Quyết định 3330/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Chương trình phát triển hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 3330/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Trung Tín
Ngày ban hành: 04/07/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/07/2011 Số công báo: Số 46
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3330/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 7 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN HOA, CÂY KIỂNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2011-2015

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị Quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;
Căn cứ Quyết định 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;
Căn cứ Quyết định số 2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;
Căn cứ Quyết định số 446/QĐ-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020”;
Xét Tờ trình số 877/TTr-SNN-NN ngày 20 tháng 6 năm 2011 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Chương trình phát triển hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình phát triển hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015.

Điều 2.

- Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố phối hợp với các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường quy hoạch, xác định các vùng sản xuất hoa, cây kiểng tập trung cụ thể theo từng giai đoạn; hướng dẫn các quận, huyện tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất cho từng loại hoa, cây kiểng trên địa bàn; xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch hàng năm, 5 năm đảm bảo nhiệm vụ, mục tiêu của chương trình; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các quận, huyện có sản xuất hoa kiểng nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố ban hành hoặc điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hoa, cây kiểng.

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện có sản xuất hoa, cây kiểng khẩn trương lập quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất hoa, cây kiểng trên địa bàn quản lý theo Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố; tổ chức phổ biến, công khai các quy hoạch được phê duyệt, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ sản xuất hoa, cây kiểng; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển hoa, cây kiểng hàng năm trên địa bàn.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các quận, huyện và Sở, ngành liên quan cân đối, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố phân bổ kế hoạch vốn đầu tư, dự toán chi ngân sách hàng năm đảm bảo tiến độ thực hiện Chương trình phát triển hoa, cây kiểng giai đoạn 2011 - 2015.

- Sở Khoa học và Công nghệ xét duyệt, triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp thành phố phục vụ Chương trình phát triển hoa, cây kiểng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện có sản xuất hoa, cây kiểng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Tín

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN HOA, CÂY KIỂNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN HOA, CÂY KIỂNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

1. Sự cần thiết:

- Sự phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố Hồ Chí Minh có đặc thù khác so với nông nghiệp truyền thống, do thực trạng đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Vì vậy, phải tập trung sản xuất cây, con có giá trị kinh tế cao nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một yêu cầu cấp thiết. Trước thực tế đó, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 718/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2004 về phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển hoa, cây kiểng giai đoạn 2004 - 2010, Quyết định này đã xác định hoa kiểng là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với sự phát triển của nền nông nghiệp đô thị.

- Giai đoạn 2011 - 2015, thành phố tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần IX với mục tiêu nhiệm vụ chung là khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, tập trung các nguồn lực để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế; tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, tập trung sản xuất cây giống, con giống, rau an toàn, hoa kiểng, cá cảnh.

- Phát triển hoa, cây kiểng là một hướng đi đúng, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị; giúp cho người nông dân thành phố tăng thu nhập và đảm bảo giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian qua, chương trình hoa, cây kiểng đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành, quận, huyện thực hiện có hiệu quả. Diện tích hoa, cây kiểng giai đoạn 2003 - 2010 tăng từ 665 ha lên 1.910 ha, tăng 187,2%; giá trị sản xuất hoa, cây kiểng tăng từ 69,8 tỷ đồng năm 2005 lên 456,44 tỷ đồng năm 2010, tăng hơn 6,5 lần so với năm 2005.

- Tuy nhiên, hiện trạng sản xuất hoa kiểng thành phố vẫn còn nhỏ lẻ do điều kiện đất đai manh mún nên khó áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, chưa tạo sản phẩm có tính cạnh tranh cao, khó đáp ứng các đơn đặt hàng xuất khẩu với số lượng lớn hàng hóa. Do đó, việc xây dựng chương trình hoa, cây kiểng giai đoạn 2011 - 2015 là việc làm cần thiết nhằm duy trì và phát triển hoa, cây kiểng một cách bền vững, phù hợp phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố trong thời gian sắp tới.

2. Cơ sở pháp lý thực hiện chương trình:

- Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;

- Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;

- Quyết định số 2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;

- Quyết định số 446/QĐ-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Chương trình ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025;

- Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015;

- Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020.

II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG SẢN XUẤT - KINH DOANH HOA, CÂY KIỂNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2004 - 2010

1. Tình hình sản xuất hoa, cây kiểng:

1.1. Hoa lan:

- Diện tích hoa lan đến cuối năm 2010 là 190 ha, tăng 170 ha so với năm 2003 và đạt 95% mục tiêu chương trình phát triển hoa, cây kiểng giai đoạn 2004 - 2010. Hoa lan được trồng ở hầu hết các quận, huyện, ngay cả địa bàn có khó khăn về nguồn nước ngọt như Nhà Bè (2 ha), huyện có diện tích trồng lan lớn nhất là Củ Chi (50 ha). Sản lượng hoa lan cung ứng hàng năm khoảng 2,3 triệu chậu và 2,7 triệu cành với giá trị sản lượng khoảng 123,4 tỷ đồng.

- Theo số liệu điều tra của Trung tâm Khuyến nông năm 2010, trên địa bàn thành phố có 771 hộ trồng lan, qui mô sản xuất từ 50m2 đến 3 ha, bình quân 2.200 m2/hộ, qui mô dưới 500 m2 có 131 hộ; từ 500 - 1.000 m2 có 231 hộ; từ trên 1.000 m2 có 401 hộ.

