Quyết định 2506/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án nông thôn mới xã Đa Phước, huyện Bình Chánh giai đoạn 2013 - 2015
Số hiệu: 2506/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Lê Mạnh Hà
Ngày ban hành: 15/05/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 01/06/2013 Số công báo: Số 21
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2506/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 5 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÔNG THÔN MỚI XÃ ĐA PHƯỚC, HUYỆN BÌNH CHÁNH GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC, ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;

Căn cứ Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;

Xét Tờ trình số 196/TTr-ĐA.BQL, ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Đa Phước, huyện Bình Chánh về việc phê duyệt Đề án Nông thôn mới xã Đa Phước, huyện Bình Chánh giai đoạn 2012 - 2015 có ý kiến phê duyệt của Ban Chỉ đạo Chương trình Xây dựng nông thôn mới huyện Bình Chánh, ý kiến đề xuất của Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố tại Thông báo số 244/TB-TCT-PTNT ngày 06 tháng 9 năm 2012; đề xuất của Liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Kế hoạch và Đầu tư - Sở Tài chính tại Tờ trình số 635/TTr-NNPTNT-KHĐT-TC ngày 17 tháng 4 năm 2013 về phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, giai đoạn 2012 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Đề án nông thôn mới xã Đa Phước, huyện Bình Chánh giai đoạn 2013 - 2015 (theo nội dung đề án đính kèm).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh thay đổi về cơ chế, chính sách đầu tư xã nông thôn mới, Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố phối hợp với Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Bình Chánh, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Đa Phước nghiên cứu, đề xuất kịp thời điều chỉnh, bổ sung.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và các Sở, ngành liên quan; Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Bình Chánh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, Trưởng Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Đa Phước và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đa Phước - huyện Bình Chánh có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Mạnh Hà

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI XÃ ĐA PHƯỚC, HUYỆN BÌNH CHÁNH GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2506/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Phần I

THỰC TRẠNG NÔNG THÔN XÃ ĐA PHƯỚC, HUYỆN BÌNH CHÁNH

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - DÂN SỐ LAO ĐỘNG:

1. Điều kiện tự nhiên

Xã Đa Phước huyện Bình Chánh nằm về phía Đông Nam của ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 28 km.

- Phía Bắc giáp xã Phong Phú, huyện Bình Chánh

- Phía Đông giáp xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An

- Phía Tây giáp xã Hưng Long, huyện Bình Chánh

- Phía Nam giáp xã Qui Đức, huyện Bình Chánh và tỉnh Long An

- Xã Đa Phước được chia ra làm 5 ấp, bao gồm: ấp 1, ấp 2, ấp 3, ấp 4, ấp 5.

Tổng diện tích đất tự nhiên của xã Đa Phước là 1609,17 ha. Trong đó gồm: đất nông nghiệp 1102,52 ha, chiếm 68,5% diện tích của xã (Diện tích đất sản xuất nông nghiệp 1040,7 ha, chiếm 94,4% tổng diện tích đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản 57,94 ha, chiếm tỷ lệ 5,2%); đất phi nông nghiệp 504,96 ha chiếm 31,38% diện tích đất của xã, đất chưa sử dụng là 1,69 ha chiếm 0,12%.

2. Dân số:

Dân số toàn xã là 16.388 nhân khẩu, 3.861 hộ gia đình, mật độ dân số bình quân 965 người/km2.

3. Lao động:

Nguồn nhân lực trẻ dồi dào, lao động trong độ tuổi 11.318 người gồm: lao động nông nghiệp 2.171 người (19,2%), lao động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: 7.578 người (67%), lao động thương mại - dịch vụ: 689 người (6,1%), lao động thất nghiệp và đang học: 880 người (7,8%).

II. ĐIỂU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Công tác quy hoạch (Tiêu chí 01)

- Đã thực hiện quy hoạch sử dụng đất 2006 - 2010, tỷ lệ 1/2000.

- Lập quy hoạch sử dụng đất để phân vùng sản xuất nông nghiệp và xây dựng nhà ở trên địa bàn xã do quy hoạch xây dựng 1/2000 chưa phủ kín.

- Khu dân cư xã Đa Phước, nhiệm vụ quy hoạch 1/2000;

* Đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia: Chưa đạt.

2. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội

2.1. Giao thông (Tiêu chí 2)

- Có tuyến đường Quốc Lộ 50 đi qua xã Đa Phước với chiều dài 3,6km. Đây là tuyến đường giao thông quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho xã phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội

- Đường liên xã nhựa hóa đạt chuẩn: 3,6 km (đạt 100%);

- Đường trục ấp, liên ấp cứng hóa đạt chuẩn: 17,053km/27,871km (đạt 62%);

- Đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa: 11,548km/17,559 km (đạt 65,7%);

* Đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia: Chưa đạt.

2.2. Thủy lợi (Tiêu chí 3)

- Hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã tương đối chằng chịt, phân bố đều trên các ấp, chủ yếu tập trung nhiều ở ấp 2, 3. Đây là điều kiện thuận lợi cho giao thông đường thủy, tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản. Theo thống kê:

- Không có trạm bơm do xã quản lý;

- Có 27 con sông, kênh và rạch với tổng chiều dài khoảng 48,719 km, tỷ lệ hệ thống thủy lợi đảm bảo nhu cầu sản xuất là 19,49km/48,719km (40%).

