Quyết định 39/2014/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế Quản lý và sử dụng Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc kèm theo Quyết định 33/2012/QĐ-UBND
Số hiệu: 39/2014/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc Người ký: Phùng Quang Hùng
Ngày ban hành: 03/09/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2014/QĐ-UBND

Vĩnh Yên, ngày 03 tháng 9 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TỈNH VĨNH PHÚC BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 33/2012/QĐ-UBND NGÀY 15/10/2012 CỦA UBND TỈNH VĨNH PHÚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND ngày 19/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về một số chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2012 - 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 116/2013/NQ-HĐND ngày 20/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 92/TTr-SLĐTBXH ngày 27/8/2014 và kết quả thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 107/BC-STP ngày 27/8/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý và sử dụng Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc ban hành kèm theo Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND ngày 15/10/2012 của UBND tỉnh. Cụ thể như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:

a. Sửa đổi Khoản 4 Điều 5:

“4. Người đi xuất khẩu lao động được hưởng chính sách ưu đãi, bao gồm:

a) Người thuộc hộ hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng (theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng);

b) Người thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số;

c) Người thuộc đối tượng khác với đối tượng nêu tại Điểm a, Điểm b Khoản này.”

b. Bổ sung Khoản 5 Điều 5:

“5. Thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật ở nước ngoài theo hợp đồng, bao gồm:

a) Người thuộc hộ hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng (theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng);

b) Người thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số;

c) Người thuộc đối tượng khác với đối tượng nêu tại Điểm a, Điểm b Khoản này.”

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

a. Sửa đổi Điểm c Khoản 1 Điều 6:

“c) Đối với dự án có mức vay trên 30 triệu đồng trở lên phải có tài sản thế chấp, cầm cố theo quy định hiện hành hoặc bảo đảm tiền vay theo hướng dẫn của Ngân hàng chính sách xã hội. Riêng đối với cơ sở sản xuất kinh doanh của người tàn tật và Trung tâm Giáo dục lao động-xã hội nếu không có tài sản thế chấp theo quy định thì được bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay.”

b. Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 6:

“4. Đối với người đi làm việc ở nước ngoài, thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật ở nước ngoài theo hợp đồng:

Người đi làm việc ở nước ngoài, thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật ở nước ngoài theo hợp đồng phải có hộ khẩu thường trú từ 6 tháng trở lên và hiện đang sinh sống ở Vĩnh Phúc; có xác nhận về việc người vay thuộc hộ hưởng chính sách ưu đãi người có công, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trong trường hợp hưởng mức vay bằng 100% chi phí xuất cảnh và hưởng 12 tháng hỗ trợ lãi suất; có một trong các điều kiện sau:

a) Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật ở nước ngoài theo doanh nghiệp hoặc chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ theo giấy phép của Bộ Lao động-TB&XH thì phải có hợp đồng lao động, hợp đồng đi thực tập kỹ thuật ở nước ngoài ký với doanh nghiệp hoặc chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ đó.

b) Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân phải có giấy xác nhận đăng ký hợp đồng cá nhân do Sở Lao động-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc hoặc Cục Quản lý Lao động ngoài nước-Bộ Lao động-TB&XH cấp.

c) Đối với người lao động đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải có chứng từ nộp các khoản chi phí trước khi xuất cảnh theo quy định của Bộ Lao động-TB&XH và thông báo về việc tập trung để hoàn chỉnh thủ tục xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc của Sở Lao động-TB&XH.

d) Đối với mức cho vay trên 50 triệu đồng người vay phải có tài sản thế chấp, cầm cố theo quy định hiện hành hoặc bảo đảm tiền vay theo hướng dẫn của Ngân hàng chính sách xã hội.”

3. Sửa đổi Khoản 3 Điều 7 như sau:

“3. Vốn vay được sử dụng vào việc chi trả các chi phí, lệ phí hợp pháp cần thiết của người lao động để đi làm việc có thời hạn, đi thực tập kỹ thuật ở nước ngoài theo hợp đồng gồm: chi phí đào tạo, chi phí tư vấn hợp đồng; tiền ký quỹ; vé máy bay một lượt từ Việt Nam đến nước mà người lao động đến làm việc, thực tập kỹ thuật, các chi phí cần thiết khác ghi trong hợp đồng mà các hợp đồng đó (được yêu cầu đối với từng đối tượng) đã nêu tại Điểm a, b, c Khoản 4 Điều 6 của Quy chế này.”

