Kế hoạch 37/KH-UBND năm 2018 về xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018-2020
Số hiệu: 37/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: Lê Văn Tâm
Ngày ban hành: 28/02/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 28 tháng 02 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA - VĂN MINH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

Căn cứ Nghị quyết số 07/2010/NQ-HĐND ngày 25 tháng 6 năm 2010 của Hội đồng nhân dân thành phố về chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 3483/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án);

Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kế hoạch xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018 - 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, trách nhiệm của sở, ban, ngành, đoàn thể và phát huy sức mạnh các tầng lớp Nhân dân trong xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị trên địa bàn thành phố.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị trên địa bàn thành phố từ nay đến cuối năm 2020; triển khai đồng bộ các biện pháp và thực hiện nghiêm quy định pháp luật nhằm thực hiện đạt mục tiêu, nội dung và giải pháp đề ra.

3. Hình thành nét văn hóa đặc trưng của người Cần Thơ, xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch” theo Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

a) Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị theo 5 nội dung chính của Đề án

- Về trật tự đô thị:

+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, lề đường; thực hiện đúng quy định về quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường, bảo vệ mỹ quan và trật tự đô thị trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố;

+ Tổ chức sắp xếp chỗ đậu xe dưới lòng đường theo quy định;

+ Thực hiện trồng cây xanh để tạo cảnh quan đô thị;

+ Quản lý chặt chẽ việc xây dựng các công trình kiến trúc, nhà ở;

+ Vận động Nhân dân chỉnh trang phía trước nhà ở trật tự, mỹ quan;

+ Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý những hành vi vi phạm về trật tự đô thị theo quy định;

+ Tuyên truyền, giáo dục, vận động học sinh các cấp học không mua hàng rong trước cổng trường; lắp đặt biển báo thông báo công khai cho Nhân dân và người bán hàng rong không được trưng bày, mua bán tại khu vực trường học, bệnh viện; đồng thời, tạo điều kiện cho người bán hàng rong thuộc diện hộ nghèo có nhu cầu vay vốn, chuyển đổi nghề nghiệp.

- Về vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị:

+ Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan đô thị “sáng - xanh - sạch - đẹp”;

+ Thực hiện tốt việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt theo quy chuẩn môi trường; giải quyết rác thải, nước đọng... trên lòng đường, lề đường;

+ Không để xảy ra tình trạng chăn dắt, thả súc vật chạy rong, phóng uế trên đường phố;

+ Tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại các khu vực trọng điểm như khu công nghiệp, khu đô thị, kênh rạch, cơ sở y tế, làng nghề, chợ và các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ;

+ Chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra môi trường và kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường;

+ Tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật về quảng cáo, đặt biển hiệu để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân thực hiện đúng quy định;

+ Giải quyết các tệ nạn xã hội ở công viên; đưa người lang thang, ăn xin, trẻ em cơ nhỡ vào các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc đưa về địa phương, gia đình quản lý (có cam kết giữa bên giao và bên nhận không để đối tượng quay trở lại thành phố).

- Về an toàn giao thông đô thị:

+ Thực hiện công tác duy tu, sửa chữa hệ thống cầu, đường bộ, hệ thống chiếu sáng công cộng;

+ Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống biển chỉ dẫn, biển báo hiệu giao thông, chỉnh trang hành lang an toàn giao thông đường bộ để nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông;

+ Tăng cường điều tiết giao thông trong giờ cao điểm, không để ùn tắt giao thông;

+ Tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân không vi phạm luật giao thông đường bộ, không tổ chức và tham gia đua xe trái phép;

+ Tăng cường kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm về bảo vệ công trình giao thông, hành lang an toàn giao thông đường bộ và luật giao thông theo quy định.

- Về an ninh trật tự, an toàn xã hội:

+ Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, xác định đối tượng, địa bàn trọng điểm; nắm chặt tình hình, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động phá hoại của bọn phản động và các thế lực thù địch; triển khai các phương án, kế hoạch phòng, chống biểu tình gây rối, bạo loạn; các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, đình công, lãn công, không để hình thành điểm nóng về an ninh trật tự;

+ Quản lý tốt các đối tượng hình sự, tệ nạn xã hội trên địa bàn; thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh, xử lý từng đối tượng xuất hiện trên địa bàn, đối tượng từ nơi khác đến, đối tượng hoạt động liên tỉnh; đẩy mạnh truy bắt các đối tượng có lệnh truy nã;

+ Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, từng bước đẩy lùi tội phạm có tổ chức, các băng nhóm thành phần hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp, các điểm đánh bạc dưới hình thức trò chơi điện tử game bắn cá, các loại tội phạm về kinh tế, môi trường, công nghệ cao, ma túy và tệ nạn xã hội...

- Về hành vi ứng xử nơi công cộng:

+ Nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp trong đời sống cộng đồng;

+ Tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân nâng cao nhận thức thẩm mỹ, trang phục lịch sự khi ra đường phố, nơi công cộng, công sở;

+ Đưa nội dung thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị vào quy ước của ấp, khu vực để sinh hoạt sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức và hành động của người dân, từ đó tích cực xây dựng gia đình văn hóa; tham gia xây dựng ấp, khu vực văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị;

+ Tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức xây dựng phong cách giao tiếp, ứng xử văn minh lịch sự, đúng chuẩn mực trong hoạt động công vụ;

+ Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng giao tiếp ứng xử cho các doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên du lịch;

+ Biên soạn chương trình, nội dung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về các biện pháp xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm nếp sống văn hóa trong lĩnh vực giao tiếp cộng đồng;

+ Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở giờ hoạt động, kinh doanh đối với bar, karaoke, vũ trường, các cơ sở kinh doanh băng đĩa nhạc, quán cà phê và các cơ sở kinh doanh khác có sử dụng âm thanh theo quy định.

b) Xây dựng các mô hình tiêu biểu về nếp sống văn hóa - văn minh đô thị

- Tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình “Phường, thị trấn sạch rác” và “Tuyến đường văn minh đô thị” theo Hướng dẫn số 70/HD-BCĐ ngày 20 tháng 5 năm 2014 của Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa - Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” thành phố (Ban Chỉ đạo thành phố).