- Có 36 cống thủy lợi đang xuống cấp.

* Đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia: Chưa đạt.

2.3. Điện (Tiêu chí 4)

- Xã có 79 trạm biến áp, tổng dung lượng 20.848 KVA, có 76 trạm đạt chuẩn, cần nâng cấp 3 trạm;

- Tồng số đường dây hạ thế: 43,2km đạt chuẩn 100%; tổng chiều dài đường dây trung thế: 27,6 km, trong đó 25,9km đạt chuẩn (đạt 94%), cần nâng cấp 1,648km đường dây.

- Tỷ lệ hộ dùng điện an toàn từ lưới điện quốc gia đạt 100%;

- Mức độ đáp ứng yêu cầu về điện cho sản xuất 100%.

* Đánh giá theo tiêu chí số 4 về điện: Đạt.

2.4. Trường học (Tiêu chí 5)

- Trường Mầm non: Đạt chuẩn.

+ Có 01 trường (01 điểm chính và 01 điểm phụ), với 21 giáo viên, tổng số 11 lớp học và 397 cháu.

+ Phòng học đạt chuẩn: 11 phòng;

+ Phòng chức năng đạt chuẩn: 6 phòng;

+ Diện tích sân chơi: 1.150m2

- Trường Tiểu học: Đạt chuẩn.

+ Có 01 trường tiểu học; 36 giáo viên với 30 lớp, 1068 học sinh.

+ Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học năm học 2011 đạt 100%.

+ Phòng học đạt chuẩn: 30 phòng;

+ Phòng chức năng đạt chuẩn: 5 phòng;

+ Diện tích sân chơi 5.354m2, diện tích bãi tập 506m2

- Trường Trung học cơ sở: Chưa đạt chuẩn.

+ Có 01 trường với 16 lớp, 33 giáo viên và 671 học sinh.

+ Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp năm học 2011 đạt 99,33%.

+ Số phòng học chưa đạt chuẩn: 16 phòng;

+ Số phòng chức năng còn thiếu: 6 phòng;

+ Diện tích sân chơi bãi tập: 1.900m2.

- Trường Phổ thông trung học: Đạt chuẩn.

+ Có 01 trường với 32 lớp, 58 giáo viên và 1.068 học sinh.

+ Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp năm học 2011 đạt 94,76 %.

+ Phòng học đạt chuẩn: 32 phòng;

+ Phòng chức năng đạt chuẩn: 18 phòng;

+ Diện tích sân chơi, bãi tập: đạt chuẩn.

* Đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia: Đạt

2.5. Cơ sở vật chất, văn hóa (Tiêu chí 6)

Xã chưa có nhà văn hóa xã. Hiện xã có 5 văn phòng ấp, trong đó 04 văn phòng ấp trong tình trạng xuống cấp. Cần nâng cấp: 02 văn phòng ấp (ấp 2, 3). Xây mới 02 văn phòng ấp (ấp 1, 5).

Xã chưa có khu thể thao, có sân bóng đá Đa Phước phục vụ nhu cầu sinh hoạt thể thao rèn luyện sức khỏe cho người dân toàn xã.

* Đánh giá theo tiêu chí số 6 về văn hóa: Chưa đạt.

2.6. Chợ (Tiêu chí 7)

- Trên địa bàn xã chưa có chợ, toàn xã hiện có 03 điểm họp chợ vào buổi sáng nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm sinh hoạt hàng ngày của người dân, các điểm được bố trí tại 2 ấp (ấp 1, 4). Hiện chưa tìm được quỹ đất để kêu gọi đầu tư xây dựng chợ.

* Đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia: Chưa đạt.

2.7. Bưu điện (Tiêu chí 8)

- Xã có một bưu điện văn hóa xã tại ấp 5, tuy nhiên điều kiện trang thiết bị còn rất hạn chế, hoạt động không thường xuyên và đang trong tình trạng xuống cấp. Vì vậy, cần nâng cấp, sửa chữa và đầu tư trang thiết bị cho bưu điện văn hóa xã.

- Về hệ thống thông tin liên lạc: Toàn xã có 3.861 hộ sử dụng điện thoại cố định (chiếm 100%), bình quân 01 hộ/máy. Tổng số máy vi tính là 851 máy, số vi tính kết nối internet là 385 máy. Số người biết sử dụng internet là 1.945 người.

- Toàn xã có 06 điểm truy cập Internet đang hoạt động ở 04 ấp (1, 2, 4, 5) - (ấp 1 có 2 điểm, ấp 2 có 2 điểm, ấp 4 có 1 điểm, ấp 5 có 1 điểm), ấp 3 chưa có.

* Đánh giá theo tiêu chí số 8 về bưu điện: Chưa đạt.

2.8. Nhà ở dân cư nông thôn (Tiêu chí 9)

- Tổng số nhà ở trên địa bàn xã là 3.292 căn, diện tích xây dựng ước tính khoảng trên 181.060 m2, trong đó: có 71,4% nhà đạt chuẩn, nhà chưa đạt chuẩn chiếm 28,6%.