- Chủng loại lan trồng khá phong phú gồm Mokara, Dendrobium, Catlleya, Vanda, Phalaenopsis, Oncidium, trong đó hai giống lan được trồng nhiều nhất là Mokara và Denbrobium.

- Một số mô hình sản xuất hoa lan với qui mô lớn, có hiệu quả cao như: Vườn lan Trần Ngọc Tuyết: qui mô 2 ha tại huyện Củ Chi, doanh thu ước khoảng 4 tỷ đồng/năm; Vườn lan Tân Xuân: qui mô 2,5 ha tại huyện Hóc Môn, doanh thu ước khoảng 4 tỷ đồng/năm; Vườn lan Kiều Lương Hồng: qui mô 1 ha tại huyện Bình Chánh, doanh thu ước khoảng 2,1 tỷ đồng/năm.

1.2. Cây mai:

- Diện tích sản xuất mai đến năm 2010 là 525 ha, tăng 335 ha so vớinăm 2003 và đạt 208% so với mục tiêu chương trình phát triển hoa kiểng giai đoạn 2004 - 2010, sản lượng mai ghép cung ứng hàng năm 1,5 triệu chậu với giá trị sản lượng ước đạt 477 tỷ đồng.

- Theo số liệu điều tra của Trung tâm Khuyến nông năm 2010, trên địa bàn thành phố có 1.425 hộ trồng mai, qui mô từ 50m2 đến 4 ha, bình quân 3.200 m2/hộ. Qui mô sản xuất bình quân của mỗi hộ ở từng quận, huyện cũng rất khác nhau: Củ Chi là huyện có qui mô sản xuất bình quân cao nhất 3.125 m2/hộ, kế đến là quận Thủ Đức 2.285 m2/hộ, hai quận có qui mô sản xuất bình quân thấp nhất là quận 2 với 387m2/hộ và quận Gò Vấp 449 m2/hộ.

* Nhóm mai ghép:

Tổng số hộ sản xuất là 922 hộ, qui mô dưới 500 m2 có 237 hộ; từ 500 - 1.000 m2 có 236 hộ; từ 1.000 - 5.000 m2 có 343 hộ, từ trên 5.000 m2 - 1 ha có 88 hộ và từ 1 ha trở lên có 18 hộ.

* Nhóm mai nguyên liệu:

Tổng số hộ sản xuất là 503 hộ, qui mô dưới 1.000 m2 có 51 hộ, từ 1.000 - 5.000 m2 có 301 hộ, từ trên 5.000 m2 - 1 ha có 126 hộ và từ 1 ha trở lên có 25 hộ.

Một số mô hình sản xuất hoa mai với qui mô lớn, có hiệu quả cao như: Vườn mai ghép Nguyễn Thành Sơn (Ba Sơn): qui mô 0,9 ha tại quận Thủ Đức, doanh thu ước khoảng 3 tỷ đồng/năm; Vườn mai ghép Nguyễn Văn Dân (Năm Nga): qui mô 1 ha tại quận Thủ Đức, doanh thu ước khoảng 3,2 tỷ đồng/năm; Vườn mai Kiều Lương Hồng: qui mô 1 ha tại huyện Bình Chánh, doanh thu ước khoảng 1 tỷ đồng/năm.

1.3. Cây kiểng - bonsai:

- Diện tích cây kiểng - bonsai đến năm 2010 là 415 ha (trong đó có 110 ha thuộc Công ty Fosaco và 25 ha thuộc Công ty Công viên cây xanh), tăng 275 ha so với mục tiêu chương trình phát triển hoa kiểng giai đoạn 2004 - 2010, giá trị sản lượng đạt từ 1 - 5 tỷ đồng/1ha; riêng kiểng cổ - bonsai sản lượng cung ứng hàng năm khoảng 600 ngàn chậu, giá trị sản lượng đạt 172,9 tỷ đồng.

- Theo số liệu điều tra của Trung tâm Khuyến nông năm 2010, trên địa bàn thành phố có 1.079 hộ trồng cây kiểng - bonsai, qui mô sản xuất từ 500m2 đến 4 ha, bình quân 2.600 m2/hộ, qui mô từ 500 m2 - 1.000 m2 có 108 hộ, từ trên 1.000 - 5.000 m2 có 701 hộ, từ 5.000 m2 - 1 ha có 216 hộ và từ 1 ha trở lên có 54 hộ.

- Chủng loại sản phẩm rất phong phú, từ những loài có nguồn gốc bản địa như: Mai chiếu thủy, cần thăng, kim quất, tùng bách tán, tùng la hán, nguyệt quế, sanh, si, gừa, sộp, da, bồ đề, thiên tuế đến những loài được du nhập từ nước ngoài về như Kim phát tài, cau sâm banh, cau bụng, dừa Hawai, cọ Nam Mỹ, khế Nhật, du, phong, hoàng lan, huyền diệp, dương xỉ, trầu bà đế vương, kim ngân... Bên cạnh đó còn có các sản phẩm: Kiểng công trình và kiểng nội thất chủ yếu do các đơn vị nhà nước (Công ty Công viên cây xanh) và được sản xuất ở hầu hết các quận, huyện. Đa số có nguồn gốc giống nhập từ nước ngoài.

- Bonsai và kiểng cổ là cây kiểng đặc trưng và là thế mạnh của thành phố; tập trung chủ yếu ở quận 12 và Gò Vấp.

