Quyết định 2599/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án nông thôn mới xã Trung An, huyện Củ Chi giai đoạn 2013 - 2015
Số hiệu: 2599/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Lê Mạnh Hà
Ngày ban hành: 21/05/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/06/2013 Số công báo: Số 24
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2599/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 5 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÔNG THÔN MỚI XÃ TRUNG AN, HUYỆN CỦ CHI GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ, về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC, ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;

Căn cứ Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;

Xét Tờ trình số 31/TTr-BQL, ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Trung An, huyện Củ Chi về việc phê duyệt Đề án Nông thôn mới xã Trung An, huyện Củ Chi giai đoạn 2013 - 2015 có ý kiến phê duyệt của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Củ Chi, ý kiến đề xuất của Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố tại Thông báo số 278/TB-TCT-PTNT ngày 26 tháng 9 năm 2012; đề xuất của Liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Kế hoạch và Đầu tư - Sở Tài chính tại Tờ trình số 675/TTr-NNPTNT-KHĐT-TC ngày 23 tháng 4 năm 2013 về phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, giai đoạn 2013 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Đề án nông thôn mới xã Trung An, huyện Củ Chi giai đoạn 2013 - 2015 (theo nội dung đề án đính kèm).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh thay đổi về cơ chế, chính sách đầu tư xã nông thôn mới, Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố phối hợp với Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Củ Chi, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Trung An nghiên cứu, đề xuất kịp thời điều chỉnh, bổ sung.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và các Sở, ngành liên quan, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Củ Chi và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, Trưởng Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Trung An và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trung An - huyện Củ Chi có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Mạnh Hà

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI XÃ TRUNG AN, HUYỆN CỦ CHI GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số
2599/QĐ-UBND ngày 21 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Phần I

THỰC TRẠNG NÔNG THÔN XÃ TRUNG AN - HUYỆN CỦ CHI

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - DÂN SỐ LAO ĐỘNG:

1. Đặc điểm tự nhiên:

Xã Trung An nằm cách thị trấn Củ Chi khoảng 13 km theo hướng Đông - Bắc.

- Đông giáp Sông Sài Gòn; xã Chánh Mỹ, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; xã Hòa Phú, huyện Củ Chi;

- Tây giáp xã Phú Hòa Đông, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi;

- Nam giáp xã Hòa Phú, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ chi;

- Bắc giáp Sông sài Gòn; xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Xã Trung An được chia ra làm 6 ấp:

- Ấp Thạnh An: 560,9 ha;

- Ấp Hội Thạnh: 126,7 ha;

- Ấp Chợ: 70,9 ha;

- Ấp An Hòa: 517,4 ha;

- Ấp An Bình: 147,8 ha;

- Ấp Bốn Phú: 575,9 ha.

Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 1.999,48 ha, gồm:

- Đất nông nghiệp: 1.548,12 ha chiếm 77% diện tích tự nhiên.

- Đất phi nông nghiệp (đất chuyên dùng, đất ở…): 447,96 ha chiếm 22,5%.

2. Dân số:

- Tổng số nhân khẩu: 17.094 nhân khẩu;

- Tổng số hộ: 5.835 hộ, phân ra các ấp như sau:

+ Ấp Thạnh An: 1.596 hộ với 4.455 nhân khẩu, diện tích đất tự nhiên bình quân 1.259 m2/nhân khẩu;

+ Ấp Hội Thạnh: 2.163 hộ với 5.155 nhân khẩu, diện tích đất tự nhiên bình quân 245 m2/nhân khẩu;

+ Ấp Chợ: 690 hộ với 2.176 nhân khẩu, diện tích đất tự nhiên bình quân 299 m2/nhân khẩu;

+ Ấp An Hòa: 619 hộ với 2.316 nhân khẩu, diện tích đất tự nhiên bình quân 223 m2/nhân khẩu;

+ Ấp An Bình: 405 hộ với 1.547 nhân khẩu, diện tích đất tự nhiên bình quân 955 m2/nhân khẩu;

+ Ấp Bốn Phú: 362 hộ với 1.445 nhân khẩu, diện tích đất tự nhiên bình quân 3.985 m2/nhân khẩu.

3. Lao động:

- Tổng số lao động trong độ tuổi: 10.598 người, chiếm tỷ lệ 62%. Số lao động chưa có việc làm là 620 người, chiếm tỷ lệ là 5,85%. Trong tổng số lao động trên địa bàn xã thì số lao động nông nghiệp là 4.240 người, chiếm tỷ lệ 40% số người trong độ tuổi lao động, độ tuổi lao động nông nghiệp hiện nay ra đồng ở độ tuổi từ 40 - 45 là phổ biến. Lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là 36,36% và lao động hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ là 23,64%.

II. ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI:

1. Quy hoạch:

1.1. Quy hoạch sử dụng đất:

- Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Củ Chi đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất tại xã Trung An đến năm 2010, đang tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết đến năm 2020 (dự kiến hoàn thành đầu năm 2014).

1.2. Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội môi trường theo chuẩn mới và quy hoạch phát triển các khu dân cư mới, chỉnh trang các khu dân cư hiện có:

+ Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội môi trường theo chuẩn mới chưa thực hiện.

+ Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới, chỉnh trang các khu dân cư hiện có: Đã thực hiện quy hoạch chỉnh trang 04 khu dân cư theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa.

2. Hạ tầng kinh tế - xã hội:

2.1. Giao thông:

Xã có 2 tuyến đường tỉnh lộ đi qua là Tỉnh lộ 8 và Tỉnh lộ 15 với chiều dài 4,830 km, rộng 9 m mặt đường trải nhựa. Đây là tuyến đường giao thông quan trọng nhất cho phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.

Hiện tại tổng chiều dài các tuyến đường giao thông của xã là: 60,11 km. Trong đó:

+ Đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa: 8,844 km/8,844 km;

+ Đường trục ấp, liên ấp: 17,178 km/19,96 km (còn 2,782 km chưa đạt);

+ Đường ngõ, xóm: 14,925 km/18,275 km (còn 3,35 km chưa đạt);

+ Đường giao thông nội đồng đi lại thuận lợi: 7,49 km/13,04 km (5,55 km chưa đạt).

2.2. Thuỷ lợi:

Trung An có hệ thống sông, rạch phong phú (khoảng 70 kênh, rạch). Xã có sông Sài Gòn bao bọc từ Đông đến Bắc là con đường thủy huyết mạch dùng để chuyên chở vật tư giao thương và du lịch sinh thái.

Hệ thống tưới, tiêu của xã hiện tại phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, nhưng do đặc điểm là sông Sài Gòn có lượng phù sa bồi đắp hàng năm lớn nên hàng năm cần nâng cấp nạo vét và kết hợp với giao thông nội đồng.

2.3. Điện:

- Số trạm biến áp 58 đều đạt yêu cầu (Các trạm biến áp chủ yếu quản lý bởi các công ty, doanh nghiệp để cung cấp điện phục vụ cho sản xuất hàng hóa).

- Số km đường dây hạ thế 46 km.

- Số km đường dây trung thế 43 km.

- Tất cả các tuyến đường chính đều có bóng điện. 100% hộ dân sử dụng điện trực tiếp từ lưới điện quốc gia.

- Mức độ đáp ứng yêu cầu về điện cho sản xuất 100%.

2.4. Trường học:

- Trường mầm non: Hiện tại xã có 2 trường mầm non, mẫu giáo gồm;

+ Trường mầm non Trung An 1 với tổng diện tích toàn trường là 3.611,6 m2, tổng diện tích xây dựng là 423,2m2, diện tích sân chơi 423,2m2.

+ Trường mầm non Trung An 2 với tổng diện tích toàn trường là 11.832,9m2, tổng diện tích xây dựng là 2.727,6m2, diện tích sân chơi 6.000m2.

- Trường tiểu học: Hiện Trường tiểu học Trung An đạt chuẩn quốc gia trên diện tích là 11.571m2 đảm bảo tốt điều kiện học tập cho khoảng 1000 học sinh là con em các ấp trên địa bàn.

- Trường Trung học cơ sở: Xã Trung An có 1 trường trung học cơ sở mới xây đạt chuẩn quốc gia, nhưng chưa đảm bảo sĩ số học sinh theo chuẩn.

2.5. Cơ sở vật chất văn hóa:

- Số nhà văn hoá xã, ấp: Hiện tại trên địa bàn xã chưa có nhà văn hóa phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, chủ yếu các điểm sinh hoạt văn hóa văn nghệ diễn ra tại trụ sở văn phòng của mỗi ấp riêng biệt hoặc tự phát tại nhà người dân. Xã Trung An có 6 ấp, đều có văn phòng ấp, góc truyền thống tương đối hoàn thiện. Diện tích đất mặt bằng của văn phòng các ấp trung bình khoảng 300 - 500m2

- Khu thể thao của xã, ấp: Xã có 1 sân vận động xã; 02 sân cỏ nhân tạo của tư nhân do người dân xây dựng và quản lý, còn lại chủ yếu là các sân bóng đá, bóng chuyền mang tính tự phát ở các bãi đất trống chưa vào quy hoạch cụ thể chi tiết. Sân vận động thể thao xã có diện tích khoảng hơn 5.000m2.

- Đài truyền thanh xã: Xã có 01 đài truyền thanh và 14 cụm loa không dây phân bố trên địa bàn 6 ấp.

2.6. Chợ nông thôn:

- Xã Trung An có 1 chợ trung tâm với năng lực thiết kế là 36 điểm kinh doanh. Số điểm kinh doanh trong chợ thực tế là 32 và hoạt động tương đối hiệu quả.