- Phần lớn dân cư sinh sống ở đây từ nhiều đời, nhà ở xây dựng theo kiểu tự phát, không theo quy hoạch, do đó ảnh hưởng xấu đến mỹ quan.

* Đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia: Chưa đạt.

3. Thực trạng kinh tế và tổ chức sản xuất

3.1. Kinh tế (Tiêu chí 10, 11)

- Theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ thì cơ cấu kinh tế của xã là Nông nghiệp - Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp - Thương mại dịch vụ.

- Thu nhập bình quân đầu người: 16 triệu/người/năm.

- Tỷ lệ hộ nghèo: 19,34% (747/3.861 hộ)

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm: 9%.

a) Nông nghiệp: Nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, trong đó: trồng trọt và chăn nuôi là chủ yếu: tổng diện tích canh tác là 799 ha, diện tích cây lúa 520 ha, với năng suất bình quân đạt 3,6 tấn/ha; 81 ha rau sạch, với lợi nhuận bình quân 24 triệu/ha/vụ; 09 ha mía, với lợi nhuận bình quân đạt 70 triệu/ha/vụ. Về chăn nuôi: đàn heo có 1.000 con, đàn bò: 20 con, đàn cá sấu: 249 con. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản 39 ha, chủ yếu nuôi cá lóc, cá da trơn và tôm sú. Các mặt hàng nông sản làm ra như rau, lúa thóc, bò thịt, cá sấu, cá lóc, cá da trơn, tôm, heo, mía chủ yếu được tiêu thụ trong nội thành thành phố, chưa có hướng phát triển sang thị trường nước ngoài.

b) Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Do tốc độ đô thị hóa nhanh nên hiện nay xã đã có tổng số 51 doanh nghiệp, 25 cơ sở sản xuất chế biến, giải quyết việc làm cho hơn 8.076 lao động.

c) Thương mại - Dịch vụ: Hiện nay xã có tổng số 250 hộ kinh doanh các loại hình buôn bán nhỏ, dịch vụ internet, cầm đồ...

* Đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia: Chưa đạt..

3.2. Lao động (Tiêu chí 12)

- Tổng số lao động trong độ tuổi: 11.318 người. Trong đó: Lao động đang làm việc: 10.438 người (92,3%), đang đi học: 200 người (1,8%), nội trợ - chưa có việc làm: 680 người (6%).

- Nguồn nhân lực trẻ dồi dào, lao động trong độ tuổi 11.318 người gồm: lao động nông nghiệp 2.171 người (19,2%), lao động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: 7.578 người (67%), lao động thương mại - dịch vụ: 689 người (6,1%), lao động thất nghiệp và đang học: 880 người (7,7%).

- Cơ cấu lao động phân theo độ tuổi: Lao động trong độ tuổi: 69,06%, lao động dưới độ tuổi: 23,7%, lao động ngoài độ tuổi: 7,24%.

- Lao động phân theo kiến thức phổ thông: Tiểu học: 60%; THCS: 25%; THPT: 15%.

- Số lao động trong độ tuổi: 11.318 người, số lao động qua đào tạo 4.520 người đạt tỷ lệ 40%.

* Đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia: Đạt

3.2. Hình thức tổ chức sản xuất (Tiêu chí 13)

- Số doanh nghiệp: có 298 doanh nghiệp kinh doanh, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở chế biến, sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

- Kinh tế tập thể: chưa có tổ hợp tác, hợp tác xã. Tuy nhiên để tạo điều kiện cho các hộ có dịp giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ, UBND xã Đa Phước đã ra quyết định thành lập 02 câu lạc bộ, trong đó câu lạc bộ nuôi cá sấu với 9 thành viên (thành lập năm 2010), câu lạc bộ sinh vật cảnh với 14 thành viên (thành lập năm 2011).

* Đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia: Chưa đạt.

4. Văn hoá, xã hội và môi trường

4.1. Văn hoá - giáo dục (Tiêu chí 14, 16)

- Về văn hóa: Năm 2011 xã có 3/5 ấp được huyện công nhận đạt chuẩn ấp văn hóa, đạt tỷ lệ 60%.

- Về giáo dục:

+ Phổ cập giáo dục trung học: xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông năm 2011 (tỷ lệ 73,55%).

+ Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) trong năm 2011 là 95%.

- Số lao động trong độ tuổi: 11.318 người, số lao động qua đào tạo 4.520 người chiếm tỷ lệ 40%.

* Đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia: Chưa đạt.

4.2. Y tế (Tiêu chí 15)

- Trạm y tế xã có: 01 bác sĩ, 02 y sĩ, 03 y tá, 01 dược sĩ, 01 nữ hộ sinh, 01 kỹ thuật viên phục vụ cho 16.388 người dân.

- Điều kiện trang thiết bị y tế hiện nay: đã đạt chuẩn.

- Số lượng đăng ký BHYT: 11.479 cá nhân thường trú đăng ký bảo hiểm y tế chiếm 68,6%

* Đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia: Chưa đạt.

