Quyết định 134/2016/QĐ-UBND Quy định về chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020
Số hiệu: 134/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai Người ký: Đặng Xuân Phong
Ngày ban hành: 20/12/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 134/2016/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 20 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2016-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013.

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Căn cứ Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 86/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh Lào Cai về chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lào Cai tại Tờ trình số 274/TTr-GTVT ngày 19/12/2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020.

Điều 2. Giám đốc Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT và các sở ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 và thay thế Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND ngày 30/7/2013 của UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quy định về đầu tư xây dựng công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH





Đặng Xuân Phong

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 134/2016/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Lào Cai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định về chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai (đường giao thông nông thôn trong quy định này gồm các loại đường: Đường từ xã tới các thôn bản hoặc đường nối liền các thôn, bản; đường trục thôn xóm; đường trục chính nội đồng; đường ngõ, xóm).

2. Đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến quản lý, hoạt động đầu tư xây dựng đường Giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Chương II

QUY MÔ, TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT XÂY DỰNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN

Điều 2. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng đường Giao thông nông thôn

Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25/12/2014 của Bộ GTVT “Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020” và thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

1. Đường mở mới.

a) Đường từ xã tới các thôn, bản; đường nối liền các thôn, bản theo quy mô đường cấp A hoặc cấp B có chiều rộng nền đường tối thiểu 4,0m (không kể rãnh dọc); độ dốc dọc tối đa 13% (những đoạn địa hình khó khăn châm trước độ dốc dọc dọc tối đa 15%). Những đoạn tuyến có địa chất là đá, vách ta luy cao hơn 5m, chiều rộng nền đường châm trước tối thiểu là 3,0m; tạo dốc mặt đường để thoát nước mặt.

b) Đường trục thôn xóm, đường trục chính nội đồng theo quy mô đường cấp B hoặc cấp C chiều rộng nền đường tối thiểu là 3,0m (không kể rãnh dọc).

c) Đường ngõ, xóm xây dựng theo quy mô đường cấp C hoặc cấp D, có chiều rộng nền đường tối thiểu 2,0m (không kể rãnh dọc).

d) Hướng tuyến: Điểm đầu các tuyến đường phải nối với đường bộ đã có. Điểm cuối đến các thôn, bản, khu dân cư hoặc kết nối vào tuyến đường khác.

2. Mặt bê tông xi măng hoặc đá dăm láng nhựa.

Đối với đường cấp A, B phải đảm bảo các yêu cầu chủ yếu sau:

- Móng đường: Tùy theo tình hình địa chất nền đường để thiết kế lớp móng bằng các vật liệu như: Đá dăm, cấp phối đá dăm, cấp phối sỏi suối... Yêu cầu lớp móng phải đảm bảo độ chặt theo quy định; chiều dày lớp móng sau lu lèn đạt tối thiểu 12cm.

- Mặt đường bê tông xi măng: Mác 200, chiều dày tối thiểu là 16cm; chiều rộng mặt đường cấp A và B tối thiểu 3,0m (đối với nền đường 4m) và 3,5m (đối với nền đường 5m). Trường hợp khó khăn (địa hình, địa chất) mặt đường thiết kế nhỏ hơn thì phải được UBND cấp huyện, thành phố chấp thuận trước khi triển khai.

- Mặt đường đá dăm láng nhựa: Mặt đường rộng tối thiểu 3,0m, lớp móng cấp phối dày tối thiểu là 12cm, lớp mặt đá dăm láng nhựa dày 12cm trở lên, tiêu chuẩn nhựa 3kg/m2.

3. Mặt cấp phối chống trơn lầy.

a) Yêu cầu: Mặt đường đủ độ bằng phẳng, để xe đi lại êm thuận và không bị đọng nước. Vật liệu làm mặt đường phải đủ độ cứng, chịu được tác dụng của nước và sự thay đổi nhiệt độ. Chiều dày mặt đường đã lu lèn tối thiểu là 15cm. Vật liệu làm cấp phối là đá dăm, cấp phối đá dăm, cấp phối sỏi suối... Yêu cầu vật liệu phải đảm bảo cường độ, và các chỉ tiêu cơ lý khác theo quy định. Nên tận dụng vật liệu địa phương sẵn có như đá dăm, cấp phối sỏi suối, đá thải, xỉ lò... để làm lớp cấp phối chống trơn lầy.

b) Đường từ xã tới các thôn, bản; đường nối liền các thôn, bản (đường liên thôn) xây dựng theo quy mô đường cấp A hoặc cấp B, chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,0m (đối với nền đường 4m) và 3,5m (đối với nền đường 5m); chiều dày mặt đường đã lu lèn tối thiểu là 15cm.

c) Đường trục thôn, xóm, đường trục chính nội đồng xây dựng theo quy mô đường cấp B, cấp C (chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,0m); chiều dày mặt đường đã lu lèn tối thiểu là 15cm.

d) Đường ngõ xóm: Khuyến khích nhân dân xây dựng theo quy mô đường cấp C hoặc D: Có chiều rộng mặt đường tối thiểu 2,0m đối với cấp C và 1,5m đối với cấp D; chiều dày móng mặt đường đã lu lèn tối thiểu là 10cm.

4. Các công trình thoát nước trên đường. a) Cống thoát nước có khẩu độ ≤ 1,0m:

Thông thường dùng loại cống tròn bê tông cốt thép theo định hình có đường kính trong 0,5 m; 0,75 m và 1,0 m; chiều dài mỗi đốt cống 1,0m. Ngoài ra còn áp dụng các loại sau: Cống vòm đá xây, cống vòm gạch xây, cống bản bê tông cốt thép khẩu độ 0,5 m - 1,0 m.

b) Những vị trí có lưu lượng nước lớn, phải làm tràn, cầu hoặc cống khẩu độ > 1,0m, các huyện, thành phố lập dự án đầu tư theo quy định.

5. Các vị trí nút giao: Các góc giao nhau cần được vuốt tròn với bán kính tối thiểu là 10m (Hồ sơ thiết kế phải có bản vẽ chi tiết tại nút giao để nhân dân dễ thực hiện). Yêu cầu tại vị trí nút giao phải thiết kế đảm bảo an toàn, êm thuận và thoát nước tốt.

- Các tuyến đường cần bố trí đoạn mở rộng đường theo quy định, để xe ô tô ngược chiều có thể tránh nhau. Thông thường khoảng 500m nên bố trí một đoạn tránh xe; chiều rộng đoạn tránh xe mở rộng thêm từ 2÷3m; chiều dài đoạn tránh xe 10÷15 m kể cả đoạn vuốt nối; kết cấu mặt đoạn tránh xe có thể là mặt đất hoặc cùng kết cấu mặt đường.

- Phần khối lượng mặt đường tăng, do xử lý tại các nút giao và đoạn mở rộng đường để ô tô tránh nhau, được tính bổ sung kinh phí hỗ trợ theo định mức.

