Quyết định 2510/QĐ-UBND năm 2013 về Phê duyệt Đề án nông thôn mới xã Long Thới, huyện Nhà Bè giai đoạn 2013 - 2015
Số hiệu: 2510/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Lê Mạnh Hà
Ngày ban hành: 15/05/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 01/06/2013 Số công báo: Số 23
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2510/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 5 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÔNG THÔN MỚI XÃ LONG THỚI, HUYỆN NHÀ BÈ GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC, ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 03 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;

Căn cứ Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;

Xét Tờ trình số 13/TTr-BQL, ngày 12 tháng 4 năm 2013 của Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Long Thới, huyện Nhà Bè về việc phê duyệt Đề án Nông thôn mới xã Long Thới, huyện Nhà Bè giai đoạn 2013 - 2015 có ý kiến phê duyệt của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Nhà Bè, ý kiến đề xuất của Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố tại Thông báo số 02/TB-TCT-PTNT ngày 08 tháng 01 năm 2013; đề xuất của Liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Kế hoạch và Đầu tư - Sở Tài chính tại Tờ trình số: 701/TTr-NNPTNT-KHĐT-TC ngày 25 tháng 4 năm 2013 về phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới xã Long Thới, huyện Nhà Bè giai đoạn 2013 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Đề án nông thôn mới xã Long Thới, huyện Nhà Bè giai đoạn 2013 - 2015 (theo nội dung đề án đính kèm).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh thay đổi về cơ chế, chính sách đầu tư xã nông thôn mới, Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố phối hợp với Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Nhà Bè, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Long Thới nghiên cứu, đề xuất kịp thời điều chỉnh, bổ sung.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và các Sở, ngành liên quan, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Nhà Bè và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè, Trưởng Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Long Thới và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Thới, huyện Nhà Bè có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
T. CHỦ TỊCH
HÓ CHỦ TỊCH




Lê Mạnh Hà

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI XÃ LONG THỚI, HUYỆN NHÀ BÈ GIAI ĐOẠN 2013 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2510/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Phần I

THỰC TRẠNG NÔNG THÔN XÃ LONG THỚI, HUYỆN NHÀ BÈ

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, DÂN SỐ, LAO ĐỘNG

1. Điều kiện tự nhiên:

Xã Long Thới, huyện Nhà Bè nằm về phía Nam thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 15 km, địa giới:

- Phía Đông tiếp giáp với xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ.

- Nam tiếp giáp với xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè và xã Long Hậu (Cần Giuộc - Long An).

- Tây tiếp giáp với xã Long Hậu (Cần Giuộc - Long An) và xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè.

- Bắc tiếp giáp với xã Nhơn Đức và xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè.

Được chia làm 3 ấp: ấp 1, ấp 2 và ấp 3. Khu vực trung tâm xã là ấp 2.

Tổng diện tích tự nhiên: 1.089,11 ha, được chia ra làm 3 ấp: ấp 1, 2, 3.

Trong đó: Diện tích đất: + Nông nghiệp: 610,395 ha.

+ Phi nông nghiệp: 478,715 ha.

2. Dân số:

- Dân số toàn xã là 6.732 nhân khẩu với 1.536 hộ gia đình, mật độ dân số bình quân 532 người/km2.

- Do tốc độ đô thị hóa nhanh nên địa bàn xã đang và sẽ đón nhận một lượng không nhỏ dân từ nơi khác đến sinh sống. Điều này tác động rất lớn đến sự thay đổi phân bố dân cư, phát triển sản xuất; đồng thời tác động đến việc sử dụng đất trên địa bàn xã.

- Về số hộ thực tế còn sản xuất nông nghiệp theo thống kê đầu năm 2011 khoảng 100 hộ, chiếm 6,5% tổng số hộ. Ngoài ra vẫn còn một số hộ có diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhưng do không hiệu quả nên để trống. Các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã hiện nay với quy mô nhỏ lẻ và không tập trung. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp không mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì vậy người dân chuyển sang các ngành nghề khác hoặc làm công nhân trong các khu công nghiệp. Kinh tế xã đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng trong ngành nông nghiệp.

3. Lao động:

- Xã Long Thới có lực lượng lao động khoảng 3.836 người (Nam 1.880, nữ 1.956), chiếm 57% dân số toàn xã. Trong đó, lao động trong độ tuổi: 2.639 người. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi ở các ngành:

+ Nông nghiệp: 381 người, tỷ lệ 14,44%,

+ Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: 1.028 người, tỷ lệ 38,95%,

+ Thương mại - dịch vụ: 1.230 người, tỷ lệ 46,61%.

