Quyết định 05/2015/QĐ-UBND Quy định sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông tỉnh Hải Dương
Số hiệu: 05/2015/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương Người ký: Nguyễn Mạnh Hiển
Ngày ban hành: 08/04/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2015/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 08 tháng 4 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH SỬ DỤNG TẠM THỜI PHẦN LÒNG ĐƯỜNG, HÈ PHỐ NGOÀI MỤC ĐÍCH GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý đường đô thị; Thông tư số 16/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định số 05/2010/QĐ-UBND ngày 31/3/2010 quy định về sử dụng tạm thời phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 điều chỉnh, bổ sung một số nội dung quy định ban hành kèm theo Quyết định số 05/2010/QĐ-UBND ngày 31/3/2010 của UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH





Nguyễn Mạnh Hiển

 

QUY ĐỊNH

SỬ DỤNG TẠM THỜI MỘT PHẦN LÒNG ĐƯỜNG, HÈ PHỐ NGOÀI MỤC ĐÍCH GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 05/2015/QĐ-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

- Quy định này quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố các tuyến đường đô thị (đô thị từ loại V trở lên), đường trong khu đô thị mới ngoài mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương (sau đây gọi tắt là sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố).

- Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố tại các khu đông dân cư, khuyến khích thực hiện theo quy định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân (gọi chung là tổ chức, cá nhân) sau đây:

1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý lòng đường và hè phố trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

2. Các tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần lòng đường và hè phố trên các tuyến đường đô thị thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Các trường hợp sử dụng phần lòng đường, hè phố

1. Các hoạt động sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không thu phí

a) Tổ chức đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám tang.

b) Hoạt động để xe tự quản trước cửa nhà và đỗ xe dưới lòng đường.

c) Hoạt động văn hóa, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

d) Hoạt động phục vụ thi công xây dựng, sửa chữa công trình có tính chất khẩn cấp (khắc phục sự cố đường ống nước sạch, cáp điện, cáp quang, ống dẫn xăng dầu, khí đốt; lún sụt nền, mặt đường, vỉa hè).

e) Lắp đặt biển hiệu, quảng cáo, nhà chờ xe bus, mái che mưa - nắng, trồng cây xanh trên hè phố.

2. Các hoạt động sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố có thu phí

a) Tổ chức đám cưới và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới.

b) Hoạt động trông giữ xe công cộng.

c) Hoạt động phục vụ việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa.

d) Hoạt động phục vụ thi công xây dựng, sửa chữa công trình ngoài các trường hợp quy định tại Điểm d, Khoản 1 Điều này.

Điều 4. Điều kiện vị trí lòng đường, hè phố được sử dụng tạm thời

1. Vị trí lòng đường, hè phố được phép sử dụng tạm thời cho hoạt động tại Điều 3 quy định này phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 1, Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

2. Phạm vi vỉa hè cho người đi bộ trong các trường hợp cụ thể:

a) Hè phố có bề rộng dưới 4,00 mét: Lối cho người đi bộ tối thiểu là 1,5 mét.

b) Hè phố có bề rộng từ 4,00 mét đến dưới 6,00 mét: Lối cho người đi bộ tối thiểu là 2,00 mét.

c) Hè phố có bề rộng từ 6,00 mét trở lên: Lối cho người đi bộ tối thiểu là 3,00 mét.

d) Khu vực hè phố được cấp phép sử dụng tạm thời phải đảm bảo không chắn ngang lối ra vào ngõ hẻm; không nằm trước mặt tiền của các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, cơ quan ngoại giao, công sở.

3. Phân định sử dụng tạm thời hè phố như sau:

Phần hè phố sử dụng để làm lối đi cho người đi bộ được tính từ mép trong của hè phố ra phía ngoài bảo đảm khoảng cách tối thiểu tại Khoản 1, Khoản 2, Điều này.

Điều 5. Thẩm quyền cấp phép

1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) cấp phép đối với các trường hợp quy định tại Điểm c, e, Khoản 1 và Điểm b, c, d Khoản 2, Điều 3 của Quy định này.

2. Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) cho phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 3 và cấp giấy phép tại Điểm a, Khoản 2, Điều 3 của Quy định này.