Chương III

CƠ CHẾ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ CHO XÂY DỰNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN

Điều 3. Hỗ trợ đầu tư cho mở mới đường GTNT

Hỗ trợ thực hiện công tác mở mới đường giao thông nông thôn gồm:

1. Ngân sách tỉnh quản lý hỗ trợ:

a) Hỗ trợ khoán gọn bình quân để mở mới, nâng cấp nền đường đối với các tuyến đường GTNT (trừ đường ngõ, xóm) với các mức như sau:

- Đối với đường mở mới (chưa có nền đường) mức hỗ trợ 120 triệu đồng/km;

- Đối với đường nâng cấp đã có nền đường có chiều rộng nền đường <4,0m nâng cấp đạt chiều rộng ≥ 4,0m: Mức hỗ trợ 80 triệu đồng/km.

b) Hỗ trợ khoán gọn tăng thêm thực hiện thi công phá đá mở nền đối với những đoạn đường mở mới, nâng cấp nền đường có địa chất là đá (thống kê theo lý trình của tuyến đường), như sau:

+ Đối với đoạn đường có khối lượng đá nhỏ hơn 1.000m3/km: Ngân sách tỉnh quản lý không hỗ trợ thêm kinh phí để thi công phá đá mở nền.

+ Đối với đoạn đường có khối lượng đá từ 1.000m3/km đến 2.500m3/km: Hỗ trợ khoán gọn tăng thêm 100 triệu đồng/km cho công tác phá đá;

+ Đối với đoạn đường có khối lượng đá từ 2.500m3/km đến 5.000m3/km: Hỗ trợ khoán gọn tăng thêm 200 triệu đồng/km cho công tác phá đá;

+ Đối với đoạn đường có khối lượng đá từ 5.000m3/km đến 7.500m3/km: Hỗ trợ khoán gọn tăng thêm 300 triệu đồng/km cho công tác phá đá;

+ Đối với đoạn đường có khối lượng đá từ 7.500m3/km đến 10.000m3/km: Hỗ trợ khoán gọn tăng thêm 400 triệu đồng/km cho công tác phá đá;

+ Đối với đoạn đường có khối lượng đá lớn hơn 10.000m3/km: Các huyện, thành phố nghiên cứu phương án chỉnh tuyến tránh vị trí đá, trường hợp không thể chỉnh tuyến được thì báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Giao thông vận tải tổng hợp) cho phép lập dự án đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định hiện hành.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xác định các tuyến đường (đã được UBND tỉnh giao danh mục) có khối lượng đá lớn, chủ trì tổ chức cùng các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải kiểm tra hiện trường, xác định sơ bộ khối lượng đá theo lý trình từng tuyến đường, thống nhất phương án hỗ trợ. Trên cơ sở đó UBND huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng xác định khối lượng đá cụ thể trên từng kilômét và báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp) quyết định mức hỗ trợ cụ thể.

- Công tác phá đá trên các tuyến đường giao thông nông thôn nếu yêu cầu phải nổ mìn phá đá, phải giao cho đơn vị có chức năng thực hiện theo quy định.

2. Ngân sách cấp huyện hỗ trợ:

Công tác khảo sát, thiết kế; hướng dẫn kỹ thuật, giám sát thi công; nghiệm thu hoàn công công trình: Hồ sơ khảo sát thiết kế mở mới đường giao thông (trừ đường ngõ, xóm) được lập theo hình thức đơn giản do các phòng ban chuyên môn của huyện (phòng Kinh tế và Hạ tầng, phòng Quản lý đô thị…) phối hợp với Ban Quản lý xã thực hiện gồm: Thuyết minh, bản vẽ (bình đồ, mặt cắt dọc, mặt ngang điển hình, công trình thoát nước, biển báo…). Bình đồ chỉ yêu cầu vẽ đường sườn tuyến, không vẽ đồng mức, thể hiện các vị trí công trình thoát nước phải đảm bảo phù hợp, là cơ sở để đầu tư nâng cấp giai đoạn sau.

- Mức khoán gọn kinh phí hỗ trợ bình quân cho vật liệu, văn phòng phẩm của công tác khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công và quá trình phối hợp thực hiện quản lý xây dựng dự án đường cấp A, B (không kể đường ngõ, xóm) là: 5 triệu đồng/km, cho các công việc sau:

+ Lập hồ sơ khảo sát, thiết kế, viết thuyết minh, lập dự toán (chỉ tính đến chi phí trực tiếp và thuế, phân rõ các loại nguồn vốn): 2,5 triệu đồng.

+ Hướng dẫn kỹ thuật thi công đường cấp A, B; hướng dẫn an toàn lao động, vệ sinh môi trường; giám sát thi công; lập hồ sơ nghiệm thu, tài liệu hoàn công công trình: 2,5 triệu đồng.

3. Nhân dân tự thực hiện mở mới đường GTNT gồm:

a) Nhân dân tự bàn bạc hiến đất và giải phóng mặt bằng;

b) Thi công nền đường;

c) Tận dụng vật liệu khi thi công nền đường, để rải móng đường chống trơn lầy;

d) Xây dựng các công trình vượt suối tạm. Trường hợp phải làm tràn, cầu, Ủy ban nhân dân xã báo cáo Ủy ban nhân dân huyện lập dự án đầu tư theo kế hoạch hàng năm.

đ) Mua sắm dụng cụ, tổ chức huy động nguồn lực trong dân.

e) Mở mới đường ngõ, xóm: Nhân dân tự huy động 100% nguồn lực, để xác định hướng tuyến và thi công hoàn thành tuyến đường.

Điều 4. Hỗ trợ đầu tư bê tông hoặc nhựa hóa đường GTNT

1. Ngân sách tỉnh quản lý hỗ trợ:

a) Hỗ trợ 100% xi măng hoặc nhựa đường và vận chuyển đến địa điểm tập kết (mà ô tô vào được) đối với tuyến đường trục thôn, xã có bề rộng mặt đường từ 3,0m trở lên và đường nội đồng có bề rộng mặt từ 2,5m trở lên đã được xã, huyện đăng ký với tỉnh thực hiện thi công trong năm kế hoạch. Cụ thể:

- Đối với mặt đường bê tông xi măng (chưa bao gồm khối lượng mở rộng tại các nút giao và điểm tránh xe):

Bảng 4.1

STT

Chiều rộng mặt đường

Đơn vị

Khối lượng xi măng hỗ trợ

1

Chiều rộng mặt đường Bm=3,5m; chiều dày mặt đường 16cm

tấn/km

190

2

Chiều rộng mặt đường Bm=3,0m; chiều dày mặt đường 16cm

tấn/km

163

3

Chiều rộng mặt đường Bm=2,5m; chiều dày mặt đường 16cm

tấn/km

136

- Đối với mặt đường láng nhựa (chưa bao gồm khối lượng mở rộng tại các nút giao và điểm tránh xe):

Bảng 4.2

STT

Chiều rộng mặt đường

Đơn vị

Khối lượng nhựa đường hỗ trợ

1

Chiều rộng mặt đường Bm =3,5m

tấn/km

10.5

2

Chiều rộng mặt đường Bm =3,0m

tấn/km

9

3

Chiều rộng mặt đường Bm =2,5m

tấn/km

7.5

- Trường hợp tuyến đường trọng yếu của xã, cần tăng quy mô xây dựng (chiều rộng, chiều dày) mặt đường, phải được Sở Giao thông vận tải và các ngành có liên quan thống nhất, trình UBND tỉnh quyết định mức hỗ trợ xi măng hoặc nhựa đường cụ thể.

b) Hỗ trợ 100% vật liệu: Đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới trong diện đầu tư của Chương trình 135 năm giai đoạn 2016-2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Vật liệu móng, mặt đường bê tông xi măng (cát vàng, đá dăm hoặc sỏi); vật liệu làm móng, mặt đường láng nhựa (đá dăm, cấp phối đá dăm) đến địa điểm tập kết mà xe ô tô vào được. Trong đó: Kinh phí tỉnh hỗ trợ vật liệu rải móng đường tối đa không được vượt quá mức kinh phí rải cấp phối chống trơn lầy với vật liệu tương đương quy định tại Khoản 1 Điều 5 Quyết định này.

