Quyết định 12/2012/QĐ-UBND về Quy định chế độ đối với vận động, huấn luyện viên thể thao và chi tiêu tài chính đối với giải thi đấu thể thao của tỉnh Yên Bái
Số hiệu: 12/2012/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái Người ký: Phạm Duy Cường
Ngày ban hành: 11/05/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2012/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 11 tháng 5 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI VẬN ĐỘNG VIÊN, HUẤN LUYỆN VIÊN THỂ THAO VÀ CHẾ ĐỘ CHI TIÊU TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC GIẢI THI ĐẤU THỂ THAO CỦA TỈNH YÊN BÁI

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu;

Căn cứ Quyết định số 67/2008/QĐ-TTg ngày 26/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 149/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 7/11/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc hướng dẫn thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 200/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quy định chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao;

Căn cứ Nghị Quyết số 41 /2011/NQ-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khoá XVII- kỳ họp thứ 3 quy định một số chính sách thuộc lĩnh vực Văn hóa - Xã hội giai đoạn 2011-2015.

Căn cứ Nghị quyết số 06 /2012/NQ-HĐND ngày 30 tháng 3 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khoá XVII- Kỳ họp thứ 4 quy định chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao của tỉnh Yên Bái; chế độ quản lý đặc thù đối với Đội tuyên truyền lưu động cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh Yên Bái.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 385 /TTr- STC ngày 02/5/2012 về việc Ban hành Quyết định Quy định một số chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao và chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao của tỉnh Yên Bái,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao và chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao của tỉnh Yên Bái.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành, thay thế Quyết định số 05/2010/QĐ-UBND ngày 03/3/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành quy định một số chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao và chế độ chi tiêu tài chính cho các giải thi đấu thể thao của tỉnh Yên Bái.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Văn hoá TT&DL;
- T.T Tỉnh uỷ;
- T.T HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Cục Kiểm tra VB - Bộ Tư pháp;
- Như điều 3 QĐ;
- Sở Tư pháp;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, TH, TC.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Duy Cường

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI VẬN ĐỘNG VIÊN, HUẤN LUYỆN VIÊN THỂ THAO VÀ CHẾ ĐỘ CHI TIÊU TÀI CHÍNH CHO CÁC GIẢI THI ĐẤU THỂ THAO CỦA TỈNH YÊN BÁI
(Ban hành theo Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND ngày 11/5/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định:

a) Quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) thể thao thuộc các đội tuyển:

- Đội tuyển cấp tỉnh;

- Đội tuyển trẻ cấp tỉnh;

- Đội tuyển năng khiếu cấp tỉnh;

- Đội tuyển cấp huyện

b) Chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao của tỉnh được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định:

- Đại hội thể dục thể thao,

- Giải thi đấu thể thao của từng môn thể thao;

- Hội thi thể thao quần chúng;

- Giải thi đấu thể thao dành cho người khuyết tật.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Vận động viên, huấn luyện viên thuộc các đội tuyển tham gia luyện tập, huấn luyện và thi đấu các giải thể thao trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

b)Vận động viên, huấn luyện viên đang làm nhiệm vụ tại các giải thể thao thành tích cao; Vận động viên, huấn luyện viên thể thao thuộc các đội tuyển đang tập luyện, huấn luyện tại các trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao, các trường năng khiếu thể thao, các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp của tỉnh trong thời gian tập trung tập luyện và tập trung thi đấu theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

c) Vận động viên thể thao thuộc các đội tuyển đang học tập trung tại các cơ sở đào tạo thể thao công lập của tỉnh.

d) Thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và các Tiểu ban Đại hội thể dục thể thao, hội thi thể thao; Thành viên Ban Tổ chức và các Tiểu ban chuyên môn từng giải thi đấu; Trọng tài, giám sát điều hành, thư ký các giải thi đấu thể thao

3. Các quy định khác về chế độ đối với vận động viên và huấn luyện viên thể thao không quy định tại Quy định này được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu; Thông tư liên tịch số 149/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 07/11/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao; Thông tư liên tịch số 200/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Quy định chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao và các quy định chi tiêu tài chính hiện hành.

