Kế hoạch 43/KH-UBND 2019 về hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Số hiệu: 43/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Nguyễn Đức Quyền
Ngày ban hành: 21/02/2019 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/KH-UBND

Thanh Hoá, ngày 21 tháng 02 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG NGĂN CHẶN VÀ ỨNG PHÓ KHẨN CẤP VỚI BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Thực hiện Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quyết định ban hành Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Sau khi xem xét tình hình thực tế và nguy cơ phát sinh, xâm nhiễm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh với các nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Chủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo vệ, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi lợn phát triển, bảo vệ sức khỏe người dân và góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Ngăn chặn, giảm thiểu tối đa nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; khách du lịch, phương tiện đi lại và phương tiện vận chuyển đến từ các nước, vùng đã, đang có dịch bệnh và có nguy cơ lớn xảy ra dịch; hoạt động của cư dân biên giới kể cả giao thương trên biển của tỉnh và các nước.

- Chủ động giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để xử lý triệt để, không để lây lan ra diện rộng; giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường do bệnh này gây ra.

II. GIẢI PHÁP CHUNG

1. Kịch bản tình huống

Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15/11/2018; Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đưa ra 2 tình huống chính để các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

- Tình huống 1: Phòng ngừa khi bệnh Dịch tả lợn Châu Phi chưa xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Tình huống 2: Xử lý bệnh Dịch tả lợn Châu Phi khi đã phát hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

2. Giải pháp tổ chức thực hiện

2.1. Khi chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

- Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung ngăn chặn dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện khẩn số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018; Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Công điện số 15/CĐ-UBND ngày 06/9/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh; quy định của Luật thú y và văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

- Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện " Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa " từ cấp tỉnh, huyện, xã và tổ chức diễn tập Kế hoạch hành động nếu thấy cần thiết.

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp tỉnh theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch; đồng thời chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện, xã theo quy định.

- Tổ chức, thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố đặc biệt tại các đơn vị giáp biên giới, các đơn vị có hoạt động giao thương trên biển với nước ngoài, các đơn vị có tổng đàn lợn với số lượng lớn, các đơn vị có nhiều khách du lịch và có phương tiện vận chuyển đến từ các nước đang có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

2.2. Khi phát hiện ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

- Ban Chỉ đạo các cấp thực hiện giao ban định kỳ, đột xuất với hình thức giao ban phù hợp (ưu tiên giao ban trực tuyến) để cập nhật diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo tổ chức thực hiện.

- Các thành viên Ban Chỉ đạo các cấp trực tiếp đến ngay các địa phương có dịch bệnh, có nguy cơ bị dịch bệnh uy hiếp để kiểm tra, đôn đốc và tổ chức các biện pháp chống dịch.

3. Giải pháp kỹ thuật

3.1. Khi chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

3.1.1. Giải pháp về kiểm soát vận chuyển

- Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

- Tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài, ngoài tỉnh vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, sân bay, cảng biển đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhập cảnh vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa; đặc biệt chú ý những vị trí thường xuyên vận chuyển lợn từ nước có bệnh Dịch tả lợn Châu phi và địa bàn tỉnh Thanh Hóa qua đường bộ, đường hàng không, đường biển.

- Tổ chức kiểm soát, giám sát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín đến tỉnh Thanh Hóa; bao gồm cả việc kiểm soát, giám sát tại các cửa khẩu; thực hiện xử lý thức ăn thừa có nguồn gốc chế biến từ thịt lợn từ các chuyến bay, tàu biển, phương tiện vận chuyển xuất phát từ vùng, quốc gia có dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

- Trường hợp nghi lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu cần báo cáo Cục Thú y và thực hiện truy xuất nguồn gốc theo Luật an toàn thực phẩm và Thông tư số 74/2011/TT-BNN ngày 31/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không đảm bảo an toàn.

- Tiêu hủy đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài, tỉnh ngoài vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

3.1.2. Giải pháp về chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh

- Tăng cường năng lực giám sát, điều tra ổ dịch và ứng phó với dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ và sẵn các trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu cần thiết cho việc tổ chức giám sát, điều tra ổ dịch và xét nghiệm bệnh.

- Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh; cần tập trung đối với đàn lợn tại các huyện giáp biên giới, tại các huyện, thị xã, thành phố có nhiều khách du lịch và có phương tiện vận chuyển đến từ nước đang có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

- Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh; các loại lợn phát hiện bị bệnh, nghi bị bệnh tại các điểm, cơ sở giết mổ, tại các hộ, cơ sở chăn nuôi lợn hoặc trong quá trình vận chuyển; các sản phẩm thịt lợn đông lạnh, thịt lợn tươi, giăm bông, xúc xích, lạp sườn, …. Trường hợp phát hiện mẫu dương tính thì phải tổ chức xử lý theo các nội dung của Tình huống 2 (khi phát hiện có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi).

