Quyết định 229/QĐ-UBND năm 2015 về kế hoạch tổ chức thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn năm 2015 - 2016 do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành
Số hiệu: 229/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long Người ký: Trần Văn Rón
Ngày ban hành: 14/02/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 229/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 14 tháng 02 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN NĂM 2015 - 2016

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 80/2011/NĐ-CP , ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù;

Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 16/11/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ;

Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 04/TTr-CAT-PV11 ngày 06/02/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổ chức thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn năm 2015 - 2016.

Điều 2. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn và theo dõi việc tổ chức thực hiện Kế hoạch theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, thủ trưởng các sở, ban. ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Văn Rón

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN NĂM 2015 - 2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 229/QĐ-UBND, ngày 14/02/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)

Thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP , ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù và Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 16/11/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn năm 2015 - 2016 với những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU:

1. Tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương được giáo dục, giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất, tinh thần nhằm giúp họ hòa nhập với cộng đồng, ổn định cuộc sống.

2. Tổ chức thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan trong việc triển khai các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng.

3. Tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các ngành, các cấp và quần chúng nhân dân trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập tốt với cộng đồng.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI THỰC HIỆN:

1. Đối tượng:

- Những phạm nhân sắp hết thời hạn chấp hành án phạt tù tại Trại tạm giam, các Nhà tạm giữ thuộc Công an tỉnh.

- Những phạm nhân được đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù về địa phương chưa được xóa án tích theo quy định của pháp luật.

2. Phạm vi thực hiện:

Kế hoạch này được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

III. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM:

A. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN:

1. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng nhằm định hướng, khuyến khích, động viên việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử với người chấp hành xong án phạt tù, giúp họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Nội dung, hình thức tuyên truyền, tư vấn phải được thực hiện bằng nhiều phương pháp, hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với từng địa bàn, đối tượng.

2. Người chấp hành xong án phạt tù được tiếp nhận, quản lý, giáo dục trong thời gian kể từ khi về địa phương đến khi được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ cho họ được đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú, cấp lại giấy chứng minh nhân dân và các loại giấy tờ cần thiết khác.

3. Người chấp hành xong án phạt tù được quan tâm dạy nghề, giải quyết việc làm tùy thuộc vào điều kiện sức khoẻ, khả năng chuyên môn của bản thân, nhu cầu của người sử dụng lao động và điều kiện thực tế của địa phương; được xem xét hỗ trợ cho vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở địa phương để tạo việc làm và sản xuất kinh doanh.

4. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; khuyến khích việc tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc trong các đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh.

B. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM:

1. Công an tỉnh:

- Là cơ quan Thường trực, tham mưu giúp UBND tỉnh trong việc theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành đoàn thể có liên quan nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế thực hiện các chế độ, chính sách về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức cần thiết về tình hình kinh tế - xã hội, kỹ năng sống… để người chấp hành xong án phạt tù có ứng xử và định hướng phù hợp sau khi về địa phương cư trú.

- Chỉ đạo Công an cấp huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tham mưu giúp UBND cùng cấp tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; hướng dẫn Công an cấp huyện thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân khác theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo Công an cấp huyện tổng hợp tình hình, số liệu, đánh giá kết quả thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, gương điển hình tiên tiến, số người không về nơi cư trú, người tái phạm tội và vi phạm pháp luật khác trong phạm vi địa phương mình quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan Công an cấp trên, nắm, chỉ đạo.

- Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát, sơ kết, tổng kết theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu, báo cáo Bộ Công an, UBND tỉnh về kết quả thực hiện các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

Phối hợp chặt chẽ với Trại giam Bộ Quốc phòng, Trại tạm giam cấp Quân khu nắm danh sách những người chấp hành xong án phạt tù từ các Trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, Trại tạm giam cấp Quân khu về địa phương cư trú. Qua đó, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ, hỗ trợ, thực hiện các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng.

3. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

- Thực hiện tốt chính sách, dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống.

- Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức đào tạo, dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù; quan tâm giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho những người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống.

4. Sở Tư pháp:

- Chỉ đạo bộ phận chức năng theo dõi, cập nhật thông tin về xóa án tích và thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

- Rà soát, đánh giá lại hệ thống pháp luật hiện hành, phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót để kiến nghị, đề xuất bổ sung, sửa đổi những hạn chế, bất cập nhằm nâng cao hiệu quả thực tế các quy định của pháp luật đối với công tác tái hòa nhập cộng đồng.