Điều 6. Trình tự, thủ tục cho phép và cấp giấy phép

1. Các trường hợp không phải lập hồ sơ xin phép

a) Đối với việc tổ chức đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám tang quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 3 quy định này: Hộ gia đình có trách nhiệm thông báo cho Tổ trưởng tổ dân phố (Trưởng Khu dân cư), không phải lập hồ sơ xin phép.

b) Đối với hoạt động phục vụ thi công xây dựng, sửa chữa công trình có tính chất khẩn cấp quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 3 quy định này: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm báo cáo với Uỷ ban nhân dân cấp xã, không phải lập hồ sơ xin phép.

c) Đối với hoạt động để xe tự quản trước cửa nhà, đỗ xe dưới lòng đường quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 3 quy định này: Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện trên các tuyến đường đã được UBND cấp huyện phê duyệt, không phải lập hồ sơ xin phép.

2. Đối với các trường hợp khác quy định tại Điều 3 phải xin cấp giấy phép, hồ sơ quy định như sau:

a) Đối với việc tổ chức đám cưới và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để tổ chức đám cưới (theo mẫu Phụ lục 1 kèm theo Quy định này).

- Bản vẽ vị trí mặt bằng đề nghị cấp phép của tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố (theo mẫu Phụ lục 4 kèm theo Quy định này).

Thời gian sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để tổ chức đám cưới không được quá 48 tiếng.

b) Đối với các hoạt động còn lại:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố (theo mẫu Phụ lục 2 kèm theo Quy định này).

- Bản vẽ vị trí mặt bằng đề nghị cấp phép của tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố (theo mẫu Phụ lục 4 kèm theo Quy định này).

- Văn bản pháp lý khác (nếu có) liên quan đến nhu cầu của tổ chức, cá nhân xin cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố:

+ Đối với trường hợp xin cấp phép sử dụng tạm thời một phần hè phố để thực hiện các hoạt động kinh doanh buôn bán phải kèm theo bản photocoppy Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

+ Đối với trường hợp xin cấp phép sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ xe ô tô con phải có hồ sơ gia cố hè phố được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép chấp thuận.

+ Đối với trường hợp sử dụng tạm thời hè phố để lắp đặt các công trình phục vụ công cộng, lắp đặt trạm chờ xe buýt theo tuyến xe buýt được cấp có thẩm quyền duyệt và lắp đặt quảng cáo phải có bản vẽ thiết kế kiểu dáng lắp đặt, phải đảm bảo an toàn về kết cấu xây dựng, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi sự cố do phương tiện hoạt động của mình gây ra (trường hợp lắp đặt các loại hình quảng cáo phải tuân thủ các quy định hiện hành về hoạt động quảng cáo).

+ Đối với trường hợp sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để tổ chức các hoạt động văn hoá, xã hội, tuyên truyền phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép bằng văn bản về việc tổ chức hoạt động văn hoá, xã hội, tuyên truyền đồng thời phải có văn bản thống nhất phương án đảm bảo giao thông.

+ Người có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần hè phố ngoài mục đích giao thông nhưng không phải là chủ sở hữu phần nhà, chủ sử dụng đất bên trong hè phố thì phải được sự đồng ý của người có quyền sở hữu nhà, người có quyền sử dụng đất bên trong đó.

3. Thời gian giải quyết:

Kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhận đủ hồ sơ hợp lệ, việc cấp phép sử dụng được thực hiện:

a) Ngay trong ngày làm việc đối với trường hợp cho phép tại Điểm a, Khoản 2, Điều 3 Quy định này.

b) Tối đa không quá 05 (năm) ngày làm việc đối với trường hợp xin cấp giấy phép các hoạt động tại Điểm c, e, Khoản 1 và Điểm b, c, d, Khoản 2, Điều 3 của Quy định này.

4. Trình tự thực hiện:

a) Tổ chức, công dân có yêu cầu chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định nộp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

b) Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền tiếp nhận, kiểm tra thành phần hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ viết phiếu hướng dẫn cho công dân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, đúng quy định thì ghi phiếu hẹn trả kết quả.

Trường hợp không giải quyết việc cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, cơ quan có thẩm quyền cấp phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do từ chối cho tổ chức, cá nhân xin cấp phép để biết.

c) Nhận kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

5. Ngay sau khi cấp giấy phép, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản việc cấp giấy phép đến Uỷ ban nhân dân cấp xã (địa bàn nơi tổ chức, cá nhân xin cấp phép) để biết và theo dõi.

6. Riêng đối với hoạt động phục vụ thi công xây dựng, sửa chữa công trình, UBND cấp huyện cấp giấy phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố gộp cùng với giấy phép xây dựng công trình để giảm bớt thủ tục hành chính.