2.7. Bưu điện:

- Xã có 1 bưu điện văn hóa phục vụ cơ bản được nhu cầu của người dân với diện tích 150m2, diện tích xây dựng là 50m2.

- Ngoài ra xã có 5 điểm phục vụ bưu chính, viễn thông và đều có đường truyền internet đến ấp.

- Về hệ thống thông tin liên lạc: toàn xã có số điện thoại cố định là 1.225 cái; bình quân 3 hộ thì có 1 máy điện thoại cố định.

2.8. Nhà ở dân cư nông thôn:

- Tổng số nhà ở trên địa bàn xã là 3.172 căn, diện tích xây dựng ước khoảng 25.500 m2

- Do phát động phong trào xóa nhà tranh tre, vách nát từ năm 2005, chính vì vậy xã đã cơ bản xóa nhà tranh tre và chỉ còn 3 căn nhà xuống cấp chuẩn bị xây dựng.

3. Thực trạng kinh tế và tổ chức sản xuất:

3.1. Thu nhập:

- Thu nhập bình quân đầu người: 18,2 triệu đồng/người/năm, bằng khoảng 83,3% mức thu nhập bình quân chung của huyện Củ Chi (21,6 triệu đồng/người/năm)

3.2. Hộ nghèo:

- Số lượng hộ nghèo theo tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm: 424 hộ, chiếm tỷ lệ 7,2 % trên tổng số hộ toàn xã (5.835 hộ).

3.3. Cơ cấu lao động:

- Ngành nông nghiệp (40%); ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (36,36%); ngành thương mại và dịch vụ (23,64%).

3.4. Hình thức tổ chức sản xuất:

Trung An với diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao (77,5%).

- Về nông nghiệp: có 1 trang trại chăn nuôi heo (trên 30 nái và 30 heo thịt/trang trại; 01 trang trại nuôi cá sấu của bà Võ Thị Nga, 01 trang trại của công ty Hải Thanh, cá kiểng...).

- Về thương mại dịch vụ có 1 chợ với 50 tiểu thương và khoảng 450 hộ kinh doanh.

- Trên địa bàn xã có 57 doanh nghiệp sản xuất ở các lĩnh vực may gia công quần áo, làm giày, may giỏ, cơ khí, gốm sứ...

4. Văn hóa, xã hội và môi trường:

4.1. Giáo dục:

- Phổ cập giáo dục trung học tỷ lệ 87%.

- Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) trong năm 2012 là 85%.

- Số lao động đã qua đào tạo là 3.762 người chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số lao động. Lao động qua đào tạo của xã được đào tạo trong các công ty, xí nghiệp trong quá trình làm việc và đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên. Số lao động được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật từ sơ cấp trở lên khoảng 1.586 lao động.

- Tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: 99%

4.2. Y tế:

- Xã có 1 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia với vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Về nhân sự với 10 giường bệnh và 07 y, bác sỹ.

- Hiện tại, tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế là 55%, trẻ em được tiêm đủ các loại vacxin dưới 1 tuổi là 100%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng < 5 tuổi là 1,64%. Tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên là 4,85%.

4.3. Văn hóa:

- Ranh giới hành chính xã Trung An được phân chia thành 6 ấp, trong năm 2012 có 5 ấp đạt tiêu chuẩn ấp văn hoá, đạt tỷ lệ 83,33%; 01 ấp còn lại không đạt là do vi phạm về số lượng trường hợp sinh con thứ 3; 92% gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình Văn hóa.

4.4. Môi trường:

- Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh: 100% hộ dân tại xã đều dùng nước giếng khoan ở tầng nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Hiện tại, số hộ tham gia sử dụng nước máy là 300 hộ với 1.303 người, bình quân mỗi hộ sử dụng 1m3/ngày. Xã có 1 trạm cấp nước máy với năng lực thiết kế là 450m3/ngày.

- Tình hình xử lý chất thải: Hiện tại đã có 6/6 ấp đã có các đội thu gom rác thải với 1.538 hộ đăng ký thu gom rác, chiếm khoảng 50% số hộ. 45% số hộ còn lại được thu gom và chôn lấp tại nhà theo quy định.

- Trên địa bàn xã có 57 doanh nghiệp sản xuất ở các lĩnh vực may gia công quần áo, làm giày, may giỏ, cơ khí, gốm sứ... Các doanh nghiệp cơ bản đạt không gây ô nhiễm môi trường.

