Quyết định 15/2009/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt tỉnh Bắc Giang đến năm 2020
Số hiệu: 15/2009/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang Người ký: Nguyễn Văn Linh
Ngày ban hành: 10/03/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2009/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 10 tháng 03 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬN TẢI KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29/6/2001;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ Quyết định số 34/2006/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định về quản lý vận tải khách công cộng bằng xe buýt;

Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 62/TTr-SGTVT ngày 06 tháng 02 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

- Vận tải khách công cộng bằng xe buýt phải đảm bảo đồng bộ giữa mạng lưới tuyến với mạng lưới giao thông của địa phương; các tuyến xe buýt kết nối được với nhau và với các phương thức vận tải khách khác trong và ngoài đô thị; đảm bảo phục vụ dễ dàng thuận tiện cho đi lại của nhân dân;

- Phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt theo nguyên tắc cung cấp dẫn đầu, nhằm khuyến khích nhân dân đi lại bằng phương tiện công cộng, tạo ra cơ cấu giao thông hợp lý;

- Phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt làm khâu trung tâm để xây dựng một hệ thống vận tải khách hoàn chỉnh, mang tính hiện đại và đồng bộ; phát huy lợi thế so với phương tiện giao thông cá nhân, từng bước thích ứng với sự phát triển giao thông vận tải của địa phương và của cả nước.

2. Mục tiêu phát triển

- Phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2015 đảm bảo vận chuyển được 30%, năm 2020 đảm bảo vận chuyển được 40% nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực đô thị, khu công nghiệp;

- Xây dựng mạng lưới tuyến xe buýt hợp lý từ trung tâm thành phố Bắc Giang đến trung tâm các huyện; giữa trung tâm các huyện với nhau và kết nối giữ tỉnh với các tỉnh lân cận;

- Sử dụng chủng loại phương tiện, trọng tải theo đúng tiêu chuẩn của quy định về vận tải khách công cộng; bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng dịch vụ; đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân (kể cả đối với người tàn tật), tạo sự văn minh, lịch sự cho hành khách đi xe và góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

3. Quy hoạch phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020

3.1. Quy hoạch các tuyến xe buýt

a. Giai đoạn 2009 – 2010:

- Tiếp tục duy trì hoạt động của các tuyến buýt hiện nay, có thể bổ sung thêm xe, tăng tần xuất hoạt động và điều chỉnh biểu đồ vận hành, điểm dừng, đón trả khách cho phù hợp. Gồm:

+ Các tuyến buýt nội tỉnh :

* Bắc Giang – Sơn Động, mã số tuyến: 001;

* Bắc Giang – Cầu Gồ, mã số tuyến: 002.

+ Các tuyến buýt lân cận:

* Bắc Giang – Lương Yên (Hà Nội), mã số tuyến 203;

* Lục Nam – Hải Dương (Hải Dương), mã số tuyến 208.

- Mở mới 03 tuyến buýt nội tỉnh trên cơ sở nâng cấp các tuyến xe cố định hoạt động theo kiểu buýt sang hoạt động theo tiêu chuẩn buýt. Gồm:

* Bắc Giang – Hiệp Hoà, mã số tuyến 003; điểm đầu bến xe Bắc Giang, điểm cuối Xí nghiệp VLXD Hiệp Hoà.

* Bắc Giang – Phố Kép (Lục Ngạn), mã số tuyến 004; điểm đầu bến xe Bắc Giang, điểm cuối Phố Kép, Lục Ngạn.

* Bắc Giang – Nội Hoàng - Đồng Việt, mã số tuyến 005; điểm đầu bến xe Bắc Giang , điểm cuối bến phà Đồng Việt (tuyến Yên Dũng 1).

b. Giai đoạn 2011 – 2015:

- Mở mới 4 tuyến buýt nội tỉnh và một tuyến lân cận. Gồm:

+ Tuyến buýt nội tỉnh :

* Bắc Giang - Bố Hạ - Cầu Gồ, mã số tuyến 006; điểm đầu bến xe Bắc Giang, điểm cuối bến xe Cầu Gồ.

* Bắc Giang – Tân An - Đồng Việt, mã số tuyến 007; điểm đầu bến xe Bắc Giang , điểm cuối bến phà Đồng Việt (tuyến Yên Dũng 2).

* Bắc Giang – Cầu Gồ - Mỏ Trạng, mã số tuyến 008; điểm đầu bến xe Bắc Giang , điểm cuối Mỏ Trạng.

* Bắc Giang – Khu công nghiệp Quang Châu, mã số tuyến 009; điểm đầu bến xe Bắc Giang, điểm cuối Khu công nghiệp Quang Châu.

+ Tuyến buýt lân cận: Kéo dài tuyến buýt Bắc Giang - Hiệp Hoà thành đến Phú Bình (Thái Nguyên) thành tuyến buýt liên tỉnh kế cận Bắc Giang – Phú Bình; điểm đầu bến xe Bắc Giang, điểm cuối bến xe Phú Bình.

