Quyết định 15/2011/QĐ-UBND về Quy định phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành
Số hiệu: 15/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh Người ký: Lê Đình Sơn
Ngày ban hành: 28/06/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 15/2011/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 28 tháng 6 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04/4/2001; Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ; Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07/5/2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập;
Căn cứ Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 834/SNN-TL ngày 24/3/2011 và Văn bản số 2071/SNN-TL ngày 22/6/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định và phụ lục phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Tổng cục Thủy lợi;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TTr Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Website Chính phủ;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh;
- Các Phó VP; các Phòng thuộc VP-UB;
- Lưu: VT, NL1

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đình Sơn

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 15 /2011/QĐ-UBND ngày 28 /6/2011 của UBND tỉnh Hà Tĩnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này hướng dẫn phân cấp quản lý, khai thác đối với các công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước đã được đưa vào khai thác, sử dụng.

Đối với các công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi được đầu tư xây dựng bằng các nguồn vốn khác, việc tổ chức quản lý, vận hành do chủ sở hữu (hoặc đại diện chủ sở hữu) quyết định trên cơ sở vận dụng hướng dẫn của Quy định này và các hướng dẫn khác theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, sử dụng có hiệu quả.

Việc bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện theo Quyết định số 49/2009/QĐ-UBND ngày 29/12/2009 của UBND tỉnh.

2. Đối tượng áp dụng:

Quy định này được áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Nguyên tắc, điều kiện phân cấp:

1. Việc tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi phải bảo đảm tính hệ thống của công trình, kết hợp quản lý theo lưu vực và vùng lãnh thổ. Củng cố vững chắc mối quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong quá trình quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Bảo đảm an toàn và khai thác có hiệu quả các công trình thuỷ lợi trong việc tưới tiêu, cấp nước phục vụ các ngành sản xuất, dân sinh, kinh tế - xã hội và môi trường.

2. Mô hình tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi phải phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động, yêu cầu kỹ thuật quản lý, vận hành và điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương. Bảo đảm mỗi hệ thống công trình, công trình thuỷ lợi phải do một tổ chức hoặc cá nhân trực tiếp quản lý, vận hành và bảo vệ.

3. Việc quản lý, vận hành và bảo vệ các công trình đầu mối lớn, công trình quan trọng, hệ thống kênh trục chính và các kênh nhánh có quy mô lớn, kỹ thuật vận hành phức tạp phải do doanh nghiệp có năng lực và kinh nghiệm trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện để bảo đảm vận hành công trình an toàn, hiệu quả.

4. Tổ chức, cá nhân được giao hoặc có tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi phải có đủ năng lực, kinh nghiệm phù hợp với quy mô, tính chất, yêu cầu kỹ thuật của từng công trình, hệ thống công trình được giao.

5. Phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi thực hiện đồng thời với việc củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực tổ chức Hợp tác dùng nước. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương và người dân trong việc tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ, nhằm phát huy hiệu quả công trình thủy lợi.

6. Phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi thực hiện trên nguyên tắc phân cấp công trình nhưng không phân cấp lao động quản lý, khai thác công trình. Các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi có trách nhiệm sắp xếp, bố trí lao động một cách hợp lý, phù hợp với tính chất kỹ thuật của từng công trình, được giao quản lý, khai thác và bảo vệ.

7. Tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi được hưởng đầy đủ các quyền lợi và phải thực hiện các nghĩa vụ trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nội dung quản lý, khai thác công trình thủy lợi:

Công tác quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi bao gồm ba nội dung chính sau:

1. Quản lý nước: Điều hoà phân phối tưới, tiêu nước công bằng, hợp lý trong hệ thống công trình thuỷ lợi, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh, môi trường và các ngành kinh tế quốc dân khác.

2. Quản lý công trình: Kiểm tra, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố trong hệ thống công trình thuỷ lợi, đồng thời thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp công trình, máy móc, thiết bị; bảo vệ và vận hành công trình theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo công trình vận hành an toàn, hiệu quả và sử dụng lâu dài.

3. Tổ chức và quản lý kinh tế: Xây dựng mô hình tổ chức hợp lý để quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, tài sản và mọi nguồn lực được giao nhằm thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi, kinh doanh tổng hợp đa mục tiêu theo qui định của pháp luật.

Điều 4. Phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi:

1. Giao cho các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thủy lợi (sau đây gọi tắt là Công ty TNHH MTV thủy lợi) trực tiếp quản lý, khai thác các công trình đầu mối, các trục kênh chính và các công trình điều tiết nước có quy mô vừa và lớn thuộc hệ thống công trình thủy lợi liên huyện, liên xã có yêu cầu về quản lý, vận hành phức tạp, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các huyện, xã trong phạm vi hệ thống và giữa các đối tượng sử dụng nước, cụ thể:

a. Hồ chứa nước:

+ Hồ chứa có phạm vi phục vụ liên huyện, liên xã;

+ Hồ chứa có dung tích trên 1.000.000m3 nước hoặc hồ chứa có chiều cao đập trên 12m.

b. Đập dâng:

+ Đập dâng có phạm vi phục vụ liên huyện, liên xã;

+ Đập dâng có chiều cao đập trên 10m.

c. Trạm bơm:

+ Trạm bơm phục vụ tưới tiêu liên huyện, liên xã.