II. THỰC TRẠNG HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Quy hoạch:

- Các quy hoạch hiện có:

+ Quy hoạch chỉnh trang khu dân cư ấp 1.

+ Quy hoạch hệ thống thoát nước khu dân cư hiện hữu xã Long Thới.

+ Quy hoạch lộ giới hẻm.

+ Quy hoạch cụm sản xuất Long Thới.

+ Quy hoạch khu Long Thới - Nhơn Đức (Viện, trường).

+ Quy hoạch phân ranh khu dân cư hiện hữu xã Long Thới.

- Các quy hoạch cần bổ sung:

Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp, hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường; phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có trên địa bàn xã.

2. Hạ tầng kinh tế - xã hội:

2.1. Giao thông:

- Hiện trạng hệ thống đường giao thông của xã (đường trục xã, liên xã; đường trục ấp, liên ấp, tổ và đường trục chính nội đồng): 19,438 km đường, trong đó:

+ Đường giao thông trục xã, liên xã đã được bê tông hoá đạt 100%.

+ Đường trục ấp, tổ: trên địa bàn xã có 24 tuyến hẻm giao thông trục ấp, tổ với tổng chiều dài khoảng 6, 071 km phần lớn đã được bê tông hóa từ năm 2003, tuy nhiên thời gian nâng cấp đã lâu. Hiện nay đã xuống cấp, chiều rộng đường nhỏ, không có cống thoát nước, cao độ thấp, ngập nước thường xuyên, một số tuyến lầy lội vào mùa mưa. Do đó không đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy.

+ Đường ngõ, xóm: cũng giống như đường giao thông trục ấp, tổ, đường ngõ, xóm phần lớn đã được bê tông hóa, tuy nhiên thời gian nâng cấp đã lâu. Hiện nay đã xuống cấp, chiều rộng đường nhỏ, không có cống thoát nước, cao độ thấp, ngập nước thường xuyên, một số tuyến lầy lội vào mùa mưa. Do đó không đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy.

+ Đường trục chính nội đồng: hiện trạng xã có 02 tuyến đường trục chính nội đồng, chiều rộng khoảng 3m, kết cấu cấp phối sỏi đỏ, mặt đường đã xuống cấp, ngập nước, lầy lội thường xuyên. Ngoài ra, trên các trục đường này có 6 cầu sắt chiều rộng 2m, tải trọng cầu 1 tấn do đó không đảm bảo cho xe cơ giới đi lại thuận tiện.

2.2. Thủy lợi:

- Trên địa bàn xã Long Thới có nhiều kênh, rạch nhưng chỉ đáp ứng một phần yêu cầu sản xuất, không đáp ứng yêu cầu dân sinh do một kênh, rạch trong khu dân cư bị bồi lắng, ô nhiễm môi trường cần được nạo vét khơi thông dòng chảy.

2.3. Điện:

- Tổng số trạm biến thế trên địa bàn xã: 24 trạm với công suất là 5.225kVA.

- Số km đường dây trung thế: 13 km; hạ thế: 25 km.

- Tất cả các tuyến đường chính đều có bóng đèn điện. 100% hộ dân sử dụng điện trực tiếp từ lưới điện quốc gia.

2.4. Trường học:

- Hiện tại trên địa bàn xã có 03 trường học, trong đó:

+ Một trường mầm non (Đồng Xanh) đạt chuẩn quốc gia mức 1 (Quyết định số 1686/QĐ-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2011).

+ Một trường tiểu học (Trang Tấn Khương) đạt chuẩn quốc gia mức 1 (Quyết định số 3943/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2007).

+ Một trường trung học phổ thông (Long Thới) đạt chuẩn về cơ sở vật chất.

2.5. Cơ sở vật chất văn hóa:

- Hiện tại trên địa bàn xã chưa có trung tâm văn hóa và cũng không có khu hoạt động thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Chủ yếu các điểm sinh hoạt văn hóa văn nghệ diễn ra tại khuôn viên trường tiểu học Trang Tấn Khương và khu vực xung quanh. Điều đó gây hạn chế phần nào trong việc phát huy truyền thống văn hóa của địa phương cũng như hạn chế phạm vi giao lưu văn hóa, văn nghệ trên địa bàn xã.