Điều 7. Trình tự, thủ tục gia hạn giấy phép

1. Trước thời điểm hết hạn của giấy phép, các tổ chức cá nhân phải làm thủ tục xin gia hạn giấy phép. Thời gian gia hạn của giấy phép tối đa bằng với thời gian cấp phép sử dụng trước đó và chỉ áp dụng một lần. Sau thời gian gia hạn này, tổ chức và cá nhân tiếp tục có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố thì phải tiến hành xin cấp phép mới.

2. Thủ tục xin gia hạn bao gồm:

a) Đơn đề nghị gia hạn giấy phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố (theo mẫu Phụ lục 3 kèm theo Quy định này).

b) Giấy phép cũ (bản chính).

3. Thời gian giải quyết:

Kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhận đủ hồ sơ hợp lệ, việc cấp phép sử dụng phải được thực hiện trong thời gian:

a) Ngay trong ngày làm việc đối với trường hợp xin gia hạn giấy phép các hoạt động tại Điểm a, Khoản 2, Điều 3 Quy định này.

b) Tối đa không quá 03 (ba) ngày làm việc đối với trường hợp xin gia hạn giấy phép các hoạt động tại Điểm c, e, Khoản 1 và Điểm b, c, d, Khoản 2, Điều 3 của Quy định này.

4. Trình tự thực hiện như Khoản 4, Điều 6 của Quy định này.

Điều 8. Về thu phí và lệ phí

1. Việc thu phí và lệ phí được thực hiện đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 3 của Quy định này.

2. Lệ phí cấp phép và phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố thực hiện theo quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

3. Lệ phí cấp phép và phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không bao gồm chi phí hoàn trả lại hiện trạng lòng đường, hè phố.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm các Sở, ngành

1. Sở Giao thông vận tải

a) Phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong công tác quản lý, bảo trì, nâng cấp và phát triển hệ thống đường đô thị.

b) Thống nhất với Uỷ ban nhân dân cấp huyện về danh mục các khu vực, tuyến đường có vị trí, địa điểm và đủ điều kiện được sắp xếp, tổ chức làm bãi trông giữ xe trên hè phố, đậu xe dưới lòng đường; danh mục các công trình, tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần hè phố vào việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa.

c) Chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý các vi phạm trong việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông.

d) Phối hợp với Sở Tài chính và các ngành có liên quan xây dựng mức thu lệ phí cấp phép và phí sử dụng lòng đường, hè phố.

2. Sở Xây dựng

Chỉ đạo Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý các vi phạm trong việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông.

3. Sở Tài chính

a) Chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND cấp huyện trong việc xây dựng mức thu lệ phí cấp phép và phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/6/2015 để trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định trong kỳ họp giữa năm 2015.

b) Hướng dẫn việc thu và quản lý phí, lệ phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Trách nhiệm Uỷ ban nhân dân cấp huyện

1. Lập, phê duyệt danh mục các khu vực, tuyến đường có vị trí, địa điểm đủ điều kiện được sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để:

- Tổ chức đám cưới;

- Để xe tự quản trên hè phố trước cửa nhà;

- Đỗ xe ô tô dưới lòng đường không thu phí.

- Tổ chức làm bãi trông giữ xe trên hè phố, dưới lòng đường có thu phí;

- Kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa trên hè phố.

UBND cấp huyện thỏa thuận với Sở Giao thông vận tải trước khi phê duyệt danh mục các tuyến đường, hè phố trên.

2. Công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục các khu vực, tuyến đường có vị trí, địa điểm đủ điều kiện được sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để các tổ chức, cá nhân biết, chủ động thực hiện.

3. Thực hiện cấp phép, thu lệ phí cấp phép và phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông theo quy định này và các quy định khác có liên quan.

4. Chỉ đạo lực lượng quản lý trật tự đô thị tổ chức và phối hợp trong kiểm tra, xử lý các vi phạm trong việc sử dụng lòng đường, hè phố.

5. Phối hợp với Sở Tài chính và các ngành có liên quan xây dựng mức thu lệ phí cấp phép và phí sử dụng lòng đường, hè phố.

6. Hướng dẫn thủ tục tiến hành xây dựng, sửa chữa hè phố và cung cấp mẫu thiết kế hè phố cho các tổ chức, cá nhân muốn xây dựng, sửa chữa hè phố bằng nguồn kinh phí của tổ chức, cá nhân này theo thiết kế mẫu hè phố.

