Quyết định 32/2006/QĐ-UBND ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Giáo dục huyện Bình Chánh do Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh ban hành
Số hiệu: 32/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Ngọc Tường
Ngày ban hành: 06/07/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/07/2006 Số công báo: Số 9
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN BÌNH CHÁNH
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 32/2006/QĐ-UBND

Bình Chánh, ngày 06 tháng 7 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG GIÁO DỤC HUYỆN BÌNH CHÁNH

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH CHÁNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 1348/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh về việc công nhận Hội đồng Giáo dục huyện Bình Chánh nhiệm kỳ IV (2006 - 2010);
Theo đề nghị của Trưởng Phòng Giáo dục huyện Bình Chánh tại Công văn số 338/GD ngày 12 tháng 6 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Hội đồng Giáo dục huyện Bình Chánh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 7 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng Phòng Nội Vụ, Trưởng Phòng Tư pháp, Trưởng Phòng Giáo dục, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục huyện Bình Chánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
 
 
 
 
Nguyễn Ngọc Tường

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG GIÁO DỤC HUYỆN BÌNH CHÁNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2006/QĐ-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh)

Chương 1

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

Điều 1. Hội đồng Giáo dục huyện được thành lập theo Quyết định số 1348/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh; Hội đồng Giáo dục huyện là tổ chức tư vấn, tham mưu cho Thường trực Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện công tác giáo dục trên địa bàn huyện; đồng thời thực hiện việc phối hợp giữa môi trường giáo dục và huy động các lực lượng xã hội cùng chăm lo sự nghiệp giáo dục của huyện.

Điều 2. Hội đồng Giáo dục huyện có nhiệm vụ:

- Tham mưu, đề xuất cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các ngành chức năng và Ủy ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện đúng Luật Giáo dục và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về tiếp tục đổi mới và phát triển giáo dục - đào tạo đến giai đoạn năm 2010 trên địa bàn huyện.

- Tuyên truyền, vận động các ngành, các giới, mọi tầng lớp nhân dân về tinh thần, ý thức trách nhiệm; huy động mọi nguồn lực xã hội trong việc chăm lo sự  nghiệp giáo dục thế hệ trẻ của huyện theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.

- Phối hợp với các Ban, ngành, Đoàn thể, xã, thị trấn, nhà trường và nhân dân thực hiện công tác giáo dục toàn diện bao gồm các mặt đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục cho học sinh; định hướng nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa theo Nghị quyết của Đảng.

- Nghiên cứu các quy định hiện hành của Nhà nước, tham mưu đề xuất cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện về chế độ chăm lo, đãi ngộ cho giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục, chế độ khuyến khích vật chất nhằm phát huy tài năng trẻ trong học sinh, sinh viên của huyện.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng Giáo dục huyện theo định kỳ hàng tháng, quý, năm trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt để tổ chức thực hiện.

Chương 2

TỔ CHỨC BỘ MÁY

Điều 3. Hội đồng Giáo dục huyện gồm có 33 thành viên được Đại hội Giáo dục huyện Bình Chánh nhiệm kỳ IV (2006 - 2010) bầu và được Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh quyết định công nhận. Nhiệm kỳ của Hội đồng Giáo dục huyện theo nhiệm kỳ của Ủy ban nhân dân huyện.

Hội đồng Giáo dục huyện do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phụ trách khối văn hóa xã hội làm Chủ tịch, lãnh đạo các Ban, ngành, đoàn thể có liên quan làm thành viên; Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm công tác; Phòng Giáo dục huyện là cơ quan thường trực của Hội đồng có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động của Hội đồng Giáo dục huyện.

Từng thành viên Hội đồng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình tích cực thực hiện tốt chương trình, kế hoạch của Hội đồng Giáo dục huyện.

