Quyết định 02/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định về cơ chế quản lý và thực hiện di dân, tái định cư các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu do Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành
Số hiệu: 02/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu Người ký: Lò Văn Giàng
Ngày ban hành: 14/01/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Đất đai, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 02/2008/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 14 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CƠ CHẾ QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN DI DÂN, TÁI ĐỊNH CƯ CÁC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 207/2004/QĐ-TTg ngày 12/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý và thực hiện dự án thủy điện Sơn La, Quyết định số 11/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về cơ chế quản lý và thực hiện dự án thủy điện Sơn La ban hành kèm theo quyết định số 207/2004/QĐ-TTg ;
Căn cứ quyết định số 02/2007/QĐ-TTg ngày 09/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và TĐC dự án thủy điện Sơn La;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về “Cơ chế quản lý và thực hiện di dân, TĐC các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 65/2006/QĐ-UBND ngày 02/11/2006; Quyết định số 1574/QĐ-UBND ngày 02/11/2006; Quyết định số 68/2006/QĐ-UBND ngày 30/11/2006; Quyết định số 02/2007/QĐ-UBND ngày 02/3/2007; Quyết định số 650/QĐ-UBND ngày 14/6/2007; Công văn số 310/UBND-TĐC ngày 15/5/2007 của UBND tỉnh Lai Châu.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch & Đầu tư, Xây dựng, Tài chính; Nông nghiệp & PTNT; Giao thông Vận tải; Tài nguyên – Môi trường; Trưởng ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các Ban, Ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Các Bộ KHĐT, XD, NN&PTNT;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND, UBND tỉnh,
- Các thành viên BCĐ TĐC tỉnh;
- TT huyện ủy, HĐND, UBND các huyện, thị;
- Báo Lai Châu; Đài PTTH tỉnh;
- TT Công Báo tỉnh;
- Lưu: VT, TĐC(2)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lò Văn Giàng

 

QUY ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN DI DÂN, TÁI ĐỊNH CƯ CÁC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND ngày 14/01/2008 của UBND tỉnh Lai Châu)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Cụ thể hóa cơ chế đặc thù của Chính phủ áp dụng riêng cho quản lý và thực hiện bồi thường, hỗ trợ và di dân TĐC các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu nhằm đảm bảo triển khai đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Phạm vi áp dụng: Cơ chế này được áp dụng trong việc tổ chức thực hiện di dân, TĐC các dự án thủy điện Sơn La, Huổi Quảng, Bản Chát trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

2. Đối tượng áp dụng: Là các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội, các đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang và các tập thể, hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện bồi thường, di dân, tái định cư các dự án thủy điện Sơn La, Huổi Quảng, Bản Chát trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

3. Những nội dung về quản lý và thực hiện dự án không quy định trong cơ chế này được thực hiện theo các quy định hiện hành.

Chương 2.

QUY HOẠCH CHI TIẾT CÁC KHU, ĐIỂM TĐC

Điều 3. Hội đồng quy hoạch chi tiết

- Thành phần gồm:

+ Thường trực UBND tỉnh.

+ Các Sở, ngành của tỉnh: Ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và môi trường, Chi nhánh ngân hàng phát triển Lai Châu.

+ Thường trực UBND huyện nơi đi và nơi đến.

+ Các cơ quan của huyện nơi đến: Ban quản lý TĐC huyện, Phòng TC-KH, Phòng Hạ tầng kinh tế, Phòng Kinh tế.

+ Ban TĐC xã nơi đi và nơi đến.

+ Trưởng bản và đại diện các hộ TĐC.

Sở Kế hoạch & Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng.

- Hội đồng quy hoạch chi tiết thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Quy định này.

Điều 4. Đề cương và dự toán lập quy hoạch chi tiết

- Đề cương theo nội dung ở Điều 6 của Quy định này.