Điều 11. Trách nhiệm Uỷ ban nhân dân cấp xã, Tổ trưởng tổ dân phố (Trưởng Khu dân cư)

1. Trách nhiệm Uỷ ban nhân dân cấp xã:

a) Hướng dẫn, tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong sử dụng lòng đường, hè phố theo chức năng, thẩm quyền được quy định.

b) Đề xuất cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm việc sử dụng nêu trên.

c) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất về hiện trạng hè phố và tình hình vi phạm hành chính trong sử dụng hè phố thuộc phạm vi địa bàn quản lý về Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

2. Trách nhiệm Tổ trưởng tổ dân phố (Trưởng Khu dân cư)

a) Hướng dẫn, kiểm tra các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để tổ chức đám tang, đám cưới; nếu ảnh hưởng đến an toàn giao thông phải nhắc nhở kịp thời để hộ gia đình khắc phục.

b) Phối hợp với các lực lượng của UBND cấp xã theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở kịp thời các tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để thi công, sửa chữa các công trình có tính chất khẩn cấp, để xe tự quản trước cửa nhà và đỗ xe dưới lòng đường.

Điều 12. Trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng

1. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện đúng các quy định về sử dụng lòng đường, hè phố.

2. Phổ biến kịp thời các thông tin liên quan đến nếp sống văn minh đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên các tuyến đường bộ.

Điều 13. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông

1. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố và các nội dung yêu cầu trong giấy phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố được cơ quan có thẩm quyền cấp.

2. Thực hiện nghĩa vụ nộp lệ phí cấp phép và phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên các tuyến đường được quy định.

3. Đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường khu vực lòng đường, hè phố được cấp phép sử dụng tạm thời.

4. Bồi thường, hoàn trả hư hỏng các công trình do việc sử dụng tạm thời gây ra.

Điều 14. Điều khoản thi hành

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.

 

 

 

 

- Cụm từ này bị thay thế bởi Điều 1 Quyết định 40/2016/QĐ-UBND

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 05/2015/QĐ-UBND ngày 08/4/2015 của UBND tỉnh ban hành Quy định sử dụng tạm thời phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương như sau:

Thay đổi cụm từ “Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký” thành cụm từ “Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 4 năm 2015” tại Điều 2.

Xem nội dung VB
- Điều này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 2 Quyết định 40/2016/QĐ-UBND

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương ban hành kèm theo Quyết định số 05/2015/QĐ-UBND ngày 08/4/2015 của UBND tỉnh như sau:

1. Sửa đổi Điều 3 như sau:

“Điều 3. Các trường hợp được sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố

1. Các hoạt động sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông:

a) Hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

b) Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình.

c) Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình.

d) Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội.

đ) Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình.

e) Lắp đặt nhà chờ xe bus, mái che mưa - nắng, trồng cây xanh trên hè phố.

g) Hoạt động phục vụ thi công xây dựng, sửa chữa công trình có tính chất khẩn cấp (khắc phục sự cố đường ống nước sạch, cáp điện, cáp quang, ống dẫn xăng dầu, khí đốt).

2. Các hoạt động sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông:

a) Điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội.

b) Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị.”

Xem nội dung VB
- Điều này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 2 Quyết định 40/2016/QĐ-UBND

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương ban hành kèm theo Quyết định số 05/2015/QĐ-UBND ngày 08/4/2015 của UBND tỉnh như sau:
...
2. Sửa đổi Điều 5 như sau:

“Điều 5. Thẩm quyền cấp phép, cho phép và thời gian thực hiện

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) cấp phép đối với các trường hợp quy định tại Điểm a, d, đ, e, Khoản 1 và Điểm a, b, Khoản 2, Điều 3 của Quy định này.

2. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) cho phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu quy định tại Điểm b, c, g, Khoản 1, Điều 3 của Quy định này.

3. Thời gian sử dụng một phần hè phố, lòng đường theo Điều 3 Quy định này thực hiện theo Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ”

Xem nội dung VB
- Điều này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 2 Quyết định 40/2016/QĐ-UBND

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương ban hành kèm theo Quyết định số 05/2015/QĐ-UBND ngày 08/4/2015 của UBND tỉnh như sau:
...
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Hồ sơ, thủ tục cho phép và cấp giấy phép

1. Các trường hợp không phải lập hồ sơ xin phép

a) Đối với việc tổ chức đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám tang; tổ chức đám cưới và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới; quy định tại Điểm b, c, Khoản 1, Điều 3 quy định này: Hộ gia đình có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức đám tang, đám cưới trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố, không phải lập hồ sơ xin phép.

b) Đối với hoạt động phục vụ thi công xây dựng, sửa chữa công trình có tính chất khẩn cấp quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 3 quy định này: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hoạt động thi công trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố, không phải lập hồ sơ xin phép.