- Nghĩa trang: Hiện trạng chôn cất của người dân trong xã đa số chôn cất tại các nghĩa trang gia tộc trải rộng khắp các ấp. Trên địa bàn xã có 1 nghĩa trang với diện tích là 32.000m2 nhưng chưa được quy hoạch

5. Hệ thống chính trị và an ninh trật tự xã hội:

5.1. Hiện trạng cán bộ, công chức xã đạt chuẩn:

Số lượng cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách của Ủy ban nhân dân xã Trung An được giao năm 2012 là 47 người: trong đó 25 cán bộ và công chức; 22 cán bộ không chuyên trách. Số lượng hiện có tính đến tháng 12 năm 2012 là 10 cán bộ, 8 công chức và 21 cán bộ không chuyên trách.

5.2. Tình hình hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở:

Trong năm 2011, Đảng bộ xã được đánh giá là đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ; xã có đủ các hệ thống tổ chức đoàn thể theo quy định được đánh giá là xuất sắc; Ủy ban nhân dân xã đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến.

Ủy ban nhân dân xã: thực hiện mô hình 1 cửa liên thông về cải cách hành chính khá nề nếp. Trình độ cán bộ, công chức không ngừng được nâng cao

5.3. Tình hình trật tự xã hội - an ninh trên địa bàn:

Tình hình an ninh chính trị luôn được giữ vững. Hàng năm Đảng ủy có Nghị quyết, Ủy ban nhân dân xã có kế hoạch về công tác đảm bảo an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông đô thị. Lực lượng công an xã luôn được xây dựng và củng cố ngày càng trong sạch vững mạnh. Cùng phối hợp với nhân dân thực hiện công tác phòng ngừa tội phạm, không để xảy ra hoạt động phá hoại các mục tiêu, công trình văn hóa, an ninh - quốc phòng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; không xảy ra hoạt động tuyên truyền, chiến tranh tâm lý chống phá về chính trị.

Phần II

NỘI DUNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI XÃ TRUNG AN ĐẾN NĂM 2015

I. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2015:

1. Mục tiêu chung:

- Xây dựng xã Trung An trở thành xã nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa thể hiện các đặc trưng: có kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao; có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, có các hình thức sản xuất phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ… nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị ở thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Xây dựng xã Trung An trở thành xã nông thôn mới theo phương pháp tiếp cận dựa vào nội lực và do cộng đồng địa phương làm chủ.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

+ Năm 2012 xã đạt 10/19 tiêu chí, gồm: 3, 4, 7, 8, 12, 13, 15, 16, 18, 19.

+ Năm 2013: 12/19 tiêu chí (đạt thêm 2 tiêu chí: 1, 17);

+ Năm 2014: 17/19 tiêu chí (đạt thêm 5 tiêu chí: 2, 5, 6, 9, 14);

+ Năm 2015: 19/19 tiêu chí (đạt thêm 2 tiêu chí: 10, 11).

* Những chỉ tiêu cụ thể:

- Thu nhập bình quân đầu người năm tăng gấp 1,8 lần so với bình quân lúc xây dựng đề án. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố (dưới 12 triệu đồng/người/năm): giảm dưới 2%.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: Công nhiệp, tiểu thủ công nghiệp - Thương mại, dịch vụ - Nông nghiệp theo tỷ lệ: 75% - 13% - 12%. Cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp (tỷ lệ lao động ở độ tuổi làm việc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp) giảm bình quân 5%/năm. Đào tạo nghề cho trên 350 lao động. Giải quyết việc làm cho 600 - 700 lao động.

- Chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiệu quả cao, an toàn vệ sinh dịch bệnh. Trong đó, quy hoạch sản xuất Rau an toàn 26 ha; Hoa cây kiểng: 60 ha (gồm cả 36 ha hoa, hoa nền Hợp tác xã Hà Quang); vườn cây ăn trái 500 ha, Cá cảnh: 5 ha; Cỏ: 250 ha (1 ha cỏ phục vụ chăn nuôi khoảng 15 con bò); Bò sữa: 4.000 con; Heo: 4.000 con; Thủy đặc sản khác: 20 ha.

- Xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn với chất lượng bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản và phát triển du lịch sinh thái. Phấn đấu 100% trục nối giữa các ấp, tổ trong ấp, liên tổ được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa và được nhựa hóa các tuyến đường trục chính phục vụ đi lại vào các khu du lịch sinh thái.

- Kiên cố hóa trường, lớp, hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất trong hệ thống các trường học, tiến tới hiện đại hóa các phương tiện dạy học.

- Xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn với 6/6 ấp đạt tiêu chuẩn ấp văn hóa; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 98%; tỷ lệ người tham gia hoạt động thể dục, thể thao thường xuyên đạt 50%tham gia các hoạt động văn nghệ đạt 20%; tỷ lệ đám cưới, đám tang thực hiện nếp sống văn hóa đạt 85%.

- Tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp và cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn môi trường 100%; Quy hoạch, xây dựng quy chế quản lý nghĩa trang đạt chuẩn 100%.

- Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, hoạt động của các hội, đoàn thể thông qua việc vận động tuyên truyền hội viên, đoàn viên làm nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

- Tỷ lệ cán bộ xã đạt chuẩn là 100%; hoạt động của Đảng bộ đạt tiêu tiến trở lên. An ninh trật tự xã hội luôn được giữ vững.

II. NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ CỤ THỂ:

1. Công tác quy hoạch:

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí 1 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

b) Nội dung thực hiện: Hoàn thành Quy hoạch theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTNMT của liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

2. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội:

2.1. Giao thông:

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí 2 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới; Tập trung phát triển đồng bộ và bền vững mạng lưới giao thông của xã.

b) Nội dung thực hiện:

- Xây dựng mới, cải tạo nâng cấp lên bê tông, nhựa tưới, sỏi đỏ: 11,682 km bao gồm các loại đường:

+ Mở rộng, nâng cấp đường trục ấp, liên ấp từ nền đất và cấp phối sỏi đỏ lên nhựa tưới: 2.782 km.

+ Mở rộng, nâng cấp đường ngõ xóm lên cấp phối sỏi đỏ hoặc láng nhựa: 3,350 km.

+ Mở rộng, nâng cấp các tuyến đường nội đồng lên cấp phối sỏi đỏ: 5,55 km.

2.2. Thủy lợi:

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 3 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

b) Nội dung thực hiện: Nạo vét, nâng cấp bờ bao kết hợp giao thông nông thôn ước tính 6.870 m.

2.3. Điện:

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 4 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

b) Nội dung thực hiện: Vận động, tuyên truyền và có chính sách hỗ trợ người dân sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm (đèn huỳnh quang thay thế đèn dây tóc).

2.4. Trường học:

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 5 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới

b) Nội dung thực hiện: Cải tạo nâng cấp

+ Xây thêm phòng âm nhạc cho Trường mầm non Trung An 2.

+ Xây thêm 10 phòng học cho Trường trung học cơ sở Trung An.

2.5. Cơ sở vật chất văn hóa:

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 6 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

b) Nội dung: Hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hoá thể thao trên địa bàn xã.

- Xây mới, nâng cấp ban dân ấp kết hợp tụ điểm sinh hoạt văn hóa: 06 trụ sở Ban ấp;

- Chỉnh trang đài liệt sỹ.

- Nâng cấp hệ thống đài tuyền thanh

2.6. Chợ:

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 7 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, gồm:

- Hình thành nơi kinh doanh các mặt hàng chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân; xây dựng và phát triển kinh doanh các mặt hàng đặc trưng của địa phương (sản phẩm nông nghiệp) đồng thời có các hoạt động văn hóa khác, có mục đích quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của xã và thu hút khách du lịch.

b) Nội dung thực hiện: Nâng cấp 01 chợ Trung An

2.7. Bưu điện:

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 8 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới

b) Nội dung thực hiện: Nâng cấp bưu điện văn hóa xã, duy tu và nâng cấp hệ thống Internet tốc độ cao, bổ sung thêm dung lượng.

2.8. Nhà ở dân cư:

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 09 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới. Phấn đấu đạt tỷ lệ 100% không còn nhà tạm, dột nát.

b) Nội dung thực hiện: Tiếp tục cải tạo, xây dựng mới, nâng cấp nhà ở của người dân đạt chuẩn 600 căn nhà, chiếm khoảng 20% số nhà ở của dân cư.

Gắn nhà ở trong mối quan hệ với xây dựng môi trường nông thôn, việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở cần tạo diện mạo, mỹ quan, văn minh, sạch đẹp cho nông thôn. Do đó xây dựng nhà ở không chỉ bền chắc mà cần phải đẹp, có tính mỹ thuật trong quá trình thiết kế, thi công công trình.

3. Phát triển kinh tế và các hình thức tổ chức:

3.1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập (thành tựu sản xuất):

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 10 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới,

b) Nội dung thực hiện:

3.1.1. Chuyển đổi diện tích cây con kém hiệu quả (lúa 339,23 ha, mía 105 ha), diện tích đất bỏ hoang sang xây dựng các mô hình nông nghiệp đô thị đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh, môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao:

a) Cây kiểng, hoa nền...

- Quy mô dự kiến: 60 ha;

- Các chủng loại thường gặp ở mô hình này là: Mai vàng (mai ghép nhiều màu, mai tai giảo...), Bon sai (gồm một số loại như cùm rụm, tắc, khế, mai, cần thăng)...; Kiểng lớn như mai chiếu thủy, kiểng lá...; Hoa cao cấp như lan cắt cành Mokara, Dendrobium, hoa hồng; các loại cá cảnh có giá trị cao.

b) Mô hình trồng các loại rau ăn lá, quả an toàn:

- Quy mô dự kiến: 26 ha.

