Quyết định 2979/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án nông thôn mới xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ giai đoạn 2013 - 2015
Số hiệu: 2979/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Lê Mạnh Hà
Ngày ban hành: 07/06/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 01/07/2013 Số công báo: Số 27
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2979/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 6 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÔNG THÔN MỚI XÃ TAM THÔN HIỆP, HUYỆN CẦN GIỜ GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính về hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ;

Căn cứ Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;

Xét Tờ trình số 14/TTr-BQL, ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ về việc phê duyệt Đề án Nông thôn mới xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ giai đoạn 2013 – 2015 có ý kiến phê duyệt của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ, ý kiến đề xuất của Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố tại Thông báo số 365/TB-TCT-PTNT ngày 22 tháng 11 năm 2012; đề xuất của Liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Kế hoạch và Đầu tư - Sở Tài chính tại Tờ trình số 859/TTr-NNPTNT-KHĐT-TC ngày 17 tháng 5 năm 2013 về phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ giai đoạn 2013 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Đề án nông thôn mới xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ giai đoạn 2013 - 2015 (theo nội dung đề án đính kèm).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh thay đổi về cơ chế, chính sách đầu tư xã nông thôn mới, Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố phối hợp với Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Tam Thôn Hiệp nghiên cứu, đề xuất kịp thời điều chỉnh, bổ sung.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và các Sở, ngành liên quan, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Trưởng Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Tam Thôn Hiệp và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Mạnh Hà

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI XÃ TAM THÔN HIỆP, HUYỆN CẦN GIỜ GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2979 /QĐ-UBND  ngày 07 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Phần I

THỰC TRẠNG NÔNG THÔN XÃ TAM THÔN HIỆP, HUYỆN CẦN GIỜ

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - DÂN SỐ LAO ĐỘNG

1. Đặc điểm tự nhiên

Tam Thôn Hiệp là một trong bốn xã phía bắc huyện Cần Giờ cách trung tâm huyện khoảng 15 km tính theo đường chim bay và cách trung tâm thành phố khoảng 30 km; có tọa độ địa lý: 10022’14’’ - 10040’00’’ vĩ độ bắc; 106046’12” - 107000’50’’ kinh độ - đông. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 11.038,39 ha, chiếm 15,68% diện tích tự nhiên của huyện. Ranh giới xã được xác định như sau:

Phía Đông giáp huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai;

Phía Tây giáp xã An Thới Đông huyện Cần Giờ;

Phía Nam giáp xã Long Hòa huyện Cần Giờ;

Phía Bắc giáp xã Bình Khánh huyện Cần Giờ.

Tổng diện tích tự nhiên của xã Tam Thôn Hiệp là 11.038,39ha. Trong đó: đất nông nghiệp là 8.534,75 ha, chiếm 77,32% diện tích đất của xã (trong đó: diện tích trồng cây hàng năm là 131.48 ha; diện tích cây lâu năm 261,32 ha, đất rừng phòng hộ 7.926,67 ha và 208,8 ha đất nuôi trồng thủy sản), đất phi nông nghiệp là 2.495.57 ha, chiếm 22,61% diện tích đất của xã.

2. Dân số

Toàn xã có 5.596 nhân khẩu (trong đó, nam: 2.865 người, chiếm 51,19%; nữ: 2.731 người, chiếm 48,81%); toàn xã có 1.445 hộ gia đình.

3. Lao động: Số người trong độ tuổi lao động là 3.497 người, chiếm tỷ lệ 62,5% dân số toàn xã; số người dưới và ngoài độ tuổi lao động là 2.099 người, chiếm tỷ lệ 37,5% dân số toàn xã. Lao động chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp (sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp) chiếm 63%, còn lại lao động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sinh viên, học sinh, công chức, viên chức…

II. HIỆN TRẠNG VỀ HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Quy hoạch

Hiện nay, xã Tam Thôn Hiệp chưa được phê duyệt quy hoạch sử dụng đất.

Dự kiến đến năm 2015, trên địa bàn xã Tam Thôn Hiệp sẽ quy hoạch các điểm dân cư mới và chỉnh trang khu dân cư hiện hữu trên diện tích khoảng 201,33 ha, bao gồm: Khu dân cư An Hòa, khu dân cư An Phước, khu dân cư An Lộc và khu dân cư Trần Hưng Đạo, quy hoạch đất dành cho công viên để phát triển ngành nghề du lịch.

2. Hạ tầng kinh tế - xã hội

a) Giao thông

Hiện tại trên địa bàn xã có 47 tuyến đường giao thông, với tổng chiều dài 53,604 km, trong đó:

+ Đường trục xã, liên xã: 4 km, đang được nhựa hoá;

+ Đường liên ấp: có 8 tuyến với 7,5 km, bê tông hoá và cứng hoá 4,9/7,5 km;

+ Đường ngõ xóm: có 23 tuyến với 26,102 km, đã được cứng hóa 23,522/26,102 km; (còn 2 tuyến với chiều dài 2,580 km cần sửa chữa và lát đan bê tông).

