỗi đơn vị khai thác hoạt động tại tuyến bờ đối với nghề rớ thủ công không vượt quá 200W và 500W với nghề câu tay mực;

b. Tàu cá tuyến bờ không được hoạt động tại tuyến lộng và tuyến khơi;

c. Tàu cá tuyến bờ đăng ký tại tỉnh Kiên Giang chỉ được phép hoạt động tại tuyến bờ thuộc vùng biển Kiên Giang và vùng đệm trong tuyến bờ giữa tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.

2. Tàu cá và các nghề hoạt động tại tuyến lộng:

a. Tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 15m trở lên không gắn máy hoặc có gắn máy mà tổng công suất từ 20 sức ngựa đến dưới 90 sức ngựa được hoạt động tại tuyến lộng (trừ nghề cào bay);

b. Các nghề kết hợp ánh sáng hoạt động tại tuyến lộng được quy định tổng công suất các cụm chiếu sáng của mỗi đơn vị khai thác làm các nghề lưới, vây, vó, mành, câu mực, chụp mực, pha xúc không vượt quá 5000W; công suất của mỗi bóng đèn dùng trong nghề pha xúc không vượt quá 2000W và vị trí lắp đặt đèn pha phải cách mặt nước trên 1,2m; khoảng cách giữa điểm đặt cụm sáng với các cụm chà rạo hoặc nghề cố định không được dưới 500m;

c. Tàu cá tuyến lộng không được hoạt động ở tuyến bờ và tuyến khơi.

3. Tàu cá và các nghề hoạt động tại tuyến khơi:

a. Tàu cá gắn máy có tổng công suất từ 90 sức ngựa trở lên và tàu cá gắn máy có công suất từ 50 sức ngựa trở lên làm nghề câu, rê, vây, chụp mực được phép hoạt động tại tuyến khơi;

b. Các nghề kết hợp ánh sáng hoạt động tại tuyến khơi chưa quy định hạn chế tổng công suất các cụm chiếu sáng và giới hạn công suất của mỗi bóng đèn;

c. Tàu cá tuyến khơi không được hoạt động tại tuyến bờ và tuyến lộng.

4. Tàu cá hoạt động tại tuyến lộng và tuyến khơi phải được đánh dấu để nhận biết theo quy định của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

5. Tàu cá và nghề khai thác nghêu lụa, sò lông, sò huyết:

a. Tàu cá không gắn máy hoặc có gắn máy được phép hoạt động khai thác nghêu lụa, sò lông, sò huyết theo mùa vụ trong vùng cấm khai thác, vùng cấm khai thác có thời hạn, vùng biển tuyến bờ, tuyến lộng (trừ quy định tại điểm f, khoản 1, Điều 6 của Quy định này);

b. Khu vực cụ thể được phép hoạt động khai thác hàng năm, số lượng tàu, loại tàu, ngư cụ khai thác nghêu lụa, sò lông, sò huyết do cơ quan quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh xác định, công bố, cấp phép mới được hoạt động.

Điều 9. Phân cấp quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

1. Cấp tỉnh:

a. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại tuyến lộng được quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 4 của Quy định này;

b. Tổ chức quản lý và đăng ký, đăng kiểm tàu cá, thuyền viên và bè cá theo quy định của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

2. Cấp huyện thị, thành phố:

a. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý các hoạt động khai thác thủy sản tại tuyến bờ được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 4; vùng cấm khai thác và cấm khai thác có thời hạn được quy định tại Điều 7 và các hoạt động khai thác thủy sản trong vùng nước tự nhiên nội địa được quy định tại Điều 5 của Quy định này;

b. Tổ chức quản lý và đăng ký tàu cá, thuyền viên đối với tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15m không gắn máy hoặc có gắn máy mà tổng công suất dưới 20 sức ngựa hoạt động tại tuyến bờ. Tàu cá gắn máy mà tổng công suất dưới 45 sức ngựa hoạt động tại tuyến lộng phân cấp cho huyện, thị, thành phố quản lý đăng ký, đăng kiểm tàu cá và thuyền viên nếu có đủ điều kiện về đội ngũ cán bộ, trang thiết bị kiểm tra an toàn tàu cá theo quy định của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VÀ CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN

Điều 10. Quyền của tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

1. Được khai thác thủy sản theo những nội dung ghi trong giấy phép khai thác thủy sản.