- Hàng tháng, tổ chức giám sát ở các vùng có nguy cơ cao, mật độ chăn nuôi cao,....

3.1.3. Giải pháp về thông tin tuyên truyền

Tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến tất cả thú y tại cơ sở, người chăn nuôi và toàn dân về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Nội dung tuyên truyền cần nêu rõ sự nguy hiểm của bệnh, đường lây lan bệnh và các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, nhưng tránh hiểu lầm và gây hoang mang trong xã hội.

3.2. Khi phát hiện ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

3.2.1. Giải pháp tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn bị bệnh, nghi bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

- Không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

- Trường hợp 01 ổ dịch là hộ chăn nuôi, gia trại, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không có dãy chuồng riêng biệt hoặc chợ, điểm buôn bán lợn, sản phẩm lợn, cơ sở giết mổ lợn: Đối với các đơn vị lần đầu tiên phát hiện lợn bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Việc tiêu hủy cũng được áp dụng đối với các đàn lợn liền kề với đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm.

- Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của Dịch tả lợn Châu Phi mà không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.

- Đối với chăn nuôi trang trại số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ lợn trong chuồng, dẫy chuồng có lợn bệnh; các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nếu phát hiện dương tính hoặc xét thấy có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại.

- Các bước tiêu hủy lợn bệnh, nghi bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được mô tả chi tiết tại Phụ lục 3.

- Hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn, sản phẩm của lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Quyết định số 3994/QĐ-UBND ngày 20/10/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định chi tiết mức hỗ trợ theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ.

3.2.2. Giải pháp khoanh vùng ổ dịch

- Ổ dịch là trại, các trại chăn nuôi lợn hoặc hộ gia đình chăn nuôi lợn trong 01 đơn vị cấp xã nơi phát hiện vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.

- Vùng dịch là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.

- Vùng bị dịch uy hiếp: Trong phạm vi 03 km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.

- Vùng đệm: Trong phạm vi 10 km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 01 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch; đồng thời thực hiện việc theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.

3.2.3. Giải pháp dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn

- Nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp đã được cấp “Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật” đối với các bệnh khác, có thể được phép vận chuyển ra ngoài dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền của địa phương sau khi đã lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi). Căn cứ tình hình thực tế, Chi cục Thú y tỉnh điều chỉnh, xác định vùng bị dịch uy hiếp phù hợp để áp dụng giải pháp dừng vận chuyển.

- Không vận chuyển lợn con, lợn giống ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

- Đối với lợn trưởng thành hoặc trong trường hợp chủ cơ sở nuôi lợn có nhu cầu giết mổ lợn thì được phép giết mổ lợn dưới sự giám sát của cán bộ thú y với điều kiện kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Thịt lợn và sản phẩm thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong phạm vi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm.

3.2.4. Giải pháp về quản lý chăn nuôi, an toàn sinh học, tái đàn sau khi hết dịch

- Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh.

- Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch. Các nội dung cụ thể về việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc được mô tả chi tiết tại Phụ lục 2.

- Thời điểm tái đàn sau dịch: 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.

3.2.5. Giải pháp về chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh

- Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì báo cơ quan thú y địa phương lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh; cần tập trung đối với đàn lợn tại vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát.

- Chi cục Thú y tổ chức lấy mẫu đối với lợn nghi mắc bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát và gửi đến phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

3.2.6. Giải pháp về thông tin tuyên truyền

- UBND tỉnh là cơ quan duy nhất thông tin chính thức về các ca bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh sau khi đã có thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Hằng ngày cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên các kênh truyền thông.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến tất cả thú y cơ sở, người chăn nuôi và toàn dân về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tuyên truyền, đưa tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, nội dung tuyên truyền cần nêu rõ các biện pháp khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lây lan ra diện rộng.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

Kinh phí thực hiện kế hoạch theo quy định hiện hành của Nhà nước. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT căn cứ các quy định hiện hành và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh lập dự toán kinh phí thực hiện, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

IV. KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ

1. Khi chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các cấp để chỉ đạo, điều hành; thành lập các tổ, đội công tác chuyên trách để ứng phó với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh; triển khai diễn tập ứng phó với các tình huống phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (nếu thấy cần thiết) trên địa bàn.