4. Các cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tế, khả năng nguồn kinh phí để quyết định mức chi cụ thể đối với huấn luyện viên, vận động viên và mức chi tổ chức các giải thi đấu thể thao, hội thi thể thao khác không thuộc đối tượng, phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này cho phù hợp, nhưng không được vượt quá mức chi tại Quy định này.

Điều 2. Nguồn kinh phí

1. Kinh phí thực hiện chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao được bố trí trong dự toán ngân sách chi sự nghiệp thể dục thể thao hàng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành.

Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, khuyến khích các cơ quan, đơn vị quản lý vận động viên, huấn luyện viên khai thác các nguồn thu hợp pháp để bổ sung thêm kinh phí chi trả các chế độ chính sách theo quy định đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao.

2. Kinh phí chi tổ chức các giải thi đấu thể dục thể thao theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Quy định này được đảm bảo từ các nguồn:

a) Nguồn thu bán vé xem thi đấu;

b) Nguồn thu tài trợ, quảng cáo, bán bản quyền phát thanh truyền hình;

c) Nguồn ngân sách nhà nước;

d) Nguồn thu hợp pháp khác.

Điều 3. Lập, phân bổ dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí

1. Việc lập, phân bổ dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước chi thực hiện chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao và chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

2. Hàng năm căn cứ chỉ tiêu kế hoạch tập luyện, thi đấu thể thao được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chương trình, kế hoạch tổ chức các giải thi đấu thể thao; chế độ, định mức chi tại Quy định này; cơ quan quản lý nhà nước về thể thao ở các cấp lập dự toán chi ngân sách thực hiện chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao và chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao theo quy định này và tổng hợp vào dự toán ngân sách của cấp mình, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để xem xét, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

3. Căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan quản lý nhà nước về thể thao ở các cấp phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị thực hiện theo quy định. Các cơ quan, đơn vị được giao quản lý sử dụng kinh phí phải quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí theo đúng mục đích, chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định, bảo đảm có đầy đủ chứng từ hợp pháp, hợp lệ.

Trước khi tổ chức các giải thi đấu thể thao, Ban Tổ chức các giải thi đấu thể thao phải lập dự toán chi tiết gửi cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và tổ chức chi tiêu trong phạm vi dự toán được duyệt. Sau khi kết thúc giải, trong thời hạn tối đa 30 ngày, Ban Tổ chức giải thi đấu thể thao có trách nhiệm tập hợp chứng từ thu, chi và quyết toán kinh phí theo đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục I. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI VẬN ĐỘNG VIÊN, HUẤN LUYỆN VIÊN THỂ THAO

Điều 4. Chế độ tiền công đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao

1. Vận động viên, huấn luyện viên thể thao là người có quốc tịch Việt Nam không hưởng lương từ ngân sách nhà nước: Được cơ quan, tổ chức sử dụng vận động viên, huấn luyện viên (cơ quan ra quyết định triệu tập huấn luyện viên, vận động viên) trả công bằng tiền theo ngày trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu,

2. Thời gian áp dụng:

a) Thời gian tập trung tập huấn tối đa không quá 30 ngày/ 01 giải thi đấu thể thao.

b) Thời gian tập trung thi đấu theo điều lệ tổ chức giải thi đấu.

3. Mức chi tiền công một ngày trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu, như sau:

a) Huấn luyện viên đội tuyển cấp tỉnh: 90.000 đồng/người/ngày;

b) Huấn luyện viên đội tuyển trẻ cấp tỉnh: 70.000 đồng/người/ngày;

c) Huấn luyện viên đội tuyển năng khiếu cấp tỉnh: 70.000 đồng/người/ngày;

d) Huấn luyện viên đội tuyển cấp huyện: 70.000 đồng/người/ngày;

đ) Vận động viên đội tuyển cấp tỉnh: 60.000 đồng/người/ngày;

e) Vận động viên đội tuyển trẻ cấp tỉnh: 30.000 đồng/người/ngày;

f) Vận động viên đội tuyển năng khiếu cấp tỉnh: 25.000 đồng/người/ngày;

g) Vận động viên đội tuyển cấp huyện: 25.000 đồng/người/ngày.

4. Đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao hưởng lương từ ngân sách nhà nước

a) Trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu được hưởng nguyên lương tại cơ quan, tổ chức quản lý vận động viên, huấn luyện viên. Trường hợp mức tiền lương theo ngày (tiền lương tháng chia 22 ngày) thấp hơn mức tiền công quy định tại khoản 3 Điều này thì được cơ quan, tổ chức sử dụng vận động viên, huấn luyện viên chi trả phần chênh lệch để đảm bảo bằng các mức quy định tương ứng.

b) Trường hợp vận động viên, huấn luyện viên thể thao có thời gian thực tế tập huấn và thi đấu cao hơn số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng (nhiều hơn 22 ngày/tháng) thì cơ quan, tổ chức sử dụng vận động viên, huấn luyện viên trả tiền công bằng mức quy định tại khoản 3 Điều này cho số ngày cao hơn ngày làm việc tiêu chuẩn.

c) Khoản bù chênh lệch giữa tiền lương và tiền công trả cho số ngày làm việc cao hơn số ngày làm việc tiêu chuẩn quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều này không được dùng để tính đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Điều 5. Chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao

1. Vận động viên, huấn luyện viên thuộc các đội tuyển đang tập luyện, huấn luyện tại các trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao, các trường năng khiếu thể thao, các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và vận động viên, huấn luyện viên đang làm nhiệm vụ tại các giải thể thao thành tích cao quy định tại Điều 37 Luật Thể dục, thể thao (giải vô địch Quốc gia, giải trẻ Quốc gia hàng năm từng môn thể thao, giải vô địch từng môn thể thao của tỉnh...) được hưởng chế độ dinh dưỡng được tính bằng tiền cho một ngày tập trung tập luyện, thi đấu của một vận động viên, huấn luyện viên.

2.Thời gian áp dụng: là thời gian có mặt thực tế tập trung luyện tập và tập trung thi đấu theo quyết định của cấp có thẩm quyền:

a) Thời gian tập trung luyện tập do Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định,

b) Thời gian tập trung thi đấu theo điều lệ tổ chức giải thi đấu.

3. Chế độ dinh dưỡng đặc thù được tính bằng tiền cho một ngày tập trung tập luyện, tập trung thi đấu của một vận động viên, huấn luyện viên:

a) Trong thời gian tập trung tập luyện ở trong nước

- Đội tuyển cấp tỉnh: 90.000 đồng/người/ngày;

- Đội tuyển trẻ cấp tỉnh: 70.000 đồng/người/ngày;

- Đội tuyển năng khiếu cấp tỉnh: 55.000 đồng/người/ngày;

- Đội tuyển cấp huyện: 55.000 đồng/người/ngày;

b) Trong thời gian tập trung thi đấu

- Đội tuyển cấp tỉnh: 120.000 đồng/người/ngày;

- Đội tuyển trẻ cấp tỉnh: 90.000 đồng/người/ngày;

- Đội tuyển năng khiếu cấp tỉnh: 90.000 đồng/người/ngày.

- Đội tuyển cấp huyện: 90.000 đồng/người/ngày.

c) Đối với vận động viên đạt đẳng cấp kiện tướng và vận động viên đạt đẳng cấp I thuộc địa phương quản lý, ngoài được hưởng chế độ dinh dưỡng theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này, còn được hưởng thêm chế độ chi dinh dưỡng bằng tiền trong thời gian tập trung tập luyện và thời gian tập trung thi đấu theo quyết định của cấp có thẩm quyền theo mức là 20.000 đồng/người/ngày đối với vận động viên đạt đẳng cấp kiện tướng và mức 15.000 đồng/người/ngày đối với vận động viên đạt đẳng cấp I.”