4.3. Môi trường (Tiêu chí 17)

- Hiện nay trên địa bàn xã có: 98,6% hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.

- Tỷ lệ hộ có đủ 03 công trình (nhà tắm, hố xí, bể nước) đạt chuẩn: 92,9%.

- Tỷ lệ hộ có cơ sở chăn nuôi hợp vệ sinh, phần lớn các hộ sản xuất theo mô hình VAC: 80%.

- Xử lý chất thải: Trên địa bàn xã có 01 tổ thu gom rác dọc đường trục chính của xã, phần còn lại tự tiêu huỷ rác bằng hình thức chôn hoặc đốt tại nhà vườn (do xe thu gom rác không vào được).

- Tỷ lệ cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%

- Nghĩa trang: Trên địa bàn xã hiện nay có 01 nghĩa trang Đa Phước tại ấp 1 đã được công nhận đạt chuẩn.

- Đa số người dân trên địa bàn xã sử dụng nguồn nước từ giếng khoan

* Đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia: Đạt.

5. Hệ thống chính trị

5.1. Hệ thống chính trị của xã (Tiêu chí 18)

- Đảng bộ cơ sở: có 12 chi bộ trực thuộc, với 114 đảng viên. Trong đó có 05 chi bộ ấp, 01 chi bộ cơ quan, 01 chi bộ quân sự, 01 chi bộ công an, 01 chi bộ thanh tra xây dựng và 03 chi bộ trường học.

- Biên chế cán bộ, công chức xã có 41 nhân sự, gồm: 11 chuyên trách, 08 công chức, 22 cán bộ không chuyên trách.

* Đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia: Đạt.

5.2. Tình hình trật tự xã hội an ninh trên địa bàn (Tiêu chí 19)

Tình hình trật tự xã hội, an ninh trên địa bàn được giữ vững và ổn định. Tổ chức kiện toàn củng cố lực lượng an ninh cơ sở vững mạnh, xây dựng lực lượng dân phòng các ấp, các nhóm hộ tự quản an ninh trật tự hoạt động có hiệu quả. Thực hiện tốt công tác quản lý nhân hộ khẩu, quản lý chặt các loại đối tượng hình sự và tệ nạn xã hội. Số trường hợp xử lý hành chính, hình sự giảm tương đối so với các năm trước.

* Đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia: Đạt

6. Các chương trình, dự án đã và đang triển khai trên địa bàn xã

- Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị Khu dân cư mới Phạm Gia tỷ lệ 1/2000; Khu tái định cư tỉ lệ 1/2000, Khu Chỉnh trang dọc quốc lộ 50 tỷ lệ 1/2000.

- Dự án nâng cấp mở rộng đường Linh Hòa ấp 4, tổng chiều dài 714 m rộng 5m, kết cấu láng nhựa, với tổng kinh phí đầu tư 3.213 triệu đồng do Công ty dịch vụ Công ích là đơn vị thực hiện.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Thuận lợi

- Điều kiện khí hậu, đất đai, hệ thống thủy lợi thích hợp cho phát triển nông nghiệp. Thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn do đặc điểm địa lý xã Đa Phước giáp với tỉnh Long An và gần trung tâm Thành phố;

- Nguồn nhân lực dồi dào, góp phần quan trọng trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn;

- Tình hình sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua có những chuyển biến tích cực, người dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất có hiệu.

- Giáo dục, y tế sức khoẻ cộng đồng đã được các cấp chính quyền quan tâm cao - xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, đạt được nhiều kết quả tốt. Tỷ lệ phổ cập giáo dục trung học tăng cao 98%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) trong năm 2010 đạt 95%.

- Tình hình an ninh chính trị luôn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

2. Khó khăn

- Về quy hoạch: Thực hiện công tác quy hoạch còn chậm.

- Về hạ tầng kinh tế - xã hội: Cơ sở hạ tầng còn thấp, hệ thống giao thông thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, cơ sở y tế thiếu nhân lực phục vụ công tác khám chữa bệnh, chợ, bưu điện, khu văn hóa thể thao chưa có, văn phòng ấp xuống cấp, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt còn hạn chế.

- Diện tích đất nông nghiệp lớn và hệ thống kênh mương thủy lợi chằng chịt đáp ứng cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, điều kiện tự nhiên thuận lợi. Tuy nhiên, người dân chưa mạnh dạn đầu tư hoặc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi...

- Lao động nông nghiệp đa phần là lao động già có kinh nghiệm nhưng khả năng tiếp cận công nghệ cao rất hạn chế, chưa đủ năng lực cho việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào phát triển, sản xuất, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp (khoảng 40%).

- Đội ngũ kỹ sư nông nghiệp, cán bộ kỹ thuật còn hạn chế, việc đưa kỹ thuật về tận các hộ dân gặp nhiều lúng túng và chưa có kế hoạch cụ thể.

- Chưa có khu sinh hoạt vui chơi giải trí cho người dân địa phương như trung tâm văn hóa thể dục thể thao, công viên,…

- Quy định pháp luật nhà nước về một số lĩnh vực chưa chặt chẽ, nên công tác quản lý, xử phạt còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, môi trường trên địa bàn.