- Dự toán cho công tác lập quy hoạch chi tiết gồm những chi phí chính sau:

+ Chi phí khảo sát thực địa của hội đồng (áp dụng theo Quyết định số 15/2007/QĐ-UBND ngày 31/7/2007 của UBND tỉnh Lai Châu về việc ban hành quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập).

+ Chi phí hội họp, thống nhất nội dung quy hoạch của hội đồng (áp dụng theo Quyết định số 15/2007/QĐ-UBND ngày 31/7/2007 của UBND tỉnh Lai Châu về việc ban hành quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập).

+ Chi phí lập bản đồ (áp dụng đơn giá trong bảng 1, Quyết định số 02/2000/QĐ-BNN-KH ngày 04/01/2000 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)

Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt đề cương, dự toán. Chủ đầu tư thực hiện chi và chịu trách nhiệm thanh, quyết toán theo quy định hiện hành.

Điều 5. Kiểm tra địa điểm và quy mô khu, điểm TĐC

Căn cứ quy hoạch tổng thể di dân TĐC, căn cứ kế hoạch di dân TĐC hàng năm, Hội đồng lập quy hoạch chi tiết tổ chức kiểm tra khu, điểm TĐC, xác định lại khả năng dung nạp.

Điều 6. Lập quy hoạch chi tiết

Nếu khu, điểm TĐC đáp ứng được các điều kiện về đất đai, nguồn nước, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài cho người dân TĐC thì Hội đồng tiến hành khảo sát, thảo luận, thống nhất và lập biên bản về những nội dung chính của quy hoạch chi tiết khu, điểm TĐC như sau:

I. CÁC KHU, ĐIỂM TĐC TẬP TRUNG NÔNG THÔN:

1. Đối tượng (từ đâu đến) và quy mô (số hộ, số khẩu) đăng ký về khu, điểm TĐC. Danh sách đăng ký do Chủ đầu tư lập.

2. Xác định vị trí, quy mô (ha), ranh giới khu, điểm TĐC.

3. Luận chứng khả năng dung nạp:

- Khả năng về giải quyết đất ở.

- Khả năng để giải quyết nước sinh hoạt, nước sản xuất.

- Điều kiện về đầu tư cơ sở hạ tầng

- Khả năng về giải quyết đất sản xuất: Đất không bị ngập, đất bán ngập, đất có khả năng khai hoang, mở rộng, đất chuyển nhượng từ dân sở tại.

- Phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh.

4. Dự kiến các danh mục dự án đầu tư kết cấu hạ tầng và phúc lợi công cộng trong khu, điểm TĐC đầu tư bằng nguồn vốn TĐC (Tên, địa điểm, phương án tuyến, dự kiến quy mô, tổng mức đầu tư).

5. Xác định tổng mức đầu tư cho khu, điểm TĐC theo đúng chế độ, chính sách của Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg ngày 09/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

6. Thể hiện các nội dung của quy hoạch chi tiết trên bản đồ nền VN-2000 tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000.

7. Tổ chức thực hiện:

- Tiến độ: Xây dựng khu, điểm TĐC; Bồi thường, hỗ trợ; Tổ chức di chuyển; ổn định đời sống, sản xuất và hoàn thành TĐC.

- Phân công trách nhiệm cho các bên tham gia.

8. Kết luận và đề nghị.

II. CÁC KHU, ĐIỂM TĐC ĐÔ THỊ

1. Đối tượng (từ đâu đến) và quy mô (số hộ, số khẩu) của khu, điểm TĐC. Danh sách đăng ký do Chủ đầu tư lập.

2. Xác định vị trí, quy mô (ha), ranh giới khu, điểm TĐC đô thị trong quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết của đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (kèm theo bản đồ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết).

Nếu chưa có quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết được duyệt thì phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đô thị theo quy định hiện hành. Có văn bản thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền trích quy hoạch và giao cho chủ đầu tư thực hiện.

4. Xác định các dự án giải phóng mặt bằng, san nền, kết cấu hạ tầng đô thị và phúc lợi công cộng trong khu, điểm TĐC đô thị cần đầu tư bằng nguồn vốn TĐC (Tên, địa điểm, phương án tuyến, quy mô, tổng mức đầu tư).