4. Đối với các vận động viên khuyết tật thuộc địa phương quản lý khi được cấp có thẩm quyền triệu tập tập huấn và thi đấu được hưởng chế độ dinh dưỡng theo quy định này.

5. Việc sử dụng số tiền theo chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao được thực hiện theo quy định cụ thể của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.

Điều 6. Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các vận động viên, huấn luyện viên trong đội tuyển của tỉnh, đội tuyển trẻ của tỉnh được hưởng trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu như sau:

1. Đối với vận động viên, huấn luyện viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước: Trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu, cơ quan, tổ chức quản lý vận động viên, huấn luyện viên chịu trách nhiệm trích nộp kinh phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho vận động viên, huấn luyện viên theo quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Vận động viên, huấn luyện viên được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo chế độ quy định.

2. Đối với vận động viên, huấn luyện viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc: Trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu, cơ quan, tổ chức sử dụng vận động viên, huấn luyện viên trích chuyển cơ quan quản lý vận động viên, huấn luyện viên nguồn kinh phí để nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Vận động viên, huấn luyện viên được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo chế độ quy định.

3. Vận động viên, huấn luyện viên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu nếu bị ốm đau phải nghỉ luyện tập, nghỉ thi đấu; bị tai nạn hoặc chết thì được giải quyết trợ cấp như sau:

a) Trường hợp bị ốm đau hoặc thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình: Được chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh (theo mức viện phí làm căn cứ thanh toán bảo hiểm y tế) và được hưởng trợ cấp ốm đau bằng 75% tiền công hiện hưởng trong những ngày nghỉ ốm hoặc thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình.

b) Trường hợp bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu:

Được chi trả toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu (theo mức viện phí làm căn cứ thanh toán bảo hiểm y tế) đến khi điều trị ổn định thương tật và được hưởng trợ cấp bằng 100% tiền công hiện hưởng trong những ngày điều trị.

Sau khi điều trị ổn định được giám định khả năng lao động, nếu suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được trợ cấp một lần tính theo mức suy giảm khả năng lao động, cụ thể như sau: suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 tháng tiền lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng tiền lương tối thiểu chung; ngoài ra, còn được nhận khoản trợ cấp một lần tính theo thời gian làm huấn luyện viên, vận động viên tập trung: từ 1 năm (12 tháng) trở xuống thì được hưởng bằng 0,5 tháng tiền công, sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 0,3 tháng tiền công.

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng chất ma tuý, chất gây nghiện thì không được hưởng trợ cấp theo quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều này.

c) Huấn luyện viên, vận động viên khi thôi làm huấn luyện viên, vận động viên được trợ cấp một lần. Cứ mỗi năm (12 tháng) làm huấn luyện viên, vận động viên tập trung (nếu có thời gian ngắt quãng thì được tính cộng dồn), được hưởng 1,5 tháng (26 ngày/tháng) tiền công trước khi thôi việc, nhưng thấp nhất cũng bằng 2 tháng tiền công.

Khi tính cộng dồn thời gian làm huấn luyện viên, vận động viên (kể cả thời gian làm huấn luyện viên, vận động viên cấp tỉnh và cấp quốc gia) để tính huởng trợ cấp theo quy định tại khoản 3 Điều này, nếu có tháng lẻ dưới 03 tháng thì không tính, nếu đủ từ 3 tháng trở lên đến đủ 06 tháng được tính là ½ năm, từ trên 06 tháng đến 12 tháng được tính tròn 01 năm.

d) Nếu huấn luyện viên, vận động viên chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng như mức quy định đối với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo pháp luật bảo hiểm xã hội.

Trường hợp huấn luyện viên, vận động viên chết do tai nạn lao động trong khi tập huấn, thi đấu hoặc chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn trong quá trình tập huấn, thi đấu thì ngoài trợ cấp mai táng, thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 tháng tiền lương tối thiểu chung.

