Quyết định 19/2006/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2006-2010) do Uỷ ban Nhân dân tỉnh An giang ban hành
Số hiệu: 19/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Lâm Minh Chiếu
Ngày ban hành: 20/04/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19/2006/QĐ-UBND

Long Xuyên, ngày 20 tháng 04 năm 2006 

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ 5 NĂM (2006-2010)

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 272/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2006-2010);
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2006-2010), với những nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Xác định hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp vừa hoạt động theo Luật Hợp tác xã, vừa gắn với các doanh nghiệp trong khuôn khổ kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2006 - 2010 của UBND tỉnh (số 43/KH-UBND ngày 20/7/2005). Phát triển kinh tế tập thể không chỉ tập trung cho hợp tác xã mà cần tập trung nhiều cho các tổ hợp tác, câu lạc bộ, hiệp hội, trang trại và các dạng liên kết khác để hình thành các hợp tác xã khi đủ điều kiện.

2. Củng cố và phát triển vững chắc hợp tác xã nông nghiệp theo hướng phát triển tổng hợp hoạt động như một loại hình doanh nghiệp song song với việc đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã phi nông nghiệp và nhất là hợp tác xã thương mại dịch vụ, hợp tác xã tín dụng.

3. Củng cố, tăng cường các nhà cung cấp dịch vụ công, các tổ chức kinh tế, xã hội và cả các hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác. Chấp nhận cạnh tranh để nhanh chóng phát triển thị trường này gắn với thị trường chung trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát:

a. Nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP, thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia; mở rộng qui mô hoạt động, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác trong khuôn khổ pháp lý, ở môi trường chung thống nhất, bình đẳng, tạo thành sức mạnh tổng hợp, là động lực quan trọng trong việc tăng trưởng nền kinh tế.

b. Không ngừng cải thiện đời sống của xã viên, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo một cách bền vững và tạo thêm nhiều việc làm; góp phần cải thiện đời sống văn hóa, xã hội và nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng xã viên và dân cư địa phương, nhất là ở nông thôn.

2. Mục tiêu cụ thể:

a. Phấn đấu mỗi năm thành lập mới 20 hợp tác xã và quĩ tín dụng nhân dân:

- Mỗi phường, xã, thị trấn thành lập một hợp tác xã nông nghiệp quản lý diện tích sản xuất nông nghiệp ít nhất là một tiểu vùng. Song song việc tưới tiêu phục vụ sản xuất thì mở rộng thêm nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ khác.

- Ở các trung tâm thuộc các cụm xã thành lập một hợp tác xã thương mại, dịch vụ, hình thành các hợp tác xã ngành nghề truyền thống như nghề mộc, mỹ nghệ, gạch ngói, gốm, gạo đặc sản, mắm, khô…

- Thành lập và củng cố hợp tác xã vận tải thủy bộ ở các huyện để phục vụ việc đi lại và chuyên chở hàng hóa cho nhân dân.

- Thành lập và mở rộng các quĩ tín dụng nhân dân để có thể phục vụ về vốn sản xuất cho các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

b. Giá trị sản xuất do hợp tác xã quản lý tăng 20%/năm và phấn đấu đạt 40% vào năm 2010.

- Giá trị dịch vụ cùng với giá trị sản xuất đối với diện tích do hợp tác xã quản lý và các quĩ tín dụng nhân dân bình quân chiếm từ 10 - 15% tỉ trọng GDP toàn tỉnh.

- Giá trị dịch vụ hợp tác xã cung cấp cho các hộ sản xuất đạt từ 20 - 30% tổng thu nhập tính trên đầu công, thu nhập bình quân của các hộ xã viên, người lao động đạt từ 10 - 15 triệu đồng/năm/1 lao động.

- Phấn đấu đến năm 2010, hợp tác xã phải cung cấp được các dịch vụ hàng hóa cơ bản cho các hộ xã viên, giải quyết tốt lao động có việc làm, phối hợp tốt trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội. Xây dựng 2 - 3 liên hiệp hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, nguồn cán bộ quản lý là cán bộ, công chức nghỉ hưu sớm, chưa bố trí.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Về nông, lâm, thủy sản:

a. Củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã đang hoạt động, nâng cao và mở rộng các loại hình dịch vụ (mỗi hợp tác xã có ít nhất từ 2 loại hình dịch vụ trở lên). Vận động kết nạp xã viên đối với các hộ, cá nhân đang sử dụng và tham gia vào các dịch vụ của hợp tác xã, để không ngừng tăng thêm vốn góp cổ phần, mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh, chú trọng đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng công nghệ sau thu hoạch để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

b. Tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, chuyên đề vận động thành lập mới các hợp tác xã, đối tượng là các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đại điện các hộ nông dân có diện tích đất canh tác trong khu vực đê bao, nơi có nhu cầu thành lập hợp tác xã.Tiếp tục xây dựng, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã mới theo mô hình kinh doanh đa ngành vừa làm các dịch vụ phục vụ xã viên vừa phát triển chế biến, sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

c. Đội ngũ quản lý hợp tác xã, điều hành hoạt động của hợp tác xã phải được đại hội xã viên thông qua, có sự hướng dẫn của Liên minh hợp tác xã, các ngành chức năng và chính quyền địa phương. Tăng cường mở rộng các loại hình dịch vụ tín dụng nội bộ, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đời sống…mà xã viên và cộng đồng có nhu cầu.

2. Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:

a. Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả và mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động của các hợp tác xã hiện có, phát triển hợp tác xã mới cung cấp dịch vụ sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của xã viên. Khuyến khích hợp tác xã chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của xã viên.

b. Gắn kết hợp tác xã với Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn (VARISME), các chương trình khuyến công, hiện đại hóa công nghiệp nông thôn, làm hạt nhân phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các cụm điểm công nghiệp tạo tiền đề cho việc hình thành phát triển các làng nghề công nghiệp mới trong tiến trình công nghiệp hóa của tỉnh.

c. Phát triển hợp tác xã như là các vệ tinh cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn và phân phối các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp này. Khuyến khích liên kết các hợp tác xã hình thành các liên hiệp hợp tác xã hoặc liên kết hợp tác xã - hợp tác xã, hợp tác xã - doanh nghiệp.

3. Về khai thác tài nguyên và cung cấp dịch vụ xây dựng:

a. Củng cố các hợp tác xã xây dựng hiện có trên cơ sở kết hợp đồng bộ các giải pháp về tài chính, tổ chức và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã cung cấp dịch vụ xây dựng. Mở rộng hợp tác xã cung ứng dịch vụ, vật liệu xây dựng khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường.

b. Tập trung huy động vốn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị thi công, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của hợp tác xã. Xây dựng thí điểm và phát triển hợp tác xã nhà ở.

4. Về thương mại:

a. Củng cố và phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thương mại (ở thị xã, thành phố), hợp tác xã thương mại - dịch vụ tổng hợp ở nông thôn nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạt động kinh tế của xã viên và nhu cầu đời sống đa dạng của cộng đồng.

b. Phát triển các hình thức tổ chức liên kết kinh tế thích hợp trong lĩnh vực thương mại giữa các hợp tác xã với nhau và giữa hợp tác xã với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác trong và ngoài tỉnh.

c. Phát triển các hợp tác xã siêu thị và mạng lưới siêu thị hợp tác xã với phương thức hoạt động văn minh, tiên tiến mang lại lợi ích cho xã viên và cộng đồng dân cư địa phương. Phát triển mô hình hợp tác xã chợ ở cả thành thị và nông thôn thu hút đông đảo tiểu thương, người bán hàng tại chợ làm xã viên hợp tác xã.

d. Mở rộng mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thương mại của các hộ buôn bán cá thể. Khuyến khích phát triển hợp tác xã chợ đầu mối ở những nơi có điều kiện.

5. Về giao thông vận tải:

a. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ vận tải, cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các thành viên hoạt động kinh doanh vận tải. Phát triển các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã cung cấp dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu chung của xã viên, cộng đồng dân cư hoặc các tổ chức, doanh nghiệp.

b. Chú trọng phát triển hợp tác xã cung cấp dịch vụ cơ khí, sửa chữa phương tiện vận tải cho xã viên, các hợp tác xã kinh doanh bến bãi với các xã viên là các chủ phương tiện sử dụng bến bãi, hợp tác xã xây dựng và sửa chữa công trình giao thông. Cần áp dụng đầy đủ 3 mô hình tổ chức hoạt động của hợp tác xã vận tải, khuyến khích và tạo điều kiện về vốn để phát triển phương tiện vận tải thuộc sở hữu tập thể.