c) Hỗ trợ 50% phần khối lượng vật liệu móng, mặt đường bê tông xi măng hoặc láng nhựa (trừ xi măng và nhựa đường) gồm: Vật liệu làm móng, mặt đường bê tông xi măng (cát vàng, đá dăm, hoặc hoặc sỏi); vật liệu làm móng, mặt đường láng nhựa (đá dăm, cấp phối đá dăm) đến địa điểm tập kết mà xe ô tô vào được đối với các công trình đường giao thông thuộc các xã còn lại (trừ các xã, thôn theo Mục b Khoản 1 Điều này) chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

d) Không hỗ trợ vật liệu (trừ xi măng và nhựa đường) làm móng, mặt đường bê tông xi măng hoặc láng nhựa cho các xã đã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

đ) Kinh phí hỗ trợ sẽ được cấp trên cơ sở hồ sơ dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt; dự toán được tính đến trực tiếp phí và thuế (nếu có).

2. Ngân sách cấp huyện hỗ trợ:

a) Hỗ trợ lập hồ sơ khảo sát, thiết kế; hướng dẫn kỹ thuật, giám sát thi công; nghiệm thu, hoàn công công trình:

- Các phòng ban chuyên môn của huyện, thành phố (phòng Kinh tế và Hạ tầng, phòng Quản lý đô thị…) phối hợp Ban Quản lý xã, căn cứ tài liệu hoàn công nền đường và hiện trạng tuyến đường, thực hiện khảo sát, thiết kế theo hình thức đơn giản: Đo vẽ bình đồ hướng tuyến, trắc dọc, trắc ngang; thiết kế nâng cấp mặt đường và công trình thoát nước. Yêu cầu các vị trí đặt cống, phải đo đạc, thiết kế đảm bảo thoát nước và an toàn. Cho phép sử dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình trong khâu thiết kế.

- Mức hỗ trợ khảo sát, thiết kế, thuyết minh, lập dự toán, hướng dẫn kỹ thuật thi công, hướng dẫn an toàn lao động, vệ sinh môi trường, giám sát thi công và lập hồ sơ nghiệm thu, tài liệu hoàn công công trình nâng cấp mặt BTXM hoặc láng nhựa đường GTNT là: 2,5 triệu đồng /km;

b) Thực hiện công tác lu lèn móng đường của toàn bộ các tuyến đường (kể cả các tuyến đường được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% vật liệu), lu lèn mặt đường đối với mặt đường láng nhựa;

c) Hỗ trợ 50% phần khối lượng vật liệu còn lại đối với các xã đã được tỉnh hỗ trợ 50% vật liệu móng, mặt đường bê tông xi măng (cát vàng, đá dăm...), vật liệu làm móng, mặt đường láng nhựa (cấp phối đá dăm) đến địa điểm tập kết mà xe ô tô vào được.

d) Hỗ trợ 100% vật liệu (trừ xi măng và nhựa đường) và vận chuyển đến địa điểm tập kết mà xe ô tô vào được cho các xã đã hoàn thành nông thôn mới thông qua việc huy động các nguồn lực kết hợp với ngân sách của huyện.

đ) Hỗ trợ nhân công: Hỗ trợ người dân thuộc các thôn, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới trong diện đầu tư của Chương trình 135 năm giai đoạn 2016-2020 trực tiếp lao động làm đường là: 30 triệu đồng/km.

- Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn trên cơ sở chấm công những người dân tham gia thi công, lập phương án thanh toán tiền hỗ trợ cho người dân trực tiếp lao động làm đường, công khai và đúng đối tượng, có sự giám sát của nhân dân. Trường hợp muốn sử dụng kinh phí hỗ trợ nhân công mua sắm dụng cụ, thiết bị máy và vật liệu khác phục vụ cho việc sửa chữa máy và thi công đường bê tông thì phải họp dân, có biên bản đồng ý và thống nhất của người dân.

e) Hỗ trợ kinh phí lắp đặt biển báo hiệu đường bộ.

g) Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo các phòng ban chuyên môn của huyện, thành phố, các chủ đầu tư là Ủy ban nhân dân các xã, các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân… bàn bạc để có biện pháp huy động nguồn lực kết hợp ngân sách của huyện để thực hiện.

3. Nhân dân thực hiện:

a) Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn lập kế hoạch chi tiết vận động, huy động nhân dân bàn bạc để tự giải phóng mặt bằng, tổ chức thực hiện triển khai thi công tuyến đường: Hoàn thiện nền đường, đào khuôn đường, thi công công trình thoát nước, thi công móng đường, thi công mặt đường bê tông xi măng, đắp lề đường và các công việc phụ trợ xây dựng, hoàn thiện khác theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả vốn đầu tư.

b) Vận chuyển vật liệu được hỗ trợ (xi măng và vật liệu khác) từ địa điểm tập kết vào công trình (đoạn ô tô không vào được).

c) Có trách nhiệm quản lý, bảo quản các loại vật liệu (xi măng, cát, đá, sỏi...) trong quá trình thi công xây dựng công trình, đảm bảo các loại vật liệu xây dựng được bảo quản tốt, sử dụng đúng mục đích.

d) Khuyến khích các xã huy động các nguồn lực để có thể gia cố rãnh dọc thoát nước hai bên đường và xây dựng, hoàn thiện công trình phòng hộ như cọc tiêu, biển báo, tường phòng hộ, cây xanh... trên các tuyến đường.

đ) Tự huy động các loại vật liệu phụ cần thiết: cốp pha, ni lon lót đổ bê tông, cột chống, dây buộc... để phục vụ thi công công trình.

e) Đối với đường ngõ, xóm: Khuyến khích các hộ, nhóm hộ gia đình tự huy động nguồn lực, hoàn thiện quy mô xây dựng nền đường, tận dụng vật liệu địa phương để bê tông hoặc nhựa hóa mặt đường theo tiêu chuẩn quy định. Toàn bộ vật liệu xây dựng đường (xi măng, nhựa đường, cát, đá, sỏi...) do nhân dân tự bàn bạc huy động, đóng góp để thực hiện.