Điều 7. Chế độ trợ cấp đối với các vận động viên, huấn luyện viên trong đội tuyển của tỉnh, đội tuyển trẻ của tỉnh được hưởng trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu như sau:

1. Ngoài chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế quy định tại Điều 6 Quy định này, huấn luyện viên, vận động viên bị tai nạn hoặc chết trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu được bồi thường một lần theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 110/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/CP ngày 20/01/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số Điều của Bộ Luật Lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Cụ thể như sau:

a) Bồi thường một lần bằng 30 tháng tiền công và phụ cấp (nếu có) cho huấn luyện viên, vận động viên bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động chết do bị tai nạn mà không do lỗi của huấn luyện viên, vận động viên. Trong trường hợp do lỗi của huấn luyện viên, vận động viên thì được bồi thường bằng 12 tháng tiền công.

b) Bồi thường bằng 1,5 tháng tiền công (theo mức tương ứng) cho huấn luyện viên, vận động viên bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động trên 10% đến dưới 81% thì cứ 1% tăng thêm được bồi thường thêm 0,4 tháng tiền công nếu tại nạn không do lỗi trực tiếp của huấn luyện viên, vận động viên. Trường hợp tai nạn do lỗi trực tiếp của huấn luyện viên, vận động viên thì được bồi thường bằng 40% mức bồi thường tương ứng nêu trên.

2. Khi xẩy ra tai nạn trong tập luyện, thi đấu, cơ quan, tổ chức sử dụng huấn luyện viên, vận động viên phải lập biên bản ghi đầy đủ diễn biến của vụ tai nạn, thương tích, mức độ thiệt hại, nguyên nhân, trách nhiệm xẩy ra tai nạn; có chữ ký của đại diện cơ quan, tổ chức sử dụng huấn luyện viên, vận động viên, ban tổ chức thi đấu (trong các giải thi đấu) hoặc những người chứng kiến.

Điều 8. Mức thưởng bằng tiền đối với các vận động viên lập thành tích tại các cuộc thi đấu thể dục thể thao

1. Vận động viên lập thành tích tại các giải thi đấu quốc tế mức thưởng thực hiện theo quy định tại Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Vận động viên lập thành tích tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc, mức thưởng như sau:

a) Huy chương vàng tối đa không quá: 5.000.000 đồng;

b) Huy chương bạc tối đa không quá: 3.500.000 đồng;

c) Huy chương đồng tối đa không quá: 2.000.000 đồng.

d) Vận động viên phá kỷ lục quốc gia được cộng thêm 20% mức thưởng tương ứng.

3. Vận động viên lập thành tích tại các cuộc thi đấu vô địch quốc gia, mức thưởng như sau:

a) Huy chương vàng tối đa không quá: 3.500.000 đồng;

b) Huy chương bạc tối đa không quá: 2.500.000 đồng;

c) Huy chương đồng tối đa không quá: 1.500.000 đồng.

d) Vận động viên phá kỷ lục quốc gia được cộng thêm 20% mức thưởng tương ứng.

4. Vận động viên lập thành tích tại các cuộc thi đấu vô địch trẻ quốc gia được thưởng mức tối đa bằng 50% mức thưởng tại các cuộc thi đấu vô địch quốc gia. Mức thưởng được quy định theo lứa tuổi, cụ thể như sau:

a) Giải thể thao vô địch trẻ quốc gia dành cho vận động viên dưới 12 tuổi: Mức thưởng tối đa bằng 20% mức thưởng tương ứng quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Giải thể thao vô địch trẻ quốc gia dành cho vận động viên từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi: Mức thưởng tối đa bằng 30% mức thưởng tương ứng quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Giải thể thao vô địch trẻ quốc gia dành cho vận động viên từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: Mức thưởng tối đa bằng 40% mức thưởng tương ứng quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Giải vô địch trẻ quốc gia dành cho vận động viên từ 18 tuổi đến dưới 21 tuổi: Mức thưởng tối đa bằng 50% mức thưởng tương ứng quy định tại khoản 3 Điều này;

5. Vận động viên lập thành tích tại Đại hội thể dục thể thao cấp tỉnh, mức thưởng như sau:

a) Huy chương vàng tối đa không quá: 600.000 đồng;

b) Huy chương bạc tối đa không quá: 500.000 đồng;

c) Huy chương đồng tối đa không quá: 400.000 đồng.

