Quyết định 47/2016/QĐ-UBND Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây không nung và chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Số hiệu: 47/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh Người ký: Nguyễn Trung Hoàng
Ngày ban hành: 23/11/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2016/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 23 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG VÀ CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT GẠCH ĐẤT NUNG BẰNG LÒ THỦ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị quyết số 20/2015/NQ-HĐND ngày 09/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phê duyệt chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây không nung và chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh Trà Vinh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây không nung và chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 12 năm 2016.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp; Thủ trưởng các cơ quan cấp tỉnh có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Hoàng

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG VÀ CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT GẠCH ĐẤT NUNG BẰNG LÒ THỦ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND ngày 23/11/2016 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây không nung và hỗ trợ tháo dỡ, chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (sau đây gọi chung là lò thủ công) hoặc chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến phù hợp.

2. Đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây không nung bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường và hoạt động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Vật liệu xây không nung là loại vật liệu dùng trong xây dựng, trong đó việc sản xuất tạo ra sản phẩm không sử dụng nhiệt để nung, sau khi tạo hình thì tự đóng rắn đạt các chỉ số về cơ học như: Cường độ nén, uốn, độ hút nước và các chỉ tiêu kỹ thuật khác.

Chương II

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG VÀ CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT GẠCH ĐẤT NUNG BẰNG LÒ THỦ CÔNG

Điều 3. Hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây không nung

Mỗi dự án hoặc đề án sản xuất kinh doanh vật liệu xây không nung bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường được xem xét thụ hưởng một trong các hỗ trợ sau:

1. Hỗ trợ 30% lãi suất cho vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước tại thời điểm cho vay để đầu tư dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung (lãi vay trong hạn), nhưng không quá 150 triệu đồng/năm. Thời gian hỗ trợ lãi suất là 03 năm, kể từ ngày hợp đồng vay vốn có hiệu lực. Tổng mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị đầu tư của một dự án hoặc đề án sản xuất kinh doanh vật liệu xây không nung (không tính giá trị quyền sử dụng đất).

2. Hỗ trợ tối đa 40% chi phí ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất vật liệu xây không nung, nhưng không quá 170 triệu đồng/dự án hoặc đề án.

Điều 4. Hỗ trợ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công

1. Hỗ trợ chi phí tháo dỡ lò, hoàn trả mặt bằng:

a) Loại lò có công suất dưới 0,4 triệu viên/năm, mức hỗ trợ 10 triệu đồng/lò.

b) Loại lò có công suất từ 0,4 triệu viên/năm đến 0,65 triệu viên/năm, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/lò.

c) Loại lò có công suất trên 0,65 triệu viên/năm, mức hỗ trợ 20 triệu đồng/lò.

2. Hỗ trợ ổn định đời sống cho người lao động:

a) Mỗi người lao động được hỗ trợ 210.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ trong 12 tháng.

b) Số người lao động được hưởng mức hỗ trợ:

- Loại lò có công suất dưới 0,4 triệu viên/năm: Hỗ trợ không quá 05 người/lò (kể cả chủ lò).

- Loại lò có công suất từ 0,4 triệu viên/năm đến 0,65 triệu viên/năm: Hỗ trợ không quá 07 người/lò (kể cả chủ lò).

- Loại lò có công suất trên 0,65 triệu viên/năm: Hỗ trợ không quá 09 người/lò (kể cả chủ lò).

- Đối với người lao động làm việc ở nhiều cơ sở hoặc nhiều doanh nghiệp và chủ cơ sở hoặc chủ doanh nghiệp có nhiều lò sản xuất thì chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ cho người lao động một lần.

3. Hỗ trợ đào tạo nghề: Người lao động được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

Điều 5. Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ

1. Nguồn kinh phí khuyến công địa phương: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất vật liệu xây không nung.

2. Nguồn vốn ngân sách tỉnh: Hỗ trợ lãi suất cho vay tín dụng để đầu tư dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung; hỗ trợ tháo dỡ, chấm dứt hoạt động và ổn định đời sống cho người lao động.

Điều 6. Điều kiện được xem xét hỗ trợ

1. Đối với hỗ trợ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công: Đã tháo dỡ hoàn toàn lò gạch thủ công hoặc chuyển đổi sang công nghệ phù hợp quy định kể từ ngày 20 tháng 12 năm 2015 trở về sau.

2. Đối với hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây không nung: Dự án hoặc đề án sản xuất kinh doanh vật liệu xây không nung bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường được xem xét hỗ trợ khi đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động sản xuất kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành trở về sau.

Điều 7. Thẩm quyền thẩm định, quyết định hỗ trợ

1. Đối với hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây không nung:

a) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có liên quan tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mức hỗ trợ lãi suất cho vay tín dụng để đầu tư dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung.

b) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có liên quan tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mức hỗ trợ chi phí ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất vật liệu xây không nung.

2. Đối với hỗ trợ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công: Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định và quyết định hỗ trợ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công trên địa bàn.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng:

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra tình hình thực hiện tháo dỡ, chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công; theo dõi, tổng hợp và định kỳ 6 tháng, năm báo cáo kết quả thực hiện, các vướng mắc phát sinh tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có liên quan thực hiện nhiệm vụ thẩm định quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Quy định này và tổ chức thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay tín dụng để đầu tư dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung; hàng năm lập dự toán, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định.

c) Chủ trì, tổ chức rà soát quy hoạch, đề xuất dự án đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây không nung.

d) Chịu trách nhiệm hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện hỗ trợ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn, đề xuất bố trí kinh phí hàng năm đảm bảo thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này.

b) Tổng hợp danh mục dự án đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây không nung, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tổ chức mời gọi nhà đầu tư, phổ biến các chính sách hỗ trợ đầu tư theo quy định để khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung.

3. Sở Tài chính:

a) Tham mưu cân đối nguồn, đề xuất bố trí kinh phí hàng năm đảm bảo thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này.

b) Theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ và đào tạo nghề cho người lao động ở địa phương từ các lò gạch thủ công muốn chuyển đổi nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 và Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có liên quan thực hiện nhiệm vụ thẩm định quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Quy định này và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất vật liệu xây không nung; hàng năm lập dự toán, thanh toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định.

6. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với Sở Công Thương, các Sở, ngành tỉnh có liên quan phổ biến, hướng dẫn trình tự, thủ tục hỗ trợ máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ đối với các mô hình, dự án sản xuất vật liệu xây không nung; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và bảo hộ sở hữu thương hiệu; hỗ trợ hợp quy và công bố hợp quy sản phẩm vật liệu xây không nung theo quy định hiện hành.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Tổ chức vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công trên địa bàn chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến.

b) Tổ chức thực hiện hỗ trợ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công; thành lập Tổ kiểm tra để kiểm tra hiện trạng tháo dỡ, chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi công nghệ tiên tiến đối với các lò gạch thủ công.

c) Tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt danh sách lò gạch thủ công, số lượng lao động được hưởng hỗ trợ và lập dự toán, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định.

d) Tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động (không cấp trực tiếp cho chủ doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất) đảm bảo đúng đối tượng.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Điều khoản thi hành

1. Trong thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quy định này nếu Bộ, ngành Trung ương có quy định mới về chính sách hỗ trợ thì thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.