Một số mô hình sản xuất cây kiểng - bonsai với qui mô lớn, có hiệu quả cao như: Cơ sở Út Tài: qui mô 1,3 ha tại huyện Củ Chi và quận 12, doanh thu ước khoảng 3 tỷ đồng/năm; Cơ sở Minh Tân: qui mô 4 ha tại huyện Củ Chi, doanh thu ước khoảng 4 tỷ đồng/năm.

1.4. Hoa nền:

- Diện tích gieo trồng hoa nền đến năm cuối 2010 đạt 780 ha, tăng 625 ha so với năm 2003 và đạt 95% so với mục tiêu chương trình phát triển hoa, cây kiểng giai đoạn 2004 - 2010, phân bố tập trung ở huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và quận 12, sản lượng hoa nền cung ứng hàng năm 6 triệu chậu với giá trị sản lượng đạt 117,7 tỷ đồng.

- Theo số liệu điều tra của Trung tâm Khuyến nông năm 2010, trên địa bàn thành phố có 710 hộ trồng hoa nền, qui mô sản xuất từ 500 m2 đến 1 ha, bình quân 1.800 m2/hộ, qui mô dưới 1.000 m2 có 241 hộ, từ 1.000 - 5. 000 m2 có 378 hộvà từ 5.000 m2 trở lên có 91 hộ.

- Chủng loại hoa nền được trồng trên địa bàn thành phố khá đa dạng, từ 3 đến 10 loại. Một số loại phổ biến: vạn thọ, sống đời, cúc, hướng dương, cỏ các loại, lá màu, huệ; các giống mới được trồng trong thời gian gần đây: vạn thọ Pháp, vạn thọ Thái, mồng gà, cúc đồng tiền, cúc Tiger.

- Một số mô hình sản xuất hoa nền với qui mô lớn, có hiệu quả cao như: Hộ ông Trương Bá Hầu: qui mô 1,3 ha tại huyện Bình Chánh, doanh thu ước khoảng 300 triệu đồng/năm; hộ ông Nguyễn Minh Thuần: qui mô 0,7 ha tại quận 12, doanh thu ước khoảng 200 triệu đồng/năm; hộ ông Phạm Minh Hải: qui mô 0,5 ha tại huyện Củ Chi, doanh thu ước khoảng 100 triệu đồng/năm.

2. Thực trạng tiêu thụ hoa, cây kiểng:

- Thành phố Hồ Chí Minh vừa là đầu mối cung cấp hoa kiểng cho cả nước và xuất khẩu, vừa là thị trường tiêu thụ hoa kiểng lớn nhất nước với khoảng 1.000 cửa hàng kinh doanh hoa, cây kiểng với nhiều chủng loại phong phú, doanh số ước đạt 600 - 700 tỷ đồng/năm, đã hình thành các địa điểm tiêu thụ tập trung như chợ Hồ Thị Kỷ, chợ Bà Chiểu, Đầm Sen,… Ngoài ra còn hình thành các khu vực tiêu thụ hoa kiểng đặc trưng, đáp ứng nhu cầu thị trường như:

+ Quận Gò Vấp nơi cung ứng các chủng loại hoa kiểng từ giá rẻ đến cao cấp.

+ Quận 12, quận Thủ Đức: Cung ứng các sản phẩm đặc trưng như mai vàng, kiểng bonsai, kiểng cổ…

+ Chợ Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen là những chợ đầu mối chủ yếu cung ứng hoa tươi nhập từ các nơi về cho thị trường thành phố.

+ Các cửa hàng của Công ty Đalat Hasfarm cung ứng các sản phẩm hoa tươi ôn đới và á nhiệt đới được sản xuất tại Lâm Đồng.

- Sản lượng hoa, cây kiểng được sản xuất tại thành phố khá lớn: ước khoảng 1,1 triệu chậu và 1,3 triệu cành lan; khoảng 500.000 chậu mai ghép; khoảng 600.000 - 700.000 chậu kiểng - bonsai; khoảng 15 triệu cành hoa nền. Sản lượng hoa, cây kiểng được sản xuất tại thành phố chủ yếu được tiêu thụ tại chỗ thông qua thương lái đến thu mua hoặc bán lẻ tại vườn, một số ít thông qua thương lái xuất bán ra các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu như mai, lan,…

- Thành phố Hồ Chí Minh còn là đầu mối xuất, nhập các chủng loại hoa kiểng, cụ thể:

+ Hoa lan được nhập về thành phố khá lớn, theo kết quả điều tra của Trung tâm Khuyến nông năm 2008, lượng hoa lan cắt cành nhập về thành phố từ nước ngoài và tỉnh Lâm Đồng khá lớn, khoảng 4 triệu cành; lan chậu nhập từ Đài Loan và Trung Quốc khoảng 600.000 chậu. Lượng hoa lan nhập về vừa tiêu thụ tại thành phố và xuất bán ra các tỉnh, chủ yếu các tỉnh phía Nam.

+ Mai ghép được nhập về thành phố khá lớn, chủ yếu từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Đồng Tháp và miền Trung như Bình Định. Lượng mai ghép nhập về chủ yếu tiêu thụ tại thành phố và xuất bán ra các tỉnhphía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng và một số ít xuất khẩu.

+ Cây kiểng - bon sai được nhập về thành phố với số lượng khá lớn,các chủng loại hoa đặc trưng phía Bắc nhập về để phân phối cho các tỉnh phía Nam, ngược lại các chủng loại hoa đặc trưng phía Nam nhập về thành phố để phân phối cho các tỉnh phía Bắc.