+ Trạm bơm có diện tích tưới, tiêu lớn hơn 200ha.

d. Kênh mương và các công trình trên kênh: các trục kênh chính, kênh nhánh, các công trình điều tiết nước thuộc hệ thống công trình thủy lợi liên huyện, liên xã có yêu cầu kỹ thuật về quản lý, vận hành điều tiết phức tạp, tính từ vị trí cống đầu kênh đến công trình đầu mối của hệ thống công trình thủy lợi.

đ. Các công trình đầu mối: Cống ngăn mặn, giữ ngọt, cống tiêu thoát lũ và các cống điều tiết lớn có tính chất kỹ thuật phức tạp.

2. Giao UBND cấp huyện tổ chức phân cấp các công trình cho các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực quản lý, khai thác các công trình, hệ thống công trình thủy lợi nhỏ có tính chất kỹ thuật đơn giản, cụ thể:

a. Hồ chứa nước: Hồ chứa có dung tích từ 1.000.000m3 nước trở xuống hoặc hồ chứa có chiều cao đập nhỏ hơn hoặc bằng 12m phục vụ trong phạm vi một xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã).

b. Đập dâng: Đập dâng có chiều cao đập từ 10m trở xuống có quy mô tưới trong phạm vi một xã.

c. Trạm bơm: Trạm bơm phục vụ tưới trong phạm vi một xã có diện tích tưới tiêu nhỏ hơn hoặc bằng 200ha.

 d. Quy mô cống đầu kênh:

 "Cống đầu kênh" là công trình dẫn nước hoặc tiêu nước cho một diện tích hưởng lợi nhất định thuộc trách nhiệm quản lý của người hưởng lợi. Chi phí quản lý, vận hành, tu sửa kênh mương và các công trình từ cống đầu kênh đến mặt ruộng do người hưởng lợi đóng góp (gọi tắt là phí dịch vụ nội đồng).

Cống đầu kênh được quy định đối với từng vùng như sau:

 - Các địa phương miền núi: nhỏ hơn hoặc bằng 50ha.

 - Các địa phương còn lại: nhỏ hơn hoặc bằng 100 ha.

 3. Tổ chức Hợp tác dùng nước, hộ gia đình, cá nhân có thể hợp đồng với các Doanh nghiệp để quản lý công trình, kênh mương trước cống đầu kênh và được trích một phần kinh phí từ nguồn cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước, tỷ lệ và mức trích cụ thể theo thoả thuận giữa Doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi đầu mối với Tổ chức hợp tác dùng nước trên cơ sở khối lượng, nội dung công việc thực hiện, diện tích phục vụ trong phạm vi hợp đồng và theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a. Giúp UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi quán triệt chủ trương của UBND tỉnh về các nội dung phân cấp (nhận hoặc giao) quản lý khai thác công trình thủy lợi.

b. Căn cứ Quy định này và các các quy định của pháp luật có liên quan, hướng dẫn các Công ty TNHH MTV thủy lợi phối hợp với UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan lập hồ sơ danh mục các công trình thủy lợi được phân cấp cho Công ty TNHH MTV thủy lợi và địa phương quản lý, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

c. Hướng dẫn các địa phương tiến hành thành lập, củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực tổ chức hợp tác dùng nước để quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Phối hợp với UBND các cấp lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho lực lượng tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng quy định.

d. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Thông tư số 56/2010/TT-NNPTNT ngày 01/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy định một số nội dung trong hoạt động của các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi trình UBND tỉnh quyết định thực hiện trong năm 2012.

đ. Hàng năm xây dựng kế hoạch để kiểm tra công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh, báo cáo kết quả kiểm tra về UBND tỉnh.

2. Sở Tài chính:

a. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị, cá nhân đánh giá đúng giá trị tài sản từng công trình tại thời điểm chuyển giao.

b. Hướng dẫn cụ thể công tác chuyển giao tài sản, vốn theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn khác của Nhà nước.

c. Bố trí đầy đủ, kịp thời kinh phí cấp bù thủy lợi phí theo kế hoạch được duyệt cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Tham mưu kế hoạch cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí ngân sách hàng năm để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương, đơn vị thực hiện công tác quản lý, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch, sở hữu và sử dụng vốn nhà nước đối với các Công ty TNHH MTV thủy lợi theo đúng các quy định của pháp luật.