6. Về tín dụng:

a. Khuyến khích thành lập mới Quỹ tín dụng nhân dân ở những nơi có nhu cầu và có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân một cách vững chắc, an toàn, thu hút mạnh hơn xã viên tham gia Quỹ.

b. Tập trung vốn cho xã viên vay để đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng ngành nghề. Liên kết tạo vốn cho các hợp tác xã trên cùng địa bàn phát triển sản xuất kinh doanh.

c. Xây dựng và phát triển Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở vững mạnh theo hướng liên kết chặt chẽ, tiến tới xây dựng ngân hàng hợp tác xã; gắn kết chặt chẽ giữa Quỹ tín dụng nhân dân với các hợp tác xã khác; đảm bảo Quỹ tín dụng nhân dân phát triển ổn định, vững chắc và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng hợp tác xã này ở cơ sở.

7. Về các ngành và lĩnh vực khác:

Tiếp tục mở rộng và phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã trong các ngành và lĩnh vực khác, như: hợp tác xã môi trường, hợp tác xã trong trường học, hợp tác xã dịch vụ đời sống, hợp tác xã dược, hợp tác xã y tế….v.v …

IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục triển khai Luật Hợp tác xã và tăng cường quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể :

a. Tiếp nhận và triển khai thực hiện các văn bản dưới Luật: Hướng dẫn thực hiện khuyến khích phát triển tổ hợp tác theo Bộ Luật dân sự; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thi hành Luật.

b . Củng cố hợp tác xã hiện có, giải thể hợp tác xã yếu kém không hoạt động, phấn đấu có 100% hợp tác xã đạt trình độ trung bình trở lên.

c. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể.

- Tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế hợp tác - hợp tác xã (Quyết định 2284/ QĐ.UB năm 2001).

- Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn xây dựng, đôn đốc kiểm tra giám sát việc thực hiện kế hoạch, phối hợp với các Sở ngành liên quan bố trí kinh phí thuộc ngân sách nhà nước để thực hiện; định kỳ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh về thực hiện kế hoạch của các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị, thành. Các Sở Công nghiệp, Thương mại, Giao thông - Vận tải, Xây dựng thành lập bộ phận cán bộ chuyên trách kinh tế tập thể về quản lý Nhà nước chuyên ngành.

- UBND các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể của cấp trên đối với cấp dưới, của Bộ ngành đối với địa phương; thực hiện công tác tổng kết đánh giá định kỳ và rút kinh nghiệm về quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể; Nghiên cứu tổng kết thường xuyên tình hình thi hành Luật Hợp tác xã 2003, làm rõ các tồn tại, bất cập, trên cơ sở đó, kiến nghị Trung ương sửa đổi bổ sung các quy định pháp Luật về Hợp tác xã và các chính sách có liên quan.

- Đối với UBND cấp xã: mỗi xã cử một cán bộ không chuyên trách về quản lý kinh tế tập thể theo quy định tại Nghị định số 121/ 2003/ NĐ-CP để phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5.

- Việc đăng ký kinh doanh đối với hợp tác xã thực hiện theo Nghị định 87/ 2005/ NĐ-CP.

- Ban thi đua khen thưởng tỉnh chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các sở ngành liên quan nghiên cứu quy định tiêu chuẩn khen thưởng tôn vinh các cá nhân và tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, có nhiều thành tích xuất sắc về các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội.

2. Phát triển hợp tác quốc tế về kinh tế tập thể.

a . Tiếp nhận các dự án Bộ ngành trung ương đã hợp tác với các tổ chức quốc tế về hỗ trợ phát triển hợp tác xã, nhất là trên lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng nhân lực, tư vấn, đầu tư, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước.

b. Tăng cường quan hệ trực tiếp với các tổ chức NGO, các Hiệp hội, Liên minh hợp tác xã nước ngoài để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể gắn với kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2006 - 2010, hỗ trợ trong thành lập, tổ chức hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã tỉnh.

3. Phân công thực hiện các công tác hỗ trợ.

a. Hỗ trợ khuyến khích thành lập hợp tác xã: Thực hiện Điều 3 - Nghị định 88: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, các Sở ngành liên quan, Liên minh Hợp tác xã tỉnh.

b. Bồi dưỡng, đào tạo.

- Thực hiện khoản 5 - Điều 4 - Nghị đinh 88: Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở ngành liên quan, Liên minh Hợp tác xã tỉnh.