+ Đường giao thông nội đồng: 11 tuyến với 16,002 km, xe cơ giới đi lại thuận lợi 9,672/16,002 km (còn 4 tuyến với chiều dài 6,330 km đường chưa xây dựng và hư hỏng xuống cấp).

+ Đường thủy: có 1 cầu đò, với tổng chiều dài 20 m

b) Kênh rạch (Thủy lợi - phòng chống lụt bão)

Hiện nay trên địa bàn xã Tam Thôn Hiệp đã được đầu tư và đưa vào sử dụng 13 công trình thủy lợi, trong đó có 11 tuyến kênh với chiều dài 15 km, 13 tuyến đê nội đồng chiều dài trên 15 km, 9 hệ thống cống và 6 cầu giao thông nông thôn.

c) Điện

Hệ thống điện hạ thế dài 20.645 km, chủ yếu chạy dọc theo các trục đường chính, các tuyến đường trục xã, liên ấp và một số tuyến đường nội đồng phục vụ cho sản xuất và nuôi trồng thủy sản; ở các khu dân cư tập trung đều có hệ thống đèn chiếu sáng công cộng.

Xã có 98% hộ dân đang sử dụng điện quốc gia đã có đồng hồ riêng.

d) Trường học

Tổng số trường học của xã là 3 trường.

+ Trường Mẫu giáo Tam Thôn Hiệp: Gồm 1 điểm chính và 1 điểm phụ với 8 lớp, 214 trẻ và 11 giáo viên.

- Diện tích đất: 5.731 m2.

- Diện tích sân chơi, bãi tập: 150 m2.

+ Trường Tiểu học Tam Thôn Hiệp: Gồm 18 lớp, 553 học sinh, 24 giáo viên.

- Diện tích đất: 9.125 m2.

- Diện tích sân chơi, bãi tập: 3.024 m2.

+ Trường Trung học cơ sở Tam Thôn Hiệp: Gồm 12 lớp, 381 học sinh, 29 giáo viên.

- Diện tích đất: 18.129 m2.

- Diện tích sân chơi, bãi tập: 2.486 m2.

đ) Cơ sở vật chất, văn hoá

+ Trung tâm văn hóa thể thao xã: có 1 trung tâm văn hóa thể thao

+ Văn phòng ấp kết hợp với tụ điểm văn hóa:

Xã có 4 ấp, đến nay chỉ có 2/4 ấp có Văn phòng ấp kết hợp với tụ điểm sinh hoạt văn hóa, còn 2 ấp chưa có Văn phòng ấp kết hợp với tụ điểm sinh hoạt văn hóa, xã có 1 sân bóng đá là sân chơi chủ yếu cho thanh thiếu niên và Công viên Trần Hưng Đạo, 1 khu thể thao xã chưa đạt chuẩn theo quy định.

e) Chợ

Trên địa bàn xã hiện có 1 chợ, với khoảng 23 tiểu thương buôn bán cố định các mặt hàng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Đây cũng là nơi dân cư tập trung buôn bán, trao đổi hàng hóa sinh hoạt hàng ngày, số lượng buôn bán này không ổn định.

g) Bưu chính - viễn thông

Xã có 1 bưu điện văn hóa tại ấp An Lộc phục vụ nhu cầu cho người dân trên địa bàn xã và có đường truyền Internet đến các ấp, tuy nhiên hệ thống thông tin liên lạc, trang thiết bị còn hạn chế.

h) Nhà ở dân cư nông thôn

Toàn xã có tổng số nhà ở là 1.417 căn, trong đó nhà ở đạt chuẩn khoảng 1.113 căn, chiếm tỷ lệ 78,55%; nhà ở chưa đạt chuẩn là 232 căn, chiếm tỷ lệ 16,37%, nhà ở tạm bợ, dột nát còn khoản 72 căn, chiếm tỷ lệ 5,08%, hiện nay đang được các cấp chính quyền vận động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa.

3. Thực trạng kinh tế và tổ chức sản xuất

a) Kinh tế

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010 - 2015, cơ cấu kinh tế của xã là nông nghiệp (39%); công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (38%); thương mại, Dịch vụ (23%). Tuy nhiên, theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã, đến năm 2015 trong giai đoạn 2012 - 2015 ngành dịch vụ thương mại sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu kinh tế toàn xã.

- Thu nhập bình quân đầu người: 15 triệu đồng/người/năm.

- Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm): là 584/1.445 hộ, chiếm 40,41% tổng số hộ toàn xã.

b) Lao động - việc làm:

- Số lao động trong độ tuổi : là 3.497 người, chiếm 62,5% dân số toàn xã. Trong đó có 73,2% (2.560/3.497) có việc làm

- Lao động phân theo kiến thức phổ thông như sau: bậc tiểu học chiếm 62% chủ yếu ở tuổi 45 - 60; Bậc trung học cơ sở chiếm 22,37%; Bậc trung học phổ thông: chiếm 15,63 %;

- Cơ cấu lao động ngành nông nghiệp chiếm 63%, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm 37%.

c) Hình thức tổ chức sản xuất

- Số doanh nghiệp: Địa bàn xã có 03 doanh nghiệp, cơ sở chế biến, sản xuất kinh doanh trên địa bàn chủ yếu thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ.

- Kinh tế trang trại: 27 trang trại chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nuôi chim yến lấy tổ.

- Kinh tế tập thể: hiện xã đã thành lập hợp tác xã nông nghiệp nhưng hoạt động hiệu quả chưa cao.

4. Văn hóa, xã hội và môi trường

a) Văn hóa

Tam Thôn Hiệp được chia thành 4 ấp, đến năm 2010 có 4/4 ấp được công nhận và giữ vững ấp văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt tỷ lệ 100%; riêng xã được huyện ghi nhận là xã văn hóa năm thứ nhất là năm 2010; số hộ được công nhận là hộ gia đình văn hóa là 1.300 hộ, đạt tỷ lệ 89,97%. Phấn đấu năm 2013 xã được thành phố công nhận xã Văn hóa cấp thành phố.

b) Giáo dục

+ Phổ cập giáo dục trung học: xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học tỷ lệ 74,02% (Đạt chuẩn thành phố)

+ Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt 96,47% (Đạt chuẩn thành phố)

+ Tỷ lệ lao động nông thôn trong độ tuổi có qua đào tạo nghề đạt 20%

c) Y tế

Hiện xã có 1 trạm y tế với số lượng cán bộ là 8 người trong đó có 1 bác sĩ, 2 y sĩ, 2 y tá, 1 dược tá trung cấp và 2 hộ sinh phục vụ cho người dân.

Tỷ lệ người dân đăng ký tham gia bảo hiểm y tế: 2.852 người (chiếm tỷ lệ 51,1%).

d) Môi trường

- Tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh: có 95% (1.361 hộ) sử dụng nước máy, nguồn cung cấp nước chính là vận chuyển bằng xà lan từ nhà máy nước sạch Cần Giờ thông qua các vệ tinh cấp nước cho các ấp An Lộc, An Phước và Ấp An Hòa, riêng khu dân cư ấp Trần Hưng Đạo được hòa mạng trực tiếp với nhà máy nước sạch Cần Giờ.

- Tỷ lệ hộ có đủ 3 công trình (nhà tắm, hố xí, bể nước) đạt chuẩn: 95%.

- Xử lý chất thải: toàn xã có 85% số hộ có đăng ký thu gom rác, 15% còn lại tự tiêu huỷ theo hình thức chôn hoặc đốt tại nhà hoặc nhà ở những nơi không có phương tiện thu gom rác.

- Hiện nay trên địa bàn xã có tổng số 11 doanh nghiệp: Trong đó có 3 doanh nghiệp đóng tàu composit hiện nay dừng hoạt động, đều có hệ thống xử lý chất thải và cam kết bảo vệ môi trường; 1 Công ty cổ phần sản xuất nước sinh hoạt có hệ thống xử lý chất thải và cam kết bảo vệ môi trường; 2 doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý, 2 doanh nghiệp xây dựng; 1 doanh nghiệp thu mua hải sản; 2 doanh nghiệp du lịch nhà vườn (từ khi thành lập đến nay không hoạt động).

- Về nghĩa trang: xã có 1 nghĩa trang nhân dân Trần Hưng Đạo

5. Hệ thống chính trị - an ninh trật tự xã hội

a) Hệ thống chính trị của xã

Số lượng cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách của Ủy ban nhân dân xã được giao năm 2012 là 43 người: 23 cán bộ và công chức, 20 cán bộ không chuyên trách. Số lượng hiện có tính đến tháng 12 năm 2012 là 10 cán bộ,10 công chức, 20 cán bộ không chuyên trách.