3. Đánh giá kết quả thực hiện một số giải pháp chính của chương trình hoa, cây kiểng giai đoạn 2004 - 2010:

- Về quy hoạch vùng trồng hoa kiểng: Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo huyện Củ Chi quy hoạch chi tiết xây dựng khu làng nghề hoa - cây kiểng - cá cảnh tại xã Trung An, huyện Củ Chi (36,4 ha). Bên cạnh đó quận Thủ Đứcđã triển khai đề án làng hoa kiểng (chủ yếu là mai vàng) theo Quyết định số 1091/QĐ-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Về giống:

+ Đã và đang triển khai 7 đề tài liên quan đến công tác giống và tổ chứchệ thống sản xuất cung ứng hoa kiểng như đề tài: Sưu tập, chọn tạo, nhập nội, khảo nghiệm và nhân nhanh các giống hoa lan phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu; Nghiên cứu, chọn tạo và dẫn nhập một số loài cây rừng có giá trị nghệ thuật để sản xuất hàng loạt cây kiểng có giá trị kinh tế phục vụ xuất khẩu…, trong đó đề tài Ứng dụng hệ thống cấy ngập tạm thời đang được áp dụng vào sản xuất.

+ Công tác sưu tập, lai tạo nhân giống được các nghệ nhân, các đơn vị quan tâm tổ chức thực hiện, đã có nhiều giống hoa kiểng quý được sưu tập, nhân giống phục vụ mở rộng diện tích hoa kiểng trên địa bàn thành phố.

+ Riêng đối với các giống hoa lan được các viện, trường và nhà vườn áp dụng nhiều biện pháp mới trong sản xuất giống, cung ứng khoảng 500.000 cây/năm giống hoa lan từ nuôi cấy mô, khoảng 430.000 - 450.000 cây/năm giống hoa lan từ nhân vô tính, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ nước ngoài.

+ Trung tâm Công nghệ sinh học đã sưu tập 318 giống lan các loại, trong đó có 80 giống lan rừng quý, hiếm như: Thanh hạt, Huyết nhung vàng, Dendrobium Nobile…; nhập nội 38 giống. Đồng thời tiến hành lai tạo các giống lan mới,thụ phấn 98 cặp, trong đó đã thu hoạch và nuôi cấy In vitro 52 cặp. Nhân giống và cung cấp 150.000 cây con cấy mô cung cấp ra thị trường hàng năm, các giống tập trung nhiều nhất là Renanthera, Mokara, Cattleya và Dendrobium.

+ Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi đã sưu tập được 20 giống hoa kiểng gồm: súng, sứ, hải đường môn, tiểu hồng môn, đinh lăng lá bạc, dừa kiểng, địa lan và một số giống hoa khác. Đồng thời Trung tâm đã tiến hành thử nghiệm thành công tính thích nghi một số giống hoa mới như Cát tường gồm 3 giống (màu trắng, đỏ, hồng), Dạ yên thảo gồm 3 giống.

- Về nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật: Đã triển khai 14 đề tài nghiên cứu và áp dụng trong thực tiễn có hiệu quả cao như đề tài trồng kiểng thủy canh, kỹ thuật canh tác lan Mokara không giá thể…; về chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Từ năm 2004 - 2010, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng 103 mô hình trình diễn: 73 mô hình hoa lan, 17 mô hình hoa nền, 13 mô hình cây kiểng và 10 mô hình thực nghiệm về hoa và cây kiểng. Đã tổ chức 121 lớp tập huấn cho 4.260 lượt người; 37 cuộc hội thảo với 1.755 lượt người tham dự và 50 cuộc tham quan với 2.170 lượt người tham dự. Ngoài ra, Phân Hội BonsaiThanh Tâm đã tổ chức huấn luyện về hoa kiểng cho 3.150 lượt người với các chuyên đề về trồng lan, trồng mai, bonsai; Hội Sinh vật cảnh, Hội Hoa lan cây cảnh, Hội Nông dân, Hội Làm vườn và Trang trại, Câu lạc bộ Giao Châu cũng tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, huấn luyện, tham quan, hội thảo, tọa đàm về hoa, cây kiểng.

- Về thị trường xúc tiến thương mại: Dự án xây dựng Trung tâm triển lãm giao dịch nông sản với qui mô 24 ha tại huyện Củ Chi đang được triển khai thực hiện; tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp cũng đã phối hợp với Hội Nông dân thành phố, Hội Sinh vật cảnh thành phố, Hội Làm vườn và Trang trại thành phố,… tổ chức nhiều hoạt động bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm hoa, cây kiểng ở thành phố và các tỉnh, tham gia Festival Sinh vật cảnh, Hội hoa xuân; tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, xây dựng website và xây dựngthương hiệu cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hoa kiểng đã giúp cho các nghệ nhân thành phố mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.

- Về phát triển kinh tế tập thể: Tính đến tháng 11 năm 2010, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 5 hợp tác xã và 03 tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa, cây kiểng; hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác đã phần nào phát huy sức mạnh tập thể, liên kết được những nông hộ có cùng mục tiêu sản xuất - kinh doanh.Tuy nhiên, hoạt động của một số hợp tác xã, tổ hợp tác vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra.