4. Sở Lao động, Thương binh và xã hội:

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn, chỉ đạo các Doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trong việc quản lý, sử dụng lao động theo đúng các quy định hiện hành.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

a. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công trình thủy lợi trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Chủ trì chỉ đạo các địa phương củng cố, kiện toàn, sắp xếp và đổi mới quy mô hoạt động của các tổ chức Hợp tác dùng nước trên địa bàn đảm bảo đủ điều kiện, năng lực quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn khác. Đánh giá, xác định đúng giá trị tài sản các công trình thủy lợi được giao quản lý, khai thác theo hướng dẫn của Sở Tài chính và các quy định hiện hành để thực hiện phân cấp theo đúng quy định.

b. Chủ trì, chỉ đạo việc nhận bàn giao các công trình thủy lợi hiện do các Công ty TNHH MTV thủy lợi quản lý giao cho các tổ chức hợp tác dùng nước quản lý, đồng thời bàn giao các công trình do tổ chức hợp tác dùng nước đang quản lý cho Công ty TNHH MTV thủy lợi theo Quyết định của UBND tỉnh.

Căn cứ tính chất, đặc điểm cụ thể của từng công trình và năng lực của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để ban hành Quyết định phân giao quản lý các công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền cho các tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác và bảo vệ, đảm bảo mỗi công trình thuỷ lợi phải do một tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, vận hành và bảo vệ.

c. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, các tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi xác định vị trí "cống đầu kênh" cụ thể, lập hồ sơ giao, nhận quản lý, khai thác và bảo vệ, trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Quyết định để tổ chức thực hiện trong năm 2011.

6. Công ty TNHH MTV thủy lợi:

a. Chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng danh mục các công trình thủy lợi, các tuyến kênh, công trình trên kênh, vị trí "cống đầu kênh" thuộc hệ thống công trình do Doanh nghiệp quản lý, lập hồ sơ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện.

b. Xác định đúng giá trị tài sản các công trình thủy lợi được giao quản lý, khai thác theo hướng dẫn của Sở Tài chính và các quy định hiện hành để thực hiện phân cấp theo đúng quy định.

c. Báo cáo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi có sự thay đổi về hiện trạng công trình và thực trạng quản lý, khai thác công trình thủy lợi đối với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

d. Thỏa thuận về mức trích thủy lợi phí từ nguồn cấp bù của Nhà nước với Tổ chức hợp tác dùng nước, hộ gia đình, cá nhân quản lý công trình, kênh mương có quy mô diện tích phục vụ lớn hơn quy mô diện tích cống đầu kênh theo quy định tại Quy định này. Mức trích cụ thể trên cơ sở khối lượng, nội dung công việc thực hiện, diện tích thực tế vượt định mức quy định và theo đúng các quy định hiện hành.

đ. Chủ động đổi mới, kiện toàn tổ chức hoạt động để đáp ứng với chính sách thủy lợi phí mới. Xây dựng và thực hiện các chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật hợp lý, nhằm tiết kiệm triệt để điện, nước, xăng, dầu, ngày công và chi phí quản lý phù hợp với điều kiện của tổ chức và thực trạng công trình được giao quản lý, khai thác và bảo vệ.

7. Tổ chức Hợp tác dùng nước:

Đổi mới, kiện toàn tổ chức hoạt động để đáp ứng với chính sách thủy lợi phí mới. Xây dựng và thực hiện các chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật hợp lý, nhằm tiết kiệm triệt để điện, nước, xăng, dầu, ngày công và chi phí quản lý phù hợp với điều kiện của tổ chức và thực trạng công trình được giao quản lý, khai thác và bảo vệ theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2008/TT-BKH ngày 09/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 151/2007 ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác, Thông tư số 75/2004/TT-BNN ngày 20/12/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thành lập, củng cố và phát triển các tổ chức hợp tác dùng nước và Quyết định số 48/2005/QĐ/UB-NL1 ngày 08/6/2005 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế hoạt động của hội sử dụng nước thuộc các công trình thủy lợi trên địa bàn Hà Tĩnh.

8. Hộ gia đình, cá nhân tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi:

Nhiệm vụ, quyền hạn của hộ gia đình, cá nhân tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện theo hợp đồng giao khoán đã thỏa thuận giữa bên giao khoán và bên nhận khoán.

Điều 6. Điều khoản thi hành:

1. Thời gian thực hiện phân cấp xong trong năm 2011.

2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

3. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có những nội dung không phù hợp cần sửa đổi, bổ sung; đơn vị, tổ chức, cá nhân gửi ý kiến đề xuất, kiến nghị về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

 





Quyết định 49/2009/QĐ-UBND về bảo vệ công trình thủy lợi Ban hành: 29/12/2009 | Cập nhật: 07/08/2015

Nghị định 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập Ban hành: 07/05/2007 | Cập nhật: 15/05/2007