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản phát hiện sớm các ổ dịch trên đàn lợn, nhằm bao vây dập tắt dịch khi còn ở diện hẹp, không để dịch lây lan; nếu phát hiện lợn có biểu hiện của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi thì phải báo cáo kịp thời và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

- Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; xây dựng phương án đóng cửa chợ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có các biện pháp xử lý khi phát hiện có vi rút Dịch tả lợn Châu Phi. Rà soát các chợ, điểm trung chuyển, tập kết lợn sống trên địa bàn, các cơ sở giết mổ lợn tập trung, đặc biệt các địa bàn có buôn bán lợn sống không rõ nguồn gốc để giám sát.

- Tăng cường công tác lấy mẫu giám sát đối với lợn sống nhập lậu, điểm thu gom buôn bán lợn sống và một số trang trại chăn nuôi lợn. Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho hệ thống thú y của địa phương.

- Tổ chức triển khai Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; sau Tháng cao điểm cần định kỳ triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn những khu vực có nguy cơ cao (chi tiết đính kèm Phụ lục số 3).

- Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhập cảnh vào tỉnh; đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển lợn sống, sản phẩm của lợn qua biên giới. Tổ chức tiêu hủy tất cả lợn sống và sản phẩm của lợn nhập lậu qua biên giới.

- Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi (hằng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi nhất là tại các cơ sở sản xuất giống;…); cần tập trung đối với đàn lợn tại các địa phương giáp biên giới, có phương tiện vận chuyển đến từ nước đang có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các địa phương có nhiều khách du lịch.

- Chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra.

- Rà soát, dự phòng sẵn các phương án tiêu hủy, nơi chôn, đốt lợn, sản phẩm lợn nếu phát hiện dương tính hoặc nghi nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đặc biệt trong các trường hợp phải tiêu hủy số lượng lớn (hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn con lợn); bao gồm cả hóa chất, dụng cụ và phương tiện vận chuyển từ nơi phát hiện lợn dương tính đến nơi tiêu hủy, nơi chôn hủy.

2. Khi phát hiện có ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

2.1. Tại các huyện, thị xã, thành phố có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, thuộc vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát

Tổ chức xử lý ổ dịch và chống dịch theo quy định của Luật thú y; Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ; Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Công điện số 15/CĐ-UBND ngày 06/9/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh, trong đó tập trung thực hiện:

- Tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

- Tổ chức khoanh vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát; đồng thời thiết lập các trạm, chốt kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn; cũng như các trạm dừng phương tiện giao thông để thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho các phương tiện đi từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát ra bên ngoài.

- Tổ chức kiểm soát không để lợn và sản phẩm lợn được vận chuyển ra khỏi vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát; không vận chuyển lợn con, lợn giống từ bên ngoài vào trong vùng giám sát, vùng bị dịch uy hiếp.

- Tổ chức kiểm soát việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát tại cơ sở, điểm giết mổ lợn.

- Tổ chức việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo trong vùng bị dịch uy hiếp; tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/tuần trong vòng 01 tháng trong vùng giám sát.

- Thực hiện việc báo cáo cho Cục Thú y theo đúng quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ; Hằng ngày cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên các kênh truyền thông của địa phương.

- Công bố hết dịch theo quy định của Luật thú y, sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy con bệnh cuối cùng mà không có con vật nào mắc bệnh, đồng thời đã thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch bảo đảm không còn mầm bệnh để phát sinh ổ dịch mới hoặc lây lan sang nơi khác.

- Hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn, sản phẩm lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ.

- Chi cục Thú y tổ chức lấy mẫu đối với lợn nghi mắc bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân để xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát.

2.2. Tại các huyện, thị xã, thành phố chưa có bệnh

- Tổ chức thực hiện các giải pháp đối với trường hợp chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

- Đối với đơn vị chưa có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhưng nằm trong vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát của tỉnh/quốc gia đang có dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát như ở đơn vị có dịch.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh

Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh khi được thành lập là đầu mối điều phối, chỉ đạo các hoạt động ứng phó khẩn cấp trên địa bàn tỉnh theo bản Kế hoạch này. Căn cứ tình hình thực tế và diễn biến của dịch, Ban Chỉ đạo tham mưu, đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp ứng phó với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi phù hợp với tình hình thực tế.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Trực tiếp và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các huyện, thị xã, thành phố trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó dịch như: Xây dựng kế hoạch ứng phó của tỉnh, chuẩn bị vật tư, hóa chất, nhân lực và các phương án cụ thể trong mỗi tình huống dịch.

- Ban hành hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý đàn lợn mắc bệnh, tiêu độc khử trùng và xử lý địa bàn khi phát hiện vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giết mổ và tiêu thụ thịt lợn an toàn.

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có dịch huy động nguồn lực nhanh chóng thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt dịch bệnh, ngăn chặn dịch lây lan; kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức chống dịch bệnh động vật của UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có dịch.

- Chỉ đạo các Chi cục Thú y bố trí cán bộ thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật 24/24 tại các cửa khẩu, cảng biển, trạm, chốt kiểm dịch để kịp thời phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm địa bàn tỉnh.