Chương 3

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC, PHẠM VI TRÁCH NHIỆM, CHẾ ĐỘ HỘI HỌP

Điều 4. Mối quan hệ công tác:

a) Đối với Thường trực Huyện ủy và Thường trực Hội đồng nhân dân huyện:

Hội đồng Giáo dục huyện có trách nhiệm tổ chức phối hợp các Ban, ngành, Đoàn thể, xã, thị trấn, nhà trường và nhân dân thực hiện tốt công tác giáo dục trên địa bàn huyện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bình Chánh lần thứ IX và Nghị quyết hàng năm của Hội đồng nhân dân huyện.

b) Đối với Ủy ban nhân dân huyện:

Hội đồng Giáo dục huyện là tổ chức tư vấn, tham mưu cho Thường trực Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện công tác giáo dục trên địa bàn huyện, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ được quy định trong Quy chế này.

c) Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố:

Hội đồng Giáo dục huyện báo cáo xin ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố về các lĩnh vực có liên quan đến chủ trương, chính sách, định hướng giáo dục để tham mưu, tư vấn cho Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo thực hiện công tác; chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố.

d) Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các Ban, ngành, Đoàn thể của huyện:

Hội đồng Giáo dục huyện phối hợp cùng với Mặt trận Tổ quốc huyện và các Đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động các ngành, các giới, mọi tầng lớp nhân dân về tinh thần, ý thức trách nhiệm; huy động mọi nguồn lực xã hội trong việc chăm lo sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ của huyện.

Thực hiện tốt mối quan hệ, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ.

e) Đối với Ủy ban nhân dân xã, thị trấn:  

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn ban hành quyết định thành lập Hội đồng Giáo dục của xã, thị trấn với các thành phần tương tự như cấp huyện. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Hội đồng Giáo dục huyện để tổ chức và hoạt động.

Quan hệ giữa Hội đồng Giáo dục huyện và Hội đồng Giáo dục xã, thị trấn là quan hệ chỉ đạo và phối hợp thực hiện công tác. Hội đồng Giáo dục huyện chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đánh giá hoạt động của Hội đồng Giáo dục xã, thị trấn trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động do Hội đồng Giáo dục huyện đề ra.

Hội đồng Giáo dục xã, thị trấn có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã, thị trấn tổ chức thực hiện đúng các hoạt động giáo dục tại địa phương theo yêu cầu hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục huyện; đồng thời báo cáo, phản ánh kịp thời những vấn đề liên quan đến công tác giáo dục tại địa phương cho Hội đồng Giáo dục huyện.

Điều 5. Phạm vi trách nhiệm:

5.1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện: tuyên truyền vận động nhân dân thống nhất quan điểm và yêu cầu giáo dục cho thế hệ trẻ một cách đồng bộ và hiệu quả.

5.2. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: tích cực tổ chức tập hợp thanh thiếu niên địa phương, nhất là những thanh thiếu niên cá biệt, chưa ngoan để đưa các em hòa nhập vào môi trường văn minh và tập thể tiến bộ, vận động thanh niên trong độ tuổi ra các lớp phổ cập.

5.3. Hội Liên hiệp phụ nữ huyện: thông qua các Chi hội xã, thị trấn vận động các chị em phụ nữ nâng cao vai trò trách nhiệm chăm sóc và giáo dục con em trong gia đình tạo điều kiện cho con em học tập tốt, khen thưởng động viên những mặt tốt của con em kịp thời.

5.4. Liên đoàn Lao động huyện: thông qua tổ chức Công đoàn cơ quan chăm sóc việc học tập, rèn luyện cho trẻ em, tạo điều kiện cho thanh thiếu niên tham quan các cơ quan, xí nghiệp để học tập, tiếp xúc với môi trường xã hội nhằm chuẩn bị cho trẻ từng bước tiếp cận, hội nhập vào xã hội, hiểu được giá trị lao động.

5.5. Hội Nông dân: làm nòng cốt vận động giáo dục mọi gia đình chăm sóc giáo dục tốt con em, nhất là những gia đình chưa ý thức quan tâm đầy đủ, kết hợp với nhà trường tham gia giáo dục tuyên truyền cho trẻ.