3. Đánh giá hiện trạng mức độ đạt theo tiêu chí quốc gia

- Đã hoàn thành 06 tiêu chí quốc gia (năm 2012): Điện, Trường học, Cơ cấu lao động, Môi trường, An ninh trật tự xã hội, Hệ thống chính trị;

- Có 04 tiêu chí đạt mức trên 70%: Quy hoạch, Giáo dục, Nhà ở nông thôn, Y tế;

- Có 03 tiêu chí đạt mức 50%: Bưu điện, Giao thông; Văn Hóa;

- Có 06 tiêu chí đạt dưới mức 50%: Thủy lợi; Chợ; Cơ sở vật chất văn hóa; Hộ Nghèo; Thu nhập, Hình thức tổ chức sản xuất.

Phần II

NỘI DUNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

- Xây dựng xã Đa Phước trở thành xã nông thôn mới thời kỳ Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa thể hiện các đặc trưng: có kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao; có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, có các hình thức sản xuất phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ… nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị ở xã, ấp dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Tổng kết rút kinh nghiệm về nội dung, phương pháp, cơ chế chính sách, trách nhiệm và mối quan hệ giữa các cấp, các ngành của hệ thống chính trị… nhằm thúc đẩy nhanh, đảm bảo tính nhân rộng của mô hình.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Hoàn thành 19/19 tiêu chí theo bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới từng giai đoạn cụ thể:

+ Năm 2012: Đạt 6/19 tiêu chí: (4, 5, 12, 17, 18, 19)

+ Năm 2013: Đạt 11/19 tiêu chí (thêm 5 tiêu chí: 1, 8, 13, 15, 16)

+ Năm 2014: Đạt 13/19 tiêu chí (thêm 2 tiêu chí: 9, 14)

+ Năm 2015:Đạt 19/19 tiêu chí (thêm 6 tiêu chí còn lại: 2, 3, 6, 7, 10, 11)

Các nội dung thực hiện:

- Hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng kinh tế xã hội, khu dân cư (giúp cho người dân ổn định sản xuất, đảm bảo cho người dân có nơi đổ rác thải, nơi chôn chất đúng quy định, chỉnh trang khu dân cư, cải thiện bộ mặt nông thôn).

- Thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2015 tăng từ 1,5 - 1,8 lần so với mức khởi điểm xuất phát năm 2011.

- Cơ cấu kinh tế theo hướng: Nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ theo tỷ lệ: 47% - 46% - 7%. Cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp: duy trì tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực sản xuất đất nông nghiệp ở mức dưới 19%.

- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố (duới 12 triệu đồng/người/năm): giảm bình quân 9%/năm, đến năm 2015 giảm còn dưới 2%.

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã là trên 9,5%/năm trong giai đoạn 2012 - 2015.

- Chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiệu quả cao, an toàn vệ sinh dịch bệnh.

- Xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn với chất lượng bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản.

- Kiên cố hóa trường, lớp, hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất trong hệ thống trường học, tiến tới hiện đại hóa các phương tiện dạy học.

- Duy trì và phát triển đời sống văn hóa ở nông thôn với 4/5 ấp đạt tiêu chuẩn văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 98%.

3. Thời gian thực hiện đề án: từ năm 2012 đến năm 2015.

II. NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Công tác quy hoạch (Tiêu chí 1)

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 01 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

- Thời gian hoàn thành vào cuối quý IV năm 2012.

* Nội dung thực hiện:

- Hoàn chỉnh quy hoạch xã nông thôn mới theo Thông tư liên tịch số 13

- Hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường; phát triển các khu dân cư hiện có trên địa bàn xã.

- Hoàn chỉnh Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu nhà ở nông thôn, tỷ lệ 1/2000.

2. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn

2.1.Giao thông (Tiêu chí 2)

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 02 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung thực hiện:

- Đường trục ấp, liên ấp: cải tạo nâng cấp lên nhựa hóa 10 tuyến đường (18,271km)

- Đường ngõ xóm: Cải tạo nâng cấp 57 tuyến đường hẻm lên bêtông hóa, đạt 100% đường ngõ xóm cứng hóa.

- Nâng cấp, mở rộng cầu Bún xeo ấp 3.

2.2. Thủy lợi (Tiêu chí 3)

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 03 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung thực hiện:

- Cải tạo, nâng cấp hệ thống cống thủy lợi: 28 công trình thủy lợi

2.3. Điện (Tiêu chí 4)

* Mục tiêu: Duy trì đạt yêu cầu tiêu chí số 04 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung thực hiện:

- Cải tạo nâng cấp:

+ Đường dây trung thế 1,648 km tại ấp 3

+ Trạm biến áp 03 cái, công suất 300 KVA

- Xây dựng mới:

+ Đường dây hạ thế 1,685 km tại ấp 3

+ Hệ thống chiếu sáng các tuyến đường xuyên ấp: 560 bóng đén

2.4. Trường học (Tiêu chí 5)

* Mục tiêu: Duy trì - giữ vững tiêu chí số 05 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung thực hiện: Đang cải tạo, nâng cấp trường THCS Đa Phước theo Quyết định số 4512/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh.