- Phân công các Đội ứng phó nhanh trực tiếp đến các huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ tổ chức chống dịch.

- Tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm xác định lưu hành bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát và các vùng có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện và xử lý khi phát hiện bệnh.

- Chỉ đạo tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt đặc biệt tại các cơ sở chăn nuôi nằm trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát vác vùng chăn nuôi trọng điểm.

- Trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật và triển khai việc hỗ trợ phòng, chống dịch.

- Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tình hình, kết quả phòng, chống dịch bệnh động vật, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra và khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh động vật.

- Tổng hợp, đề xuất nhu cầu kinh phí phát sinh phục vụ hoạt động phòng chống dịch, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

3. Sở Giao thông vận tải: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyên, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín vào tỉnh.

4. Sở Công Thương: Thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, diễn biến thị trường đối với thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn để có giải pháp bảo đảm lưu thông, tránh gây bất ổn về thị trường trong nước.

5. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường, Công an các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo dõi, nắm tình hình, lập danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu; phối hợp với các lực lượng chức năng kịp thời bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

6. Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng

- Chỉ đạo lực lượng Bộ đội biên phòng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu và trên biển theo chức năng, nhiệm vụ; phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, trên biển kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật;

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý nội bộ; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.

7. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng cần thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các biện pháp phòng chống dịch; có chuyên mục riêng về phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh.

- Nội dung tuyên truyền cần nêu rõ tác hại của việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật, tăng nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đồng thời hướng dẫn các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, tránh gây hoang mang trong xã hội, từ đó nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân; cùng lên án các hành vi vi phạm, không sử dụng lợn và sản phẩm thịt nhập lậu, không rõ nguồn gốc; đồng thời hướng dẫn các biện pháp chủ động phòng ngừa bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lây vào địa bàn tỉnh.

8. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cân đối, bố trí kinh phí chi thường xuyên phục vụ hoạt động phòng chống dịch theo quy định. Đảm bảo kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản trong trường hợp phát sinh, cấp bách; thẩm định kinh phí phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

9. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường phục vụ công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

10. Cục Quản lý thị trường: Tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép. Chủ trì, tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh lợn sống và sản phẩm từ thịt lợn nhập khẩu trái phép.

11. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chịu trách nhiệm toàn diện, trực tiếp trong việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND các xã, phường, thị trấn huy triển khai đồng bộ, quyết liệt, đầy đủ các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn. Phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

- Phân bổ, bố trí kinh phí từ ngân sách huyện; tiếp nhận, quản lý và phân phối vật tư, hoá chất, dụng cụ,... cho các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn được giao quản lý.

12. Đề nghị MTTQ tỉnh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND các huyện, thị xã, thành phố vận động đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân tích cực tham gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh.

13. Các sở, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự xâm nhiễm và lây lan bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

PHỤ LỤC SỐ 01

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
(Ban hành theo Kế hoạch số 43 /KH-UBND ngày 21 /02/2019 của UBND tỉnh)

1. Đặc điểm chung của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever - ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và ở mọi loài lợn (cả lợn nhà và lợn hoang dã). Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Vi rút gây ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (ASFV) có sức đề kháng cao trong môi trường. Lợn khỏi bệnh có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

2. Đặc điểm của vi rút Dịch tả lợn Châu Phi

- Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi được phân chia, sắp xếp vào chi Asfivirus, trong họ Asfarviridae. Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi có kích thước lớn (200 nm), có vỏ bọc bên ngoài với cấu trúc khối nhiều mặt (Icoxahedral), kiểu gien di truyền dạng ADN sợi đôi và hiện nay đã phát hiện có tới 22 genotypes, cùng nhiều chủng vi rút có độc lực khác nhau (cao, trung bình và thấp).

- Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi được tìm thấy trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh và chết bởi bệnh này. Lợn sau khi khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính có thể mang vi rút suốt đời. Ngoài ra, ve mềm thuộc chi Ornithodoros là một vector sinh học trong tự nhiên.

- Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami. Vi rút có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao nên vi rút có thể chịu được trong thời gian dài 3-6 tháng; vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong 70 phút hoặc ở 60°C trong 20 phút. Vi rút sống trong máu đã phân hủy được 15 tuần; trong máu khô không được 70 ngày; trong phân ở nhiệt độ phòng được 11 ngày; trong máu lợn ở nhiệt độ 4°C trong 18 tháng; trong thịt dính xương ở nhiệt độ 39°C được 150 ngày; trong giăm bông được 140 ngày và ở nhiệt độ 50°C tồn tại trong 3 giờ.