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

a. Sửa đổi Điểm d Khoản 1 Điều 8:

“d) Đối với người làm việc ở nước ngoài, thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc hộ hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số: mức vay tối đa số tiền bằng tổng chi phí cần thiết mà người lao động phải đóng góp theo quy định ghi trong hợp đồng đối với từng thị trường.”

b. Bổ sung điểm e Khoản 1 Điều 8:

“e) Các đối tượng khác không thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi nêu tại điểm d Khoản 1 Điều này đi làm việc ở nước ngoài, thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật ở nước ngoài theo hợp đồng: mức vay tối đa số tiền bằng 80% tổng chi phí cần thiết mà người lao động phải đóng góp theo quy định ghi trong hợp đồng đối với từng thị trường.”

c. Sửa đổi Điểm e Khoản 2 Điều 8:

“e) Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật ở nước ngoài theo hợp đồng: Việc xác định thời hạn vay được căn cứ vào thời gian đi làm việc, đi thực tập sinh kỹ thuật ở nước ngoài theo hợp đồng và khả năng trả nợ của người vay nhưng tối đa không quá thời hạn đi làm việc, thời hạn thực tập kỹ thuật ở nước ngoài theo hợp đồng.”

d. Sửa đổi Điểm b Khoản 3 Điều 8:

“b) Đối với người đi làm việc ở nước ngoài, thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc hộ hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số: được hỗ trợ 100% lãi suất vay trong 12 tháng đầu.

Các đối tượng khác không thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài, đi thực tập kỹ thuật ở nước ngoài theo hợp đồng: được hỗ trợ 30% lãi suất vay trong 12 tháng đầu.”

e. Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 8:

“a) Đối với hộ gia đình, người lao động tự tạo việc làm tại chỗ vay vốn từ 30 triệu đồng trở xuống: Thực hiện cho vay ủy thác thông qua các Tổ tiết kiệm vay vốn (viết tắt là Tổ TK&VV).

Tổ TK&VV được các tổ chức chính trị-xã hội thiết lập ở tổ dân phố, thôn, bản. Đối với những nơi đã có Tổ TK&VV đang hoạt động thì Tổ trưởng Tổ TK&VV tổ chức kết nạp người cho vay vào tổ để họ thực hiện thủ tục vay vốn Ngân hàng. Đối với những nơi chưa có Tổ TK&VV thì Ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương chỉ đạo thành lập Tổ TK&VV để người vay thực hiện các thủ tục vay vốn Ngân hàng.

b) Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh vay vốn trên 30 triệu đồng: Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện cho vay trực tiếp tại Ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay.

c) Đối với người đi làm việc ở nước ngoài, thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật ở nước ngoài theo hợp đồng: Vay vốn từ 50 triệu đồng trở xuống thì thực hiện cho vay ủy thác thông qua các Tổ TK&VV; vay vốn trên 50 triệu đồng thì thực hiện cho vay trực tiếp tại Ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay”.

5. Sửa đổi Điểm a Khoản 2 Điều 9 như sau:

“- Đối với các dự án vay vốn thuộc hộ gia đình vay vốn từ 30 triệu đồng trở xuống Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua tổ chức chính trị - xã hội cấp xã thực hiện việc tổ chức thẩm định dự án vay vốn; đối với các dự án vay vốn của các cơ sở sản xuất kinh doanh vay vốn trên 30 triệu đồng thì Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay trực tiếp tổ chức thẩm định dự án vay vốn.

- Đối với người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đi thực tập kỹ thuật ở nước ngoài theo hợp đồng: Vay vốn từ 50 triệu đồng trở xuống, thực hiện cho vay ủy thác thông qua các Tổ TK&VV; vay vốn trên 50 triệu đồng thì thực hiện cho vay trực tiếp tại Ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 11/2014/QĐ-UBND ngày 04/3/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Ngành, đơn vị: Lao động- Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tư pháp, Ban Quản lý các khu công nghiệp; Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành thị; Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phùng Quang Hùng