Hiện nay, Đảng bộ xã có 10 chi bộ trực thuộc (4 chi bộ ấp, 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ Cơ quan, 1 chi bộ Quân sự và 1 chi bộ công an), với tổng số đảng viên của xã là 93 đảng viên (trong đó: 74 đảng viên công tác trong hệ thống chính trị xã, 4 đảng viên hưu trí và 15 đảng viên nghề nghiệp khác). Nhìn chung, chất lượng sinh hoạt của Ban chấp hành Đảng bộ xã từng bước được nâng cao, qua kết quả đánh giá tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên năm 2011 xã có 9/9 chi bộ Đảng đạt “trong sạch, vững mạnh”.

b) Tình hình trật tự xã hội an ninh trên địa bàn

Nhìn chung, trong những năm qua tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã được giữ vững và ổn định.

Xây dựng và duy trì tốt “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, ý thức cảnh giác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong nhân dân, cán bộ, công chức ngày càng nâng cao. Các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với Công an xã thực hiện Nghị quyết liên tịch có hiệu quả.

Lực lượng công an xã từng bước được củng cố, được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng khả năng yêu cầu giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã trong tình hình mới.

6. Các chương trình, dự án đã và đang triển khai trên địa bàn xã

- Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn xã Tam Thôn Hiệp, giai đoạn 2010 - 2015;

- Chương trình xây dựng xã văn hóa giai đoạn 2010 - 2012;

- Vay vốn có hỗ trợ lãi suất theo Chương trình 36; Chương trình hỗ trợ vốn vay “Cây mùa xuân”; Chương trình 156.

- Chương trình xây dựng nhà vệ sinh tự hoại; lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời cho các hộ giữ rừng phòng hộ; chương trình điện kế, thủy kế cũng được triển khai có hiệu quả.

- Các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp phục vụ chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn xã.

Phần II

NỘI DUNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI XÃ TAM THÔN HIỆP ĐẾN NĂM 2015

I. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2015

1. Mục tiêu chung

Xây dựng xã Tam Thôn Hiệp trở thành xã nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức hợp lý gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái; Xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; Môi trường sinh thái được bảo vệ; An ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị ở xã dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Xây dựng xã Tam Thôn Hiệp trở thành xã nông thôn mới theo phương pháp tiếp cận dựa vào nội lực và do cộng đồng địa phương làm chủ.

2. Mục tiêu cụ thể

Hoàn thành 19/19 tiêu chí về nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo từng giai đoạn cụ thể:

- Năm 2012: đạt 4/19 tiêu chí (1, 8, 16, 19).

- Năm 2013: phấn đấu đạt 10/19 tiêu chí (thêm 6 tiêu chí: 4, 6, 7,13, 15, 17).

- Năm 2014: phấn đấu đạt 16/19 tiêu chí (đạt thêm 6 tiêu chí 3, 5, 9, 12, 14, 18).

- Năm 2015: phấn đấu đạt 19/19 tiêu chí (đạt thêm 3 tiêu chí 2, 10, 11).

* Những chỉ tiêu cụ thể:

- Hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng kinh tế xã hội, quy hoạch khu dân cư.

- Xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn với chất lượng bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản.

- Nâng cấp và cải tạo các tuyến kênh mương nội đồng đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất của người dân.

- Kiên cố hóa trường, lớp, hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất trong hệ thống trường học, tiến tới hiện đại hóa các phương tiện dạy học.

- Chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiệu quả cao, an toàn vệ sinh dịch bệnh.

- Thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2015 tăng từ 1,5 đến 1,8 lần so với mức khởi điểm xuất phát năm 2012 (15 triệu đồng/người/năm).

- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố (duới 12 triệu đồng/người/năm): giảm xuống dưới 2%

- Duy trì và phát triển đời sống văn hóa ở nông thôn với 100% số ấp đạt tiêu chuẩn văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt > 90%.

- Tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn môi trường 95%;

- Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, hoạt động của các hội, đoàn thể thông qua việc vận động tuyên truyền hội viên, đoàn viên làm nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tỷ lệ cán bộ xã đạt chuẩn là 100%; hoạt động của Đảng bộ, chính quyền và tổ chức đoàn thể chính trị đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh và từ tiên tiến trở lên. An ninh trật tự xã hội luôn được giữ vững.

3. Thời gian thực hiện đề án: từ nay đến năm 2015.

II. NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Công tác quy hoạch

* Mục tiêu: Đạt tiêu chí số 1 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

* Nội dung thực hiện:

Xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường, quy hoạch khu dân cư nông thôn đến năm 2015.

2. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn

a) Giao thông

* Mục tiêu: Đạt tiêu chí số 2 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

* Nội dung thực hiện:

- Sửa chữa, xây dựng mới 8,910 km các tuyến đường ngõ, xóm; giao thông nội đồng đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản gồm (giao thông nội đồng 4 tuyến với tổng chiều dài 6,330 km và đường ngõ, xóm là 2 tuyến với tổng chiều dài là 2,580 km).