Điều 5. Hỗ trợ đầu tư Rải cấp phối chống trơn lầy

1. Ngân sách tỉnh quản lý hỗ trợ:

a) Đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới trong diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Hỗ trợ mức khoán gọn để sản xuất vật liệu, vận chuyển vật liệu, rải và lu lèn mặt đường đối với đường cấp A hoặc cấp B như sau:

- Trường hợp sử dụng vật liệu là đá dăm tiêu chuẩn, cấp phối đá dăm:

Bảng 5.1

STT

Chiều rộng mặt đường

Mức hỗ trợ
(triệu đồng/km)

1

Chiều rộng mặt đường Bm=3,5m

210

2

Chiều rộng mặt đường Bm=3,0m

180

- Trường hợp sử dụng vật liệu là cấp phối tự nhiên (cấp phối sỏi suối, sỏi đồi), cấp phối đá thải... chất lượng thấp hơn các loại cấp phối được quy định, nhưng vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép:

Bảng 5.2

STT

Chiều rộng mặt đường

Mức hỗ trợ
(triệu đồng/km)

1

Chiều rộng mặt đường Bm=3,5m

160

2

Chiều rộng mặt đường Bm=3,0m

135

b) Đối với các còn lại (trừ các xã, thôn theo Mục a Khoản 1 Điều này): Hỗ trợ khoán gọn để sản xuất vật liệu, vận chuyển vật liệu, rải và lu lèn mặt đường đối với đường cấp A hoặc cấp B như sau:

- Trường hợp sử dụng vật liệu là đá dăm tiêu chuẩn, cấp phối đá dăm:

Bảng 5.3

STT

Chiều rộng mặt đường

Mức hỗ trợ
(triệu đồng/km)

1

Chiều rộng mặt đường Bm=3,5m

190

2

Chiều rộng mặt đường Bm=3,0m

160

- Trường hợp sử dụng vật liệu là cấp phối tự nhiên (cấp phối sỏi suối, sỏi đồi), cấp phối đá thải... chất lượng thấp hơn các loại cấp phối được quy định, nhưng vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép:

Bảng 5.4

STT

Chiều rộng mặt đường

Mức hỗ trợ
(triệu đồng/km)

1

Chiều rộng mặt đường Bm=3,5m

140

2

Chiều rộng mặt đường Bm=3,0m

120

2. Ngân sách cấp huyện hỗ trợ:

Lập hồ sơ khảo sát, thiết kế: Nội dung công việc và mức hỗ trợ kinh phí thực hiện khảo sát, thiết kế rải cấp phối chống trơn lầy thực hiện như nội dung công việc và mức hỗ trợ kinh phí đối với công tác khảo sát, thiết kế phần làm mặt bê tông hoặc láng nhựa quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 4 Quyết định này.

3. Phần khối lượng nhân dân thực hiện

a) Đối với công trình rải cấp phối móng, mặt đường chống trơn lầy:

- Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn lập kế hoạch chi tiết vận động, huy động nhân dân bàn bạc để tự giải phóng mặt bằng, tổ chức thực hiện triển khai thi công tuyến đường: Đào sửa nền đường, đào khuôn đường, làm rãnh xương cá, xếp đá vỉa, đào sửa rãnh dọc, đắp phụ lề đường, thi công mặt đường, công trình thoát nước, các công việc phụ trợ xây dựng và hoàn thiện khác theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả vốn đầu tư.

- Ban quản lý xã vận động thống nhất với nhân dân để mọi người hưởng ứng tự nguyện tham gia đóng góp nguyên vật liệu, ngày công, huy động nguồn lực để kiên cố hóa đường Giao thông nông thôn, xây dựng công trình thoát nước. Ủy ban nhân dân xã căn cứ vào loại vật liệu rải mặt đường, cự ly vận chuyển vật liệu, mức độ khó khăn của từng tuyến đường để họp bàn với dân, chủ động điều chỉnh, khoán gọn kinh phí từng đoạn đường, tuyến đường trong phạm vi vốn được phân bổ cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để tất cả các tuyến đường trong năm kế hoạch cùng có khả năng triển khai thi công và hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ.

b) Đối với đường đường liên gia, ngõ, xóm.

Các hộ, nhóm hộ gia đình bàn bạc, tự huy động nguồn lực hoàn thiện xây dựng nền đường, tận dụng vật liệu địa phương để rải cấp phối, đá dăm, lát gạch, lát đá...

Điều 6. Hỗ trợ xây dựng công trình cống thoát nước

1. Ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ:

a) Cống thoát nước: Tỉnh hỗ trợ khoán gọn bình quân để xây dựng, hoàn thiện một cống thoát nước (khẩu độ ≤ 1,0m) trên đường giao thông nông thôn theo thiết kế được duyệt theo các mức sau:

- 24 triệu đồng/1 cống thoát nước ngang ϕ100cm;

- 18 triệu đồng/1 cống thoát nước ngang ϕ75cm;

- 17 triệu đồng/1 cống bản 75x75cm;

- 12 triệu đồng/1 cống bản 50x50cm;

- Trường hợp đặt ống thép ϕ150mm, dày 3mm trở lên, đặt ở chiều sâu so với mặt đường tối thiểu là 30cm: 0,5 triệu đồng/m dài ống.

b) Rãnh thoát nước: Tỉnh hỗ trợ xi măng gia cố rãnh thoát nước dọc bằng bê tông xi măng tại những đoạn đường có độ dốc dọc ≥ 10% và chiều dài đoạn rãnh ≥ 20m. Mức hỗ trợ xi măng 6,28 tấn/100m dài (đối với rãnh mặt cắt hình thang, kích thước 40x40x80cm, chiều dày 15cm).

2. Ngân sách cấp huyện hỗ trợ:

- Thiết kế các công trình thoát nước, giám sát quá trình thi công, hướng dẫn thi công các công trình (cống, rãnh) thoát nước.

- Hỗ trợ vật liệu cát, đá để xây dựng hoàn thiện rãnh thoát nước thông qua việc huy động các nguồn lực kết hợp với ngân sách của huyện.

3. Nhân dân thực hiện:

Bàn bạc để tự giải phóng mặt bằng, huy động nhân lực tổ chức thực hiện triển khai thi công hoàn thiện các công trình thoát nước (cống, rãnh) theo hồ sơ thiết kế, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả vốn đầu tư.

Chương IV

QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN

Điều 7. Lập kế hoạch xây dựng đường Giao thông nông thôn

1. Nguyên tắc chung lập kế hoạch

a) Việc lập kế hoạch đầu tư đường giao thông nông thôn được triển khai cùng việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy trình theo quy định tại Quyết định số 1131/QĐ-UBND ngày 25/4/2015 của UBND tỉnh về quy trình đổi mới phương pháp lập kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm trên địa bàn tỉnh; đồng thời theo quy trình lập kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2016 -2020) và hàng năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (lập kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng) theo quy định hiện hành của Trung ương và của UBND tỉnh Lào Cai.

b) Các xã, các thôn, bản căn cứ các quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới của xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; căn cứ định hướng khả năng nguồn lực từ cấp tỉnh, huyện hỗ trợ và khả năng huy động của xã; căn cứ tình hình thực tế mạng lưới đường giao thông trong xã, thôn để lựa chọn và đăng ký kế hoạch xây dựng đường giao thông cả giai đoạn 2016-2020 và hằng năm. Kế hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn phải được đưa ra nhân dân bàn bạc công khai và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của nhân dân. Trong đó có cam kết về sự tự nguyện tham gia, đóng góp để xây dựng đường giao thông nông thôn theo quy định tại Quyết định này. Ưu tiên đầu tư nâng cấp trước các tuyến đường đi qua nhiều thôn bản, các vùng đông dân cư, các tuyến đường thiết yếu cho việc vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đắc lực cho xóa đói, giảm nghèo cải thiện đời sống nhân dân của địa phương.

Ưu tiên lựa chọn đăng ký bê tông hóa mặt đường đối với các tuyến trục xã, liên thôn đã có chiều rộng nền đường tối thiểu 4,0m trở lên.

