Nghị quyết 37/2011/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi - thú y trên địa bàn giai đoạn 2012 - 2015
Số hiệu: 37/2011/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang Người ký: Thân Văn Khoa
Ngày ban hành: 09/12/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2011/NQ-HĐND

Bắc Giang, ngày 09 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI - THÚ Y TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
KHOÁ XVII - KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004; Pháp lệnh Giống vật nuôi ngày 24 tháng 3 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước; Nghị định số 02/2010/NĐ- CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông;

Căn cứ Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020; Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ- TTg ngày 05/6/2008;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 148/2007/TTLT-BTC-BNN&PTNT ngày 13/12/2007 của liên Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn chế độ đặt hàng sản xuất và cung ứng sản phẩm giống gốc vật nuôi; Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 của liên Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông;

Xét Tờ trình số 76/TTr-UBND ngày 30/11/2011 của UBND tỉnh về việc Quy định mức hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi - thú y trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2012-2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định mức hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi - thú y trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2012-2015.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 đến hết ngày 31/12/2015.

Điều 3. Giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể nhân dân tăng cường giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết được HĐND tỉnh Bắc Giang khoá VXII, kỳ họp thứ 3 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Thân Văn Khoa

 

QUY ĐỊNH

MỨC HỖ TRỢ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI - THÚ Y TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2012-2015
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 của HĐND tỉnh Bắc Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng được hỗ trợ

1. Các tổ chức, hộ gia đình, chủ trang trại (sau đây gọi tắt là chủ hộ chăn nuôi) đầu tư sản xuất và cung ứng sản phẩm giống gốc vật nuôi; chương trình nạc hoá đàn lợn; chương trình zebu hoá đàn bò; phát triển trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; tham gia công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm hàng năm; tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

2. Không hỗ trợ cho các chủ hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp; các chủ hộ chăn nuôi đã nhận kinh phí hỗ trợ của các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư khác của Nhà nước và của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

3. Các đối tượng nêu tại Khoản 1 Điều này, ngoài việc được hưởng các chính sách tại Quy định này còn được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Điều kiện được hỗ trợ

1. Nằm trong quy hoạch, kế hoạch hỗ trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

2. Chất lượng con giống phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn cấp giống theo quy định, có nguồn gốc rõ ràng; nằm trong danh mục chủng loại, con giống được hỗ trợ do Sở Nông nghiệp & PTNT thông báo hàng năm;

3. Sản xuất kinh doanh phải đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm;

4. Phải có đầy đủ hồ sơ, thủ tục thanh toán theo quy định.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Hỗ trợ sản xuất và cung ứng sản phẩm giống gốc vật nuôi

Hàng năm ngân sách nhà nước bố trí một khoản kinh phí để hỗ trợ sản xuất và cung ứng sản phẩm giống gốc vật nuôi theo Thông tư liên tịch số 148/2007/TTLT/ BTC- BNN&PTNT ngày 13/12/2007 của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn chế độ đặt hàng sản xuất và cung ứng sản phẩm giống gốc vật nuôi.

Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đơn vị nhận đặt hàng và đơn giá trợ cấp cho sản phẩm đặt hàng được thanh toán hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Điều 4. Hỗ trợ chương trình nạc hoá đàn lợn

1. Các cơ sở thụ tinh nhân tạo trên địa bàn tỉnh, khi mua mới (hoặc mua thay thế) lợn đực giống ngoại chất lượng cao về để sản xuất thụ tinh nhân tạo được hỗ trợ 20.000.000 đồng/con lợn đực giống. Hỗ trợ được chia làm 02 đợt: Đợt 1 hỗ trợ 50% khi mua về và đợt 2 hỗ trợ 50% sau khi nuôi đủ một năm (12 tháng).

2. Hộ chăn nuôi lợn nái ngoại hậu bị (cấp bố, mẹ), khi mua mới lần đầu (không hỗ trợ mua thay thế) đảm bảo quy mô đàn có từ 10 con lợn nái sinh sản trở lên thì được hỗ trợ kinh phí:

a) Hỗ trợ 1.500.000 đồng/con (trọng lượng khi mua về nhập chuồng phải từ 40kg/con trở lên). Hỗ trợ được chia làm 02 đợt: Đợt 1 hỗ trợ 50% khi mua về và đợt

2 hỗ trợ 50% sau khi nuôi đủ một năm (tương đương một lứa đẻ). Tổng kinh phí hỗ trợ không được vượt quá 30.000.000 đồng/hộ;

b) Hỗ trợ kinh phí khi tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi do các cơ quan chuyên môn tổ chức.