- Đường giao thông ngõ, xóm:

+ Nâng cấp lát đan bê tông xi măng, thoát nước đường khu dân cư các ấp An lộc và Trần Hưng Đạo: quy mô lát đan bê tông cốt thép rộng 3,5 m; nền đường 6m; dày 10cm; dài L = 0,38 km.

+ Sửa chữa, cấp phối đá dăm đường tổ 38 Trần Hưng Đạo

- Đường giao thông nội đồng:

+ Xây dựng mới đường từ cầu N5 đến đường đê ấp An Hòa

+ Xây dựng mới đường từ đường đê ấp An Hòa vào khu vực đất sản xuất

+ Sửa chữa, cấp phối đá dăm đường đê ấp An Hòa

+ Sửa chữa, cấp phối đá dăm đường đê N1 đến đường đê ấp An Hòa

- Cầu giao thông:

+ Xây dựng mới 01 cầu giao thông đê An Hòa

b) Kênh, rạch (Công trình phòng chống lụt bão)

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 3 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung:

- Nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới:

+ Nạo vét, cải tạo công trình thủy lợi kênh N1 ấp An Lộc

+ Xây dựng kè đá khan chống sạt lở khu dân cư tổ 40 ấp Trần Hưng Đạo

+ Xây dựng bờ kè chống sạt lở (kiên cố) bê tông cốt thép khu dân cư ấp An Lộc

c) Điện

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 4 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung:

- Hạ thế điện phục vụ các khu vực sản xuất gồm: Đường đê Tổ hợp tác và đường đê An Hòa.

- Cải tạo, di dời 58 cột điện nằm trên lòng đường bê tông xi măng gây cản trở giao thông Khu dân cư ấp An Hòa, An Phước, An Lộc và ấp Trần Hưng Đạo.

- Gắn đồng hồ điện riêng sử dụng từ lưới điện quốc gia cho những hộ chưa có.

d) Trường học

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 5 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung:

- Đối với Trường mần non xã Tam Thôn Hiệp: Xây mới 10 nhóm lớp; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các phòng chức năng, trang cấp thiết bị, nâng cấp sửa chữa 2 nhóm lớp lẻ.

- Đối với trường Tiểu học xã Tam Thôn Hiệp: Phá vỡ 11 phòng học cũ xuống cấp, hư hỏng nặng không sử dụng được, xây mới 12 phòng học đạt chuẩn quốc gia; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các khối hiện hữu thành các phòng chức năng đạt chuẩn; các trang thiết bị.

đ) Trạm Y tế

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 15 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung:

Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa Trạm y tế xã đạt chuẩn: Thay (tole) mái nhà trạm y tế, lát gạch men các phòng làm việc, nâng cấp sân khuôn viên, sửa chữa tường rào, xây dựng hệ thống thoát nước; xây mới phòng tiêm chủng và nhà kho chứa dụng cụ y tế.

e) Cơ sở vật chất văn hóa

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 6 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung:

Tỷ lệ ấp có Văn phòng Ban nhân dân ấp kết hợp tụ điểm sinh hoạt văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2015 là 100%.

- Đầu tư xây dựng mới và sửa chữa công trình, bao gồm:

+ Xây dựng mới Văn phòng Ban nhân dân ấp kết hợp với tụ điểm sinh hoạt văn hóa ấp An Phước

+ Xây dựng mới Văn phòng Ban nhân dân ấp kết hợp với tụ điểm sinh hoạt văn hóa ấp Trần Hưng Đạo

+ Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, trồng cây xanh công viên ấp Trần Hưng Đạo xã Tam Thôn Hiệp.

+ Cải tạo khuôn viên Trung tâm văn hóa và thể thao xã, đầu tư 2 sân bi sắt, đầu tư trang thiết bị vui chơi cho trẻ em nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

g) Chợ nông thôn

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 7 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới

* Nội dung: hình thành nơi kinh doanh các mặt hàng chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân; xây dựng và phát triển kinh doanh các mặt hàng đặc trưng của địa phương (sản phẩm nông nghiệp) đồng thời có các hoạt động văn hóa khác, có mục đích quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của xã và thu hút khách du lịch. Xây dựng mới một cửa hàng văn minh tiện ích

h) Bưu chính - viễn thông

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 8 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới

* Nội dung thực hiện: nâng cấp, cải tạo Bưu điện xã.

i) Nhà ở dân cư nông thôn

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 9 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới và theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020.

* Nội dung thực hiện:

Hỗ trợ xóa 72 căn nhà tạm, dột nát

3. Phát triển kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất

a) Phương hướng phát triển các ngành sản xuất nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 10 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới đến năm 2015.