- Thực hiện khoản 6 - Điều 4 - Nghị định 88: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở ngành liên quan, Liên minh Hợp tác xã tỉnh.

c. Đất đai: Thực hiện Điều 5 - Nghị định 88: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp - PTNT cùng các Sở ngành liên quan.

d. Thuế: Thực hiện Điều 6 - Nghị định 88: Cục thuế chủ trì phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các Sở ngành liên quan.

e. Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã: Thực hiện Điều 7 - Nghị định 88: Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cùng Sở ngành liên quan.

f. Tín dụng:

- Thực hiện khoản 1 - Điều 8 - Nghị định 88: Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các Sở ngành liên quan.

- Thực hiện khoản 2 - Điều 8 - Nghị định 88: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cùng các Sở ngành liên quan

- Thực hiện khoản 3 - điều 8 - Nghị định 88: Chi nhánh Ngân hàng nhà nước chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở ngành liên quan.

g. Hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại: Thực hiện Điều 9 - Nghị định 88: Sở Thương mại chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cùng Liên minh hợp tác xã tỉnh và các Sở ngành liên quan.

h. Hỗ trợ ứng dụng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư và khuyến công:

- Thực hiện khoản 1 và 2 - Điều 10 - Nghị định 88: Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Liên minh hợp tác xã và các Sở ngành liên quan.

- Thực hiện khoản 3 - Điều 10 - Nghị định 88: Sở Nông nghiệp - PTNT và Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp Liên minh hợp tác xã cùng các Sở ngành liên quan.

i. Hỗ trợ hợp tác xã đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống của cộng đồng xã viên và tham gia các chương trình kinh tế - xã hội: Thực hiện Điều 11 - Nghị định 88: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Liên minh Hợp tác xã và các Sở ngành liên quan.

j. Các hỗ trợ khác:

- Hỗ trợ công tác tuyên truyền pháp luật về hợp tác xã: Sở Văn hóa - Thông tin chủ trì phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang cùng các Sở ngành liên quan xây dựng và triển khai thực hiện.

- Hỗ trợ xây dựng và tổng kết điển hình và xây dựng mô hình hợp tác xã: Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ trì, phối hợp các Sở ngành liên quan, xây dựng và triển khai thực hiện.

- Tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể:

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Cục Thống kê, Liên minh Hợp tác xã tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống thông tin về kinh tế tập thể.

+ Sở Giáo dục - Đào tạo chủ trì phối hợp với Trường Đại học An Giang xây dựng và triển khai thực hiện việc tổ chức đào tạo chính qui chuyên ngành về hợp tác xã và cử cán bộ trẻ đi nghiên cứu, học tập chính qui ở nước ngoài.

+ Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các Sở ngành liên quan; các Hiệp hội xây dựng và triển khai thực hiện dự án “PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG DỊCH VỤ KINH DOANH NÔNG THÔN” (xây dựng dự án trình thẩm định trong năm 2006).

+ Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã cùng các Sở ngành liên quan xây dựng và triển khai thực hiện dự án về tổ chức bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể.

+ Theo hệ thống dọc, Cục Thống kê gắn với Tổng cục Thống kê (chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện dự án quốc gia về khảo sát và đánh giá toàn diện khu vực kinh tế tập thể; cập nhật định kỳ số liệu, tạo căn cứ tin cậy để xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể một cách khả thi hơn trong những năm tiếp theo (thời hạn hoàn thành trong năm 2006).

 

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hoàn thiện và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm 2006-2010 của tỉnh:

Kế hoạch này thay thế cho kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 07/6/2005 của UBND tỉnh. Hằng năm tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể và tiến hành sơ kết đánh giá kết quả thực hiện, khoảng giữa năm 2008 sẽ tổ chức đánh giá sơ kết giữa kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh cùng các Sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch hằng năm trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh.

2. Chế độ thông tin, báo cáo kế hoạch.

- UBND các huyện - thị thành phố và các Sở ngành liên quan, thực hiện các chế độ báo cáo định kỳ hàng quý, 6 tháng và cả năm về Sở Kế hoạch & Đầu tư và Liên minh Hợp tác xã tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- UBND tỉnh hằng năm báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện kế hoạch theo hướng dẫn tại Thông tư 04/2004/TT-BKH , ngày 13/12/2004 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp & PTNT, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã, Chủ tịch UBND Huyện, Thị, Thành phố và các Sở ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lâm Minh Chiếu

 





Kế hoạch 43/KH-UBND về năm An toàn giao thông 2019 Ban hành: 21/02/2019 | Cập nhật: 29/11/2019