Quyết định 02/2007/QĐ-UBND Quy định về tổ chức quản lý và khai thác các bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
Số hiệu: 02/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Phạm Kim Yên
Ngày ban hành: 04/01/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 02/2007/QĐ-UBND

Long Xuyên, ngày 04 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC CÁC BẾN KHÁCH NGANG SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

QUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004;
Căn cứ Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành quy chế quản lý họat động của Cảng, bến thủy nội địa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và Giám đốc Sở Giao thông Vận tải
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định nầy Quy định về tổ chức quản lý và khai thác các bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh An Giang .

Điều 2. Quyết định nầy có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành. Bãi bỏ Quyết định số 2565/2000/QĐ-UB ngày 22/12/2000 của UBND tỉnh ban hành Quy định về tổ chức quản lý và khai thác các bến đò, phà trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 3. Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và Cục Thuế chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành quyết định nầy.

Điều 4. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Cục trưởng Cục Thuế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định nầy.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ GTVT, Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp,
website Chính phủ
- TT.TU, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Sở ngành cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị, thành phố;
- Lưu VP, KT, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Kim Yên

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC BẾN KHÁCH NGANG SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo quyết định số 02/2007/QĐ-UBND ngày 04/01/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Để đảm bảo việc tổ chức quản lý và khai thác các bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh An Giang thống nhất theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải và đạt hiệu quả, đồng thời phát triển nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động khai thác các bến đò, phà được bền vững, chặt chẽ và đảm bảo tính công bằng giữa các đối tượng tham gia khai thác bến khách ngang sông và tính an toàn giao thông thủy nội địa. Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể như sau:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định nầy tổ chức việc quản lý hoạt động của bến khách ngang sông và hoạt động của phương tiện thủy tại bến khách ngang sông .

2- Đối tượng áp dụng: Quy định nầy áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng và quản lý khai thác Bến khách ngang sông .

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Sông, kênh, rạch gọi chung là sông.

2. Bến khách ngang sông là bến đò, bến thủy nội địa, nơi để đón và trả khách, hàng hóa, phương tiện đi cùng hành khách sang sông (gọi tắt là bến đò).

3. Phương tiện thủy là các loại phương tiện để đưa rước khách, hàng hóa, phương tiện đi cùng hành khách sang sông được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.

Điều 3. Công tác quản lý nhà nước đối với việc khai thác các bến đò, bao gồm:

1. Tổ chức quản lý việc cho phép mở bến đò, điều kiện an toàn hoạt động của bến, phương tiện và người điều khiển phương tiện.

2. Tổ chức đấu thầu khai thác bến đò.

3. Tổ chức việc thu ngân sách từ kết quả đấu thầu khai thác bến đò.

4. Đầu tư xây dựng, sửa chữa bến bãi đảm bảo an toàn, thuận tiện.

Điều 4. Điều kiện họat động đối với bến đò

1. Không nằm trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, bến đò có địa hình và thủy văn ổn định, phương tiện ra vào an toàn thuận lợi.

2. Phải có cầu dẫn hoặc bãi chuồi đảm bảo để phục vụ cho hành khách lên xuống an toàn, thuận tiện. Có trang thiết bị cho phương tiện neo buộc và đèn chiếu sáng nếu hoạt động vào ban đêm. Đối với bến đò mà phương tiện vận tải hành khách được phép chở ô tô thì công trình bến phải áp dụng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của bến phà.

3. Phải có bảng tên bến đò và đèn chiếu sáng khi họat động ban đêm, có nhà chờ, bảng nội quy bến đò và bảng niêm yết giá vé tại bến đò.

4. Phải lắp đặt báo hiệu đường thủy nội địa theo quy định.

5. Phải có giấy phép họat động bến khách ngang sông do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Điều 5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia khai thác các bến đò

Mọi tổ chức và cá nhân tham gia khai thác các bến đò có trách nhiệm thực hiện theo quy định về việc đấu thầu công khai và khi trúng thầu phải chịu sự quản lý, hướng dẫn của Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài chính, Cục thuế và UBND địa phương về các điểm tại Điều 4.