2. Được cơ quan chuyên môn thông báo về tình hình diễn biến thời tiết, nguồn lợi thủy sản, thông tin về thị trường, các hoạt động thủy sản và hướng dẫn kỹ thuật về khai thác thủy sản.

3. Được nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp do thành quả lao động và kết quả đầu tư hoạt động khai thác thủy sản mang lại.

Điều 11. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

1. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định ghi trong giấy phép khai thác thủy sản.

2. Nộp các khoản thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

3. Đánh dấu ngư cụ đang sử dụng theo quy định của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

4. Tuân thủ sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng, cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

5. Phải cứu nạn khi gặp người, tàu thuyền bị nạn.

6. Tuân theo các quy định về quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

7. Phát hiện, tố giác, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản.

8. Thực hiện đầy đủ các quy định tại Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản.

9. Trong quá trình hoạt động trên biển, tàu cá phải có các giấy tờ sau đây: (bản chính)

a. Giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu cá hoạt động khai thác thủy sản, trừ tàu cá khai thác thủy sản có trọng tải dưới 0,5 tấn;

b. Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đối với tàu cá theo quy định của pháp luật phải có giấy chứng nhận an toàn tàu cá;

c. Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá đối với loại tàu cá theo quy định của pháp luật phải có giấy chứng nhận đăng ký tàu cá. Đối với trường hợp tàu cá đã được thế chấp vay vốn tại ngân hàng thì phải có bản sao giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được ngân hàng đó xác nhận;

d. Sổ danh bạ thuyền viên, sổ thuyền viên tàu cá theo quy định của pháp luật. Đối với thuyền viên và người làm việc trên tàu cá mà pháp luật quy định không phải có sổ thuyền viên thì phải có giấy tờ tùy thân;

e. Bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá đối với loại tàu cá theo quy định của pháp luật phải có bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá.

10. Ghi nhật ký và báo cáo khai thác thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 12. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển tàu cá, cơ cấu nghề nghiệp nhằm khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh thăm dò, khảo sát, xác định và công bố khu vực cho phép tàu cá hoạt động khai thác nghêu lụa, sò lông, sò huyết theo mùa vụ hàng năm được quy định tại khoản 5

Điều 8 của Quy định này.

2. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố hướng dẫn ngư dân chuyển đổi nghề khai thác ven bờ, nghề cấm khai thác sang các nghề khác; phổ biến nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất trên biển, trong nội đồng theo tổ, đội, tập đoàn sản xuất gắn việc quản lý vùng biển và các vùng nước tự nhiên khác với sự tham gia quản lý của cộng đồng; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại tuyến khơi.

3. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố, Biên phòng tỉnh, Vùng 5 Hải quân, Vùng 5 Cảnh sát biển, Hải đoàn 28 Biên phòng trong việc quản lý các hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển, thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản; tìm kiếm cứu nạn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản; tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

4. Tổ chức việc quản lý tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền; phối hợp với các viện, trường để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên và những người làm việc trên tàu cá.

Điều 13. Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan

Trong phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của mình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tuyên truyền phổ biến pháp luật thủy sản; thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển và các vùng nước tự nhiên khác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố

1. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển tàu cá, cơ cấu nghề nghiệp trong hoạt động khai thác thủy sản của tỉnh để xây dựng kế hoạch cụ thể cho địa phương, đồng thời làm tốt công tác quản lý các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thủy sản cho nhân dân.

3. Quản lý các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển và các vùng nước tự nhiên khác được phân cấp quản lý; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan trong việc quản lý các hoạt động khai thác thủy sản tại các vùng, tuyến khai thác thủy sản; quản lý đăng ký, đăng kiểm tàu cá theo phân cấp.

4. Chỉ đạo việc xây dựng các mô hình tổ chức khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo tổ, đội, tập đoàn sản xuất… gắn với việc quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

5. Căn cứ vào vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên trên địa bàn để phân cấp quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho cấp xã, phường, thị trấn tại tuyến bờ; vùng cấm khai thác; vùng cấm khai thác có thời hạn và các vùng nước tự nhiên nội địa để phát triển các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng.

6. Triển khai các biện pháp nhằm quản lý tốt các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phạm vi được phân công quản lý; phối hợp với các lực lượng của tỉnh kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển và các vùng nước tự nhiên khác trên địa bàn tỉnh.

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm hoặc bao che cho người có hành vi vi phạm các Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được khiếu nại, tố cáo phải có trách nhiệm giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Hướng dẫn thực hiện

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề khó khăn vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp./.