* Nội dung:

Thu nhập bình quân đầu người/năm tăng từ 1,5 đến 1,8 so với khi xây dựng đề án.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố (dưới 12 triệu đồng/người/năm): dưới 2%

Phấn đấu đào tạo nghề cho lao động đạt trên 70% tổng số lao động trên địa bàn xã, trong đó có 40% là lao động nữ.

+ Xây dựng các mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề;

+ Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có tính bền vững đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả cao, cụ thể:

- Nuôi trồng thủy sản: Chủ yếu là nuôi tôm, một số mô hình mới như cá dứa, vọp, cua, diện tích 80 ha.

- Đầu tư xây dựng các trang trại sinh thái kết hợp du lịch (V-A-D).

- Triển khai nhân rộng mô hình nuôi chim yến lấy tổ, kết hợp chế biến giới thiệu sản phẩm cho khách du lịch.

- Duy trì tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, đóng tàu thuyền, sửa chữa cơ khí (máy móc) phục vụ nuôi trồng thủy sản và sản xuất.

- Tạo điều kiện, hỗ trợ, duy trì các cơ sở may gia công giày da, kết hạt cườm, đan lưới nhằm giải quyết lao động tại địa phương.

- Nuôi heo công nghiệp.

+ Phát triển các ngành nghề nông thôn: Thực hiện các chương trình dạy nghề cho người dân xã Tam Thôn Hiệp như nuôi trồng thủy sản, các ngành nghề nông thôn khác (mộc, cơ khí, nấu ăn, may, đan...) phù hợp với lao động lớn tuổi hiện nay tại địa phương.

* Các chính sách hỗ trợ:

- Xây dựng mô hình điểm để nhân rộng, tuyên truyền căn cứ theo Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến nông.

- Xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm: thông qua việc cung cấp thông tin về chủ trương chính sách và tình hình sản xuất các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của xã; Giá cả buôn - bán lẻ các sản phẩm chủ yếu tại địa phương, các vùng lân cận trên địa bàn. Tư vấn xuất khẩu; Hỗ trợ việc tham quan hội chợ triển lãm hàng, quảng bá thương hiệu; Thành lập trang Website để giao dịch qua mạng.

- Lồng ghép các chương trình hoạt động hỗ trợ từ các đoàn thể, hội của Thành phố.

b) Giảm nghèo và an sinh xã hội

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 11 của Bộ tiêu chí quốc gia và phù hợp với đặc điểm riêng của thành phố.

* Nội dung:

- Thực hiện Nghị quyết Đại Hội đại biểu Đảng bộ huyện Cần Giờ phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 2%.

- Thực hiện các chương trình an sinh xã hội:

+ Tiếp tục thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế; hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm cho người nghèo; khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi; chính sách cho người có công…

+ Tăng cường thực hiện chức năng giám sát phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần đảm bảo các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước thực sự hỗ trợ được người nghèo và các đối tượng chính sách.

c) Tỷ lệ lao động có việc làm

* Mục tiêu: Duy trì đạt yêu cầu tiêu chí số 12 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung:

- Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã liên kết chặt chẽ với trường dạy nghề trên địa bàn huyện, các trường lân cận và các doanh nghiệp nhằm có định hướng đào tạo công nhân kỹ thuật góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.

- Đào tạo nghề cấp chứng chỉ, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân, kỹ năng khuyến nông cho cán bộ khuyến nông cơ sở, nông dân giỏi.

- Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu... với nông dân, hộ sản xuất trong công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới, công nghệ sau thu hoạch.

- Đào tạo và nâng cao trình độ quản lý, nghiệp vụ kế toán cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của xã, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất, doanh nghiệp.

d) Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 13 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung:

- Tuyên truyền, vận động nhằm giúp người nông dân nắm bắt được chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể.

- Bồi dưỡng, đào tạo: tổ trưởng, tổ phó tổ hợp tác nhằm nâng cao về năng lực quản lý.

- Hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu như trang thiết bị phục vụ thông tin liên lạc, đào tạo, trao đổi, cập nhật thông tin (điện thoại, máy fax, máy vi tính,...).

- Hỗ trợ để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức kinh tế tổ hợp tác thông qua:

+ Hỗ trợ điều kiện sản xuất như kho chứa, nhà sơ chế - bảo quản, công nghệ, thực hiện chế biến nông sản…

+ Hỗ trợ kỹ thuật: tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, nhằm tăng năng suất chất lượng sản phẩm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

+ Hỗ trợ về thông tin thị trường và xúc tiến thương mại.

+ Tổ chức tham quan học tập mô hình liên kết sản xuất đáp ứng tốt dịch vụ cho các hộ xã viên trong và ngoài thành phố.

4. Văn hoá xã hội và môi trường

a) Giáo dục

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 14 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung:

- Tăng cường công tác huy động học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học Trung học phổ thông theo 2 hệ (phổ thông, bổ túc).