Đối với các tuyến đường giao thông nông thôn đã được ngân sách tỉnh hỗ trợ rải mặt cấp phối, sau thời gian sử dụng tối thiểu 5 năm (tính từ ngày bàn giao đưa vào sử dụng) mới được tiếp tục đề nghị sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ để nâng cấp mặt đường bê tông xi măng (trừ các đường trục xã ở các xã phấn đấu trong năm hoàn thành tiêu chí nông thôn mới và các tuyến đường không đề nghị sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh).

c) Các phòng, ban chuyên môn của các huyện, thành phố (phòng Kinh tế và Hạ tầng, phòng Quản lý đô thị, phòng Tài chính - Kế hoạch…) chịu trách nhiệm rà soát, tổng hợp nhu cầu đăng ký xây dựng đường giao thông nông thôn của các xã, tham mưu cho UBND huyện, thành phố trình UBND tỉnh giao kế hoạch thực hiện hằng năm thông qua Sở Giao thông vận tải tổng hợp.

d) UBND các huyện, thành phố khi trình UBND tỉnh giao kế hoạch thực hiện xây dựng đường giao thông hằng năm, phải cam kết hỗ trợ nguồn lực của huyện theo các nội dung đã nêu tại Quy định này đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng kế hoạch.

2. Về quy trình, nội dung cụ thể công tác lập kế hoạch của cấp xã, cấp huyện đăng ký, đề xuất đến cấp tỉnh do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể trong các kỳ triển khai lập kế hoạch.

Điều 8. Lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư

1. Nguyên tắc chung: Căn cứ kế hoạch danh mục công trình đường giao thông; tùy theo công trình được đầu tư theo nguồn vốn thuộc các chương trình, các huyện, thành phố chỉ đạo phòng, ban hoặc UBND xã lập, trình duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; Quyết định số 2200/QĐ-UBND ngày 08/7/2016 của UBND tỉnh Lào Cai về lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó các công trình có tổng mức vốn đầu tư từ 5 tỷ đồng trở lên, thực hiện theo quy định đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành; đối với các công trình có tổng mức vốn đầu tư dưới 5 tỷ đồng, thực hiện theo cơ chế quản lý đặc thù, quy trình rút gọn cho các công trình nhóm C quy mô nhỏ.

2. Cụ thể về Trình tự, thủ tục lập, duyệt Chủ trương đầu tư công trình: Giao Sở Kế hoạch và Đầu chủ trì phối hợp các ngành liên quan căn cứ các văn bản quy định của Trung ương để ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Điều 9. Lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo KTKT công trình

1. Lập hồ sơ khảo sát, thiết kế công trình:

a) Các phòng, ban chuyên môn của các huyện, thành phố (phòng Kinh tế và Hạ tầng, phòng Quản lý đô thị…) phối hợp với chủ đầu tư lập hồ sơ khảo sát, thiết kế công trình và chịu trách nhiệm về hồ sơ khảo sát, thiết kế được lập. Nội dung cơ bản của hồ sơ khảo sát, thiết kế bao gồm: Tên công trình, mục tiêu đầu tư, địa điểm xây dựng, quy mô kỹ thuật công trình, thời gian thi công, thời gian hoàn thành, nguồn vốn đầu tư và cơ chế huy động nguồn lực kèm theo thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán. Số lượng hồ sơ thiết kế 05 bộ.

b) Trước khi thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ khảo sát, thiết kế, Chủ đầu tư phải lấy ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư về nội dung hồ sơ khảo sát, thiết kế. Ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư phải được tổng hợp ghi thành biên bản, là tài liệu bắt buộc có trong hồ sơ thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thẩm định, phê duyệt hồ sơ khảo sát, thiết kế công trình:

a) Ủy ban nhân dân huyện, thành phố là cấp quyết định đầu tư, phê duyệt hồ sơ khảo sát, thiết kế các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn.

b) Hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt hồ sơ khảo sát thiết kế gồm:

- Tờ trình xin phê duyệt dự án của Ban quản lý xã gồm các nội dung: Tên dự án, chủ đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô và địa điểm xây dựng, tổng mức đầu tư, nguồn vốn đầu tư, phương án huy động vốn đầu tư, thời gian khởi công và hoàn thành, các nội dung khác (nếu thấy cần giải trình);

- Hồ sơ khảo, sát thiết kế (thuyết minh, bản vẽ) và dự toán công trình. c) Thẩm định, phê duyệt hồ sơ khảo sát thiết kế:

- UBND huyện, thành phố giao cơ quan chuyên môn tổ chức thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Thời gian thẩm định không quá 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Nội dung thẩm định bao gồm:

+ Xem xét các yếu tố đảm bảo tính hiệu quả bao gồm: Sự cần thiết đầu tư, quy mô, thời gian thực hiện, hiệu quả kinh tế - xã hội;

+ Xem xét đảm bảo tính khả thi bao gồm: Nhu cầu sử dụng đất, dự toán và khả năng huy động nguồn lực.

Điều 10. Lựa chọn và phê duyệt kết quả lựa chọn đơn vị thi công

1. Các hình thức lựa chọn:

Việc lựa chọn nhà thầu xây dựng đường giao thông nông thôn thực hiện theo 3 hình thức:

- Giao các cộng đồng dân cư thôn (những người hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình) tự thực hiện xây dựng;

- Lựa chọn nhóm thợ, cá nhân trong xã có đủ năng lực để xây dựng;

- Lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu (theo quy định hiện hành). Khuyến khích thực hiện hình thức giao cộng đồng dân cư hưởng trực tiếp từ công trình, nhóm thợ, cá nhân trong xã có đủ năng lực thực hiện xây dựng.

2. Quy trình lựa chọn nhà thầu là cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ:

a) UBND xã dự thảo hợp đồng trong đó bao gồm các yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, chất lượng, tiến độ công việc cần đạt được, giá hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên.

b) UBND xã niêm yết thông báo công khai về việc mời tham gia thực hiện gói thầu tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo trên các phương tiện truyền thông cấp xã, các nơi sinh hoạt cộng đồng để các cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể và tổ, nhóm thợ trên địa bàn biết. Thông báo cần ghi rõ thời gian họp bàn về phương án thực hiện gói thầu.

c) Cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ quan tâm nhận dự thảo hợp đồng để nghiên cứu và chuẩn bị hồ sơ năng lực bao gồm: Họ tên, độ tuổi, năng lực và kinh nghiệm phù hợp với tính chất gói thầu của các thành viên tham gia thực hiện gói thầu.

d) UBND xã xem xét, đánh giá lựa chọn ra cộng đồng dân cư hoặc tổ chức đoàn thể hoặc tổ, nhóm thợ tốt nhất và mời đại diện vào đàm phán và ký kết hợp đồng.

Trường hợp chỉ có một cộng đồng dân cư hoặc tổ chức đoàn thể hoặc tổ, nhóm thợ quan tâm thì xem xét giao cho cộng đồng dân cư hoặc tổ chức đoàn thể hoặc tổ, nhóm thợ đó thực hiện. Trường hợp không thể giao cho cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể thực hiện hoặc không có cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể quan tâm thì giao cho tổ, nhóm thợ thực hiện.

e) Thời gian tối đa từ khi thông báo công khai về việc mời tham gia thực hiện gói thầu đến khi ký kết hợp đồng là 30 ngày.

Điều 11. Nguồn vốn đầu tư

1. Ngân sách tỉnh hỗ trợ (thực hiện bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện, ngân sách huyện thực hiện bổ sung có mục tiêu cho ngân sách xã).

2. Ngân sách huyện hỗ trợ (thực hiện bổ sung có mục tiêu cho ngân sách xã).

3. Vốn ngân sách cấp xã.

4. Các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã cho từng dự án đầu tư cụ thể, do Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua và được đưa vào nguồn thu của ngân sách xã.