3. Hộ chăn nuôi lợn nái lai hậu bị (có 50% máu ngoại trở lên), khi mua mới hoặc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất (không hỗ trợ mua thay thế) đảm bảo quy mô đàn có từ 5 con lợn nái sinh sản trở lên thì được hỗ trợ kinh phí:

a) Hỗ trợ 1.000.000 đồng/con (trọng lượng khi mua về nhập chuồng phải từ 18kg/con trở lên). Kinh phí hỗ trợ được thanh toán một lần sau khi đã nuôi đủ 1 năm (tương đương một lứa đẻ). Tổng kinh phí hỗ trợ không được vượt quá 10.000.000 đồng/hộ;

b) Hỗ trợ kinh phí khi tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi do các cơ quan chuyên môn tổ chức.

4. Các nội dung hỗ trợ quy định tại Điểm a, Khoản 2 và Điểm a, Khoản 3 Điều này chỉ hỗ trợ cho mỗi chủ hộ chăn nuôi một lần cho cả giai đoạn 2012 - 2015.

Điều 5. Hỗ trợ chương trình Zêbu hoá đàn bò

1. Hỗ trợ mua bò đực giống lai: Hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh khi mua bò đực lai (có 50% máu Zêbu trở lên) để phối giống trực tiếp với bò cái thì được hỗ trợ kinh phí:

a) Các hộ thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, được hỗ trợ 15 triệu đồng/con bò đực giống;

b) Các hộ thuộc địa bàn còn lại được hỗ trợ 7,5 triệu đồng/con bò đực giống.

2. Hỗ trợ thụ tinh nhân tạo (TTNT): 10.000 đồng/liều tinh bò khi phối giống cho bò cái trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo dẫn tinh viên TTNT cho bò.

4. Các nội dung hỗ trợ quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này, mỗi đối tượng chỉ được nhận hỗ trợ một lần cho cả giai đoạn 2012 - 2015.

Điều 6. Hỗ trợ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung

1. Các chủ hộ chăn nuôi đầu tư xây dựng mới trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, đảm bảo các tiêu chí và quy định hiện hành của Nhà nước về trang trại, được ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư kinh phí theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Nội dung và mức hỗ trợ:

a) Đối với trang trại chăn nuôi lợn ngoại: Ngoài việc được hỗ trợ kinh phí theo qui định tại Khoản 2 Điều 4 của Quy định này, chủ trang trại còn được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền để đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, với các mức:

Trang trại có qui mô thường xuyên từ 50 con đến dưới 100 con nái ngoại sinh sản hoặc từ 300 con đến dưới 500 con lợn thịt ngoại được hỗ trợ 50.000.000 đồng/trang trại.

Trang trại có qui mô thường xuyên từ 100 con nái ngoại sinh sản trở lên hoặc từ 500 con lợn thịt ngoại trở lên được hỗ trợ 100.000.000 đồng/trang trại.

b) Đối với trang trại chăn nuôi gia cầm: Chủ trang trại được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền để đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, với các mức:

Trang trại có qui mô thường xuyên từ 2.000 đến dưới 4.000 gà đẻ hoặc từ 5.000 đến dưới 10.000 gà thịt được hỗ trợ 25.000.000 đồng/trang trại.

Trang trại có qui mô thường xuyên từ 4.000 gà đẻ trở lên hoặc từ 10.000 gà thịt trở lên được hỗ trợ 50.000.000 đồng/trang trại.

Trang trại chăn nuôi ngan và vịt có qui mô như quy mô của trang trại chăn nuôi gà được hỗ trợ theo mức bằng 50% mức hỗ trợ cho trang trại chăn nuôi gà.