5. Cục Thi hành án dân sự:

Chỉ đạo, hướng dẫn các Cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự, khoản thu nộp ngân sách nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù khi có đủ điều kiện và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

6. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí trong tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nội bộ và quần chúng nhân dân về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù để nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân; kêu gọi trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cá nhân trong việc xóa bỏ thái độ, hành vi định kiến, kỳ thị đối với người chấp hành xong án phạt tù và quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, góp phần phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tuyên truyền những gương điển hình, mô hình, cách làm hay, có hiệu quả thiết thực giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

7. Sở Tài chính:

- Bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập các quỹ xã hội, quỹ từ thiện do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đóng góp để hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù học nghề, tổ chức sản xuất, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ quan liên quan, UBND cấp xã quan tâm tạo điều kiện tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

- Tổ chức chỉ đạo việc dạy nghề, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo; hướng dẫn hoạt động từ thiện, nhân đạo giúp người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

9. Tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng:

- Thường xuyên nắm tình hình, hoạt động, diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng và những thuận lợi, khó khăn của người chấp hành xong án phạt tù để kịp thời phản ánh với cơ quan Công an, UBND cấp xã; đôn đốc, nhắc nhở họ chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của chính quyền địa phương, tích cực tham gia vào các hoạt động chung tại cộng đồng dân cư.

- Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trao đổi, thống nhất biện pháp giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tiếp tục học tập, tìm việc làm, giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống; kịp thời phát hiện, thông báo cho chính quyền và cơ quan chức năng địa phương về những biểu hiện, thái độ, hành vi vi phạm của người chấp hành xong án phạt tù để có biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

10. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh:

Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục lồng ghép việc thực hiện tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, kết hợp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức trong nhân dân về tái hòa nhập cộng đồng.

IV. THỜI GIAN TRIỂN KHAI VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG:

A. THỜI GIAN TRIỂN KHAI:

Căn cứ vào Kế hoạch này, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo từng giai đoạn như sau:

1. Giai đoạn 1: Từ quý I đến quý IV/2015:

- Tổ chức tuyên truyền rộng rãi các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhằm nâng cao nhận thức trong tầng lớp nhân dân về công tác tái hòa nhập cộng đồng.

- Tiến hành khảo sát, rà soát, thống kê, lập danh sách tất cả những người chấp hành xong án phạt tù về địa phương nơi cư trú nhưng chưa được xóa án tích (kể cả đối tượng đặc xá và đối tượng chấp hành xong án phạt tù từ địa phương khác đến).

- Từ kết quả khảo sát, thống kê tiến hành phân loại theo nhóm các đối tượng như sau:

+ Nhóm các đối tượng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có nghề nghiệp, không có việc làm, nhưng họ thật sự muốn hoàn lương, cần vốn để lao động, sản xuất, học nghề, tìm kiếm việc làm.

+ Nhóm các đối tượng chưa được đăng ký hộ khẩu thường trú, chưa được làm giấy chứng minh nhân dân hoặc các loại giấy tờ cần thiết khác.

+ Nhóm các đối tượng không trở về địa phương cư trú hoặc thường xuyên vắng mặt tại địa phương; đối tượng chấp hành xong án phạt tù từ địa phương khác đến tạm trú.

+ Nhóm các đối tượng xét thấy còn có khả năng, điều kiện hoạt động phạm tội, đối tượng hoạt động lưu động, đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, loại côn đồ, hung hãn, bảo kê, đòi nợ thuê…

- Trong những người hoàn lương, chọn ra những người thật sự tiêu biểu để tổ chức gặp mặt, nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ cần sự hỗ trợ, giúp đỡ những gì, qua đó giúp cho việc chỉ đạo công tác tái hòa nhập tốt hơn trong thời gian tới.

- Trích một phần kinh phí Nhà nước; mặt khác, vận động các doanh nghiệp làm ăn kinh tế có hiệu quả trên địa bàn hỗ trợ về vốn, việc làm nhằm giúp cho những người hoàn lương có cuộc sống ổn định, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái phạm tội xảy ra.

- Tổ chức gặp mặt người hoàn lương tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long năm 2015.

- Cuối quý IV/2015 tiến hành tổ chức sơ kết để rút kinh nghiệm và bổ sung nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo.

2. Giai đoạn 2: Từ quý I/2015 đến quý IV/2016:

- Nâng cao chất lượng các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng đã triển khai ở giai đoạn 1; duy trì thực hiện các biện pháp hay, cách làm hiệu quả; xây dựng và nhân rộng một số mô hình tiêu biểu trong công tác tái hòa nhập cộng đồng.

- Cuối quý IV/2016, tiến hành tổ chức Hội nghị tổng kết toàn diện việc thực hiện kế hoạch.

B. KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG:

- Kinh phí đảm bảo cho việc thực hiện kế hoạch được trích một phần từ ngân sách Nhà nước của địa phương; nguồn đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn quỹ khác theo quy định của pháp luật.

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND cấp huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, hàng năm dự trù kinh phí để đảm bảo thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng và quyết toán đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Giao Công an tỉnh chủ trì, tham mưu giúp UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo, thực hiện kế hoạch; tổng kết tình hình, kết quả thực hiện, tiến hành sơ kết, tổng kết đúng thời gian quy định.

Phối hợp với Sở Tài chính dự trù, đề xuất phân bổ kinh phí thực hiện, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt; đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí theo đúng quy định của pháp luật.

2. Các các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND cấp huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; đồng thời định kỳ quý, 6 tháng, năm, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để tổng hợp báo cáo theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương phản ánh về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để trao đổi, giải quyết./.

 





Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2011 về tăng cường hòa giải cơ sở Ban hành: 01/08/2011 | Cập nhật: 20/05/2013