5. Các khoản đóng góp tự nguyện và viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân (trong và ngoài nước) được thực hiện như sau:

- Trường hợp đóng góp bằng tiền: Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện thu và nộp vào tài khoản Tiền gửi vốn đầu tư thuộc xã quản lý của ngân sách xã mở tại Kho bạc nhà nước (nếu đóng góp bằng ngoại tệ thì ngoại tệ được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán ngoại tệ do Kho bạc Nhà nước công bố hàng tháng).

- Trường hợp nguồn đóng góp bằng hiện vật và ngày công lao động hoặc bằng công trình hoàn thành: Căn cứ đơn giá hiện vật và giá trị ngày công lao động để hạch toán vào giá trị công trình, dự án để theo dõi, quản lý, không hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước.

Điều 12. Huy động và quản lý sử dụng vốn đầu tư

1. Việc quản lý các nguồn vốn được thực hiện theo Quyết định 1600/QĐ- TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và các quy định, hướng dẫn của tỉnh có liên quan.

2. Giao Ủy ban nhân dân cấp xã làm chủ đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn. Ủy ban nhân dân các xã chủ động lập kế hoạch quản lý, huy động các nguồn lực để tổ chức, triển khai thực hiện; có quyền tự chủ trong chi tiêu để mở mới, kiên cố hóa các tuyến đường đảm bảo chất lượng, tiến độ; tổ chức quản lý, bảo quản các loại vật liệu, nguồn lực không được để thất thoát và sử dụng sai mục đích.

3. Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã vận động, thống nhất với nhân dân để mọi người hưởng ứng tự nguyện tham gia đóng góp trong việc hiến đất, giải phóng mặt bằng; vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp nguyên vật liệu, ngày công, huy động nguồn lực để mở mới, kiên cố hóa đường Giao thông nông thôn, xây dựng công trình thoát nước.

4. Khuyến khích các tổ chức, đoàn thể, đơn vị, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia tích cực đóng góp trong việc tạo điều kiện đầu tư, hỗ trợ nhân dân các thôn bản hoàn thành chương trình phát triển đường Giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Điều 13. Quản lý chất lượng, nghiệm thu, bàn giao công trình hoàn thành

1. Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Quản lý đô thị các huyện, thành phố: Hướng dẫn cụ thể về quản lý kỹ thuật, chất lượng công trình trong triển khai thực hiện xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn; phối hợp với Ban Quản lý xã phân công cụ thể cán bộ kỹ thuật phụ trách quản lý chất lượng và tiến độ từng tuyến đường (kể cả đường ngõ, xóm). Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo thực hiện giám sát cộng đồng theo quy định.

2. Các bước và thành phần nghiệm thu:

a) Nghiệm thu chuyển bước thi công;

b) Nghiệm thu hạng mục công trình hoàn thành;

c) Nghiệm thu bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, quản lý, khai thác và bảo dưỡng thường xuyên.

d) Thành phần nghiệm thu chủ yếu gồm: Ban Quản lý xã, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Quản lý đô thị các huyện, thành phố; cán bộ chịu trách nhiệm khảo sát thiết kế, hướng dẫn kỹ thuật, giám sát thi công; giám sát cộng đồng của xã; Trưởng thôn bản nhận bàn giao quản lý, khai thác và bảo dưỡng đường.

3. Nội dung nghiệm thu bàn giao công trình:

a) Mở mới đường giao thông:

- Căn cứ thực tế công trình hoàn thành và hồ sơ thiết kế để nghiệm thu tuyến đường về: Kích thước hình học (chiều dài, chiều rộng), độ dốc dọc, rãnh dọc thoát nước, cống, mái dốc ta luy và các chỉ tiêu kỹ thuật khác của tuyến đường.

- Lập biên bản nghiệm thu hoàn thành và bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

b) Nâng cấp mặt đường bằng bê tông xi măng và cấp phối:

Căn cứ thực tế công trình hoàn thành và hồ sơ thiết kế được duyệt:

- Nghiệm thu chiều dài tuyến đường thực tế và lượng xi măng, vật liệu được hỗ trợ theo chiều dài tuyến đường thực tế.

- Nghiệm thu chất lượng công trình: Nghiệm thu chất lượng chất lượng móng đường và mặt đường; nghiệm thu chiều dày, chiều rộng, độ dốc, khe co giãn, siêu cao mặt đường... theo thiết kế.

- Nghiệm thu công trình thoát nước đảm bảo tuân thủ hồ sơ thiết kế và thoát nước tốt.

- Nghiệm thu công tác đắp lề đường: Yêu cầu công trình trước khi bàn giao đưa vào sử dụng phải hoàn thiện xong công tác đắp lề đường để đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu mặt đường.

- Lập biên bản nghiệm thu hoàn thành và bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

c) Sau khi nghiệm thu, toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến công trình do Ủy ban nhân dân xã lưu trữ, công trình được giao cho các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo dưỡng thường xuyên theo quy định.

Điều 14. Tạm ứng, thanh toán và thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình

1. Tạm ứng, thanh toán:

Việc tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24/02/2012 của Bộ Tài chính về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn

2. Quyết toán vốn đầu tư theo niên độ ngân sách hằng năm:

Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 210/2010/TT-BTC ngày 20/12/2010 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hằng năm; Quyết định số 23/2012/QĐ-UBND ngày 14/6/2012 của UBND tỉnh Lào Cai về quy định trình tự lập, gửi, thẩm định và thông báo kết quả thẩm định báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hằng năm trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

3. Quyết toán công trình hoàn thành:

3.1 Tất cả các công trình đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn do UBND huyện, thành phố quyết định đầu tư và giao cho UBND xã làm Chủ đầu tư khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng phải được quyết toán theo đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành, quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24/02/2016 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường thị, trấn và các văn bản hướng dẫn có liên quan của Bộ Tài chính làm cơ sở xác định giá trị tài sản cố định bàn giao cho đơn vị quản lý, thanh toán công nợ và tất toán tài khoản.

3.2. Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành:

Biểu mẫu báo cáo quyết toán theo quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 6, Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24/02/2012 của Bộ Tài chính.

3.3. Hồ sơ trình duyệt quyết toán: Chủ đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán, bao gồm các tại liệu sau:

3.3.1. Văn bản pháp lý (bản chính hoặc bản sao):

- Tờ trình đề nghị phê duyệt quyết toán;

- Quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật do UBND cấp huyện, thành phố phê duyệt;

- Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Báo cáo kinh tế - kỹ thuật do UBND cấp huyện, thành phố (nếu có);

- Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu do UBND xã phê duyệt;

- Hợp đồng kinh tế:

+ Hợp đồng giữa Chủ đầu tư và phòng Kinh tế - Hạ tầng hoặc Quản lý đô thị về khảo sát đăng ký đường cũ, công trình thoát nước, thiết kế bản vẽ thi công…;

+ Hợp đồng giao khoán giữa Chủ đầu tư và bên nhận thầu (giao khoán) thi công xây dựng công trình;

+ Hợp đồng giữa Chủ đầu tư với đơn vị cung cấp xi măng, vật liệu;

+ Hợp đồng giữa Chủ đầu tư với đơn vị có chức năng khi thực hiện mở nền đường bằng nổ mìn phá đá;

- Các văn bản pháp lý có liên quan khác:

+ Văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh, bổ sung thiết kế; hỗ trợ phá đá mở nền;

+ Biên bản xử lý kỹ thuật điều chỉnh, bổ sung thiết kế trong quá trình thi công;

+ Biên bản kiểm tra hiện trường của liên ngành xác định sơ bộ khối lượng đá;

3.3.2. Hồ sơ công trình:

a) Khảo sát, lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật:

- Hồ sơ báo cáo khảo sát;

- Hồ sơ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật;

- Biên bản nghiệm thu công việc, giá trị khối lượng khảo sát, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoàn thành.