Trong môi trường không có huyết thanh, vi rút có thể bị phá hủy ở pH< 3,9 hoặc ở pH > 11,5. Môi trường có huyết thanh vi rút có thể tồn tại được ở pH = 13,4 trong 7 ngày; không có huyết thanh vi rút có thể sống được 21 giờ.

Hóa chất để diệt vi rút Dịch tả lợn Châu Phi bao gồm ether, chloroform và hợp chất iodine hoặc sử dụng Sodium hydroxide với tỉ lệ 8/1.000 hoặc formalin với tỉ lệ 3/1.000 hoặc chất tẩy trắng hypochlorite chứa chlorine 2,3% hoặc chất ortho- phenylphenol 3% nhưng phải duy trì thời gian 30 phút.

Bảng tổng hợp thông tin về sức đề kháng của vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.

Loại sản phẩm

Thời gian vi rút tồn tại

Thịt có xương, thịt nghiền

105 ngày

Thịt chế biến ở nhiệt độ 70oC trong 30 phút

0

Thịt khô

300 ngày

Thịt xông khói, bỏ xương

30 ngày

Thịt đông lạnh

1.000 ngày

Thịt mát

110 ngày

Thịt chất lượng kém (hỏng)

105 ngày

Da/Mỡ (kể cả đã khô)

300 ngày

Máu ở nhiệt độ lạnh 4oC

18 tháng

Phân lợn ở nhiệt độ thường

11 ngày

Thực phẩm thừa bỏ đi (có thịt lợn)

15 tuần

Chuồng lợn nhiễm bệnh

1 tháng

Nguồn thông tin: FAO

Bảng tổng hợp thông tin về đối tượng cần sát trùng đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Đối tượng cần sát trùng

Chất sát trùng/hóa chất/quy trình

Thú sống

Làm chết lợn (chết nhân đạo)

Xác thú

Chôn hoặc đốt

Nhà nuôi thú/các dụng cụ nuôi

Xà phòng và chất tẩy rửa, tác nhân oxy hóa và kiềm

Diệt ve, mòng

Các hoá chất diệt côn trùng (organophosphates và synthetic pyrethroids) để diệt ve

Con người

Xà phòng và chất tẩy rửa

Các dụng cụ điện

Phun Formaldehyde

Thức ăn

Chôn hoặc đốt

Chất thải, phân

Chôn hoặc đốt, axit hoặc kiềm

Nhà ở của người

Xà phòng, chất tẩy, các tác nhân ô xy hóa

Máy móc

Xà phòng, chất tẩy, và kiềm.

Phương tiện vận chuyển

Xà phòng, chất tẩy, và chất kiềm.

Quần áo

Xà phòng, chất tẩy chất ô xy hóa và kiềm.

Máy bay

Xà phòng, chất tẩy và Virkon.

Nguồn thông tin: Kế hoạch hành động ứng phó với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi của Úc.

3. Quá trình gây bệnh và lây lan vi rút Dịch tả lợn Châu Phi

- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3-15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày.

- Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.

4. Phân bố của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

- Năm 1921, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya, Châu Phi và sau đó đã trở thành dịch địa phương tại nhiều nước Châu Phi.

- Năm 1957, lần đầu tiên bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện và báo cáo tại châu Âu; bệnh cũng được báo cáo ở các nước châu Mỹ.

- Năm 2007, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được báo cáo xảy ra ở dãy núi Caucasus giữa châu Âu và châu Á tại quốc gia Georgia. Đến nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trở thành dịch địa phương ở nhiều nước trên thế giới.

- Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 08/11/2018, đã có 19 quốc gia gồm: Bỉ, Bun-ga-ri, Cộng hòa Sát, Trung Quốc, Cote D'Ivoire (Bờ biển Ngà), Cộng hòa Séc, E-xtô-ni-a, Hung-ga-ri, Kê-ni-a, Lát-vi-a, Lít-va, Môn-đô-va, Ni-giê-ri-a, Ba Lan, Ru-ma-ni, Liên Bang Nga, Nam Phi, U-crai-na và Dăm-bi-a báo cáo bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tổng số lợn bệnh là trên 372 nghìn con, số lợn chết vì bệnh là trên 123 nghìn con, tổng đàn lợn có nguy cơ, buộc phải tiêu hủy trên 840 nghìn con.

Bản đồ thể hiện phân bố của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi hiện nay

(cập nhật vào ngày 18/8/2018).