2.5. Cơ sở vật chất văn hoá (Tiêu chí 6)

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 06 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung thực hiện:

- Cải tạo, sửa chữa:

+ Văn phòng ấp kết hợp tụ điểm sinh hoạt văn hóa (ấp 2, 3)

+ Trụ sở Ủy ban nhân dân, Công an, Quân sự xã

- Xây dựng mới:

+ Văn phòng ấp kết hợp tụ điểm sinh hoạt văn hóa (ấp 1, 5)

+ Xây dựng mới Nhà văn hóa - khu thể thao xã tại ấp 4 khu dân cư 12 ha (quy mô 2.000m2).

2.6. Chợ nông thôn (Tiêu chí 7)

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 07 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung thực hiện:

- Xây dựng mới 01 chợ

- Phát triển thương mại dịch vụ dọc trục Quốc lộ 50 và các tuyến đường chính, bổ sung hàng tiêu dùng, vật tư phục vụ nông nghiệp.

2.7. Bưu điện (Tiêu chí 8)

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 8 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung thực hiện:

- Cải tạo, nâng cấp sữa chữa bưu điện văn hóa xã tại ấp 5.

2.8. Nhà ở dân cư nông thôn (Tiêu chí 9)

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 09 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới và theo Quyết định số 15/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố;

* Nội dung thực hiện:

- Xóa 24 căn nhà tạm, dột nát

- Kiên cố hóa 659 nhà dân theo chuẩn của Bộ Xây dựng.

3. Phát triển kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất (Tiêu chí 10, 11, 12, 13)

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 10 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung thực hiện:

3.1.1 Xây dựng các mô hình sản xuất

a) Mô hình nuôi cá da trơn, cá lóc:

- Địa điểm áp dụng ấp 4, 5.

- Quy mô dự kiến: 20 ha.

b) Mô hình thí điểm nuôi cá dứa, cá rô đầu vuông:

- Địa điểm phát triển: ấp 1, 4, 5.

- Quy mô dự kiến: 20 ha.

- Mô hình nuôi cá dứa, cá rô đầu vuông mới du nhập vào Đa Phước trong thời gian gần đây.

c) Mô hình nuôi tôm sú:

- Địa điểm phát triển: ấp 2, 4.

- Quy mô dự kiến: 10 ha.

d) Mô hình nuôi cá sấu lấy thịt:

- Địa điểm áp dụng ấp 5.

- Quy mô dự kiến: 1.000m2.

đ) Mô hình nuôi heo:

- Địa điểm phát triển: tại 5 ấp.

- Quy mô dự kiến: 3.000 con.

e) Trồng hoa lan, cây kiểng:

- Địa điểm dự kiến phát triển: ấp 4, 5.

- Quy mô dự kiến: 02 ha

g) Mô hình mai ghép:

- Địa điểm phát triển: ấp 4, 5.

- Quy mô dự kiến: 2.000 chậu.

h) Mô hình trồng rau an toàn:

- Địa điểm phát triển: ấp 2, 4, 5

- Quy mô dự kiến: 20 ha.

i) Mô hình trồng mía:

- Địa điểm phát triển: ấp 4, 5.

- Quy mô dự kiến: 10 ha.

k) Mô hình trồng hoa nền.

- Địa điểm phát triển: 2, 4, 5.

- Quy mô dự kiến: 05 ha.

3.1.2. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 11, 12 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung thực hiện:

- Ban quản lý liên kết chặt chẽ với trường dạy nghề trên địa bàn huyện, các trường lân cận và các doanh nghiệp nhằm có định hướng đào tạo công nhân kỹ thuật để giải quyết lao động có việc làm.

- Đào tạo nghề cấp chứng chỉ, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân, kỹ năng khuyến nông cho cán bộ khuyến nông cơ sở, nông dân giỏi.

- Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, Trường đại học, Viện nghiên cứu... với nông dân, hộ sản xuất trong công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới, công nghệ sau thu hoạch.

- Đào tạo và nâng cao trình độ quản lý, nghiệp vụ kế toán cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của xã, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất, doanh nghiệp.

3.2. Các hình thức tổ chức cần phát triển

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 13 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung thực hiện:

- Tuyên truyền, vận động nhằm giúp người nông dân nắm bắt được chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể.

- Bồi dưỡng, đào tạo: tổ trưởng, tổ phó tổ hợp tác nhằm nâng cao về năng lực quản lý.

- Hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu như trang thiết bị phục vụ thông tin liên lạc, đào tạo trao đổi, cập nhật thông tin (điện thoại, máy fax, máy vi tính,...).

- Hỗ trợ để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức kinh tế tổ hợp tác thông qua:

- Thành lập mới 01 tổ hợp tác rau an toàn và 01 tổ hợp tác sinh vật cảnh trong năm 2012 và đưa vào hoạt động có hiệu quả.

4. Văn hóa, xã hội và môi trường

4.1. Giáo dục (Tiêu chí 14)

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 14 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung thực hiện:

- Xây dựng các chương trình như tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, đào tạo cán bộ tại chỗ,…

- Đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường được học tập; nắm bắt các trường hợp học sinh bỏ học và kịp thời có hỗ trợ, động viên các em đến trường.

