Quyết định 217/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011- 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành
Số hiệu: 217/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái Người ký: Phạm Duy Cường
Ngày ban hành: 09/03/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 217/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 09 tháng 3 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC: PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19/6/2009;

Căn cứ Quyết định số 116/2006/QĐ-TTg ngày 26/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái thời kỳ 2006 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc Ban hành Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 08/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1243/QĐ-UBND ngày 04/8/2010 của UBND tỉnh Yên Bái về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông nông thôn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 – 2020;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII;

Căn cứ Kết luận số 339/KL-TU ngày 09/11/2011 của Tỉnh uỷ Yên Bái tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ định kỳ tháng 10/2011;

Căn cứ Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về phê phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011- 2015;

Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 130/TTr-SGTVT ngày 21/02/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011- 2015.

Điều 2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố việc triển khai thực hiện Đề án theo những nội dung được phê duyệt tại Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Giao thông vận tải;
- TT. Tỉnh uỷ;
- TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT. UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội;
- Các Phó Văn phòng UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, XD, NLN, TH.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Duy Cường

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Kèm theo Quyết định số 217/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2012 của UBND tỉnh Yên Bái )

Phần mở đầu

SỰ CẦN THIẾT VÀ CÁC CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN:

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm xây dựng, phát triển nông thôn, cải thiện, nâng cao mức sống của người nông dân, đặc biệt nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi khó khăn, trong đó tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng để bê tông hoá, cứng hoá mặt đường giao thông nông thôn ( GTNT ). Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho nhân dân, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh. Tuy nhiên, do đặc thù là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, tổng chiều dài các tuyến đường GTNT khá lớn, hầu hết các tuyến đường đều chưa được đưa vào cấp hoặc chỉ đầu tư với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, hệ thống công trình thoát nước chưa được đầu tư hoàn chỉnh, mức đóng góp của nhân dân còn hạn chế, nên các công trình thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" chỉ cải thiện một phần điều kiện đi lại, hiệu quả đầu tư và chất lượng khai thác còn hạn chế.

Vì vậy cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015, nhằm triển khai thực hiện các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên quy định về chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam. Đồng thời tạo điều kiện phát triển nông thôn, cải thiện nâng cao mức sống của người nông dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi khó khăn, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh.

II . CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN:

- Căn cứ Quyết định số 132/2001/QĐ-TTg ngày 07/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế tài chính thực hiện chương trình Phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở làng nghề ở nông thôn;

- Căn cứ Quyết định số 116/2006/QĐ-TTg ngày 26/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái thời kỳ 2006 – 2020;

- Căn cứ Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

- Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo;

- Căn cứ Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 08/7/2011 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải về việc phê duyệt chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ;

- Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23/2/2011 của Bộ GTVT về việc Ban hành hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

- Căn cứ Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

- Căn cứ Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND ngày 5/8/2011 của Hội đồng nhân dân về một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội áp dụng đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2011 – 2015 ( ngoài hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải – gọi tắt chính sách 30b);

- Căn cứ Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND ngày 21/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về Phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015 ;

- Căn cứ Nghị Quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Yên Bái lần thứ XVII;

- Căn cứ Quyết định số 1243/QĐ-UBND ngày 04/8/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt dự án quy hoạch phát triển giao thông nông thôn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010-2020;

III. MỤC ĐÍCH ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN:

Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các Chương trình, kế hoạch của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh đối với nhiệm vụ phát triển giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Làm cơ sở cho các ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thôn bản chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển GTNT; huy động các nguồn lực đầu tư kiên cố hoá đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh.

IV. HIỆN TRẠNG MẠNG LƯỚI GTNT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI:

Mạng lưới đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 5.743km với mật độ bình quân 1,22Km/1Km2. Trong đó: đường huyện có 85 tuyến với 1.008,2 Km, đ­ường xã và đ­ường thôn bản là: 4734,8 Km. Kiên cố hoá đạt 17,6% (bêtông hoá 751,8Km, còn lại là đường cấp phối và đất chiếm 82,4%).

* Tổng hợp hiện trạng đường xã, thôn bản.

