Quyết định 19/2006/QĐ-UBND về chương trình hành động về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới
Số hiệu: 19/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông Người ký: Đặng Đức Yến
Ngày ban hành: 15/06/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2006/QĐ-UBND

Gia Nghĩa, ngày 15 tháng 6 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VỀ BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg , ngày 05/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 46- NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 116/TTr-SYT, ngày 31/5/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Chương trình hành động về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân tỉnh Đăk Nông trong tình hình mới”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành của tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Đặng Đức Yến

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

VỀ BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-UBND, ngày 15/6/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông)

Nghị quyết số: 02-NQ/TU, ngày 11/01/2006 của Tỉnh Ủy Đăk Nông “Về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân (BVCS&NCSKND) trong tình hình mới” - theo tinh thần Nghị quyết 46-NQ/TW, ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị - là một định hướng quan trọng để phát triển sự nghiệp y tế, chăm lo sức khỏe cho nhân dân, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đăk Nông trong tình hình mới;

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU nói trên, đồng thời cụ thể hoá “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác BVCS&NCSKND trong tình hình mới”, Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông xây dựng và thực hiện “Chương trình hành động về BVCS&NCSKND tỉnh Đăk Nông trong tình mới”, gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU.

1. Mục tiêu chung.

Đưa sự nghiệp BVCS&NCSKND của tỉnh phát triển toàn diện và vững chắc, nhanh chóng tiến kịp trình độ chung của cả nước, trên cơ sở tăng cường đầu tư có hiệu quả để phát triển các nguồn lực y tế Nhà nước kết hợp với xã hội hóa công tác BVCS&NCSKND; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2010, các chỉ số sức khoẻ nhân dân trong tỉnh đạt mặt bằng chung của khu vực Tây Nguyên; từ sau năm 2015, hòa nhập với sự phát triển chung của cả nước.

2. Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2010.

a) Chỉ tiêu chung về sức khỏe nhân dân:

- Tuổi thọ trung bình trên 70 tuổi;

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng không quá 20 %.

b) Chỉ tiêu về phát triển nguồn lực y tế địa phương:

- Cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; trọng tâm là xây dựng trên 70% số xã đạt Chuẩn quốc gia, hoàn thành công trình Bệnh viện đa khoa tỉnh, xây dựng các cơ sở y tế dự phòng, xây dựng và nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện;

- Đạt 6 bác sĩ và dược sĩ đại học/vạn dân trở lên, trong đó có trên 20% có trình độ sau đại học; hệ thống y tế Nhà nước có trên 3 cán bộ y tế/nghìn dân (không kể tất cả các thôn, bon, buôn, tổ dân phố đều có nhân viên y tế); trên 70% số xã, phường, thị trấn có bác sĩ công tác ổn định;

- Số giường bệnh công lập đạt trên 2 giường bệnh/nghìn dân;

c) Chỉ tiêu về dịch vụ y tế:

- Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các bệnh dịch, không để dịch lớn xảy ra; đạt và vượt các chỉ tiêu của các chương trình, mục tiêu, dự án y tế quốc gia;

- Tất cả người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí; chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập đạt trình độ chung của khu vực Tây Nguyên.

d) Chỉ tiêu về xã hội hoá công tác BVCS&NCSKND:

- Cơ bản hoàn thành lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2010 với trên 80% dân số được khám chữa bệnh bằng hình thức bảo hiểm y tế;

- Tạo điều kiện để sau năm 2010, y tế ngoài công lập chiếm trên 25% số lần khám chữa bệnh và trên 80% thị phần cung ứng thuốc chữa bệnh;

- Trên 50% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình Sức khoẻ; trên 50% số thôn, bon, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn Làng Văn hoá - Sức khoẻ và tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.

II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHÍNH.

1. Xây dựng và thực hiện đề án quy hoạch phát triển hệ thống y tế.

Xây dựng Đề án “Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Đăk Nông đến năm 2010 và dự báo đến năm 2020”, trên cơ sở đó, có sự đầu tư một cách thích hợp, đồng bộ và hiệu quả để phát triển vững chắc hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh, bảo đảm nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho nhân dân; gồm các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

a) Kiểm tra, đánh giá và sơ kết rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn chỉnh và tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở tỉnh Đăk Nông đến năm 2010”; bảo đảm cho các Trạm y tế được xây dựng và cung cấp trang thiết bị đúng yêu cầu về tiến độ, chất lượng, hiệu quả theo Đề án được duyệt. Các xã mới chia tách, ít nhất sau một năm phải có Trạm y tế được xây dựng và cung cấp trang thiết bị đạt Chuẩn quốc gia;

b) Xây dựng và cung cấp trang thiết bị đầy đủ cho các đơn vị sự nghiệp y tế dự phòng tỉnh và huyện, bảo đảm cho các cơ sở y tế dự phòng có đủ điều kiện và năng lực thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn trong tình hình mới. Xây dựng phòng xét nghiệm của Trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh đạt tiêu chuẩn Labo sinh học an toàn cấp 1 trước năm 2010;

c) Đầu tư phát triển mạng lưới khám chữa bệnh, bảo đảm cho các bệnh viện có đủ phương tiện và năng lực chẩn đoán, điều trị đạt trình độ chung với các bệnh viện cùng tuyến trong khu vực Tây nguyên; gồm các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

