Quyết định 22/2011/QĐ-UBND về Quy định chính sách hỗ trợ học nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
Số hiệu: | 22/2011/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Đà Nẵng | Người ký: | Trần Văn Minh |
Ngày ban hành: | 22/08/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Lao động, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2011/QĐ-UBND |
Đà Nẵng, ngà 22 tháng 8 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ HỌC NGHỀ, CHUYỂN ĐỔI NGÀNH NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật dạy nghề số 76/2006/QH 11 ngày 29 tháng 4 năm 2006;
Triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy định chính sách hỗ trợ học nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định nêu trên.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ HỌC NGHỀ, CHUYỂN ĐỔI NGÀNH NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này điều chỉnh về đối tượng, chính sách hỗ trợ, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc thực hiện hỗ trợ lao động nông nghiệp, nông thôn học nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2: Đối tượng điều chỉnh
Lao động nông nghiệp, nông thôn thuộc huyện Hòa Vang và các quận trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có lao động sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp (nông nghiệp), bao gồm các nhóm với thứ tự ưu tiên như sau:
1. Nhóm 1: Lao động nông nghiệp, nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, người khuyết tật.
2. Nhóm 2: Lao động nông nghiệp, nông thôn thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo.
3. Nhóm 3: Lao động nông nghiệp, nông thôn khác.
Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ
- Mỗi lao động là đối tượng của Chính sách chỉ được hỗ trợ học nghề một lần để giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề.
- Việc hỗ trợ kinh phí dạy nghề thông qua cơ sở dạy nghề thuộc mọi thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, có đăng ký hoạt động dạy nghề và được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề theo quy định hiện hành của Nhà nước, được thành phố lựa chọn tham gia dạy nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn hoặc doanh nghiệp đăng ký tiếp nhận lao động nông nghiệp, nông thôn vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
- Trong trường hợp lao động là đối tượng của Quyết định được hưởng chính sách hỗ trợ học nghề của nhiều chương trình thì được hưởng chính sách hỗ trợ thuộc chương trình nào có mức hỗ trợ cao nhất; trường hợp lao động là đối tượng của Quyết định được hưởng chính sách hỗ trợ bằng nguồn kinh phí Trung ương thì hưởng chính sách hỗ trợ bằng nguồn kinh phí Trung ương.
- Những người đã được hỗ trợ học nghề nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì được Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ học nghề theo chính sách này để chuyển đổi việc làm nhưng tối đa không quá 03 lần.
Điều 4. Nghề đào tạo và mức hỗ trợ
Theo danh mục và mức hỗ trợ học nghề miễn phí do UBND thành phố quy định tại Quyết định ban hành Quy định chính sách hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Chương II
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
Điều 5. Hỗ trợ học nghề
1. Hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề)
Lao động nông nghiệp, nông thôn có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng, trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề để giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề, đủ điều kiện xét tuyển vào các khóa học nghề trình độ sơ cấp, bao gồm các đối tượng theo thứ tự ưu tiên và mức hỗ trợ như sau:
- Nhóm 1: Được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người (mức tối đa không quá 450.000 đồng/người/tháng); hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên;
- Nhóm 2: Được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học;
- Nhóm 3: Được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học.
2. Hỗ trợ học nghề dài hạn (trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề)
- Lao động nông nghiệp, nông thôn học nghề dài hạn được vay để học theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Lao động nông thôn làm việc ổn định ở nông thôn, sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay để học nghề. Nội dung này được thực hiện từ nguồn vốn vay ưu đãi cho học sinh, sinh viên theo quy định.
- Lao động nông nghiệp, nông thôn là người dân tộc thiểu số thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo tham gia học trung cấp nghề, cao đẳng nghề được hưởng chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú.
Điều 6. Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm
- Lao động nông nghiệp, nông thôn sau khi học nghề nếu có nhu cầu được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để tự tạo việc làm;
- Lao động nông nghiệp, nông thôn sau khi học nghề được các ngành, đoàn thể, cơ sở dạy nghề hỗ trợ tiếp cận các doanh nghiệp để tìm việc làm phù hợp.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Nguồn kinh phí hỗ trợ
Từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn vận động tài trợ hợp pháp.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch hàng năm trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kinh phí để triển khai thực hiện.
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các ngành, địa phương, các cơ sở dạy nghề chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm cho lao động là đối tượng của Quyết định.
3. Đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố danh sách các cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề miễn phí theo chính sách của thành phố.
4. Chủ trì, phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương tổ chức các hoạt động giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho người lao động nông nghiệp, nông thôn tiếp cận với các doanh nghiệp sau khi học nghề để tìm việc làm phù hợp;
5. Phối hợp với Sở Ngoại vụ, các ngành liên quan và các địa phương vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho lao động là đối tượng của Quyết định.
6. Phối hợp với các ngành, địa phương, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất, Ban Quản lý các Dự án đền bù giải tỏa, Ban quản lý Khu Công nghệ cao vận động các doanh nghiệp được giao đất tại các địa phương có lao động nông nghiệp, nông thôn ưu tiên tiếp nhận lao động là đối tượng của Quyết định đủ điều kiện vào làm việc tại doanh nghiệp.
Điều 9. Trách nhiệm của Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố cân đối, bố trí nguồn vốn để thực hiện chương trình.
Điều 10. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí dạy nghề miễn phí hàng năm cho lao động nông nghiệp, nông thôn theo đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 11. Trách nhiệm của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Đà Nẵng
Cho vay đối với lao động nông nghiệp, nông thôn có nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm sau khi học nghề từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể đẩy mạnh các chương trình khuyến nông, lâm, ngư; tăng cường chuyển giao kỹ thuật, mở các lớp huấn luyện kỹ thuật nuôi trồng sinh vật cảnh, dạy nghề ngắn hạn cho nông dân.
Điều 14. Trách nhiệm của Sở Ngoại vụ
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan và các địa phương vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho lao động là đối tượng của Quyết định.
Điều 15. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ người lao động trong Quyết định này, vận động người lao động là đối tượng của Quyết định tham gia học nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề.
Điều 16. Trách nhiệm của Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất, Ban quản lý các Dự án giải tỏa đền bù, Ban quản lý Khu Công nghệ cao
Vận động doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp và Chế xuất, khu Công nghệ cao tại Đà Nẵng và doanh nghiệp được giao đất tại các địa phương có lao động nông nghiệp, nông thôn tiếp nhận lao động là đối tượng của Quyết định vào làm việc.
Điều 17. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các quận, huyện
1. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các đối tượng của Quyết định hàng năm và 05 năm để phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
2. Tuyên truyền, phổ biến trong cộng đồng dân cư về các chính sách hỗ trợ của thành phố, đồng thời vận động lao động nông nghiệp, nông thôn tham gia học nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm.
Điều 18. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố trong phạm vi hoạt động của mình vận động các tổ chức, cá nhân tham gia giúp đỡ các hộ gia đình có lao động nông nghiệp, nông thôn khó khăn về việc làm và đời sống nhanh chóng ổn định cuộc sống; đồng thời, hướng dẫn đoàn viên, hội viên tham gia học nghề, chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm.
Điều 19. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, tổ chức triển khai thực hiện Quyết định; định kỳ 6 tháng (ngày 10/7) và hàng năm (ngày 10/01 năm sau) đánh giá kết quả thực hiện; gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Quyết định 1956/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” Ban hành: 27/11/2009 | Cập nhật: 04/12/2009