- Theo thông tin cập nhật từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 03/8/2018 đến ngày 08/11/2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có trên 58 ổ dịch xuất hiện tại 15 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô, Chiết Giang, Cát Lâm, Khu tự trị Nội Mông, Thiên Tân, Sơn Tây, Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam (tại Simao của thành phố Phổ Nhĩ, cách biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam khoảng 150km), Trùng Khánh và Phúc Kiến. Tổng cộng đã có hơn 210 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

5. Triệu chứng, bệnh tích của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

a) Chẩn đoán lâm sàng

- Lợn bị nhiễm Dịch tả lợn Châu Phi có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Lợn bệnh biểu hiện các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh Dịch tả lợn cổ điển (đã và đang có tại Việt Nam). Do đó, việc chẩn đoán Dịch tả lợn Châu Phi khó có thể thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng; cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.

- Thể quá cấp tính (Peracute) là do vi rút có độc lực cao, lợn sẽ chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết.

- Thể cấp tính (Acute) là do vi rút có độc lực cao gây ra, lợn sốt cao (40,5 - 42°C). Trong 2-3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và giảm tiểu cầu. Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Lợn sẽ chết trong vòng 6-13 hoặc 20 ngày. Lợn mang thai có thể sẩy thai ở mọi giai đoạn. Tỷ lệ tử chết cao lên tới 100%. Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm vi rút thể mãn tính thường không có triệu chứng, nhưng chúng sẽ là vật chủ mang vi rút Dịch tả lợn Châu Phi trong suốt cuộc đời.

- Thể á cấp tính (Subacute) gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình. Chủ yếu được tìm thấy ở châu Âu, lợn biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng. Lợn sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn. Bệnh kéo dài 5-30 ngày, nếu máu ứ trong tim (cấp tính hoặc suy tim) thì lợn có thể chết, lợn mang thai sẽ sẩy thai, lợn chết trong vòng 15-45 ngày, tỉ lệ chết khoảng 30-70 %. Lợn có thể khỏi hoặc bị bệnh mãn tính.

- Thể mãn tính (Chronic form) gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình hoặc thấp, chủ yếu được tìm thấy ở Angola và Châu Âu. Lợn có nhiều triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển. Triệu chứng kéo dài 2-15 tháng, có tỷ lệ tử vong thấp, lợn khỏi bệnh sau khi nhiễm vi rút gây nên bệnh sẽ trở thành dạng mãn tính.

b) Bệnh tích

- Thể cấp tính: Xuất huyết nhiều ở các hạch lympho ở dạ dày, gan và thận. Thận có xuất huyết điểm, lá lách to có nhồi huyết. Da có màu tối và phù nề, da vùng bụng và chân có xuất huyết. Có nhiều nước xung quanh tim và trong xoang ngực hoặc xoang bụng, có các điểm xuất huyết trên nắp thanh quản, bàng quang và bề mặt các cơ quan bên trong; phù nề trong cấu trúc hạch lâm ba của đại tràng và phần tiếp giáp với túi mật, túi mật sưng.

- Thể mãn tính: Có thể gặp sơ cứng phổi hoặc có các ổ hoại tử hạch, hạch phổi sưng, viêm dính màng phổi.

6. Chẩn đoán bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

a) Chẩn đoán phân biệt

- Dịch tả lợn Châu Phi và Dịch tả lợn cổ điển khó có thể chẩn đoán phân biệt nếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích. Vì vậy, trong mọi trường hợp, phải lấy mẫu xét nghiệm tại phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh.

- Các bệnh khác cần được chẩn đoán phân biệt với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi bao gồm các bệnh: Bệnh tai xanh (PRRS), đặc biệt là thể cấp tính, bệnh Đóng dấu lợn, bệnh Phó thương hàn, bệnh Tụ huyết trùng, bệnh liên cầu khuẩn do Streptococcus suis, bệnh Glasser, bệnh ký sinh trùng đường máu do Trypanosoma gây ra, Hội chứng viêm da sưng thận do PCV2, bệnh giả dại ở lợn choai và bị ngộ độc muối.

b) Lấy mẫu xét nghiệm

- Lấy mẫu máu lợn đang sốt trong giai đoạn đầu, máu được chống đông bằng bổ sung EDTA 0,5%.

- Lách, các hạch bạch huyết, hạch amidan bảo quản ở nhiệt độ 4°C.

- Huyết thanh từ động vật khỏi bệnh, lấy mẫu trong vòng 8-21 ngày sau khi lợn nhiễm bệnh.

c) Xét nghiệm phát hiện vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

- Sử dụng tế bào monocytes sơ cấp của lợn hoặc tế bào tủy xương, phần lớn vi rút Dịch tả lợn Châu Phi phân lập được sẽ sinh ra Haemadsorption.

- Phát hiện kháng nguyên bằng phương pháp Fluorescent antibody test (FAT) kết quả dương tính của FAT cùng với các triệu chứng và các tổn thương có thể sơ bộ xác định bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

- Phương pháp PCR thường và Real-time PCR: Là kỹ thuật cần thiết đối với việc xét nghiệm các mẫu lợn nghi bị nhiễm vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.