STT

Tên đường/Huyện

Chiều dài (Km)

Kết cấu mặt đ­ường

Đánh giá theo tỷ lệ %

Bê tông Nhựa
(Km)

Bê tông Xi măng
(Km)

Đá dăm nhựa
(Km)

Tổng nhựa hoá và BT hoá MĐ (Km)

Cấp phối (Km)

Đất
 (Km)

Tỷ lệ cứng hóa mặt đường

Đất
 (Km)

 

TỔNG

4.734,8

21,1

538,1

192,6

751,8

81,5

3.901,4

17,6

82,4

I

Huyện Mù Cang Chải

779

 

19,4

 

19,4

 

759,6

2,49

97,5

II

Huyện Trạm Tấu

380

 

6,5

 

6,5

 

373,5

1,71

98,2

III

Huyện Văn Chấn

755

 

265

 

265

 

490

35,1

64,9

IV

Thị xã Nghĩa Lộ

96,4

 

45,5

 

45,5

 

50,9

47,2

52,8

V

Huyện Yên Bình

687,7

 

30,9

 

30,9

 

656,8

4.49

95,5

VI

Huyện Lục Yên

823

11

32,5

33,1

76,6

 

746,3

9,32

90,6

VII

Huyện Văn Yên

781,9

 

40

159,5

199,5

81,5

500,9

35,94

64,06

VIII

Huyện Trấn Yên

297,75

10,1

47,3

 

57,4

 

240,35

19,28

80,72

IX

Thành phố Yên Bái

134

 

51

 

51

 

83

38,06

61,94

V. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ HỆ THỐNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN

1. Khái quát tình hình đầu tư phát triển hệ thống GTNT từ năm 2001 đến năm 2010.

+ Giai đoạn 2001-2005:

- Tổng giá trị thực hiện: 470,63 tỷ đồng.

- Đã mở mới được 376,8 Km đường ô tô, cải tạo được 82,4 Km đường ô tô; kiên cố hoá được 370 Km đường ô tô trong đó: Mặt đường bê tông xi măng 85 Km, đá dăm láng nhựa 94 Km, đá dăm nước 46 Km; cầu bê tông 38 cái, cầu thép 3 cái, cầu treo 31 cái, ngầm tràn 22 cái, cống các loại 412 cái. Đường thôn bản mở mới được 291,6 Km.

+ Giai đoạn 2006-2010:

- Tổng giá trị thực hiện: 1.442,97 tỷ đồng

- Xây dựng mặt đường BTXM 235,5 km; nâng cấp, làm mới mặt đường đá dăm láng nhựa 218,4 km; mặt đường cấp phối 269,2km; mở mới đường ô tô 695,7km; mở mới đường thôn bản 340 Km; xây dựng được 189 công trình gồm ngầm tràn, cầu BTCT và cầu treo.

2. Đánh giá chung hệ thống giao thông nông thôn hiện nay:

- Mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 5.743,8km với mật độ bình quân 1,22Km/1Km2. Trong đó: đường huyện có 85 tuyến với 1008,2Km, đ­ường xã, đường thôn bản 4.734,8Km, phân bổ tương đối hợp lý, phù hợp với địa hình nhưng còn chưa hoàn chỉnh về mật độ, cấp hạng kỹ thuật. Cấp hạng kỹ thuật đường huyện, đường xã chủ yếu là đường ô tô cấp A cấp B với 1902,5 Km chiếm 56%, đường chưa được vào cấp là 1365 Km chiếm 40,1%. Đường dân sinh, đường thôn bản cho người, ngựa và xe thồ đi lại rộng từ 0,5m - 3,0m với 2.292,4 Km.

- Các tuyến đường đến trung tâm các xã cơ bản đã khai thông được nền đường, mới kiên cố được 290,7 Km chiếm 35% với mặt đường BTXM 93,6 Km chiếm tỷ lệ 11,3%; mặt đường nhựa 154,1 Km chiếm 18,6%; mặt đường đá dăm 43 Km chiếm 5,2%; mặt đường cấp phối 112,7 Km chiếm 13,63%; Còn lại là mặt đường đất 422,4 Km chiếm 51,27%. Do đó một số tuyến đường chỉ đi lại được trong mùa khô và ách tắc giao thông trong mùa mưa lũ.

- Chất lượng khai thác của mạng lưới đường huyện, đường xã còn rất kém với loại đường tốt 282,3 Km chiếm 8,3%; loại đường trung bình 718,4 Km chiếm 21%, còn lại là loại đường xấu và rất xấu với 2401,1 Km chiếm 70,7%.

- Công trình thoát nước còn thiếu, đặc biệt là cầu qua sông, suối lớn, không đồng bộ về tải trọng và khổ cầu, nhiều cầu có tải trọng thấp ≤ 5T, nhiều cầu khổ hẹp từ 3,5m - 4m. Nhiều công trình cầu, cống và nhiều tuyến đường sau nhiều năm đưa vào khai thác do nguồn vốn quản lý, bảo trì còn khó khăn do đó đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của phương tiện tham gia giao thông, phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hoá trên địa bàn.

