Quyết định 65/2006/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 19/2006/QĐ-UBND quy định về thủ tục và trình tự giải quyết công việc theo cơ chế “một cửa” lĩnh vực hành chính tư pháp thuộc Sở Tư pháp do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành
Số hiệu: 65/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp Người ký: Trương Ngọc Hân
Ngày ban hành: 21/10/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Hành chính tư pháp, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 65/2006/QĐ-UBND

Thị xã Cao Lãnh, ngày 21 tháng 10 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 19/2006/QĐ-UBND NGÀY 17/3/2006 CỦA UBND TỈNH QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC VÀ TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC THEO CƠ CHẾ “MỘT CỬA” LĨNH VỰC HÀNH CHÍNH TƯ PHÁP THUỘC SỞ TƯ PHÁP

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 101/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

Căn cứ Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch;

Căn cứ Nghị định 68/2002/ND-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài;

Căn cứ Nghị định 69/2006/NĐ- CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài;

Xét đề nghị số 345/TTr-STP ngày 12/10/2006 của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số quy định ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-UBND ngày 17/3/2006 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành quy định về thủ tục và trình tự giải quyết công việc theo cơ chế “một cửa” lĩnh vực hành chính tư pháp thuộc Sở Tư pháp như sau:

1. Sửa đổi điểm A, phần IV, Mục 2 về lĩnh vực hộ tịch có yếu tố nước ngoài như sau:

" IV. Kết hôn:

(Thực hiện Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ).

A. ĐĂNG KÝ KẾT HÔN GIỮA CÔNG DÂN VIỆT NAM VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI:

1. Thủ tục gồm:

a) Đối với công dân Việt Nam:

- Tờ khai đăng ký kết hôn có dán ảnh (theo mẫu qui định); có xác nhận của cơ quan/tổ chức có thẩm quyền về tình trạng hôn nhân của mình.

- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên cấp chưa quá 06 tháng tính từ ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại đương sự không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;

- Nếu đang phục vụ trong lực lượng vũ trang, hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật quốc gia thì có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị quản lý ngành cấp trung ương hoặc cấp tỉnh xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật quốc gia hoặc không trái với qui chế của ngành đó;

- Bản sao có công chứng hoặc chứng thực chứng minh nhân dân;

- Bản sao có công chứng hoặc chứng thực hộ khẩu, Giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy xác nhận đăng ký tạm trú có thời hạn.

b) Đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài:

- Tờ Khai đăng ký kết hôn có dán ảnh (theo mẫu qui định);

- Giấy xác nhận của cơ quan thẩm quyền nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng tính đến ngày hồ sơ được tiếp nhận, xác nhận hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng. Trong trường hợp pháp luật của nước mà người xin kết hôn là công dân không qui định cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì có thể thay giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bằng giấy xác nhận lời tuyên thệ của đương sự là hiện tại họ không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó; (các giấy tờ trên phải được hợp pháp hóa lãnh sự, công chứng và dịch ra tiếng Việt);

- Thẻ thường trú, Thẻ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú (đối với người nước ngoài ở Việt Nam);

- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam từ cấp tỉnh trở lên cấp chưa quá 06 tháng, xác nhận hiện tại đương sự không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể làm chủ được hành vi của mình. (các giấy tờ trên phải được hợp pháp hóa lãnh sự, công chứng và dịch ra tiếng Việt);

- Bản sao có công chứng hoặc chứng thực hộ chiếu, thị thực visa, phiếu nhập, xuất cảnh .

c) Hồ sơ được lập thành: 02 bộ.

2. Trình tự thực hiện:

- Khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn, cả hai đương sự phải có mặt;

- Hồ sơ nộp tại Tổ tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng Sở Tư Pháp;

- Sở Tư pháp tiến hành niêm yết công khai 07 ngày tại trụ sở và gởi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đương sự thường trú để niêm yết; trực tiếp thẩm tra hồ sơ; xác minh, phỏng vấn; chuyển đến Công an Tỉnh xác minh đối với hồ sơ có nghi vấn, có khiếu nại, tố cáo; sau đó trình Ủy ban nhân dân Tỉnh ký giấy chứng nhận kết hôn hoặc từ chối việc đăng ký kết hôn; vào sổ đăng ký.