- Duy trì ổn định và từng bước nâng cấp các tuyến vận tải theo kiểu buýt hiện có, gồm các tuyến Bắc Giang - Bắc Ninh (20Km); Bắc Giang – Giáp Bát (65Km); Nhã Nam – Gia Lâm (65Km) và Lục Ngạn – Gia Lâm (90Km).

- Mở mới các tuyến vận tải cố định kiểu buýt nội tỉnh và liền kề. Gồm các tuyến:

+ Bắc Giang - Mỹ Đình (Hà Nội), cự ly 110Km;

+ Bắc Giang – Hà Đông (Hà Nội), cự ly 80Km;

+ Kép (Lạng Giang) - Lục Nam – Sao Đỏ (tỉnh Hải Dương), cự ly 42Km;

+ Bắc Giang – Tam Dị - Bảo Sơn, cự ly 30Km;

+ Thị trấn An Châu – Long Sơn, cự ly 20Km;

+ Lục Ngạn – Đồng Rỳ (Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động), cự ly 50Km;

+ Bố Hạ - Sỏi – Nhã Nam - Cầu Ca – Ngã ba Đồng Tân, cự ly 25Km;

+ Thị trấn Vôi - Cầu Vát, cự ly 30Km;

- Định hướng tuyến khi điều kiện hạ tầng giao thông cho phép. Gồm các tuyến:

+ Thị trấn Thắng – Đông Xuyên - Từ Sơn (Bắc Ninh);

+ Bắc Giang – Tiền Phong – Yên Lư - Quế Võ (Bắc Ninh);

c. Giai đoạn 2016 - 2020:

- Nâng cấp các tuyến kiểu buýt nội tỉnh giai đoạn đến 2015; mở mới một số tuyến buýt nội thành thành phố Bắc Giang; tuyến từ thành phố Bắc Giang đến các Khu công nghiệp Vân Trung, Việt Hàn…

- Tăng tần xuất hoạt động của các tuyến buýt hiện có từ 15 – 30 phút/chuyến lên 10 - 15 phút/chuyến.

- Nâng cao chất lượng phục vụ, hạ tầng bến bãi, điểm đỗ, dừng; hình thành trung tâm trung chuyển và điều hành, quản lý tập trung hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.

3.2. Quy hoạch số lượng xe buýt

Tổng số xe cần đầu tư đến năm 2020 là 97 xe các loại B40, B55, B80, có sức chứa bình quân từ 40 - 60 chỗ, trong đó có 10% số xe có khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người tàn tật; giai đoạn đến năm 2010 là 26 xe, giai đoạn từ 2011 – 2015 là 36 xe và đến 2020 là 35 xe. (Tiêu chuẩn phương tiện theo tiêu chuẩn số 22TCN 302 - 06 do Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 02 tháng 3 năm 2006).

3.3. Quy hoạch các điểm đầu, cuối tuyến và bãi đỗ xe, trạm dừng xe

- Điểm đầu, điểm cuối tuyến:

Các tuyến xe buýt từ Bắc Giang đi các huyện điểm đầu là bến xe Bắc Giang, điểm cuối đối với tuyến Bắc Giang – Cầu Gồ là bến xe Cầu Gồ; các tuyến Yên Dũng 1, 2 được đón trả khách tại bãi đỗ bến phà Đồng Việt; tuyến Bắc Giang – Hiệp Hoà tại ngã ba Đồng Tân; tuyến Bắc Giang – Lục Ngạn tại Phố Kép, tuyến Bắc Giang – Cầu Gồ – Mỏ Trạng tại phố Mỏ Trạng; tuyến Bắc Giang – Khu công nghiệp Quang Châu tại bãi đỗ xe Khu công nghiệp. (điểm đầu, cuối của tuyến xe buýt đảm bảo theo quy định tại Điều 7, Quyết định số 34/2006/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2006 của Bộ Giao thông vận tải).

- Bãi đỗ xe, trạm dừng:

Đầu tư, xây dựng và thực hiện theo Quy hoạch bến xe khách, bãi đỗ xe tĩnh, trạm xe khách, điểm dừng đỗ xe trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2006-2010, định hướng đến 2020 (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 06/2007/QĐ-UBND ngày ngày 30 tháng 01 năm 2007)

4. Tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư và dự kiến nguồn vốn

4.1 Nhu cầu vốn đầu tư

a. Giai đoạn 2009 – 2010:

Đầu tư 26 xe buýt loại B40 (theo tiêu chuẩn 22-TCN 302-06), 40 chỗ (23 ghế ngồi và 17 chỗ đứng) hoặc loại phương tiện có tiêu chuẩn cao hơn; xây dựng 20 trạm dừng xe khách (nhà chờ) và 70 biển báo.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư là: 18 tỷ đồng.