- Tập trung xây dựng và hoàn thành công trình Bệnh viện đa khoa tỉnh (giai đoạn 1 quy mô 300 giường bệnh) đúng tiến độ, bảo đảm các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật; đồng thời, cung cấp trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh bảo đảm hiện đại, phù hợp, sử dụng có hiệu quả;

- Các Trung tâm Giám định y khoa, Giám định pháp y được thành lập và được xây dựng trụ sở, cung cấp phương tiện làm việc đầy đủ;

- Nâng cấp một số bệnh viện đa khoa huyện thành bệnh viện khu vực (Cư Jút, Đăk Mil, Đăk R’Lấp) để nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho nhân dân và phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của tỉnh. Xây dựng mới các bệnh viện đa khoa cho các đơn vị hành chính cấp huyện dự kiến thành lập trong những năm tới, bảo đảm tính hiện đại, hợp lý và hiệu quả; trong đó, xây dựng bệnh viện quân - dân y (quy mô 100 giường bệnh) tại huyện mới Tuy Đức (dự kiến chia tách từ huyện Đăk R’Lấp) để phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng biên giới và cửa khẩu quốc tế;

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng các bệnh viện, nhà hộ sinh, phòng khám…để giải quyết nhu cầu khám chữa bệnh đa dạng của nhân dân và giảm áp lực đối với y tế Nhà nước theo hướng dịch vụ kỹ thuật y tế chất lượng cao;

d) Sắp xếp lại và tiếp tục mở rộng mạng lưới cung ứng thuốc - vật tư y tế trên địa bàn tỉnh một cách hợp lý, trên cơ sở tăng cường quản lý Nhà nước và xã hội hóa lĩnh vực này; chú trọng vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân, kể cả đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh;

đ) Thành lập Trường Trung học y tế tỉnh theo định hướng phải bảo đảm năng lực - chất lượng đào tạo và tạo điều kiện để sớm phát triển thành Trường Cao đẳng y - dược trong tương lai;

e) Các Hội nghề nghiệp liên quan đến công tác BVCS&NCSKND được thành lập và hoạt động lồng ghép có hiệu quả ở các tuyến; trong đó, chú trọng thành lập, hỗ trợ để phát triển Hội Đông y nhằm đẩy mạnh việc kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược học cổ truyền; khi hội đủ điều kiện cần thiết, tiến hành xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

2. Quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực y tế một cách khoa học và hệ thống.

Khảo sát, lập đề án quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế toàn tỉnh giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến năm 2020; trên cơ sở đó, tiến hành bồi dưỡng, đào tạo, tiếp nhận và bố trí sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nhân lực y tế trong tỉnh; gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Quy hoạch đội ngũ cán bộ y tế ở từng cấp, từng vị trí công tác trong toàn bộ hệ thống tổ chức y tế từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh:

- Đối với cán bộ quản lý y tế: phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển; bảo đảm yêu cầu về phẩm chất chính trị và năng lực quản lý; đúng quy trình, dân chủ, công khai.

- Đối với cán bộ chuyên môn y tế: phải phù hợp về số lượng, chủng loại cho từng tuyến, từng đơn vị và từng chuyên khoa;

b) Trên cơ sở quy hoạch, tiến hành sớm công tác bồi dưỡng, đào tạo, tiếp nhận cán bộ y tế; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút cán bộ chuyên khoa cho tuyến tỉnh, tuyến huyện và đào tạo bác sĩ cho tuyến xã; bồi dưỡng cán bộ quản lý y tế các cấp;

c) Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ y tế cả phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và cơ chế, chính sách - nhất là việc thu hút cán bộ y tế giỏi về công tác ở tuyến xã, ở hệ y tế dự phòng, các chuyên khoa đầu ngành của bệnh viện tỉnh và cán bộ sư phạm y tế cho Trường trung học y tế tỉnh; đặc biệt là xây dựng cơ chế luân chuyển, bổ nhiệm, đào tạo bồi dưỡng, ưu đãi đối với bác sĩ công tác ở tuyến xã, vùng biên giới, vùng sâu vùng xa của tỉnh.