- Hệ thống đường giao thông mới đ­ược đầu t­ư đến trung tâm xã, hiện tại còn thiếu các tuyến đ­ường nối tới các thôn, bản, khu đông dân cư­.

- Công tác quản lý, bảo trì các công trình giao thông nông thôn - miền núi còn nhiều khó khăn do tổng chiều dài các tuyến đường lớn, địa hình hiểm trở, địa chất thuỷ văn phức tạp, việc huy động nguồn lực cho công tác quản lý, bảo trì còn nhiều hạn chế.

Đến tháng 10 năm 2011, toàn tỉnh đã có 100% số xã có đường ô tô đến Trung tâm xã. Tuy nhiên một số tuyến đường chỉ có thể đi lại thuận tiện trong mùa khô, còn mùa mưa đi lại rất khó khăn, thường xuyên bị ách tắc do mưa lũ, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 22 xã đường ôtô đến trung tâm xã chưa được kiên cố hoá.

Phần I

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN GTNT TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2011-2015:

I. QUAN ĐIỂM:

- Quán triệt và vận dụng các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, và sự chỉ đạo của các Bộ, Ngành trung ương trong công tác phát triển hạ tầng GTNT giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Phát triển GTNT phải gắn với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn diện như: Xoá đói, giảm nghèo, các dịch vụ và kế hoạch xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần cho người dân, giảm bớt sự chênh lệch, cách biệt giữa nông thôn và thành thị.

- Phát triển GTNT phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các huyện, thị xã, thành phố, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển GTNT đi trước một bước tạo tiền đề, động lực phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn miền núi, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho các xã vùng sâu, vùng xa và tăng cường củng cố an ninh - quốc phòng của địa phương và khu vực.

- Xây dựng hạ tầng giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng, huy động nhiều nguồn lực trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Coi trọng công tác quản lý bảo trì và khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng GTNT hiện có. Tập trung vốn đầu tư công trình thoát nước, kiên cố hoá mái ta luy và mặt đường đến Trung tâm xã và các thôn bản đông dân cư.

- Phát triển giao thông nông thôn phải phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia với đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường thôn bản, giữa các vùng kinh tế đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương.

- Phát huy nội lực, có cơ chế chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển GTNT với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhân dân làm là chính. Việc đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn phải phù hợp với Quy hoạch đã được phê duyệt, kết hợp lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức Quốc tế.

- Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, vật liệu mới, công nghệ tiên tiến kết hợp với sử dụng vật liệu tại chỗ nhằm giảm chi phí xây dựng cho các công trình giao thông nông thôn.

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư phát triển GTNT, tiếp tục phân cấp cho các địa phương theo đúng quy định của Luật ngân sách, và các quy định hiện hành.

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

- Phát triển GTNT phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo của địa phương.

- Phấn đấu thực hiện cơ bản các tuyến đường GTNT liên xã và một số tuyến đường từ xã xuống thôn, liên thôn bản được kiên cố hoá bằng bê tông xi măng.

- Các tuyến đường tỉnh, đường huyện xuống xã, liên xã tiếp tục được quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn để phát triển đồng bộ hệ thống đường GTNT trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Hết năm 2011:

- Hoàn thành xây dựng Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015.

- Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình dự án của những nguồn vốn như: ODA, 135, 30a, 30b và đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn đã có kế hoạch đầu tư.

2.2. Từ năm 2012- 2015:

Đến năm 2015 phấn đấu kiên cố hoá khoảng 400 km mặt đường giao thông liên xã, đường từ xã xuống thôn, đường liên thôn bản và mở mới khoảng 500 km đường thôn bản.

3. Nhiệm vụ:

3.1. Nhiệm vụ cụ thể:

Khối lượng thực hiện kiên cố hoá đường GTNT liên xã và một số tuyến đường từ xã xuống thôn, liên thôn bản và mở mới giai đoạn 2011-2015 là 900 km:

Trong đó:

+ Kiên cố hoá mặt đường khoảng 400 Km gồm đường liên xã, đường từ xã xuống thôn, đường liên thôn bản thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp A, B với bề rộng mặt đường Bm = 3,0m và Bm = 3,5m ( Bề rộng nền đường 4,0m - 5,0m ).

+ Mở mới đường liên thôn bản khoảng 500 Km, bề rộng nền đường Bn = 2,5m và Bn = 3,5m.

3.2. Tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2015:

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kiên cố hoá mặt đường giao thông nông thôn đến năm 2015 là 469,8 tỷ đồng.