Điều 7. Hỗ trợ cho công tác tiêm phòng hàng năm

1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho công tác tiêm phòng hàng năm đối với các bệnh lở mồm long móng ở gia súc, tai xanh và dịch tả ở lợn, bệnh cúm gia cầm (trừ những hộ nghèo đã thuộc đối tượng hỗ trợ vắc xin tiêm phòng gia súc, gia cầm theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo). Đối tượng tiêm phòng được hỗ trợ cụ thể như sau:

a) Đối với tiêm phòng bệnh lở mồm long móng: Là những hộ chăn nuôi gia súc có quy mô đàn dưới 20 con/hộ ở những vùng có nguy cơ phát dịch do Sở Nông nghiệp & PTNT xác định;

b) Đối với tiêm phòng bệnh tai xanh và dịch tả: Hỗ trợ tiêm phòng cho đàn lợn nái và đực giống của những hộ chăn nuôi có quy mô đàn dưới 20 con/hộ (kể cả lợn đực và lợn nái) trên địa bàn toàn tỉnh;

c) Đối với tiêm phòng bệnh cúm gia cầm: Là những hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô đàn dưới 1.000 con/hộ thuộc địa bàn toàn tỉnh.

2. Nội dung và mức hỗ trợ gồm:

a) Hỗ trợ 60% tiền vắc xin tiêm phòng, 40% tiền vắc xin tiêm phòng thu của chủ hộ chăn nuôi. Riêng đối với hộ nghèo được hỗ trợ 100% tiền vắc xin tiêm phòng;

b) Hỗ trợ 100% chi phí mua hoá chất khử trùng tiêu độc;

3. Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch tiêm phòng để làm căn cứ tổ chức thực hiện.

Điều 8. Hỗ trợ kinh phí khi có dịch bệnh xẩy ra

1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm trong các trường hợp khi có dịch xẩy ra được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố dịch, bao gồm:

a) Hỗ trợ 60% tiền vắc xin tiêm phòng để tiêm cho những con gia súc, gia cầm trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp; 40% tiền vắc xin tiêm phòng thu của chủ hộ chăn nuôi. Riêng đối với hộ nghèo được hỗ trợ 100% tiền vắc xin tiêm phòng;

b) Hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia tiêm phòng vắc xin theo mức quy định tại Khoản 2, Điều 1 của Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2008 về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm;

c) Hỗ trợ trực tiếp cho các chủ hộ chăn nuôi có gia súc, gia cầm phải tiêu huỷ bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2008;

d) Chi khác cho công tác phòng, chống dịch (ngoài các nội dung nêu trên) thực hiện theo quy định tại Điểm b, c, đ, Khoản 2, Điều 1 Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Khoản 3, Điều 1 của Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2008.

2. Hàng năm, ngân sách nhà nước bố trí một khoản kinh phí trong dự toán ngân sách để chi cho công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm khi có những ổ dịch nhỏ, lẻ xẩy ra.

Điều 9. Chi quản lý các nội dung, chương trình hỗ trợ

Đơn vị triển khai thực hiện các nội dung, chương trình hỗ trợ nạc hoá đàn lợn (Điều 4), Zêbu hoá đàn bò (Điều 5), phát triển trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung (Điều 6), được chi không quá 3% dự toán kinh phí của từng nội dung, chương trình hỗ trợ để chi công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, chi khác (nếu có).

Điều 10. Nguồn kinh phí hỗ trợ

1. Nguồn ngân sách tỉnh đảm bảo 100% đối với các nội dung chi hỗ trợ quy định tại các Điều 3, 4, 5, 6, Điểm b, Khoản 2 Điều 7, Điểm c, Khoản 1 Điều 8, Khoản 2 Điều 8 và Điều 9; đảm bảo 50% đối với các nội dung chi hỗ trợ quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều 7, Điểm a, Khoản 1 Điều 8; các nội dung chi phát sinh thuộc cấp mình quy định tại Điểm d, Khoản 1 Điều 8.

2. Nguồn ngân sách huyện, thành phố đảm bảo 100% đối với các nội dung chi hỗ trợ quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 8; 50% đối với các nội dung chi hỗ trợ quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều 7, Điểm a, Khoản 1 Điều 8; các nội dung chi phát sinh thuộc cấp mình quy định tại Điểm d, Khoản 1 Điều 8.

3. Nguồn ngân sách xã, phường, thị trấn đảm bảo các nội dung chi thuộc ngân sách cấp mình quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 8./.

 





Nghị định 60/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước Ban hành: 06/06/2003 | Cập nhật: 06/12/2012