- Tiêm động vật thí nghiệm: Hiện không được khuyến cáo sử dụng phương pháp này vì nguy cơ lây lan bệnh cao.

- Kiểm tra huyết thanh bệnh Dịch tả lợn Châu Phi bằng kỹ thuật ELISA (Enzyme - linked immunosorbent assay) hoặc IFA (Indirect fluorescent antibody (IFA).

7. Phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị được Dịch tả lợn Châu Phi, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; Kiểm soát kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học là các biện pháp chủ lực được các nước đã và đang áp dụng./.

 

PHỤ LỤC SỐ 02

HƯỚNG DẪN VỀ VỆ SINH, KHỬ TRÙNG VÀ TIÊU ĐỘC
(Ban hành theo Kế hoạch số 43 /KH-UBND ngày 21 /02/2019 của UBND tỉnh)

1. Nguyên tắc vệ sinh, khử trùng tiêu độc

1.1. Người thực hiện khử trùng tiêu độc phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp.

1.2. Hóa chất sát trùng ít độc hại đối với người, vật nuôi, môi trường; phải phù hợp với đối tượng khử trùng tiêu độc; có tính sát trùng nhanh, mạnh, kéo dài, hoạt phổ rộng, tiêu diệt được nhiều loại mầm bệnh.

1.3. Trước khi phun hóa chất sát trùng phải làm sạch đối tượng khử trùng tiêu độc bằng biện pháp cơ học (quét dọn, cạo, cọ rửa).

1.4. Pha chế và sử dụng hóa chất sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bảo đảm pha đúng nồng độ, phun đúng tỷ lệ trên một đơn vị diện tích.

2. Loại hóa chất sát trùng

2.1. Hóa chất sát trùng trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

2.2. Vôi bột, vôi tôi, nước vôi, xà phòng, nước tẩy rửa.

2.3. Loại hóa chất sát trùng khác theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương.

3. Đối tượng vệ sinh, khử trùng tiêu độc

3.1. Cơ sở chăn nuôi lợn tập trung.

3.2. Hộ gia đình có chăn nuôi lợn.

3.3. Cơ sở sản xuất lợn giống.

3.4. Cơ sở giết mổ lợn.

3.5. Cơ sở sơ chế, chế biến thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn.

3.6. Chợ buôn bán lợn và sản phẩm của lợn.

3.7. Địa điểm thu gom lợn và sản phẩm của lợn để buôn bán, kinh doanh, nơi cách ly kiểm dịch lợn và sản phẩm của lợn.

3.8. Khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy lợn và sản phẩm của lợn nhiễm, nghi nhiễm mầm bệnh; khu vực thu gom, xử lý chất thải của lợn.

3.9. Trạm, chốt kiểm dịch động vật, chốt kiểm soát ổ dịch.

3.10. Phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn.

Căn cứ đặc điểm cụ thể của địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định khu vực có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao cần phải vệ sinh, khử trùng tiêu độc.

4. Tần suất thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng

4.1. Đối với cơ sở chăn nuôi lợn tập trung: Đột xuất khi có yêu cầu hoặc định kỳ vệ sinh khu vực chăn nuôi, định kỳ thực hiện tiêu độc khử trùng theo lịch của cơ sở và theo các đợt phát động của địa phương.

4.2. Hộ gia đình có chăn nuôi lợn: Định kỳ vệ sinh khu vực chăn nuôi và thực hiện tiêu độc khử trùng theo các đợt phát động của địa phương.

4.3. Cơ sở sản xuất lợn giống: Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi đợt xuất chuồng và theo các đợt phát động của địa phương.

4.4. Cơ sở giết mổ lợn: Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi ca giết mổ lợn.

4.5. Cơ sở sơ chế, chế biến thịt lợn, sản phẩm thịt lợn: Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi ca sản xuất.

4.6. Địa điểm thu gom, chợ buôn bán lợn và sản phẩm của lợn: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực buôn bán lợn và sản phẩm của lợn sau mỗi phiên chợ. Nơi cách ly kiểm dịch lợn phải định kỳ thực hiện vệ sinh và tiêu độc khử trùng ít nhất 01 lần trong tuần trong thời gian nuôi cách ly lợn.

4.7. Phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn: Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi lần vận chuyển.

4.8. Khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy lợn, sản phẩm của lợn nhiễm, nghi nhiễm mầm bệnh; khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau khi hoàn thành việc xử lý, chôn lấp và theo các đợt phát động của địa phương.