4.2. Y tế (Tiêu chí 15)

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 15 của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phù hợp với đặc điểm riêng của Thành phố.

* Nội dung thực hiện:

- Thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân;

- Hỗ trợ bảo hiểm y tế, chương trình truyền thông, giáo dục sức khỏe... Vận động người dân tham gia các loại hình bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ trên 70%;

- Tổ chức các hoạt động y tế cộng đồng.

- Tăng cường thêm 01 bác sĩ, y tá nhằm bảo đảm công tác thăm khám chữa bệnh cho nhân dân địa phương.

- Nâng cấp, bổ sung trang thiết bị trạm y tế Đa Phước

4.3. Xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh (Tiêu chí 16)

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 16 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung thực hiện:

- Đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội đoàn thể của xã và nhân dân về ý nghĩa của phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần chuyển biến tích cực đến đời sống kinh tế, xã hội trên địa bàn ấp.

- Các tiêu chí phấn đấu xây dựng ấp văn hóa đạt trên 70%.

- Xây dựng các chỉ tiêu về hoạt động văn hóa, thể thao đối với xã.

- Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao.

- Tổ chức và duy trì các đội nhóm văn nghệ, thể thao.

- Đầu tư trang thiết bị.

- Tổ chức và duy trì các lớp tuyên truyền pháp luật, khoa học kỹ thuật cho nông dân.

4.4. Bảo vệ và phát triển môi trường nông thôn (Tiêu chí 17)

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 17 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung thực hiện:

- Củng cố 01 tổ thu gom và xử lý rác.

- Cải tạo, nâng cấp hệ thống rãnh thoát nước trong thôn xóm.

- Trồng cây xanh các tuyến đường, trường học, cơ quan, y tế…

- Xây dựng mới: 03 trạm cấp nước sinh hoạt (ấp 3, 4, 5).

4.5. Củng cố, nâng cao chất lượng và vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở (Tiêu chí 18)

* Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí 18 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung thực hiện:

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân;

- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy và Ủy ban nhân dân Huyện về công tác rà soát, bổ sung nguồn quy hoạch cán bộ và thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

- Thường xuyên giáo dục truyền thống cách mạng của xã nhà cho lực lượng Đoàn viên, thanh niên trong trường học và địa bàn dân cư;

- Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa 9 về phát huy sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc, công tác tôn giáo trong tình hình mới.

- Phân công Đảng viên làm tốt công tác vận động nhân dân theo qui định 1043 của Thành ủy.

- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân

4.6. An ninh chính trị và trật tự xã hội nông thôn (Tiêu chí 19)

* Mục tiêu: Duy trì đạt yêu cầu tiêu chí số 19 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

* Nội dung thực hiện:

- Thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động của Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tội phạm, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng.

- Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước ở địa phương và vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân.

III. VỐN VÀ NGUỒN VỐN

1. Tổng vốn

Tổng vốn: 710.549 triệu đồng (Bảy trăm mười tỷ năm trăm bốn mươi chín triệu đồng). Trong đó:

1.1. Vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản: 557.449 triệu đồng, chiếm 78,45% chia ra cho từng loại công trình:

- Giao thông: 436.765 triệu đồng.

- Thủy lợi: 24.560 triệu đồng.

- Điện: 3.200 triệu đồng.

- Trạm Y tế: 1.500 triệu đồng.

- Cơ sở vật chất văn hóa, UBND xã: 52.824 triệu đồng.

- Chợ: 5.000 triệu đồng.

- Bưu điện: 500 triệu đồng.

- Nhà ở dân cư nông thôn: 10.600 triệu đồng.

-Trạm cấp nước: 22.500 triệu đồng.

1.2. Vốn hỗ trợ cho các hoạt động sự nghiệp trên địa bàn xã: 153.100 triệu đồng chiếm 20,8%.

- Quy hoạch: 1.500 triệu đồng.

- Phát triển kinh tế: 91.750 triệu đồng;

- Đào tạo nghề, giải quyết việc làm: 26.600 triệu đồng;

- Các hình thức tổ chức sản xuất: 15.500 triệu đồng;

- Giáo dục đào tạo: 8.750 triệu đồng;

- Chương trình chăm sóc sức khỏe: 1.000 triệu đồng;

- Xây dựng đời sống văn hóa: 1.000 triệu đồng;

- Bảo vệ và phát triển môi trường nông thôn: 6.000 triệu đồng;

- Hệ thống chính trị cơ sở: 500 triệu đồng;

- An ninh trật tự xã hội: 500 triệu đồng.

2. Nguồn vốn

2.1. Vốn từ Ngân sách TP: 421.290 triệu đồng, chiếm 59,29%.

- Vốn Nông thôn mới: 238.240 triệu đồng, chiếm 33,39%.

- Vốn lồng ghép: 183.050 triệu đồng, chiếm 25,9%.

+ Vốn ngân sách tập trung: 172.500 triệu đồng, chiếm 24,42%.

+ Vốn sự nghiệp: 10.550 triệu đồng, chiếm 1,48%.