5.6. Hội Khuyến học: thực hiện chủ trương công tác xã hội hóa giáo dục, tổ chức tuyên truyền vận động toàn xã hội quan tâm chăm sóc thế hệ trẻ về vật chất lẫn tinh thần, tích cực xây dựng quỹ khuyến học dồi dào, xây dựng nhiều loại hình hoạt động phù hợp, thiết thực.

5.7. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em: vận động nhân dân phải có trách nhiệm với thế hệ trẻ, kết hợp chặt chẽ với nhà trường để có biện pháp chăm sóc tốt hơn, tích cực vận động trẻ đến trường.

5.8. Trung tâm Y tế: thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia như phòng chống sốt rét, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tiêm chủng mở rộng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện để đảm bảo sức khỏe cho học sinh giúp các em học tập tốt (chú ý kiểm tra các quán ăn uống hàng rong xung quanh trường học).

5.9. Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao: đẩy mạnh phong trào vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; có biện pháp quản lý chặt chẽ các dịch vụ kinh doanh ngành nghề nhạy cảm không đúng quy định, như dịch vụ internet, cho thuê phim ảnh, trò chơi điện tử không lành mạnh nhằm ngăn chặn kịp thời những tác động xấu làm ảnh hưởng đến nhân cách của các em.

5.10. Trung tâm Văn hóa - Thể dục - Thể thao: mở rộng các loại hình văn hóa văn nghệ tiến bộ phục vụ tại địa phương, tạo điều kiện cho các em tham gia các loại hình này, góp phần rèn luyện, giáo dục đạo đức lối sống cho các em.

5.11. Trung tâm Dạy nghề: có kế hoạch dạy nghề thu hút tập hợp nhiều thanh thiếu niên tại các địa bàn dân cư theo học, góp phần ngăn chặn tệ nạn phát sinh từ những thanh thiếu niên lêu lỏng.

5.12. Phòng Giáo dục và các trường học: thực hiện tốt công tác giảng dạy theo phương châm “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, phát huy tính dân chủ hóa trong trường học, xây dựng tập thể nhà trường đoàn kết, quyết tâm đổi mới phương pháp giảng dạy “Lấy học sinh làm trung tâm”. Vận động các Hội Cha mẹ học sinh thường xuyên tiếp xúc với nhà trường để nắm tình hình học của con mình, cũng như quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập trong trường; Đặc biệt là xây dựng nhiều Hội Cha mẹ học sinh vững mạnh từ cấp trường đến Chi hội lớp, lấy Chi hội lớp làm đơn vị chủ lực động viên giúp đỡ nhau làm tốt vai trò giáo dục các em tại gia đình.

Điều 6. Chế độ hội họp:

- Hội đồng Giáo dục huyện họp định kỳ 6 tháng 1 lần để chuẩn bị kế hoạch hoạt động đầu năm học, hoạt động hè. Các thành viên chuẩn bị báo cáo bằng văn bản gởi Thường trực Hội đồng (Phòng Giáo dục) trước một tuần để tổng hợp báo cáo.

- Ngoài phiên họp định kỳ, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục huyện sẽ triệu tập các thành viên Hội đồng họp đột xuất khi cần thiết. Các thành viên có trách nhiệm dự họp đầy đủ, nếu vắng mặt có lý do chính đáng phải cử người dự họp thay.

- Hàng tháng có chế độ thông tin bằng văn bản giữa các thành viên của Hội đồng và bộ phận Thường trực để tạo mối liên lạc thường xuyên.

- Hội đồng Giáo dục huyện tổ chức phân công các thành viên phụ trách địa bàn các xã, thị trấn để theo dõi, đôn đốc hoạt động của Hội đồng Giáo dục ở cơ sở.

Chương 4

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Chủ tịch Hội đồng Giáo dục huyện Bình Chánh có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục huyện có thể đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện bổ sung hoặc sửa đổi Quy chế cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH
 
 
 
 
Nguyễn Ngọc Tường

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.