( Bốn trăm sáu mươi chín tỷ, tám trăm triệu đồng ).

Trong đó:

- Kiên cố mặt đường Bm = 3,0m -:- 3,5m: 440,0 tỷ đồng.

- Mở mới đường thôn bản: 29,8 tỷ đồng.

( Có phụ biểu chi tiết kèm theo)

III. KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ :

1. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật:

- Đối với các tuyến đường liên xã, đường từ xã xuống thôn, đường liên thôn bản thiết kế theo tiêu chuẩn đường loại A, B theo tiêu chuẩn GTNT 22TCN210-92, bề rộng mặt đường Bm = 3,0m và Bm = 3,5m, kết cấu mặt đường là bê tông xi măng, có chiều dày H = 16cm, trên lớp cấp phối có chiều dày H = 12cm. Suất đầu tư 0,9 tỷ đồng/1km đối với Bm = 3,0m và 1tỷ đồng/1Km đối với Bm = 3,5m ở các xã, phường, thị trấn; Suất đầu tư 1,25 tỷ đồng/1Km đối với Bm = 3,0m và 1,4 tỷ đồng/1Km đối với Bm = 3,5m ở các xã còn lại.

- Đối với các tuyến đường thôn bản; Bề rộng nền đường mở mới Bn = 2,5m và Bn = 3,5m.

2. Kế hoạch đầu tư xây dựng: (Chi tiết như phụ biểu kèm theo ).

3. Cơ chế, chính sách:

- Đề án này được thực hiện bằng các nguồn vốn: Nguồn vốn Vay ưu đãi của Ngân hàng phát triển Việt Nam, vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn chính sách 30a, 30b, và các nguồn vốn hỗ trợ GTNT hợp pháp khác. Các dự án phát triển giao thông nông thôn bằng các chương trình mục tiêu khác không nằm trong nội dung đề án này.

- Đối với phần kinh phí do Nhà nước hỗ trợ: Uỷ ban nhân tỉnh hỗ trợ 70% kinh phí và các huyện, thị xã, thành phố là 30% kinh phí.

- Kinh phí thực hiện kiên cố hoá mặt đường giao thông nông thôn bao gồm hỗ trợ của Nhà nước và nhân dân tự nguyện đóng góp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cụ thể như sau:

3.1. Đối với các tuyến đường liên xã, đường từ xã xuống thôn, đường liên thôn bản:

- Chi phí Tư vấn khảo sát thiết kế: Chỉ thực hiện các công việc cần thiết để khảo sát phục vụ thiết kế. Tổng chi phí khảo sát, thiết kế làm đường bê tông xi măng là: 10 triệu đồng/1km.

- Chi phí dịch vụ phục vụ cho công tác quản lý: Hỗ trợ 2 triệu đồng/1km.

- Chi phí xây dựng: Trong cơ cấu giá thành công tác lập dự toán theo xây dựng cơ bản ( XDCB ), làm cơ sở tính cơ chế huy động vốn hỗ trợ;

- Lệ phí quyết toán vốn: Nhà nước hỗ trợ (chi phí này được tính trong Tổng mức đầu tư và hiện nay quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14/2/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước).

- Các phòng chuyên môn của các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc thẩm định và trình Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt kết quả thẩm định, Báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng qui định phân cấp tại Quyết định 22/2011/QĐ-UBND ngày 01/7/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về Ban hành một số nội dung quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái;

- Công tác GPMB: Do địa phương đảm nhận, nhân dân tự nguyện hiến đất để GPMB, công trình nào vướng mắc về GPMB không được lựa chọn đầu tư.

- Công tác Giám sát: Thực hiện giám sát cộng đồng (các địa phương cử cán bộ kỹ thuật phòng chuyên môn tham gia giám sát cùng cộng đồng).

3.2. Đối với các tuyến đường mở mới bề rộng nền đường Bn = 2,5m hoặc Bn = 3,5m.

- Nhà nước hỗ trợ theo cơ chế đặc thù, hỗ trợ người dân mở mới, cải tạo đường liên thôn, bản, đường tới các cụm dân cư với bề rộng nền đường Bn = 2,5m, mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/1km. Hỗ trợ 70 triệu đồng/1km mở mới đối với các tuyến đường Bn = 3,5m; (Trong đó đã bao gồm hỗ trợ 1 triệu đồng/1km cho chi phí lập hồ sơ, in ấn tài liệu, quản lý thi công). Các tuyến đường mở mới phải tuân thủ quy hoạch nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 của các xã và quy hoạch GTNT giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Công tác GPMB: Do địa phương đảm nhận, huy động nhân dân tự nguyện GPMB để thi công công trình, công trình nào vướng mắc về GPMB không được lựa chọn đầu tư.