5. Xác định tổng mức đầu tư cho khu, điểm TĐC đô thị, trong đó làm rõ:

- Tổng mức đầu tư.

- Các nội dung của chủ đầu tư nơi đi thực hiện:

+ Lập phương án và tiến hành chi trả tiền bồi thường tài sản cho các hộ: Nhà ở, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu ở nơi đi.

+ Lập phương án và tiến hành chi trả tiền hỗ trợ di chuyển người và tài sản từ nơi ở cũ đến nơi ở mới.

+ Lập và phê duyệt phương án bồi thường, thu hồi đất ở, đất sản xuất chuyển cho chủ đầu tư nơi đến để lập phương án bù chênh giá trị đất ở, đất xuất ở nơi mới.

- Các nội dung của chủ đầu tư ở nơi đến: Chủ đầu tư ở nơi đến đảm nhiệm các nhiệm vụ chi còn lại theo Quyết định 02/2007/QĐ-TTg ngày 09/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng điểm TĐC.

+ San gạt mặt bằng.

+ Xây dựng kết cấu hạ tầng.

+ Hỗ trợ làm nhà.

+ Hỗ trợ đời sống.

+ Các hỗ trợ khác.

6. Tổ chức thực hiện:

- Tiến độ thực hiện: Xây dựng khu, điểm TĐC; Bồi thường, hỗ trợ; Tổ chức di chuyển; ổn định đời sống, sản xuất và hoàn thành TĐC.

- Phân công trách nhiệm cho các bên tham gia.

7. Kết luận và đề nghị.

Điều 7. Phê duyệt quy hoạch chi tiết

1. Hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch chi tiết:

- Biên bản của hội đồng quy hoạch chi tiết.

- Danh sách đăng ký các hộ TĐC.

- Bản đồ nền VN-2000 tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000 thể hiện các nội dung quy hoạch.

- Tờ trình đề nghị phê duyệt quy hoạch chi tiết của Chủ đầu tư.

2. Hồ sơ quy hoạch chi tiết được gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, dự thảo quyết định trình UBND tỉnh phê duyệt.

Điều 8. Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu cần bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, chủ đầu tư chủ động cập nhật, báo cáo UBND tỉnh, đồng thời gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với hội đồng quy hoạch kiểm tra, lập biên bản và trình UBND tỉnh ra quyết định điều chỉnh, bổ sung.

Đối với những nội dung cấp bách cần xử lý ngay, chủ đầu tư làm văn bản giải trình riêng, trình UBND tỉnh xem xét cho phép thực hiện ngay và được cập nhật bổ sung khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu, điểm TĐC đó.

Chương 3.

PHÂN CẤP QUẢN LÝ

Điều 9. Thẩm quyền quyết định đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng nằm trong các khu, điểm TĐC do ban quản lý bồi thường di dân TĐC tỉnh làm chủ đầu tư; các dự án có tổng mức đầu tư lớn hơn 3 tỷ đồng và tất cả các dự án san nền các khu, điểm tái định cư.

Giao cho Chủ tịch UBND các huyện quyết định đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng nằm trong các khu, điểm TĐC do UBND huyện làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư đến 3 tỷ đồng, trừ dự án san nền các khu, điểm tái định cư.

Cấp nào có thẩm quyền quyết định đầu tư thì cấp đó tổ chức thẩm định dự án, Báo cáo kinh tế kỹ thuật. Việc thẩm định dự án, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư & xây dựng hiện hành.

Điều 10. Đối với các công trình chỉ lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật:

Chủ đầu tư tổ chức thẩm tra thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công – dự toán sau đó trình cơ quan thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật.

Căn cứ ý kiến thẩm định của cơ quan thẩm định, Chủ đầu tư hoàn chỉnh báo cáo kinh tế kỹ thuật để cơ quan thẩm định trình người quyết định đầu tư phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật. Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật của người có thẩm quyền đồng thời là quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình.