- Xã có 03 ấp, đã có 2 ấp được công nhận ấp văn hóa là ấp 1 và ấp 3. Hiện ấp 2 đã có quỹ đất 1 ha để xây dựng nhà văn hóa xã nhưng còn khó khăn về thủ tục giao đất.

2.6. Chợ:

- Xã hiện có 01 nhà lồng chợ Bà Chồi ở ấp 2 chưa đạt chuẩn với diện tích 1.703m2, 94 sạp, trên 100 tiểu thương tham gia mua bán, các mặt hàng chủ yếu là sản phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân trong xã. Do đó việc xây dựng mới chợ là rất cần thiết.

2.7. Bưu điện:

- Người dân sử dụng thông tin liên lạc tại bưu điện Long Thới tại ấp 3.

- Tại 3 ấp có 09 điểm truy cập internet do nhân dân đầu tư.

- Hệ thống thông tin liên lạc trên địa bàn xã được đảm bảo.

2.8. Nhà ở dân cư nông thôn:

- Trên địa bàn xã đã thực hiện thành công việc xóa nhà tạm bợ, do đó đến năm 2011, hầu như không còn nhà tạm, dột nát.

- Tỷ lệ nhà đạt chuẩn: 90%, chưa đạt chuẩn: 10%.

3. Thực trạng kinh tế và tổ chức sản xuất:

3.1. Kinh tế:

Thu nhập bình quân đầu người: 18,5 triệu đồng/người/năm (năm 2012).

Tỷ lệ hộ nghèo áp dụng theo tiêu chuẩn của thành phố 12 triệu đồng/người/năm năm 2012 còn 9,7%.

Lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là 381 người, chiếm 14,44% lực lượng lao động trong độ tuổi của xã; còn lại 85,56% là lao động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, công chức, viên chức nhà nước, lao động làm việc trong các xí nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn huyện và các vùng phụ cận.

Cơ cấu kinh tế: Long Thới là xã thuộc huyện ngoại thành, song lại là xã có tốc độ đô thị hoá nhanh, cơ cấu kinh tế hiện nay: “Thương mại, dịch vụ - Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - Nông nghiệp”.

3.2. Hình thức tổ chức sản xuất:

- Trên địa bàn xã có 64 doanh nghiệp (Công ty cổ phần: 1; Trách nhiệm hữu hạn: 30; Tư nhân: 9; Chi nhánh: 16; Văn phòng đại diện: 8). Khu công nghiệp Hiệp Phước có 68 doanh nghiệp đi vào hoạt động, 13 doanh nghiệp đang xây dựng. Bên cạnh tại xã có các loại hình buôn bán nhỏ: có 307 hộ buôn bán lẻ, 119 hộ kinh doanh ăn uống, giải khát. Loại hình dịch vụ tăng so với năm 2009, ngành ăn uống, giải khát tăng 21 hộ (119/98 hộ), buôn bán lẻ tăng 57 hộ (307/250 hộ), vật liệu xây dựng tăng 03 hộ (21/18 hộ).

- Các hộ nông dân tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, chưa tập trung và đầu tư đúng mức. Do chịu tác động khá lớn của quá trình đô thị hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm dần.

4. Văn hóa - Giáo dục - Y tế - Môi trường:

4.1. Giáo dục:

- Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp các cấp học, công tác vận động phổ cập giáo dục đều đạt chỉ tiêu.

- Huy động học sinh 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 100% (111/111 học sinh), 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100% (105/105 học sinh), học sinh vào lớp 6 đạt 100% (91/91 học sinh), huy động học sinh ra học lớp 10, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề đạt 95% (111/117 học sinh).

- Học sinh từ 6 - 14 tuổi tốt nghiệp tiểu học đạt 99,87% (804/805 học sinh).

- Học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đúng độ tuổi đạt 100% (79/79 học sinh).

- Học sinh từ 15 - 18 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 89,96% (403/448 học sinh).

- Học sinh từ 18 - 21 tuổi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc THCN, bằng nghề đạt 71,58% (267/373 học sinh) chỉ tiêu Nghị quyết giao là 71%.

- Tỷ lệ xóa mù chữ theo quy định của ngành gióa dục: đạt.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo: khoảng 980 lao động/2.639, đạt 37%.

4.2. Y tế:

- Xã có 1 trạm y tế trên địa bàn ấp 1 cơ bản đã đạt chuẩn. Tuy nhiên đã xuống cấp.

- Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt khoảng 75%.

4.3. Văn hóa:

- Có 3/3 ấp đạt tiêu chuẩn văn hóa (ấp 1 và ấp 3).

4.4. Môi trường:

- Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia: 100%. Người dân sử dụng nước giếng công nghiệp.

- Tỷ lệ hộ có đủ 3 công trình (nhà tắm, hố xí, bể nước) đạt chuẩn 80%.

- Tỷ lệ hộ có cơ sở chăn nuôi hợp vệ sinh: 70%. Các hộ chăn nuôi này có xây dựng các hố chứa phân và chất thải tại khu vực chuồng trại.

- Tỷ lệ hộ được thu gom và xử lý rác thải: 95%. Xã đã tổ chức các đội thu gom rác dọc theo các tuyến đường chính và các con hẻm.

- Tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường/tổng số cơ sở còn thấp (khoảng 35%).

- Trên địa bàn xã không có quy hoạch nghĩa trang.

5. Hệ thống chính trị:

5.1. Hệ thống chính trị của xã:

- Đảng bộ cơ sở: có 08 chi bộ trực thuộc, với 83 đảng viên. Trong đó 03 chi bộ ấp, 01 chi bộ cơ quan, 02 chi bộ trường học, 01 chi bộ Công an và 01 chi bộ Quân sự.

- Số lượng cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách của xã tính đến tháng 01 năm 2013 là 11 cán bộ, 09 công chức, 18 cán bộ không chuyên trách.

- Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức xã:

+ Trình độ cao học: 01 người

+ Trình độ đại học: 09 người

+ Trình độ cao đẳng: 03 người

+ Trình độ trung cấp: 07 người

Về Trình độ chính trị: Cao cấp 03 người, trung cấp 12 người.

5.2. An ninh trật tự xã hội:

- Tình hình an ninh - chính trị được củng cố và giữ vững.

- Xã đã xây dựng và thực hiện nhiều kế hoạch trấn áp tội phạm.

- Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc luôn được củng cố và phát huy sức mạnh toàn dân thông qua duy trì sinh hoạt 39 tổ nhân dân.

Phần II

NỘI DUNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI XÃ LONG THỚI - HUYỆN NHÀ BÈ

I. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2015

1. Mục tiêu chung:

- Xây dựng xã Long Thới trở thành xã nông thôn mới thời kỳ CNH - HĐH thể hiện các đặc trưng: có kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao; có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, có các hình thức sản xuất phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ… nâng cao sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

- Xây dựng xã Long Thới trở thành xã nông thôn mới theo phương pháp tiếp cận dựa vào nội lực và do cộng đồng địa phương làm chủ.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Hoàn thành 19/19 tiêu chí về nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo từng giai đoạn cụ thể:

+ Năm 2012: đạt 9/19 tiêu chí (09 tiêu chí: 1, 4, 5, 8, 9,12, 13, 15, 19);

+ Năm 2013: đạt 14/19 tiêu chí (thêm 05 tiêu chí: 7, 14, 16, 17, 18);

+ Năm 2014: đạt 18/19 tiêu chí (đạt thêm 04 tiêu chí: 2, 3, 6, 11);

+ Năm 2015: đạt 19/19 tiêu chí (đạt thêm 01 tiêu chí: 10).

- Những chỉ tiêu cụ thể:

+ Thu nhập bình quân đầu người năm đạt từ 1,5 đến 1,8 lần so với khi xây dựng đề án.

+ Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố (dưới 12 triệu đồng/người/năm): giảm dưới 2%.

+ Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: Thương mại, dịch vụ - công nghiệp, nông nghiệp.

+ Lao động qua đào tạo nghề trên tổng số lao động đang làm việc đạt trên 70%, trong đó có 40% lao động nữ.

+ Chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiệu quả cao, an toàn vệ sinh dịch bệnh.

+ Xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn với chất lượng bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản. Các tuyến đường từ xã tới các ấp được nhựa hóa 100% trục nối giữa các ấp, tổ trong ấp, liên tổ được cứng hóa không lầy lội vào mùa mưa.

+ Hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất trong hệ thống các trường học, tiến tới hiện đại hóa các phương tiện dạy học.

+ Xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn với 100% ấp đạt tiêu chuẩn ấp văn hóa;

+ Tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%; cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường; Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, hoạt động của các hội, đoàn thể thông qua việc vận động tuyên truyền hội viên, đoàn viên làm nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

+ Hoạt động của Đảng bộ, chính quyền và tổ chức đoàn thể chính trị đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh và từ tiên tiến trở lên. An ninh trật tự xã hội luôn được giữ vững.

II. NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Công tác quy hoạch:

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí 1 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

- Nội dung: hoàn thành quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới Long Thới theo Thông tư liên tịch số 13/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTNMT.

2. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội xã Long Thới:

2.1. Giao thông:

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí 2 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

- Nội dung: Xây dựng hệ thống giao thông nông thôn bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại, gồm: nâng cấp mở rộng 6 tuyến trục ấp, tổ, nội đồng góp phần giảm khoảng cách chênh lệch về kinh tế, trình độ dân trí giữa nông thôn và thành thị. Kiên cố hoá đường giao thông nông thôn, thúc đẩy kinh tế xã phát triển, tạo diện mạo mới cho nông thôn.

2.2. Thủy lợi:

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí 3 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

- Nội dung: Nạo vét và khơi thông dòng chảy 9 tuyến kênh: rạch Bầu Dừa, nhánh rạch chợ Bà Chồi 1 và 2; rạch Bằng Ổi, rạch Tám Mun, rạch Bông Bồn, nhánh rạch Khe Giữa, rạch Mười Thành, rạch Bảy Nhịn.

2.3. Điện:

- Mục tiêu: Duy trì đạt yêu cầu tiêu chí số 4 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

- Nội dung: Đến năm 2015, hoàn thiện hệ thống các công trình đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn xã; 100% số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên và an toàn từ các nguồn điện của xã. Vận động, tuyên truyền người dân sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm và lắp đặt thêm mạng lưới điện tại các tuyến đường xây dựng mới.

2.4. Trường học:

- Mục tiêu: nâng chất tiêu chí số 5 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

- Nội dung: Hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ việc chuẩn hóa về giáo dục trên địa bàn xã. Xây thêm 4 phòng học tổng diện tích sàn xây dựng 842m2, cải tạo sân chơi, nhà vệ sinh khối cũ, làm mới hệ thống phòng cháy, chữa cháy cho trường Mầm non Đồng Xanh.

2.5. Cơ sở vật chất văn hóa:

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 6 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

- Nội dung: Hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa thể thao trên địa bàn xã. Xây dựng mới trung tâm văn hóa, thể thao xã: Diện tích khuôn viên đất 10.000 m2.Diện tích xây dựng 400m2, diện tích sàn xây dựng 850 m2. Xây hàng rào, nhà bảo vệ, sân thể thao ngoài trời. Xây mới trụ sở Ban nhân dân, kết hợp điểm sinh hoạt văn hóa 3 ấp.

2.6. Chợ:

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 7 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

- Nội dung: Cải tạo, sửa chữa nâng cấp chợ đáp ứng nhu cầu mua bán của dân cư nông thôn theo phương châm xã hội hóa. Sửa chữa, nâng cấp chợ Bà Chồi ở ấp 2: bố trí lại tổng mặt bằng, cải tạo mái, nền, sạp chợ. Diện tích khuôn viên: 1.703 m2, diện tích lồng chợ: 560 m2 .Số sạp chợ: 94. Số tiểu thương: 105.

2.7. Bưu chính - viễn thông:

- Mục tiêu: Duy trì đạt yêu cầu tiêu chí số 8 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

- Nội dung: Nâng cấp bưu điện Long Thới.

2.8. Nhà ở dân cư:

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 09 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới (Đến năm 2012: 100% số hộ dân không sống trong nhà tạm, dột nát. Đến năm 2015: 100% số hộ dân có nhà ở kiên cố).

- Mục tiêu: Nâng cấp, chỉnh trang nhà phù hợp với quy hoạch phát triển, đảm bảo vmỹ quan khu dân cư.

3. Phát triển kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất:

3.1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao thu nhập:

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 10 của Bộ tiêu chí quốc gia.

- Nội dung:

Khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị kết hợp với công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nông dân.

Phát triển các phương thức sản xuất sử dụng ít đất, ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị và hiệu quả trên mỗi đơn vị đất sản xuất nông nghiệp.