Chương 2:

TỔ CHỨC KHAI THÁC BẾN ĐÒ

Điều 6. Trách nhiện của các cơ quan quản lý nhà nước

1. Sở Giao thông vận tải:

a) Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về mặt giao thông, vận tải thủy đối với các bến đò trên địa bàn tỉnh.

b) Hướng dẫn về thủ tục cấp giấp phép mở bến đò, điều kiện an toàn hoạt động của bến, phương tiện chuyên chở và người điều khiển phương tiện.

c) Đối với các bến đò nằm trên tuyến ranh giới giữa hai tỉnh, Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm bàn bạc thống nhất với Sở Giao thông vận tải tỉnh có liên quan trước khi quyết định cho phép mở bến đò.

d) Công bố, đóng, đình chỉ có thời hạn đối với các bến đò không đảm bảo điều kiện hoạt động.

e) Thực hiện kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định về tổ chức quản lý và khai thác bến khách ngang sông đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý và khai thác tại các bến.

2. Sở Tài chính:

a) Giám sát việc tổ chức đấu thầu khai thác bến đò, duyệt giá khởi đấu và giá cước vận chuyển đảm bảo tính công khai, minh bạch.

b) Hướng dẫn tổ chức thu từ việc bán đấu giá các bến đò vào ngân sách nhà nước theo quy định, hướng dẫn các cấp ngân sách hạch toán thu - chi ngân sách từ việc khai thác bến đò.

3. Cơ quan thuế :

Cục thuế tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh khai thác các bến đò thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo pháp luật về thuế quy định.

4. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là UBND huyện):

a) Đối với các bến đò nằm trên tuyến ranh giới giữa hai huyện, Ủy ban nhân dân hai huyện cần bàn bạc thống nhất quản lý và tổ chức đấu thầu khai thác bến đò.

b) Ủy ban nhân dân huyện xem xét và quyết định giá cước vận chuyển hành khách, hàng hóa, phương tiện các bến đò tùy thuộc vào cự ly của từng bến nhưng phải đảm bảo theo nguyên tắc nếu cùng một dòng sông (hoặc kênh) thì giá cước của từng bến đò không được chênh lệch quá 10% trên khung giá chung của UBND tỉnh ban hành. Ủy ban nhân dân huyện nơi có bến đò đưa ra đấu thầu chịu trách nhiệm định giá khởi điểm đấu thầu và giá cước trình Sở Tài chính xét duyệt.

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định việc niêm yết công khai giá cước vận chuyển hành khách, hàng hóa, phương tiện của từng bến đò và thực hiện đúng chế độ miễn giảm cho các đối tượng được quy định tại Thông tư Liên bộ số 62/TT.LB ngày 23/7/1993 của Bộ Giao thông Vận tải – Bộ Tài chính. Cụ thể đối tượng miễn thu bao gồm:

- Thương bệnh binh, trẻ em dưới 10 tuổi (kể cả phương tiện vận chuyển đi kèm).

- Công an, quân đội (kể cả phương tiện xe đạp, xe mô tô).

- Xe của quân đội, công an, cảnh sát.

- Xe đi làm nhiệm vụ cứu thương, cứu hỏa, chống bão lụt, xe dọn vệ sinh.

Các đối tượng nêu tại Công văn số 2336/CV.TC ngày 10/11/2004 của Sở Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện việc miễn thu phí qua đò, phà đối với giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục và đào tạo.

Các đối tượng miễn thu cước vận chuyển khi qua đò phải xuất trình các giấy tờ có liên quan như: thẻ thương binh hoặc giấy chứng nhận thương binh, thẻ học sinh, thẻ giáo viên miễn phí qua đò, bộ đội, công an, cảnh sát phải có phù hiệu hoặc các giấy tờ cần thiết.

5. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND xã):

a) Ủy ban nhân dân xã nơi có bến đò phải chịu trách nhiệm tổ chức bảo vệ trật tự an toàn trong khu vực bến và nghiêm cấm những người không thực hiện ký kết hợp đồng khai thác bến đò được phép tổ chức hoạt động.

b) Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm đầu tư, sửa chữa bến bãi từ nguồn trích 15% trên số thu của bến đò hàng năm để duy tu sửa chữa nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc phạm vi bến đò. Nguồn trích này do Ủy ban nhân dân xã quản lý sử dụng điều tiết chung để đầu tư cho các bến đò trên địa bàn xã.

c) Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm về quyền sử dụng đất nơi có bến đò.

Điều 7. Đối với các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác bến đò

1. Mọi tổ chức, cá nhân tham gia khai thác các bến đò thực hiện theo quy định về việc đấu thầu công khai và khi trúng thầu phải chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân địa phương.

2. Mọi tổ chức, cá nhân tham gia khai thác các bến đò phải thực hiện các quy định về an toàn vận tải thủy, thực hiện giá cước hành khách qua đò theo quy định của Ủy ban nhân dân địa phương và phải mua bảo hiểm tai nạn, rủi ro đảm bảo hành khách qua sông an toàn tuyệt đối.

Chương 3:

TỔ CHỨC ĐẤU THẦU KHAI THÁC CÁC BẾN ĐÒ

Điều 8. Tổ chức đấu thầu khai thác các bến đò

Việc tổ chức đấu thầu khai thác bến đò phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:

1. Tuân thủ theo quy định hiện hành về đấu thầu.

2. Tổ chức công khai, đảm bảo dân chủ và hợp pháp.

3. Đối với các bến đò liên tỉnh, liên huyện thì mỗi bên tổ chức đấu thầu theo thứ tự luân phiên hàng năm chung cho cả hai đầu bến, trên cơ sở thỏa thuận thống nhất của Ủy ban nhân dân liên huyện. Việc tổ chức đấu thầu 1 lần cho thời hạn khai thác từ 01 năm đến 03 năm tùy theo tình hình thực tế của mỗi bến đò do Chủ tịch Ủy ban nhân dân 02 huyện thỏa thuận quyết định.

4. Người tham gia đấu thầu phải đảm bảo có đủ các điều kiện quy định tại điều 10 của Bản quy định này.

5. Việc tổ chức đấu thầu chỉ được thực hiện khi có ít nhất là 2 người đủ điều kiện tham gia đấu thầu.

6. Nghiêm cấm mọi hành vi tự tiện nâng giá, ép giá thấu đầu hoặc có hành vi gian dối trong đấu thầu.

Điều 9. Định giá khởi điểm đấu thầu

1. Giá khởi điểm đấu thầu, hoặc giá giao thầu được hình thành bởi nguồn thu về chuyển quyền sử dụng khai thác bến bãi hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa, phương tiện các bến đò (gọi chung là phí qua đò).

2. Ủy ban nhân dân huyện nơi có bến đò đưa ra đấu thầu chịu trách nhiệm định giá khởi điểm đấu thầu.

3. Việc định giá khởi điểm đấu thầu của Ủy ban nhân dân huyện phải được tổng hợp trình Sở Tài chính phê duyệt.

Điều 10. Điều kiện của các cá nhân, tổ chức tham gia đấu thầu:

1. Là công dân Việt nam đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Cán bộ, công chức không được tham gia đấu thầu.

2. Nộp tiền đặt cọc và lệ phí đấu thầu đầy đủ, đúng hạn định.

3. Nộp đơn và hồ sơ đăng ký đấu thầu theo quy định trước khi tham gia đấu thầu khai thác bến, gồm:

a) Văn bản của đơn vị quản lý đường thủy nội địa xác nhận việc hoàn thành đặt báo hiệu đường thủy nội địa theo quy định (đối với chủ bến).

b) Bản sao giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất làm bến (đối với chủ bến).

c) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với người tham gia đấu thầu).

d) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện vận tải hành khách ngang sông (đối với người tham gia đấu thầu).

e) Bản sao bằng chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện vận tải hành khách đường sông (đối với người tham gia đấu thầu).