2.2. Vốn cộng đồng: 204.909 triệu đồng, chiếm 28,84%.

- Vốn nhân dân: 155.409 triệu đồng, chiếm 21,87%.

- Vốn doanh nghiệp: 49.500 triệu đồng chiếm 6,97%.

2.3 Vốn tín dụng: 84.350 triệu đồng, chiếm 11,87%.

2.4 Bảng phân nguồn vốn.

ĐVT: triệu đồng

TT

NỘI DUNG THỰC HIỆN

Tổng

Vốn ngân sách

Vốn dân

Doanh nghiệp

Vốn tín dụng

Tổng

NTM

Lồng ghép

Ngân sách tập trung

Phân cấp huyện

Sự nghiệp

1

Quy hoạch

1.500

1.500

0

0

0

1.500

0

0

0

2

Hạ tầng kinh tế xã hội

557.449

411.240

238.240

172.500

0

500

136.909

9.300

0

3

Kinh tế tổ chức sản xuất

133.850

4.350

0

0

0

4.350

15.400

37.500

76.600

4

Văn hóa xã hội môi trường

16.750

3.200

0

0

0

3.200

3.100

2.700

7.750

5

Hệ thống chính trị an ninh trật tự

1.000

1.000

0

0

0

1.000

0

0

0

TỔNG CỘNG

710.549

421.290

238.240

172.500

0

10.550

155.409

49.500

84.350

3. Các giải pháp huy động nguồn vốn cho xây dựng các mô hình: (ngoài vốn ngân sách hỗ trợ của nhà nước)

- Tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất để làm các công trình cơ sở hạ tầng như giao thông, điện thắp sáng trên các tuyến đường …

- Mời gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ kinh phí;

- Xã hội hóa trên một số lĩnh vực nhằm khai thác triệt để các hạng mục đã được nhà nước đầu tư như Trung tâm thể dục thể thao, nhà văn hóa, chợ...

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện đề án: từ nay đến năm 2015.

2. Quy mô và khối lượng thực hiện: theo các biểu đính kèm.

3. Phương châm và nguyên tắc đầu tư, hỗ trợ:

- Phát huy nội lực của địa phương là chính, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ sự hỗ trợ của Trung ương và Thành phố, đáp ứng nhu cầu đầu tư, giúp đỡ của các doanh nghiệp.

- Phát huy dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư, khẩn trương, đồng bộ và chặt chẽ trong thủ tục hành chính và đầu tư.

3.1. Cơ chế huy động và quản lý các nguồn vốn:

- Thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC, ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện theo Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24 tháng 02 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn.

- Thực hiện Thông tư số 72/2010/TT-BTC ngày 11 tháng 5 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định về quản lý sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư tại 11 xã thực hiện Đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”;

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nguồn vốn đầu tư tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013 - 2020.

3.2. Quản lý đầu tư và xây dựng:

- Thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC, ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 03 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nguồn vốn đầu tư tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013 - 2020.

4. Phân công thực hiện:

4.1. Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, Ủy ban nhân dân xã Đa Phước, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Bình Chánh và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Đa Phước:

- Tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân, Đảng viên, cán bộ công chức quán triệt chủ trương của Trung ương và thành phố về chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới tại xã; vận động cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia và đóng góp hỗ trợ để thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã.

- Thực hiện theo đúng nội dung của Đề án được phê duyệt, không được thay đổi nội dung của Đề án khi chưa được chấp thuận của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố.

- Phân công các phòng ban, đơn vị chức năng của huyện, cán bộ chuyên môn của xã tham gia, hỗ trợ Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Đa Phước xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện đề án giai đoạn 2013 - 2015, xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm đảm bảo tiến độ và mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định hướng dẫn của pháp luật hiện hành.

4.2. Các Sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố:

- Phân công cán bộ, công chức theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ Ban quản lý xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Đa Phước huyện Bình Chánh chuẩn bị và thực hiện, đảm bảo tiến độ thực hiện các tiêu chí của ngành trên địa bàn xã.

- Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu của Trung ương và Thành phố do Sở, ngành phụ trách trên địa bàn xã.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã Đa Phước và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Đa Phước triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Đề án được phê duyệt.

- Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn, hoàn tất thẩm định quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch hạ tầng thiết yếu (theo phân công, phân cấp) của huyện Bình Chánh và xã Đa Phước; tổ chức giám sát việc công bố, công khai các quy hoạch được phê duyệt.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Đa Phước cân đối, đề xuất và dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết và bố trí vốn ngân sách tập trung, vốn phân cấp hàng năm (2013 - 2015), đảm bảo tiến độ đầu tư, hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Đa Phước.

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước, các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Đa Phước, đề xuất và dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, giao kế hoạch kinh phí sự nghiệp chi thường xuyên để thực hiện các hoạt động, đảm bảo tiến độ thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã Đa Phước.

4.3. Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chương trình, dự án, các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã Đa Phước, huyện Bình Chánh; định kỳ hàng tháng báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện; tham mưu, đề xuất, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để thành phố tổ chức sơ kết hàng năm, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố./.