Tìm kiếm và tạo điều kiện phát triển các ngành nghề phù hợp, đơn giản, nguồn vốn đầu tư ban đầu tương đối thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khả quan để tạo việc làm, cải thiện tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là lao động nữ, người lớn tuổi như: may gia công túi xách, các loại hình dịch vụ nấu đám, tiệc, trầm lá dừa nước... để giải quyết lao động nhàn rỗi, tại chỗ.

Phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ, phát triển các ngành nghề phù hợp để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.

3.2. Giảm nghèo và an sinh xã hội:

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 11 của Bộ tiêu chí quốc gia và phù hợp với đặc điểm riêng của thành phố.

- Nội dung:

Tiếp tục thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế; hỗ trợ kinh phí xóa nhà dột nát cho người nghèo; khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi; thực hiện chính sách cho người có công…

Tăng cường thực hiện chức năng của các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần đảm bảo các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước thực sự hỗ trợ được cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

3.3. Đào tạo nghề và giải quyết việc làm:

- Mục tiêu: Duy trì đạt yêu cầu tiêu chí số 12 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới theo đặc thù của thành phố.

- Nội dung: Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thúc đẩy đưa công nghiệp vào nông thôn, giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu các khu chế xuất, khu công nghiệp và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn.

3.4. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn:

- Mục tiêu: Đạt tiêu chí số 13 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

- Nội dung: Tuyên truyền vận động nông dân tham gia vào các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp.

4. Văn hóa, xã hội và môi trường:

4.1. Giáo dục:

- Mục tiêu: Đạt tiêu chí 14 trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Nội dung: Đẩy mạnh công tác truyền thông trong vận động con em trong độ tuổi đi học được đến trường, nâng cao tỷ lệ con em đậu tốt nghiệp trung học phổ thông. Hàng năm duy trì chuẩn quốc gia về phổ cập các cấp.

4.2. Y tế:

- Mục tiêu: nâng chất tiêu chí số 15 về cơ sở vật chất y tế trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

- Nội dung:

Sửa chữa, nâng cấp trạm y tế xã nhằm tổ chức tốt khám chữa bệnh, đảm bảo việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tại trạm: nâng nền, chống ngập nước, mua sắm thiết bị y tế; cải tạo hàng rào; lắp đặt hệ thống xử lý nước thải.

Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, công tác tăng dân số, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống dịch bệnh.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế…

+ Tổ chức thường xuyên các hoạt động y tế tại địa phương.

4.3. Xây dựng đời sống văn hóa phong phú lành mạnh:

- Mục tiêu: Đạt tiêu chí 16 trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Nội dung: Đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ hội, đoàn thể của xã và nhân dân về ý nghĩa của phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, làm cho phong trào càng phát triển sâu rộng, góp phần làm chuyển biến tích cực đến đời sống kinh tế, xã hội trên địa bàn ấp.

4.4. Bảo vệ và phát triển môi trường nông thôn:

- Mục tiêu: Đạt tiêu chí 17 trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Nội dung: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về vệ sinh môi trường và phòng chống ô nhiễm môi trường sản xuất. Đẩy mạnh công tác kiểm tra môi trường, kịp thời phát hiện những yếu tố gây nguy hại tới môi trường và sức khỏe người dân, đặc biệt là lao động và đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển sản xuất theo hướng sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

5. Hệ thống chính trị và An ninh trật tự xã hội:

5.1. Củng cố, nâng cao chất lượng và vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở:

- Mục tiêu: Đạt tiêu chí 18 trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Nội dung: Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng thông qua việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, bức xúc của người dân tại xã. Xây dựng thiết thực phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”; phát huy dân chủ cơ sở để dân có cơ hội tham gia và giám sát các hoạt động xây dựng nông thôn mới theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

5.2. An ninh chính trị và trật tự xã hội:

- Mục tiêu: Đạt tiêu chí 19 trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Nội dung: Tuyên truyền vận động cho người dân về giữ vững an ninh trật tự thông qua một số hình ảnh sinh động, các video về tai nạn xã hội, phát tờ bướm và tổ chức tập huấn cho các thanh niên trên địa bàn xã về công tác trật tự xã hội.

III. DỰ KIẾN KINH PHÍ VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ HỖ TRỢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Tổng kinh phí đầu tư, hỗ trợ để thực hiện Đề án nông thôn mới xã Long Thới, huyện Nhà Bè, dự kiến: 274.326 triệu đồng, gồm:

1.1. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản: 234.426 triệu đồng (chiếm 85,46%).