- Tổ tiếp nhận và trả kết quả để làm lễ trao giấy chứng nhận kết hôn hoặc thông báo từ chối kết hôn cho đương sự.

- Hai đương sự phải có mặt tại lễ trao giấy chứng nhận kết hôn để nhận giấy chứng nhận kết hôn.

3. Thời hạn giải quyết: 50 ngày tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Sở Tư pháp 23 ngày;

- Công an Tỉnh 20 ngày;

- Ủy ban nhân dân Tỉnh 07 ngày.

4. Lệ phí: theo qui định hiện hành.”

2. Sửa đổi điểm A, phần V, Mục 2 về lĩnh vực hộ tịch có yếu tố nước ngoài như sau:

V. Nuôi con nuôi:

(Thực hiện Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ).

A. ĐĂNG KÝ NUÔI CON NUÔI CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI:

1. Thủ tục gồm:

a) Người xin nhận con nuôi:

- Đơn xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi (theo mẫu qui định);

- Bản sao có công chứng hoặc chứng thực hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

- Giấy phép còn giá trị do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú cấp, cho phép người đó nhận con nuôi. Nếu nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú không cấp loại giấy phép này thì thay thế bằng giấy tờ có giá trị tương ứng hoặc giấy xác nhận có đủ điều kiện nuôi con nuôi theo pháp luật của nước đó;

- Bản điều tra về tâm lý, gia đình, xã hội của người xin nhận con nuôi do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú cấp;

- Giấy xác nhận do tổ chức y tế có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú hoặc tổ chức y tế của Việt Nam từ cấp tỉnh trở lên cấp chưa quá 6 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó có đủ sức khỏe, không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức làm chủ được hành vi của mình, không mắc bệnh truyền nhiễm;

- Giấy tờ xác nhận tình hình thu nhập của người xin nhận con nuôi chứng minh người đó đảm bảo việc nuôi con nuôi;

- Phiếu lý lịch tư pháp của người xin nhận con nuôi do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người đó thường trú cấp chưa quá 12 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ. (các giấy tờ trên phải được hợp pháp hóa lãnh sự, công chứng và dịch ra tiếng Việt).

- Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn đối với người xin nhận con nuôi, trong trường hợp người xin nhận con nuôi là vợ chồng đang trong thời kỳ hôn nhân;

- Hồ sơ được lập thành 02 bộ nộp tại cơ quan con nuôi quốc tế, Bộ Tư pháp.

b) Hồ sơ của trẻ em được làm con nuôi:

- Bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy khai sinh của trẻ em;

- Giấy đồng ý cho trẻ em làm con nuôi ;

- Giấy xác nhận của tổ chức y tế từ cấp huyện trở lên xác nhận về tình trạng sức khỏe của trẻ em;

- Hai ảnh màu của trẻ em, chụp toàn thân khổ 10 x 15cm hoặc 9 x 12cm.

Đối với trẻ em đang sinh sống tại cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp, ngoài các giấy tờ nêu trên, hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi còn phải có quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng, biên bản bàn giao trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng và giấy tờ tương ứng thuộc 1 trong các trường hợp sau đây:

+ Đối với trẻ em bị bỏ rơi, phải có bản tường trình sự việc của người phát hiện trẻ em bị bỏ rơi; biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi; giấy tờ chứng minh đã thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc trẻ em bị bỏ rơi sau 30 ngày mà không có thân nhân đến nhận;

+ Đối với trẻ em mồ côi, phải có bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng tử của cha, mẹ đẻ của trẻ em đó;

+ Đối với trẻ em có cha, mẹ là người mất năng lực hành vi dân sự, phải có bản sao được công chứng quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án tuyên bố cha, mẹ đẻ của trẻ em đó mất năng lực hành vi dân sự.

- Bản sao được công chứng hoặc chứng thực Sổ hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ đang nuôi dưỡng trẻ em, nếu thuộc trường hợp trẻ em đang sống tại gia đình .

- Hồ sơ trẻ em được lập thành 04 bộ.