- Về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển: ngành nông nghiệp, các hội, đoàn thể thành phố đã đẩy mạnh việc thực hiện chính sách vay vốn và hỗ trợ lãi vay để phát triển sản xuất hoa, cây kiểng. Trong đó, chương trình hỗ trợ lãi vay trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố (theo Quyết định số 105/2006/QĐ-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2006 và Quyết định số 15/2009/QĐ-UBND ngày 10 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố) đã góp phần đẩy mạnh phát triển hoa, cây kiểng. Từ năm 2006 đến hết năm 2010, đã có 358 hộ vay vốn sản xuất với quy mô 86 ha, tổng vốn đầu tư là 293.612 triệu đồng, tổng vốn vay được hỗ trợ lãi là 165.754 triệu đồng.

4. Nhận xét, đánh giá:

4.1. Những kết quả đạt được:

- Chương trình phát triển hoa, cây kiểng giai đoạn 2004 - 2010 phù hợp với định hướng của thành phố và đáp ứng nguyện vọng của người sản xuất hoa, cây kiểng; số hộ, diện tích, số cơ sở kinh doanh hoa, cây kiểng liên tục tăng qua các năm, cụ thể:

+ Diện tích hoa, cây kiểng thành phố đến cuối năm 2010 đạt 1.910 ha, tăng 1.245 ha so với năm 2003 và vượt 59,2% so với mục tiêu chương trình phát triển hoa, cây kiểng giai đoạn 2004 - 2010; trong đó, hoa lan đạt 190 ha, tăng 850%; mai vàng đạt 525 ha, tăng 176,3%.

+ Giá trị sản xuất hoa, cây kiểng năm 2010 đạt 456,44 tỷ đồng, tăng 386,64 tỷ đồng (hơn 6,5 lần) so với năm 2005.

+ Số hộ sản xuất đạt 3.285 hộ, tăng 1.885 hộ (tăng 134,6%) so với năm 2003.

- Nhiều đề tài về hoa, cây kiểng đã được nghiên cứu và chuyển giao có hiệu quả như: công nghệ nhân giống cấy mô, nghiên cứu về bệnh trên hoa lan, quy trình kỹ thuật bón phân, sử dụng giá thể... Từ kết quả nghiên cứu, ngày càng có nhiều mô hình trồng hoa, cây kiểng với qui mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ mới về giống, kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa.

- Các giải pháp về giống, chuyển giao kỹ thuật, chính sách cho vay và hỗ trợ lãi vay, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển kinh tế tập thể đã phát huy tác dụng, đặc biệt chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phát huy hiệu quả, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, mở rộng qui mô sản xuất.

4.2. Tồn tại, hạn chế:

- Thành phố có khoảng 20 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống hoa, cây kiểng. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng giống vẫn chưa đáp ứng thị trường, hầu hết các giống hoa mới, giống hoa có chất lượng tốt đều phải nhập từ nước ngoài như vạn thọ từ Pháp, các giống hoa lan từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc.

- Chi phí đầu tư sản xuất, đặc biệt là chi phí đầu tư hoa lan (Dendrobium khoảng 2 tỷ đồng/ha; Mokara khoảng 3,7 tỷ/ha) rất cao, thời gian thu hồi vốn dài (khoảng 4 - 5 năm đối với lan Mokara và 2 - 3 năm đối với Dendrobium) đã ảnh hưởng lớn đến việc mở rộng qui mô sản xuất của nông hộ.

- Do sản xuất không tập trung, quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên việc áp dụng các công nghệ tiên tiến còn gặp rất nhiều khó khăn trở ngại, chưa đáp ứng được những hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn.

- Tổ chức sản xuất chưa có sự liên kết chặt chẽ, đặc biệt là vai trò của các tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc liên kết, định hướng và tổ chức sản xuất chưa thật sự là nòng cốt để tập hợp các tổ viên, xã viên tham gia sản xuất.

III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN HOA, CÂY KIỂNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

1. Dự báo khả năng tiêu thụ và khả năng cung ứng hoa, cây kiểngtrên địa bàn thành phố:

1.1. Hoa lan:

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Khuyến nông năm 2008, khả năng tiêu thụ của thành phố khoảng 1,7 triệu chậu và 5,3 triệu cành lan các loại; trong đó, thành phố cung ứng được khoảng 1,1 triệu chậu và 1,3 triệu cành lan các loại(lan chậu chiếm khoảng 64,7%, lan cắt cành chiếm khoảng 24,5% tiêu thụ),lượng tiêu thụ còn lại được nhập từ tỉnh Lâm Đồng và các nước như Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc. Để tăng nguồn cung ứng hoa lan, thành phố cần xây dựng vùng sản xuất hoa lan tập trung với diện tích khoảng 400 ha.

1.2. Cây mai:

- Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Khuyến nông 2010, khả năngtiêu thụ mai ghép của thành phố ước khoảng 600.000 - 700.000 chậu/năm.

- Diện tích sản xuất cây mai của thành phố đến cuối năm 2010 đạt 525 ha, trong đó mai ghép 276,5 ha, sản luợng mai ghép hàng năm khoảng 500.000 chậu; sản lượng mai ghép ngoài cung cấp cho thị trường của thành phố còn cung ứng cho thị trường các tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm.

- Ngoài ra, hàng năm còn có một lượng lớn mai từ các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp và Bình Định... đưa về thành phố tiêu thụ trong dịp Tết.

