Quyết định 1821/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng môi trường nông thôn tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2016-2020
Số hiệu: 1821/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh Người ký: Nguyễn Tiến Nhường
Ngày ban hành: 29/12/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1821/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 29 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN TỈNH BẮC NINH, GIAI ĐOẠN 2016-2020

CHỦ TỊCH UBND TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 1831/QĐ-TTg ngày 09/10/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; số 1560/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh: số 31/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 về việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh; số 35/2016/NQ-HĐND18 ngày 08/12/2016 về quan điểm và nguyên tắc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn và ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 của UBND tỉnh về quan điểm và nguyên tắc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn và ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng môi trường nông thôn tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2016-2020 (Chi tiết có Đề án kèm theo), cụ thể như sau:

1. Mục tiêu bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn đến năm 2020

1.1. Hoàn thành cơ bản việc cải tạo và xây mới các công trình bảo vệ môi trường (các công trình thoát nước thải, xử lý chất thải rắn, cấp nước sạch, nghĩa trang) phù hợp với đặc điểm từng địa phương và đạt hiệu quả cải thiện chất lượng môi trường.

1.2. Xử lý triệt để các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh; quản lý tốt việc sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật trong hoạt động canh tác nông nghiệp.

1.3. 100% chất thải rắn từ hoạt động sinh hoạt ở các thị trấn vùng nông thôn được xử lý hợp vệ sinh.

1.4. Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực nông thôn.

2. Quan điểm và nguyên tắc đầu tư

2.1. Quán triệt và vận dụng có hiệu quả cơ chế cho phép chủ đầu tư được trực tiếp thu để bù chi phí xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và “người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí”, coi đây là giải pháp căn bản để huy động nguồn lực từ xã hội, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước.

2.2. Đối với xử lý chất thải từ hoạt động chăn nuôi, hạ tầng nông thôn (hệ thống thoát nước…): thực hiện theo Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Riêng các chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi thì các hộ gia đình, cá nhân bỏ chi phí xây dựng Biogas để xử lý trước khi thải ra khu xử lý chung;

2.3. Đối với việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Nhà nước hỗ trợ kinh phí vận chuyển, xử lý từ điểm tập kết đến khu xử lý; kinh phí mua chế phẩm sinh học để khử mùi. Nhân dân đóng góp kinh phí thu gom, vận chuyển từ gia đình đến khu xử lý.

2.4. Đối với việc kiểm soát bao bì hóa chất bảo vệ thực vật đã sử dụng: Nhân dân đóng góp kinh phí thu gom, vận chuyển đến khu xử lý. Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng khu xử lý chung.

2.5. Đối với việc xử lý chất thải từ hoạt động trồng trọt: Kinh phí thu gom, xử lý do nhân dân đóng góp.

3. Các giải pháp

3.1. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường. Vận động người dân sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất hoặc thuốc kháng sinh trong chăn nuôi; chống lạm dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong canh tác nông nghiệp; hướng dẫn thu gom, xử lý hợp vệ sinh đối với các loại bao bì chứa đựng hóa chất. Xây dựng các mô hình điểm về cộng đồng tham gia công tác BVMT và nhân rộng ra các thôn, làng.

3.2. Xây dựng cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường nông thôn. Xây dựng và triển khai Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường khu dân cư, phát triển các phong trào quần chúng ở nông thôn. Xây dựng chính sách triển khai, nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo phương thức nông thôn. Đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn cho các xã, thôn có đất thu hồi để xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung cấp huyện.

3.3. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, chăn nuôi tại khu vực nông thôn; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường. Kiểm tra trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong thực thi công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.

3.4. Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường.

3.5. Giải pháp về công nghệ, kỹ thuật: Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ quản lý và tập quán của nhân dân, hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, hướng vào các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh. Ưu tiên các biện pháp giảm thiểu chất thải tại nguồn, tăng cường tận thu, tái chế, tái sử dụng chất thải trong nông nghiệp. Định hướng và khuyến khích sản xuất sạch.

4. Các nhiệm vụ cụ thể

- Nhiệm vụ 1: Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước vùng nông thôn. Trong đó có khắc phục ô nhiễm do hoạt động chăn nuôi; Khắc phục ô nhiễm do hoạt động trồng trọt; Khắc phục ô nhiễm do chất thải rắn sinh hoạt; Khắc phục ô nhiễm do nước thải sinh hoạt.

- Nhiệm vụ 2: Cải tạo, nâng cấp và xây mới các công trình bảo vệ môi trường nông thôn như: Hệ thống thu gom, thoát nước thải các thôn, làng; Cải tạo, xây dựng các ao, hồ trong khu dân cư; Chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang nhân dân; tiếp tục xây dựng các công trình cấp nước sạch theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

- Nhiệm vụ 3: Quản lý hóa chất bảo vệ thực vật và sản xuất nông sản an toàn.

- Nhiệm vụ 4: Phát triển các phương pháp canh tác sạch, phòng trừ dịch hại tổng hợp và từng bước phát triển nông nghiệp hữu cơ.

- Nhiệm vụ 5: Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư bảo vệ môi trường khu vực nông thôn.

- Nhiệm vụ 6: Tăng cường truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, phát huy vai trò cộng đồng trong bảo vệ môi trường.

- Nhiệm vụ 7: Phát huy sự tham gia của cộng đồng trong quản lý môi trường nông thôn.

5. Các chương trình, đề án, dự án ưu tiên giải quyết các vấn đề nông thôn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020

- Chương trình 1: Tăng cường năng lực quản lý, xử lý chất thải nông thôn, gồm 05 dự án, nhiệm vụ.

- Chương trình 2: Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, gồm 04 dự án, nhiệm vụ.

- Chương trình 3: Quản lý hóa chất bảo vệ thực vật và sản xuất nông phẩm an toàn, gồm 05 dự án, nhiệm vụ.

- Chương trình 4: Kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực quản lý môi trường khu vực nông thôn, gồm 02 dự án, nhiệm vụ.

- Chương trình 5: Nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT nông thôn, gồm 04 dự án, nhiệm vụ.

Nguồn kinh phí thực hiện: Từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân đóng góp và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 2. Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- TTTU, TTHĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch UBND tỉnh (báo cáo);
- Các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NN.TN, KTTH, XDCB, PVPTH, CVP.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Nhường

 

 





Quyết định 47/2016/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản Ban hành: 24/11/2016 | Cập nhật: 05/12/2016