2. Trình tự thực hiện:

- Hồ sơ thủ tục của người nhận con nuôi nộp tại Cục con nuôi quốc tế, Bộ Tư pháp, sau khi xem xét có đủ điều kiện, Cục con nuôi quốc tế, Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị Sở Tư pháp lập hồ sơ trẻ em làm con nuôi.

- Khi nhận được công văn của Cơ quan con nuôi quốc tế - Bộ Tư pháp. Sở Tư pháp hướng dẫn đương sự bên cho con nuôi chuẩn bị làm hồ sơ trẻ em làm con nuôi, chuyển sang Công an tỉnh xác minh khi cần thiết, sau khi xem xét có đủ điều kiện, Sở Tư pháp có văn bản về Cục con nuôi quốc tế, Bộ Tư pháp kèm theo bộ hồ sơ của trẻ.

- Sau khi nhận được văn bản của Sở Tư pháp và hồ sơ của trẻ, Cục con nuôi quốc tế, Bộ Tư pháp xem xét một cách tòan diện hai hồ sơ của người xin và hồ sơ trẻ nếu hội đủ các điều kiện theo quy định của Pháp luật, Cục con nuội quốc tế, Bộ Tư pháp có văn bản về tính hợp lệ của hồ sơ nuôi con nuôi, kèm theo hồ sơ của người xin nhận con nuôi.

- Sau khi nhận văn bản của Cục con nuôi quốc tế, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tiến hành thông báo cho người nhận nuôi con nuôi đến để hoàn tất thủ tục xin nhận nuôi con nuôi như: nộp lệ phí, nộp thêm bản cam kết về việc thông báo định kỳ (theo mẫu qui định) cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Cơ quan con nuôi quốc tế về tình hình phát triển của con nuôi đến khi con nuôi đủ 18 tuổi.

- Sau khi thủ tục nhận con nuôi đã hoàn tất theo quy định thì Sở Tư pháp có tờ trình, báo cáo kết quả thẩm tra và đề nghị Ủy ban nhân dân Tỉnh ký Quyết định giải quyết việc giao con nuôi.

- Sau khi có Quyết định của Ủy ban nhân dân Tỉnh, Sở Tư pháp có trách nhiệm ghi vào sổ đăng ký việc nuôi con nuôi và báo cáo về Bộ Tư pháp, sau đó chuyển kết quả đến Tổ tiếp nhận và trả kết quả;

- Tổ tiếp nhận và trả kết quả thực hiện việc giao, nhận con nuôi;

- Việc giao, nhận con nuôi phải có mặt bên giao, bên nhận và trẻ em làm con nuôi. Không chấp nhận việc ủy quyền giao con nuôi, nhận con nuôi;

- Trong trường hợp từ chối cho, nhận nuôi con nuôi thì Sở Tư pháp có văn bản trình Ủy ban nhân dân Tỉnh ký thông báo cho người xin nhận nuôi con nuôi và Cơ quan con nuôi quốc tế biết.

3.Thời hạn giải quyết: là 30 ngày kể từ ngày thu lệ phí.

4. Lệ phí: theo qui định hiện hành.”

3. Sửa đổi Điểm 3, phần VI, Mục 2 về lĩnh vực hộ tịch có yếu tố nước ngoài như sau:

VI. Ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài:

(Thực hiện theo Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ).

1. Thủ tục gồm:

Người có yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch phải xuất trình bản chính hoặc bản sao giấy tờ hộ tịch cần ghi: khai sinh; kết hôn; nhận cha, mẹ, con; nuôi con nuôi.

2. Trình tự thực hiện:

Liên hệ trực tiếp tại tổ tiếp nhận và trả kết quả thuộc văn phòng Sở Tư pháp.

3. Thời gian giải quyết:

Trong ngày đối với các việc ghi chú khai sinh; nhận cha, mẹ, con; nuôi con nuôi.

Đối với việc ghi chú kết hôn thời hạn giải quyết là 15 ngày.

4. Lệ phí: Theo quy định hiện hành.”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm triển khai, tập huấn cho cán bộ, công chức và phổ biến cho nhân dân biết thực hiện đúng nội dung sửa đổi, bổ sung một số quy định về lĩnh vực hành chính tư pháp.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Ngọc Hân