- Đăng ký nhu cầu đầu tư: Hàng năm các địa phương trên cơ sở nhu cầu thực tế, lập danh mục các công trình cần đầu tư và số vốn đăng ký về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định.

3.3. Tiêu chuẩn kỹ thuật:

Áp dụng theo các quy định tại:

- Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 8/7/2011 của Bộ giao thông vận tải về việc phê duyệt chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23/2/2011 của Bộ GTVT về ban hành hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

Phần II

GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2010- 2015

I. TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA CẤP ỦY, CHÍNH QUYẾN CÁC CẤP:

Quán triệt việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII;

Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể huyện, thị xã, thành phố, xã, thôn, xóm, bản cần xây dựng Chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức chỉ đạo, thực hiện; tuyên truyền, vận động mọi thành phần kinh tế và nhân dân tham gia đóng góp để đầu tư phát triển GTNT.

Cơ quan quản lý Nhà nước các cấp (nhất là cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố, thị xã) cần nhận thức rõ ràng, đầy đủ vai trò, chức năng của mình để triển khai nhiệm vụ phát triển GTNT một cách chủ động, có Chương trình, kế hoạch để thực hiện; cần làm tốt chức năng vận động, tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, điều hành, tạo môi trường thuận lợi và có sự hỗ trợ cần thiết, kịp thời cho cơ sở, địa phương, người dân thực hiện xây dựng, đầu tư phát triển GTNT.

II. KẾT HỢP GIỮA ĐẦU TƯ MỚI VỚI TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÔNG TÁC QUẢN LÝ, KHAI THÁC, BẢO TRÌ ĐƯỜNG GTNT:

Công tác quản lý, khai thác, bảo trì đường GTNT là công tác bảo đảm cho các phương tiện giao thông hoạt động bình thường như khi mới được đầu tư, có tầm quan trọng ngang hàng với công tác xây dựng, cải tạo, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và tiết kiệm nguồn lực cho xã hội. Cần thiết phải nâng cao nhận thức và thiết lập thói quen bảo trì đường GTNT, trước hết là cho các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức xã hội và người dân. Trong đó giữ vai trò, trách nhiệm chính là các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương.

Việc quản lý, khai thác, bảo trì phải được thực hiện ngay sau khi con đường được hoàn thành đưa vào sử dụng. Chi phí bảo trì sẽ tăng dần từ thấp đến cao theo tuổi thọ và khối lượng khai thác của con đường; việc bảo trì được phân ra nhiều loại theo khối lượng công việc thực hiện để bảo trì các tuyến đường; việc xây dựng kế hoạch bảo trì được thực hiện theo năm, được xác định từ số liệu thống kê khối lượng bảo trì - số km cần bảo trì, tình trạng đường và định mức bảo trì tương ứng.

Nguồn vốn bảo trì do Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trích từ ngân sách của huyện, thị xã, thành phố và huy động sự đóng góp từ người dân; sử dụng ngân sách xã; hỗ trợ của ngân sách tỉnh; vận động đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp.

III. CÁC GIẢI PHÁP VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH:

1. Về vốn đầu tư:

1.1. Cơ cấu vốn đầu tư:

- Đối với kiên cố mặt đường liên xã, đường từ xã xuống thôn, đường liên thôn bản bề rộng mặt đường Bm = 3,0m và Bm = 3,5m:

+ Nguồn vốn Vay ưu đãi của Ngân hàng phát triển Việt Nam, vốn ngân sách địa phương, vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho địa phương thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ - CP và các nguồn vốn hỗ trợ GTNT hợp pháp khác: Nhà nước hỗ trợ vật liệu chính, cán bộ kỹ thuật, chi phí khảo sát, thiết kế. Tổng mức hỗ trợ bằng 50% của Tổng dự toán lập theo XDCB đối với các phường, thị trấn và bằng 60% của Tổng dự toán lập theo XDCB đối với các xã còn lại.

+ Vốn nhân dân tự nguyện đóng góp: đào, đắp, san tạo nền đường, lao động thủ công, khai thác vật liệu xây dựng tại chỗ và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân. Tổng mức đóng góp, huy động bằng 50% của Tổng dự toán lập theo XDCB đối với các phường, thị trấn và bằng 40% của Tổng dự toán lập theo XDCB đối với các xã còn lại.

(Tổng mức đầu tư, tổng dự toán được lập theo quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng).