- Đầu tư nâng cấp trung tâm học tập cộng đồng xã - phối hợp với các Trung tâm dạy nghề đào tạo nguồn lao động có tay nghề.

- Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã phối hợp với các đoàn thể vận động các nguồn tài trợ để nâng cao số lượng và chất lượng các suất học bổng khuyến học giành cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn và có thành tích học tốt.

b) Y tế

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 15 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới và phù hợp với đặc điểm riêng của thành phố.

* Nội dung:

- Công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng; công tác dân số gia đình và trẻ em luôn được quan tâm chú trọng. Thực hiện tốt công tác khám, điều trị và phòng chống các dịch bệnh.

- Kết hợp Trung tâm Y tế dự phòng huyện tổ chức tiêm ngừa vaccin, uống vitamin A cho trẻ và khám phụ khoa cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đạt kế hoạch giao.

- Tổ chức truyền thông lồng ghép, tuyên truyền vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai.

c) Xây dựng đời sống văn hoá phong phú lành mạnh

* Mục tiêu: Duy trì đạt yêu cầu tiêu chí số 16 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung:

- Bổ sung các quy ước về nếp sống văn hoá. Xây dựng chuẩn gia đình văn hóa, các ấp văn hóa, tổ dân phố văn hóa theo Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin về việc ban hành Quy chế công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng Văn Hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”.

- Thí điểm xã hội hoá Trung tâm văn hóa - thể dục thể thao, tụ điểm văn hóa tại các ấp trên cơ sở chọn lọc những loại hình phù hợp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động các dịch vụ phục vụ cộng đồng, thông tin địa phương.

- Tổ chức tốt các lễ hội cách mạng, dân gian, văn hóa - lịch sử truyền thống và các ngày lễ, hội văn hóa trên địa bàn xã. Xây dựng và phát triển phong trào thể dục thể thao, phong trào văn nghệ quần chúng, đờn ca tài tử, hát với nhau ở xã, ấp.

- Xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phòng, chống tệ nạn xã hội, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở ở xã.

- Xây dựng quy ước ấp (hương ước) về nếp sống văn hoá nông thôn: (tập trung vào việc cưới, tang, chống mê tín dị đoan và tệ nạn xã hội); giữ gìn vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường; xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

d) Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 17 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung:

+ Trồng cây xanh các tuyến đường, trường học, cơ quan, y tế… vận động dân tham gia các hội thi Môi trường xanh của Sở, thành phố (Môi trường xanh, Chủ nhật xanh…).

+ Vận động người dân thực hiện chôn cất đúng theo quy định tại các nghĩa trang, không tự tiện chôn cất tại đất nhà.

+ Xây dựng, cải tạo hệ thống tiêu thoát nước thải, nơi đổ rác chung cho cộng đồng; hệ thống cấp nước sinh hoạt, vận động nhân dân và các hội viên các đoàn thể triển khai thực hiện phân loại và đăng ký bỏ rác đúng nơi quy định, chôn lấp rác tại nhà theo các biện pháp của ngành y tế và môi trường hướng dẫn...

+ Chuyển các trại chăn nuôi tập trung, cơ sở ngành nghề gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; khuyến khích xây dựng hầm biogas, mỗi ấp có 1 tổ chức thu gom, xử lý rác thải tại khu tập trung.

đ) Nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội:

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 18 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung:

- Nội dung 1: Tổ chức đào tạo cán bộ đạt chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới;

- Nội dung 2: Thực hiện các chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ trẻ đã được đào tạo, đủ tiêu chuẩn về công tác ở các xã để nhanh chóng chuẩn hoá đội ngũ cán bộ xã;

- Nội dung 3: Hoàn thiện bộ máy chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Rà soát, xác định rõ vai trò của mỗi tổ chức trong xây dựng nông thôn mới; đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của Đảng bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng. Tiếp tục đổi mới thiết chế dân chủ cơ sở, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị ở nông thôn.

e) An ninh chính trị và trật tự xã hội

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 19 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung:

- Nội dung 1: Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng và ban hành nội quy, quy ước làng xóm về trật tự, an ninh; phòng, chống các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tại cơ sở. Các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác vận động tuyên truyền hội viên, đoàn viên làm nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

- Nội dung 2: Điều chỉnh và bổ sung chức năng, nhiệm vụ và chính sách tạo điều kiện cho lực lượng an ninh xã, ấp, tổ hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn theo yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

IV. DỰ KIẾN KINH PHÍ VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ HỖ TRỢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

A. Tổng kinh phí đầu tư, hỗ trợ để thực hiện Đề án nông thôn mới xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, dự kiến: 296.552 triệu đồng, gồm:

1. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản: 228.052 triệu đồng (chiếm 76,9%).