1.2. Vốn sự nghiệp hỗ trợ cho các hoạt động trên địa bàn xã: 39.900 triệu đồng (chiếm 14,54%).

2. Nguồn vốn:

2.1. Vốn từ Ngân sách nhà nước: 162.376 triệu đồng, chiếm 59,2%; trong đó:

+ Vốn Nông thôn mới: 153.676 triệu đồng (chiếm 56,02%).

+ Vốn lồng ghép: 8.700 triệu đồng, chiếm 3,18%; chia ra:

* Vốn ngân sách tập trung: 0 triệu đồng

* Vốn phân cấp huyện: 0 triệu đồng;

* Vốn sự nghiệp: 8.700 triệu đồng (dự kiến bố trí thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp hàng năm của các ngành).

2.2. Vốn cộng đồng đóng góp: 96.550 triệu đồng, chiếm 35,2%; trong đó:

+ Vốn dân: 84.643 triệu đồng.

+ Vốn doanh nghiệp: 9.600 triệu đồng.

2.3. Vốn vay tín dụng: 15.400 triệu đồng, chiếm 5,6%.

2.4. Vốn đầu tư các nguồn được xác định cụ thể theo chương trình, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện đề án: từ nay đến năm 2015.

2. Quy mô và khối lượng thực hiện: theo các biểu đính kèm.

3. Phương châm và nguyên tắc đầu tư, hỗ trợ:

- Phát huy nội lực của địa phương là chính, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ sự hỗ trợ của Trung ương và Thành phố, đáp ứng nhu cầu đầu tư, giúp đỡ của các doanh nghiệp.

- Phát huy dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư, khẩn trương, đồng bộ và chặt chẽ trong thủ tục hành chính và đầu tư.

3.1. Cơ chế huy động và quản lý các nguồn vốn:

- Thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện Thông tư số 72/2010/TT-BTC ngày 11 tháng 5 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định về quản lý sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư tại 11 xã thực hiện Đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”;

- Thực hiện theo Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24 tháng 02 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn.

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 03 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 04 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nguồn vốn đầu tư tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013 - 2020.

3.2. Quản lý đầu tư và xây dựng:

- Thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nguồn vốn đầu tư tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013 - 2020.

4. Phân công thực hiện:

4.1. Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè, Ủy ban nhân dân xã Long Thới, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Nhà Bè và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Long Thới:

- Tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân, Đảng viên, cán bộ, công chức quán triệt chủ trương của Trung ương và thành phố về chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới tại xã; vận động cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia và đóng góp hỗ trợ để thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã.

- Thực hiện theo đúng nội dung của Đề án được phê duyệt, không được thay đổi nội dung của Đề án khi chưa được chấp thuận của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố.

- Phân công các phòng ban, đơn vị chức năng của huyện, cán bộ chuyên môn của xã tham gia, hỗ trợ Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Long Thới xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện đề án giai đoạn 2013 - 2015, xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm đảm bảo tiến độ và mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định hướng dẫn của pháp luật hiện hành.

4.2. Các Sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố:

- Phân công cán bộ, công chức theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ Ban quản lý xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Long Thới huyện Nhà Bè chuẩn bị và thực hiện, đảm bảo tiến độ thực hiện các tiêu chí của ngành trên địa bàn xã.

- Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu của Trung ương và thành phố do Sở, ngành phụ trách trên địa bàn xã.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã Long Thới và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Long Thới triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Đề án được phê duyệt.

- Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn, hoàn tất thẩm định quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch hạ tầng thiết yếu (theo phân công, phân cấp) của huyện Nhà Bè và xã Long Thới; tổ chức giám sát việc công bố, công khai các quy hoạch được phê duyệt.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Long Thới cân đối, đề xuất và dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết và bố trí vốn ngân sách tập trung, vốn phân cấp hàng năm (2013 - 2015), đảm bảo tiến độ đầu tư, hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Long Thới.

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước, các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Long Thới, đề xuất và dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, giao kế hoạch kinh phí sự nghiệp chi thường xuyên để thực hiện các hoạt động, đảm bảo tiến độ thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã Long Thới.

4.3. Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chương trình, dự án, các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã Long Thới, huyện Nhà Bè; định kỳ hàng tháng báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện; tham mưu, đề xuất, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để thành phố tổ chức sơ kết hàng năm, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố./.