1.3. Cây kiểng - bonsai:

- Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Khuyến nông năm 2010, khả năngtiêu thụ cây kiểng - bonsai của thành phố ước khoảng 600.000 - 700.000 chậu/năm, chủ yếu cung cấp cho người tiêu dùng của thành phố, một phần cung ứng chocác tỉnh và xuất khẩu.

- Tính đến cuối năm 2010, diện tích cây kiểng - bonsai trên địa bàn thành phố là 415 ha với sản lượng khoảng 600.000 chậu/năm, ngoài ra còn có kiểng, bonsai từ các tỉnh đưa về thành phố.

1.4. Hoa nền:

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Khuyến nông năm 2010, khả năng tiêu thụ hoa nền của thành phố hàng năm ước khoảng 100 triệu cây, cành; trong đó, thành phố cung ứng khoảng 15 triệu cây, cành; nguồn cung ứng còn lại chủ yếu từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Lâm Đồng.

2. Mục tiêu chung:

Góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân.

3. Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2015 đạt 2.100 ha hoa, cây kiểng, trong đó diện tích hoa lan đạt 400 ha; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản xuất hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố, đáp ứng thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

- Đến năm 2015 đưa vào sản xuất 4 - 5 giống hoa kiểng mới.

- Lập quy hoạch làng nghề hoa kiểng nằm trong quy hoạch phát triển làng nghề nhà vườn kết hợp du lịch sinh thái tại huyện Củ Chi.

- 70 % hộ trồng hoa lan có qui mô sản xuất từ 5.000 m2 trở lên có áp dụng cơ giới hóa (hệ thống tưới phun sương tiết kiệm nước).

- Hình thành 2 Trung tâm giao dịch hoa kiểng.

- Phấn đấu thành lập mới từ 10 hợp tác xã, 15 tổ hợp tác trong lĩnh vực hoa, cây kiểng.

4. Nội dung, quy mô chương trình:

4.1. Quy mô, diện tích:

Phấn đấu đến năm 2015, diện tích hoa, cây kiểng đạt 2.100 ha, tăng 190 ha so với năm 2010. Cụ thể như sau:

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN HOA, CÂY KIỂNG ĐẾN NĂM 2015

Đvt: ha

 

Quận, huyện

Năm 2010

Năm 2015

Hoa nền

Hoa, kiểng lâu năm

1

Thủ Đức

250

20

20

2

Quận 9

80

10

100

3

Quận 12

320

10

280

6

Bình Tân

20

10

10

7

Bình Chánh

320

250

240

8

Củ Chi

515

400

210

9

Hóc Môn

160

100

150

10

Nhà Bè

20

-

100

11

Cần Giờ

-

-

10

12

Các quận còn lại

225

-

20

Tổng cộng

1.910

800

1.300

4.2. Chủng loại:

- Hoa lan: tập trung phát triển hoa Dendrobium (đang phát triển mạnh, có tiềm năng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa) và Mokara (sử dụng cho nhu cầu nội địa).

- Hoa nền: tập trung một số chủng loại có khả năng phát triển lâu dài và có thị trường tiêu thụ, cả xuất khẩu lẫn nội địa như cúc, vạn thọ, huệ, layơn nhiệt đới.

- Mai: tập trung phát triển mai ghép, kết hợp với các tỉnh có quỹ đất để sản xuất mai nguyên liệu.

- Kiểng, bonsai: tập trung phát triển các loại cây thành phẩm có giá trị kinh tế cao và có giá trị thẩm mỹ như mai chiếu thủy, cần thăng, vạn niên tùng, thiên tuế….; liên kết với các tỉnh có quỹ đất để sản xuất cây nguyên liệu.

4.3. Địa bàn:

Tập trung chủ yếu ở huyện Củ Chi và Bình Chánh. Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng và cho các doanh nghiệp, các đơn vị có năng lực thuê dài hạn để xây dựng những trang trại sản xuất tập trung với quy mô vài ha đến vài chục ha. Chính những trang trại hạt nhân này sẽ là đầu tàu trong việc phát triển ngành hoa kiểng thành phố.

5. Một số giải pháp chính phát triển hoa, cây kiểng:

5.1. Giải pháp quy hoạch vùng sản xuất:

Triển khai thực hiện Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”. Theo đó, quy hoạch vùng sản xuất hoa, cây kiểng tập trung, chuyên canh đến năm 2015 là 2.100 ha, trong đó:

Huyện Củ Chi: 700 ha, Bình Chánh: 500 ha, Hóc Môn: 250 ha, quận 12: 300 ha, quận Thủ Đức: 180 ha, quận 9: 60 ha, huyện Nhà Bè: 50 ha và các quận huyện khác là 30 ha.

5.2. Giải pháp kỹ thuật, chuyển giao công nghệ:

- Giống:

+ Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong việc chọn tạo, nhân các giống hoa, cây kiểng mới, sạch bệnh, phù hợp với điều kiện của thành phố và thị hiếu người tiêu dùng.

+ Đẩy mạnh nhân nhanh giống đảm bảo chất lượng và số lượng cung ứng cho sản xuất trong và ngoài thành phố. Trong đó, có những giống hoa lan chủ lực của thành phố như Dendrobium, Mokara.

+ Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi đẩy mạnh công tác kiểm định giống hoa kiểng và hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống hoa, cây kiểng công bố và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng giống, tránhthiệt hại cho người trồng.