6. Vận động viên lập thành tích tại các giải thi đấu thể thao cấp tỉnh, mức thưởng như sau:

a) Giải nhất tối đa không quá: 400.000 đồng

b) Giải nhì tối đa không quá: 300.000 đồng

c) Giải ba tối đa không quá: 200.000 đồng

7. Vận động viên lập thành tích tại các giải thi đấu thể thao cấp huyện, mức thưởng như sau:

a) Giải nhất tối đa không quá: 300.000 đồng

b) Giải nhì tối đa không quá: 200.000 đồng

c) Giải ba tối đa không quá: 100.000 đồng

8. Đối với môn thể thao tập thể, mức thưởng chung bằng số lượng người tham gia môn thể thao tập thể nhân với 50% mức thưởng tương ứng quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều này.

9. Đối với các môn thể thao có nội dung thi đấu đồng đội (mà thành tích thi đấu của từng cá nhân và đồng đội được xác định trong cùng một lần thi), số lượng vận động viên được thưởng khi lập thành tích theo quy định của điều lệ giải. Mức thưởng chung bằng số lượng vận động viên nhân với 50% mức thưởng tương ứng quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều này.

Điều 9. Mức thưởng bằng tiền đối với các huấn luyện viên lập thành tích tại các cuộc thi đấu thể dục thể thao

1. Đối với thi đấu cá nhân: những huấn luyện viên trực tiếp đào tạo vận động viên lập thành tích trong các cuộc thi đấu thể thao thì mức thưởng chung được tính bằng mức thưởng đối với vận động viên. Tỷ lệ phân chia tiền thưởng được thực hiện theo nguyên tắc: Huấn luyện viên trực tiếp huấn luyện đội tuyển được 60%, huấn luyện viên trực tiếp đào tạo vận động viên cơ sở trước khi tham gia đội tuyển được 40%.

2. Đối với thi đấu tập thể: Những huấn luyện viên trực tiếp đào tạo đội tuyển thi đấu lập thành tích thì được thưởng mức thưởng chung bằng số lượng huấn luyện viên theo quy định nhân với mức thưởng tương ứng đối với vận động viên đạt giải. Số lượng huấn luyện viên của các đội được xét thưởng được quy định theo mức sau:

a) Đối với các đội thuộc những môn có quy định từ 2 đến 5 vận động viên tham gia thi đấu: Mức thưởng chung tính cho 01 huấn luyện viên.

b) Đối với các đội thuộc những môn có quy định từ 6 đến 12 vận động viên tham gia thi đấu: Mức thưởng chung tính cho 02 huấn luyện viên.

c) Đối với các đội thuộc những môn có quy định từ 13 vận động viên trở lên: Mức thưởng chung tính cho 03 huấn luyện viên.

3. Đối với môn thể thao thi đấu đồng đội: Mức thưởng chung cho huấn luyện viên bằng số lượng huấn luyện viên quy định tại khoản 2 Điều này nhân với 50% mức thưởng tương ứng.

4. Huấn luyện viên, vận động viên lập thành tích tại các giải thuộc hệ thống thi đấu thể thao quần chúng cấp quốc gia được thưởng bằng 50% mức thưởng tương ứng cho huấn luyện viên, vận động viên lập thành tích tại các cuộc thi đấu vô địch quốc gia.

Điều 10. Chế độ trang phục đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao trong thời gian tập luyện, huấn luyện và tham gia làm nhiệm vụ tại các giải thi đấu thể thao;

1. Định mức trang bị cho vận động viên, huấn luyện viên

a) Quần áo dài, hàng nội: 01 bộ/người/năm;

b) Quần áo ngắn, hàng nội: 3 bộ/người/năm;

c) Quần áo chuyên dùng theo quy định (nếu có): 01 bộ/người/năm;

d) Giầy ba ta, tất hàng nội: 3 đôi/người/năm;

đ) Giầy chuyên dùng: 01 đôi/người/năm.