4.9. Trạm, chốt kiểm dịch động vật: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng đối với phương tiện vận lợn và sản phẩm của lợn đi qua trạm kiểm dịch.

4.10. Chốt kiểm soát ổ dịch: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng hằng ngày đối với phương tiện vận chuyển đi qua chốt trong thời gian có dịch.

5. Trường hợp có dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương hướng dẫn cụ thể về đối tượng, tần suất vệ sinh, khử trùng tiêu độc trên địa bàn vùng có ổ dịch, vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp.

 

PHỤ LỤC SỐ 03

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT TIÊU HỦY BẮT BUỘC LỢN BỆNH VÀ SẢN PHẨM CỦA LỢN BỆNH
(Ban hành theo Kế hoạch số 43 /KH-UBND ngày 21 /02/2019 của UBND tỉnh)

1. Nguyên tắc tiêu hủy

a) Phải làm chết động vật bằng điện hoặc phương pháp khác (nếu có).

b) Địa điểm tiêu hủy: phải theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ưu tiên chọn địa điểm tiêu hủy tại khu vực chăn nuôi có động vật mắc bệnh hoặc địa điểm thích hợp khác gần khu vực có ổ dịch.

c) Phương tiện, dụng cụ được sử dụng để vận chuyển phụ phẩm và sản phẩm khác đến địa điểm tiêu hủy phải có sàn kín; phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi vận chuyển đến địa điểm tiêu hủy; người tham gia vào quá trình tiêu hủy lợn bệnh, nghi lợn bệnh cần phải thực hiện vệ sinh, sát trùng để tránh làm lây lan mầm bệnh

2. Biện pháp tiêu hủy

a) Biện pháp chôn lấp.

b) Biện pháp đốt: Đốt bằng lò chuyên dụng hoặc đốt thủ công bằng cách đào hố, cho bao chứa xác động vật, sản phẩm động vật vào hố và đốt bằng củi, than, rơm, rạ, xăng, dầu,..; sau đó lấp đất và nện chặt.

3. Vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đến địa điểm tiêu hủy:

a) Trường hợp địa điểm tiêu hủy ở ngoài khu vực có ổ dịch, xác động vật, sản phẩm động vật phải được cho vào bao, buộc chặt miệng bao và tập trung bao chứa vào một chỗ để phun khử trùng trước khi vận chuyển; trường hợp động vật lớn không vừa bao chứa phải sử dụng tấm nilon hoặc vật liệu chống thấm khác để lót bên trong (đáy và xung quanh) thùng của phương tiện vận chuyển.

b) Phương tiện vận chuyển xác động vật, sản phẩm động vật phải có sàn kín để không làm rơi vãi các chất thải trên đường đi.

c) Phương tiện vận chuyển xác động vật, sản phẩm động vật phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y ngay trước khi vận chuyển và sau khi bỏ bao chứa xuống địa điểm tiêu hủy hoặc dời khỏi khu vực tiêu hủy.

4. Quy cách hố chôn

a) Địa điểm: Hố chôn phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích; nên chọn nơi chôn trong vườn (tốt nhất là vườn cây ăn quả hoặc lấy gỗ).

b) Kích cỡ: Hố chôn phải đủ rộng phù hợp với khối lượng động vật, sản phẩm động vật và chất thải cần chôn. Ví dụ nếu cần chôn 01 tấn động vật thì hố chôn cần có kích thước là sâu 1,5 - 2m x rộng 1,5 - 2m x dài 1,5 - 2m.

5. Các bước chôn lấp

Sau khi đào hố, rải một lớp vôi bột xuống đáy hố theo tỷ lệ khoảng 01 kg vôi /m2, cho bao chứa xuống hố, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột lên trên bề mặt, lấp đất và nện chặt; yêu cầu khoảng cách từ bề mặt bao chứa đến mặt đất tối thiểu là 0,5m, lớp đất phủ bên trên bao chứa phải dày ít nhất là 1m và phải cao hơn mặt đất để tránh nước chảy vào bên trong gây sụt, lún hố chôn. Phun sát trùng khu vực chôn lấp để hoàn tất quá trình tiêu hủy.

6. Quản lý hố chôn

a) Hố chôn xác động vật phải có biển cảnh báo người ra vào khu vực.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý, tổ chức kiểm tra định kỳ và xử lý kịp thời các sự cố sụt, lún, xói mòn, rò rỉ, bốc mùi của hố chôn.

c) Địa điểm chôn lấp phải được đánh dấu trên bản đồ của xã, ghi chép và lưu giữ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

8. Trường hợp thuê các tổ chức, cá nhân khác thực hiện tiêu hủy, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức giám sát việc thực hiện, bảo đảm tuân thủ kỹ thuật theo các quy định tại Phụ lục này./.