+ Đẩy mạnh và tăng cường công tác sưu tập, bảo tồn, phục tráng các giống hoa kiểng địa phương.

- Chuyển giao công nghệ:

+ Đẩy mạnh việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến và công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong đó, tăng cường công tác xây dựng mô hình hoàn chỉnh, áp dụng đồng bộ các giải pháp về giống mới, cơ giới hóa, chăm sóc, sơ chế, bảo quản...

+ Xây dựng chương trình đào tạo, trong đó có tăng cường hợp tác với các nghệ nhân, đơn vị sản xuất kinh doanh hoa kiểng thành công trong và ngoài thành phố, tham gia giảng dạy chuyển giao kỹ thuật trồng, tạo dáng bon sai và một số loại hoa có giá trị; chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; kỹ thuật xử lý ra hoa; giới thiệu các giống hoa, cây kiểng mới cho người dân đang và sẽ tham gia phát triển sản xuất hoa, cây kiểng ở các vùng chuyên canh của thành phố.

+ Khuyến khích nghiên cứu ứng dụng và triển khai các mô hình sản xuất hoa, cây kiểng ứng phó với biến đổi khí hậu.

5.3. Tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm:

- Tổ chức sản xuất:

+ Đẩy mạnh công tác vận động nông dân tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác để tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Tăng cường củng cố, hỗ trợ nâng cao vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác trong công tác điều hành, quản lý hộ, nghiên cứu thị trường để tiêu thụ sản phẩm.

+ Tăng cường vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các chủng loại hoa kiểng phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao; nhằm hình thành khu sản xuất tập trung với quy mô lớn tại Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn.

+ Đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi phục vụ sản xuất, vận chuyển, kinh doanh.

+ Xây dựng mô hình trồng hoa kiểng gắn với thực hiện chương trình nông thôn mới, mỗi xã xây dựng một mô hình trồng hoa kiểng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Xây dựng các vùng trồng hoa kiểng gắn với phát triển du lịch sinh thái.

- Tiêu thụ sản phẩm:

+ Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho hoa kiểng thành phố: sớm xây dựng Trung tâm giao dịch và triển lãm tại Củ Chi; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa các sản phẩm hoa kiểng vào sân bay, nhà hàng, khách sạn.

+ Xây dựng kế hoạch và tổ chức khảo sát, nghiên cứu thị trường hoa kiểng, xác định nhu cầu về chủng loại, giống của người sản xuất và tiêu thụ; xây dựng hệ thống sản xuất, tiêu thụ giữa hợp tác xã, tổ hợp tác, các chợ hoa trong và ngoài thành phố để cung cấp và nắm bắt kịp thời các thông tin về giá cả thị trường cũng như nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.

+ Tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, nghệ nhân trồng hoa kiểng trên địa bàn thành phố tham gia các hội chợ, hội hoa xuân để quảng bá sản phẩm.

+ Hội Sinh vật cảnh, Hội Hoa lan cây kiểng thành phố, Hội Làm vườn và Trang trại tăng cường hỗ trợ kinh nghiệm sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ hoa kiểng.

+ Đẩy mạnh và phát triển thương mại điện tử, công tác cung cấp thông tin thương mại và thị trường: Tiếp tục công tác xây dựng website cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoa kiểng.

- Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển:

+ Nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

+ Tăng cường đầu tư và khai thác các nguồn vốn đầu tư của các dự án nước ngoài, vốn của các doanh nghiệp hợp đồng đầu tư bao tiêu sản phẩm, các nông hộ.

+ Phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng hỗ trợ nhiều hình thức vay vốn khác nhau: thế chấp bằng tài sản, vay theo dự án sản xuất với lãi suất ưu đãi.

+ Các ban, ngành nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân tiếp cận và sử dụng các nguồn vốn trên để phát triển sản xuất.

6. Các chương trình, đề án trọng điểm giai đoạn 2011 - 2015:

Để triển khai chương trình phát triển hoa, cây kiểng, cần thiết phải thực hiện các nội dung sau đây:

6.1. Đề án lai tạo, chọn tạo, nhập nội, thuần hóa và khảo nghiệm các giống hoa, cây kiểng mới phục vụ sản xuất:

- Mục tiêu: Nhằm chọn tạo các giống hoa, cây kiểng có chất lượng, mẫu mã đẹp phù hợp với điều kiện canh tác ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

- Nội dung: Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới để thực hiện việc lai tạo, chọn tạo, nhập nội, thuần hóa và khảo nghiệm cùng với kỹ thuật canh tác cần thiết.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2011 đến năm 2015.

- Tổng kinh phí: 5 tỷ đồng.

- Cơ quan quản lý: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Trung tâm Công nghệ Sinh học.

- Đơn vị phối hợp: Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

6.2. Chương trình ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến; xây dựng mô hình hoa, cây kiểng ở các xã nông thôn mới; nhân rộng mô hình, nâng cao hiệu quả sản xuất:

- Mục tiêu: Tăng cường công tác hướng dẫn, chuyển giao các công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện và trình độ canh tác của nhà vườn trồng hoa, cây kiểng ở thành phố; nhân rộng mô hình, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân, đặc biệt là các xã thực hiện chương trình nông thôn mới.

- Nội dung: Nghiên cứu xây dựng các quy trình canh tác phù hợp, các công nghệ tiên tiến: trồng không cần đất, hệ thống tưới, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, xử lý ra hoa…, xây dựng mô hình, tập huấn, chuyển giao ra sản xuất.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2011 đến năm 2015.