2. Trường hợp đặc biệt theo quy định của điều lệ giải, cần trang bị trang phục tập luyện, thi đấu ngoài định mức trang bị trên, đơn vị quản lý vận động viên, huấn luyện viên phải trình cấp có thẩm quyền quyết định trang bị trang phục cho vận động viên, huấn luyện viên trong phạm vi dự toán đã được phê duyệt.

Điều 11. Chế độ học bổng đối với vận động viên tập trung

1. Vận động viên học tập trung tại các cơ sở đào tạo thể thao công lập của tỉnh có kết quả tập luyện đạt từ mức khá trở lên được hưởng chế độ học bổng khuyến khích học tập theo quy định trong thời gian 11 tháng trong năm. Học sinh, sinh viên đạt loại xuất sắc được hưởng gấp đôi mức học bổng khuyến khích học tập toàn phần

2. Mức học bổng khuyến khích quy định bằng 140.000 đồng/người/tháng.

Mục II. CHẾ ĐỘ CHI TIÊU TÀI CHÍNH CHO CÁC GIẢI THI ĐẤU THỂ THAO

Điều 12. Chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao của tỉnh (Đại hội thể dục thể thao, giải thi đấu thể thao của từng môn thể thao, Hội thi thể thao quần chúng, giải thi đấu thể thao dành cho người khuyết tật) được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định

1. Chi tiền ăn cho thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và các Tiểu ban Đại hội thể dục thể thao, hội thi thể thao; Thành viên Ban Tổ chức và các Tiểu ban chuyên môn từng giải thi đấu; Trọng tài, giám sát điều hành, thư ký các giải thi đấu thể thao (bao gồm cả thời gian tối đa 2 ngày trước làm công tác chuẩn bị tập huấn trọng tài và 1 ngày sau thi đấu) như sau:

a) Các giải thể thao cấp tỉnh: 90.000 đồng/người/ngày.

b) Các giải thể thao cấp huyện: 75.000 đồng/người/ngày.

2. Đối với các đối tượng thuộc diện hưởng lương từ Ngân sách nhà nước đã được đảm bảo chế độ chi tiền ăn trong thời gian tham dự giải thi đấu thể thao sẽ không được thanh toán phụ cấp tiền lưu trú công tác phí theo quy định tại chế độ công tác phí hiện hành trong thời gian tham dự giải thi đấu thể thao.

3. Tiền ăn của vận động viên, huấn luyện viên tham gia các giải thi đấu thể thao thực hiện theo quy định tại Điều 5 Quy định này.

Điều 13. Chi tiền bồi dưỡng làm nhiệm vụ thực tế từng ngày, buổi hoặc trận.

1. Tiền bồi dưỡng làm nhiệm vụ được tính theo ngày làm việc thực tế, hoặc theo buổi thi đấu, trận đấu thực tế. Đối với các đối tượng mà tiền bồi dưỡng không tính được theo ngày làm việc mà tính theo buổi thi đấu, hoặc trận đấu, thì mức thanh toán tiền bồi dưỡng được tính theo thực tế, nhưng tối đa không được vượt quá 3 buổi hoặc 3 trận đấu/người/ngày.