- Đối với đường mở mới liên thôn, bản với bề rộng nền đường Bn = 2,5m hoặc nền đường Bn = 3,5m. Nguồn vốn Ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo cơ chế đặc thù tối đa 50 triệu đồng/1km đối với tuyến đường có Bn = 2,5m và tối đa 70 triệu đồng/1km đối với tuyến đường có bề rộng Bn = 3,5m (Trong đó đã bao gồm hỗ trợ 1 triệu đồng/1km cho chi phí lập hồ sơ, in ấn tài liệu, quản lý thi công).

- Đối với các tuyến đường hiện tại đã có nền cũ nâng cấp lên nền đường có bề rộng Bn = 2,5m hoặc Bn = 3,5m, Nhà nước hỗ trợ theo tỷ lệ tương ứng.

* Phương án bố trí vốn:

Nguồn vốn Vay ưu đãi của Ngân hàng phát triển Việt Nam, vốn ngân sách địa phương, vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho địa phương thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ - CP và các nguồn vốn hỗ trợ GTNT hợp pháp khác trung bình mỗi năm bố trí 67,75 tỷ đồng/1năm, bao gồm:

- Kiên cố được 100 km/1năm (Giai đoạn 2012 – 2015 kiên cố được 400 km) tổng kinh phí là 60,3 tỷ đồng/1 năm.

- Mở mới được 125 km/ 1năm (Giai đoạn 2012 – 2015 mở mới được 500 km) tổng kinh phí là 7,45 tỷ đồng/1 năm.

1.2. Cơ chế, chính sách:

- Phương châm đầu tư: Kinh phí thực hiện kiên cố mặt đường giao thông nông thôn bao gồm hỗ trợ của Nhà nước và nhân dân tự nguyện đóng góp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, công khai, minh bạch. Nhà nước khuyến khích các địa phương huy động mọi nguồn lực và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án phát triển giao thông nông thôn.

1.3. Về cơ chế hỗ trợ và huy động:

- Về nguyên tắc: Tùy từng điều kiện cụ thể của địa phương và tùy tính chất của từng dự án mà cấp có thẩm quyền quyết định huy động cho phù hợp với nguyên tắc huy động mọi nguồn lực để đầu tư (gồm: Nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, vốn đóng góp của nhân dân, của doanh nghiệp và tổ chức).

Khoản huy động đóng góp của nhân dân (gồm: vốn đóng góp của nhân dân, vốn đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức) phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện.

- Về cơ chế huy động:

+ Đối với các dự án thuộc các phường và thị trấn: Nhà nước hỗ trợ tối đa 50% của Tổng dự toán lập theo dự toán XDCB; phần còn lại vận động nhân dân tự nguyện đóng góp.

+ Đối với các dự án thuộc các xã còn lại: Nhà nước hỗ trợ tối đa 60% của Tổng dự toán lập theo dự toán XDCB; phần còn lại vận động nhân dân tự nguyện đóng góp.

+ Đối với địa bàn có doanh nghiệp, tổ chức (nhất là các doanh nghiệp khai thác, chế biến, tiêu thụ khoáng sản ) sử dụng phương tiện vận tải lưu thông trên tuyến đường dân đóng góp đầu tư, có trách nhiệm đóng góp để thực hiện dự án, khoản đóng góp này được tính vào phần đóng góp của dân.

+ Các huyện, thị xã, thành phố nếu có điều kiện, có thể hỗ trợ thêm kinh phí để giảm phần đóng góp của người dân.

+ Đối với các địa phương đang hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, thì được áp dụng chính sách có mức hỗ trợ cao nhất.

2. Thủ tục đầu tư và thanh, quyết toán:

2.1. Lập thủ tục đầu tư:

- Trên cơ sở các tuyến liên xã, đường từ xã xuống thôn, đường liên thôn bản mà các tổ nhân dân, thôn, xóm, bản đề nghị được đầu tư kiên cố mặt đường, Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tiến hành kiểm tra, xác minh cụ thể và lập danh mục cần đầu tư gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã.

- Sau khi nhận được kế hoạch đầu tư của UBND các xã, phường, thị trấn UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thẩm định, lập danh sách gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định danh mục đầu tư và phân bổ kế hoạch vốn.

2.2. Thanh, quyết toán:

Sau khi hoàn thành thi công công trình, công tác thanh, quyết toán được thực hiện như sau:

- Thanh, quyết toán khối lượng sản phẩm hoàn thành: xã, phường, thị trấn tổng hợp lập báo cáo gửi huyện, thành phố, thị xã và huyện, thành phố, thị xã thanh, quyết toán với tỉnh theo quy định của Nhà nước.