- Tổng kinh phí: 6 tỷ đồng.

- Cơ quan quản lý: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Trung tâm Khuyến Nông.

- Đơn vị phối hợp: Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, Chi cụcBảo vệ thực vật, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp.

6.3. Đề án xây dựng và đẩy mạnh kênh tiêu thụ, tiếp thị hoa kiểng thành phố: 

- Mục tiêu:

+ Xây dựng các kênh tiêu thụ liên kết giữa người sản xuất và nhà phân phối cho hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố.

+ Thực hiện các công tác truyền thông, tiếp thị để nâng cao hiểu biết và gắn kết sản phẩm hoa cây kiểng với người tiêu dùng.

- Nội dung:

+ Điều tra, xác định kênh tiêu thụ chủ lực cho hoa cây kiểng trên địa bàn thành phố.

+ Xây dựng kênh tiêu thụ hoa cây kiểng ổn định, đa dạng thông qua nhà hàng, khách sạn, sân bay..v..v..

+ Đề ra các giải pháp, chính sách hỗ trợ để tăng cường tiêu thụ hoa cây kiểng.

+ Tổ chức các sự kiện nhân các ngày lễ lớn, hội nghị, buổi giới thiệu sản phẩm hoa, cây kiểng trong các kỳ hội chợ.

+ Thực hiện đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, tiếp thị để quảng bá cho hoa cây kiểng thành phố thông qua Báo, Đài Phát thanh, Truyền hình.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2011 đến năm 2015.

- Tổng kinh phí: 5,3 tỷ đồng.

- Cơ quan quản lý: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp.

- Đơn vị phối hợp: Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, các đơn vị trực thuộc Sở.

6.4. Đề án đào tạo, nâng cao năng lực hoạt động hợp tác xã, tổ hợp tác hoa, cây kiểng:

- Mục tiêu:

Tập trung đào tạo nâng cao trình độ, năng lực quản lý của Ban chủ nhiệm Hợp tác xã, Tổ hợp tác.

- Nội dung:

+ Đào tạo nâng cao trình độ, năng lực quản lý của 100% Ban chủ nhiệm Hợp tác xã, Tổ hợp tác.

+ Xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác trở thành đầu mối liên kết hợp tác nhằm liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu 45 - 50% sản phẩm được tiêu thụ thông qua hợp đồng kinh tế.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2011 đến năm 2015.

- Tổng kinh phí: 0,5 tỷ đồng.

- Cơ quan quản lý: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Chi Cục Phát triển nông thôn.

- Đơn vị phối hợp: Liên minh Hợp tác xã thành phố, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến rau, quả.

7. Tổ chức thực hiện:

7.1. Thời gian thực hiện: Từ năm 2011 đến năm 2015.

7.2. Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn giai đoạn 2011 - 2015:

- Trưởng ban: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.

- Phó ban: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan.

- Các Ủy viên: Lãnh đạo các quận, huyện có sản xuất hoa, cây kiểng

7.3. Cơ quan thường trực: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

7.4. Cơ quan, đơn vị thực hiện:

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường có sản xuất hoa, cây kiểng.

- Các doanh nghiệp, hộ nông dân, hợp tác xã, liên tổ, tổ hợp tác.

- Các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

7.5. Các cơ quan phối hợp:

- Các Sở, ngành liên quan: Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Khoa học và Công nghệ.

- Các đoàn thể: Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố.

- Các trường Đại học, Viện nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công ty sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp.

7.6. Nhiệm vụ cụ thể các Sở, ngành, quận, huyện:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Phối hợp với các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường quy hoạch, xác định các vùng sản xuất hoa, cây kiểng tập trung cụ thể theo từng giai đoạn.

+ Hướng dẫn các quận, huyện tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất cho từng loại hoa, cây kiểng trên địa bàn.

+ Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch hàng năm, 5 năm đảm bảo nhiệm vụ, mục tiêu của chương trình.

+ Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các quận, huyện có sản xuất hoa kiểng nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố ban hành hoặc điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hoa kiểng.

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

+ Khẩn trương lập và quy hoạch chi tiết vùng sản xuất cho từng loại hoa, cây kiểng theo Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”.

+ Tổ chức phổ biến, công khai các quy hoạch; đồng thời chịu trách nhiệm quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định phân bổ nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng; thẩm định và tổng hợp bố trí dự toán hàng năm kinh phí sự nghiệp thực hiện các chương trình, đề án.

- Sở Khoa học và Công nghệ: Xét duyệt, triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp thành phố phục vụ Chương trình phát triển hoa, cây kiểng.

- Hội Nông dân: Chỉ đạo đoàn thể các cấp cơ sở tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn và địa phương tuyên truyền, phổ biến, vận động nông dân, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực hoa, cây kiểng quán triệt và tham gia thực hiện chương trình phát triển hoa kiểng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015.

- Hội Sinh vật cảnh, Hội Hoa lan cây cảnh, Hội làm vườn và Trang trại thành phố: Phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi trồng hoa, cây kiểng cho các nông hộ; hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các nhà vườn, nghệ nhân tham gia các hội thi, các buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm sản xuất - thị trường tiêu thụ; tích cực đẩy mạnh phong trào nuôi trồng hoa cảnh phục vụ nhu cầu cải tạo môi trường, cảnh quan thành phố, kết hợp du lịch và các dịch vụ liên quan./.