Cho phép áp dụng thiết kế mẫu hoặc thiết kế điển hình đối với những dự án được phép lập báo cáo đầu tư để đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư. Việc áp dụng thiết kế mẫu hoặc thiết kế điển hình do người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định.

Chương 4.

HÌNH THỨC LỰA CHỌN NHÀ THẦU

Điều 11. Đối với việc lựa chọn nhà thầu tư vấn

- UBND tỉnh chỉ định các đơn vị tư vấn thiết kế làm tư vấn lập dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật – dự toán thuộc dự án di dân TĐC do UBND tỉnh quyết định.

Các nhà thầu tư vấn nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của Ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh (gồm đơn dự thầu, hồ sơ năng lực) cho Ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh. Căn cứ vào quy hoạch chi tiết, Ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh lập nhiệm vụ công trình, dự toán khảo sát, thiết kế, kế hoạch chỉ định thầu và lựa chọn Nhà thầu tư vấn có đủ điều kiện, năng lực trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Sau khi có quyết định chỉ định thầu của UBND tỉnh, chậm nhất sau 05 ngày làm việc, Ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh phải thương thảo và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để triển khai thực hiện.

- UBND các huyện chỉ định thầu các đơn vị tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật do UBND huyện quyết định đầu tư.

Các nhà thầu tư vấn nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của chủ đầu tư (gồm đơn dự thầu và hồ sơ năng lực) cho Ban quản lý dự án huyện. Căn cứ vào quy hoạch chi tiết, Ban quản lý dự án huyện lập nhiệm vụ công trình, dự toán khảo sát, thiết kế, kế hoạch chỉ định thầu và lựa chọn Nhà thầu có đủ điều kiện trình UBND huyện phê duyệt theo quy định. Sau khi có quyết định chỉ định thầu của UBND huyện, chậm nhất sau 05 ngày làm việc, Ban QLDA huyện phải thương thảo và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để triển khai thực hiện.

Điều 12. Đối với việc lựa chọn Nhà thầu xây lắp

Được phép chỉ định thầu có giảm giá 5% giá trị dự toán xây lắp được duyệt cho các nhà thầu có đủ điều kiện thực hiện các hạng mục hoặc dự án di dân TĐC có giá trị gói thầu được duyệt đến 10 tỷ đồng.

Người có thẩm quyền quyết định đầu tư là người quyết định chỉ định thầu. Các nhà thầu nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của chủ đầu tư (gồm đơn dự thầu, hồ sơ năng lực) cho Ban quản lý dự án, Ban quản lý dự án lựa chọn nhà thầu đủ năng lực trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định chỉ định thầu theo quy định. Sau khi có quyết định lựa chọn nhà thầu của cấp có thẩm quyền, chậm nhất sau 05 ngày làm việc, chủ đầu tư phải thương thảo và ký hợp đồng với đơn vị thi công để triển khai thực hiện.

Đối với những dự án được phép chỉ định thầu nhưng không có nhà thầu tham dự thì chủ đầu tư báo cáo UBND tỉnh xử lý.

Đối với hạng mục công trình có giá trị gói thầu trên 10 tỷ đồng, thì tổ chức đấu thầu theo quy định.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch & Đầu tư, Xây dựng, Công nghiệp; Nông nghiệp & PTNT; Giao thông Vận tải; Trưởng ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các Ban, Ngành có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy định này.

Điều 14. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc yêu cầu các thành viên ban chỉ đạo, các chủ đầu tư có ý kiến bằng văn bản gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, ban TĐC tỉnh tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.





Quyết định 65/2006/QĐ-UBND xử lý văn bản quy phạm pháp luật Ban hành: 30/06/2006 | Cập nhật: 20/12/2014

Quyết đinh 15/2007/QĐ-UBND bãi bỏ quyết định 246/1999/QĐ-UB Ban hành: 27/03/2007 | Cập nhật: 31/07/2013