- Thanh, quyết toán các khoản đóng góp của nhân dân: do tổ nhân dân, thôn, xóm, bản thực hiện đảm bảo công khai đầy đủ rõ ràng cho nhân dân ngay sau khi tuyến đường hoàn thành.

IV. GIẢI PHÁP ỨNG DỤNG KHOA HỌC – CÔNG NGHỆ MỚI VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG:

- Khuyến khích ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới vào lĩnh vực đầu tư phát triển giao thông nông thôn.

- Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và khai thác.

- Khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh áp dụng các tiến bộ khoa học, đầu tư mua sắm các thiết bị máy móc thi công thế hệ mới, kèm theo việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại. Ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp nhập và sử dụng công nghệ gây ô nhiễm môi trường.

V. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC:

Xây dựng bộ máy quản lý đủ mạnh: Đào tạo tập huấn cho các cán bộ quản lý về giao thông vận tải ở các phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, phòng Quản lý đô thị của thành phố, thị xã và cán bộ chuyên trách giao thông xã. Nghiên cứu đề xuất phương án tổ chức lực lượng thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn cũng như phương thức quản lý duy tu đường huyện, đường xã.

VI. GIẢI PHÁP MÔI TRƯỜNG:

Việc phát triển các tuyến đường giao thông sẽ có ảnh hưởng tới môi trường. Việc lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật cần phải được xem xét kỹ để giảm thiểu tác động tới môi trường tự nhiên, để hạn chế ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường do quá trình thi công gây ra. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn có các tác động có hại đến môi trường sinh thái do việc xây dựng mới và cải tạo các tuyến đường GTNT, cần phải có giải pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường.

VII. NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG QUẢN LÝ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN GTNT:

- Sở GTVT có trách nhiệm tham mưu với UBND tỉnh công tác quản lý chung về phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh, trong việc triển khai xây dựng các công trình, thực hiện hiện đề án phù hợp với quy hoạch. Đồng thời chịu trách nhiệm thực hiện chức năng đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho cấp huyện, thị xã, thành phố.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh kế hoạch thực hiện, cơ chế, phân bổ, quản lý các nguồn vốn đầu tư phát triển GTNT.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm trực tiếp quản lý việc xây dựng, bảo trì các tuyến đường GTNT, hỗ trợ kỹ thuật cho các xã; tổng hợp, báo cáo số liệu hệ thống đường GTNT hàng năm với UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở GTVT. Cấp huyện, thị xã, thành phố cần hình thành lực lượng cán bộ chuyên trách thuộc Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng quản lý đô thị giúp UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác quản lý GTNT tại địa phương; lực lượng cán bộ được bố trí ít nhất một cán bộ có trình độ đại học và một số cán bộ khác có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành GTVT.

- UBND các xã, phường, thị trấn và tổ nhân dân, thôn, xóm, bản có trách nhiệm quản lý đường GTNT; tổ chức vận động sự đóng góp của người dân tham gia xây dựng, bảo trì đường xã và đường thôn bản. Mỗi xã cần bố trí cán bộ chuyên trách riêng để thực hiện nhiệm vụ quản lý GTNT.

VIII. PHÂN KỲ ĐẦU TƯ:

Trên cơ sở nguồn vốn đầu tư của tỉnh, Uỷ ban nhân dân các Huyện, thị xã, thành phố lập danh mục các dự án, kế hoạch cần đầu tư theo nguyên tắc sau:

1. Danh mục các công trình đăng ký phải phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông nông thôn miền núi tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010-2020 đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1243/QĐ-UBND ngày 04/8/2010.

2. Ưu tiên các dự án không vướng mắc giải phóng mặt bằng.

3. Ưu tiên các xã có phương án tổ chức, quản lý thi công tốt.

4. Ưu tiên đầu tư gọn cả tuyến đường để nâng cao hiệu quả đầu tư.

5. Phù hợp với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đối với các xã làm điểm.

6. Ưu tiên đầu tư đối với các xã trọng điểm phát triển KTXH, lưu thông hàng hoá cao, địa điểm khu vực trọng yếu về an ninh quốc phòng.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Ở cấp tỉnh: Trưởng ban là đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực XDCB; Thành viên gồm Giám đốc các Sở: Kế hoạch và đầu tư; Tài chính; Giao thông Vận tải; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường, thường trực là Sở Giao thông vận tải. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ:

+ Giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án.

+ Hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra thực hiện Đề án trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

+ Sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án từng năm trên địa bàn tỉnh.