3. Tăng cường đầu tư ngân sách y tế.

Để đạt các mục tiêu về BVCS&NCSKND nêu trên, sớm hòa nhập với nhịp độ phát triển chung của khu vực và cả nước, phải tạo bước bứt phá về đầu tư ngân sách; là một tỉnh còn rất nghèo, giải pháp về đầu tư ngân sách được định hướng như sau:

a) Ngân sách địa phương tăng cường đầu tư để phát triển sự nghiệp y tế trong các lĩnh vực thuộc trách nhiệm của cấp mình theo quy định của Luật Ngân sách; ưu tiên cho việc thực hiện đề án “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở tỉnh Đăk Nông đến năm 2010” và các đề án, chế độ chính sách về y tế được Hội đồng nhân dân thông qua; tăng mức chi cho sự nghiệp y tế đạt bình quân 120.000đ/người dân/năm (#7,5 USD) vào năm 2010.

b) Tăng cường tranh thủ các nguồn vốn do Trung ương quản lý và hợp tác quốc tế để phát triển sự nghiệp BVCS&NCSKND, đặc biệt là về xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo;

c) Khuyến khích sự đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước trong các lĩnh vực y, dược.

4. Đổi mới và tăng cường quản lý Nhà nước về y tế.

a) Kết hợp việc quản lý nhà nước về y tế theo ngành và lãnh thổ, tạo sự thống nhất, linh hoạt và hiệu quả trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở phân cấp rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ phối hợp của các Sở, Ban, Ngành liên quan và chính quyền các huyện, thị xã.

b) Củng cố và kiện toàn hệ thống thanh tra y tế, nâng cao hiệu lực hoạt động thanh tra để thực hiện tốt việc quản lý Nhà nước về y tế bằng pháp luật, đặc biệt là các lĩnh vực dược phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, hành nghề y dược tư nhân;

c) Đổi mới cơ chế quản lý, điều hành về tài chính, nhân lực tại các bệnh viện tỉnh, huyện và các đơn vị sự nghiệp y tế trên địa bàn tỉnh để phát huy tính năng động, sáng tạo của cơ sở trong việc huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tiến hành từng bước, phù hợp với năng lực quản lý và tình hình tự chủ về tài chính của các cơ sở khám chữa bệnh.

d) Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản quản lý Nhà nước về y tế theo thẩm quyền để tăng cường việc quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác BVCS&NCSKND; tăng cường vai trò quản lý của các cấp chính quyền, đặc biệt là vai trò giám sát, kiểm tra, chỉ đạo các hoạt động y tế trên địa bàn.

5. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVCS&NCSKND.

Xây dựng Chương trình xã hội hóa công tác BVCS&NCSKND phù hợp với đặc điểm của tỉnh và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả; gồm các định hướng chủ yếu sau đây:

a) Xây dựng, phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập, đặc biệt là các dịch vụ y tế có chất lượng cao (bệnh viện, phòng khám chuyên khoa...), sản xuất và kinh doanh thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, bằng cách tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư, kinh doanh...để khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia các loại hình dịch vụ y tế nói trên.

b) Làm thí điểm và nhân rộng các mô hình Gia đình Sức khoẻ, Làng Văn hoá Sức khoẻ, xã hội hoá hoạt động của Trạm y tế...; khuyến khích mọi người dân tham gia các phong trào vệ sinh phòng bệnh, thể dục thể thao rèn luyện thân thể... để tự bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

c) Phát huy vai trò, trách nhiệm của các đoàn thể chính trị - xã hội và các ngành liên quan trong việc phối hợp với ngành y tế để thực hiện các hoạt động BVCS&NCSKND.

d) Tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các hoạt động nhân đạo vì sức khoẻ, đặc biệt là cho đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.

đ) Thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2010 (có đề án riêng); chú trọng nâng cao năng lực quản lý, điều hành về bảo hiểm y tế; kết hợp tốt giữa cơ quan phục vụ và cơ quan thanh toán để bảo đảm cho các bệnh nhân được khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế một cách công bằng.

6. Nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế.

Ngành Y tế xây dựng Chương trình nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế của tỉnh đến năm 2010, bao gồm mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp can thiệp cho từng năm, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

a) Tăng cường hiệu quả công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thái độ và hành vi của cán bộ và nhân dân đối với công tác BVCS&NCSKND;

b) Nâng cao chất lượng các dịch vụ phòng bệnh, đặc biệt là việc thực hiện các Chương trình, mục tiêu, dự án y tế quốc gia trọng điểm;

c) Nâng cao chất lượng cấp cứu, chẩn đoán, điều trị ở các tuyến y tế, đặc biệt là phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao tại tuyến tỉnh, huyện, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong tình hình mới;

d) Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ y tế; chú trọng các đề tài, sáng kiến…nhằm không ngừng cải thiện chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tỉnh.

đ) Triển khai thực hiện tốt chương trình kết hợp quân - dân y, đặc biệt là chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả các tình huống khẩn cấp như bạo loạn, dịch bệnh, thiên tai; bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và các lực lượng vũ trang, nhất là ở vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

- Sở Y tế là cơ quan chủ trì, giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình hành động này, báo cáo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu về tiến độ, kết quả thực hiện cho UBND tỉnh.

- Các Sở, Ban, Ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế để thực hiện các giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu do Chương trình hành động này đề ra.

- UBND các huyện, thị xã chủ trì, thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền được phân cấp và phối hợp với Sở Y tế để triển khai các nhiệm vụ liên quan được nêu trong Chương trình hành động này./.