- Phấn đấu đến cuối năm 2020, mỗi quận, huyện đều có mô hình điển hình tiêu biểu trong triển khai xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, cụ thể:

+ Mỗi quận, huyện: Xây dựng từ 02 đến 04 xã, phường, thị trấn; từ 02 đến 04 tuyến đường điểm tiêu biểu.

+ Mỗi xã, phường, thị trấn: Xây dựng từ 02 đến 05 ấp, khu vực; từ 01 đến 02 tuyến đường điểm tiêu biểu.

c) Thể chế hóa tiêu chí xây dựng con người Cần Thơ theo Nghị quyết số 45-NQ/TW

- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 03 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch” theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW giai đoạn 2016 - 2020.

- Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển con người Cần Thơ đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Cần Thơ đến năm 2030” gắn với thực hiện tốt nội dung Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

d) Tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

- Đưa mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào kế hoạch hoạt động của chính quyền địa phương hàng năm để thực hiện.

- Chú trọng tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc hội họp bình xét gia đình văn hóa, ấp, khu vực, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị... từng bước nâng cao ý thức người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

- Vận động cán bộ, Đảng viên và Nhân dân; đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thực hiện tốt việc cưới, việc tang như sau:

+ Việc cưới: Thực hiện các thủ tục kết hôn theo đúng quy định pháp luật; tổ chức mừng lễ cưới trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của địa phương, tôn giáo, dân tộc và hoàn cảnh hai gia đình. Khuyến khích kết hợp tổ chức lễ trao, nhận Giấy chứng nhận kết hôn cho nhiều đôi vợ chồng cùng một thời điểm; tổ chức trao, nhận Giấy chứng nhận kết hôn tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

+ Việc tang: Tạo sự chuyển biến tư tưởng, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Từng bước loại bỏ các hủ tục lạc hậu, hình thành những nét văn hóa mới, văn minh. Tổ chức lễ tang chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc và hoàn cảnh gia đình; khuyến khích hình thức hỏa táng; không rải vàng mã trên đường đưa tang.

- Xây dựng và hình thành những hình thức tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội vừa văn minh, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp dân tộc, loại bỏ những hủ tục lạc hậu; thực hành tiết kiệm, không phô trương hình thức, lãng phí.

2. Giải pháp

a) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần xác định yêu cầu xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị là mục tiêu quan trọng của thành phố, quan tâm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện thường xuyên, lâu dài, cụ thể trong từng năm, xác định nội dung trọng tâm, chỉ tiêu ở mỗi giai đoạn.

- Biểu dương, khen thưởng các địa phương, tập thể, cá nhân thực hiện tốt, có mô hình điển hình hoặc xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị trên địa bàn đạt hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt.

b) Công tác tuyên truyền, vận động

- Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, quán triệt trong cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân hiểu rõ chủ trương của Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố để biết và đồng tình hưởng ứng.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động qua hệ thống thông tin đại chúng từ thành phố đến cơ sở về thực hiện chủ đề theo từng năm trong xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị.

c) Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm

Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.

III. T CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm thực hiện

a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chịu trách nhiệm chính về nội dung hành vi ứng xử nơi công cộng và mỹ quan đô thị.

- Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức, triển khai, thực hiện Kế hoạch này.

- Tham mưu tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện.

- Đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị bằng nhiều hình thức, lồng ghép với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào.

b) Công an thành phố chịu trách nhiệm chính về nội dung an ninh trật tự, an toàn xã hội.

c) Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chính về nội dung trật tự đô thị.

d) Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố chịu trách nhiệm chính về nội dung an toàn giao thông đô thị.

đ) Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính về nội dung vệ sinh môi trường.

e) Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện 05 nội dung nêu trên tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này đạt hiệu quả.

g) Ủy ban nhân dân quận, huyện

- Căn cứ tình hình thực tế, ban hành kế hoạch xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị ở địa phương; đồng thời, phối hợp với các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện 05 nội dung nêu trên tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này đạt hiệu quả.

- Mỗi quận, huyện chọn những mô hình phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực; đồng thời, nhân rộng những mô hình điển hình, hiệu quả.

2. Kinh phí thực hiện

a) Kinh phí thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị bằng nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định.

b) Căn cứ vào nhiệm vụ được giao hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố có liên quan xây dựng toán kinh phí, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt theo quy định.

c) Ủy ban nhân dân quận, huyện cân đối, bố trí kinh phí cho hoạt động của Ban Chỉ đạo quận, huyện.

3. Chế độ thông tin, báo cáo

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố có liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện gửi báo cáo kết quả việc thực hiện Kế hoạch này về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp trước ngày 15 mỗi tháng cuối quý và tổ chức sơ kết mỗi năm, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

- Cuối năm 2020, tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án.

Yêu cầu Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch này với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết theo quy định./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Tâm

 





Quyết định 01/2016/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 08/2009/QĐ-UBND Ban hành: 17/10/2016 | Cập nhật: 31/10/2016