2. Đối với các trường hợp khác quy định tại Điểm a, d, đ, e, Khoản 1; Điểm a, b, Khoản 2, Điều 3 phải xin cấp giấy phép, hồ sơ quy định như sau:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố (theo mẫu Phụ lục 2 kèm theo Quy định này).

- Bản vẽ vị trí mặt bằng đề nghị cấp phép của tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố (theo mẫu Phụ lục 4 kèm theo Quy định này).

- Văn bản pháp lý khác (nếu có) liên quan đến nhu cầu của tổ chức, cá nhân xin cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố:

+ Đối với trường hợp sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội, tuyên truyền; để làm điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép bằng văn bản về việc tổ chức hoạt động văn hóa, xã hội, tuyên truyền đồng thời phải có văn bản thống nhất phương án đảm bảo giao thông.

+ Đối với trường hợp sử dụng tạm thời hè phố để lắp đặt các công trình phục vụ công cộng, lắp đặt trạm chờ xe buýt theo tuyến xe buýt, mái che mưa, nắng, trồng cây xanh trên hè phố phải được cấp có thẩm quyền duyệt và phải có bản vẽ thiết kế kiểu dáng lắp đặt, phải đảm bảo an toàn về kết cấu xây dựng.

+ Người có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần hè phố ngoài mục đích giao thông nhưng không phải là chủ sở hữu phần nhà, chủ sử dụng đất bên trong hè phố thì phải được sự đồng ý của người có quyền sở hữu nhà, người có quyền sử dụng đất bên trong đó.

3. Thời gian giải quyết:

Kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhận đủ hồ sơ hợp lệ, việc cấp phép sử dụng được thực hiện tối đa không quá 03 (ba) ngày làm việc.

4. Trình tự thực hiện:

Trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND ngày 29/4/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về tổ chức và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

5. Ngay sau khi cấp giấy phép, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản việc cấp giấy phép đến Ủy ban nhân dân cấp xã (địa bàn nơi tổ chức, cá nhân xin cấp phép) để biết và theo dõi.

6. Riêng đối với hoạt động sử dụng tạm thời hè phố làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình, UBND cấp huyện cấp giấy phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố gộp cùng với giấy phép xây dựng công trình để giảm bớt thủ tục hành chính.”

Xem nội dung VB
- Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 2 Quyết định 40/2016/QĐ-UBND

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương ban hành kèm theo Quyết định số 05/2015/QĐ-UBND ngày 08/4/2015 của UBND tỉnh như sau:
...
4. Sửa đổi Khoản 3, Điều 7 như sau:

“3. Thời gian giải quyết:

Kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhận đủ hồ sơ hợp lệ, việc cấp phép sử dụng phải được thực hiện trong thời gian tối đa không quá 03 (ba) ngày làm việc.”

Xem nội dung VB
- Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 2 Quyết định 40/2016/QĐ-UBND

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương ban hành kèm theo Quyết định số 05/2015/QĐ-UBND ngày 08/4/2015 của UBND tỉnh như sau:
...
5. Sửa đổi Khoản 1, Điều 8 như sau:

“Điều 8. Về thu phí và lệ phí

1. Việc thu phí và lệ phí được thực hiện đối với các hoạt động sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố quy định tại Điểm d, đ, Khoản 1; Điểm a, Khoản 2, Điều 3 của Quy định này.”

Xem nội dung VB
- Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 2 Quyết định 40/2016/QĐ-UBND

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương ban hành kèm theo Quyết định số 05/2015/QĐ-UBND ngày 08/4/2015 của UBND tỉnh như sau:
...
6. Sửa đổi Khoản 1, Điều 10 như sau:

“Điều 10. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Lập, phê duyệt danh mục các khu vực, tuyến đường có vị trí, địa điểm đủ điều kiện được sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để:

- Tổ chức đám cưới;

- Tổ chức làm bãi trông giữ xe trên hè phố, dưới lòng đường có thu phí;

UBND cấp huyện thỏa thuận với Sở Giao thông vận tải trước khi phê duyệt danh mục các tuyến đường, hè phố trên.”

Xem nội dung VB
- Phụ lục 1 trong file đính kèm này bị bãi bỏ bởi Khoản 7 Điều 1 Quyết định 40/2016/QĐ-UBND

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương ban hành kèm theo Quyết định số 05/2015/QĐ-UBND ngày 08/4/2015 của UBND tỉnh như sau:
...
7. Bãi bỏ Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quyết định số 05/2015/QĐ-UBND ngày 08/4/2015 của UBND tỉnh Hải Dương.

Xem nội dung VB