- Mỗi mô hình đầu tư khoảng 10,0 - 15,0 triệu đồng cho việc lên líp, cải tạo đồng ruộng. Mô hình cần liên kết nhiều hộ trồng rau trên một địa bàn lại với nhau nhằm góp sức giải quyết đầu vào, đầu ra cho sản phẩm.

c) Ứng dụng mô hình công nghệ cao trong chăn nuôi trên địa bàn xã (trồng cỏ cao sản VA06 kết hợp chăn nuôi bò sữa, bò thịt; xử lý chất thải thông qua làm biogas hay nuôi trùn quế; cải tạo chuồng trại theo hướng công nghiệp - khép kín, kết hợp tham quan, bán sản phẩm phục vụ du lịch):

- Quy mô dự kiến: 250 ha.

- Đưa đàn bò sữa tăng lên 4.000 con, với năng suất 5.000 kg sữa/chu kỳ tương ứng với diện tích đất trồng cỏ là 250 ha; mô hình có giá trị kinh tế cao như heo rừng, nhím, cá chình, cá cảnh...

3.1.2. Khai thác tốt lợi thế của xã về tiềm năng du lịch sinh thái vườn để phát triển kinh tế trên địa bàn xã:

- Cải tạo các vườn cây ăn trái, hoa cây kiểng... Nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phát triển các vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái nhà vườn trên diện tích 500 ha.

- Tổ chức các điểm nghỉ chân để phối hợp, liên kết với các tuyến du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn: tham quan các vườn trái cây, các khu du lịch sinh thái như vườn trái cây ấp Bốn Phú, An Hòa chú trọng phát triển loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái.

3.1.3. Xây dựng các mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn: như mô hình thanh niên lập nghiệp, các nghề dịch vụ chụp ảnh, sửa vi tính, sửa chữa xe gắn máy…

3.2. Hỗ trợ các hộ dân thuộc diện nghèo của xã phát triển sản xuất nâng cao thu nhập thoát khỏi diện nghèo theo chuẩn mới (hộ nghèo):

- Hỗ trợ các hộ thuộc diện nghèo của xã thông qua việc hỗ trợ trang thiết bị phục vụ sản xuất.

- Thông qua việc vay vốn có hỗ trợ lãi suất để các hộ thuộc diện xóa đói giảm nghèo có vốn đầu tư phát triển sản xuất nông cao thu nhập.

- Thông qua việc hỗ trợ đào tạo nghề từ đó làm cơ sở để có được việc làm có thu nhập cao.

- Tăng cường thực hiện chức năng giám sát phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần đảm bảo các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước thực sự hỗ trợ được người nghèo và các đối tượng chính sách.

- Hỗ trợ đào tạo nghề cho 150 lao động;

3.3. Tỷ lệ lao động có việc làm:

a) Mục tiêu:

- Từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 70%, trong đó có 40% là lao động nữ.

- Thực hiện lồng ghép các chương trình dạy nghề cho nông dân biết về quản lý kinh tế, vững về kỹ thuật, khả năng tiếp thị; cán bộ xã giỏi về phát triển nông thôn, là nòng cốt góp phần quan trọng trí thức hóa nông thôn.

- Các chỉ tiêu cụ thể:

+ Đào tạo nghề cho 350 lao động;

+ Vận động tự đi học, doanh nghiệp đào tạo,...: 4.500 lao động.

+ Giải quyết việc làm cho 600 - 700 lao động.

b) Nội dung thực hiện:

- Ban quản lý liên kết chặt chẽ với trường dạy nghề trên địa bàn huyện và với các doanh nghiệp nhằm có định hướng đào tạo công nhân kỹ thuật để giải quyết lao động.

- Đào tạo nghề cấp chứng chỉ, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân, kỹ năng khuyến nông cho cán bộ khuyến nông cơ sở, nông dân giỏi.

- Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, Trường đại học, Viện nghiên cứu... với nông dân, hộ sản xuất trong công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới, công nghệ sau thu hoạch.

- Đào tạo và nâng cao trình độ quản lý, nghiệp vụ kế toán cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của xã, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất, doanh nghiệp.

3.4. Các hình thức tổ chức cần phát triển:

a) Mục tiêu:

- Duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của 5 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nghề nông thôn tại xã; nâng cao đóng góp của kinh tế tập thể vào tăng trưởng kinh tế tại xã, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, tạo thêm việc làm mới và bảo vệ môi trường .

- Chỉ tiêu phấn đấu:

+ Duy trì và củng cố 4 tổ hợp tác , và 1 hợp tác xã.

+ Kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư trong cụm công nghiệp xã.

b) Nội dung thực hiện:

- Tuyên truyền, vận động nhằm giúp người nông dân nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể.

- Bồi dưỡng, đào tạo: các chức danh tổ trưởng tổ hợp tác, chủ nhiệm, ban quản trị phải được nâng cao về năng lực quản lý.

- Hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu như trang thiết bị phục vụ thông tin liên lạc, đào tạo trao đổi, cập nhật thông tin (điện thoại, máy fax, máy vi tính, máy in).

- Hỗ trợ để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã.

4. Văn hóa, xã hội và môi trường:

4.1. Giáo dục:

a) Mục tiêu:

- Phổ cập giáo dục trung học: 90%; Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề…): 95%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo 70%, trong đó nữ tối thiểu là 40%.

b) Nội dung thực hiện:

- Ban quản lý xây dựng nông thôn xã phối hợp với các đoàn thể nắm bắt các trường hợp trẻ em bỏ học và kịp thời có sự hỗ trợ, động viên các em đến trường. Đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường được học tập, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học.

- Phân nguồn lao động trên địa bàn xã thành 3 nhóm và đưa ra những hình thức đào tạo cụ thể cho từng nhóm lao động: nhóm chuyển dịch lao động ra khỏi sản xuất nông nghiệp; nhóm lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và nhóm là chủ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã.

4.2. Y tế:

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 15 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

b) Nội dung: Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực về y tế, đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Vận động nâng tỷ lệ của người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt 75%.

4.3. Xây dựng đời sống văn hóa phong phú lành mạnh:

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 16 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

b) Nội dung:

* Nội dung 1: Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Xã có từ 70% số ấp trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hoá

* Nội dung 2: Thực hiện thông tin và truyền thông nông thôn, đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Đến năm 2015, 100% ấp đạt tiêu chuẩn.

4.4. Bảo vệ và phát triển môi trường nông thôn:

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 17 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới; đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt sạch và hợp vệ sinh cho dân cư, trường học, trạm y tế, công sở và các khu dịch vụ công cộng; thực hiện các yêu cầu về bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái trên địa bàn xã.

b) Nội dung:

- Các chỉ tiêu phấn đấu:

+ Tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh: 100%;

+ Tỷ lệ hộ đăng ký thu gom rác: 85%;

+ Tỷ lệ hộ có cơ sở chăn nuôi hợp vệ sinh: 100%;

+ Tỷ lệ hộ chăn nuôi gia súc xây dựng hầm biogas: 100%;

+ Tỷ lệ hộ có đủ 3 công trình (nhà tắm, hố xí, bể nước) đạt chuẩn: 90%;

+ Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%;

+ Chỉnh trang 1 nghĩa trang xã tại ấp An Bình (vốn nông thôn mới 10.000,0 triệu đồng). Gồm: san lấp mặt bằng, xây dựng tường bao, các công trình phụ trợ.

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về vệ sinh môi trường và phòng chống ô nhiễm môi trường sản xuất (nông nghiệp và ngành nghề nông thôn).

- Ủy ban nhân dân xã khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển sản xuất theo hướng sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; phạt hành chính hay đề xuất huyện ra quyết định đóng cửa cơ sở hay tổ chức sản xuất - kinh doanh vi phạm về môi trường.

- Xây dựng mô hình mẫu về tổ, ấp có hệ thống xử lý nước thải của hộ đạt tiêu chuẩn môi trường. Tại những ấp có mật độ dân cư đông, nhiều công nhân, giao cho các đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên phân loại rác thải trong sinh hoạt và hình thành tổ hợp tác thu gom rác dân lập để vận chuyển rác thải tới khu xử lý rác của huyện Củ Chi.

- Thực hiện tiêu chí “3 xanh”: đường xanh - vườn xanh và nhà xanh, giao các hội đoàn thể tiếp tục triển khai “Hội thi môi trường Xanh - Sạch - Đẹp” kết hợp trồng cây xanh trên các trục đường đã được quy hoạch trên qui mô xã, trồng cây xanh nơi công sở và doanh nghiệp, đăng ký chỉ tiêu thi đua cho từng ấp.

- Xây dựng 110 hầm biogas cho các hộ chăn nuôi, 30 hố xí hợp vệ sinh đảm bảo vệ sinh môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi.

5. Hệ thống chính trị và an ninh trật tự xã hội:

5.1. Củng cố, nâng cao chất lượng và vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở:

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 18 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

b) Nội dung:

- Nội dung 1: Phấn đấu, duy trì Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn “Trong sạch, vững mạnh”. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên theo quy định của từng tổ chức.

- Nội dung 2: Xây dựng, ban hành các quy định thu hút cán bộ trẻ đã được đào tạo, đủ tiêu chuẩn về công tác ở các xã để nhanh chóng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ xã.

5.2. An ninh chính trị và trật tự xã hội:

a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 19 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

b) Nội dung:

* Nội dung 1: Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng và ban hành nội quy, quy ước làng xóm về trật tự, an ninh; phòng, chống các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu;

* Nội dung 2:

- Nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở; vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo.

- Quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giải quyết kịp thời, dứt điểm đúng quy định của pháp luật, không để tình trạng khiếu kiện phức tạp đông người xảy ra.

III. DỰ KIẾN KINH PHÍ VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ HỖ TRỢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN:

1. Tổng kinh phí đầu tư, hỗ trợ để thực hiện Đề án nông thôn mới xã Trung An, huyện Củ Chi, dự kiến: 295.503 triệu đồng, gồm:

1.1. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản: 121.348 triệu đồng (chiếm 41%).

1.2. Vốn sự nghiệp hỗ trợ cho các hoạt động trên địa bàn xã: 174.155 triệu đồng (chiếm 59%).

2. Nguồn vốn:

2.1. Vốn từ Ngân sách nhà nước: 108.340 triệu đồng, chiếm 37%; trong đó:

+ Vốn Nông thôn mới: 83.535 triệu đồng, chiếm 28%.

+ Vốn lồng ghép: 24.805 triệu đồng, chiếm 9%; chia ra:

* Vốn ngân sách tập trung: 0 triệu đồng

* Vốn phân cấp huyện: 0 triệu đồng;

* Vốn sự nghiệp: 24.805 triệu đồng (dự kiến bố trí thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp hàng năm của các ngành).

2.2. Vốn cộng đồng đóng góp: 146.663 triệu đồng, chiếm 50%; trong đó:

+ Vốn dân: 84.643 triệu đồng;

+ Vốn doanh nghiệp: 62.020 triệu đồng;

2.3. Vốn vay tín dụng: 40.500 triệu đồng, chiếm 13%.

2.4. Vốn đầu tư các nguồn được xác định cụ thể theo chương trình, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện đề án: từ nay đến năm 2015.

2. Qui mô và khối lượng thực hiện: theo các biểu đính kèm.

3. Phương châm và nguyên tắc đầu tư, hỗ trợ:

- Phát huy nội lực của địa phương là chính, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ sự hỗ trợ của Trung ương và Thành phố, đáp ứng nhu cầu đầu tư, giúp đỡ của các doanh nghiệp.

- Phát huy dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư, khẩn trương, đồng bộ và chặt chẽ trong thủ tục hành chính và đầu tư.

3.1. Cơ chế huy động và quản lý các nguồn vốn:

- Thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện Thông tư số 72/2010/TT-BTC ngày 11 tháng 5 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định về quản lý sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư tại 11 xã thực hiện Đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”;

- Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện theo Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24 tháng 02 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn.

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 04 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nguồn vốn đầu tư tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013 - 2020.

3.2. Quản lý đầu tư và xây dựng:

- Thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC, ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nguồn vốn đầu tư tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013 - 2020.

4. Phân công thực hiện:

4.1. Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, Ủy ban nhân dân xã Trung An, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Củ Chi và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Trung An:

- Tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân, Đảng viên, cán bộ, công chức quán triệt chủ trương của Trung ương và Thành phố về chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới tại xã; vận động cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia và đóng góp hỗ trợ để thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã.

- Thực hiện theo đúng nội dung của Đề án được phê duyệt, không được thay đổi nội dung của Đề án khi chưa được chấp thuận của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố.

- Phân công các phòng, ban, đơn vị chức năng của huyện, cán bộ chuyên môn của xã tham gia, hỗ trợ Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Trung An xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện đề án giai đoạn 2012 - 2015, xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm đảm bảo tiến độ và mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định hướng dẫn của pháp luật hiện hành.

4.2. Các Sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố:

- Phân công cán bộ, công chức theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ Ban quản lý xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Trung An, huyện Củ Chi chuẩn bị và thực hiện, đảm bảo tiến độ thực hiện các tiêu chí của ngành trên địa bàn xã.

- Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu của Trung ương và Thành phố do Sở, ngành phụ trách trên địa bàn xã.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã Trung An và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Trung An triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Đề án được phê duyệt.

- Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn, hoàn tất thẩm định quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch hạ tầng thiết yếu (theo phân công, phân cấp) của huyện Củ Chi và xã Trung An; tổ chức giám sát việc công bố, công khai các quy hoạch được phê duyệt.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Trung An cân đối, đề xuất và dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết và bố trí vốn ngân sách tập trung, vốn phân cấp hàng năm (2012 - 2015), đảm bảo tiến độ đầu tư, hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Trung An.

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước, các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Trung An, đề xuất và dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, giao kế hoạch kinh phí sự nghiệp chi thường xuyên để thực hiện các hoạt động, đảm bảo tiến độ thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã Trung An.

4.3. Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chương trình, dự án, các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã Trung An, huyện Củ Chi; định kỳ hàng tháng báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện; tham mưu, đề xuất, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để thành phố tổ chức sơ kết hàng năm, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố./.