2. Ở cấp huyện, thành phố, thị xã: Trưởng ban là đồng chí Chủ tịch UBND; Thành viên gồm lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn: Thường trực là phòng Kinh tế - hạ tầng của Huyện, phòng Quản lý đô thị của Thành phố, thị xã. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ:

+ Giúp UBND huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn.

+ Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án từng năm trên địa bàn.

3. Ở cấp xã, phường, thị trấn: Do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, phường hoặc Chủ tịch xã, phường, thị trấn (tuỳ theo từng địa phương) làm trưởng Ban, thành viên là đại diện các đoàn thể chính trị và các bộ phận chuyên môn (cơ cấu, số lượng thành viên do xã, phường, thị trấn quyết định). Ban chỉ đạo có nhiệm vụ: triển khai, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác kiên cố hoá mặt đường GTNT trên địa bàn; phổ biến, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án.

II. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN CÁC CẤP:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Trên cơ sở tờ trình danh mục các tuyến đường cần được kiên cố hoá mặt đường, các tuyến đường thôn bản cần mở mới của từng huyện, thành phố, thị xã, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định danh mục, nguồn kinh phí đầu tư cho từng huyện, thành phố, thị xã.

2. Sở Tài chính:

- Chủ trì thực hiện hướng dẫn thanh, quyết toán đồng thời kiểm tra, giám sát, thanh, quyết toán kinh phí do tỉnh hỗ trợ theo quy định hiện hành.

- Bố trí Cán bộ tập huấn, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố về công tác thanh quyết toán xây dựng công trình.

3. Sở Giao thông vận tải:

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án. Tổng hợp số liệu báo cáo Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Có trách nhiệm bố trí cán bộ tập huấn kỹ thuật, quản lý thi công cho cán bộ cấp huyện, thị xã, thành phố.

4. Các sở, ban, ngành có liên quan: Sở Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kho bạc Nhà nước.... căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình biên soạn tài liệu hướng dẫn chế độ chính sách có liên quan, kiểm tra, giám sát công tác thanh, quyết toán theo quy định.

5. Uỷ ban mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể nhân dân: Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các ngành để tổ chức phổ biến, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án này; tham gia tích cực việc giám sát cộng đồng đối với các hoạt động xây dựng phát triển hạ tầng giao thông nông thôn.

6. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Trên cơ sở báo cáo nhu cầu các tuyến đường giao thông nông thôn của các xã, phường, thị trấn cần được kiên cố hoá mặt đường, các tuyến đường liên thôn bản cần mở mới, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ của huyện, thành phố, thị xã lập danh mục các dự án cần đầu tư hàng năm.

- Khi có kế hoạch giao chỉ tiêu vốn của UBND tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện, thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật theo đúng quy định phân cấp của UBND tỉnh.

- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện quản lý kinh phí hỗ trợ và chất lượng công trình; nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành được đầu tư theo đúng quy định và kịp thời.

- Tổ chức quyết toán các nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ với cơ quan chức năng của tỉnh; định kỳ báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Phối hợp với các Sở có liên quan tổ chức tập huấn, quản lý thi công, thanh quyết toán công trình.

7. Trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn:

- Tổ chức họp dân và lập văn bản đề nghị xây dựng các tuyến đường, phối hợp với đơn vị Tư vấn thực hiện công tác lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đảm bảo đúng mục tiêu, hiệu quả.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển đường giao thông nông thôn; quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng các tuyến đường và các công trình trên địa bàn được giao quản lý.

- Chủ trì triển khai, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và quản lý mọi mặt công tác phát triển đường giao thông nông thôn và mở mới các tuyến đường thôn bản trên địa bàn.

- Báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã về tình hình triển khai và kết quả thực hiện phát triển đường giao thông nông thôn và mở mới các tuyến đường thôn bản.

- Tổ chức nghiệm thu bàn giao các tuyến đường đã xây dựng xong cho tổ nhân dân, thôn, xóm, bản, sử dụng và bảo trì; quyết toán nguồn kinh phí được tỉnh hỗ trợ với UBND các huyện, thành phố, thị xã khi được phân cấp.

8. Trách nhiệm của tổ nhân dân, thôn, xóm, bản:

- Cùng với UBND các xã, phường thị trấn tổ chức họp dân và lập văn bản đề nghị xây dựng các tuyến đường, phối hợp với đơn vị Tư vấn thực hiện công tác lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đảm bảo đúng mục tiêu, hiệu quả.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về phát triển đường giao thông nông thôn, tự nguyện đóng góp, tham gia thi công, quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng các tuyến đường và các công trình trên địa bàn./.