- Biên bản thanh lý hợp đồng (nếu có);

- Các tài liệu khác có liên quan;

b) Hồ sơ thực hiện và hoàn thành công trình:

- Bản vẽ hoàn thành công trình có xác nhận của các đơn vị có liên quan;

- Hồ sơ quản lý chất lượng công trình:

+ Biên bản nghiệm thu vật tư, vật liệu đầu vào gồm: xi măng, cống thoát nước...

+ Biên bản nghiệm thu công việc - khối lượng thực hiện, chuyển bước thi công;

+ Biên bản nghiệm thu công trình hoàn thành để đưa vào sử dụng, khai thác;

- Hồ sơ, chứng từ có liên quan đến hỗ trợ nhân công làm đường bê tông, láng nhựa: Mua sắm dụng cụ, thiết bị máy, sửa chữa máy...

- Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành đề nghị quyết toán: Căn cứ theo dự toán được duyệt Chủ đầu tư và bên nhận thầu tổng hợp khối lượng thực tế thi công hoàn thành, đơn giá được duyệt, mức hỗ trợ của nhà nước (ngân sách tỉnh, huyện) để lập giá trị đề nghị quyết toán; trong đó chi tiết chi phí do nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp; tổ chức, cá nhân ủng hộ (nếu có).

3.4 Thời gian lập báo cáo, thẩm tra và phê duyệt quyết toán:

- Thời gian lập hồ sơ báo cáo quyết toán: 03 tháng, kể từ ngày ký biên bản nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng, khai thác.

- Thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán: 01 tháng, tính từ ngày cơ quan thẩm tra quyết toán nhận đủ hồ sơ theo quy định.

3.5 Thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán: Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm tra và trình UBND cấp huyện, thành phố phê duyệt quyết toán.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ

Điều 15. Sở Giao thông vận tải

Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành của tỉnh có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; tham mưu UBND tỉnh kế hoạch triển khai xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn hằng năm; thực hiện đào tạo, hướng dẫn về qui mô, tiêu chuẩn, kỹ thuật xây dựng đường giao thông nông thôn; tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc triển khai xây dựng theo kế hoạch được UBND giao; thực hiện tổng hợp, báo cáo theo định kỳ theo quy định.

Điều 16. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông vận tải, các sở, ngành liên quan bố trí nguồn vốn và hướng dẫn cụ thể các nội dung liên quan tới chuyên ngành; kiểm tra và báo cáo theo định kỳ.

2. Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên & Môi trường, các sở, ngành có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp Sở Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể các nội dung liên quan tới chuyên ngành, để nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện được thuận lợi, công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ. Kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện chương trình phát triển đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới báo cáo theo định kỳ.

Điều 17. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới

1. Ban Chỉ đạo tỉnh:

- Có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý, điều hành việc thực hiện các nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó tiêu chí giao thông là một trong 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới;

- Xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp và nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình báo cáo UBND tỉnh;

- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành với các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

2. Ban Chỉ đạo huyện, thành phố:

- Có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý, điều hành việc thực hiện các nội dung của Chương trình nông thôn mới trên phạm vi địa bàn huyện, thành phố trong đó có nội dung xây dựng và phát triển hệ thống giao thông nông thôn;

- Hướng dẫn, hỗ trợ rà soát, đánh giá thực trạng giao thông nông thôn; tổng hợp chung báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh;

- Hướng dẫn, hỗ trợ xã xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới; giúp UBND huyện tổ chức thẩm định và phê duyệt đề án theo đề nghị của UBND xã.

- Tổng hợp kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn hàng tháng, quý, năm và 5 năm báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh.

3. Ban Chỉ đạo xã:

- Có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý, điều hành việc thực hiện các nội dung của Chương trình nông thôn mới trên phạm vi địa bàn xã trong đó có nội dung xây dựng và phát triển hệ thống giao thông nông thôn;

- Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp trên để tổ chức chỉ đạo triển khai tại địa phương.

Điều 18. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

1. Trực tiếp chỉ đạo và có phương án, kế hoạch cụ thể trong việc hỗ trợ kịp thời, đầy đủ vật liệu chủ yếu cho các công trình, thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của huyện được nêu trong Quy định. Huy động các nguồn lực và vật liệu sẵn có của địa phương phục vụ xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn.

2. Chỉ đạo các đơn vị, phòng ban chuyên môn của huyện tạo điều kiện và phối hợp Ủy ban nhân dân các xã, thôn bản triển khai mạnh mẽ phong trào thi đua xây dựng đường Giao thông nông thôn trên địa bàn, đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả vốn đầu tư.

3. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện (phòng Kinh tế và Hạ tầng, phòng Quản lý đô thị) phối hợp với Ban Quản lý xã xác định vị trí mỏ vật liệu tập trung, vật liệu tận dụng trên tuyến đường để có kế hoạch khai thác. Tổ chức hướng dẫn kỹ thuật thi công, giám sát kỹ thuật, đôn đốc, kiểm tra các xã thực hiện chương trình xây dựng đường Giao thông nông thôn trong năm kế hoạch. Tổ chức tập huấn cho cán bộ xã, thôn bản và bà con nhân dân tại hiện trường (kể cả các hộ gia đình thực hiện thi công đường ngõ, xóm) để việc thực hiện thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Hướng dẫn các xã, thôn bản xây dựng quy chế, kế hoạch cụ thể trong việc quản lý khai thác và bảo trì sau đầu tư; có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo định kỳ theo qui định.

4. Định kỳ (hàng tháng, quý, năm) báo cáo UBND tỉnh kết quả xây dựng và phát triển hệ thống đường giao thông, những đề xuất kiến nghị, khó khăn, vướng mắc thông qua Sở Giao thông vận tải để tổng hợp.

Điều 19. Ủy ban nhân dân các xã, Ban Quản lý xã, Ban Phát triển thôn

1. Ủy ban nhân dân các xã chỉ đạo Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã (gọi tắt là Ban Quản lý xã) phối hợp phòng Kinh tế và Hạ tầng, phòng Quản lý đô thị các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hin xây dựng đường giao thông nông thôn. Ban Quản lý xã phân công cụ thể cho từng thành viên, tổ, nhóm thực hiện từ bước lập kế hoạch, tổ chức huy động các nguồn lực và nhân dân các thôn bản tham gia xây dựng đường bằng công lao động, tiền mặt, vật liệu máy móc, thiết bị, hiến đất... (nếu đóng góp bằng tiền thì cần được cộng đồng bàn bạc quyết định). Thực hiện nghiệm thu và bàn giao công trình hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ. Thanh, quyết toán công trình theo quy định. Tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng, tham gia đóng góp kinh phí, nguyên vật liệu và ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn. Thực hiện quy chế giám sát cộng đồng theo hướng dẫn của Ủy ban Mặt trận

Tổ quốc Việt Nam. Hướng dẫn Ban phát triển thôn công khai chi tiết việc thanh, quyết toán kinh phí, vật liệu hỗ trợ của nhà nước, nguồn lực huy động… để nhân dân được biết. Xây dựng quy chế, lập kế hoạch chi tiết trong việc quản lý khai thác, quản lý xe quá tải và bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường sau đầu tư. Có trách nhiệm báo cáo định kỳ theo qui định.

