Quyết định 13/2011/QĐ-UBND Quy định về lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành
Số hiệu: 13/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk Người ký: Lữ Ngọc Cư
Ngày ban hành: 07/06/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2011/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 07 tháng 06 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ LẬP, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 162/TTr-SXD ngày 09/12/2010 và Công văn số 454/SXD-KT ngày 24/05/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức, triển khai, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này, định kỳ báo cáo kết quả với UBND tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế các quy định về phân cấp, ủy quyền trong việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ban hành kèm Quyết định số 32/2006/QĐ-UBND ngày 02/8/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh;

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Giao thông vận tải, Tài chính; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Xây dựng; (b/c)
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh; (b/c)
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; (b/c)
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Vụ pháp chế - Bộ Xây dựng;
- Cục Kiểm tra VB – Bộ Tư pháp;
- Các Ban thuộc HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Báo Đắk Lắk, Đài PTTH tỉnh;
- Website tỉnh, TT Công báo;
- VP UBND tỉnh: CVP, PCVP; Các P, TT;
- Lưu: VT, CN (Ti.100).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư

 

QUY ĐỊNH

VỀ LẬP, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy định này quy định trách nhiệm và quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Xây dựng, Phòng Quản lý đô thị thành phố, thị xã, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, chủ đầu tư dự án quy hoạch xây dựng trong thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Quy hoạch đô thị bao gồm các loại sau đây:

1. Quy hoạch chung được lập cho thành phố, thị xã, thị trấn, đô thị loại V chưa công nhận là thị trấn thuộc huyện và đô thị mới. Bản vẽ của đồ án quy hoạch chung thành phố, thị xã, đô thị mới được thể hiện theo tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000. Bản vẽ của đồ án quy hoạch chung thị trấn, đô thị loại V chưa công nhận là thị trấn được thể hiện theo tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000.

2. Quy hoạch phân khu được lập cho các khu vực trong thành phố, thị xã và đô thị mới. Bản vẽ của đồ án quy hoạch phân khu được thể hiện theo tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/5.000.

3. Quy hoạch chi tiết được lập cho khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng. Bản vẽ của đồ án quy hoạch chi tiết được thể hiện theo tỷ lệ 1/500.

4. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật là một nội dung trong đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Điều 2. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị

Việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị phải theo trình tự sau đây:

- Lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị;

- Thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đô thị;

- Lập đồ án quy hoạch đô thị;

- Thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch đô thị.

Chương 2.

THẨM QUYỀN LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

Điều 3. Trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị

1. Sở Xây dựng tham mưu, giúp UBND tỉnh tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu vực có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của hai huyện trở lên, khu vực trong đô thị mới và khu vực có ý nghĩa quan trọng, trừ quy hoạch chung đô thị mới do Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch.

2. Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã tổ chức lập quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý, trừ quy hoạch đô thị được quy định tại các khoản 1 và 4 Điều này.

3. Ủy ban nhân dân huyện tổ chức lập quy hoạch chung thị trấn, đô thị loại V chưa công nhận là thị trấn, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý, trừ quy hoạch đô thị quy định tại các khoản 1 và 4 Điều này.

4. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư.

Thời gian lập quy hoạch đô thị thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị.

Điều 4. Trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch đô thị

1. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng quy định tại khoản 4 Điều 3 Quy định này có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị.

Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, tổ chức tư vấn lập quy hoạch có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng quy định tại khoản 4, Điều 3 Quy định này trong việc lấy ý kiến.

2. Tổ chức tư vấn lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về đồ án quy hoạch đô thị.

3. Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp thẩm quyền xem xét trước khi quyết định phê duyệt.

Điều 5. Hình thức, thời gian lấy ý kiến về quy hoạch đô thị

1. Việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.

2. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung được thực hiện thông qua lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

3. Việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được thực hiện bằng phiếu góp ý thông qua hình thức trưng bày công khai hoặc giới thiệu phương án quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng.

4. Thời gian lấy ý kiến ít nhất là 15 ngày làm việc đối với cơ quan, 30 ngày làm việc đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.

Điều 6. Cơ quan thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị

1. Sở Xây dựng thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, trừ nhiệm vụ quy hoạch chi tiết các khu vực thuộc dự án đầu tư xây dựng được cấp giấy phép quy hoạch.

2. Phòng Quản lý đô thị thành phố, thị xã, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã, huyện, trừ nhiệm vụ quy hoạch chi tiết các khu vực thuộc dự án đầu tư xây dựng được cấp giấy phép quy hoạch.

3. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình, trình Sở Xây dựng thẩm định đối với đồ án quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh; trình Phòng Quản lý đô thị thành phố, thị xã, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện thẩm định đối với đồ án quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Điều 7. Thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị

1. Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt:

a) Nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn, đô thị loại V chưa công nhận là thị trấn và đô thị mới, trừ quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; đối với đồ án quy hoạch chung đô thị loại II, III, IV và đô thị mới, trước khi phê duyệt phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng;

b) Nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu thuộc đô thị từ loại IV trở lên; nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực trong đô thị có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của hai huyện trở lên, khu vực có ý nghĩa quan trọng (những khu chức năng trung tâm chính trị, văn hóa, thương mại, các khu vực thuộc đầu mối giao thông chính của đô thị từ loại IV trở lên), khu vực trong đô thị mới, trừ các quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và nhiệm vụ quy hoạch chi tiết quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã, huyện phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý trừ các quy hoạch chi tiết quy định tại điểm b khoản 1 và nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được quy định tại khoản 3 Điều này, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Xây dựng.

3. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu vực đã được cấp giấy phép quy hoạch

4. Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã, huyện có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về quy hoạch chung đô thị trước khi quy hoạch này được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã, huyện trong việc báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về quy hoạch chung đô thị của thành phố, thị xã, thị trấn, đô thị loại V chưa công nhận là thị trấn và đô thị mới.

Các bản vẽ của các đồ án quy hoạch đô thị phải được ký, đóng dấu của cơ quan thẩm định trước khi cơ quan có thẩm quyền ký phê duyệt.

Đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị không thuộc thẩm quyền thẩm định của Sở Xây dựng, sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị (chủ đầu tư) có trách nhiệm gửi 01 bộ hồ sơ (kèm theo quyết định phê duyệt, file (tập tin) và các bản vẽ đã ký, đóng dấu phê duyệt) cho Sở Xây dựng để phục vụ công tác quản lý.

Điều 8. Cơ quan trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị

1. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị được quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 3 Quy định này trình Sở Xây dựng thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Xây dựng thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt:

- Nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc trách nhiệm tổ chức lập của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Đồ án quy hoạch đô thị do chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập.

3. Phòng Quản lý đô thị thành phố, thị xã, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện thẩm định và trình Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã, huyện phê duyệt:

- Nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã huyện;

- Đồ án quy hoạch đô thị do chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập.

4. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng trình:

- Sở Xây dựng thẩm định đối với đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Phòng Quản lý đô thị thành phố, thị xã, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện thẩm định đối với đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã và các huyện.

Cơ quan thẩm định quy hoạch đô thị có trách nhiệm căn cứ vào ý kiến của các cơ quan có liên quan, Hội đồng thẩm định, nội dung nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị, có văn bản gửi cơ quan trình thẩm định để hoàn chỉnh nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị. Sau khi nhận được hồ sơ nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị hoàn chỉnh, cơ quan thẩm định báo cáo nội dung thẩm định với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt xem xét, quyết định.

Điều 9. Thời gian thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị

Thời gian thẩm định, phê duyệt đối với quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn, đô thị mới, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, được quy định như sau:

- Đối với nhiệm vụ: Thời gian thẩm định không quá 20 ngày làm việc; thời gian phê duyệt không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định.

- Đối với đồ án: Thời gian thẩm định không quá 25 ngày làm việc; thời gian phê duyệt không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định.

Thời gian thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị nêu trên cũng được tính là thời gian tối đa mà cơ quan thẩm định hoặc cơ quan phê duyệt cần phải có văn bản hướng dẫn (đối với các hồ sơ cần chỉnh sửa, hoàn chỉnh) để cơ quan trình thẩm định hoàn chỉnh nhiệm vụ hoặc đồ án quy hoạch đô thị. Thời gian thẩm định, phê duyệt tiếp theo cũng được tính như thời gian thẩm định, phê duyệt lần đầu kể từ ngày nhận được hồ sơ nhiệm vụ hoặc đồ án quy hoạch đô thị hoàn chỉnh.

Thời gian để Sở Xây dựng có ý kiến thống nhất bằng văn bản (đối với các quy hoạch đô thị không thuộc thẩm quyền thẩm định của Sở Xây dựng) và các Sở, ngành liên quan có ý kiến là không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan thẩm định. Quá thời hạn này mà vẫn chưa có văn bản trả lời thì xem như thống nhất với ý kiến thẩm định của cơ quan thẩm định. Thời gian lấy ý kiến được tính trong thời gian thẩm định của cơ quan thẩm định theo quy định.

Điều 10. Thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch đô thị

1. Sở Xây dựng thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Phòng Quản lý đô thị thành phố, thị xã, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện thẩm định dự toán chi phí lập quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã và các huyện.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch đô thị theo kết quả thẩm định và đề nghị của Phòng Kinh tế và Hạ tầng (đối với các huyện), Phòng Quản lý đô thị (đối với thành phố, thị xã).

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Xây dựng

1. Chuẩn bị hồ sơ để Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, trừ quy hoạch đô thị thuộc trách nhiệm tổ chức lập của Bộ Xây dựng.

2. Chuẩn bị hồ sơ để Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh liên quan đồng trình xin ý kiến Bộ Xây dựng về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị có phạm vi lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính hai tỉnh trở lên.

3. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy định có liên quan đến Luật quy hoạch đô thị như: Điều chỉnh quy hoạch đô thị; tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị; quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị; quản lý và sử dụng đất đô thị theo quy hoạch; quản lý xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng và không gian ngầm đô thị theo quy hoạch; quản lý xây dựng theo quy hoạch đô thị.

4. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan để tổ chức kiểm tra theo quy định việc tuân thủ các quy định của Quy định này và các quy định khác có liên quan về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và tổ chức thực hiện, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.

Điều 12. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp huyện lập kế hoạch hàng năm sử dụng vốn ngân sách cho công tác lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết không thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn,vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.