Trong đó:

* Đầu tư phương tiện : 17,4 tỷ đồng;

* Xây dựng nhà chờ, biển báo : 600 triệu đồng;

b. Giai đoạn 2011 – 2015:

Đầu tư mới 36 xe loại B40 hoặc loại phương tiện có tiêu chuẩn cao hơn, xây dựng 40 trạm dừng xe khách (nhà chờ) và 100 biển báo.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư là: 25 tỷ đồng.

Trong đó:

* Đầu tư phương tiện : 24 tỷ đồng;

* Xây dựng nhà chờ, biển báo : 1 tỷ đồng;

b. Giai đoạn 2016 – 2020:

Đầu tư bổ sung khoảng 50% phương tiện của hai giai đoạn trên (khoảng 35 xe loại B40 hoặc có tiêu chuẩn cao hơn), xây dựng mới 30 trạm dừng xe khách (nhà chờ), 01 trung tâm điều hành và khoảng 100 biển báo.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư là: 34,4 tỷ đồng.

Trong đó:

* Đầu tư phương tiện : 23,4 tỷ đồng;

* Xây dựng nhà chờ, biển báo, trung tâm điều hành : 11 tỷ đồng;

Tổng nhu cầu vốn cho Quy hoạch là: 77,4 tỷ đồng (trong đó 65 tỷ đồng dành đầu tư cho phương tiện và 12,4 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trung tâm điều hành mạng lưới xe buýt toàn tỉnh).

4.1 Dự kiến nguồn vốn đầu tư

Nguồn vốn đầu tư cho phương tiện chủ yếu từ các doanh nghiệp vận tải; vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật (nhà chờ, biển báo, trung tâm điều hành, duy tu đường xá..) từ ngân sách nhà nước.

5. Giải pháp và chính sách

- Khuyến khích các doanh nghiệp, Hợp tác xã vận tải thành lập theo Luật doanh nghiệp, Luật HTX tham gia khai thác tuyến xe buýt, vận tải khách cố định kiểu buýt theo nguyên tắc bình đẳng; thực hiện lựa chọn đơn vị tham gia khai thác theo hình thức đấu thầu và chỉ định thầu (việc chỉ định thầu chỉ thực hiện khi cần mở tuyến mới chỉ có 01 đơn vị tham gia).

- Các đơn vị đầu tư và khai thác tuyến xe buýt sử dụng vốn tự có và vốn vay để đầu tư mua sắm phương tiện; tự cân đối thu, chi trong quá trình kinh doanh.

- Các doanh nghiệp tham gia vận tải khách công cộng bằng xe buýt được hưởng các chính sách ưu tiên về vay vốn đầu tư, quảng cáo, lệ phí cầu đường.. theo quy định hiện hành của nhà nước.

6. Tổ chức thực hiện

6.1. Sở Giao thông vận tải

- Chủ trì thực hiện các nội dung quản lý Quy hoạch theo quy định; thực hiện công bố mở tuyến, xây dựng lộ trình tuyến, điều chỉnh điểm dừng, đỗ, tần xuất, biểu đồ chạy xe phù hợp với tình hình thực tế; quản lý hạ tầng, chất lượng dịch vụ;

- Tổ chức áp dụng, triển khai thực hiện hệ thống chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật đối với hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh;

- Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định;

- Chủ trì nghiên cứu, đề xuất, trình UBND tỉnh phê duyệt các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông phục vụ vận tải khách công cộng bằng xe buýt.

- Phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể nhân dân về hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt.

6.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Cân đối nhu cầu vốn, đề xuất với UBND tỉnh bố trí vốn ngân sách tỉnh hàng năm cho công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận tải khách công cộng bằng xe buýt.

6.3. Sở Tài chính

Nghiên cứu, đề xuất và trình UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt; phối hợp các ngành, địa phương trong thực hiện quản lý giá vé; xác định mức hỗ trợ và quyết toán kinh phí hỗ trợ giá vé cho các doanh nghiệp vận tải khách công cộng.

6.4. Sở Xây dựng

Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết các đô thị có xét đến quy hoạch vị trí các trạm trung chuyển, nhà chờ, bãi đỗ, điều kiện hạ tầng phục vụ người tàn tật phục vụ hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt.

6.5. Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch

Hướng dẫn và quản lý việc tổ chức quảng cáo trên phương tiện và tại các khu vực bến bãi, nhà chờ, biển báo.

6.6. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch chi tiết vị trí các trạm trung chuyển, nhà chờ, bãi đỗ xe buýt;

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải trong quản lý, giám sát hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn.

Điều 2. Giao cho Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn triển khai thực hiện Quy hoạch; định kỳ tổng hợp các khó khăn vướng mắc, đề xuất giải pháp với UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký;

Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Văn hoá-Thể Thao-Du lịch, các ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Giao thông vận tải (b/c);
- TT Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh;
- Các thành viên UBND tỉnh;
- Như điều 3, Sở GTVT (2);
- VP UBND tỉnh: LĐ, các phòng CV, Website;
- Lưu : VT, GT(2).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Linh