Điều 11. Thành lập Hội đồng đấu thầu

Chủ tịch UBND cấp huyện, nếu trên địa bàn có bến đò và khai thác sử dụng bến đò, thì trong việc tổ chức đấu thầu phải thành lập Hội đồng đấu thầu (HĐĐT) bao gồm các thành viên :

1. Chủ tịch UBND cấp huyện  quyết định thành lập Hội đồng đấu thầu (HĐĐT).

2. Thành viên HĐĐT:

a) Phó chủ tịch UBND cấp huyện là chủ tịch HĐĐT.

b) Trưởng phòng Tài chính hoặc Trưởng phòng Hạ tầng Kinh tế là Phó Chủ tịch HĐĐT.

c) Đại diện các cơ quan : Chi Cục thuế, Kho bạc nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, UBND cấp xã nơi có bến đò là thành viên HĐĐT.

3. Mời đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện tham gia HĐĐT.

4. HĐĐT cử tổ chuyên viên giúp việc bao gồm : cán bộ Phòng Tài chính – Kế họach, Phòng Hạ tầng Kinh tế, Chi Cục thuế và Kho bạc nhà nước.

Điều 12. Trách nhiệm của Hội đồng đấu thầu

1. Giúp chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức và điều hành đấu thầu, xây dựng thể chế đấu thầu.

2. Tiến hành điều tra, khảo sát và dự kiến mức giá khởi điểm đấu thầu.

3. Thông báo về thời điểm, mức giá khởi điểm đấu thầu và những người được tham gia đấu thầu trên thông tin đại chúng trước thời gian nộp hồ sơ ít nhất 03 ngày.

4. Tiếp nhận và quản lý hồ sơ đăng ký đấu thầu, thu lệ phí đấu thầu và tạm thu tiền đặt cọc đấu thầu theo quy định.

5. Lập biên bản công nhận kết quả đấu thầu với người trúng thầu.

6. Tổ chức cho người trúng thầu ký kết hợp đồng khai thác bến đò với đại diện UBND cấp huyện.

Điều 13. Trách nhiệm người tham gia đấu thầu

Trước khi tổ chức cuộc đấu thầu người tham gia đấu thầu phải nộp cho Hội đồng đấu thầu:

1. Lệ phí đấu thầu bằng 0,5% giá khởi đấu và không quá 2.000.000 đồng đối với mỗi đơn xin đấu thầu cho từng bến.

2. Tiền đặt cọc tối thiểu bằng 30% giá khởi đấu.

Người không trúng thầu được nhận lại số tiền đặt cọc trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc đấu thầu.

Trường hợp người trúng thầu từ chối ký kết hợp đồng khai thác bến đò mà mình đã trúng thầu thì toàn bộ số tiền đặt cọc được sung vào công quỹ nhà nước.

Điều 14. Hình thức tổ chức đấu thầu

Việc đấu thầu được tổ chức theo hình thức bỏ phiếu kín do Hội đồng đấu thầu quy định.

Người trúng thầu là người có phiếu ghi số tiền cao nhất và cao hơn giá khởi điểm đấu thầu.

Trường hợp các bến đò không có người tham gia đấu thầu thì được thông báo  tổ chức đấu thầu lại, do Hội đồng đấu thầu xem xét thông báo.

Điều 15. Trách nhiệm người trúng thầu

1. Trong thời gian khai thác bến đò phải tuân thủ các quy định đã ký kết trong hợp đồng khai thác.

Trường hợp đấu thầu khai thác thời hạn 1 năm : người trúng thầu có trách nhiệm nộp số tiền còn lại (trừ số tiền đã đặt cọc)  theo quy định của HĐĐT huyện và kết thúc chậm nhất vào tháng 9 hàng năm.

Trường hợp đấu thầu khai thác thời hạn từ 2 năm đến 3 năm : người trúng thầu có trách nhiệm nộp số tiền trúng thầu hàng năm theo hợp đồng ký kết.