2. Mức chi bồi dưỡng tối đa đối với các giải thi đấu như sau:

Nội dung

Đơn vị tính

Giải thể thao cấp tỉnh

Giải thể thao cấp huyện

1. Ban chỉ đạo, Ban Tổ chức; Trưởng, phó các Tiểu ban chuyên môn

đ/người/ngày

65.000

50.000

2. Thành viên các Tiểu ban chuyên môn

đ/người/ngày

50.000

35.000

3. Giám sát, trọng tài chính

đ/người/buổi

50.000

35.000

4. Thư ký, trọng tài khác

đ/người/buổi

40.000

30.000

5. Bộ phận y tế

đ/người/buổi

35.000

25.000

6. Lực lượng làm nhiệm vụ trật tự, bảo vệ, nhân viên phục vụ

đ/người/buổi

35.000

25.000

Điều 14. Chi tổ chức đồng diễn, diễu hành đối với Đại hội thể dục thể thao cấp tỉnh như sau:

1. Chi sáng tác, dàn dựng, đạo diễn các màn đồng diễn: thanh toán theo hợp đồng kinh tế giữa Ban tổ chức với các tổ chức hoặc cá nhân, mức chi căn cứ Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 11/6/2002 của Chính phủ về việc quy định chế độ nhuận bút và Thông tư liên tịch số 21/2003/TTLT-VHTT-BTC ngày 01/7/2003 giữa Bộ Văn hoá Thông tin và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chi trả chế độ nhuận bút, trích lập và sử dụng quỹ nhuận bút cho một số tác phẩm được quy định tại Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 11/6/2002 của Chính phủ.

2. Bồi dưỡng đối tượng tham gia đồng diễn, diễu hành, xếp hình, xếp chữ:

a) Người tập tham gia tập luyện : 20.000 đồng/người/buổi.

b) Người tập tham gia tổng duyệt (tối đa 2 buổi): 30.000 đồng/người/buổi.

c) Người tập tham gia biểu diễn chính thức : 40.000 đồng/ người/buổi.

d) Giáo viên, cán bộ quản lý, hướng dẫn : 40.000 đồng /người/buổi.

3. Chi tổ chức đồng diễn, diễu hành đối với Đại hội thể dục thể thao cấp huyện: Tuỳ theo tình hình thực tế và khả năng nguồn kinh phí của địa phương để chi cho phù hợp, nhưng mức tối đa không vượt quá mức chi quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 15. Các khoản chi khác

1. Tiền tàu xe đi về, tiền thuê chỗ ở cho Thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và các Tiểu ban Đại hội thể dục thể thao, hội thi thể thao; Thành viên Ban Tổ chức và các tiểu ban chuyên môn từng giải thi đấu; thư ký, trọng tài, giám sát điều hành các giải thi đấu; Vận động viên, huấn luyện viên; Công an, y tế, bảo vệ, nhân viên phục vụ tại các điểm thi đấu thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành.

2. Chế độ tiền thưởng của vận động viên, huấn luyện viên tại các giải thi đấu thể thao của tỉnh được thực hiện theo Điều 8, Điều 9 Quy định này.

3. Các khoản chi cho in ấn, huy chương, cờ, cúp, trang phục, đạo cụ, khai mạc, bế mạc: tuỳ theo quy mô, tính chất giải để chi phù hợp với nguồn thu và nguồn kinh phí được ngân sách nhà nước cấp. Đồng thời, căn cứ theo chế độ hiện hành, hoá đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.

4. Trường hợp một người được phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau trong quá trình điều hành tổ chức giải chỉ được hưởng một mức bồi dưỡng cao nhất.

5. Các khoản chi khác cho các giải thể thao không quy định tại Quy định này thì thực hiện theo các quy định chi tiêu tài chính hiện hành.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan quản lý

1. Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý sử dụng kinh phí thực hiện một số chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao và chế độ chi tiêu tài chính cho các giải thi đấu thể thao theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

2. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện công tác huấn luyện, thi đấu và tổ chức các giải thi đấu thể thao theo quy định và phối hợp với Sở Tài chính lập và phân bổ dự toán, quản lý sử dụng kinh phí, bảo đảm đúng mục đích, đúng chế độ tiêu chuẩn, định mức, hiệu quả và tiết kiệm.

Điều 17. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Khen thưởng: Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện các nội dung quy định tại Quy định này, được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Xử lý vi phạm: Tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý làm trái Quy định này, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.





Nghị định 61/2002/NĐ-CP về chế độ nhuận bút Ban hành: 11/06/2002 | Cập nhật: 04/01/2013