2. Vốn sự nghiệp hỗ trợ cho các hoạt động trên địa bàn xã: 68.500 triệu đồng (chiếm 23,1%).

B. Nguồn vốn:

1. Vốn từ Ngân sách nhà nước: 237.142 triệu đồng, chiếm 79,97%; trong đó:

+ Vốn Nông thôn mới: 156.542 triệu đồng, chiếm 52,79%.

+ Vốn lồng ghép: 80.600 triệu đồng, chiếm 27,18%; chia ra:

* Vốn ngân sách tập trung: 61.900 triệu đồng (đã có chủ trương và Quyết định đầu tư của cấp thẩm quyền);

* Vốn phân cấp huyện: 1.200 triệu đồng;

* Vốn sự nghiệp: 17.500 triệu đồng (dự kiến bố trí thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp hàng năm của các ngành).

2. Vốn cộng đồng đóng góp: 41.810 triệu đồng, chiếm 14,1 %; trong đó:

+ Vốn dân: 22.340 triệu đồng;

+ Vốn doanh nghiệp: 19.470 triệu đồng;

3. Vốn vay tín dụng: 17.600 triệu đồng, chiếm 5,93%.

* Vốn đầu tư các nguồn được xác định cụ thể theo chương trình, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện đề án: từ nay đến năm 2015.

2. Qui mô và khối lượng thực hiện: theo các biểu đính kèm.

3. Phương châm và nguyên tắc đầu tư, hỗ trợ

- Phát huy nội lực của địa phương là chính, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ sự hỗ trợ của Trung ương và Thành phố, đáp ứng nhu cầu đầu tư, giúp đỡ của các doanh nghiệp.

- Phát huy dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư, khẩn trương, đồng bộ và chặt chẽ trong thủ tục hành chính và đầu tư.

a) Cơ chế huy động và quản lý các nguồn vốn

- Thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC, ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện theo Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24 tháng 02 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn.

- Thực hiện Thông tư số 72/2010/TT-BTC ngày 11 tháng 5 năm 2010 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư tại 11 xã thực hiện Đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”;

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nguồn vốn đầu tư tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 - 2020.

b) Quản lý đầu tư và xây dựng

- Thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nguồn vốn đầu tư tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 - 2020.

4. Phân công thực hiện:

a) Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Ủy ban nhân dân xã Tam Thôn Hiệp, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Tam Thôn Hiệp:

- Tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân, đảng viên, cán bộ công chức quán triệt chủ trương của Trung ương và thành phố về chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới tại xã; vận động cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia và đóng góp hỗ trợ để thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã.

- Thực hiện theo đúng nội dung của Đề án được phê duyệt, không được thay đổi nội dung của Đề án khi chưa được chấp thuận của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố.

- Phân công các phòng, ban, đơn vị chức năng của huyện, cán bộ chuyên môn của xã tham gia, hỗ trợ Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Tam Thôn Hiệp xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện đề án giai đoạn 2013 - 2015, xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm đảm bảo tiến độ và mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định hướng dẫn của pháp luật hiện hành.

b) Các Sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố:

- Phân công cán bộ công chức theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Tam Thôn Hiệp huyện Cần Giờ chuẩn bị và thực hiện, đảm bảo tiến độ thực hiện các tiêu chí của ngành trên địa bàn xã.

- Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu của Trung ương và Thành phố do Sở, ngành phụ trách trên địa bàn xã.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã Tam Thôn Hiệp và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Tam Thôn Hiệp triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Đề án được phê duyệt.

- Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn, hoàn tất thẩm định quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch hạ tầng thiết yếu (theo phân công, phân cấp) của huyện Cần Giờ và xã Tam Thôn Hiệp; tổ chức giám sát việc công bố, công khai các quy hoạch được phê duyệt.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các Sở ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Tam Thôn Hiệp cân đối, đề xuất và dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết và bố trí vốn ngân sách tập trung, vốn phân cấp hàng năm (2013 - 2015), đảm bảo tiến độ đầu tư, hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Tam Thôn Hiệp.

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước, các Sở ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Tam Thôn Hiệp, đề xuất và dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, giao kế hoạch kinh phí sự nghiệp chi thường xuyên để thực hiện các hoạt động, đảm bảo tiến độ thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã Tam Thôn Hiệp.

c) Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chương trình, dự án, các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ; định kỳ hàng tháng báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện; tham mưu, đề xuất, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để thành phố tổ chức sơ kết hàng năm, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố./.





Nghị định 02/2010/NĐ-CP về khuyến nông Ban hành: 08/01/2010 | Cập nhật: 14/01/2010