Nếu nộp trể hạn, người trúng thầu sẽ bị phạt 0,5%/ngày trên số tiền nộp trể hạn.

2. Ngoài ra người trúng thầu còn phải nộp các khoản thuế theo quy định được ngành thuế hướng dẫn cụ thể.

3. Các khoản bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện theo quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính do người trúng thầu mua từ các công ty Bảo hiểm trên địa bàn tỉnh.

4. Người trúng thầu phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý trong suốt quá trình khai thác theo hợp đồng đã ký kết.

Điều 16. Trường hợp hủy bỏ hợp đồng

Người trúng thầu khai thác các bến đò có thể bị hủy bỏ hợp đồng  trong các trường hợp sau đây:

1. Vi phạm nghiêm trọng các quy định về đảm bảo điều kiện an toàn vận chuyển hành khách, hàng hóa, phương tiện qua sông.

2. Tự ý nâng giá cước vận chuyển.

3. Vi phạm các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng.

4. Do sự biến động dòng chảy hoặc các yếu tố tự nhiên khác dẫn tới không đảm bảo điều kiện an toàn.

5. Do quy hoạch giao thông hoặc quy hoạch xây dựng không cho phép tồn tại bến đò tại vị trí đã cho phép mở bến.

Người trúng thầu có thể bị hủy hợp đồng trong các trường hợp vi phạm luật giao thông mà đã bị các cơ quan và người có thẩm quyền nhắc nhở hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 lần trở lên.

Điều 17. Tổ chức đấu thầu lại

Trong trường hợp người trúng thầu bị hủy hợp đồng theo khoản 1, 2, 3 điều 16 của Bản quy định này thì Hội đồng đấu thầu tổ chức đấu thầu lại cho các cá nhân, tổ chức khác. Người đã bị hủy bỏ hợp đồng theo các điều nói trên không được tham gia đấu thầu lại.

Điều 18. Trường hợp khác

1. Trong thời gian thực hiện hợp đồng khai thác bến đò, người trúng thầu có quyền đề nghị với UBND cấp huyện về việc tăng giá cước vận chuyển trong trường hợp giá cả thị trường về tiền công lao động, nhiên liệu biến động tăng từ 20% trở lên so với thời điểm duyệt giá cước nhưng phải đảm bảo trong khung giá quy định của UBND tỉnh.

2. Trong trường hợp đặc biệt người trúng thầu có quyền đề nghị UBND cấp huyện xem xét cho chuyển nhượng quyền khai thác bến đò qua sông và phải nộp lệ phí trước bạ theo quy định.

Điều 19. Về các khoản thu nộp Ngân sách nhà nước tại Kho bạc

1. Đối với các khoản thuế theo quy định được ngành thuế hướng dẫn nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước.

2. Đối với nguồn thu về quyền sử dụng khai thác bến đò từ kết quả đấu thầu (gọi chung là phí qua đò) được nộp vào ngân sách nhà nước cấp xã nơi có bến đò khai thác sử dụng.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20 : Người tham gia đấu thầu khai thác các bến đò có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các điều kiện được cam kết khi tham gia đấu thầu và những quy định trách nhiệm ghi trong bản quy định này; đồng thời có quyền khiếu nại tố cáo về những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ viên chức nhà nước theo các quy định của pháp luật.

Người trúng thầu phải chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các điều khoản ghi trong hợp đồng. Việc xét miễn giảm do chủ thầu khai thác bến đò chỉ được đặt ra  khi có các nguyên nhân khách quan như thiên tai do cấp có thẩm quyền công bố hoặc trong trường hợp bất khả kháng không thể khắc phục được phải có xác nhận của chính quyền địa phương.

Việc xét miễn giảm theo các nội dung trên do Hội đồng đấu thầu cấp huyện trực tiếp xem xét và quyết định.

Điều 21: Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Cục thuế tỉnh trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp chặt chẻ với UBND cấp huyện hướng dẫn kịp thời cho các cấp, các ngành có liên quan tổ chức thực hiện tốt Bản quy định nầy.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Kim Yên