2. Ban phát triển thôn họp dân để cùng nhau xác định tầm quan trọng và lợi ích của con đường cũng như trách nhiệm là chủ thể xây dựng và trực tiếp quản lý khai thác, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn của mọi người trong thôn, bản; Thông báo kế hoạch hỗ trợ vốn, vật liệu cho từng tuyến đường, bàn bạc với nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng, tham gia đóng góp và huy động các nguồn lực khác, thống nhất thời gian thực hiện, chuẩn bị dụng cụ, nguyên vật liệu, thi công hoàn thành con đường đảm bảo chất lượng, an toàn lao động; thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân xã công khai việc thanh quyết toán chi tiết kinh phí, vật liệu hỗ trợ của nhà nước, nguồn lực huy động, để nhân dân được biết tham gia và giám sát.

Chương VI

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 20. Khen thưởng

Tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng đường Giao thông nông thôn hằng năm được khen thưởng cụ thể như sau:

1. Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Đối với cấp huyện, thành phố: Là đơn vị tiêu biểu xuất sắc nhất, hoàn thành chương trình kiên cố hóa đường Giao thông nông thôn với số km bình quân theo số xã là cao nhất, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

b) Đối với cấp xã: Là xã hoàn thành chương trình kiên cố hóa đường giao thông nông thôn với số km cao nhất, đảm bảo kỹ thuật, chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường; thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, bảo dưỡng đường GTNT.

2. Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Tặng cho huyện hoàn thành chương trình kiên cố hóa đường Giao thông nông thôn với số km bình quân theo số xã cao thứ hai, thứ ba toàn tỉnh.

b) Tặng một xã dẫn đầu của mỗi huyện, thành phố hoàn thành chương trình kiên cố hóa đường GTNT với số km cao nhất huyện, thành phố.

c) Tặng cho một tổ chức Đoàn thanh niên của xã và một tổ chức Đoàn trực thuộc Tỉnh đoàn dẫn đầu trong việc huy động nhiều ngày công nhất của đoàn viên, thanh niên tham gia kiên cố hóa đường giao thông với việc hoàn thành số km đường nhiều nhất, đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn lao động.

d) Khen thưởng cho tập thể, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân tham gia đóng góp, ủng hộ tiêu biểu nhất trong xây dựng đường Giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo quy định của tỉnh.

Điều 21. Xử lý vi phạm

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do thiếu trách nhiệm hoặc thực hiện trái với quy định, làm thất thoát, lãng phí nguồn lực đầu tư, gây tổn hại đến công trình, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Nhiệm vụ xây dựng đường giao thông nông thôn là một trong các tiêu chí nhằm đánh giá mức độ hoàn thành xây dựng nông thôn mới và là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành kế hoạch. Nếu huyện, xã nào không hoàn thành chỉ tiêu xây dựng đường Giao thông nông thôn, thi công không đảm bảo chất lượng thì huyện, xã đó được đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình.

Chương VII

TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Điều 22. Quy định chuyển tiếp

1. Các công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 01/01/2017 thì thực hiện theo Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND ngày 30/7/2013 của UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quy định về đầu tư xây dựng công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai và các quy định, hướng dẫn khác có liên quan;

2. Các công trình đã lập, thẩm định nhưng chưa được phê duyệt trước ngày Quy định này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định này.

Điều 23. Tổ chức phối hợp triển khai thực hiện

1. Sở Giao thông vận tải phối hợp các Sở, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tuyên truyền phổ biến sâu rộng nội dung Quy định đến nhân dân các xã trên địa bàn toàn tỉnh; Động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tích cực tham gia đóng góp hỗ trợ phát triển đường Giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí của Chính phủ.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Giao thông vận tải, để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

- Điều này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Quyết định 30/2017/QĐ-UBND

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy định về chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 134/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh Lào Cai

1. Điều 6 được sửa đổi như sau:

“Điều 6. Hỗ trợ xây dựng công trình cống, rãnh thoát nước, đường ngầm, tràn, tường chắn, công trình phòng hộ

Thực hiện theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 của HĐND tỉnh Lào Cai sửa đổi, bổ sung một số nội dung Chương V của Quy định điều chỉnh chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Nghị quyết số 86/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh Lào Cai”

Xem nội dung VB
- Điều này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Quyết định 30/2017/QĐ-UBND

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy định về chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 134/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh Lào Cai
...
2. Điều 11 được sửa đổi như sau:

“Điều 11. Nguồn vốn đầu tư, phân bổ kế hoạch vốn

1. Nguồn vốn đầu tư:

a) Ngân sách tỉnh hỗ trợ.

b) Ngân sách huyện hỗ trợ.

c) Vốn ngân sách cấp xã.

d) Các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã cho từng dự án đầu tư cụ thể, do Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua và được đưa vào nguồn thu của ngân sách xã.

đ) Các khoản đóng góp tự nguyện và viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân (trong và ngoài nước) được thực hiện như sau:

- Trường hợp đóng góp bằng tiền: Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện thu và nộp và tài khoản Tiền gửi vốn đầu tư thuộc xã quản lý của ngân sách xã mở tại Kho bạc nhà nước (nếu đóng góp bằng ngoại tệ thì ngoại tệ được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán ngoại tệ do Kho bạc nhà nước công bố hàng tháng).

- Trường hợp đóng góp bằng hiện vật và ngày công lao động hoặc bằng công trình hoàn thành: Căn cứ đơn giá hiện vật và giá trị ngày công lao động để hạch toán vào giá trị công trình, dự án để theo dõi, quản lý, không hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước.

2. Phân bổ kế hoạch vốn:

Thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 349/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về thanh toán, quyết toán nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây viết tắt là Thông tư số 349/2016/TT-BTC).”

Xem nội dung VB
- Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Quyết định 30/2017/QĐ-UBND

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy định về chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 134/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh Lào Cai
...
3. Khoản 1 Điều 14 được sửa đổi như sau:

“1. Tạm ứng, thanh toán:

Thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư số 349/2016/TT-BTC.”

Xem nội dung VB
- Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Quyết định 30/2017/QĐ-UBND

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy định về chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 134/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh Lào Cai
...
4. Điểm 3.1 ... Khoản 3 Điều 14 được sửa đổi như sau:

“3.1. Tất cả các công trình đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn do UBND huyện, thành phố quyết định đầu tư và giao cho UBND xã làm Chủ đầu tư khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng phải được quyết toán theo chế độ quản lý tài chính quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước làm cơ sở xác định giá trị tài sản cố định bàn giao cho đơn vị quản lý, thanh toán công nợ và tất toán tài khoản.

Xem nội dung VB
- Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Quyết định 30/2017/QĐ-UBND

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy định về chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 134/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh Lào Cai
...
4. ... điểm 3.2 Khoản 3 Điều 14 được sửa đổi như sau:
...
3.2. Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành:

Thực hiện theo Biểu mẫu báo cáo quyết toán theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.”

Xem nội dung VB